Huawei : thử nhìn ngược lại Luật an ninh mạng Việt Nam
An Viên, VNTB, 26/05/2019
Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật an ninh mạng.
Huawei tiếp tục hứng chịu những tác dụng phụ của lệnh cấm từ Mỹ, khi mới đây nhất, doanh nghiệp này tiếp tục bị gạch tên ra khỏi Android Enterprise (danh sách thiết bị bảo mật cho doanh nghiệp).
Huawei - một tập đoàn tư nhân, nhưng là sân sau của đế chế công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Sự kết hợp giữa "quân sự - dân sự" được coi là chiến lược cấp quốc gia của Tập Cận Bình nhằm hiện đại hóa quân đội theo hướng tinh gọn, tiến tới hoàn thành "cơ bản việc hiện đại hóa quân đội vào năm 2035" như tuyên bố của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Huawei bị "đánh" toàn diện trên các mặt trận, gián tiếp tác động đến chiến lược của nhà lãnh đạo họ Tập.
Trong cuộc chiến lần này, theo một báo cáo mới nhất từ Reuters, 3/4 trong tổng số 250 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự định sẽ rời nước này để chuyển hướng hoạt động sang Mexico và các nước Đông Nam Á, trong số đó có không ít doanh nghiệp công nghệ.
Mặc dù, trong một tweeter trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc đang chết dần vì bị đánh thuế và các doanh nghiệp sẽ rời sản xuất sang Việt Nam và các quốc gia Châu Á khác. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong số nhiều lựa chọn được đặt ra, không phải là duy nhất.
Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến, tuy nhiên, nếu cơ chế của Việt Nam đủ để hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ.
Một trong những đối tác lắp ráp sản phẩm lớn của Apple, Pegatron sẽ dời dây chuyền sản xuất sang Indonesia, thay vì Việt Nam. Câu chuyện nhân công, hạ tầng cơ sở được cho là trở ngại lớn trong việc lựa chọn Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất - công nghệ. Tuy nhiên, nếu thuần về công nghệ, thì trở ngại lớn nhất lại đến từ… Luật an ninh mạng.
Không phải ngẫu nhiên, các doanh nghiệp công nghệ lớn bao gồm Google, Facebook và Twitter đã bày tỏ mối quan ngại lớn sau khi chính phủ Việt Nam thông qua một đạo luật hứa hẹn sẽ đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn đối với quyền tự do ngôn luận.
Các quy định về nội địa hóa dữ liệu, kiểm soát nội dung ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và các yêu cầu đặt văn phòng nội địa đã được cho là cản trở tham vọng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của quốc gia nhằm đạt được tăng trưởng GDP và công việc. Nói đúng hơn, những điều khoản mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong thời điểm còn là dự luật an ninh mạng được cho là sẽ đưa đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong và ngoài Việt Nam.
Giới "tinh hoa Việt Nam" đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, kể cả cảnh báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khi bày tỏ luật này sẽ gây tổn hại kinh tế vì không phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam và kìm hãm quyền con người.
Giới "tinh hoa Việt Nam" cũng bỏ qua cả lời cảnh báo của Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam (VCDA) khi tổ chức này nhấn mạnh, Luật an ninh mạng sẽ làm giảm 1,7% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và xóa sạch 3,1% đầu tư nước ngoài nếu nó có hiệu lực.
Giới "tinh hoa Việt Nam" nhấn mạnh : bảo vệ chế độ, và chính giới tinh hoa Việt Nam dường như sai lầm khi nghĩ rằng, Mỹ sẽ giống như thời kỳ Obama, thời kỳ mà Trung Quốc đã loại bỏ Cisco, Apple, IBM ra khỏi doanh sách mua sắm chính phủ, cấm các phần mềm của Mỹ như Symantec, Windows XP, McAfee, Micron,…
"Trà Trung Quốc ngon hơn Trà Việt Nam", và Việt Nam đã tìm cách học hỏi cách pha trà của Trung Quốc, bằng cách bắt chước ra Luật an ninh mạng trong đó tìm cách ngăn chặn tiếng nói bất đồng chính kiến trên internet và "quản lý chặt" doanh nghiệp công nghệ.
