Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/06/2019

Hồng Kông : bài học nào và tương lai nào cho Việt Nam

Nhiều tác giả

Câu chuyện Hồng Kông

Song Chi, RFA, 21/06/2019

Người Việt học được gì từ những cuộc biểu tình của người Hồng Kông ?

Những ngày vừa qua Hồng Kông đã trở thành mục tiêu chú ý của thế giới khi những cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tiếp đến đòi Đặc khu trưởng Carrie Lam-người được cho là thân Bắc Kinh và không do người dân Hồng Kông bầu, phải từ chức, đã diễn ra với quy mô chưa từng thấy, đỉnh điểm là hơn 2 triệu người xuống đường vào Chủ nhật 16/6/2019. Hơn 2 triệu người trên tổng dân số hơn 7 triệu, một con số quả là đáng nể !

hoc1

Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hôm 10/62018.

Nhưng chưa cần nói đến số lượng người tham gia, hay tinh thần, ý thức đấu tranh của người Hồng Kông, mối quan tâm của các nước láng giềng và thế giới hướng về Hồng Kông có lẽ xuất phát từ những lý do sau đây : Từ mối quan tâm lo ngại chung : sự lớn mạnh đầy đe dọa từ Trung Quốc. Vị thế giữa hai bên : sự nhỏ bé của Hồng Kông so với Trung Hoa đại lục chẳng khác nào David chống lại người khổng lồ Goliath. Cuộc đấu tranh của dân Hồng Kông là cuộc đấu tranh đòi những quyền hạn cơ bản nhất : quyền của cá nhân không bị đàn áp hoặc dẫn độ đến một chế độ độc tài, quyền tự do biểu tình, được hưởng quyền tự do thông tin…

Và tất nhiên đông đảo người Việt trong và ngoài nước cũng hướng về Hồng Kông. Cùng một "kẻ thù chung" là chế độ độc tài, hung hăng, bành trướng Trung Quốc, dễ hiểu tại sao nhiều người Việt ủng hộ người Hồng Kông đấu tranh. Thật ra từ 5 năm trước, Hồng Kông đã trở thành sự ngưỡng mộ, niềm cảm hứng cho nhiều người Việt khi phong trào Dù vàng do sinh viên, giới trẻ Hồng Kông tổ chức nổ ra trên hòn đảo này và đã chứng tỏ tinh thần kỷ luật, ý thức công dân, tinh thần đoàn kết cũng như phương pháp tổ chức rất tốt của giới trẻ Hồng Kông. Phong trào Dù vàng cuối cùng đã thất bại nhưng những dấu ấn đó vẫn còn lại trong tâm trí nhiều người Việt.

Đã có rất nhiều bài viết của các nhà báo, blogger Việt về những cuộc biểu tình ở Hồng Kông trong những ngày này. Rồi từ sự ngưỡng mộ người Hồng Kông nhìn lại Việt Nam, nhìn lại tinh thần, phong trào đấu tranh ở Việt Nam. Nhưng thực ra chẳng nên so sánh làm gì, khi giữa Hồng Kông và Việt Nam dẫu cùng một mối lo chung là Trung Quốc nhưng lại rất khác nhau. Từ môi trường xã hội, hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp, cách hành xử của cảnh sát/công an, của chính quyền/nhà cầm quyền cho tới hệ thống giáo dục, dân trí, sự trưởng thành về ý thức công dân của người dân.

Hồng Kông dù sao cũng đã có cả trăm năm sống trong một xã hội văn minh, tự do, dân chủ, tôn trọng luật pháp, một nền giáo dục tử tế. Sau hơn 20 năm kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, nền tự do, dân chủ ấy bị thắt chặt lại, nhưng Hồng Kông vẫn còn là Hồng Kông cho tới năm 2047. Còn Việt Nam thì đã trải qua hơn bảy thập niên ở miền Bắc, hơn bốn thập niên trên toàn quốc, phải sống trong một chế độ độc tài toàn trị, mông muội và sắt máu, một nền giáo dục lạc hậu, ngu dân đã tước đoạt đi của con người quyền được tự do suy nghĩ, quyền phản biện cũng như ý thức về quyền công dân, quyền làm người.

