Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/06/2019

Dùng ‘ông kẹ tham nhũng’ để hù dọa và nền báo chí khát khao tự do ở Việt Nam

Minh Châu

"Thực hiện chủ trương chống tiêu cực gian lận thương mại của lãnh đạo tòa án, kính mời anh tham gia cộng tác với cơ quan báo chí của tòa án…".

ongke1

Dùng ông kẹ chống tham nhũng. Sáng 14/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức sơ kết 7 năm thực hiện Kết luận 29-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Mua và đọc báo, tạp chí của Đảng" trên địa bàn tỉnh.

Có một nền báo chí ‘ký sinh’…

Nhà báo C.M.T kể rằng vào chiều hôm 14/6, ông nhận cuộc điện thoại di động từ số máy 0911341534 của một người tự xưng là ‘báo tòa án ở Hà Nội’ (người này phát âm là "Hà Lội"), nói rằng thực hiện chủ trương phòng chống tiêu cực gian lận thương mại của Nhà nước, báo tòa án có mở chuyên trang về ‘phòng chống tiêu cực’, và muốn được doanh nghiệp tham gia ủng hộ quảng cáo nhân ngày lễ lớn Nhà báo Việt Nam… (lược thuật từ thoại được ghi âm).

Cớ sự ở đây là nhà báo C.M.T còn đứng tên thành lập một doanh nghiệp mã ngành truyền hình, giấy phép hoạt động được cấp theo Luật Doanh nghiệp. Lẽ đó nên không ít lần nhân viên/cộng tác viên quảng cáo ở nhiều tòa soạn báo chí tại Hà Nội nhầm lẫn khi chào mời thương mại. 

"Lần này họ lại trương luôn tấm biểu ngữ nhân danh tòa án trong chống tiêu cực gian lận thương mại, hù dọa doanh nghiệp để bán trang quảng cáo, nhằm hưởng lợi từ phần hoa hồng từ 40 đến 50% sau thuế trích ở hợp đồng quảng cáo này. Có lẽ họ muốn dùng ông kẹ tham nhũng để vòi vĩnh tiền bạc, kiểu như vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc !". Nhà báo C.M.T nói thêm rằng ông đã ghi âm lưu toàn bộ lời thoại ở cuộc điện ‘nhát ma’ đó.

Nhà báo C.M.T vốn có thời gian dài làm việc ở một cơ quan báo chí trong ngành pháp luật. Ông cũng từng tham gia công việc điều hành tòa soạn, nên ông chia sẻ với người viết rằng rất thông cảm với áp lực cơm gạo của những tờ báo ở nền báo chí cách mạng ‘kiểu như vậy’. 

"Cái gốc ở đây là báo chí cần phải có độc giả thực sự. Khi ấy, doanh nghiệp tự khắc tham gia cùng tòa soạn, vì chỉ đến lúc đó việc quảng cáo thương mại mới có giá trị về tiếp thị nhận diện sản phẩm". Nhà báo C.M.T nhận xét.

Khát khao tự do chứ không phải là cái loa của ai đó !

"Mặc dù phải chịu sức ép chỉ đạo từ các cấp, nhưng đã có một thời tờ Tuổi Trẻ trong suy nghĩ của chúng tôi, chính là ngôi nhà hạnh phúc của người làm báo tự do về mặt tư duy đề tài, về nội dung. Đó chính là sức hấp dẫn không giới hạn của Tuổi Trẻ - với người này người nọ là một thời – nhưng khát khao của người viết – đó là cái mãi mãi – bởi vì báo chí không thể thiếu tự do. 

Đó là một thời để tự hào, để kiêu hãnh của tờ báo Tuổi Trẻ, của những cây viết có cá tính, của những tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng, phó ban luôn hiểu rõ khi không biết khát khao tự do ở nền báo chí gọi là cách mạng, thì tờ báo ấy sẽ... thoi thóp, vì chẳng còn mấy độc giả. Khi lượng phát hành tuột dốc, đồng nghĩa các trang quảng cáo sẽ nghèo nàn đi và nhiều tòa soạn đành chọn giải pháp ‘hù dọa’ để kiếm quảng cáo". Nhà báo C.M.T chia sẻ, và nhớ lại một thuở mới chập chững vào nghề ở báo Tuổi Trẻ thập niên 80, thế kỷ trước.

Theo nhà báo C.M.T, với báo chí in vẫn có thể ổn định theo hướng tăng dần số lượng phát hành, cạnh tranh một cách tử tế với báo điện tử, mạng xã hội…, nếu như tự do thông tin luôn được thượng tôn, tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng, bị cường quyền áp bức… luôn được các báo ghi nhận đa chiều, đăng tải mà không ngại bất kỳ sức ép nào.

Có những sự thật nhìn qua ‘lăng kính định hướng’

"Ngay cả trong chuyện họp hành công khai của chính quyền, báo chí cũng không tường thuật đầy đủ. Như hôm cuối buổi sáng ngày 04-6, hàng loạt báo điện tử đưa tin về vụ bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, để đến đầu giờ chiều thì báo đồng loạt đưa tin ông Hải gửi đơn từ chức.

Số là bữa phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thực hiện nghi thức trao quyết định về nhân sự cho ông Đoàn Ngọc Hải, chỉ có 2 tờ báo được phép cử phóng viên đến để chụp hình đưa tin. Làng báo Sài Gòn lâu nay vẫn có truyền thống rủ rê nhau kiểu ‘đồng hội – đồng thuyền’ khi nhận được những nguồn tin dự báo sẽ làm nên tuyến bài nóng.