Việt Nam đang phải trả giá vì điều này. Khi những doanh nghiệp công nghệ Mỹ đã không tìm đến Việt Nam trong cuộc di tản khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại.
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ (Facebook, Paypal, Microsoft, Google) cũng đang tìm cách rời bỏ quốc gia này khi mà một dự luật tương tự như Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ ảo tưởng rằng, một thị trường nội địa đủ lớn sẽ đủ hấp dẫn các công ty công nghệ, buộc họ phải tuân thủ thay vì bỏ đi. Nhưng câu chuyện Huawei và sự thiết lập trật tự Mỹ trong thương mại của Tổng thống Donald Trump đã chứng minh ngược lại, bất kỳ một quốc gia gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ đều phải trả giá.
Huawei đang cho thấy điều đó, và bản thân Trung Quốc cũng cho thấy, đang trở thành nạn nhân của chính những gì mà quốc gia này (dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình) ảo tưởng có thể khống chế, đe dọa, và chèn ép doanh nghiệp Mỹ.
Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật an ninh mạng.
An Viên
Nguồn : VNTB, 26/05/2019
*****************
Lệnh cấm từ Google : Chuyện tình Huawei- Viettel sẽ đi về đâu ?
Kiều Phong, VNTB, 26/05/2019
Viettel-tập đoàn viễn thông quân đội được biết là đối tác lớn nhất của Huawei ở Việt Nam. Huawei sập tiệm ở toàn thế giới, chỉ còn hai đất sống là ở Trung Quốc và Việt Nam, cho nên tập đoàn "búa, liềm" của người Hoa bằng mọi cách sẽ ve vãn cho được đối tác Việt đừng từ bỏ mình.
Viettel không lộ liễu nhập các thiết bị di động Huawei. Hình ảnh điện thoại Huawei bị tẩy chay khắp thế giới, Thế giới di động tê liệt với Huawei còn Viettel thì chưa. Viettel không chú trọng kinh doanh điện thoại smartphone, nhưng Viettel đã ưu ái Huawei với các đơn đặt hàng thiết bị 5G của hãng này. Một nước như Mỹ có bảo Huawei xấu thì không sao, khi mọi nước đều nghe theo nước Mỹ bảo Huawei xấu thì vấn đề đã là rất khác. Do tính liên đới giữa các sản phẩm của cùng một hãng, Viettel không thể tránh được tiếng xấu là đi chơi với kẻ xấu.
Vietnamnet vừa có bài, Mỹ sẽ trừng phạt thêm 5 công ty Trung Quốc. Trung Quốc đã cấm hàng tá công ty công nghệ Mỹ lâu nay. Trong một thời gian dài, các nhà chính trị Mỹ không lên tiếng thì Trung Quốc tưởng Mỹ không để ý, cứ tiếp tục làm tới. Trung cộng tự thể hiện bản chất dã man nhất thế giới, đòi làm đại ca của thế giới, hàng thì hàng dỏm, các thứ điều dỏm cái gì cũng nhái. Đại ca hàng giả là Trung Quốc, bất kỳ hãng liu-riu nào chơi với đại ca ấy thì cũng lây các chứng bệnh của đại ca, trong đó có Viettel của Việt Nam.
Biết nó xấu rồi mà sao vẫn chơi với nó, vẫn hợp đồng với nó ? Vì thấy cái lời trước mắt. Những người như Võ Kim Cự hay các quan cấp cao thừa biết Formosa là Trung Quốc đội lốt Đài Loan, họ cũng thừa biết Formosa cố tình xả thải để giết hại môi sinh con người và biển cả, tại sao vẫn rước vào Hà Tĩnh ? Do được cái lời trước mắt. Hoàn toàn tương tự, Viettel thừa biết Huawei là đồ gián điệp, nhưng vì lợi nhuận cao quá, nên đành nhắm mắt rước Huawei về nhà mình. Nói đúng hơn là rước nó vào nước mình, bởi nước của toàn dân chứ không phải của riêng gì nhà Viettel.
