Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức Tọa đàm khoa học, với chủ đề 100 năm bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" (1019-2019).
"Yêu sách của nhân dân An Nam" được gửi đến Hội nghị Hòa Bình, tổ chức tại Cung điện Versaille, Pháp ngày 18/06/1019. Courtesy : Ảnh chụp màn hình tuyengiao.vn
Đài RFA ghi nhận ý kiến của dư luận liên quan sự kiện vừa nêu, cũng như tìm hiểu xem người dân Việt Nam nói gì về các quyền tự do, dân chủ của họ hiện nay như thế nào khi so sánh với một thế kỷ trước dưới thời thực dân Pháp đô hộ ?
Yêu sách 8 điểm tại Hội nghị Versailles
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vào chiều ngày 18 tháng 6, tổ chức một buổi tọa đàm khoa học ở Hà Nội, nhân dịp tròn đúng 100 năm ngày ông Nguyễn Ái Quốc (sau này là Hồ Chí Minh) đại diện một nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi một bản Yêu sách 8 điểm đến Hội nghị Hòa Bình, tổ chức tại Cung điện Versaille, Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ I kết thúc.
Bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" (Revendications du Peuple Annamite) do Chí sĩ Phan Châu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường cùng ông Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và bản Yêu sách này được Luật sư Phan Văn Trường viết bằng tiếng Pháp ; tuy nhiên tên người đại diện được ghi trong "Yêu sách của nhân dân An Nam" là "Nguyễn Ái Quấc".
Tại buổi Tọa đàm Khoa học với chủ đề 100 năm bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", truyền thông trong nước cho biết các đại biểu tham dự nhận định đây là bản tuyên bố chính trị đầu tiên của nhân dân Việt Nam, thể hiện nguyện vọng và yêu cầu về tự do, dân chủ và bình đẳng của con người ở các nước thuộc địa. Các đại biểu cho rằng bản Yêu sách 8 điểm sau 100 năm vẫn có giá trị thực tiễn nhằm hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc sống để nhân dân Việt Nam thực sự được tự do, ấm no, hạnh phúc một cách vững chắc.
Tám điểm được nêu ra trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" bao gồm :
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị ;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu ; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam ;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận ;
4. Tự do lập hội và hội họp ;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương ;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật ;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Đài RFA ghi nhận qua ý kiến của một số người Việt trong nước lẫn quốc ngoại chia sẻ rằng họ nhận thấy rất cần thiết tổ chức các hội thảo khoa học để thảo luận, nghiên cứu về đề tài này, vì như theo lời của Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận xét :
"Tôi nghĩ rằng sẽ có tác dụng nếu những người đó biết lắng nghe và để cho người dân cùng tham gia vào các hội thảo đó để nghiên cứu về yêu sách của 100 năm trước với những yêu sách của người dân Việt Nam bây giờ".
Cùng quan điểm ủng hộ cho hội thảo khoa học này, Nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả của cuốn hồi ký "Đêm giữa ban ngày", từ Paris lên tiếng rằng những người tham gia tọa đàm cần nghiêm túc xem xét và nhìn nhận người dân Việt Nam sau 100 năm đã thụ hưởng đầy đủ theo bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" hay chưa, cũng như hãy lắng nghe nguyện vọng của dân chúng hiện nay như thế nào, qua việc tham khảo một bản Yêu sách mới được công bố hồi cuối năm 2018, có tên "Yêu sách Tám điểm năm 2019 của Người dân Việt Nam". Nhà văn Nguyễn Thư Hiên nhấn mạnh :
"Tôi nghĩ là khi đã đưa ra một yêu sách giống như 100 năm trước thì điều đó có nghĩa là điều kiện sống của xã hội Việt Nam về mặt dân chủ và nhân quyền cũng vẫn như thế cho nên mới có một yêu sách như vậy. Tôi cho rằng các tổ chức dân sự và những cá nhân cùng ký tên vào đấy là họ đang làm một việc rất phải làm".
