Thủ Thiêm, tên gọi của bi kịch
Trân Văn, VOA, 20/06/2019
Sáng 19 tháng 6, ba đại biểu do dân chúng quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức bầu vào Quốc hội khóa 14 đã gặp cử tri, báo cáo về kết quả Kỳ họp Quốc hội thứ bảy (đã diễn ra từ ngày 20 tháng 5 đến ngày 14 tháng 6). Giống như những lần tiếp xúc với cử tri trước đây, ba đại biểu của khu vực bầu cử số 7 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh : Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phan Nguyễn Như Khuê (cùng là Phó Đoàn đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội), Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh) lại phơi mặt để nghe dân chửi...
Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q2 ngày 22/11/2018
***
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyển cho nhau xem một video clip, ghi lại tám phút phát biểu của cô Nguyễn Thị Thùy Dương (1) – cử tri khu vực bầu cử số 7, năm ngoái từng bị phạt 750.000 đồng vì ném dép vào mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Xin lược ghi những phát biểu này…
Cô Dương đã dẫn trường hợp bà Nguyễn Thị Tiếu, phường Cát Lái : Thu hồi đất là UBND quận 2 và UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng nhận tiền đền bù là người nhà của cán bộ - và đặt vấn đề : Có phải người dân là nạn một vụ cướp với phía chủ mưu là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, vừa là chủ đầu tư, vừa thu hồi đất và đối tượng nhận tiền đền bù là người nhà của cán bộ ?
Cô Dương cho biết, khiếu nại của bà Tiếu đã được gửi cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nơi này chuyển cho UBND quận 2. Ông Nguyễn Phước Hưng - đại diện cho UBND quận 2 hẹn gặp gỡ đương sự để trao đổi vào đầu tháng 5, bây giờ đã gần cuối tháng 6 nhưng vẫn chưa thấy ông Hưng xuất đầu lộ diện để tiếp công dân !
Đối với trường hợp Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cô Dương nhận định, quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn nhân đạo (cho người dân bị thu hồi đất được tái định cư ngay tại chỗ để được thụ hưởng các phúc lợi về giáo dục, y tế, văn hóa và cả kinh tế khi Khu đô thị mới này hình thành). Chính hy vọng đó khiến họ chấp nhận di dời, giao đất nhưng cuối cùng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh – chủ đầu tư và cũng là phía thực hiện việc thu hồi đất, quyết định giá đền bù – nơi thay vì quản lý, điều hành lại tham gia "làm kinh tế" đã không cho người dân gì cả.
Theo cô Dương, muốn hay không nhà nước cũng nên thừa nhận đây là một cú lừa lịch sử mà nhà nước dành cho chính nhân dân của mình, dành cho chủ thể của đất nước này. Cô thắc mắc : Chủ trương của nhà nước có phải là bần cùng hóa nhân dân hay không ? Tại sao lại đẩy nhân dân vào con đường bần cùng ?
Cô Dương bảo rằng : Nhân dân không dám xem quan chức như đầy tớ vì không có đầy tớ nào lại ở biệt thự, dùng siêu xe, thừa tiền cho con du học trong khi chủ nhân phải chạy cơm từng bữa. Bảo quan chức là cha mẹ cũng không đúng bởi chẳng có cha mẹ nào đập nhà con cái rồi cho con đi ở trọ. Cho nên chúng tôi muốn các vị xác nhận, các vị là gì của chúng tôi ? Quan chức thật ra là gì của nhân dân ?
Cử tri Nguyễn Thị Thùy Dương cho rằng, quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm xét cho cùng là một cuộc mua bán giữa quan chức và các nhóm lợi ích. Dân chúng bị lừa, không có lợi ích nào liên quan đến quốc gia hết – nên yêu cầu : Các vị có trách nhiệm phải lập ra một chính sách bồi thường mới cho 15.000 gia đình ở khu vực này, đồng thời phải trả lời rõ ràng về 160 héc ta mà theo quy hoạch là cho việc tái định cư.