Nối gót Google, cả Qualcomm, Intel cũng nghỉ chơi với Huawei, nghỉ chơi với hầu hết các hãng Trung Quốc. Amazon cũng có App store, Microsoft, Blackberry cũng có hệ điều hành OS riêng nhưng đều rớt đài với IOS của Apple , Android của Google... Tàu vẫn rất mạnh công nghệ, nhưng đột ngột thay đổi như vậy chỉ có từ ngáp tới ngủm. Thị trường Việt Nam quá bé không đủ sức để cứu Trung Quốc, Viettel cũng không thể giúp được Huawei. Bản thân Viettel cũng không vá nổi những ổ gà do mình gây ra trên đường Bắc tiến công nghệ. Chạy đua công nghệ, tiền bạc thuộc về chỉ một tỉ lệ nhỏ trùm công nghệ, danh tiếng thuộc về chỉ một số ít quan chức, còn nghèo đói và bất công xã hội thì dành cho phần lớn những người dân không theo được cuộc đua. Sao lại lấy ngân khố để bù lỗ cho Viettel mà không lấy ngân khố để trợ giá nông sản ? Tại vì những người nông dân học ít hơn các kỹ sư Viettel nên phải ưu tiên tiền vét tiền người học ít để nuôi người học nhiều ? Bất công xã hội do chạy đua kỹ thuật càng ngày càng lớn, dù biện minh kiểu gì thì cũng lòi ra đó.
Trong cuộc đi đêm với Huawei, tập đoàn Viettel không tránh khỏi đánh mất bản sắc người lính. Để chạy đua kinh tế, chạy đua công nghệ, Viettel đã mắc tai tiếng không gì gột rửa được. Việc cơ quan công quyền Hà Nội đánh gẫy xương đùi của cụ Lê Đình Kình để dâng đất cho Viettel chỉ là một ví dụ. Công nghệ máy móc đánh gãy cây lúa, và do đó là công nghệ đã đánh gẫy nguồn sống của người nông dân. Đến đây, đã có những gia đình người miền Bắc sống khá giả phải thốt lên rằng : "Việt Nam chỉ nên làm nông nghiệp, thiếu ti-vi thì bán lúa để mua ti-vi chứ đừng học đòi sản xuất ti-vi".
Các quan lớn hô hào phát triển kinh tế, phát triển kỹ thuật, thử hỏi thực tế có ngành nào làm mũi nhọn và làm nên bản sắc của Việt Nam để không lẫn lộn với các nước ? Thưa rằng không hề. Sân chơi nào Việt Nam cũng ghi danh tham gia nhưng không làm ông lớn được ở bất cứ một sân chơi cụ thể nào. Tốt nhất, theo lời những người già, đó là trở về với truyền thống lúa nước và nông nghiệp, chăm chút cho thế mạnh duy nhất đó cho đến khi nào đủ tiền đề để nhảy sang các lĩnh vực khác.
Tin cho biết, các ký giả quốc tế, Châu Âu và Hoa Kỳ đang điều tra các vi phạm lao động của Huawei. Bằng chứng về cưỡng bức lao động của tù nhân để tạo ra sản phẩm giá rẻ như điện thoại Huawei, thiết bị Huawei đang được thu thập càng ngày càng dày. Các nước mua thiết bị Huawei rồi cũng bị điều tra, các quan chức ký giấy tờ nhập khẩu đồ Huawei sớm muộn sẽ ra ánh sáng công luận. Viettel mua hàng của Huawei mà không thúc đẩy cải tiến quyền lợi cho người lao động Tàu là tiếp tay cho Huawei bóc lột người dân Tàu.
Nếu nghỉ giao thương với Huawei, liệu Viettel có thể tự lực về công nghệ được không ? Có lẽ là không, trong bối cảnh chương trình đào tạo sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn chú trọng lượng hơn phẩm. Viettel hay tìm người đã tốt nghiệp sẵn từ các trường công nghệ thông tin bên ngoài rồi mua vào làm trong doanh trại. Nói cách khác là Viettel chưa đào tạo từ gốc được nhân viên kỹ thuật, họ chỉ có kinh doanh phần ngọn. Về triết lý kinh doanh, Viettel chưa có triết lý kinh doanh nội khởi của mình, còn cái hiện tại của hai ông rậm râu bên Nga hay bên Đức nào đó thì không phải triết lý kinh doanh.