22222222222222
Tọa đàm khoa học, với chủ đề 100 năm bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", tổ chức vào ngày 18/06/2019. Courtesy : Ảnh chụp màn hình qdnd.vn
Yêu sách 8 điểm sau một thế kỷ
Hồi trung tuần tháng 12 năm 2018, gần 100 tổ chức và cá nhân người Việt trong và ngoài nước khởi xướng bản "Yêu sách Tám điểm năm 2019 của Người dân Việt Nam" với nội dung :
1. Trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người thực hiện quyền tự do biểu đạt đã bị Tòa án Việt Nam tuỳ tiện quy kết là "gây rối trật tự", "tuyên truyền chống nhà nước", "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân"… ;
2. Cải cách căn bản nền pháp lý để mọi người dân được hưởng các đảm bảo pháp lý như nhau, xóa bỏ những luật và điều luật đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân (như những người biểu tình ôn hòa đòi quyền lợi chính đáng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền đất nước…, những người phản biện chính sách, những người đối lập chính trị…) ;
3. Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, chấm dứt chế độ kiểm duyệt dưới mọi hình thức (bao gồm các quy định kiểm soát thông tin trên mạng) ;
4. Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp ;
5. Đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về ;
6. Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hóa trường học ;
7. Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với hiến pháp. Thực hiện trưng cầu ý dân đối với những luật có tác động lớn đến đời sống của đông đảo người dân và an nguy của quốc gia. Lấy pháp trị thay cho đảng trị (của Đảng Cộng sản), tiến tới phân lập ba quyền : lập pháp, hành pháp, tư pháp.
8. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xóa bỏ cơ chế "đảng cử dân bầu".
Tù nhân nhân quyền-Blogger Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn dẫn chứng một so sánh theo yêu sách số 1 trong hai bản Yêu sách 8 điểm ra đời cách nhau đúng 100 năm :
"Nếu so về 100 năm trước, lúc đó những người như chúng tôi chỉ là một hạt cát thì tôi không biết. Nhưng qua sách vở, qua những tài liệu lịch sử để lại thì tôi dám nói rằng hiện nay những người tù chính trị, những người tù tôn giáo, những người bất đồng chính kiến nói chung họ đang bị đối xử còn khủng khiếp hơn 100 năm trước. Đó là về mặt vật thể. Còn về mặt phi vật thể, tức là về tinh thần của chúng tôi thì phải nói rằng rất là ê chề và chua chát bởi vì một thế kỷ trước, vào lúc bấy giờ, thực dân Pháp đối xử với người bản xứ An Nam, tức là người Việt Nam ; còn bây giờ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối xử ngay với những người Việt Nam, là đồng bào của họ thì không còn gì để nói về tính người ở đây nữa".
Hay như yêu sách số 3 về đòi hỏi tự do báo chí và ngôn luận, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng giải thích với RFA :
"Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử một chút thì ta nhớ lại bài phát biểu Toàn quyền Paul Beau khi chúng ta vẫn còn dưới ách đô hộ của thực dân. Có những lời khi chúng ta đọc lại thấy tôn vinh nghề báo và thiên chức của nhà báo phải như thế nào là bênh vực nhân dân…mà lúc đó đất nước ta dưới thời bảo hộ của thực dân Pháp. Một người Toàn quyền Pháp, một tay thực dân trong kỷ niệm nói chuyện với báo chí Việt Nam tôn vinh nghề báo dám dũng cảm đứng lên chống cường quyền. Khi chúng ta đọc lại những báo ngày xưa như Gia Định báo, Nông-cổ Mín-đàm, Tân Bắc Trung Văn… những ai tâm huyết với nghề làm báo đều thấy buồn vì cả một quãng dài cả trăm năm mà báo chí nước ta so với tinh thần các tiền nhân hình như đang đi thụt lùi".
