Ngày Tị nạn thế giới với tác giả "Người di tản buồn"
Hoài Hương, VOA, 20/06/2019
Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 6 hàng năm làm Ngày Tị nạn Thế giới-World Refugee Day, để nâng cao nhận thức về tình trạng của những người tị nạn trên khắp thế giới. Nghệ sĩ Nam Lộc, tác giả của hai nhạc phẩm tiêu biểu nói lên tâm trạng của người tị nạn Việt Nam sau năm 1975, "Sài Gòn ơi Vĩnh Biệt", và "Người di tản buồn", chia sẻ tâm trạng của ông trong những ngày đầu tị nạn, và bàn về ý nghĩa của ngày Tị nạn Thế giới 2019.
Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 6 hàng năm làm Ngày Tị nạn Thế giới-World Refugee Day, để nâng cao nhận thức về tình trạng của những người tị nạn trên khắp thế giới
Nam Lộc là một tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, là một nhà hoạt động xã hội, MC của Trung tâm Asia, ông từng là Giám đốc của Cơ quan Từ thiện Công giáo Hoa Kỳ - USCC Los Angeles. Và nhắc đến tên ông, nhiều người liên tưởng ngay tới "người di tản buồn", một trong những ca khúc diễn tả được tâm trạng của những người Việt tị nạn đã bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975. Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, Nam Lộc chia sẻ :
"Tôi cũng là một người tị nạn, thành ra khi đặt bút viết những câu hát đầu tiên, tôi vẫn cho đó là những lời an ủi mình mỗi đêm trong thời gian bỏ nước ra đi và ở trong trại tị nạn".
Khánh Ly hát Người di tản buồn
Ông nói tâm trạng của ông cũng giống như tâm trạng của bao nhiêu người tị nạn khác :
"Khoảnh khắc đó, thời gian đó, cái tâm tư đó, cái hoàn cảnh đó có lẽ là cái nỗi khổ đau nhất của một con người đã phải bỏ đất nước mình ra đi, bỏ gia đình mình lại và ở trong hoàn cảnh lạc loài nơi xứ lạ quê người. Nó gần như là một người đã mất đi tất cả, mất đi cả hy vọng, mất cả niềm tin, mất cả sự nghiệp."..
Năm nay, Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi phải tăng gấp đôi tình liên đới và đoàn kết sau khi phúc trình về Xu hướng Toàn cầu cho thấy số người phải dời cư, bỏ lại nhà cửa và quê hương đi tị nạn, đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua.
Trang mạng của UNHCR trích dẫn phúc trình về Xu hướng Toàn cầu, cho biết 70,8 triệu người đã bị buộc phải dời cư trong năm 2018, con số cao nhất trong lịch sử gần 70 năm của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, chiến tranh, bạo lực, và đàn áp ở khắp nơi đã đẩy một con số kỷ lục người dân thường phải bỏ xứ ra đi. Làn sóng tị nạn diễn ra trong bối cảnh sự nổi dậy của các phong trào dân túy, đã tạo điều kiện cho những tình cảm kỳ thị, làm dấy lên những nghi ngờ về hoàn cảnh người tị nạn.
Trong các điều kiện đó, ông Nam Lộc cho rằng người tị nạn ngày nay còn khổ hơn người tị nạn Việt Nam cách đây mấy thập niên.
"Những người tị nạn ngày nay trên thế giới có lẽ còn bất hạnh hơn những người tị nạn người Việt chúng ta. Người Việt chúng ta đã khổ rồi, đã trải qua biết bao nhiêu là gian truân tức tưởi, thậm chí phải hy sinh trên biển cả, trong rừng già, hy sinh cuộc đời trong những trại tị nạn, ấy thế mà so với những người tị nạn hiện nay ở Phi Châu, ở Trung Đông v.v… nó còn thê thảm hơn gấp vạn lần".
Ngày Tị nạn Thế giới, theo ông, cũng là một dịp để cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là những người từng là người tị nạn, ôn lại kỷ niệm, và tỏ lòng biết ơn các quốc gia đã cưu mang và cho chúng ta một cơ hội thứ nhì để làm lại cuộc đời ở các xứ sở tự do. Ông nói "cách trả ơn hay nhất là giúp những người bất hạnh hơn mình", những người tị nạn từ nhiều nước trên thế giới, và gần gũi hơn, những người Việt Nam còn kẹt lại ở Đông Nam Á.
"Cách trảơn hay nhất là giúp những người bất hạnh hơn mình" - Ảnh minh họa
Vẫn theo Nam Lộc thì người Việt có một đức tính đáng quý là nhớ ơn trọng nghĩa, nhiều người mong muốn được trả ơn đất nước và người dân các nước tự do đã đưa tay đón nhận mình trong những ngày đen tối nhất.
