Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc "nói dối một cách trắng trợn"
Trung Khang, RFA, 03/06/2019
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore, hôm 2/6 đã tuyên bố : "Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phượng Hoà tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6/2019. AFP
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore nói với đài RFA hôm 3/6/2019 về vấn đề này :
"Ổng nói như thế là ổng nói dối một cách trắng trợn, người Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La ở Singapore này mười mấy lần rồi, tôi cũng từng tham gia. Sự thật là ngay tại Việt Nam, họ đã xâm lược Việt Nam năm 1979 mấy chục ngày sau thì họ rút, năm 1974 thì họ chiếm Hoàng Sa là xâm lược, năm 1988 họ giết 64 người lính hải quân Việt Nam và lấy đảo, đấy là xâm lược. Họ dẹp bỏ nhà nước Tây Tạng đi, đấy cũng là xâm lược, chỉ cần nói như thể thì cũng đủ biết họ nói dối một cách trắng trợn".
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn khu vực được tổ chức hàng năm với sự tham gia của các quan chức quốc phòng và chuyên gia đến từ nhiều nước. Các vấn đề chủ yếu được thảo luận tại Đối thoại bao gồm quốc phòng và an ninh. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi đã được tổ chức sự kiện này từ năm 2002 đến nay.
Trao đổi với RFA hôm 3/6/2019 từ Hà Nội, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô Đốc Hải quân Việt Nam, nguyên Phó Tham Mưu Trưởng kiêm Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng Hải quân Việt Nam giai đoạn 1988, khẳng định Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam nhiều lần :
"Lịch sử đã chứng minh, 17/2/1979 ai xua 60 vạn quân đánh 5 tỉnh biên giới của Việt Nam ? Còn Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo của Việt Nam mà lịch sử đã chứng minh, chính quyền Việt Nam ở các thời kỳ đã quản lý hàng mấy trăm năm nay, đó là một thực tế. Mà họ chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 5 năm 1956, và tháng 1 năm 1974 họ chiếm trọn Hoàng Sa, đó là một sự xâm lược".
Năm 1956, Hải quân Trung Quốc chiếm nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa trong đó có đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn, từ tay Việt Nam Cộng Hòa.
Đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, xảy ra trân Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau trận Hải chiến, Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.
Quân đội Việt Nam đang chống lại quân Trung Quốc, Lạng Sơn 23/2/1979. AFP
Đến ngày 17/02/1979, khoảng 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam bao gồm : Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân. Ghi nhận cho thấy hàng ngàn người dân Việt, đa số là phụ nữ và trẻ em bị giết hại trong thời gian quân Trung Quốc đánh sang Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng như khu dân cư, nông trường, hầm mỏ, nhà máy… bị san bằng.
Ngày 14/03/1988, Trung Quốc lại một lần nữa tấn công Việt Nam, bằng cách đưa hải quân tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam ở Trường Sa giết chết 64 thủy thủ và chiếm đóng từ đó đến nay.
Trao đổi với chúng tôi hôm 3/6/2019 từ Sài Gòn, Đại úy Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải ngũ, nhớ lại :
"Tôi nhập ngũ năm 1985, là thế hệ sau 1975, khi tôi còn nhỏ, thì cuộc chiến biên giới phía bắc cũng để tôi đủ hiểu đủ biết rằng đó là cuộc chiến xâm lược. Năm 1985 khi tôi nhập ngũ, sau khi đi Campuchia trở về, tôi học tại trường sĩ quan lục quân, và trước khi ra trường thì sự kiện Gạc Ma xảy ra. Với phát biểu của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì tôi có thể dùng từ ‘lôm côm’, phát biểu rất xấc xược và ngang ngược, coi thường luật phát quốc tế và người dân Việt Nam".
Trung Quốc muốn thách thức ?
Trở lại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á, đây là lần đầu tiên sau 8 năm vắng bóng, Trung Quốc lần này đã gửi Bộ trưởng Quốc phòng đến Đối thoại Shangri-La. Sự có mặt của tướng Ngụy Phượng Hòa, một thành viên Quốc Vụ viện Trung Quốc, được trông đợi là dịp để Trung Quốc gửi ra các thông điệp với các nước liên quan nhiều vấn đề.