Với tình hình kinh tế-xã hội-chính trị hiện nay của Việt Nam, nhiều chính phủ và các tổ chức nhân quyền thế giới chỉ trích Chính quyền Hà Nội những năm qua bước thụt lùi về nhân quyền và trong tiến trình tự do, dân chủ toàn cầu trong thời đại của thế kỷ 21, như tăng cường bắt bớ và giam cầm những tiếng nói bất đồng chính kiến, bỏ tù các nhà hoạt động dân quyền và nhân quyền, đàn áp những người tham gia biểu tình bảo vệ môi trường, dùng chế độ công an trị để cai trị dân chúng Việt Nam…
Blogger Nguyễn Ngọc Già khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam, một nhà nước gọi là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" rõ ràng bộc lộ "một chính thể phi nghĩa, bất chính danh và vô nhân đạo". Blogger Nguyễn Ngọc Già kêu gọi sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc :
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng sai lầm lớn nhất của Liên Hiệp Quốc là đã vội vàng công nhận Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau khi họ đã xé bỏ Hiệp định Paris năm 1973 và là thành viên của Liên Hiệp Quốc năm 1977. Liên Hiệp Quốc buộc phải lên tiếng trong trường hợp này. Một nhà nước như vậy thì tại sao cả thế giới công nhận được ? Và những người là nạn nhân như tôi phải đi đòi giống như thời cách đây 100 năm trước ?".
Trong khi đó cũng có không ít người dân Việt Nam như Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh cho rằng họ trông đợi chính Nhà nước Việt Nam hãy nhanh chóng thực hiện yêu cầu của nhân dân là thay đổi thể chế thì mới có thể mang lại đời sống tốt hơn và dân chủ, công bằng, văn minh hơn cho dân chúng. Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nói :
"Điều rất dễ hiểu mà ai cũng có thể thấy đó là phải thay đổi các thể chế chính trị. Thay đổi này không phải theo cách mà nhiều người nghĩ là phải lật đổ Cộng sản…mà vấn đề là phải thay đổi tư duy, cách nghĩ của một thể chế dựa trên học thuyết rất lỗi thời, đã bị vứt đi. Chính học thuyết Karl Marx-Lenin làm cho cả một hệ thống thành một hệ thống độc tài và đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước. Những điều đó trở thành phản khoa học. Nó giống như đội bóng đá của Việt Nam thôi. Trước đây trầy trật bao nhiêu năm tỏng vũng bùn mà khi thay huấn luyện viên và cầu thủ thì đội bóng trở nên rất mạnh mẽ và đạt được những thành tích nhất định của nó".
Để kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này, chúng tôi đề cập đến trường hợp của nhà hoạt động dân chủ, Blogger Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn sách "Chính trị Bình dân". Cô Phạm Đoan Trang xuất bản quyền sách "Chính trị Bình dân" hồi năm 2017 với chủ đích giúp cho giới trẻ Việt Nam có thêm kiến thức về các quyền căn bản thông thường của họ, để mạnh dạn lên tiếng đóng góp cho xã hội được thay đổi vì tương lai tốt đẹp hơn. Thế nhưng, Blogger Phạm Đoan Trang bị sách nhiễu, bị câu lưu, bị thẩm vấn nhiều lần liên quan cuốn sách "Chính trị Bình dân" và kể từ khi quyển sách ra đời đến nay, cô phải luôn ẩn náu vì sự an toàn của mình khi luôn bị công an theo dõi.
Blogger Phạm Đoan Trang được Tổ chức Nhân quyền People In Need trao giải thưởng nhân quyền Homo Homini năm 2017 và cô đã chia sẻ với RFA rằng cô rất cảm ơn về giải thưởng này và càng biết ơn hơn nữa nếu People In Need cũng như các tổ chức nhân quyền có thể giúp lên tiếng về tình trạng thiếu dân chủ tại Việt Nam, vì trong khi nhiều nước trên thế giới đang ra sức vận động cho quyền của động vật mà người dân Việt Nam vẫn cứ phải loay hoay với dân quyền và nhân quyền của họ.