Các nhà báo có thẻ tác nghiệp ở trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đường hoàng đi cùng đồng nghiệp có ‘giấy mời’ là Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên tham dự. Vào hội trường được chừng 5 phút, lập tức có một viên chức tên Dũ đến gặp nhóm nhà báo có ‘thẻ tác nghiệp ở UBND Thành phố’ và ‘thẻ Nhà báo’, nhưng không có ‘giấy mời’ buộc phải rời khỏi trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dũ nói đây là lệnh của phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến…

Rõ ràng thái độ trịch thượng kiểu đó của các quan chức, nếu được đăng tải công khai trên báo giấy, báo điện tử thì chắc hẳn sẽ thu hút độc giả…". Nhà báo C.M.T kể về một trường hợp nhũng nhiễu quyền lực mà báo chí nếu đăng, sẽ dễ phải đối mặt với vô số ‘kiếm chuyện’ cho ‘đánh nguội’ trả đũa từ các quan chức trong bộ máy công quyền.

Một dẫn chứng tiếp theo được nhà báo C.M.T đưa ra, là các bản tin tường thuật trên báo chí vụ giang hồ đe dọa nhóm cán bộ công an ở Biên Hòa. 

Trong vụ việc này, báo chí đưa tin từ ‘các thể loại báo cáo’ của Công an tỉnh Đồng Nai. Đại khái là, sau khoảng 30 phút có mặt, lực lượng công an đã giải tán được đám đông hiếu kỳ vây quanh hiện trường. Công an cũng đưa một số người và phương tiện có liên quan về trụ sở để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra. Những người ngồi trong xe 4 chỗ cũng đã được đưa về trụ sở công an để làm việc. Công an tỉnh hiện đang chỉ đạo Công an thành phố Biên Hòa tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm của những người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật [*].

"Nhà báo Nguyễn Hồng Lam của báo Công an Nhân dân, quan sát :

"Gây tắc đường, làm chủ tình hình suốt 2 giờ đồng hồ, buộc cơ quan công thực thi pháp luật phải thương thuyết, điều đình... sau đó bỏ đi tỉnh bơ, đó chính là điều mà nhóm giang hồ - dưới sự chỉ đạo của ai đó - muốn xảy ra, muốn dư luận, công luận, thậm chí cả báo giới chứng kiến, ghi nhận và đề cập. 

Vì thế, chúng chỉ xì bánh xe để không thể rời đi, gây áp lực chứ không động thủ, đập phá hay hành hung. Những gì xảy ra chứng tỏ vụ việc không hề manh động mà hoàn toàn có chủ đích, có đạo diễn. Hành động thể hiện đám xăm trổ hoàn toàn chủ động, kiểu ‘diễn’ đầy chất điện ảnh của mèo vờn chuột, của kẻ mạnh, của kẻ đang chi phối mọi diễn biến...".

Dĩ nhiên đoạn trích nói trên, cho đến nay vẫn chưa được duyệt đăng trên chính báo ngành của lực lượng công an. Với nền báo chí như vậy, thử hỏi người dân tìm đọc sự thật gì trên báo chí hôm nay ? Ế ẩm và đành sống mòn bằng hù dọa doanh nghiệp để bán trang quảng cáo là thực tế ở nhiều tờ báo…". Nhà báo C.M.T biện giải.

Hệ lụy của "nền báo chí Cách mạng Việt Nam" ?

Trở lại với cuộc điện thoại từ số máy 0911341534. Mục đích của cuộc gọi là các nhân viên/cộng tác viên ở bộ phận Phát hành – Quảng cáo ở tờ báo tự giới thiệu là "báo tòa án" (trên thực tế, cơ quan Tòa án Nhân dân tối cao chỉ có báo Công Lý – tên trước đây là báo Người bảo vệ công lý ; cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có báo Bảo vệ pháp luật), nhằm thực hiện việc hiếu hỉ của ngày được Nhà nước tôn vinh là "Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam 21 tháng 6".

"Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam" được lấy mốc phát hành số đầu tiên của báo Thanh Niên, ra số 1 vào ngày 21/6/1925, trụ sở báo ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc vừa là Tổng biên tập, vừa là phóng viên. Măng-sét (manchette, tên tờ báo) viết hai chữ Thanh Niên bằng Hán văn và Việt văn.

Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam".

Như vậy, nền báo chí hiện tại buộc phải răm rắp nghe theo những định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Đảng là chuyện đương nhiên. Hệ lụy của nền báo chí cách mạng là một khi sự thật được nhìn qua lăng kính tuyên giáo, tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn mà những sự thật được ghi nhận và diễn thuật khác nhau.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Gia Định báo được cho là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910. Các báo tư nhân khác có Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910)...

Gia Định báo được ghi nhận công lao cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam. 

Hy vọng rằng mai này nếu có ngày để vinh danh cho quyền tự do báo chí Việt Nam, thì đó sẽ là ngày 15 tháng tư – ngày kỷ niệm số phát hành đầu tiên của tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ : Gia Định báo.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 16/06/2019

Chú thích :

[*] Ngày 12/6, tại nhà hàng Lam Viên ở xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa có 2 nhóm ngồi ăn uống rồi xảy ra mâu thuẫn. Tại phòng VIP 8, ông Nguyễn Tấn Lương (ngụ Thành phố Biên Hòa), ông Lê Võ Trường Hải (còn gọi là "Hải bất cần đời", ngụ tỉnh Đắk Lắk) cùng 8 người. Nhóm thứ hai ngồi ở phòng VIP 2 (trong giờ hành chánh), gồm ông Phạm Văn Hiền (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai), trung tá Nguyễn Quang Trường (đội phó Đội cảnh sát 113), trung tá Đinh Tú Anh (đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Công an Đồng Nai) và đại tá Huỳnh Bảo Hùng - nguyên trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Đồng Nai. 

Quay lại trang chủ
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)