Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2019

Việt Nam không sử dụng thiết bị của Huawei để phát triển mạng 5G

Thanh Trúc

Việt Nam đang có bước đi can đảm khi tự mình phát triển công nghệ cơ bản cho mạng 5G trong thời gian tới.

huawei1

Quyết định của Việt Nam không sử dụng Huawei dường như xuất phát từ sự kết hợp cân nhắc về mặt kinh tế lẫn an ninh. Ảnh minh họa. AFP

Đây là nhận định của tác giả Michael Sainsbury trong bài viết trên trang mạng InnovationAus.com hôm 17 tháng Năm, nói về Việt Nam như vậy sau khi nhắc lại chuyện Australia cấm sử dụng thiết bị hay linh kiện của tập đoàn Huawei để phát triển mạng 5G ở Úc hai tháng trước đó.

Đến ngày 25 tháng Năm, Viettel là nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam chính thức công bố đã hoàn thành thử nghiệm một trạm phát sóng thế hệ thứ năm, tức 5G, tại Hà Nội với tốc độ 600 đến 700Mbps (megabites/giây) ngang với tốc độ mạng 5G của Verizon ở Hoa Kỳ.

Điều đáng chú ý mà Viettel tuyên bố là sẽ tự phát triển các công nghệ cốt lõi cho mạng 5G, trong đó bao gồm cả chip và thiết bị 5G.

Như vậy, vào khi các nhà mạng di động tại một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Thái Lan, tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G, bất chấp mọi tranh cãi và cáo buộc liên quan đến đến rủi ro bảo mật mà các thiết bị của Huawei có thể gây ra, thì Việt Nam lại gián tiếp đánh tiếng sẽ không nhập thiết bị hay linh kiện của Huawei để phát triển mạng 5G cho mình.

Tiến sĩ Chu Tiến Dũng, giám đốc Công ty Phần Mềm Quang Trung ở Sài Gòn, cho biết :

5G rất quan trọng thí dụ trong việc xây dụng thành phố thông minh và nền kinh tế số, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đặt vấn đề tiên phong ứng dụng 5G, cũng đã ký với Viettel và ký với Bộ Thông tin và truyền thông để có thể là nơi đầu tiên thử nghiệm và ứng dụng 5G.

Thị trường của nền kinh tế số tất nhiên có nhiều khó khăn bởi trong thời gian qua các thiết bị cũng như dịch vụ rồi là ứng dụng rồi App vân vân mà Huawei đã cung cấp cho các nơi kể cả Hoa Kỳ cũng thật là lớn chứ không nhỏ. Ở đây theo tôi hiểu là vấn đề tầm nhìn, suy nghĩ về chuyện tương lai của mỗi một quốc gia cũng như một tổ chức phải có tầm nhìn để tính toán.

Đây là chuyện hãy còn mới với Việt Nam, tiến sĩ Chu Tiến Dũng nói, thế nhưng cơ bản phải tin là có thị trường mạnh thì có sự phát triển mạnh.

Từ Hà Nội, giám đốc Công ty Phần Mềm BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng, cho rằng không đi với linh kiện và thiết bị 5G của Huawei là một quyết định khôn ngoan :

Đã có những trao đổi công khai và sôi nổi về việc đó. Từ nhiều năm trước các nhà mạng đã từng dùng thiết bị của Huawei, đến nay thì họ tránh Huawei với lý do an ninh. Tôi nghĩ điều đó cũng có lý thôi bởi cho dù 2 nước là láng giềng của nhau, mối quan hệ cũng rất tốt, nhưng 2 nước láng giềng mà trong lịch sử đã có nhiều xích mích và chiến tranh thì dĩ nhiên Việt Nam phải đề phòng, việc để mình phải phụ thuộc vào cái hạ tầng của một nước láng giềng thì rõ ràng đấy là vấn đề rất lớn về an ninh. Tôi nghĩ lý lẽ chủ yết là như thế.

"Tại sao Việt Nam tránh sử dụng công vghệ 5G của Huawei" là tựa đề mà cũng là câu hỏi chính trong bài tham khảo của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore.

Bài viết ấn bản Anh ngữ được đăng trên trang mạng Khmer Times, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng quyết định của Việt Nam không sử dụng Huawei dường như xuất phát từ sự kết hợp cân nhắc về mặt kinh tế lẫn an ninh. Ông nói công nghệ 5G có tầm quan trọng rất lớn không chỉ đối với kinh tế mà còn đối với an ninh của một quốc gia, đó là cái xương sống thông tin liên lạc nhiều ngành công nghệ khác nhau cũng như các liên lạc an ninh quốc phòng của một quốc gia. Hơn nữa, 5G không giống như 3G và 4G, do đó các quốc gia khi cân nhắc công nghệ 5G họ sẽ chú ý rất nhiều tới khía cạnh an ninh bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế.

