Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/06/2019

Phú Quốc : nếu chưa đặc khu thì phải là thành phố ?

Trúc Mai

"Vì sao Phú Quốc muốn lên thành phố trước khi làm đặc khu ?" là chủ đề mà nhóm biên tập viên truyền hình ở một công ty truyền thông tại Sài Gòn, đi tìm câu trả lời khi đặt chân đến huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

phuquoc1

Quần đảo An Thới phía nam đảo Phú Quốc nhìn từ cáp treo - Ảnh: K.NAM. Ảnh minh họa

Mô hình chính quyền nông thôn không còn phù hợp ?

Đây là một trong những viện dẫn mà ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu trong Tờ trình số 40/TTr- UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xin thành lập thành phố Phú Quốc. Đây là thủ tục đầu tiên để làm lại Đề án thành lập thành phố Phú Quốc cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Theo nội dung Tờ trình, hiện tại diện tích đất nông nghiệp ở Phú Quốc còn rất ít do chính quyền quy hoạch và đưa vào khai thác đất kinh doanh du lịch, đất dân cư. Người dân nhập cư đến từ hai tỉnh miền Bắc là Hải Phòng và Hải Dương vào Phú Quốc rất nhiều. Hai đại gia bất động sản là Lê Viết Lam – Sun Group, và Phạm Nhật Vượng – Vingroup gần như chi phối toàn bộ các dự án đất đai ở Phú Quốc. 

Ông chủ của Vingroup còn nhận được ưu ái đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi Chính phủ chấp thuận cho việc sòng bạc của Vingoup khai trương hồi đầu năm nay tại Phú Quốc được đón nhận khách Việt Nam vào đánh bạc. Nói thêm, năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt việc di dời vị trí xây casino Phú Quốc từ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm sang địa điểm mới liền kề với khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, thuộc Bãi Dài, xã Gành Dầu.

Có rất nhiều dự án biệt thự, căn hộ cao cấp đã hoàn thành ở huyện đảo này tiếp tục rao bán. Nếu đạt tỷ lệ phủ kín khách hàng ở những dự án đó, Phú Quốc hứa hẹn sẽ có sức ép dân cư đủ mạnh để phá vỡ hình ảnh của một đảo ngọc với rừng cây bạt ngàn, nơi sở hữu 99 ngọn núi trải dài từ phía bắc đảo và thấp dần về phía nam. Tất cả các con sông lớn như sông Dương Đông, sông Cửa Cạn đều bắt nguồn từ những con suối nhỏ trên núi chảy xuống.

Tại Tờ trình số 40/TTr-UBND, UBND tỉnh Kiên Giang còn cho biết, huyện đảo Phú Quốc vốn được định hướng xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đến nay Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nên chưa có cơ sở thành lập.

Lẽ ấy, UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn thành lập thành phố Phú Quốc, và khi Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, thì tỉnh Kiên Giang sẽ đề xuất thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trên cơ sở thành phố Phú Quốc. 

Theo ghi nhận, trong khi chờ đợi lên thành phố và giấc mơ đặc khu, giờ thì Phú Quốc đang có rất nhiều rác thải từ sinh hoạt dân dụng đến du lịch. Rác trên bờ chất thành "núi", rác dưới sông, rác trên mặt biển, rác trên khắp các tuyến đường,… là những gì mà Phú Quốc đang đối mặt. 

Còn nói theo báo cáo, thì Phú Quốc hiện tại mỗi ngày có hơn 200 tấn rác thải ra môi trường, đây là một con số khổng lồ đối với một hòn đảo đang chuẩn bị lên thành phố trong thời gian chờ đợi sẽ thành đặc khu hành chính ; với những sòng bạc đang được bắt đầu cho việc hướng tới như đặc khu hành chính Macau ở Trung Quốc.

Nước mắm và những thế lực ngầm ở Phú Quốc

Vùng biển Phú Quốc/Vịnh Thái Lan nổi tiếng có cá cơm than. Nghề làm nước mắm Phú Quốc khác hẳn các vùng miền khác, là ngư dân đánh bắt cá cơm than cho việc làm nước mắm, sẽ thực hiện công đoạn tẩm chượp số cá cơm than này ngay trên tàu – nghĩa là ướp tươi còn máu trong thân cá, mà không chờ về đất liền. 

Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ lớn bằng gỗ bời lời có tại rừng Phú Quốc, hoặc thay thế bằng vên vên hoặc chai do bời lời khó tìm. Kích thước thùng từ 1,5 - 3m đường kính, cao từ 2 - 4m, ủ được từ 7 - 13 tấn cá. Mỗi thùng được niềng bằng 8 sợi đai, mỗi sợi bện bằng 120 sợi song mây lấy từ núi Ông Tám và Bắc Đảo.

Nhà thùng nước mắm Phú Quốc sản xuất theo công thức muối và cá được đời trước truyền cho đời sau đã hàng trăm năm. Mỗi nhãn hàng nhà thùng có các bí quyết riêng. Điểm chung là đều sử dụng muối của biển Bà Rịa - Vũng Tàu, và thời gian ủ chượp trong các thùng gỗ từ 12 đến 15 tháng. Riêng loại ‘nước mắm hạ thổ’ có thời gian đến 3 năm rưỡi.

Tuy nhiên du khách đi máy bay đến Phú Quốc muốn trực tiếp mua đặc sản nước mắm từ các nhà thùng nơi đây, sẽ bất ngờ khi bận về, phía hải quan cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ làm khó dễ lúc đóng kiện hành lý ký gửi.

"Tránh phiền phức, hãy chọn mua nước mắm hiệu Khải Hoàn. Họ bao luôn việc vận chuyển lên máy bay, giá lại rẻ hơn nhiều hiệu nước mắm khác !". Nhiều chủ nhà nghỉ, mách nước khách như vậy.

Cũng theo các chủ nhà nghỉ, cái lạ nữa là nếu khách đi máy bay của hãng Vietjet Air thì thoải mái khi ký gửi nước mắm, muốn bao nhiêu lít cũng được, chẳng có nhân viên hải quan sân bay Phú Quốc nào hoạch họe khó dễ, và bắt phải đóng thêm các khoản tiền dịch vụ bao bì.

Cái lạ nữa là mặc dù Thông tư 13/2019/TT-BGTVT "quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam" và Quyết định số 1531/QĐ-CHK, "Về Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay", đều không có điều khoản nào về ‘cấm vận chuyển nước mắm’ ký gửi, song trên thực tế thì Hãng hàng không Vietnam Airline không chấp nhận du khách mang nước mắm Phú Quốc lên máy bay với cả 2 hình thức xách tay và ký gửi.

Hãng Jetstar Pacific Airlines thì cho ký gửi nước mắm Phú Quốc với mức hạn chế mỗi hành khách chỉ được 3 lít, và phải chịu thêm các khoản phí dịch vụ bao bì của hải quan sân bay Phú Quốc.

Dường như đang có những luật lệ riêng trong kinh doanh ở cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, nơi chuẩn bị sẽ lên thành phố trước khi là đặc khu.

Trúc Mai

Nguồn : VNTB, 17/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 887 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)