Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2019

Suất đại học một tỷ đồng : Bộ trưởng giáo dục đồng lõa ?

Nhiều tác giả

Hai ác nhân, một quen thuộc và một xa lạ

Tâm Don, VNTB, 28/05/2019

Ác nhân có nhiều khuôn mặt. Đó có thể là một khuôn mặt hung dữ hiện hình lên sát khí. Đó có thể là một khuôn mặt vô hồn vô cảm. Ngày 25/5 vừa qua, Việt Nam đã xuất hiện hai khuôn mặt ác nhân khủng khiếp : một khuôn mặt quen thuộc, một khuôn mặt xa lạ.

ac1

Phùng Ngọc Nhạ : một khuôn mặt quen thuộc

Với nhiều người, đây là hai hình ảnh tiêu biểu cho Việt Nam không chỉ trong ngày 25/5 này mà còn trong một thời gian dài đã qua và sắp tới.

Bất cứ ai cũng có thể nhận ra người đàn ông có khuôn mặt vô cảm, nụ cười nhạt như nước ốc, cái đầu ngẩng cao hãnh tiến của một trọc phú là ông Phùng Xuân Nhạ- bộ trưởng Bộ Giáo dục- đào tạo. Hình ảnh này của ông xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ online, trong bản tin "Hội nghị Diên Hồng' bàn cách 'vun cao' vùng trũng giáo dục miền Tây" được đưa lên vào lúc 13 giờ 45 ngày 25-5. Làm sao ông ta lại nở nụ cười mãn nguyện và vui vẻ tột cùng khi mà trong ngày 25/5 báo chí rầm rập thông tin rằng, vụ án gian lận thi cử ở Sơn La đã xác định được rằng 44 học sinh ở Sơn La đã được nâng điểm thi vào đại học và giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình là 1 tỉ đồng ! Chẳng lẽ ông Nhạ lại vui mừng trước việc 44 em học kém lại nghiễm nhiên chĩnh chện trong các giảng đường, và 44 em thực học đã bị cướp đi cơ hội ? Khi không biết nói lời xin lỗi trước các sự kiện đau lòng và các sự cố chua xót, ông Phùng Xuân Nhạ không đủ tư cách để đứng đầu ngành giáo dục, và cũng không đủ nhân cách để làm một con người.

Hình ảnh thứ hai, người phụ nữ có khuôn mặt đen đúa, khắc khổ và bặm trợn là Nghiêm Thị Nhị, kẻ đã tàn độc giết hại một cụ bà 71 tuổi và hai cháu nhỏ mới lên 3 lên 4 tuổi ở Lâm Đồng vào ngày 24/5, và bị bắt giữ vào ngày 25/5. Nhân tính đã không còn trong người phụ nữ này nữa. Bà ta là một ác nhân.

ac2

Nghiêm Thị Nhị, một khuôn mặt xa lạ

Nếu bà Nhị là một ác nhân thông qua hành vi giết người tàn bạo, thì ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là một ác nhân thông qua việc thể hiện sự hân hoan trước nỗi đau thi cử, thông qua việc không thể làm cho ngành giáo dục thoát khỏi vũng lầy nhơ nhớp, thông qua việc góp phần làm hoen gỉ hàng triệu trái tim và khối óc trẻ thơ.

Một tỉ đồng có thể mua được một suất vào đại học nhưng không thể mua được phương pháp tư duy luận và kiến thức, không thể mua được sự thanh thản của lương tâm.

Một tỉ đồng có thể mua được một chỗ ngồi ở giảng đường đại học nhưng không thể mua được sự sáng tạo và trách nhiệm - những điều kiện tiên quyết để trưởng thành.

Một tỉ đồng có thể mua được những điểm số tốt nhưng không thể mua được sự tôn trọng của bạn bè và các giảng viên.

Một tỉ đồng có thể mua được bằng tốt nghiệp đại học nhưng không thể mua được sự công tâm của những người chính trực.

Một tỉ đồng có thể mua được một việc làm trong hệ thống nhà nước nhưng không thể mua được sự phán xét của người dân đóng thuế để nuôi hệ thống ấy.

Một tỉ đồng có thể mua được nhiều thứ, nhưng cũng làm mất đi rất nhiều thứ trong mỗi con người, làm tha hóa thêm một xã hội vốn đã tận cùng tha hóa.

Một tỉ đồng có thể mua được đạo đức và trách nhiệm để gắn vào não trạng chai cứng của ông Phùng Xuân Nhạ ?

