Biểu tình Hồng Kông : tại sao thành công và bao giờ Việt Nam ?
An Viên, VNTB, 18/06/2019
Vì sao người Hồng Kông xuống đường biểu tình, câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng tại sao biểu tình thành công, gây sức ép buộc phải hoãn dự luật dẫn độ cũng như bao giờ cho đến Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.
Biểu tình ở Hongkong phản đối Luật Dẫn độ
Dù trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Carrie Lam, đã tuyên bố hoãn dự luật dẫn độ, hàng triệu người dân vẫn xuống đường biểu tình.
Vì sao người Hồng Kông xuống đường biểu tình, câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng tại sao biểu tình thành công, gây sức ép buộc phải hoãn dự luật dẫn độ cũng như bao giờ cho đến Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.
Thương nhân : cốt lõi của cuộc chiến
Không phải học sinh – sinh viên, không phải những giáo sư – nhà khoa học, chính những thương nhân đã làm nên sự khác biệt giữa cuộc biểu tình năm 2014 và cuộc xuống đường năm 2019.
"Doanh nghiệp Hong Kong hứa đóng cửa nghỉ, cho nhân viên đi biểu tình", tiêu đề bài viết của báo Tuổi Trẻ ngày 11/06 đã khái quát hóa tính chất đặc biệt của lần xuống đường lần này. Theo đó, một loạt doanh nghiệp Hồng Kông thề sẽ đóng cửa giữa lúc cơn giận của người dân vùng lãnh thổ này đối với chính quyền xung quanh dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Năm 2014, phía cảnh sát đã dùng dùi cui và hơi cay tấn công người biểu tình, làm tê liệt khu thương mại trung tâm trong hơn hai tháng, nhưng kết quả cuộc biểu tình đã bị san phẳng bằng bạo lực.
Năm 2019, 2 triệu người xuống đường, và thay vì "hỗ trợ hạn chế" như trong phong trào dù Vàng (chiếm Trung Tâm), thì lần này các doanh nghiệp đã vào cuộc, hợp nhất với các thành phần xã hội khác nhau của trung tâm để đòi hỏi một quyền làm người cơ bản.
Bloomberg trong bài đăng tải sáng ngày 17/06 (theo giờ Việt Nam) đã phân tích câu hỏi về sự khác biệt cho cuộc xuống đường lần này. Và theo đó, sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và thiệt hại tài chính tiềm tàng cho phía Bắc Kinh đã giải thích vì sao người biểu tình chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống lại dự luật dẫn độ.
Năm 2014, Phòng thương mại Hồng Kông và số phòng thương mại nước ngoài đã công khai chống lại chiến dịch bất tuân dân sự trên báo chí (Phòng thương mại Hồng Kông ; Phòng thương mại Canada ; Phòng thương mại Ý ; Phòng thương mại Ma Cao ; Phòng thương mại Ấn Độ).
Năm 2019, hơn trăm chủ doanh nghiệp Hồng Kông từ các ngành công nghiệp khác nhau đã cam kết đình chỉ kinh doanh hoặc hỗ trợ nhân viên chọn đình công nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, và lần này thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ như HSBC hay Deloitte , doanh nghiệp cũng đã linh hoạt hóa giờ làm để hòa vào cuộc đình công toàn thành phố.
Một yếu tố liên quan đến kinh tế nữa, là Bắc Kinh đang trong trạng thái của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Và Hồng Kông vẫn là một cửa ngõ vào thị trường vốn toàn cầu cho Trung Quốc. Kể từ năm 2012, các công ty Trung Quốc đã huy động được 156 tỷ USD từ IPO tại Hồng Kông, so với 143 tỷ đô la trên các sàn giao dịch đại lục và khoảng 48 tỷ USD bán cổ phần ở Mỹ. Mọi biến động tại Hồng Kông đều tác động không nhỏ đến sự suy giảm miễn dịch của Bắc Kinh trong cuộc chiến với Mỹ lần này.
Như vậy, sự ủng hộ của giới doanh nghiệp, và bản thân tác động tài chính của Hồng Kông với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm nên cuộc biểu tình lịch sử và chiến thắng lịch sử.
Bao giờ cho đến Việt Nam ?
Người dùng Facebook bắt đầu đặt ra câu hỏi trong bối cảnh biểu tình của Hồng Kông : bao giờ cho đến Việt Nam.