Tuổi trẻ Việt Nam đúng là kém so với tuổi trẻ Hồng Kông. Nhưng phụ huynh Việt Nam cũng kém hơn phụ huynh, người lớn Hồng Kông nhiều. Ở Việt Nam, nếu con cái mà đi biểu tình hoặc lên tiếng về chuyện chính trị thỉ bố mẹ sẽ phán ngay : lo học hành đi, chuyện chính trị đã có đảng, nhà nước lo, muốn vào tù hay sao v.v… Cha mẹ ngăn cản. Nhà trường thì theo lệnh của chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp trừng phạt sinh viên nếu đi biểu tình hoặc sử dụng facebook để "nói xấu nhà nước" v.v…

Người Việt đã quen có thái độ né tránh đối với những vấn đề chính trị xã hội và chỉ biết lo cho bản thân mình như thế một thời gian dài, cho dù bây giờ đa số có chán ghét thực trạng chính trị xã hội ở Việt Nam thì con số người dám lên tiếng suốt những năm qua vẫn rất ít, so với 95-96 triệu người.

Khi giới trẻ Hồng Kông lên tiếng và xuống đường, phụ huynh cho tới trí thức, doanh nhân cùng đồng lòng sát cánh vì một mục đích chung. Còn ở Việt Nam, những người lên tiếng luôn luôn cảm thấy cô đơn giữa đám đông thờ ơ chung quanh.

Công an, nhà cầm quyền Việt Nam thì tồi tệ hơn cảnh sát, chính quyền Hồng Kông gấp nhiều lần. Thử so sánh dân Hồng Kông, Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam, sẽ thấy vì sao ở Hồng Kông có thể có đến gần một phần ba dân số xuống đường, ở Việt Nam cao nhất là 10, 000 trên tổng số 95-96 triệu, còn ở Bắc Hàn thì không hề có biểu tình !

Nhà cầm quyền Việt Nam không chỉ ác với dân mà còn đi đầu trong sự hèn hạ đối với Trung Quốc, nên bất cứ một sự phản kháng nào đối với Bắc Kinh còn bị đàn áp mạnh hơn cả đối với chính nhà cầm quyền Việt Nam. Những cuộc biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc của giới trẻ, sinh viên, trí thức Việt Nam từ năm 2008 tới nay là những ví dụ. Đôi khi chúng ta cũng có những cuộc biểu tình bộc phát lên đến 10 000 người hoặc hơn, như cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra vào ngày 10/06/2018 từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An cho tới Sài Gòn, Bình Dương… với tinh thần khi thế mạnh mẽ, những tiếng hô "Đả đảo bọn bán nước", "Đả đảo bọn Việt gian"…khiến nhà cầm quyền nhột nhạt. Nhưng rồi tất cả cũng lại chìm xuống.

Thực tế đã cho thấy, lên tiếng, xuống đường phản đối chính sách này, dự luật kia ở Việt Nam hậu quả sẽ kinh khủng, nặng nề hơn cho người đấu tranh gấp ngàn lần. Chúng ta đã thấy tất cả những ai dám lên tiếng ở Việt Nam phải trả giá ra sao, nhẹ nhất thì mất việc, gia đình ly tán, phải bỏ nước ra đi, nặng hơn nữa là 5, 10, 12, 16, 20 năm tù trong một điều kiện hết sức hà khắc, và còn bị đày đọa về thể xác, khủng bố về tinh thần trong tù. Càng ngày chế độ độc tài do đảng cộng sản nắm quyền ở Việt Nam càng trở nên tàn bạo đối với mọi biểu hiện đối kháng dù nhỏ nhất ở người dân, điều đó xuất phát từ mặc cảm về tính không chính danh, sự bất lực không thể làm cho đất nước khá hơn, người dân được sống nhẹ nhàng hơn và nỗi khiếp sợ bị lật đổ của nhà cầm quyền.

Chính vì vậy, chúng ta nhìn sang Hồng Kông, ngưỡng mộ Hồng Kông nhưng chẳng cần phải trách móc, thở than cho Việt Nam, thay vào đó hãy quan sát, học hỏi từ người Hồng Kông.