Sự kiện mua bán điểm ở Sơn La và thái độ bàng quan, vô trách nhiệm và trâng tráo của Bộ trường Phùng Xuân Nhạ trong ngày 25/5 đã làm mạng xã hội dậy sóng. Một người chua xót : "Thần thánh mà người ta còn có thể mua được bằng tiền thì gần như mua được tất cả trong cái xã hội này. Xã hội chủ nghĩa là thế".

Một người khác viết : "Họ chỉ cần trở thành lũ vặt lông vịt cha truyền con nối, bất chấp mọi giá trị đạo đức giáo dục. Họ bỏ một vài tỉ để có suất công an quân đội để có cơ hội tham gia những phi vụ ngàn tỉ trong tương lai".

FBker Trần Công Hiền Cao viết : "Những bộ mặt này là đại diện cho một chế độ gây ra tủi hờn cho dân tộc Việt ". FBker Phạm Thiện đau đớn : "Chỉ có thể mượn tên một tác phẩm của Nam Cao đặt tên cho mối liên hệ giữa hai gương mặt ác nhân là "ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI". Chúng không xứng đáng làm người !".

Nhà hoạt động Huỳnh Tấn Tuyên ở BR-VT cho rằng :"Hình ảnh ông Nhạ và nữ ác nhân được xem như hai nỗi bất hạnh điển hình của dân tộc !".

FBker Nguyễn Tăng Thọ cho rằng : "Ông Nhạ và bà Nhị là hai kẻ thực hiện tội ác. Nhưng ông Nhạ tội nặng hơn, vì 100 năm trồng người mà trồng không ra hồn, xã hội sẽ loạn cả lên, mang theo nhiều hệ lụy không tưởng tượng được".

FBker Huong Nguyen viết : "Nước người ta bầu anh hề làm lãnh đạo . Nước ta lãnh đạo như hề ! Không thể chấp nhận thái độ vô trách nhiệm của ông Nhạ".

FBker Trần Văn Lựu viết : "Nữ ác nhân sát hại dã man một lúc ba mạng người nhưng ông Nhạ làm hỏng cả một thế hệ. Đất nước này sẽ đi về đâu ?

FBker Đỗ Hoàng Thiệu viết : "Lạ, một chính phủ có những bộ trưởng như Nhạ, Thể, Tiến, Anh... vừa quá kém cỏi, vừa thiếu đạo đức, ai cũng khinh bỉ nhưng vẫn tồn tại là thế nào ? Không hề có một chút uy tín mà vẫn lãnh đạo, điều hành... Sự quỉ quái nầy chỉ có ở VN bây giờ... Đau xót quá !".

FB Ker Tinh Thanh viết : "Ông Nhạ và bà Nhị là một cặp đôi vô nhân tính. Nữ ác nhân có thể thực hiện tội ác trong lúc bột phát nhưng ông Nhạ với sự vô trách nhiệm kéo dài đã thực sự trở thành kẻ sát nhân giáo dục, làm suy hoại hàng triệu học sinh sinh viên và tương lại đất nước. Thiệt hại kinh tế xã hội ko thể bù đắp nổi".

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 28/05/2019

*****************

Suất đại học 1 tỷ đồng, Phùng Xuân Nhạ và "tiền là con đĩ của nhân loại"

Kiều Phong, VNTB, 27/05/2019

"Tiền là con đĩ của nhân loại", câu danh ngôn này có lẽ là hợp phù nhất đối với các thí sinh mua suất vào đại học 1 tỷ đồng ở các tỉnh phía Bắc. Một tỷ chạy vào đại học thì không thể xây gì mấy cho đất nước, nhưng lại có thể phá hoại kinh khủng bằng 1 tỷ.

tien1

"Tiền là con đĩ của nhân loại" - Ảnh minh họa

Cát Linh, một biên tập viên truyền hình tự do trẻ ở Hà Nội nêu vấn đề như sau : "Mỗi mùa thu trăm tỷ. Đến nay gần 1 năm vẫn chưa điều tra xong. Toàn con cái của quan chức được nâng điểm nhưng phụ huynh vẫn an nhiên, vẫn không bị gì. Vậy bao nhiêu tỷ để được yên thân ?". Theo Cát Linh, trung bình một cháu 1 tỷ để nâng điểm, vậy phải xem phụ huynh các cháu giải trình nguồn tiền ở đâu ra mà lắm thế ? Không học đại học nhưng Cát Linh rất am hiểu về luật pháp, hiến pháp và giúp đỡ được vô số dân oan ở phía Bắc. Lòng dũng cảm của Cát Linh tuy là nữ nhi mà còn lớn hơn gấp bội nhiều nam tử tốt nghiệp "phổ thông cấp 4" ở Việt Nam. 