Nhưng vì sao tại một hội nghị tầm cỡ quốc tế như Đối thoại Shangri-La, mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lại có thể đưa ra tuyên bố trái ngược lịch sử như vậy ? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định :
"Mục đích họ nói dối như vậy là họ muốn bảo là tôi nói dối đấy, các bạn biết tôi nói dối đấy nhưng các bạn chẳng làm gì được tôi. Đấy là một thách thức đối với tất cả các nước khác, đối với cộng đồng quốc tế, đấy là mục đích của họ".
Ngoài ra theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La lần này còn có một chút khác biệt so với những lần trước :
"Năm nay cũng giống những năm trước, cũng có những người khi tham gia hội này chỉ để quấy phá, luôn hỏi những câu rất là bậy, nhận định những câu rất bậy, luôn luôn có những người đi để làm các việc đấy. Nhưng năm nay số người đi để nói bậy chỉ có hai người thôi, trong khi có năm lên đến 9 người".
Ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, khi trả lời RFA cho rằng, khác với những năm gần đây, lần này Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hoà sang dự do đặc biệt liên quan đến bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang lên cao. Trung Quốc đang có cảm giác bị Mỹ tấn công về mặt thương mại và công nghệ. Các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Biển Đông, cũng gặp một số thách thức, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ. Vì vậy, ông Hiệp cho rằng Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải cử Bộ trưởng Quốc phòng tới Shangri-La để gửi đi các thông điệp để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc và muốn xây dựng một hình ảnh Trung Quốc yêu chuộng hòa bình.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 03/06/2019
*******************
Ngụy Phượng Hòa : Trung Quốc 'chiến đấu bằng mọi giá' để 'thống nhất' Đài Loan
BBC, 02/06/2019
"Trung Quốc sẽ chiến đấu với bất kỳ ai định can thiệp vào cuộc "thống nhất" với Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói trong bài phát biểu gây tranh cãi.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6
Theo Reuters, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6, ông Ngụy cho biết Trung Quốc sẽ "chiến đấu tới cùng" nếu ai đó cố tách Trung Quốc khỏi Đài Loan, nơi Bắc Kinh coi là "một phần lãnh thổ thiêng liêng".
Trung Quốc giận dữ trước những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhằm tăng cường trợ giúp cho một Đài Loan tự trị và dân chủ, gồm việc điều hai tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong hoạt động tự do hàng hải.
"Không có ý định chia rẽ Trung Quốc nào có thể thành công. Bất kỳ sự can thiệp nào vào vấn đề Đài Loan đều sẽ chuốc lấy thất bại", ông Ngụy nói trong lúc mặc quân phục của một vị tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
"Nếu bất cứ ai dám chia rẽ Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc không còn cách nào khác là phải chiến đấu bằng mọi giá... Lãnh thổ Hoa Kỳ không thể chia cắt, và Trung Quốc cũng vậy. Trung Quốc phải, và sẽ thống nhất", ông Ngụy nhấn mạnh.
Đối thoại Shangri-La 2019 diễn ra từ ngày 31/5 đến 2/6 tại Singapore
Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng là bên ủng hộ mạnh nhất và là nguồn bán vũ khí chính yếu.
Những người ủng hộ độc lập cho Đài Loan chỉ ra rằng chính phủ Cộng sản chưa bao giờ cai trị Đài Loan và vì vậy đảo quốc này không thể "được thống nhất" với đại lục.
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng do cuộc chiến thương mại leo thang, Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan trong lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông, nơi Hoa Kỳ cũng tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Tàu The USS Preble tham gia vào hoạt động "tự do đi lại" gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông
Hôm 1/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan phát biểu tại Đối thoại Shangri-La rằng Hoa Kỳ sẽ không "tránh né" khi đề cập đến hành vi của Trung Quốc ở Châu Á.
Hồi tháng 5/2019, người đứng đầu an ninh quốc gia Đài Loan David Lee đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ giữa quan chức an ninh cấp cao của Hoa Kỳ và Đài Loan.
Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2020 và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh tìm cách làm suy yếu nền dân chủ Đài Loan và tuyên bố sẽ bảo vệ đảo quốc và quyền tự do của nước này.
*****************
Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc nói đàn áp Thiên An Môn là đúng
RFA, 03/06/2019
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, hôm 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lên tiếng bảo vệ quyết định đàn áp sinh viên và người dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh khiến hàng ngàn người chết, 30 năm về trước.
Hình chụp ngày 2/6/1989 : người dân tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, đòi dân chủ - AFP
Trả lời câu hỏi về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Ngụy Phượng Hòa gọi cuộc biểu tình ở Thiên An Môn là bất ổn về chính trị mà chính quyền trung ương phải dập tắt và đó là một chính sách đúng.