Kiều Phong
Nguồn : 26/05/2019
********************
Huawei đe dọa an ninh nước Anh
John Hemmings, VNTB, 26/05/2019
Huawei trong vùng nguy hiểm : Công ty viễn thông Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia của Anh
Huawei bị ràng buộc, chịu ảnh hưởng và sự chỉ đạo của Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc theo nhiều những cách thức khác nhau.
Tin tức về việc Hoa Kỳ đưa Huawei vào Danh sách đen được đưa ra khi Hiệp hội Henry Jackson công bố báo cáo về triển vọng đưa Huawei vào công cuộc xây dựng hệ thống mạng 5G của Vương quốc Anh. Tôi là đồng tác giả báo cáo này cùng với Thành viên Nghị viện Bob Seely và Giáo sư Peter Varnish. Công việc của tôi là xem xét các khiếu nại xung quanh vị thế của Huawei trong chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tất cả chúng ta đều đã được thấy những tuyên bố xung quanh nó là quá gần gũi với PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung quốc) và các cơ quan an ninh của nhà nước Trung Quốc, nhưng chúng có thực sự đúng như thế không ? Có phải những tuyên bố này chỉ là việc một nước Mỹ theo chủ nghĩa bảo hộ quá mức đang tìm cách để làm mất uy tín của một đối thủ công nghệ Trung Quốc thành công trong công cuộc cạnh tranh với Apple và Thung lũng Silicon ? Toàn bộ cuộc thảo luận này diễn ra sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Anh vào cuối tháng 4, trong thời gian Hội đồng đã quyết định rằng Huawei có thể tham gia vào một phần hạn chế trong mạng 5G của Vương quốc Anh.
Những phát hiện của chúng tôi hoàn toàn rõ ràng : Huawei bị ràng buộc, chịu ảnh hưởng và sự chỉ đạo của Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc theo nhiều những cách thức khác nhau.
Sự chỉ đạo về kinh tế
Cũng giống như tất cả các công ty công nghệ của Trung Quốc, Huawei chịu áp lực phải tuân thủ chặt chẽ Kế hoạch 5 năm và các văn kiện chiến lược kinh tế khác như "Chế tạo tại Trung Quốc : 2025" và một văn kiện khác kế thừa của nó, đó là "Sách xanh về đổi mới và công nghệ trong các lĩnh vực chính của (văn kiện) Chế tạo tại Trung Quốc : 2025". Nhờ tuân thủ chặt chẽ các mục tiêu đổi mới do nhà nước Trung Quốc đặt ra như trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử và viễn thông, Huawei đã có thể hưởng lợi từ các khoản tài trợ lớn từ các cơ quan tài trợ nghiên cứu của nhà nước Trung Quốc.
Sự hỗ trợ về kinh tế
Huawei cũng đã đi đầu trong chính sách "tiến ra biển lớn" (ý nói là chinh phục toàn cầu – người dịch) của Trung Quốc đối với các công ty quốc gia của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Từ năm 2010, nhịp độ tăng trưởng thị trường tuyệt vời của nó ở Châu Á đã tăng từ 3% lên đến tới 46%, và ở Châu Âu đã tăng từ 17% lên đến 30% là sản phẩm kết hợp của chiến lược thương mại kết hợp với sự hỗ trợ và tài trợ của nhà nước mà Trung Quốc sử dụng như một mũi nhọn trong chiến lược Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng hạn mức tín dụng (được tài trợ) của Huawei là 77 tỷ bảng Anh.
Sự chỉ đạo về quân sự
Cũng giống như tất cả mọi công ty công nghệ khác của Trung Quốc, Huawei sẽ ngày càng chịu áp lực phải hợp tác chặt chẽ với tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc vì chính sách Hợp nhất Dân sự-Quân sự, do Tổng - Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu. Chính sách này thúc đẩy các công ty công nghệ hợp tác với với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ quân sự và các công nghệ lưỡng dụng.
