Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/06/2019

Mong sông Tô Lịch xanh

Phạm Quang Ngọc

Tô Lịch là con sông nhỏ trên đất Thăng Long xa xưa. Thời gian trôi qua, con sông nhỏ "trên bến dưới thuyền" giờ chỉ còn là đoạn "sông kín", không còn tiếp nước với sông Hồng và các sông khác, nhận nước thải quanh năm, trở nên ô nhiễm nặng ở Hà Nội.

tolich1

Dọc theo hai bờ sông Tô Lịch có hơn 280 cống xả nước thải bẩn vào sông. 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng không hiệu quả. Ảnh : internet.

"Sông Tô Lịch hiện có chiều dài khoảng 14 km, từ phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ ở xã Hữu Hòa, Thanh Trì. Dọc theo hai bờ sông Tô Lịch có hơn 280 cống xả nước thải bẩn vào sông. 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả".

Từ cuối những năm 1990, thành phố Hà Nội đã tiến hành nạo vét, xây bờ kè, làm sạch và chống lấn chiếm sông Tô Lịch. Giữa thủ đô với diện tích rất lớn, rất đẹp, có con sông được xây kè như một con mương thủy lợi, rất xấu, thật đáng buồn. Kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn, cũng được kè, cải tạo, làm sạch, sao mà đẹp thế.

Sáng 16/5/2019, thành phố Hà Nội đã khởi động "Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor". Một đoạn dài 300m của sông Tô Lịch được khử mùi hôi và ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản, dự kiến sẽ có kết quả sau 3 ngày. 

Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ trên đã được áp dụng thành công trong nhiều dự án xử lý ô nhiễm cho các con sông ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Theo Phóng viên báo Dân Trí vào sáng 31/5/2019, tại khu vực lắp đặt thí điểm máy Nano trên sông Tô Lịch, màu nước dưới sông đã trong hơn, mùi hôi thối giảm nhiều, váng bẩn trên mặt nước cũng dần phân hủy. Người dân sinh sống ven sông Tô Lịch chia sẻ : "Lâu lắm rồi mới thấy sông Tô Lịch sạch sẽ như vậy. Buổi sáng đi tập thể dục qua đây, thấy nước sông chuyển màu rõ rệt, không đen xì như ngày trước, mùi hôi thối cũng không còn nữa". Người dân bắt đầu câu cá ở sông Tô Lịch. Thật không nên ! Vì nước sông ô nhiễm như vậy, cá chắc chắn bị nhiễm nhiều chất độc hại, không thể dùng làm thực phẩm. 

tolich2

Sông Tô Lịch bất ngờ lột xác ? Ảnh : internet.

Nước sông Tô Lịch sẽ được cải thiện, không còn hôi thối, là điều đáng mừng. Việc thử nghiệm khử mùi hôi và ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản vẫn tiếp tục, chưa có kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, đã xuất hiện một số ý kiến "nhiều chiều", xin nêu lại theo báo Dân Trí.

"Một số nhà khoa học cho rằng công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch chỉ là giải pháp cục bộ", qua quảng cáo.

"Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật - Việt (JVE), đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano-Bioreactor) vừa công bố kết quả xử lý nước sau 3 tuần.

Theo đó, Công ty này cho rằng lượng khí Amoniac (NH3), Hydrosulfide (H2S) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng. Tại một số điểm đặt máy xử lý, độ dày của bùn giảm từ 15-20 cm. Đại diện Công ty khẳng định sau 2 tháng xử lý, khi lượng bùn giảm hẳn thì nước sông sẽ trong trở lại".

"Đánh giá công nghệ nêu trên, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nói : "Công nghệ này có thể làm sạch nước, bùn cát nhưng chỉ là giải pháp cục bộ. Để hồi sinh sông Tô Lịch, không thể đơn giản bằng việc lắp máy thí điểm ở một khu vực rồi áp dụng cho toàn tuyến sông".

Theo ông Tứ, hiện mực nước của sông Tô Lịch chỉ còn 20-50 cm, nguồn chảy chủ yếu từ nước mưa, nước thải sinh hoạt. Trong khi, một dòng sông đúng nghĩa phải có mực nước dâng cao, dòng chảy liên tục từ đầu đến cuối nguồn, có các loài tôm cá, thủy sinh.

"Nước thải liên tục đổ 24/24h từ hàng trăm cống xả, nếu lắp máy xử lý từ đầu nguồn đến cuối nguồn thì chi phí ra sao ? Tôi chưa thấy ở đâu lắp máy để xử lý nước cho cả dòng sông. Muốn làm sạch sông, ta phải tính từ gốc", ông Tứ nói.