Các cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đã tìm cách trả ơn mỗi khi có dịp. Nghệ sĩ Nam Lộc kể lại một trường hợp nổi bật khi ông được mời sang Úc để tiếp tay với cộng đồng người Việt Úc Châu tổ chức ngày "Thank you Australia".
"Trong một buổi tối, người Việt chúng ta đã quyên góp trên nửa triệu đôla để tặng cho một bệnh viện nhi đồng (bệnh viện Royal Children Hospital ở Melbourne) để trả ơn nước Úc. Ở các quốc gia khác cũng có những hành động tương tự".
Ông bày tỏ tự hào về một số gương sáng trong cộng đồng như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Tướng Lương Xuân Việt, Tiến sĩ Đinh Việt, tác giả của Đạo luật Patriot Act, và nhiều người khác là những người đã phần nào trả được món nợ tinh thần đối với nước Mỹ, nhưng ông nhấn mạnh rằng mỗi người tị nạn, đều có những đóng góp riêng. Làm ăn hay đi làm đóng thuế, nuôi dạy con cái thành người hữu dụng, đóng góp cho xã hội và quê hương thứ hai, cũng là một cách trả ơn.
"Cộng đồng người tị nạn nói chung, và cộng đồng người Việt chúng ta nói riêng cũng đang trả ơn nước Mỹ, trả ơn các quốc gia đã đón nhận họ, và tôi tin rằng người Việt chúng ta là một trong những cộng đồng có những đóng góp tích cực nhất".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 20/06/2019
*******************
Di dân gốc Á sắp trở thành nhóm di dân đông nhất tại Mỹ (VOA, 21/06/2019)
Hơn 1 triệu di dân mới tới Mỹ mỗi năm và nhiều nhất trong số này đến từ Ấn Độ.
Trẻ em di dân tại một trạm xe buýt ở Texas.
Năm 2010, số di dân gốc Á bắt đầu áp đảo con số di dân gốc Hispanic tới Mỹ hằng năm. Số người tới Mỹ từ Châu Mỹ Latin giảm mạnh sau khởi điểm của Đại Suy thoái đầu năm 2008.
Năm 2017 có 126 ngàn người tới Mỹ từ Ấn Độ. Kế sau Ấn Độ là số di dân từ Mexico, 124 ngàn người. Kế đến là Trung Quốc, 121 ngàn người, và Cuba là 41 ngàn người.
Tới năm 2055, dự kiến di dân gốc Á sẽ trở thành nhóm di dân đông nhất tại Mỹ, vượt qua các di dân gốc Hispanic, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Tuy nhiên, hiện nay, nhóm di dân lớn nhất tại Mỹ - hơn 19 triệu người chiếm 44% tổng số cư dân Mỹ có nguyên quán ở nước ngoài - là người gốc Hispanic hay Latino.
Tổng cộng có hơn 44 triệu người sống ở Mỹ nhưng nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, chiếm gần 14% dân số Mỹ. Họ đến đây từ khắp nơi trên thế giới.
***************
Dân biểu Mỹ lên tiếng vụ nhà hoạt động Hà Văn Thành sắp bị trục xuất (VOA, 20/06/2019)
Một nhà hoạt động Việt Nam xin tị nạn chính trị tại Mỹ đang đối mặt với việc bị trục xuất bất cứ lúc nào sau khi hồ sơ của ông bị bác trong khi các dân biểu Quốc hội Mỹ đang lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi nhà chức trách xem xét lại quyết định đối với ông.
Ông Hà Văn Thành bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE) câu lưu tại một cơ sở ở thành phố Chaparral, bang New Mexico từ tháng 7 năm 2018 đến nay.
Ông Hà Văn Thành hiện đang bị câu lưu tại một nhà tù di trú ở thành phố Chaparral thuộc bang New Mexico ở Tây Nam kể từ tháng 7 năm 2018, khi ông vượt qua biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico để vào Mỹ xin tị nạn, luật sư của ông cho biết.
Ông Thành được nói là một trong những người tham gia tổ chức và đồng hành cùng các giáo dân giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An vào năm 2017 khi họ đi kiện Formosa Hà Tĩnh vì những thiệt hại từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do công ty này gây ra. Một số nhà hoạt động trong cuộc biểu tình này đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ và tuyên án tù.
Gia đình và những người quen biết xác nhận ông Thành gặp "nhiều trở ngại" với công an địa phương và vì lo lắng có thể bị bắt giam, ông đã rời Việt Nam ra nước ngoài xin tị nạn, theo RFA. Ông đi tới các nước Lào, Thái Lan, Panama rồi Mexico, nơi ông nhập cảnh Mỹ qua một cửa khẩu biên giới.