Từ Vũng Tàu, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải bình luận : "Một tỉ đồng có thể mua được một chỗ ngồi ở giảng đường đại học nhưng không thể mua được sự sáng tạo và trách nhiệm - những điều kiện tiên quyết để trưởng thành". Ông Chu Vĩnh Hải có con gái và không bao giờ la phiền con khi đạt điểm dưới trung bình, không tạo áp lực cho con phải học hành đỗ đạt. Lên trung học và học ở Singapore, con gái ông được đi thi Olympic toán quốc tế.

Ông Trần Đôn, một người Việt sống tại Houston, Texas nhìn về quê hương ngày nay mà đau lòng nhận xét : "Vì 1 tỉ đồng này và với cái mác con cháu đảng viên, họ đã và đang trở thành kẻ cai trị Việt nam và sẵn sàng ký giấy làm người trung thành cho Trung Nam Hải đưa đất nước vào vòng nô lệ". Thực vậy, khi đã vào guồng máy đó thì cũng phải tha hóa như guồng máy, nếu không sẽ bị đuổi ra và mất số vốn 1 tỷ ứng trước năm nào. Rồi ra làm quan, cậu sinh viên ra trường bị ép phải ký thay giấy tờ cho quan trên, đến khi sự việc vỡ lỡ thì án tại hồ sơ, cậu phải chịu vòng lao lý. Chuyện này đã xảy ra rất nhiều ở nước Nga ngày trước. Khi chế độ theo chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, số lượng cảnh sát, thạc sĩ, tiến sĩ mác-xít tại Liên xô, Đông Âu lại treo cổ tự tử nhiều đếm không hết. 

Cảnh này sắp xảy ra tại Việt Nam. Khi ấy những cậu ấm cô chiêu lại trách số phận đen bạc, một ngày nào đó ném ta vào giữa cuộc đời này. Xin hỏi, ai bắt anh cầm 1 tỷ nộp vào trường đào tạo công chức ? 1 tỷ đó, anh hoàn toàn có thể mở shop thời trang, mở tiệm cắt tóc, hoặc mua một khu vườn để trồng rau… Không ai ép cậu ấm cô chiêu đi vào chỗ chết, họ có rất nhiều điều kiện, hoàn toàn là do họ tự lựa chọn. Áp lực phải có tấm bằng làm phá hủy nhân cách, hao mòn lý tưởng của tuổi 20.

Từ Hà Nội, cô giáo Lã Thị Minh Luân cả đời dạy văn, học văn nhận xét về nền giáo dục này, nhận xét về tấm bằng đại học : "Thành tích là căn bệnh trầm kha của người Việt Nam dưới thời xã hội chủ nghĩa. Nó không chỉ ở ngành giáo dục mà còn ở mọi ngành, mọi cấp. Thước đo giá trị của người Việt không phải bằng thực hành, thực tế, bằng lao động và thành quả, kết quả thực chất mà chủ yếu chỉ bằng mảnh giấy lộn và tiền". Ở tuổi về hưu, cô giáo Lã Thị Minh Luận vẫn đang tích cực kêu gọi thành lập một số nghiệp đoàn độc lập của giáo chức, chuẩn bị cho một cuộc thay máu toàn ngành giáo dục. Thầy cô nào quan tâm có thể liên lạc với cô giáo Luận và tham gia, trước là cất tiếng nói đòi mức sống thỏa đáng cho đồng nghiệp.

Muốn giàu nhanh, các bậc bố mẹ Sơn La chạy 1 tỷ đưa con cái vào trường công an, làm cho người ta lầm tưởng rằng đây là nghề danh giá. Ông cha ta có câu : "An bần lạc đạo. Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân". Sống nghèo thanh bạch mà có đạo đức, làm người nhơn nghĩa thì không thể giàu, mà làm người giàu thì không thể nhơn nghĩa. Tưởng rằng các cụ xưa là lạc hậu, ấy vậy mà những lời ấy không hề cũ so với thời gian, càng ngẫm lại càng thấy đúng.

Kiều Phong

Nguồn : VNTB, 27/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 655 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)