Vụ Nguyễn Thị Kim Anh : chống tham nhũng hay "thuyết âm mưu" ?
Nguyễn Hiền, VNTB, 20/06/2019
Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nói cần có quà để định hướng.
"Thanh cha , thanh mẹ, thanh gì. Hễ có phong bì thì nói thanh kiu".
Ngày 12/6, công an tỉnh Vĩnh Phúc ra thông báo, theo đó đã bắt quả tang, khám xét nơi làm việc tại UBND huyện Vĩnh Tường của bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra Phòng Thanh tra Xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng).
Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nói cần có quà để định hướng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 18/6 phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn để điều tra hành vi "Nhận hối lộ".
Ngày 17/6, Bộ Xây dựng tiếp tục cử một đoàn thanh tra lên đến 11 người về Vĩnh Tường để tiếp tục thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số dự án tại huyện Vĩnh Tường. Thời gian thanh tra kéo dài 25 ngày. Báo Công Luận ngày 19/6 đã đăng tải nội dung với tiêu đề, "Bộ Xây dựng cử đoàn thanh tra mới, 'số phận' những dự án đã thanh tra sẽ được xử lí ra sao ?".
Chuyện gì đã xảy ra ?
Những đồn đoán xoay quanh bà Nguyễn Thị Kim Anh và vai vế của bà ta, nhưng chưa dừng lại tại đó.
Sự việc liên quan đến thanh tra Bộ Xây dựng diễn biến có tính phối hợp, và thống nhất. Dường như, có một sự thông suốt trong quan điểm "bắt quả tang" từ trung ương về địa phương. Hãy quay về ngày 23/4/2019, khi cơ quan điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã xin ý kiến thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Công an về hướng xử lý đối với đoàn cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận tiền của đối tượng bị thanh tra. Nếu xét trên phương diện trường hợp này, thì chắc chắn công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải "xin ý kiến Bộ Công an" đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Anh, và "bắt quả tang" có thể được coi như một hệ quả của sự chấp thuận.
Nếu vai vế của bà Nguyễn Thị Kim Anh được làm rõ hơn, thì có thể xem đây là câu chuyện "nội bộ" trung ương, trước thềm Đại hội XIII, hơn là một hướng đi điều tra chống tham nhũng bình thường. Và điều này càng cho thấy, trước thềm đại hội, câu chuyện đấu đá, tranh giành quyền lực tiếp tục diễn ra, trên nhiều phương diện, mức độ, với sự tinh vi ngày một cao.
"Phe nào, ai" sẽ là câu hỏi được đặt ra trong bài toán lần này, tương tự như cách mà Trịnh Xuân Thanh và Vũ Nhôm từng lôi kéo nguyên một dàn ban bệ lãnh đạo đi xuống.
17/6, cây viết Hoài Thu (chuyên mảng chính trị) của Zing đã đăng bài viết đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Vũ Quốc Hùng, với tiêu đề, "Thanh tra của Bộ Xây dựng sai, bộ trưởng không thể vô can ?". Một quy trình "luận tội made in Việt Nam" đã được hình thành trong bài viết, khi Hoài Thu đã dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) đặt vai trò trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan đơn vị, mà ở đây là Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Hãy thử đặt lại quy trình để đưa một lãnh đạo cấp cao, một ủy viên Bộ Chính trị ra tòa ở Việt Nam, không có gì khác ngoài làm rõ trách nhiệm bổ nhiệm. Và vào ngày 17/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Anh.
Tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một điểm mấu chốt trong ván bài chiến lược liên quan đến phân nhóm ghế trong đại hội, và đó cũng là một thuyết thú vị nếu sắp tới, một số lãnh đạo cấp cao sẽ bị điều tra.
Thanh tra và thank you
Với cơ chế hiện tại, bất kỳ một tỉnh thành hay tổ chức nào đều cũng dính dáng ít nhiều vi phạm xây dựng cơ bản. Với thẩm quyền quản lý rộng rãi trong lĩnh vực này, Bộ Xây dựng có thể đưa ra nhiều sai phạm có liên quan, và làm ảnh hưởng không ít ghế ngồi. Tuy nhiên, lĩnh vực thanh tra cũng là lĩnh vực tham nhũng, khi nó luôn gắn với phòng bì, và thực tế, nếu tính số vụ liên quan đến thanh tra nhận phong bì, thì chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đã có hai vụ lên báo.
