"Nếu Quốc hội để cho tình trạng rượu bia tiếp tục duy trì thì đang làm nghèo đất nước"
Quốc hội Việt Nam khóa XIV sẽ biểu quyết thông qua Luật phòng, chống tác hại rượu, bia vào ngày 14 tháng 6.
Dưới 50% Đại biểu quốc hội, vào ngày 3 tháng 6 bỏ phiếu thông qua đưa quy định "uống rượu bia không lái xe" vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. RFA edited
Đài RFA có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Trần Tuấn, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, là người dốc sức tham gia gửi thư kiến nghị tới Quốc hội, kêu gọi đặc biệt quan tâm đúng mức đến việc xem xét và thông qua Dự luật này.
Trước hết, Bác sĩ Trần Tuấn cho biết ông rất thất vọng trước kết quả có ít hơn 50% Đại biểu quốc hội, vào hôm 03/06 bỏ phiếu thông qua đưa quy định cấm uống rượu bia khi lái xe vào luật.
Trần Tuấn : Với một kết quả biểu quyết như vậy thì có thể thấy rằng trong kỳ họp Quốc hội lần này, số Đại biểu không quan tâm tình hình thực tế của đất nước, tức là gần nhất trong tháng vừa rồi thôi đã xảy ra một loạt các vụ tai nạn ngay tại Hà Nội bởi do lái xe mà uống rượu bia gây ra, thế mà vẫn có thể biểu quyết được như vậy. Trong khi các nước xung quanh hoặc là đi ra nước ngoài thì thấy rằng việc kiểm soát bia rượu liên quan đến lái xe rất chặt chẽ, thậm chí họ coi đó là tội ác. Vậy mà ở Việt Nam có đến non nửa Đại biểu quốc hội không nhất trí đưa vào luật để kiểm soát thì tôi cho rằng thật sự nhóm người đó nếu không nói là vô tâm, vô cảm thì chắc là có liên quan đến lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia.
Hòa Ái : Đài RFA ghi nhận phát biểu của Đại biểu quốc hội Phạm Thị Minh Hiền với truyền thông trong nước hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua rằng Dự luật phòng, chống tác hại rượu, bia yếu dần sau mỗi lần chỉnh sửa. Nhận định của ông như thế nào liên quan phát biểu vừa nêu ?
Trần Tuấn : Nhận định rằng dự luật cứ yếu dần đi trong quá trình chỉnh sửa, góp ý của các bộ ngành, chính phủ cũng như của Quốc hội sau đó thì đấy là sự thật. Và chúng tôi từ các cơ quan nghiên cứu khoa học vận động chính sách ở ngoài Nhà nước cũng thấy vấn đề này rất rõ, đồng thời chúng tôi đã gửi những thư kiến nghị lên cấp chính phủ và Quốc hội suốt gần một năm qua. Ngay từ lá thư đầu tiên, chúng tôi đã cảnh báo về sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia rồi liên tục trong các thư thứ hai, thứ 3, thứ 4 thì chúng tôi đều nhấn rất mạnh rằng chắc chắn sự can thiệp sâu sắc từ ngành công nghiệp rượu bia đang làm cho Dự luật này ngày một yếu đi. Cho nên việc các Đại biểu quốc hội phát niểu như vậy là hoàn toàn rất phù hợp với tình hình thực tế.
Hòa Ái : Tuy nhiên, Đài RFA ghi nhận cũng có ý kiến của Đại biểu quốc hội cho rằng nên bảo vệ cho ngành rượu bia Việt Nam phát triển và đóng góp tích cực. Ông nghĩ sao, thưa Bác sĩ ?
Ảnh minh họa: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia thống kê có đến 70% số vụ tai nạn giao thông trong năm 2018 là do lái xe uống rượu bia.Courtesy: Ảnh chụp màn hình giaoducthoidai.vn
Trần Tuấn : Sự "lobby" để ngành công nghiệp rượu bia can thiệp vào tiến trình xây dựng Dự luật này cũng như các Đại biểu quốc hội hoặc là các thành viên của Chính phủ mà bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia trong quá trình xây dựng luật là vi phạm đạo đức công vụ. Điều này rất rõ ràng và chúng tôi cũng đã trích dẫn các kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị các nước thành viên không được để cho ngành công nghiệp rượu bia can thiệp vào tiến trình xây dựng chính sách luật pháp dù ở bất kỳ hình thức nào.