Ông Ngụy Phượng Hòa nói : "Nhờ có vậy, Trung Quốc đã có được sự ổn định, và nếu quý vị thăm Trung Quốc, quý vị có thể hiểu một phần lịch sử này".
Những cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên Trung Quốc hồi năm 1989 kéo dài nhiều tuần lễ từ tháng 4 năm đó. Những sinh viên đòi hỏi dân chủ, đòi đối thoại với các lãnh đạo cấp cao nhưng không thành. Chính phủ Trung Quốc vào ngày 3/6/1989 đã huy động hàng ngàn quân và xe bọc thép đến Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên.
Thống kê mà chính phủ Trung Quốc đưa ra sau đó cho biết có khoảng hơn 200 người thiệt mạng trong vụ đàn áp, nhưng thống kê của một số nguồn phương Tây khác cho rằng đã có hàng ngàn người chết trong vụ đàn áp Thiên An Môn.
Quảng trường Thiên An Môn đã được dọn sạch ngay sau đó trong ngày 4/6/1989.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 3/6 đã có một thông cáo báo chí nhân kỷ niệm 30 năm ngày thảm sát Thiên An Môn để chia buồn với những nạn nhân của sự kiện này và ca ngợi những người dân Trung Quốc đã tham gia đòi dân chủ, nhân quyền ở Trung Quốc năm 1989.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 30 năm qua, Hoa Kỳ vẫn mong Trung Quốc khi hòa nhập với thế giới sẽ mở cửa hơn và dân chủ hơn, nhưng hy vọng này đã bị dập tắt vì nước Trung Quốc với một đảng cai trị không chấp nhận những tiếng nói bất đồng, và vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền, đặc biệt đối với cộng đồng người thiểu số Hồi Giáo Uighur ở Tân Cương.
*****************
Báo Trung Quốc : Thiên An Môn, liều "vắc-xin" chống nhiễm khuấy động
Minh Anh, RFI, 03/06/2019
Thiên An Môn là ba chữ "cấm kỵ" tại Trung Quốc. Trong một bài xã luận hiếm có về chủ đề này, Hoàn Cầu Thời Báo ngày 03/06/2019 cho rằng vụ trấn áp đẫm máu Thiên An Môn cách nay đúng 30 năm đã "miễn nhiễm" khuấy động chính trị cho Trung Quốc.
Ảnh tư liệu : Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 06/06/1989 sau vụ đàn áp phong trào biểu tình. Manny CENETA / AFP
Trong phiên bản bằng tiếng Anh, nhật báo thân chính quyền cho rằng "sự cố" ngày 04/06/1989 "đã trở thành một sự kiện lịch sử bị quên lãng" và "sự quên lãng này đã cho phép Trung Quốc tiếp tục con đường phát triển kinh tế ngoạn mục".
Nhật báo khẳng định : "Khi tiêm vắc-xin cho xã hội Trung Quốc, sự cố Thiên An Môn đã làm tăng thêm khả năng miễn dịch cho đất nước trước mọi ý đồ gây rối chính trị tương lai".
Hoàn Cầu Thời Báo kết luận : "Trung Quốc ngày nay hiển nhiên không còn những điều kiện chính trị (cần thiết) để nổ ra một vụ bạo động như cách nay 30 năm. Xã hội Trung Quốc đã quá đủ liều với những thảm kịch chính trị, đó cũng là những gì đã diễn ra tại Liên Xô, Nam Tư và một số nước Ả Rập".
AFP lưu ý là bài xã luận này không xuất hiện trong ấn bản bằng tiếng Hoa và cũng không được đăng trên mạng.
Trước đó một hôm, tại Diễn đàn An ninh Shangri- La, ở Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa, tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc thời bấy giờ đã có "một quyết định đúng đắn" khi cho điều xe tăng đến trấn áp cuộc biểu tình ôn hòa mà vào thời điểm đó bị xem là "bạo động chống cách mạng".
Hãng thông tấn Pháp nhắc lại, đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng Sáu năm 1989, xe tăng Trung Quốc đã dẹp tan một cách bạo tàn các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, kéo dài trong vòng bảy tuần trước đó, tập trung tại quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh.
Cuộc trấn áp làm hàng trăm người thiệt mạng, thậm chí hàng chục ngàn người cho đến nay vẫn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc.
Minh Anh