Một số người dẫn dụ về Thiên An Môn (1989) ở Bắc Kinh ; Dù Vàng (Hồng Kông 2014) và cuộc biểu tình chống luật dẫn độ (2019) để tìm kiếm một sự kiện tương tự tại Việt Nam. Nhưng họ quên rằng, vào năm
10/06/2018, tại Việt Nam đã bùng nổ nhiều cuộc biểu tình phản ứng (chống lại) Dự luật đặc khu, cuộc biểu tình được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là "lần đầu tiên kể từ năm 1975 đã thể hiện một hành động phản kháng trực tiếp đối với nhà cầm quyền". Đây cũng là lần đầu tiên, một đám đông người đứng giữa ngã tư và hát vang bài ca "Trả lại cho dân".
Nhưng điều thiếu ở Việt Nam vẫn là sự thống nhất giữa các tầng lớp, dù rằng, sự khởi nguyên biểu tình sau năm 1975 là tầng lớp trẻ, những "lão thành cách mạng", sau đó có sự góp mặt của giới tôn giáo, và một số ít giới chủ doanh nghiệp… Tuy nhiên, con số giới chủ doanh nghiệp quá ít, và họ tham gia với tư cách cá nhân hơn là một quá trình đóng cửa để ủng hộ quyền biểu tình hay các phản ứng các chủ trương – chính sách bất hợp lý khác của chính phủ. Điều này được hiểu, là môi trường chính trị ổn định vẫn là cơ sở làm ăn, nó lớn hơn cái nhu cầu "dân chủ, nhân quyền", và bản thân "bội chi, hụt thu, bóc lột dân ta đến tận xương tủy" lên giới doanh nghiệp vẫn chưa tác động đủ lớn để hình thành một nhu cầu phản kháng. Nói cách khác, các cuộc biểu tình tại Việt Nam thuần nhất là về dân sự, chính trị thay vì kinh tế. Và bản thân các cuộc biểu tình cũng thiếu vắng yếu tố "kinh tế" bên trong, dẫn đến số lượng người tham gia cũng như kết quả biểu tình còn hạn chế.
Tuy nhiên, khó có thể đòi hỏi được thêm khi mà ở Việt Nam, các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế vẫn chưa rõ nét, tình trạng tác động đến "miếng cơm manh áo" vẫn chưa rõ ràng. Chỉ có đúng một điều mà Việt Nam giống Hồng Kông, đó chính là "tác động chính trị từ Trung Quốc", tức khi yếu tố Trung Quốc gây ra cảm giác bất an về chủ quyền và độc lập, thì cuộc biểu tình nổ ra và thu hút nhiều người tham gia.
Dù sao, các cuộc biểu tình ở Việt Nam cũng ngày đi sát hơn, từ chủ quyền quốc gia, đến tình trạng ô nhiễm môi trường và các quyết sách về kinh tế. Nói cách khác, tại Việt Nam, tính thực tiễn và tác động của các chủ trương – chính sách ngày càng mở rộng phạm vi đến nhiều tầng lớp, và nó làm cho các biểu tình ngày càng có tính chất chủ đề hơn.
Bao giờ cho đến Việt Nam ? Câu hỏi không bao giờ dễ trả lời, chỉ biết rằng, lần xuống đường buộc Quốc hội dừng luật đặc khu đã là một thành công rất lớn, và nó chưa phải là điểm dừng cuối cùng.
Bài học Hồng Kông về biểu tình, và những khía cạnh thúc đẩy sự thành công của Hồng Kông là bài học quý giá cho Việt Nam, nhất là sự tham gia và ủng hộ của giới doanh nghiệp.
Trong lịch sử yêu nước Việt Nam, đã có không ít nhà tư bản dân tộc "hiến công sức, vàng bạc và trí tuệ" cho dân tộc, như những Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ...
Và lịch sử luôn có những khúc quanh lặp lại của nó.
An Viên
Nguồn : VNTB, 18/06/2019
********************
Biểu tình ở Hồng Kông và nỗi hãi sợ của Đảng cộng sản Việt Nam
Trúc Giang, VNTB, 18/06/2019
Dường như Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang cố tình đánh đồng hành động biểu tình là bạo loạn.
Biểu tình ở Hà Tĩnh 17/6/2018.
Báo Nhân dân điện tử số phát hành ngày 17-6-2019, có bài viết tựa "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam", tác giả ký tên kèm đầy đủ chức vụ : "Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương" [1].
Lo sợ ‘tự diễn biến’ trong chính nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam
Trong bài viết kể trên mang đến cảm giác, dường như Đảng cộng sản Việt Nam đang lộ ra mặt về nỗi hãi sợ chuyện phe nhóm nào đó trong chính bộ máy đảng cầm quyền, sẽ qua hình thức biểu tình phản đối một chính sách/ một sắc luật – như vụ dự luật đặc khu, dự luật an ninh mạng để biểu tình ngày Chủ nhật 10-6-2018 - nhằm mặc cả, tranh giành thêm quyền lợi chính trị cá nhân phe nhóm, trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tiếp tục vắng mặt trên chính trường.