Ông Thành nộp đơn xin tị nạn nhưng bị từ chối. Đơn kháng cáo của ông cũng bị bác, hôm 10 tháng 5. Giờ ông có thể bị Mỹ trục xuất bất cứ lúc nào.
"Lúc mà quan tòa hỏi những câu hỏi thì có nhiều lúc anh Thành không xác định lại được thời gian và trả lời không phù hợp với câu hỏi", luật sư di trú Khanh Phạm, đại diện pháp lý cho ông Thành trong các phiên tòa di trú vừa qua, cho VOA Việt ngữ biết. "Về vấn đề tị nạn thì bây giờ nói chung họ làm khó hơn".
Luật sư Khanh nói thêm rằng những thẩm phán di trú ở khu vực Tây Nam - nơi hiện là điểm nóng của cuộc khủng hoảng di dân với hàng chục ngàn người Mỹ Latin đổ vào Mỹ xin tị nạn - có xu hướng chấp thuận yêu cầu xin tị nạn thấp hơn những khu vực khác ở Mỹ.
Trường hợp của ông Thành đã khơi lên lo ngại từ bốn dân biểu Quốc hội Mỹ, tất cả đều thuộc Đảng Dân chủ và đại diện các địa hạt mà người Việt tập trung đông đảo ở bang California.
Tuần trước, bốn dân biểu này đã gửi thư tới lãnh đạo của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan (ICE) yêu cầu đình chỉ các thủ tục trục xuất ông Thành.
"Xét lịch sử của ông Hà với nhà chức trách địa phương, việc ông ấy tham gia trong các cuộc biểu tình ôn hòa, lời chứng của Cha Nguyễn Đình Thục thuộc Giáo xứ Song Ngọc, cũng như sự đối xử với những người biểu tình đồng cảnh ngộ và việc họ bị bỏ tù, có đủ bằng chứng để suy luận rằng ông ấy đối mặt với nguy cơ lớn bị bức hại nếu ông ấy quay trở về Việt Nam", bức thư viết.
Trả lời phỏng vấn của VOA Việt ngữ qua điện thoại hôm 18/6, dân biểu Alan Lowenthal, Chủ tịch Nhóm làm việc về Việt Nam trong Quốc hội Mỹ (Congressional Caucus on Vietnam), cho biết ông và các nhà lập pháp khác quyết định can dự "ngay lập tức" khi biết tin ông Thành sắp sửa bị trục xuất.
"Tất cả chúng tôi đều quyết định đây là một trường hợp rất quan trọng", ông Lowenthal nói. "Một công dân Việt Nam đến Mỹ để xin tị nạn là điều rất bất thường. Khi nghĩ đến chuyện xin tị nạn, chúng ta thường không nghĩ đến những người từ Việt Nam đến Mỹ hồi gần đây".
"Chúng tôi nghĩ [anh Thành] là một điển hình hoàn hảo của một người nên được cấp quy chế tị nạn", ông nói.
Dân biểu Lowenthal cho VOA Việt ngữ biết tuần trước ông đã liên lạc với một quan chức của Bộ An ninh Nội địa, cơ quan chủ quản của ICE, để lên tiếng về trường hợp của ông Thành cùng với việc gửi bức thư nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào.
Một phát ngôn viên của ICE trả lời email của VOA Việt ngữ hôm 19/6 cho biết cơ quan sẽ phản hồi thư của các dân biểu, nhưng không nói vào lúc nào.
"ICE sẽ hồi đáp thư của Quốc hội thông qua các kênh chính thức. Chúng tôi không có bình luận nào để đưa ra về trường hợp cụ thể này [của ông Thành] vào lúc này", Jennifer D. Elzea, người phát ngôn của ICE, nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cho biết họ có hay biết về trường hợp của ông Thành hay không khi được liên lạc qua email và đề nghị VOA chuyển các câu hỏi qua cho Bộ An ninh Nội địa.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tăng cường siết chặt di trú bằng những biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm thắt chặt các quy định đối với những người xin tị nạn trong khi cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới phía Nam ngày càng trầm trọng.
Luật sư di trú Khanh Phạm nói có phần chắc bức thư của các vị dân biểu sẽ không giúp được gì nhiều để đảo ngược quyết định đối với hồ sơ của ông Thành. Ông cho biết đang cùng một số nhà vận động khác nghiên cứu thu thập bằng chứng để củng cố lập luận rằng ông Thành sẽ bị bức hại nếu bị trả về Việt Nam.
"Nếu không thì nói chung hơi khó cho anh Thành", luật sư Khanh nói.