Cách đây nửa năm có một lần Đậu đi học về, nó hỏi tôi một cách rất thản nhiên : Bố ghét bác Hồ à ? Tôi thực sự choáng, và phải mất một vài giây sau mới trấn tĩnh, và rồi nhẹ nhàng trả lời nó thế này : Ừ, bố không thích ông ấy. Có nhiều điều về ông Hồ không giống như người ta nói với con đâu. Con còn bé, con chưa biết đọc, nên con chưa thể biết những chuyện này. Sau này khi nào con lớn lên, biết đọc chữ, con sẽ hiểu tại sao bố lại không thích ông ý. Nhưng dù thế nào thì bố cũng rất yêu con...
Muốn xã hội thay đổi tốt hơn, mỗi người trong chúng ta cần góp tay vào giáo dục ngay con cái của chính mình, để lớp người sau có nhận thức đúng đắn mọi vấn đề, rồi mới cùng có hành động đúng đắn để cứu lấy đất nước này.
Câu chuyện kết thúc ở đó vì con tôi nó tạm yên tâm về chuyện này. Nhưng thú thực là từ đó đến nay, tôi luôn ám ảnh vì sự kiện này, và lâu lâu lại mang ra để nghiền ngẫm và suy tư. Từ lúc đẻ nó ra, chưa bao giờ tôi nói gì với nó về quan điểm chính trị, về sự thật lịch sử, về thực trạng xã hội. Tại sao một đứa trẻ mới 5 tuổi lại được giáo dục thế nào, có những quan sát thế nào, suy nghĩ gì, để rồi hỏi được một câu khó nhưng vậy ?
Một lần khác, Đậu đi tham quan về. Hôm đó lớp mẫu giáo của nó được đưa đi tham quan ở bảo tàng Phòng không - Không quân. Nó vui vẻ kể cho tôi nghe về chuyến tham quan, về những khẩu pháo, những chiếc máy bay to lớn... và xúc động nói về những "tội ác của đế quốc Mỹ".
Tôi cố gắng kìm chế, im lặng một lát, rồi nói lại với Đậu thế này : Con ạ, chiến tranh là điều khủng khiếp và không ai mong muốn. Thế nhưng đôi khi chiến tranh vẫn xảy ra vì mỗi bên đều có lý do của mình. Chẳng hạn khi con thấy hai bạn đánh nhau, rất có thể là do một bạn cướp đồ chơi của bạn kia, nên cả hai mâu thuẫn rồi lao vào đánh nhau. Mình cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân thì mới biết thực sự là thế nào. Bố không cho việc hai bạn đánh nhau là hoàn toàn xấu. Bố cho phép con bằng mọi cách để bảo vệ đồ chơi của mình, kể cả phải đánh nhau. Nếu con thích, con có thể cho bạn. Nhưng nếu bạn cướp của con mà con không đồng ý, con có toàn quyền làm mọi thứ để giành lại đồ của mình. Việc Mỹ ném bom ở Việt Nam ngày xưa là điều đáng buồn, nhưng có lý do của nó. Và không chỉ có Mỹ, ngày xưa Pháp cũng mang súng đến đây. Rồi gần đây nhất là Trung Quốc cũng mang quân xâm lược Việt Nam, đánh chiếm nhiều đảo của Việt Nam, đâm chìm nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam, con có biết những điều đó không ? Có những điều rất phức tạp trong lịch sử mà con chưa được biết, con cần phải học chữ, rồi bố sẽ chỉ cho con dần tại sao lại có chuyện đó.
Đậu im lặng và thôi không nói về chuyện Mỹ ném bom nữa. Sau này có một lần mẹ Đậu đến trường và hỏi cô giáo về những chuyện này. Tất nhiên là với kiến thức của một cô giáo mầm non, cô ý cũng chỉ biết giải thích đơn giản rằng đó là chương trình giáo dục từ trên xuống mà các cô buộc phải tuân theo. Mẹ Đậu nói lại với cô giáo thế này : Em ạ, gia đình chị có rất nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có rất nhiều người Mỹ. Anh chị sẽ phải xử sự thế nào nếu trong một cuộc vui gặp mặt bạn bè chẳng hạn, con Đậu lại đi nói về "tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược". Thế nên dù chương trình học thế nào, các em nên cân nhắc nội dung chuyển tải cho các cháu, đừng dạy các cháu lòng căm thù, và tốt nhất là dạy cho các cháu có cái nhìn khách quan về những vấn đề lịch sử.