Thế còn cơ sở nói rằng ngành rượu bia đem lại lợi ích thì nếu như không có các nghiên cứu khoa học chỉ ra cách đây 10, 15 hay 20 năm với mức đóng thuế cao như vậy là đóng góp tạo ra ngân sách; nhưng với sự tiến bộ của khoa học hiện nay thì có thể đo lường chính xác về thuế đóng ra sao, những tác hại do rượu bia gây ra và chi phí khắc phục tác hại thế nào… Khoa học đã chỉ ra rất rõ ràng rằng thuế do ngành rượu bia đóng vào ở các quốc gia không bù được những chi phí do tác hại của rượu bia gây ra và người ta tính mức trung bình của một nước có sự kiểm soát tốt thì phải mất 1,3% GDP, còn những nước không kiểm soát tốt thì có thể lên đến 3% GDP.
Đối với Việt Nam, về thuế do ngành rượu bia và nước giải khát nói chung đóng vào thì bản thân Chính phủ cũng không theo dõi và báo cáo được số tiền thuế thu vào là bao nhiêu.
Chúng tôi có chất vấn và tham dự các cuộc phản biện về dự luật này thì các số liệu toàn do chính ngành công nghiệp rượu bia đưa ra mà thôi. Tôi cho rằng ngành công nghiệp rượu bia bao giờ cũng nêu khống lên lợi ích đóng thuế do ngành này mang lại. Số liệu tiền thuế rượu bia cho đến nay thường viện dẫn con số 50 nghìn tỷ, thực ra là gộp cả thuế nước giải khát và được ngành công nghiệp rượu bia cứ phát biểu thành thuế đóng từ rượu bia. Và tôi cũng không thấy phía Chính phủ làm rõ chuyện này với giới truyền thông. Trong tương lai phải có sự theo dõi độc lập thuế rươu bia mới có được con số chính xác.
Cứ cho là con số 50 nghìn tỷ đồng, nhưng tính theo GDP ở mức chi thấp nhất để khắc phục tác hại của rượu bia thì cũng chi ra vượt con số đó, vào khỏang 65 nghìn tỷ đồng. Còn như ở ngưỡng dự đoán của thế giới ở 3% thì có thể lên xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần tiền thuế đóng vào. Đây là bài toán mà tất cả các Đại biểu quốc hội đều được chúng tôi gửi số liệu đến tận tay, cho nên không thể nào mà họ không biết được.
Thêm nữa, những tính toán đó cũng chưa tính hết đầy đủ đâu. Ví dụ như tác hại do rượu bia gây ra, đặc biệt về tai nạn giao thông thì chúng tôi có thể nói rằng ngay Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng không thống kê đầy đủ được. Số liệu báo cáo ở bệnh viện khác, và số liệu trên thực địa cũng khác. Và số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố thì tôi cũng cho rằng cũng có sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia vào, cho nên những con số này luôn được ước lượng thấp hơn so với thực tế.
Riêng Bộ Y tế có ước lượng tốt hơn trên cơ sở của vấn đề sức khỏe, chỉ rõ rằng chi phí của tác hại rượu bia gây ra, về tai nạn giao thông và bệnh tật thôi thì số tiền đóng thuế của ngành công nghiệp rượu bia chưa đủ để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông do rượu bia, còn lại là bệnh tật từ tâm thần cho đến ngộ độc cấp, ngộ độc mãn và một loạt các bệnh trực tiếp do rượu bia gây ra như xơ gan, ung thư gan…thì chưa tính đến. Vì thế, nếu những lập luận rằng ngành công nghiệp rượu bia đóng nhiều thuế, phải bảo vệ lợi ích thì chúng tôi gọi đấy là những lập luận ngụy khoa học và những người nào bảo vệ cho những lập luận đó thì hoàn toàn hoặc là trực tiếp gắn liền với ngành công nghiệp rượu bia hoặc là trong nhóm thụ lợi trong việc tạo dự luật có hơi hướng bảo vệ cho ngành công nghiệp rượu bia.
Hòa Ái : Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online, đăng tải vào ngày 24 tháng 5 vừa qua cho rằng cần phải điều chỉnh hành vi của người uống bia rượu, chứ không phải điều chỉnh hành vi của bia rượu và ông Dương Trung Quốc khẳng định rằng không có quốc gia nào làm luật giống Việt Nam là chống lại tác hại của bia rượu. Quan điểm cá nhân của ông ?