Sự hỗ trợ từ giới quân sự
Vì người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi từng là một kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không có gì ngạc nhiên khi Huawei là công cụ xây dựng mạng lưới quân sự ở Trung Quốc trong những năm 1990. Điều này đã tạo cho công ty này có mối liên kết trực tiếp với giới lãnh đạo quân đội trong việc cho phép công ty này duy trì vị thế đặc biệt trong hoạt động mua sắm, một điều vốn rất bất thường đối với một công ty tư nhân ở Trung Quốc.
Sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc
Có hai con đường để Đảng cộng sản Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng đến ban lãnh đạo của Huawei. Con đường rõ ràng nhất là việc ông Nhậm và nhiều lãnh đạo khác của công ty tất cả đều là các thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng mặt khác, con đường thứ hai chính là vì các chi bộ đảng được thành lập trong công ty. Theo ASPI, là những tác giả đã có những đóng góp cho báo cáo của HJS, thì, tính đến năm 2007, có đến mười hai ngàn đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc với ba trăm chi bộ đảng đã được thành lập trong công ty Huawei.
Sự hỗ trợ của Đảng cộng sản Trung Quốc
Trong khi Huawei tuyên bố rằng nó là một công ty tư nhân, nó có một danh sách các cổ đông, điều mà một số người nói rằng chính điều đó khiến cho nó thuộc sở hữu của các nhân viên của công ty. Tuy nhiên, quyền sở hữu thực tế dường như được nắm giữ bởi một công ty nhỏ hơn có tên là Công ty cổ phần tập trung và đầu tư Hoa Vi (Huawei Investment and Holding). Điều này, đến lượt nó, lại thuộc sở hữu của Ủy ban Công đoàn của Công ty cổ phần tập trung và đầu tư Hoa Vi (Huawei Investment and Holding Company Trade Union Committee). Cũng giống như tất cả các loại hình công đoàn khác ở Trung Quốc, ủy ban này tuân thủ các nguyên tắc kỷ luật của Đảng cộng sản Trung Quốc, với việc các quan chức công đoàn được nhà nước bổ nhiệm vào các chức vụ của họ, được hưởng các mức lương bổng theo các ngạch bậc của chính quyền (Đảng cộng sản Trung Quốc) từ kho bạc Nhà nước Trung Quốc.
Với tất cả các điểm dữ liệu này, điều rõ ràng đối với chúng tôi là rằng quyết định của chính quyền cho phép Cty Huawei tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cực kỳ quan yếu của Vương quốc Anh được thực hiện trong một biên độ hẹp, trên một hệ thống đánh giá rủi ro kỹ thuật hạn hẹp, nói một cách đơn giản là đã không suy xét kỹ về những rủi ro trên một tầm mức rộng lớn hơn. Ngay cả khi gã khổng lồ công nghệ Huawei muốn độc lập khỏi Nhà nước Trung Quốc hoặc muốn bỏ qua Luật về tình báo của nhà nước Trung Quốc, một đạo luật đòi hỏi Công ty này phải hợp tác, hoặc là ngay cả khi họ không muốn hợp tác chặt chẽ với tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc, thì cũng không thể nào tránh né được một số phận như vậy.
Do đó, câu hỏi phải được đặt ra cho Thủ tướng Theresa May một lần nữa là : Liệu chúng ta có mong muốn một thực thể mà vốn gần gũi với một đối thủ chiến lược tiềm năng (ý nói nhà nước cộng sản Trung Quốc) trong hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhạy cảm của chúng ta hay không ?
Câu trả lời của chúng tôi là không. Chúng tôi không mong muốn điều đó.
John Hemmings
Nguyên tác : Huawei to the Danger Zone : Chinese Telecommunications Company Threatens Britain's National Security, The National Interest, 20/05/2019
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 26/05/2019
Tiến sĩ John Hemmings là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Hiệp hội Henry Jackson và là thành viên phụ tá tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông hiện sinh sống tại London.