Trở về trường hợp của tỉnh Vĩnh Phúc, đã có sai phạm xảy ra, và Bộ đã cử đội ngũ thanh tra về làm việc nhằm xác định mức độ vi phạm. Và vì địa phương đã "bắt quả tang" thanh tra Bộ, nên nhìn chung, với dàn thanh tra tiếp theo lên đến 11 người, người dân có thể có một màn mở mắt hơn về một đợt thanh tra ra trò, nơi không còn phong bì, mà chỉ còn sự "liêm chính". Và điều kỳ lạ, là chỉ khi bị xâm phạm về lợi quyền thì tổ chức nhà nước mới thực sự làm tốt vai trò, nhiệm vụ của chính mình.
Đây được xem như một nguyên tắc thuộc về thể chế, khi mâu thuẫn không còn được thỏa hiệp, thì xuất hiện "trạng chết, chúa cũng băng hà".
Áp dụng trường hợp này đối với cuộc chiến đốt lò của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nó cũng tương tự như vậy. Cuộc chiến đốt lò chỉ diễn ra để cứu nguy cho chính chế độ, và sự thống nhất trong đội ngũ ủy viên Trung ương Đảng trong việc đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên ghế cao cũng chỉ là khi quyền lợi có nguy cơ biến mất. Giữa một bên là mất tất cả, và một bên là có thể giữ nhưng cần phải thỏa hiệp, những người cộng sản dễ dàng chọn lựa thứ hai hơn.
Nhưng đúng như trạng thái "trạng chết, chúa cũng băng hà", dồn tận lực vào một vấn đề sẽ gây nguy biến cho toàn thể đội nhóm chính trị, mặc dù đó là chiêu thức để hợp lý hóa việc phân bổ số ghế trong lần đại hội sắp tới. Điều đó cho thấy rằng, cuộc chiến đốt lò sẽ đến một giới hạn ngưng lửa, và cũng như câu chuyện chống tham nhũng qua sự vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh cũng là một biểu hiện của sự "thỏa hiệp chính trị" đến đâu, hay mâu thuẫn nội bộ sâu sắc như thế nào, và thể hiện rõ nét hơn phe phái nào sẽ nắm quyền chủ động trong đại hội tới.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 20/06/2019
******************
'Cứ có phong bì chúng nó… thank you'
Trân Văn, VOA, 20/06/2019
Bộ Xây dựng vừa loan báo đã thành lập một đoàn thanh tra khác, thay cho đoàn thanh tra vừa bị bắt để kiểm tra "công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch tại 29 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc" (1).
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn thanh tra. (Hình : Ủy Ban Nhân Dân huyện Vĩnh Tường/Trích xuất từ VnExpress)
Vụ các thành viên Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng, trong đó có Trưởng Đoàn, tống tiền rồi bị bắt quả tang hôm 12 tháng 6 khi đang nhận hối lộ, 3/6 thanh tra chuyên trách chống tham nhũng mới bị khởi tố (2), không chỉ làm bẽ mặt Bộ Xây dựng…
Theo truyền thông Việt Nam, huyện Vĩnh Tường là địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc về các khiếu nại – tố cáo liên quan đến quản lý – sử dụng đất trái pháp luật, bồi thường không thỏa đáng, thiếu minh bạch khi thu hồi đất (3).
Nói cách khác, có hàng loạt dấu hiệu cho thấy các viên chức địa phương đã "ăn" đủ kiểu cả trong quản lý – sử dụng đất lẫn qui hoạch, tạo điều kiện cho Đoàn Thanh tra do bà Nguyễn Thị Kim Anh và các đồng nghiệp đòi phân chia để "định hướng hoạt động".
