Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/06/2019

Việt Nam siết chặt nhập phế thải nhựa, dồn sức xử lý rác nội địa

Baptiste Monsaingeon

Việt Nam sẽ nâng cao tiêu chí chất lượng phế thải nhựa nhập khẩu. Kể từ ngày 01/01/2025, Việt Nam sẽ chỉ cho nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa có giá trị cao, không cho nhập phế liệu về sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy.

phethai1

Ảnh minh họa : Rác nhựa chất đống ở bên ngoài một cơ sở tái chế "chui" tại Jenjarom, Kuala Langat, Malaysia. Ảnh chụp ngày 14/10/2018 Reuters/Lai Seng Sin

Trong dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường, được đề xuất vào tháng 04/2019, bộ Tài Nguyên-Môi Trường cũng yêu cầu doanh nghiệp chỉ được nhập 70% phế liệu nguyên liệu, 30% phải thu gom, tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước (1). Tuy nhiên, đây là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp nhựa vì Việt Nam chưa áp dụng phân chia rác thải từ nguồn, phế thải nhựa không có chất lượng cao vì lẫn tạp chất.

Kể từ năm 2017 khi Trung Quốc nâng tiêu chí chất lượng phế thải nhựa nhập khẩu, những con tầu lần lượt chuyển hướng cập cảng sang các nước lân cận. Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trong khối ASEAN, không muốn biến khu vực Đông Nam Á thành bãi rác của thế giới. Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Philippines, trong thời gian gần đây, liên tục gia tăng sức ép để trả lại những container rác không đúng chủng loại và không đạt chất lượng về nơi xuất khẩu.

Nhà nghiên cứu Baptiste Monsaingeon, giảng viên đại học Reims Champagne-Ardenne, đã đến Hà Nội năm 2017 để nghiên cứu về "tiểu sử của túi nhựa", vật dụng được phát minh trong những năm 1960 và hiện phổ biến trên khắp thế giới. Ông đã quan sát sự luân chuyển của luồng rác thải nhựa tại xã Minh Hải, huyện Hưng Yên, sau khi Bắc Kinh đưa ra quyết định lần thứ hai vào tháng 07/2017 cấm nhập một số rác thải, trong đó có nhựa đã qua sử dụng.

RFI Tiếng Việt đã đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Baptiste Monsaingeon.

---

RFI : Thưa ông Monsaingeon, năm 2017 khi đến Hà Nội để nghiên cứu về lịch sử túi nhựa, ông đã đến xã Minh Hải, huyện Hưng Yên, nổi tiếng về tái chế rác thải lấy hạt nhựa. Xin ông cho biết thêm về chuyến đi này !

Baptiste Monsaingeon : Tại Xã Minh Hải, huyện Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 30 km, tôi được gặp một số nhà tái chế rác thải nhựa. Ngay từ những năm 1980, họ đã phát triển hoạt động tái chế rác thải nhựa kết hợp giữa cách làm mang tính thủ công với các phương thức xử lý quy mô. Tôi thăm ngôi làng này đúng vào lúc Trung Quốc thông báo cải cách các tiêu chuẩn về tỉ lệ tinh khiết của rác thải nhựa. Tại đây, tôi quan sát được những tác dụng tích cực của các doanh nghiệp địa phương đối với sự biến chuyển của nền kinh tế. Nhưng cũng cần phải nói, chính các gia đình người Hoa, các nhà công nghiệp Trung Quốc lại là những người nắm giữ thị trường của những ngôi làng nghề, đặc biệt là ở khu vực xung quanh Hà Nội. Vì thế, trong trường hợp Trung Quốc tiến hành cải cách ở quy mô quốc gia, những làng nghề này có nguy cơ hoặc là phải tái định hướng, hoặc là phải từ bỏ hoạt động tái chế.