Kết thúc một buổi tiếp xúc cử tri nữa, những thắc mắc của cô Dương và cũng là thắc mắc từ lâu của vài chục ngàn nạn nhân : Tại sao dùng Quyết định thu hồi đất ở Thủ Thiêm để thu hồi đất ở phường An Phú, phường Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi nhưng cuối cùng cũng bán hết ? Gọi là sửa sai nhưng lại tạo ra một cái sai khác và chung cuộc vì lòng tham, sai chồng sai. Xét về bản chất, các quan chức đã khiến những người được tái định cư, tái định cư trái pháp luật bởi theo các quyết định đã ban hành, họ không có quyền tái định cư ở đó. UBD Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sửa sai như thế nào ? – vẫn không có câu trả lời
Đã đến lúc "tức nước, vỡ bờ", cô Dương chất vấn : Đảng là cơ quan có quyền lực cao nhất trong việc dẫn dắt dân tộc này. Đảng là tấm khiên bảo vệ người dân, tại sao chỉ có đảng viên mới làm tổn thương nhân dân ? Khi các cơ quan quyền lực, (từ Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến Sở Xây dựng) "làm kinh tế", vừa nắm giữ quyền lực, vừa chăm chăm kiếm tiền thì giữa vòng xoáy vận hành quyền lực và nỗ lực kiếm tiền đó, làm sao nhân dân sống nổi ? Các công ty nắm giữ đất liên tục được cổ phẩn hóa, giá đất càng ngày càng cao, cơ hội làm chủ một căn nhà của người dân càng ngày càng khó.
Cô Dương cũng là cử tri yêu cầu trả lời : Trách nhiệm của ông Lê Tấn Hùng, em trai ông Lê Thanh Hải như thế nào đối với 160 héc ta đất ở bán đảo Bình Lợi trở thành tài sản của Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi ?.. Đồng thời đề nghị HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phải rà soát để làm rõ những sai phạm đó, mặt khác phải soạn chính sách bồi thường mới cho những người dân bị mất đất ở Thủ Thiêm, những người dân ở Cát Lái bị thu hồi đất để giao cho người nhà cán bộ. Kết quả phải được công khai chứ không lén lút soạn – gửi những báo cáo một chiều. Cô cũng yêu cầu : Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ cả trường hợp Công ty Tân Cảng Sài Gòn vội vã thu hồi phần đất mà trên danh nghĩa dành cho Khu Công nghiệp Cát Lái, vội vã chuyển đổi công năng và vội vã thu hồi đất bù cho quân đội.
Cô nhấn mạnh : Tôi chỉ biết trách nhiệm của Bộ Quốc phòng là bảo vệ đất nước, giờ, sao lại dọa dân cướp đất ?
***
Thủ Thiêm là tên một bi kịch tròm trèm hai thập niên, thấm đẫm nước mắt và máu. Máu của những người chọn cái chết, chịu đánh đập với hy vọng sẽ có ai đó, nơi nào đó thấu được oan khiên. Hai thập niên, chính quyền "của dân, do dân, vì dân" chỉ mới tiến được một bước, đó là thôi xem các nạn dân là "kẻ xấu", bị các "thế lực thù địch" kích động chống lại "đường lối, chủ trương", chịu gọi họ là "cô bác", cính thức xin lỗi "bà con" nhưng vẫn chưa làm gì cả.
Những kẻ thủ ác, đẩy hàng chục ngàn công dân vào tuyệt lộ, sống vạ vật như súc vật, tuyệt vọng vì không thấy tương lai đã được chỉ mặt, gọi tên nhưng… trong thực tế, chẳng hạn đồng chí Lê Tấn Hùng mà cô Dương đề cập chỉ bị "khiển trách", sau đó do hình thức kỷ luật này gây trở ngại cho việc thu phục sự tin yêu của nhân dân, mức kỷ luật được nâng lên thành… "cảnh cáo". Mới đây, do sai phạm của đồng chí Lê Tấn Hùng nhung nhúc như giun sán trong… lòng đảng, thi nhau trườn ra giữa thanh thiên, bạch nhật, chính quyền "của dân, do dân, vì dân" quyết định "hạ bậc lương" như một cách xử lý các sai phạm nghiêm trọng mới được xác định, rồi… "đình chỉ công tác".
Hệ thống công quyền như thế chính là hậu quả của một hệ thống chính trị "ưu việt" hơn phần còn lại của nhân loại. Dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng, ba đại biểu của Quốc hội đại diện cho cơ quan đại diện "ý chí, nguyện vọng của toàn dân" chỉ làm được một chuyện : Mỗi năm vài lần, trước và sau các kỳ họp Quốc hội phơi mặt để dân chủi như một cách giúp họ hạ hỏa, đồng thời cũng là để xiển dương thể chế "dân chủ gấp vạn lần thiên hạ". Mặt trận Tổ quốc – tập hợp các tổ chức chính trị đại diện cho tất cả các giới, các thành phần khác nhau trong xã hội – cũng thế và cũng vì thế, mới bị cô Dương tố cáo : Cử tri muốn tiếp xúc với đại diện của mình tại Quốc hội phải… đăng ký với Mặt trận Tổ quốc và nỗ lực duy nhất của Mặt trận Tổ quốc là… ngăn cản.