Đó chỉ là hai ví dụ nhỏ về những chuyện mà tôi phải đối mặt với con khi gặp những vấn đề nhồi sọ trong giáo dục Việt Nam. Tôi biết con tôi rồi sẽ còn phải gặp những chuyện thế này rất nhiều khi nó lớn lên, học cao hơn ở dưới gầm trời này. Đó là một chuyện rất nghiêm trọng mà tôi luôn cần phải cảnh giác. Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng Đậu sẽ không bao giờ trở thành một hồng vệ binh nhí như nhiều đứa trẻ khác, chỉ biết ra rả nói những điều được tuyên truyền ở trường học, vì bố của nó cũng từng bị nhồi sọ mà rồi vẫn vượt qua. Nói những chủ đề này với trẻ con là chuyện rất khó. Bạn cần phải kiên nhẫn, có nhiều kiến thức hơn chúng, và nhất là có cách tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ nhận thức non nớt thì trẻ con nó mới nghe bạn được.
Xã hội chúng ta đang ở một thời kỳ vô cùng hỗn loạn. Tham ô, tham nhũng, ô nhiễm môi trường, ung thư tràn lan, cướp đất của dân, ấu dâm trẻ em, chạy trường chạy điểm... là những điều ai cũng thấy rõ. Nhưng hễ mỗi khi bạn thấy bất công, bạn lên tiếng phản đối, rồi bạn bị một lũ trẻ trâu vào chửi là phản động. Đó là bởi vì người lớn chúng ta đã không nhận thức đúng, không dạy dỗ những đứa trẻ biết kỹ năng phân biệt đúng sai, biết yêu thương con người, mà phó mặc chúng cho nền giáo dục nhồi sọ này. Muốn xã hội thay đổi tốt hơn, mỗi người trong chúng ta cần góp tay vào giáo dục ngay con cái của chính mình, để lớp người sau có nhận thức đúng đắn mọi vấn đề, rồi mới cùng có hành động đúng đắn để cứu lấy đất nước này.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 30/05/2019 (nguyenlanthang's blog)
*********************
Việt Nam cần thiết một nền giáo dục không nói dối
Hòa Ái, RFA, 30/05/2019
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội vào ngày 30 tháng 5, Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nêu lên kiến nghị liên quan triết lý giáo dục của việt Nam rằng trước mắt cần thiết đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
222222222222222
Hình ảnh ngày khai giảng của một trường học ở Việt Nam - AFP
Giới chuyên gia giáo dục nói gì trước khiến nghị vừa nêu ?
Giáo dục không trung thực
Trong phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội vào sáng ngày 30 tháng 5, Đại biểu Thái Trường Giang, của tỉnh Cà Mau lên tiếng rằng những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy có sự lo lắng, thậm chí còn nghi ngờ vai trò là quốc sách hàng đầu của Giáo dục-Đào tạo.
Đại biểu quốc hội Thái Trường Giang khẳng định bệnh thành tích trong ngành giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất, qua dẫn dụ về một lớp học có 43 học sinh mà trong đó có 42 em học sinh giỏi và duy nhất 1 em học sinh khá. Vị đại biểu đến từ Cà Mau nhấn mạnh là "Bây giờ tìm một em học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể".
Lướt qua trang fanpage của các báo mạng quốc nội, Đài RFA ghi nhận rất nhiều ý kiến của độc giả bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Đại biểu quốc hội Thái Trường Giang. Không ít ý kiến cho rằng ông Thái Trường Giang đã nói hộ cho ý kiến của nhân dân và kêu gọi Bộ Giáo dục cần nghiêm túc tiếp thu và phải xóa bằng được bệnh thành tích trong ngành giáo dục thì mới được văn minh và có chất lượng thực chất.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS), thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam vào tối cùng ngày chia sẻ với RFA rằng bà không lấy làm ngạc nhiên và có phần vui mừng trước lời phát biểu tại nghị trường Quốc hội của Đại biểu Thái Trường Giang. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói :
"Tôi không có gì ngạc nhiên hết. Tôi mừng là đến bây giờ người ta nhận ra vấn đề. Nhưng mà tôi cũng tiếc, thậm chí phải nói là đau khi những lời cảnh báo của chỗ này chỗ khác bền bỉ trong nhiều năm qua và trong đó có tôi, tuy là yếu ớt thì không ai nghe. Hoặc là người ta biết mà người ta không dám nói. Chính tôi đã nói về những điều này, đã nhiều lần công khai ở nhiều chỗ khác nhau rằng không nên nói dối về sự thật, dù rằng nó đau nhưng nên nói ra để sửa. Đến bây giờ đưa ra giữa hội trường Quốc hội thì rất là muộn. Tôi nghĩ có lẽ đã 20 năm nay rồi đó. Nhưng tất nhiên là muộn còn hơn không".