Lý lịch khoa học của ông Võ Văn Thưởng ghi vào năm 1992, ông Thưởng tốt nghiệp với học vị cử nhân Triết học Mác - Lê nin tại trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999, ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học cũng tại trường trên với luận văn về đạo đức trong sinh viên học sinh thành phố Hồ Chí Minh.
Với ‘nghề nghiệp chuyên môn’ là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, qua bài viết đăng trên báo Nhân dân điện tử (nguồn đã dẫn), bên cạnh việc lo sợ ‘tự diễn biến’ trong chính nội bộ đảng cầm quyền, cho thấy ông Thưởng vẫn chưa có thói quen cập nhật các tiến bộ công nghệ về truyền thông. Ông tiếp tục đưa ra những nhận định thiên kiến quen thuộc suốt mấy mươi năm qua, tính từ cột mốc ngày thành lập Đảng 03-02-1930. Đặc biệt, ông Võ Văn Thưởng bám vào cái phao Luật An ninh mạng, với kỳ vọng sẽ trấn áp được các ‘diễn biến hòa bình’.
"Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện "diễn biến hòa bình", đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…".
Ông Võ Văn Thưởng đã có đoạn viết như vậy ở bài báo "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam".
Đảng đang khinh miệt dân trí ?
Ông Thưởng còn gián tiếp nhìn nhận dân trí hiện nay đang lệch lạc : "Sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an ninh, bất ổn chính trị, xã hội.
Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm".
Phóng viên Los Angeles Times [2], có quan sát và nhận định về giá trị của truyền thông xã hội trong dân chúng ở cuộc biểu tình như đang xảy ra ở Hồng Kông, khác hẳn ông Võ Văn Thưởng. Theo đó, việc tổ chức biểu tình phản đối một chính sách, một sắc luật mới ở Hồng Kông giống như một cỗ máy do trí tuệ nhân tạo biết tự học hỏi và tự hoạt động dựa trên kinh nghiệm.
Đa số những người biểu tình không tham gia với tư cách là thành viên của bất kỳ tổ chức nào. Họ biết thông tin về các hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến và các kênh trò chuyện và họ tự quyết định mình sẽ làm gì. Có phong trào nhưng hoàn toàn tự trị và không có ai lãnh đạo. Đủ cả, luật sư, doanh nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng. Các công đoàn, các hội sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động dân chủ.
Sáng kiến về hình thức biểu tình, địa điểm, điều kiện hậu cần... được những tài khoản ẩn danh đưa lên mạng, mọi người cùng thảo luận rồi ý kiến nào được đông người chọn nhất thì sử dụng.
Phải xác lập về quyền của dân và bổn phận của đảng cầm quyền
Ở Việt Nam, việc biểu tình và được truyền thông tạo sức mạnh hậu thuẫn diễn ra dễ nhận thấy nhất, chính là việc các nhà xe phản đối việc đặt trạm thu phí giao thông đường bộ BOT không đúng chỗ.
Những dự án kiểu này, theo một tài liệu của Kiểm toán Nhà nước gửi đến các đại biểu ở kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc hôm 14/6, thì kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng là 115,4 tỷ đồng ; sai đơn giá 228,2 tỷ đồng, sai khác 492,8 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán 7 dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói rằng, dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền, nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.
Thế nhưng biết là sai luật dẫn đến hàng loạt vi phạm pháp luật trong các dự án BOT, BT về giao thông, song mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Các trạm thu phí đặt sai chỗ, kiểu râu ông này cắm cằm bà kia vẫn tiếp tục được phép giữ nguyên, tiếp tục thu phí.
Như vậy, khi mà báo chí đăng tải rất nhiều ý kiến đóng góp, bên cạnh các sai phạm được cơ quan chức năng chỉ rõ ra, song mọi chuyện vẫn không thay đổi, thì lẽ tất yếu người dân buộc lòng phải sử dụng quyền biểu tình được hiến định.
Còn chuyện lo sợ biểu tình đến từ ‘các thế lực thù địch’ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cho thấy đây là hệ quả tất yếu của việc quản lý đất nước bằng "Nghị quyết Đảng", bằng "ý kiến Bộ Chính trị" thay vì phải thượng tôn pháp luật.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 18/06/2019
(2) https://www.latimes.com/world/la-fg-hong-kong-protest-20190616-story.html