Biết nhìn ra những điểm yếu của mình từ "hành trang" đấu tranh là kết quả của cả môi trường xã hội, môi trường chính trị, hoàn cảnh chính trị, nền giáo dục… cho tới tính cách của dân tộc. Không vì ngưỡng mộ Joshua Wong (thậm chí có những bài viết cho rằng Joshua Wong là người có nửa dòng máu Việt hoặc thậm chí là người gốc Việt với cha mẹ là những thuyền nhân chạy sang Hồng Kông năm 1975, không biết nguồn tin từ đâu ra) mà miệt thị người Việt khi đấu tranh ở Việt Nam khó khăn và cô đơn hơn rất nhiều.

Học ở họ tinh thần tự lực, tự mình vươn lên. Giới trẻ Hồng Kông và người Hồng Kông hiểu trách nhiệm của họ. Họ không không trông chờ vào ai, vào bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, không như nhiều người Việt chúng ta hết trông chờ vào Tổng thống Mỹ, vào sự sụp đổ của Trung Quốc kéo theo sự sụp đổ của Việt Cộng, lại hy vọng vào sự tự chuyển đổi của nhà cầm quyền.

Người viết rất ấn tượng với câu nói của Joshua Wong, một trong những lãnh tụ phong trào Dù vàng "Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi".

Học ở họ cách tổ chức, không cần có những hội, nhóm, đảng phái đứng ra tổ chức mà sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội để kêu gọi biểu tình, tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật, kỷ cương, sự kiềm chế, xử sự văn minh của họ ngay cả khi đang biểu tình.

Biểu tình ở Hồng Kông bước đầu đã thành công. Chính phủ Hồng Kông chính thức ngừng luật dẫn độ. Nhưng cho đến hôm nay, ngày 21/6 người Hồng Kông vẫn tiếp tục biểu tình sau khi chính quyền của bà Carrie Lam lờ đi hạn chót phải đáp ứng yêu cầu xóa bỏ dự luật của người biểu tình. Không còn tin vào chính quyền, không tin vào Bắc Kinh, những người biểu tình muốn dự luật bị hủy bỏ hoàn toàn chứ không phải chỉ tạm lùi rồi lại thực hiện một lúc nào đó.

Tạm thời chính quyền Hồng Kông và ngay cả nhà cầm quyền Trung Quốc đều không dám làm căng trước con mắt của hàng tỷ người trên thế giới hướng về Hồng Kông. Nhưng điều mà người Hồng Kông nói riêng và thế giới đều lo ngại là tương lai của Hồng Kông rồi sẽ ra sao, vào năm 2047, nếu lúc đó chế độ độc tài ở Trung Quốc vẫn tồn tại ?

Cuộc đấu tranh chống lại "kẻ khổng lồ" xấu xí 

Những cuộc biểu tình của Hồng Kông một lần nữa cho thế giới thấy người Hồng Kông không hề ưa thích chế độ độc tài ở Trung Hoa đại lục, không hề muốn được sáp nhập với "mẫu quốc". Người Đài Loan cũng thế.

Tin từ đài RFA, trong ngày 16/6, gần 10 ngàn người bao gồm người dân Đài Loan, sinh viên Hồng Kông đã tụ họp gần Viện lập pháp thành phố Đài Bắc phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông.

Dân Hồng Kông, dân Đài Loan đều là người Hoa mà còn không chịu nổi mô hình thể chế chính trị của Trung Quốc !