Từ khi Trung Quốc áp dụng luật mới, tôi chưa trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi có một số sinh viên và đồng nghiệp vẫn thường xuyên nghiên cứu về chủ đề này. Họ giải thích rằng trong vòng hai năm qua, hoạt động của làng bị thu hẹp rất nhiều và rất nhiều nhà sản xuất hiện đang xem xét là nên duy trì hoạt động với loại rác nào. Tôi thấy điều này thú vị, cuối cùng cũng mang lại hy vọng, vì không thể cứ trông vào nguồn nhập khẩu rác và cũng vì Việt Nam đã áp dụng hàng loạt lệnh cấm nhập khẩu phế thải nhựa.

Thực ra, chuyện cấm này đã bắt đầu sớm ở Việt Nam, ngay từ năm 2009. Nhưng sau quyết định cải cách của Trung Quốc về nhập khẩu phế thải nhựa, Việt Nam đã có một đợt quy định lần thứ hai, thắt chặt hơn nữa các quy chế. Dường như ngôi làng nghề này đang thử chuyển hướng sang việc xử lý rác thải sinh hoạt.

RFI : Tại sao Việt Nam lại thắt chặt hơn ?

B. Monsaingeon : Ở Việt Nam, có một số luật không có hiệu quả trong nhiều năm do sự tham gia của một số bên, vừa ở phía các công ty nhập khẩu vừa ở phía các phòng ban môi trường cấp quận, cấp vùng ở miền bắc Việt Nam. Họ đã nhắm mắt làm ngơ và điều này đã giúp một số làng nghề phát triển.

Trước khối lượng rác quá tải vào đầu năm 2018, trong đó có cảng Hải Phòng, tôi nghĩ rằng chính quyền đã thắt chặt gọng kìm. Họ cũng chú ý đến những lời báo động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, cũng như một số nhân tố khác, về tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường. Những tổ chức này bắt đầu nhắc đến việc để cho Việt Nam trở thành "bãi rác của thế giới" là điều không thể chấp nhận được, với những hậu quả trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, có nghĩa là sức khỏe của người dân ở những vùng xử lý rác.

Tôi nghĩ rằng để phản hồi những lời cảnh báo trên, được các nhà báo của nhiều nhật báo lớn của Việt Nam đăng tải, đã có đợt cải cách thứ hai. Tôi không trở lại Việt Nam từ hai năm nay để khẳng định một cách chính thức, nhưng với những thông tin có được, dường như luật mới này được áp dụng mạnh mẽ hơn rất nhiều. Điều này dẫn đến những hệ quả trực tiếp cho hoạt động công nghiệp xử lý rác thải nhựa. Một số doanh nghiệp ở Minh Hải, tỉnh Hưng Yên, đã đóng cửa.

RFI : Nhân đang nói đến việc Đông Nam Á không muốn làm "bãi rác của thế giới", xin ông giải thích thêm về vấn đề này !

B. Monsaingeon : Nói về "bãi rác của thế giới" có hai cách hiểu. Thứ nhất, trong thời gian dài, khoảng 20 năm, nhiều nước Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc được dùng làm nơi đón nhận xuất khẩu rác, tái chế rác thải của các nước phương Bắc. Nói một cách khác, hơn 80% rác thải nhựa của cả thế giới đều chuyển hướng về phía Trung Quốc, Hồng Kông, từ khoảng những năm 1990 đến nay.

Tuy nhiên, để thực hiện chính sách cải cách được chủ tịch Tập Cận Bình cho áp dụng, hai lần liền, Trung Quốc đã cấm nhập rác thải nhựa. Quyết định này đã dẫn đến những hậu quả trực tiếp đối với Châu Á. Hai đợt cải cách mang tên "Hàng rào xanh", được triển khai vào năm 2015 và 2017, trên thực tế là áp đặt tỉ lệ tinh khiết đối với rác thải nhập khẩu cao đến mức gần như không thể xuất khẩu rác thải nhựa sang Trung Quốc.

