Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/06/2019

Mỹ đã vỡ "hy vọng" về dân chủ Trung Quốc, còn với Việt Nam thì sao ?

An Viên

Hà Nội cũng cho thấy hành xử không khác gì với Bắc Kinh. Hà Nội đang chứng minh bản thân họ không chấp nhận bất đồng chính kiến và lạm dụng quyền con người bất cứ khi nào họ phục vụ lợi ích của mình, bởi họ chọn con đường vào ngày định mệnh, ngày cho ra đời luật an ninh mạng và Quy định 102-QĐ/TW.

pha1

Núi liền núi, sông liền sông.

Ba mươi năm sau Thiên An Môn : đã đến lúc đối mặt với sự thật và tham gia lực lượng

30 năm sau ngày biến cố Thiên An Môn, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lặng mang tính chất hiển nhiên. Trung Quốc, độc tài về tư tưởng, thiếu sự khoan dung, và kiểm soát chặt quốc gia.

Kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn, với sự bổ trợ của nền kinh tế đi lên.

Đảng cộng sản Trung Quốc mạnh lên, nhưng xã hội dân sự lại càng bị kiềm tỏa, khác hẳn với kỳ vọng của nước phương Tây, rằng khi kinh tế đi lên, thì xã hội dân chủ của Trung Quốc được mở rộng.

Và nhiều quan điểm cho rằng, không phải sự đi lên của kinh tế, mà chính khủng hoảng nền kinh tế sẽ cởi bỏ xiềng xích xã hội Trung Quốc, mở đường cho dân chủ và tự do.

Quan hệ Trung – Mỹ đang rơi vào trạng thái chiến tranh lạnh (cold war), nhưng lại là về thương mại. Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ trở nên "biết điều" hơn, khi Mỹ nắn gân trong khía cạnh này, bởi chính nó sẽ tác động mạnh mẽ đến chính trị độc đảng.

Chưa bao giờ, kể từ sau thời điểm mãn nhiệm của Tổng thống Ronald Reagan, Trung Quốc trở nên thấm đòn như hiện nay. Vai trò và sức mạnh của Mỹ đã trở lại, buộc tinh thần Đại hán của Bắc Kinh phải thoái lui.

Dự luật ngăn quân sự hóa Biển Đông do các nghị sĩ Mỹ lưỡng đảng trình ra, có thể tác động đến ngay lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh (mà ở đây là ông Tập Cận Bình với vai trò Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc), nếu như có những hành vi liên quan đến quân sự hóa Biển Đông.

Chính quyền thời Tổng thống Donald Trump cũng tạo đột phá liên quan đến nguyên tắc "một Trung Quốc", theo đó, đã gọi Đài Loan là "một quốc gia" trong bản báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương kéo dài 55 trang.

Mỹ đang cho thấy hành động liên quan đến lời nhắc nhở của các học giả vào những năm 1990 rằng, tự do hóa kinh tế và mở cửa thị trường Trung Quốc cho thương mại thế giới chắc chắn sẽ không dẫn đến dân chủ hóa như một hiệu ứng tự động của tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy. Và sự hy vọng về mở rộng dân chủ và tự do của Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12.2001, với ngụ ý "sẽ giống chúng ta hơn" là một ảo tưởng.

Trung Quốc vẫn bỏ tù người bất đồng chính kiến, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ - Uyghur ở Tân Cương, quấy rối các nhóm thanh niên Marxist trong các trường đại học Bắc Kinh, tham nhũng đặc hữu tràn lan.

Bắc Kinh gây ra hiểm họa, không chỉ với chính người dân nước này, mà còn với các nước láng giềng như Việt Nam.

Và sự thơ ngây một thời của những người quan tâm đến tình hình nhân quyền Trung Quốc đã và đang lặp lại ở một số người Việt Nam ngây thơ. Một trong số đó là nhà văn Trần Quốc Quân đến từ Warsaw, người đã từng lên tiếng công kích những ai chống lại EVFTA cho đến khi Việt Nam đạt được những cam kết nhân quyền nhất định.

