Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/06/2019

Tại sao "giả tưởng" thắng "sự thật"

Lê Phan

Nhiều người tin là sự thật mang lại quyền lực. Nếu một số lãnh tụ, hay tôn giáo, hay chủ thuyết, nói sai sự thật, họ sẽ thua những đối thủ minh bạch và chân thực hơn. Thành ra, trung thành với sự thật là chiến lược hay nhất để dành được quyền lực.

fiction1

Chúng ta vừa là cư dân thông minh nhất cũng như dễ tin nhất của địa cầu. Trong hình, một robot AI (artificial intelligence, trí tuệ nhân tạo) có khuôn mặt như con người tại triển lãm ở London, Anh, hôm 15 tháng Năm, 2019. (Hình minh họa : Ben Stansall/AFP/Getty Images)

Nhưng sử gia Yuval Noah Harari lại nói : Đáng tiếc ! Đó chỉ là một huyền thoại để an ủi chúng ta ! Giữa sự thật và quyền lực có một liên hệ phức tạp hơn nhiều. Vì trong xã hội con người, quyền lực có hai ý nghĩa khác hẳn nhau.

Một bên, quyền lực có nghĩa là có khả năng điều động nhằm những mục tiêu thực tế : đi săn thú vật, xây dựng cầu cống, điều trị bệnh tật, chế bom nguyên tử. Loại quyền lực này có liên hệ mật thiết với sự thật. Nếu nhà cầm quyền tin vào một lý thuyết vật lý sai thì quốc gia đó không thể làm được bom hạt nhân.

Nhưng mặt khác, quyền lực cũng có nghĩa là một khả năng thao túng niềm tin của người khác, và do đó có thể làm cho rất nhiều người hợp tác có hiệu quả. Chế ra những quả bom nguyên tử đòi hỏi không những sự hiểu biết về vật lý học, nhưng còn phải phối hợp công sức của rất nhiều người.

Giáo Sư Harari xác định, địa cầu đã bị "loài người thông minh" (Homo Sapiens) chinh phục. Con người thông minh hơn là loài khỉ hay loài voi, vì chúng ta là động vật có vú duy nhất có thể hợp tác với nhau trong những tập thể rất lớn. Một sự hợp tác rộng lớn đòi hỏi phải cùng tin vào những "sự tích" chung. Nhưng những sự tích này không nhất thiết phải là sự thật. Bạn có thể kết hợp nhiều triệu người vào những việc chung vì làm cho họ tin vào một câu chuyện hoàn toàn không có thực, như về một vị Thượng Đế (của mình), một ông thần (của mình), một chủng tộc (siêu đẳng) hay là về một hệ thống kinh tế (tối hảo).

Mà quả thật vậy, những huyền thoại các dân tộc kể về nguồn gốc của mình đều khó có thực. Dân Việt chúng ta tin mình là con Rồng cháu Tiên. Dân tộc Đông Timor tin mình là con cháu loài cá sấu. Dân tộc Nhật Bản tin mình là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời.

Bản chất hai mặt của quyền lực và sự thật dẫn đến hệ quả là con người chúng ta biết nhiều về sự thật hơn bất cứ một động vật nào khác, nhưng chúng ta cũng tin vào rất nhiều những điều vô lý hơn nữa. Chúng ta là cư dân thông minh nhất đồng thời nhẹ dạ cả tin nhất trên địa cầu.

Những con thỏ không biết đến công thức E=MC2 (của Einstein), hay biết rằng vũ trụ đã đã ra đời được khoảng 13.8 tỷ năm, và rằng DNA được cấu tạo bằng các chất cytosine, guanine, adenine và thymine. Ngược lại, những con thỏ cũng không tin vào những huyền thoại hoang đường, những chủ thuyết vô lý đã từng mê hoặc biết bao nhiêu con người trong bao nhiêu ngàn năm. Không một con thỏ nào sẽ sẵn sàng đâm một cái phi cơ vào khu World Trade Center chỉ vì hy vọng được thưởng 72 trinh nữ thỏ trên thiên đường.

Khi nói đến chuyện đoàn kết một số người quanh một sự tích chung, kẻ nói chuyện hoang đường có ba điều lợi so với người nói sự thật. thứ nhất, trong khi sự thật là phổ cập chung của cả loài người, thì chuyện hư cấu thường có tính địa phương, riêng rẽ. Thành ra nếu chúng ta muốn phân biệt bộ lạc của mình với những sắc dân khác, kể một câu chuyện giả tưởng để tự xác định bộ lạc mình sẽ có hiệu quả hơn so với một câu chuyện thật.