Không phải tự nhiên mà dân chúng đặt vè diễu cợt thanh tra - lực lượng chuyên trách phòng và chống tham nhũng tại Việt Nam : Thanh ‘cha’, thanh mẹ, thanh… gì. Cứ có phong bì chúng nó thank you.
Trên thực tế, thỉnh thoảng, dân chúng Việt Nam lại ồ lên trước khối tài sản khổng lồ của một số viên chức thanh tra chẳng may bị lộ. Khi điều hành lực lượng phòng – chống tham nhũng trên toàn quốc mà giàu có tới mức "nứt đố, đổ vách" như ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ (4), ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (5),… thì Báo cáo về Phòng - chống tham nhũng hàng năm dứt khoát phải làm thiên hạ liên tục chưng hửng về kết quả, kiểu như : Trong năm tổ chức 14.000 cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng chỉ phát giác được… 11 vụ tham nhũng. Trong năm chỉ phát hiện năm trong số cả triệu viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản và thu nhập, cần "xác minh" lời khai nhưng cuối cùng chỉ có… một bị "cảnh cáo" vì "kê khai không trung thực" (6).
Ngay cả khi đảng ta dựng "lò", thành tích hoạt động của lực lượng thanh tra cũng hết sức… khiêm tốn. Để đồng bào không bị kích xúc, thanh tra không công bố thống kê hàng năm như đã từng mà công bố thống kê… năm năm. Năm ngoái, Thanh tra Chính phủ thỏ thẻ, từ 2013 đến 2018, chỉ phát hiện 437 vụ tham nhũng liên quan tới 665 đối tượng (7). Vì là lực lượng chuyên trách phòng chống tham nhũng, thanh tra thường xuyên đề nghị xử lý các ngành, các địa phương lạm dụng công quỹ cử người đi công tác ở ngoại quốc nhưng Thanh tra Chính phủ cũng hành xử y hệt như… thế : Dùng công quỹ cử hàng loạt cán bộ đi "làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng" ở châu Á, châu Âu trước khi… đồng loạt nghỉ hưu (8).
***
So thực tế với hiệu quả hoạt động, có quá lời không khi cho rằng thanh tra – lực lượng chuyên trách phòng chống tham nhũng tại Việt Nam – là một hệ thống "phân chia lại lợi nhuận" mà các đồng chí ở các ngành khác, các địa phương đã thu đoạt ?
Sự kiện Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng vòi vĩnh, bị bắt quả tang đang nhận hối lộ, khám tủ nơi Trưởng Đoàn tạm trú, công an thu được thêm vài trăm triệu đồng là một… sự cố ngoài ý muốn, phá vỡ thông lệ cố hữu, tự vạch áo cho thiên hạ xem lưng.
Những người tham gia sắp đặt, tạo ra, công bố rộng rãi sự kiện này rõ ràng là rất dại bởi đã làm phiền toàn hệ thống, bôi nhọ không chỉ Bộ Xây dựng mà còn làm hoen ố diện mạo của lực lượng thanh tra, rộng hơn là đảng ta.
Đâu phải tự nhiên mà ngày 17 tháng 6, hết Thủ tướng tới Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng soạn - gửi công điện (9), công văn (10) cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, rồi Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, yêu cầu gia tăng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Ngoài tác dụng trấn an đồng bào, những công điện, công văn ấy có tái lập được trật tự không ? Dựa vào đâu để khẳng định là có ?
Đợt thanh tra "công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch tại 29 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc" chắc chắn sẽ hết sức "máu lửa". Miểng có thể văng cả đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc. "Mạt cưa" sẽ đụng "mướp đắng".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/06/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/bo-xay-dung-cu-doan-thanh-tra-moi-ve-vinh-phuc-20190619122922501.htm
(2) https://vnexpress.net/phap-luat/ba-thanh-tra-bo-xay-dung-bi-khoi-to-toi-nhan-hoi-lo-3940374.html
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(5) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/pho-tong-thanh-tra-cp-len-tieng-ve-tai-san-khung-164399.html
*********************
Nguyễn Thị Kim Anh là cháu của cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ?