Trong bối cảnh đó thì tôi cho rằng Việt Nam có lẽ đã sáng suốt khi quyết định không sử dụng Huawei để phát triển mạng 5G của mình. Chúng ta biết Trung Quốc vẫn là mối đe dọa an ninh đáng kể cho Việt Nam, đặc biệt trong tranh chấp Biển Đông.

Trong thời gian qua cũng có nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Việt Nam, ví dụ cuộc tấn công vào hệ thống làm thủ tục tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2016 chẳng hạn.

Những sự cố như vậy lồng trong bối cảnh an ninh của Việt Nam hiện tại, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích tiếp, Việt Nam bắt buộc phải coi trọng vấn đề an ninh và muốn tránh rủi ro bằng cách không chọn Huawei mà thay vào đó là tự phát triển công nghệ của nước mình qua Viettel, chưa kể thực tế có sự phối hợp của Ericsson từ Thụy Điển như trường hợp Mobifone, hoặc Vinafone thì có đối tác là Samsung của Hàn Quốc, hay là Nokia từ Phần Lan :

Có thể lập luận rằng công nghệ của các hãng khác chưa chắc đã hoàn toàn đảm bảo yếu tố an ninh, nhưng trong bối cảnh của Việt Nam có lẽ sử dụng công nghệ của các đối tác đó an toàn hơn và ít rủi ro hơn là sử dụng cái công nghệ từ một nhà cung cấp Trung Quốc.

Cái thứ hai, Việt Nam hiện tại cũng đề cao việc đổi mới công nghệ rồi là tự lực tự cường về mặt công nghệ, đặc biết các ngành công nghệ cao, cho nên tôi nghĩ nhà chức trách Việt Nam cũng có lý do để không sử dụng các công nghệ được cho là khá hợp túi tiền của Huawei. Tại khi sử dụng các công nghệ có giá rẻ như vậy thì các công ty trong nước sẽ có ít động lực để có phát triển công nghệ bản địa.

Một khi Viettel khẳng định sẽ cố gắng sản xuất chip hay thiết bị 5G bản địa và chưa biết Viettel có thành công hay không, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp vẫn cho rằng điều này sẽ thúc đẩy các công ty hay các hãng xưởng trong nước mạnh dạn phát triển công nghệ của riêng mình :

Qua đó sẽ giúp Việt Nam đạt được tham vọng thay đổi công nghệ của riêng mình cũng như nâng cấp quá trình công nghiệp hóa của mình lên một bước cao hơn.

huawei2

Ngay cả trước khi Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo về Huawei thì Việt Nam cũng đã cố gắng hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei - Ảnh minh họa. AFP

Vấn đề thứ ba, vẫn lời tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, phải chăng việc né tránh Huawei liên quan đến nỗ lực phát triển quan hệ an ninh quốc phòng của Việt Nam với một loạt đối tác chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ :

Chúng ta đều biết Hoa Kỳ đã đưa ra những cảnh báo về tác hại tiềm tàng về an ninh từ các công nghệ của Huawei, họ nói rõ rằng những quốc gia nào sử dụng thiết bị của Huawei, đặc biệt cho mạng 5G, thì sẽ không được tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ nhất là về mặt thông tin và tình báo.

Hiện tại Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa có những hợp tác thực chất về trao đổi thông tin tình báo, nhưng rõ ràng Việt Nam muốn lưu tâm tới cảnh báo của Hoa Kỳ để tạo điều kiện phát triển mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên điều vừa nói về mặt phát triển quan hệ với Hoa Kỳ chỉ là lý do thứ yếu chứ không phải là lý do quan trọng nhất, chuyên gia Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore nhấn mạnh. Ông nói thực tế cho thấy ngay cả trước khi Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo về Huawei thì Việt Nam cũng đã cố gắng hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei, điển hình như Viettel trong mạng 4G của mình cũng đã cho hay không dùng thiết bị của Huawei rồi :

Lại nữa, trong trường hợp 5G thì có thể thấy Việt Nam không sử dụng công nghệ của Trung Quốc, cụ thể là Huawei, nhưng Việt Nam cũng không sử dụng công nghệ của Mỹ. Có thể thấy 3 đối tác của các nhà mạng Việt Nam lúc này, Ericsson, Nokia và Samsung, đều không phải là các công ty Mỹ. Có lẽ trong các lý do để không lựa chọn Huawei thì lý do quan trọng nhất là Việt Nam cố gắng tự chủ về mặt công nghệ và đảm bảo an ninh cho chính mình. Rõ ràng đây là trướng hợp cho thấy Việt Nam rất nhấn mạnh đến yếu tố tự chủ, đặc biết là tránh phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lãnh vực có thể phương hại tới an ninh quốc gia.

