Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2019

Đề xuất tăng phí một loạt các trạm BOT vào lúc này có hợp lý ?

Diễm Thi

Bộ Giao thông và vận tải vừa đề xuất tăng phí 37 dự án BOT với lý do doanh thu sụt giảm. Bộ này đang có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng. Đề xuất được đưa ra giữa lúc có nhiều phản đối của người dân cả nước về nhiều trạm thu phí BOT vì cho rằng các trạm này thường đặt sai vị trí hoặc thu phí quá cao.

bot1

Trạm thu phí BOT Cai Lậy dừng thu phí tạm thời từ đầu tháng 12/2017. Courtesy of nguoilaodong

Thông tư 159 của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ nêu rõ lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm 1 lần, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2016 đến nay Bộ Giao thông và vận tải chưa tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước. Bộ Giao thông và vận tải cho hay nếu không tăng phí BOT thì đến năm 2021 sẽ có 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 25 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu. Bộ Giao thông và vận tải cảnh báo nếu không tăng phí để cứu 25 dự án này thì doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.

Không minh bạch

Bà Huệ Như, người đồng hành cùng các tài xế phản đối các trạm BOT đặt sai chỗ, thu phí cao nêu ý kiến của mình :

"Việc nói là doanh thu bị sụt giảm chỉ là hình thức không minh bạch để các chủ đầu tư BOT tiếp tục tìm cách ‘hút máu’ dân. Ví dụ như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo thu có 1,2 tỷ /ngày và giảm dần trong những ngày lễ tết, thế nhưng khi kiểm toán thì thành ra 1,9 tỷ /ngày và cao điểm lên đến 2 tỷ. Họ độc báo cáo mồm và nhập nhèm doanh thu để tìm cách lấp liếm và chờ đợi sự cứu viện từ chính phủ. Theo tôi thì không có chuyện lỗ ở bất kỳ BOT nào nếu như minh bạch, công khai trong thu phí".

Mới đây trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ bị dừng việc thu phí bắt đầu từ ngày 10/6/2019 do trạm này không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu của Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Theo số liệu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên, thì mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng so với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ Giao thông và vận tải. Con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.

Ngày 13/2/2019, một vụ cướp 2,2 tỷ đồng xảy ra tại trạm thu phí Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý. Dư luận đặt ra nghi vấn các trạm thu phí BOT thu được số tiền quá cao nhưng lại báo cáo thấp hơn rất nhiều so với thực tế để kéo dài thời gian thu phí hồi vốn đầu tư dự án.

Anh Nguyễn Minh Hùng, trưởng nhóm kiểm đếm xe tại BOT Ninh Lộc phản đối việc Bộ Giao thông và vận tải đề xuất tăng mức thu phí tại một số trạm BOT trên cả nước :

"Nếu Bộ Giao thông và vận tải nói doanh thu sụt giảm thì phải liệt kê rõ trạm nào giảm trạm nào tăng. Nếu một trạm bình thường không xây một tuyến đường nào mới thì doanh thu chỉ có tăng lên chứ không thể nào sụt giảm được.

Trước đây trạm BOT Ninh Lộc công bố lên bảng điện tử là thu được trên dưới 24 tỷ một tháng. Khi Hùng cùng người dân kiểm đến thì trên dưới một tỷ một ngày. Như vậy là khoảng 30 tỷ một tháng. Nếu người dân không kiểm đếm thì sao biết chênh lệch tới 6 tỷ như vậy. Mức thu chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi".

Truyền thông trong nước dẫn số liệu từ Bộ Giao thông và vận tải, trong 61 dự án BOT do Bộ Giao thông và vận tải quản lý có 25 dự án doanh thu thực tế thấp hơn dự báo, 37 dự án phải tăng phí từ 12-18% theo lộ trình cam kết trong hợp đồng. Trong đó, năm 2018 tăng phí 2 dự án, năm 2019 tăng phí 35 dự án, năm 2020 tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021. Bộ Giao thông và vận tải cũng cho biết đến nay đã nhận được đề xuất tăng phí của nhiều nhà đầu tư BOT.

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng :

"Việc thu phí các tạm BOT chưa được minh bạch nên dẫn đến tình trạng dân phải trực tiếp đếm lượng xe qua trạm. bây giờ các chủ đầu tư đề nghị tăng phí thì chính phủ phải xem xét lại chứ không phải cứ Bộ Giao thông và vận tải đề nghị là thực thi. Mình cũng có kiểm toán độc lập. Trước kia kiểm toán đã giảm thời gian thu phí một số BOT do giá thành dự toán cho dự án đều thấp hơn số tiền thu vào rồi".

Bà Huệ Như nêu quan điểm của mình :

"Quan điểm của tôi là để biết các BOT có lỗ không, doanh thu có giảm không thì vừa cho kiểm toán độc lập vào làm việc, vừa cho người dân giám sát hoạt động một cách công khai tại các trạm thu phí".

Anh Minh Hùng cho biết nếu mức phí tăng nữa mà người dân cảm thấy không phù hợp, quyền lợi của người dân bị xâm hại thì họ lại phải phản đối để đòi lại quyền lợi chính đáng hợp pháp của họ. Người dân phản đối BOT rầm rộ nhất là từ năm 2017 tới nay, cũng có những trạm tháo dỡ, có những trạm ngưng thu thí. Trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ ngưng thu phí vào ngày 10/6 này.

Tháng 5/2018, nhiều tài xế tập trung phản đối việc thu phí tại trạm BOT Tân Đệ vì cho rằng việc bổ sung hạng mục tuyến tránh QL10 qua thị trấn Đông Hưng thu phí tại trạm Tân Đệ là chưa hợp lý và đã hết thời hạn thu phí. Sau đó UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản yêu cầu xóa bỏ trạm thu phí Tân Đệ. Cuối tháng 1/2019, trạm thu phí Tân Đệ đã bị dỡ bỏ hoàn toàn.

Chuyện người dân phản đối tình trạng các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, thu phí quá cao, thu quá thời hạn… diễn ra đã mấy năm qua nhưng Chính phủ vẫn chưa có cách nào giải quyết dứt điểm. Bây giờ Bộ Giao thông và vận tải lại đưa ra đề xuất tăng phí. Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng :

"Không nên tăng phí mà phải có sự xem xét cụ thể, đánh giá của cơ quan chức năng và cơ quan tư vấn độc lập. Không thể cứ Bộ Giao thông và vận tải đề nghị và được thực thi".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 07/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)