Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/06/2019

Dự luật biểu tình và trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng

Thảo Vy

Trên trang http://duthaoonline.quochoi.vn của Thư viện Quốc hội, nơi chuyên đăng những dự án luật, cho đến nay vẫn chưa thấy đăng dự luật biểu tình. Trên trang Thư viện pháp luật https://thuvienphapluat.vn, cũng không đăng tải dự luật đó. 

Như vậy trên thực tế cơ quan nào đã thực sự chấp bút soạn thảo dự luật này ? Báo chí đưa tin đó là Bộ Công an, nhưng ngay cả trên website của họ cũng không đưa ra về diện mạo dự luật ấy.

Một Đảng của dân thì sao lại cứ mãi sống trong lo sợ ?

"Với luật biểu tình, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án luật biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta".

Trên đây là đoạn trích nằm trong Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội "đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019" của Chính phủ trình Quốc hội hồi đầu quý 2/2019.

Bốn năm về trước, ở buổi thảo luận tại Hội trường Diên Hồng của Quốc hội vào sáng 27/5/2015 về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, đối với luật biểu tình, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Thành phố Hải Phòng) cho rằng, việc đề nghị cho lùi thời gian trình dự án luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 (dự kiến 5/2015) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (10/2016) là quá lâu. 

"Quốc hội nên xem xét cho ý kiến về luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10 tới và thông qua vào kỳ họp 11 để luật sớm có hiệu lực ngay trong năm 2016", đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Với mong muốn luật biểu tình được Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo lịch trình trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh nhu cầu có luật biểu tình nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đã được nêu trong Hiến pháp 2013. 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Thành phố Hà Nội) chia sẻ : "Nếu các đại biểu Quốc hội không được bấm nút thông qua luật biểu tình trong nhiệm kỳ lần này sẽ cảm thấy rất nuối tiếc. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật để Quốc hội khóa XIII thông qua".

Bày tỏ mong muốn sớm được thông qua luật biểu tình, khi ấy Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là đại biểu Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh : "Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, người dân rất muốn có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình".

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) nhấn mạnh : "Cử tri rất mong mỏi, quan tâm có luật biểu tình, họ đều đặt câu hỏi vì sao Quốc hội mãi không đưa vào chương trình, trình lấy ý kiến và thông qua luật này ?".

Sao không bỏ tù những ai đang cản trở quyền biểu tình ?

Câu hỏi đặt ra, nếu như Bộ Luật hình sự 2015 đã có điều khoản quy định : "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm" (Điều 167.1), thì vì sao khi người dân biểu tình bị ngăn trở bởi công an sắc phục và các lực lượng dân sự khác lại chưa thấy ai bị khởi tố về tội hình sự ?.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Hãng luật Hưng Yên, nhìn nhận về lý thuyết thì công dân Việt Nam hiện tại có quyền biểu đạt, biểu tình, pháp luật không cấm. Nhưng hoạt động biểu tình, biểu đạt, không được vi phạm các quy định khác của pháp luật.

Khi biểu tình phải chọn địa điểm, thời điểm phù hợp, không được tụ tập đông người gây ách tắc giao thông, trật tự an toàn xã hội, nếu có hành vi này thì đã vi phạm quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Cho nên hiện nay, biểu tình là quyền của công dân, nhưng công dân phải có nghĩa vụ chấp hành và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật, nếu có vi phạm họ sẽ bị xử lý theo văn bản điều chỉnh tương ứng, chứ không phải bị xử lý vì hành vi biểu tình.

Tuy nhiên trên thực tế chỉ cần tụ tập nhóm người ở khu vực quảng trường, công viên và không hề gây cản trở giao thông, trật tự xã hội cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động công cộng khác, thì với những băng rôn như phản đối Trung Quốc tấn công, cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam… là lập tức bị công an sắc phục lẫn thường phục trấn áp, tạm giữ ; thậm chí cả đánh đập người biểu tình ôn hòa ngay tại chỗ lẫn khi bị ‘mời’ về đồn công an.

Có ý kiến sở dĩ dự luật biểu tình vẫn chưa thể công khai trước bàn dân thiên hạ, vì vẫn còn nguyên vẹn đó tâm lý sợ đám đông trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Việc dùng các thủ đoạn để giải tán đám đông càng làm cho mâu thuẫn xã hội nhiều khi trở nên rất gay gắt, gây bức xúc trong nhân dân, vi phạm quyền tự do hiến định của người dân.

Một cuộc biểu tình ở Sài Gòn phản đối Formosa đầu độc môi trường biển miền Trung Việt Nam. Clip do nhóm phóng viên VNTB thực hiện

Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đến đâu ?

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi thêm ghế Chủ tịch nước, cũng đồng nghĩa ông gánh luôn trọng trách là Trưởng Ban cải cách tư pháp quốc gia. Là người có học hàm tiến sĩ xây dựng Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đương nhiên hiểu rằng việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về biểu tình hiện đang là sứ mệnh của Nhà nước, là phép thử về bản chất dân chủ và tính chất nhân dân của Nhà nước trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Còn với tư cách là người đứng đầu đảng chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng quá hiểu về một chính quyền của dân, do dân và vì dân, thì không những không sợ và không thể sợ biểu tình, mà ngược lại phải biết lấy biểu tình làm sức mạnh gốc, coi biểu tình như sức mạnh của chính quyền nhân dân, như một chiếc cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, coi đó là phương tiện hữu hiệu để khắc phục tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các căn bệnh tham nhũng, lãng phí.

"Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân từ phía cơ quan công quyền phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và thể hiện văn hóa pháp lý trong quan hệ giữa nhà nước và công dân. Biểu tình là một kênh đối thoại quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, chính quyền ngày càng hoàn thiện qua việc lắng nghe dân, cân nhắc, điều chỉnh và hoạch định các chính sách liên quan sao cho hợp với lòng dân hơn, đồng thời có kế hoạch đưa hoạt động này trở nên có nề nếp, trật tự, thực sự là sinh hoạt xã hội thiết thực và bổ ích của người dân, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng và đời sống tinh thần của nhân dân".

Ông Chu Hồng Thanh, nguyên Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật, đã có nhận định như vậy. 

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 11/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 684 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)