Câu hỏi tiếp ở đây là dù như đã hoàn thành thử nghiệm một trạm phát sóng thế hệ thứ năm tức 5G tại Hà Nội với tốc độ ngang bằng mạng 5G của Verizon ở Mỹ, thì những thách thức nào Viettel phải đối mặt trong những ngày tới ? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng thời gian tới có thể gặp một số thách thức và cần có thời gian để phát triển.

Khi Viettel nói sẽ phát triển các chip 5G thì tôi tin rằng đấy không phải là nhiệm vụ đơn giản, họ sẽ cần rất nhiều thời gian, nỗ lực và đầu tư đáng kể mới có thể tự túc được công nghệ đấy và cũng có thể phải hợp tác với các đối tác không phải là của Trung Quốc để đạt được mục tiêu.

Và cho dù Viettel tự phát triển hay là phát triển dựa vào công nghệ của các đối tác không phải của Trung Quốc thì đây vẫn là sự lựa chọn thận trọng và khôn ngoan hơn là việc phụ thuộc vào các công nghệ của Trung Quốc, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận.

Từ vài năm nay Huawei đã có văn phòng đại diện ở Việt Nam, bên cạnh vài công ty lớn nhỏ khác của Trung Quốc như Oppo và Xiaomi. Có vẻ như tầm ảnh hưởng của Huawei đối với các nhà mạng nội địa không lớn cho tới khi mọi suy nghĩ và cân nhắc về Huawei nảy sinh từ vụ tai tiếng của tập đoàn này ở Canada và Hoa Kỳ. Đó là nguyên nhân không thể chối cãi khi Việt Nam cố ý tránh, không muốn bắt tay với Huawei liên quan đến mạng 5G đã nói lâu nay.

Theo nguồn từ Viettel, nhà mạng di động hàng đầu của Việt Nam, đang có kế hoạch tiến hành thử nghiệm trạm phát sóng 5G vừa hoàn thành ở Hà Nội với tốc độ 600-700 Mbps (Megabites/giây) vào cuối năm 2019 này để từ đó phát triển mạng lưới 5G vào năm 2020. Nếu hành công, Viettel sẽ sớm khởi sự dịch vụ 5G trong thời gian tới, biến Việt Nam thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực vận hành mạng 5G.

Ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc công ty phần mềm BKAV ở Hà Nội, có đối tác là công ty Qualcomm ở Hoa Kỳ, bày tỏ hy vọng :

Tôi tin tưởng Việt Nam có thể sản xuất những thiết bị 5G như vậy, bởi 4G thì nhà mạng Viettel đã chủ động sản xuất rồi, thứ hai là mạng 5G cũng không phải cái gì quá khó khăn. Ngay như chúng tôi cũng là một nhà sản xuất SmartPhone và chúng tôi cũng đang làm các thiết bị, các devices cho 5G, tôi tin công nghệ trong nước hiện nay đã sẵn sàng cho những công việc như vậy cả.

Không thể cùng một lúc và trong thời gian ngắn mà có thể hoàn thành ngay mạng 5G là ý kiến dè dặt của tiến sĩ Chu Tiến Dũng, giám đốc công ty phần mềm Quang Trung :

Để có hiệu quả thì chắc phải có bước đi từng nơi. Những nơi nào mà nhu cầu về thông tin, dữ liệu, xử lý, kết nối…tất cả nó cao thì nơi đó sẽ đi trước. Còn những nơi hẻo lánh xa xôi chưa có hiệu quả được thì sẽ đi sau. Tôi nghĩ là như thế chứ không thể có một cách nghĩ rằng là sẽ phủ đầy đủ trên một quốc gia, cái đó không phải là phương án thuận lợi.

Còn theo nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, khả năng công nghệ của Viettel vẫn còn hạn chế, vì thế hợp tác với các nhà mạng bên ngoài nhưng không phải Trung Quốc là việc rất quan trọng.

Về đường dài, nếu các công ty Việt Nam không thực hiện được kế hoạch của mình thì chi phí triển khai 5G sẽ bị đội lên cao do phụ thuộc vào các thiết bị đắt tiền hơn từ các nhà cung cấp không phải Trung Quốc.

Nếu chuyện đó xảy ra, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp dự kiến, rất có thể Việt Nam phải coi lại cách tiếp cận của mình, và rất có thể sẽ cho phép Huawei được cung cấp các thiết bị không thuộc phần lõi.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 31/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)