Giả thử chúng ta dạy cho bộ lạc mình tin rằng "mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây". Một huyền thoại bộ lạc nói như thế sẽ không có ích lợi tí nào cả. Bởi vì nếu tôi gặp một người lạ trong rừng và người đó bảo tôi là mặt trời mọc ở hướng Đông, thì người đó có thể là một thành viên trung tín của bộ lạc chúng tôi, nhưng cũng có thể đó là một người ngoại quốc thông minh, đã thấy cùng một kết luận về thực tế mà nó không dính gì đến bộ lạc của tôi cả. Thành ra, tốt hơn cả là cứ dạy cho những người trong bộ lạc rằng "mặt trời là mắt của một con ếch khổng lồ mà mỗi ngày nó nhảy băng qua bầu trời !" Bởi vì rất ít người bên ngoài – dầu cho thông minh cách mấy chăng nữa – có thể biết được điều này, mà chỉ trong bộ lạc mình dạy thôi.

Nếu lòng trung thành chính trị với một lãnh tụ được biểu lộ qua niềm tin vào một chuyện thật, thì ai cũng có vẻ như trung thành, mặc dù họ không theo lãnh tụ đó. Nhưng lòng tin vào những chuyện nực cười, phi lý, đòi hỏi phải tin tưởng mà không cần suy nghĩ, thì lại có thể biểu lộ lòng trung thành rõ rệt ! Nếu bạn chỉ tin vào lãnh tụ của mình khi nào ông hay bà đó nói sự thật, thì việc đó có chứng tỏ được lòng trung nào riêng với ông, bà đó đâu ? Ngược lại, nếu bạn tin vào lãnh tụ của mình ngay cả khi ông hay bà đó nói chuyện phi lý, như xây lâu đài trong không khí, thì đó là một lòng trung thành rất cao ! Một lãnh tụ có thể đôi khi cố tình nói chuyện vô lý để phân biệt ai là kẻ trung thành so với ai là chỉ hùa theo. Như một bạo chúa bên Tàu đời xưa, ông ta chỉ một con chó nói đó là con hươu. Những ông quan gật đầu đồng ý là người trung thành, ai lắc đầu là phản động !

Vả lại sự thật thường rất khó được nhiều người tin. Thành ra nếu các lãnh tụ nhất định chỉ nói sự thật thì sẽ có rất ít người theo. Một ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ mà nói cho công chúng Hoa Kỳ về sự thật, chỉ có sự thật và không có gì khác ngoài sự thật về lịch sử Hoa Kỳ, bảo đảm 100% sẽ thất cử. Điều này cũng đúng trong tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

Những người Trung Quốc mỗi năm vẫn lên án vụ thảm sát Nam Kinh của Nhật Bản,liệu có bao nhiêu người cũng nhớ đến những vụ thảm sát mà họ đã gây ra tại các dân tộc mà họ đã chinh phục, hay những gì mà họ đang làm với người Uighur, hay như vụ thảm sát mà đảng Cộng Sản đã làm ở Thiên An Môn ? Ít nhất người Nhật không tìm cách tiêu diệt cả dân tộc Hán như người Trung Quốc làm ở Tây Tạng, Tân Cương. Tôn trọng sự thật không dung nhượng là một thái độ tinh thần đáng quý, nhưng nó không phải là một sách lược chính trị đưa đến thắng lợi.

Một số có thể nói rằng việc tin vào những chuyện giả tưởng được cái lợi là giúp đoàn kết xã hội trong ngắn hạn, nhưng cái hại dài hạn sẽ lớn hơn. Khi một dân tộc có thói quen tin vào những chuyện hoang tưởng phi lý và những chuyện nói láo tùy tiện, thói quen này sẽ ngày càng lan ra những lãnh vực khác. Hậu quả là thói quen nói láo sẽ lan sang ngày càng nhiều khu vực, vì thế họ sẽ có những quyết định kinh tế sai lầm, chọn những chiến lược quân sự vô bổ, và không phát triển hữu hiệu về kỹ thuật.

Nhưng thực ra con người phức tạp hơn thế nữa. Câu chuyện trên thường không hay xảy ra. Bởi vì ngay cả những người cuồng tín đến mức nào chăng nữa cũng có khả năng tách biệt, để họ có thể tin vào những chuyện vô lý ở một số lãnh vực, trong khi vẫn tiếp tục hành xử một cách duy lý trong những lãnh vực khác. 

Lê Phan

theo New York Times

Nguồn : Người Việt, 15/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)