Thường Sơn, VNTB, 18/06/2019
Vụ ‘công an bắt thanh tra’ là do một bàn tay đạo diễn ẩn giấu muốn ‘đấm’ Bộ trưởng bộ xây dựng Phạm Hồng Hà ?
Bà Nguyễn Thị Kim Anh được cho là cháu của ông Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh : PLTP
Không phải ngẫu nhiên mà vài tờ báo nhà nước chợt dẫn lại thông báo hôm 13/6 của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc gửi Đảng bộ Thanh tra Bộ Xây dựng, chi bộ phòng Phòng chống tham nhũng - nơi Trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh đang công tác - về việc bà Kim Anh bị tạm giữ từ ngày 12/6 do bị bắt quả tang nhận hối lộ, trong đó nhấn mạnh "bà Kim Anh sinh năm 1975 tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An ; hiện đang cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội".
Cùng lúc, trên mạng xã hội ồn ã đồn đoán về ‘Nguyễn Thị Kim Anh là cháu của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng’.
Cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh minh họa
Nguyễn Sinh Hùng quê quán Nghệ An, từng là chủ tịch quốc hội và nằm trong ‘tứ trụ’ của chính thể độc tài ở Việt Nam. Khi còn đương chức, ông Hùng đã trở nên ‘nổi tiếng’ với rất nhiều đồn đoán về việc ông ta có mối quan hệ kim tiền với nhân vật Hà Văn Thắm - chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng OceanBank mà về sau này Thắm đã bị bắt, truy tố và nhận án tù chung thân.
Hà Văn Thắm được dẫn tới tòa trong phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 9.2017
Cũng đang nổi lên một luồng dư luận khác cho rằng dù Công an Vĩnh Phúc quyết ‘trảm’ bằng được vụ Nguyễn Thị Kim Anh, nhưng vì Kim Anh là cháu của Nguyễn Sinh Hùng nên vụ này khó có khả năng được Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn.
Trong khi đó, ngày càng dày thêm dư luận về việc phát hiện ra vụ Nguyễn Thị Kim Anh không phải là do tinh thần mẫn cán và trình độ nghiệp vụ của Công an Vĩnh Phúc, mà bản chất của câu chuyện này là ‘chúng nó cắn nhau’.
Cũng gần tương tự như câu chuyện đại gia làm giả xăng dầu Trịnh Sướng ở Sóc Trăng mà mãi đến hôm nay mới bị phát hiện sau nhiều năm cùng quá nhiều xe cộ cháy thành than trên khắp vùng đất nước, khó ai tin là một đoàn thanh tra bị phát hiện tiêu cực là do công an điều tra ra, bởi từ trước đến nay đã quá phổ biến tinh thần ‘cùng ăn, cùng bao che’ giữa công an và thanh tra. Vụ ‘công an bắt thanh tra’ chẳng qua là do một bàn tay đạo diễn ẩn giấu muốn ‘đấm’ Bộ trưởng bộ xây dựng Phạm Hồng Hà.
Bàn tay đạo diễn đó là ai và thế lực nào ?
Có ít nhất vài giả thiết cho rằng âm mưu đó xuất phát từ một phó thủ tướng quê ở Vĩnh Phúc, hoặc từ một cấp cao hơn thế.
Cơ chế ‘loạn đả’ như các vụ Trịnh Sướng và Nguyễn Thị Kim Anh lại xảy đến trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã vắng biệt cả một kỳ họp quốc hội hai tháng 5 và 6 năm 2019 mà chẳng có bất kỳ thông tin chính thức nào được nêu ra cho hình ảnh ‘mất tích’ ấy.
Như một quy luật, chiều đi xuống của sức khỏe Nguyễn Phú Trọng và kéo theo uy quyền giảm sút của nhân vật này tất dẫn đến thế nổi lên của quần thần và tinh thần tranh đoạt không khoan nhượng - bên trên là hai cái ghế tổng bí thư và chủ tịch nước như một ‘khoảng trống quyền lực’, còn bên dưới tranh giành những cái ghế màu mỡ đang bị kẻ khác ngồi.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 18/06/2019