Và thực tế đã chứng minh, trong thời điểm vận động và ký kết CPTPP, EVFTA (hai thỏa thuận thương mại quan trọng với Việt Nam), Hà Nội đã tống giam hơn 100 người bất đồng chính kiến, và mới đây là nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Liên quan đến cam kết nhân quyền trong hiệp định thương mại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về quyền Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhưng việc trình Tờ trình này đã được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đặt ngay câu hỏi trong một bài viết trên VOA, theo đó, Việt Nam chỉ ký công ước 98, còn Công ước 87 bỏ đâu ?

"Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động", nhà báo Phạm Chí Dũng nhấn mạnh trong bài viết.

Như vậy, nếu có bài học gì cho giới đấu tranh Việt Nam nhân sự kiện Thiên An Môn, thì đó là ngừng thơ ngây trước hy vọng chính trị thông qua sự chủ động mở rộng dân chủ, tự do khi nền kinh tế đi lên ở Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi bản chất của vấn đề sẽ không khác gì cách thức mà Bắc Kinh áp dụng, siết chặt hơn khi còn điều kiện.

Quay trở lại với vấn đề Trung Quốc, hãy nhớ Đặng Tiểu Bình – người từng là nạn nhân của chính sách Cách mạng văn hóa trước đó, người được cho là tạo nền tảng mở cửa kinh tế cho chính Bắc Kinh. Tuy nhiên, Đặng cũng là một nhân vật nổi bật khi ông này đóng cửa chính trị lại, bằng chứng là, ông là quyết định chí mạng là sử dụng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) để đè bẹp những người biểu tình ở Bắc Kinh, gọi cuộc đấu tranh quyền làm người là cuộc hỗn loạn phản cách mạng, các cuộc cải cách chính trị đã đình trị hơn 30 năm qua, thay vào đó là bộ máy nhà nước công an trị. Lý do, sự kiện Thiên An Môn tạo cớ cho Đặng đàn áp cả một thế hệ trí thức và cán bộ có tư duy cải cách, nhiều quan chức cải cách, có tư tưởng cải cách đã bị bỏ tù hoặc bị buộc phải đi lưu vong.

Tập Cận Bình đã trở thành người kế thừa xuất sắc nhất của Đặng về đàn áp chính trị, kiểm soát tư tưởng thanh niên và trí thức ; quân sự hóa đời sống chính trị. Nói cách khác, chính Tập đã nhân đôi sự kiểm soát tư tưởng Maoist trong xã hội, đặc biệt khu vực giáo dục. Một năm sau khi nhậm chức vào năm 2012, Tập đã lưu hành Văn kiện Đảng số 9, cấm những hoạt động nghiên cứu học thuật và giảng dạy về bảy chủ đề cấm kỵ : các giá trị toàn cầu, xã hội dân sự, quyền công dân, tự do báo chí, sai lầm của Đảng Cộng sản, đặc quyền của chủ nghĩa tư bản, và sự độc lập của cơ quan tư pháp.

Hãy nghĩ về Việt Nam với Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Mới đây, nhân kỷ niệm 30 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn , Mỹ cho biết họ đã mất hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội mở. Và khi lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Washington đã sai lầm khi cho rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ trao quyền tự do dân sự cho công dân của mình.

Những hy vọng đó đã bị tan vỡ. Nhà nước độc đảng của Trung Quốc không chấp nhận bất đồng chính kiến và lạm dụng quyền con người bất cứ khi nào họ phục vụ lợi ích của mình.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez tuyên bố : Trung Quốc thách thức chúng ta ngày nay là Trung Quốc đã chọn con đường của mình vào những ngày định mệnh đó vào tháng 6/1989.

Và Hà Nội cũng cho thấy hành xử không khác gì với Bắc Kinh. Hà Nội đang chứng minh bản thân họ không chấp nhận bất đồng chính kiến và lạm dụng quyền con người bất cứ khi nào họ phục vụ lợi ích của mình, bởi họ chọn con đường vào ngày định mệnh, ngày cho ra đời luật an ninh mạng và Quy định 102-QĐ/TW.

An Viên

Nguồn : VNTB, 08/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 472 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)