Cô Dương phát biểu chỉ tám phút nhưng bị đại diện Mặt trận Tổ quốc chặn họng ba lần vì… phát biểu ngoài nội dung đã đăng ký, vì… nói quá thời gian quy định và vì… dám thắc mắc : Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc là gì ? Chẳng lẽ là bóp miệng không cho dân nói ? Cô Dương bị đại diện Mặt trận Tổ quốc chỉ trích là không tôn trọng Mặt trận Tổ quốc. Đó là giọt nước tràn ly, cả khán phòng bừng bừng phẫn nộ. Không chỉ cô Dương, nhiều cử tri bừng bùng phẫn nộ : Các viên chức có tôn trọng họ không mà đòi được tôn trọng ? Không có viên chức hữu trách nào, từ đại biểu của cử tri khu vực bầu cử số 7 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội đến các thành viên Mặt trận Tổ quốc thèm trả lời, chỉ có một người mặc thường phục bước tới chỗ cô Dương thu lại micro. Chỉ thế mà thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/06/2019
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/hongquang.nguyen.14473/videos/483383749072780/
*****************
Dân Thủ Thiêm lại phải nghe hứa hẹn
Trung Khang, RFA, 19/06/2019
Tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 hôm 19/6/2019, Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuối tháng 6 này, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận về sai phạm tại Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm có còn tin vào lời hứa của quan chức ? Ảnh minh họa
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng nhìn nhận, việc giải quyết đơn thư khiếu nại chưa tốt, các cơ quan đùn đẩy nhau… Ông nói : "Giải quyết chậm ngày nào là có tội với dân ngày đó, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình. Tổ đại biểu đã trao đổi liên tục với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tôi tin là cuối tháng 6 sẽ công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm".
Ông Cao Văn Ca, cử tri phường Bình Khánh, Quận 2, cũng là một dân oan mất đất ở Thủ Thiêm, khi trao đổi với RFA hôm 19/6 cho biết :
"Buổi tiếp xúc cử tri hôm nay rất hỗn loạn và mất trật tự vì cử tri bức xúc, cho rằng Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã vô cảm trước những sai sót của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không nêu lên được vấn đề Thủ Thiêm trước diễn đàn Quốc Hội theo yêu cầu của cử tri Thủ Thiêm. Người dân Thủ Thiêm cho rằng tổ Đại biểu có vấn đề, yêu cầu tổ Đại biểu từ chức".
Cùng tham dự buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 với ông Khuê, còn có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, bản thân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố không vô cảm với người dân Thủ Thiêm. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các thành viên của đoàn, trong đó có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân luôn "tranh thủ từng giờ giải lao để gặp các Phó thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ đốc thúc giải quyết sớm cho bà con".
Đáp lại lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khi đó, theo truyền thông trong nước, một phụ nữ luống tuổi đã đứng lên chỉ tay lên tổ đại biểu quốc hội, lớn tiếng "bà ấy hứa mà có làm đâu" rồi liên tục đề cập đến các bức xúc. Bà la hét, khóc và bị an ninh đưa ra ngoài, cả hội trường náo loạn, phản đối.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết không phải ông vô cảm, vô trách nhiệm với cử tri Thủ Thiêm. Ông cũng hiểu vì sao cử tri giận dữ, bởi thời gian vụ Thủ Thiêm kéo dài quá sức chịu đựng của mọi người…
Tuy nhiên ông Cao Văn Ca bày tỏ nghi ngờ về lời hứa của ông Khuê liên quan việc cuối tháng 6 này sẽ có kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vì theo ông, điều lạ lùng là Thanh tra Chính phủ chưa hề có quyết định thành lập đoàn, và Thanh tra Chính phủ chưa hề tiếp xúc với người dân, không gặp người bị hại, mà tự nhiên đẻ ra kết luận toàn diện của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều này là trò nực cười.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/6, chị Nguyễn Thùy Dương, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm cho rằng, lời hứa ông Khuê nói cuối tháng 6 thì cũng như lời ông Nhân nói cuối tháng 11 năm 2018. Chị cho biết lý do vì sao chị đã phải viết thư cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây vài tháng, để ngăn cản quyết định cuối cùng vào tháng 5 và tháng 6 khi báo chí đưa tin về việc này trước đây :
"Bởi vì chị có cảm nhận, và chị biết rằng, quyết định đó của họ hoàn toàn bất lợi cho người dân. Thời gian quyết định cuối cùng này là tốt hay xấu thì chúng ta cũng không biết được, đôi khi nó kéo dài là tốt, đôi khi nó kết thúc nhanh lại là tốt. Người già thì người chết, rắn già rắn lột da, quan chức thì 5 năm hết nhiệm kỳ, kéo dài lắm là 10 năm thì về hưu hay làm việc khác, giống như rắn. Nhưng dân thì không thể, cho nên nếu kéo quá dài, chính quyền nói từ từ sẽ giải quyết, nhưng chị sợ lúc đó dân chết hết rồi. Nhưng khi họ quyết định quá vội thì sẽ sinh ra vấn đề là quyết định vội cho xong, và đóng án lại, đóng vụ việc đó lại, đóng khiếu nại lại không cho khiếu nại nữa, họ có thể sẽ ra một quyết định vội vã bất lợi cho dân".