Trần Tuấn : Nếu nói rằng Dự luật rượu bia đi theo chiều hướng kiểm soát các tác hại thì tôi nói rằng tác hại của rượu bia không chỉ ở Việt Nam, mà có khắp nơi trên thế giới. Và thế giới đã đi trước trong vấn đề này, đặc biệt các nước tôn trọng quyền con người, các nước nhân đạo, bảo vệ lấy sức khỏe làm đầu như các nước Bắc Âu đã ra các luật kiểm soát rất chặt chẽ. Họ không cấm rượu bia. Việt Nam cũng không cấm rượu bia, nhưng phải làm sao cho hành vi uống rượu bia phải đảm bảo theo những điều kiện nhất định vì đây là sản phẩm gây độc và gây bệnh và là sản phẩm có thể thay đổi hành vi, cảm xúc, cảm giác của người uống dẫn đến các tác hại xã hội rất lớn.
Không nói đâu xa, ngay cả Thái Lan và Lào bên cạnh Việt Nam đều có tiến bộ trong tầm hơn một chục năm trở lại đây. Họ ra luật hoặc ra các điều kiện kiểm soát rất chặt chẽ trong vấn đề rượu bia.
Mục tiêu của Luật rượu, bia thì chúng tôi đề nghị phải làm sao bảo vệ cho trẻ vị thành niên vì khi đã nghiện rồi thì họ trở thành những người tình nguyện đóng tiền cho ngành công nghiệp rượu bia, chất gây nghiện sẽ thúc đẩy họ như vậy. Thực chất quảng cáo của ngành rượu bia là nhắm vào quảng cáo cho giới trẻ, tiếp xúc với giới trẻ nên Luật rượu, bia phải rất chặt chẽ vấn đề này. Chính vì thế, những giới hạn về giờ uống, giới hạn về quảng cáo bắt buộc phải đưa vào luật.
Việc non nửa Đại biểu quốc hội vừa rồi không đồng ý đưa vào luật về giới hạn giờ bán bia, những nhóm người chống đối việc đưa vào luật như vậy chắc chắn là họ biết vì qua thư từ chúng tôi đã gửi đến và trên mạng xã hội lẫn truyền thông đại chúng từng phổ biến, chưa kể chính các Đại biểu của Thái Lan sang đây đã trình bày, trao đổi các ý kiến của họ khi Chính phủ Việt Nam mời trong quá trình soạn thảo luật. Thế thì tại sao không học tập những cái tốt mà lại đi ngược lại ? Tôi cho rằng ở đây là vấn đề đạo đức và liên quan đến vấn đề gọi là lợi ích gắn chặt với ngành công nghiệp rượu bia ở số Đại biểu quốc hội này.
Hòa Ái : Các biểu quyết của non nửa Đại biểu quốc hội không thông qua một số biện pháp kiểm soát trong Dự luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vấp phải sự tranh cãi cũng như phản đối trong dư luận. Là một người phản biện trong vấn đề này, ông có thể cho biết vì sao ?
Trần Tuấn : Thực ra đưa vào luật thì mới làm tăng lợi ích kinh tế cho xã hội. Bởi vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu ra nếu thực thi phương án kiểm soát tác hại của rượu bia bằng biện pháp chân kiềng là giảm sự có sẵn, chủ yếu là giới hạn giờ bán, tăng thuế lên và kiểm soát vấn đề quảng cáo, phải cấm hoàn toàn quảng cáo đến giới trẻ. Nếu thực hiện 3 điều này thì thấy rõ rằng chỉ 1 đô la Mỹ (USD) đầu tư vào gói giải pháp hữu hiệu đó thì lợi ích thu lại sau này là 9,13 USD. Cho nên nếu nói nhìn vào khía cạnh kinh tế để quyết cho vấn đề luật thì càng thôi thúc phải đưa vào luật những biện pháp chặt chẽ.
Hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào rượu bia của Việt Nam chỉ bằng phân nửa so với của Thái Lan, Úc hoặc New Zealand. Như vậy là thất thoát rất lớn và ngành công nghiệp rượu bia được lợi. Và ngành công nghiệp rượu bia không phải của việt Nam mà của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này có nghĩa là đất nước bị mất mát rất lớn. Do đó, chúng tôi vẫn đang vận động và tiếp tục lên tiếng rằng nếu Quốc hội cứ để cho tình trạng này duy trì thì thật sự đang làm nghèo đất nước và nếu nói một cách thẳng thắn thì đây là sự để cho Quốc hội đã bị can thiệp sâu sắc bởi chính ngành công nghiệp rượu bia và các nhóm thu lợi dính dáng đến ngành công nghiệp rượu bia. Đây là một sự xấu hổ.
Hòa Ái : Chân thành cảm ơn Bác sĩ Trần Tuấn dành cho Đài RFA cuộc phỏng vấn này.
Hòa Ái thực hiện
Nguồn : RFA, 13/06/2019