Trong một thời gian dài, phần lớn rác thải trên thế giới được dồn về vùng đông nam Trung Quốc và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến một số nước lân cận, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Ngay trong thập niên 1980, 1990, những quốc gia này bắt đầu phát triển rất nhiều hoạt động phụ thuộc vào vùng đông nam Trung Quốc. Vì vậy, dĩ nhiên quyết định của Trung Quốc đã tác động mạnh đến cách tổ chức thị trường tái chế rác ở các nước lân cận. Chúng ta biết là một khối lượng rác thải nhựa, thay vì đến Trung Quốc và Hồng Kông, nay tìm cách hướng sang Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Và những nước này phải chật vật đối phó trước khối lượng phế thải nhựa quá tải.

RFI : Rác thải nhựa mang lại những lợi ích gì cho các nước xuất khẩu, cũng như cho các nước nhập khẩu ?

B. Monsaingeon : Lợi ích thì có rất nhiều. Trong hai năm gần đây, có rất nhiều biến động, vì thế lợi ích cũng chuyển dịch, trong đó có cả lợi ích về địa-chính trị.

Các nước Châu Á hoàn toàn hiểu rằng trước khi phát triển các chi nhánh xuất-nhập khẩu rác thải nhựa, ưu tiên trước mắt của họ là phải phát triển hệ thống kỹ thuật xử lý rác thải có hiệu quả trên quy mô quốc gia. Trong trường hợp này, một trong những lý do thực sự và chính thức dẫn đến việc Trung Quốc quyết định đóng cửa đối với rác thải nhựa, đó là đòi hỏi phát triển các mạng lưới kỹ thuật cho rác thải Trung Quốc. Mạng lưới này phải có hiệu quả. Rác thải nhựa vốn không bị cạnh tranh bởi những loại phế thải khác, ví dụ những loại rác có thể có lợi hơn về mặt kinh tế, nhưng trên thực tế lại gây hậu quả về mặt môi trường vô cùng lớn, đặc biệt là đối với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc.

Ý tôi muốn nói là lợi ích của những nước nhập khẩu, có thể là trước hết hoàn thiện hệ thống kỹ thuật xử lý rác thải nhựa để có thể trở thành những nước nhập khẩu hiệu quả trong trung hạn.

Đối với các nước xuất khẩu, trong thời gian dài, họ chỉ chú ý đến chi phí. Với họ, xuất khẩu phế thải nhựa rẻ hơn là việc tái chế trong điều kiện vệ sinh môi trường gây tranh cãi, nhưng về mặt kinh tế, đây lại là điều khả thi, so với việc xử lý trong những điều kiện phải tôn trọng quy định, ví dụ như của Liên Hiệp Châu Âu, về vấn đề môi trường.

Điều thú vị là với việc rất nhiều tầu chở rác phải quay về nước xuất khẩu như về Châu Âu hoặc Canada, điều này sẽ tác động mạnh về chi phí đối với các công ty xuất khẩu vì tầu chở container đi vòng quanh thế giới. Họ sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi xuất khẩu rác. Vì vậy, lợi ích mang tính hợp lý đối với những nước trước đây xuất khẩu rác thải nhựa là phát triển hệ thống quản lý rác thải ngay trên lãnh thổ của họ.

Nhưng có lẽ lợi ích lớn nhất trong tình hình hiện nay trước tình trạng quá tải rác thải và sự thay đổi trong thị trường tái chế thế giới, đã nảy sinh một thời cơ : Đó là phải nghĩ đến việc giảm khối lượng rác thải nói chung. Điều mà tôi thấy rất hay khi đi Việt Nam, đó là họ phát triển nhiều sáng kiến "không rác thải". Đối với Trung Quốc, cũng như những nước từng nhập khẩu rác thải, giảm rác thải là thách thức của cả quốc gia.

Tôi nghĩ rằng các nước phương Bắc cũng như các nước phương Nam, các nước xuất cũng như các nước nhập khẩu rác thải nhựa, đều có chung thách thức và lợi ích, đó là thách thức giảm rác thải nhựa.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giảng viên Baptiste Monsaingeon, đại học Reims Champagne-Ardenne.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 17/06/2019

(1) Theo Tuổi Trẻ, ngày 03/04/2019.

Baptiste Monsaingeon là tác giả cuốn Homo detritus, NXB Anthropocène, 2017, 288 trang.

Quay lại trang chủ
Read 626 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)