Theo chị Dương, người dân không cần quyết định cuối cùng, cái người dân cần là chính quyền ngồi xuống đàm phán, nói chuyện với họ. Khi phát biểu tại buổi tiếp xúc chị có nói đây là cú lừa lịch sử, họ hứa quy hoạch dân sẽ được gì đó, nhưng không có gì cả, vậy thì đây là một cuộc mua bán. Chị nói tiếp :
"Anh tới mua đất nhà tôi, tôi bán bao nhiêu, anh mua bao nhiêu phải thương lượng, chứ không có việc anh muốn trả bao nhiêu thì trả. Anh vừa là chủ đầu tư, vừa là người ra quyết định cuối cùng thì không hề công bằng với người dân. Cho nên quyết định vào tháng sau chưa chắc là một quyết định tốt đẹp".
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố (giữa) và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm hôm 19/6/2019. Courtesy TP
Vào ngày 20/10/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khi dẫn đầu tổ đại biểu quốc hội thành phố tiếp xúc cử tri quận 2 đã hứa với người dân Thủ Thiêm rằng, vào tháng 11 năm 2018 sẽ xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên cho đến nay, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 hôm 19/6, ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm nói : "Giấy không thể gói lửa được nữa", ông Đệ cho rằng sai phạm của chính quyền thời kỳ trước đã quá rõ, không thể bao che : "Không hiểu lý do gì mà đại biểu không dám mang ra Quốc hội nói ? Nếu các vị không đại diện được cho người dân thì từ chức đi".
Trả lời RFA qua điện thoại sau buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Đình Đệ nói :
"Sai phạm ở Thủ Thiêm là đại án quốc gia chứ không đơn thuần nữa, quyền lợi của phe nhóm lợi ích lớn quá đi. Năm lần bảy lượt, tôi và bà con Quận 2 muốn đưa vấn đề này ra quốc hội, nhưng Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh không đưa ra được, không đưa được, hứa hẹn thì người ta hứa hẹn thôi. Lời hứa như ông Khuê thì họ cũng hứa nhiều rồi, Bí thư Thành ủy cũng hứa mà cũng không làm nỗi, phep phái cài cắm nhiều quá, trên bảo dưới không nghe thì chẳng làm gì được hết. Tôi nghĩ lời hứa chẳng có giá trị gì cả".
Trước khi diễn ra buổi tiếp xúc cử tri, theo một số người dân, không dễ để có được giấy mời tham dự, cũng như phiếu đăng ký phát biểu. Điều này được cho là kỳ lạ tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Thùy Dương cho biết, mặc dù cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm, tuy nhiên chị cũng không được mời cũng như được phát biểu, chị cho biết đã đi đòi thư mời tham dự buổi tiếp xúc cử tri và giấy phát biểu nhiều lần, từ nhiều ngày trước, từ Mặt trận tổ quốc quận cho đến phường dù mới phải mổ xong, nhưng họ nhất quyết không cho. Cho đến đêm trước ngày tiếp xúc, thì người dân đã huy động nhau tìm cho chị một thư mời trống và một phiếu phát biểu trống. Chị nói tiếp :
"Khi chị ngồi rất là lâu ở sảnh để chờ tới giờ tiếp xúc, thì lực lượng công an, an ninh… không cho những người không có thư mời vào. Điều này không hợp nguyên tắc, bởi vì tiếp xúc cử tri là tiếp xúc công khai, và cử tri được quyền, chỉ cần mang giấy chứng minh của mình có địa chỉ ở quận đó sẽ được vào. Tất cả những lần trước đều vậy, nhưng lần này họ đòi thư mời mới cho vào, mỗi phường chỉ có 4 thư, trong khi hội trường vài trăm chỗ ngồi, không lẽ nào 11 phường chỉ tiếp xúc cử tri có 40, 50 chục người… đại diện cho cả quận 2… Sau đó người dân làm dữ thì họ mới chỉ đạo cho dân vào".
Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp ký, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu lại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên hiện nay họ cũng chỉ biết chờ đợi.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 19/06/2019