Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức Tọa đàm khoa học, với chủ đề 100 năm bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" (1019-2019).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại văn phòng chính phủ ở Hà Nội hôm 9/11/2018 - Hình minh hoạ (AFP)
Tại cuộc làm việc ở Hải Phòng hôm 19 tháng 6, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng kêu gọi ba địa phương Hải Phòng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh "đồng cam cộng khổ’ cùng chính phủ trả nợ công".
Theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trước hết cần hiểu nợ công là tổng số tiền chính phủ vay mượn các quốc gia hay các định chế tài chính bên ngoài để mở mang phát triển đất nước. Chính phủ là đại diện của dân, vì thế toàn dân sẽ phải gánh trả bằng cách này cách khác.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì khi vay nhà nước không hỏi dân mà giờ lại kêu gọi dân cùng gánh nợ thì sẽ có nhiều người thắc mắc.
Nợ công Việt Nam năm 2019. RFA
Còn theo chuyên gia kinh tế tài chính trong nước, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu :
Khó có chính phủ nào trong một quốc gia đang phát triển mà không đi vay nợ. Vay nợ là vì thu nhập của chính phủ không đủ để bù đắp những chi phí thường xuyên và chi phí đầu tư vào những công trình những dự án lớn.
Việt Nam cũng vậy, trong 20 năm vừa qua Việt Nam phát triển rất mạnh, GDP bình quân từ 6 đến 7%. Với một quốc gia đang phát triển như thế, phải đầu tư rất nhiều làm chi phí tăng cao thì không thể nào dùng nguồn thu từ thuế để chi mà phải đi vay trước rồi trả nợ sau.
Theo báo cáo Chính Phủ trình Quốc hội tháng trước, tính đến hết ngày 31 tháng Mười Hai 2018 thì nợ công Việt Nam là 58,4% tổng sản phẩm quốc nội GDP, được coi là mức thấp nhất tính từ 2015 đến giờ.
Vẫn theo báo cáo này, các số liệu về nợ đều nằm trong giới hạn được Quốc hội quyết và còn thấp hơn so với dự kiến mà Bộ Tài Chính đưa ra hồi cuối 2018. Cụ thể hơn, mức nợ công được đề ra là 61,4% GDP và nợ chính phủ là 52,1%.
Tưởng cũng nên nhắc số liệu thống kê năm 2015 và 2017 về mức nợ công nhà nước Việt Nam là 61,3% GDP, so với mức 63,7% GDP năm 2016. Chỉ riêng 2018 là dưới 60%.
Phó giáo sư tiến sĩ, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, cho rằng nợ công giảm thấp so với nhiều năm trước đây là do cách tính thôi chứ bản chất không thay đổi, nghĩa là vẫn tương đối cao. Về cách tính mới mà chính phủ áp dụng cho 2018, chuyên gia Ngô Trí Long nói :
Chuyển phần để trả nợ loại ra ngoài thì đương nhiên nợ công thấp. Nếu tính theo phương pháp cũ thì vẫn vậy, không có gì thay đổ hết về mặt kỹ thuật. Tất nhiên giữ được mức độ không tăng thì cũng quí rồi nhưng với cách tính mới thì sẽ phản ảnh coi như nợ công giảm nhưng bản chất tính theo công thức cũ thì không có gì thay đổi.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV ở Hà Nội tháng trước, báo cáo của Bộ Tài Chính về tình hình nợ công trước Quốc hội cũng cho thấy bình quân mỗi đầu người Việt Nam đang gánh hơn 32 triệu Đồng nợ công trong năm 2018..
Con số hơn 32 cho đến 34 triệu Đồng nợ công mỗi một người phải gánh là nhiều đối với cá nhân nhưng không nhiều đối với quốc gia, là nhận định của chuyên gia ngân hàng và tài chính Nguyễn Trí Hiếu.
Hiện GDP bình quân đầu người của Việt Nam đâu đó 2.584 đô la, vào khoảng độ 59 triệu đồng/người/năm. Với cho là 33, 34 triệu thì mỗi người dân phải gánh một gánh nợ đâu đó một năm rưỡi trời trên thu nhập của họ. Đây là một gánh nặng rất lớn vì thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam thấp thành 34 triệu đó là mức cao.