Qua trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh những việc làm sai trái trong ngành giáo dục nhiều năm qua đã và đang gây ra nhiều tổn thất cho xã hội mà những hệ lụy đó tính theo thế hệ, chứ không phải theo năm hay theo ngày tháng. Tuy vậy, qua những thông tin dồn dập liên quan về các tiêu cực của ngành giáo dục mà truyền thông trong nước đăng tải gây chú ý trong dư luận, đặc biệt về gian lận thi cử trong mùa thi năm 2019, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng có lẽ đến thời điểm bắt đầu của một sự thay đổi :
"Có lẽ tôi nhìn theo cái nhìn của một người già trải nghiệm thì tin nó tới đáy là phải thay đổi để được khá lên. Tiếp đến là diễn biến ra sao, đường đi như thế nào…thì tôi không tiên đoán nữa bởi vì cũng mệt mỏi rồi. Nhưng tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự thay đổi buộc phải đến, không thể không thay đổi".
333333333333333
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, vào sáng ngày 30/05/19 kiến nghị rất cần thiết có một nền giáo dục không nói dối Courtesy : Ảnh chụp màn hình thanhnien.vn
Kiến nghị khả thi ?
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, của tỉnh An Giang, cũng tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội vào sáng ngày 30 tháng 5, nhắc lại phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi đã có nhiều ý kiến bàn về triết lý giáo dục và bản thân ông kiến nghị trước mắt rất cần thiết phải đưa ra nguyên tắc giáo dục là một nền giáo dục không nói dối.
Nhận định về kiến nghị của Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng không thể khả thi :
"Giáo dục ở Việt Nam có thể nói rằng cực kỳ khó để giải quyết. Tại vì nhà trường không tách rời khỏi xã hội, mà cả xã hội được điều hành trên cơ sở của những nguyên lý hoàn toàn dối trá. Tôi lấy ví dụ, nói rằng là ‘Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất’, nhưng trên thực tế thì ai cũng biết cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ Chính trị, không phải là Quốc hội gì cả ; hay nói rằng ‘nhà nước là của dân, do dân, vì dân’ nhưng trên thực tế nó không phải như vậy. Toàn bộ cả một hệ thống chính trị được xây dựng trên những nguyên lý mà nghe thì tốt đẹp lắm nhưng ai cũng thấy là dối trá. Dối trá từ việc xây dựng Nhà nước cho đến việc thực hiện những chính sách cụ thể. Cho nên trong điều kiện đó mà đòi giáo dục thành ốc đảo riêng có sự trung thực được coi là hàng đầu thì tôi thấy đấy là một mơ ước và khó lòng thực hiện lắm".
Một vài chuyên gia giáo dục Đài RFA tiếp xúc thì khẳng định ngành giáo dục Viêt Nam không những bị lạc hậu, lạc đường mà còn có quá nhiều tiêu cực vì sự không trung thực của ngành và do đó ngành giáo dục phải cấp thiết thay đổi.
Hồi đầu tháng 11 năm 2018, trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi Đại biểu quốc hội góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ họ không thấy có sự lạc quan nào cho viễn ảnh của ngành giáo dục khi triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục, chủ yếu lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đào tạo con người toàn diện về đạo đức lẫn trí tuệ ; nhưng phải trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó cũng có ý kiến cho lối ra của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là nên kế thừa di sản giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, như ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang, cựu viên chức làm việc hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục rằng "nên đưa ra triết lý dân tộc, nhân bản, khai phóng thì mới đúng bản chất của giáo dục".
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 30/05/2019