Chuyên gia về hệ thống sông ngòi cho rằng, biện pháp căn cơ, lâu dài nhất để làm sống lại sông Tô Lịch là tách nước thải, đưa về nhà máy xử lý tập trung. Khi nước sông Tô Lịch sạch, có thể bổ cập nước sông Hồng để tạo dòng chảy lưu thông".

"Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho hay, công nghệ Nano-Bioreactor đã ứng dụng thành công ở Nhật Bản và một số nước.

"Kết quả thí điểm ở Việt Nam vừa qua làm giảm mùi và bùn hữu cơ, như vậy đã thành công bước đầu. Nhưng tôi không nghĩ đây là công nghệ thần kỳ, giải quyết hết mọi vấn đề của sông Tô Lịch. Chất thải ra sông Tô Lịch còn chứa kim loại nặng, chất rắn khó phân hủy mà công nghệ chưa thể xử lý hết", ông Khải nói".

"Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải bảo bối giúp môi trường sạch sẽ mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể về xử lý rác thải và nước thải từ nguồn", ông Khải nhấn mạnh".

Theo bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, " thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bước đầu đã có cải thiện". Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, "cần phải có thời gian để đánh giá công nghệ này có áp dụng được trên thực tế hay không". "Phải kiểm soát từ nguồn, xử lý từ nguồn chứ không thể biến dòng sông thành chức năng vận chuyển nước thải".

Đánh giá về các ý kiến trên, xin nhường lời cho bạn đọc. Thật khó cho những ai muốn theo các góp ý, "xắn tay áo làm sạch sông Tô Lịch" bởi không biết nên bắt đầu từ đâu ?

Người viết xin đề xuất "Giải pháp xanh, làm sạch sông Tô Lịch" với mong muốn sông Tô Lịch sẽ xanh. 

1. Thiết kế hai bờ kè của sông xấu, nên sửa lại. Bờ kè như bờ đê, nên chia đôi chiều rộng, đặt kè bê tông như ở kênh Nhiêu Lộc. Phần trên, gần đường đi, đổ đầy đất, trồng cây xanh. Nên trồng cây Sao xanh như ở Vũng Tàu rất đẹp. Cây Sao xanh có gốc không to, không phá vỡ các kết cấu bê tông bên dưới (nếu có), lá rất ít rụng, xanh bốn mùa. Hà Nội sẽ có hai hàng cây Sao xanh, kéo dài 14km trên hai bờ sông Tô Lịch, sẽ rất đẹp. Phần dưới kè mới, bốc dỡ phần đất còn lại, mặt sông Tô Lịch sẽ được mở rộng thêm, là nơi chứa nước mưa khi Hà Nội có mưa lớn.

2. Xử lý bùn bẩn và mùi hôi thối. Sông Tô Lịch cạn, có lớp bùn đen dày, nên ngăn sông ra từng đoạn khoảng 100m một, hút cạn nước, vét hết bùn có từ thời "Cao Biền đến nay". Theo quy tắc "Vết dầu loang", kết thúc đoạn này, chuyển sang đoạn khác. Như vậy sẽ giải quyết tận gốc lớp bùn dày gây ra mùi hôi thối. Sông Tô Lịch sau khi nạo vét hết bùn, nước sẽ trong hơn, đỡ hôi.

3. Xử lý nước thải của hơn 280 cống đổ vào sông Tô Lịch. Bờ kè sau khi chỉnh sửa, còn khá rộng, tại mỗi cửa cống, xây hai bể chứa liên hoàn, mỗi bể có dung tích khoảng 5 m3, hoặc hơn. Bể 1. hứng nước từ cống xả vào và được "lọc thô" kèm các chế phẩm, giúp các cặn nhanh chóng kết lắng. Bể 1. được làm sạch theo định kỳ từng tháng. Bể 2. đón nước từ bể 1. và tiếp tục được "lọc tinh", làm sạch bằng hóa phẩm. Kết quả, nước qua hai bể sẽ sạch và chảy ra sông Tô Lịch.

4. Xử lý "xanh" nước tại sông Tô Lịch. Trên mặt sông Tô Lịch làm các khung nổi, chiều ngang từ 3-5m, dài 30m, trong đó thả bèo tây, bèo sẽ giúp làm trong nước tự nhiên. Các khung nổi cách nhau khoảng 20m một cái. Số lượng khung nổi và khoảng cách giữa các khung sẽ được điều chỉnh, sau một thời gian hoạt động. Phần nước còn lại của sông Tô Lịch sẽ thả rong, có tác dụng làm trong nước rất tốt.

Với việc điều chỉnh thiết kế bờ sông Tô Lịch, thực hiện nạo vét bùn và xử lý nước như nêu ở trên, hy vọng sẽ có một sông Tô Lịch xanh và đẹp.

Phạm Quang Ngọc

Nguồn : VNTB, 10/06/2019 

Quay lại trang chủ
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)