Phải chăng đó là lý do khiến thủ tướng chính phủ phải kêu gọi "đồng cam cộng khổ trả nợ công", nhưng hình thức đồng cam cộng khổ đó như thế nào ? Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trả lời :
Có thể là phải đóng thuế thêm, giảm chi tiêu, chia sẻ với chính phủ trong tất cả những chi phí, những đầu tư. Tuy nhiên những từ đồng cam chịu khổ ở đây nó mang tính cách biểu tượng, tức là kêu gọi người dân thông cảm cho cái gánh nợ công của quốc gia, thông cảm cho những chi phí cần thiết của quốc gia. Trong cái thông cảm đó người dân cũng có thể đóng góp thêm bằng cách đóng thuế thêm, tiết giảm chi tiêu cho chính phủ, chia sẻ chi phí về đầu tư với chính phủ.
Vấn đề là khi chính phủ đưa ra một chính sách để người dân cùng tham gia vào thì phải có bài toán cụ thể. Người dân cũng cần phải được biết rằng nếu đồng hành với chính phủ giải quyết nợ công thì thực tế phải đưa ra bài toán cụ thể và rõ ràng để mọi người biết.
Biểu đồ Nợ công Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020. RFA
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính Việt Nam, bổ túc ‘đồng cam, cộng khổ’ trả nợ công còn có nghĩa phải chịu thay đổi, chịu tái cấu trúc. Ngoài việc giảm thiểu những công trình đầu tư tốn kém, Việt Nam cũng nên giảm thiểu chi tiêu thường xuyên :
Cắt giảm chi tiêu thường xuyên là giảm thiểu sự cồng kềnh của bộ máy quản lý, giảm sao giảm thiểu độ ngũ cán bộ công chức không cần thiết đi. Giảm thiểu chi tiêu thường xuyên cũng là vấn đề kinh tế rất lớn mà ở đây người dân, cán bộ, công chức cũng phải đồng cam cộng khổ với chính phủ. Người dân phải có ý kiến cụ thể về những dịch vụ nào cần đơn giản đi, công chức cũng phải xác định là anh có thể nằm trong diện bị thải hồi nếu như anh không đáp ứng được yêu cầu quản lý của chính phủ. Đấy là đồng cam cộng khổ.
Còn thuế lại là một chuyện khác. Trong quan điểm một chuyên gia tài chính thì tôi muốn nói thực sự hệ thống thuế hiện nay đang có rất nhiều điều chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng như chưa phù hợp với sự hội nhập của Việt Nam, đặc biệt các cam kết Việt Nam đưa ra với các tổ chức quốc tế. Có nghĩa là làm thế nào để người đóng thuế chỉ đóng bằng hoặc ít hơn so với thời gian vừa qua. Như vậy không có nghĩ là phải đóng thuế nhiều hơn mà là thay chuyển thuế này sang thuế khác cho phù hợp.
Đối với phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long, điều đáng quan tâm là khả năng trả nợ công của Việt Nam hiện nay :
Khả năng trả nợ của Việt Nam đang rất nan giải mặc dù Nhà Nước ra rất nhiều luật như đầu tư công hay kéo lãi suất tiết kiệm, cuối cùng luật có đầy đủ nhưng không có khả năng thực thi. Cho nên nếu không chấn chỉnh lại thì quan điểm cá nhân của tôi tuy nợ công ở mức độ thấp nhưng khả năng trả nợ khó có mức độ hiệu quả.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đưa ra cái nhìn lạc quan hơn :
Nợ công nói chung là nợ nước ngoài, chiếm tỷ trọng gần một nửa. Trên thực tế Việt Nam vẫn đang trả nợ công đều đặn, vẫn đang nỗ lực trả đúng hạn. Chính phủ Việt Nam cũng có nghững biện pháp tái cơ cấu nợ rồi gia hạn nợ để tránh tình trạng khó trả. Nói chung thì Việt Nam trả nợ một cách sòng phẳng tại thời điểm này.
Trong báo cáo thẩm tra về việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán phân bổ ngân sách năm 2019 do Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách thực hiện, 34 triệu Đồng nợ công/ đầu người là tăng gần 3 triệu so với năm 2017. Đây là dựa theo tính toán qui mô kinh tế năm ngoái với khoảng 5,5 triệu tỷ Đồng và nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ Đồng.
Theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, khi đi vay nợ nước ngoài phải biết chắc sau này có tiền trả không. Nếu không khéo thì dân và con cháu sẽ phải chịu những ‘quả đấm thép công nợ’ chồng chất trên đầu.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 21/06/2019