Trong khi đó, báo chí chính thống của Trung Quốc hoặc hoàn toàn lờ đi cuộc biểu tình có lúc lên đến khoảng 2 triệu người này, hoặc đưa ra những câu chuyện khác. Báo TQ nói nhiều bậc phụ huynh Hồng Kông biểu tình để 'chống Mỹ' ("Hongkong parents march against US meddling", Chinadaily.com.cn)

Nhật báo Trung Quốc bằng tiếng Anh, China Daily, có số lượng phát hành ở nước ngoài khoảng 600.000 bản, đã chọn tập trung vào một cuộc phản kháng khác trong một câu chuyện ngày 17 tháng 6. Bài báo nói rằng khoảng 100 người biểu tình từ các nhóm địa phương ở Hồng Kông biểu tình bên ngoài Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Ma Cao vào sáng ngày 16 tháng 6 năm 2019 chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề của Đặc khu hành chính Hồng Kông…Và rằng "Phụ huynh ở Đặc khu hành chính Hồng Kông đã xuống đường vào Chủ nhật để kêu gọi các chính trị gia Hoa Kỳ không can thiệp vào các sửa đổi dẫn độ của SAR và các vấn đề nội bộ của nó".

Đến thời Tập Cận Bình, có lẽ sự phát triển về kinh tế, sức mạnh của đồng tiền cùng vị thế của một cường quốc mới nổi đã khiến Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc nói chung quên đi phương châm, chính sách ngoại giao khiêm tốn, giấu mình đã áp dụng bao nhiêu năm qua từ thời Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc dưới thời Tập tỏ rõ thái độ hung hăng, bành trướng, bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực cũng như không hề che dấu ý đồ muốn vươn lên qua mặt Mỹ lãnh đạo thế giới.

Nhưng họ Tập đã quá chủ quan mà quên đi hai điểm yếu chết người của Trung Quốc do hậu quả từ chính mô hình thể chế chính trị của quốc gia này : Trung Quốc không có được "sức mạnh mềm" (soft power) tạo nên nhờ vào uy tín ngoại giao, những giá trị, chuẩn mực về tự do, dân chủ, nhân quyền, hệ thống pháp luật, đạo đức xã hội, Trung Quốc cũng không có được những quan hệ đồng minh, bạn bè đáng tin cậy trên thế giới. Uy tín như thế nào mà ngay cả người Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan cũng không muốn "sống chung" với Trung Hoa đại lục, đi theo mô hình của Trung Quốc ? Cho tới bây giờ nước nào thực sự là đồng minh, bạn bè của Bắc Kinh hay chỉ là những quan hệ làm ăn kinh tế thương mại, hoặc dựa vào nhau vì một mục đích chính trị trong một giai đoạn nào đó ?

Cũng trong những ngày vừa qua, hình ảnh Trung Quốc càng thêm xấu xí vì chuyện tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hôm 9/6 rồi bỏ đi, bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines, những người này sau đó được tàu cá Việt Nam cứu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc.

Nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila (Philippines) lại có những phát biểu đi ngược lại với câu chuyện trên. Họ xác nhận vụ việc tàu Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhưng bào chữa về chuyện không cứu người, cho rằng tàu Trung Quốc muốn cứu nhưng đành phải đứng nhìn, do sợ "7-8 tàu khác của Philippines bao vây". Phía Trung Quốc còn nói tàu đã cứu 22 ngư dân nêu trên là tàu Philippines chứ không phải tàu Việt Nam. Phát biểu về vấn đề này, ông Zata tái khẳng định chính tàu cá Việt Nam đã cứu ngư dân Philippines.

"Trong phát ngôn cứng rắn ngày 15/6, ông Carpio (Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines) nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cần đứng lên chống lại thói hành xử của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.

"Người Philippines cần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng bất cứ vụ tấn công ‘vùng xám’ mới nào đối với các tàu Philippines sẽ đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc" - tờ Inquirer dẫn lời ông Carpio. ("Thẩm phán Philippines : Nếu tàu cá Trung Quốc tấn công nữa nên cắt đứt quan hệ ngoại giao", báo Tuổi Trẻ)

Đây là những hành động mà Trung Quốc liên tục làm trong những năm qua với ngư dân Việt Nam, từ việc tấn công, đâm chìm tàu cá, cướp sạch ngư cụ, đánh đập ngư dân, bắt cóc đòi tiền chuộc… nhưng nhà cầm quyền Việt Nam quá hèn hạ để phản ứng mạnh.

Những lời bào chữa ngụy biện, dối trá của phía Trung Quốc hay những bài báo đưa ra một câu chuyện khác hẳn về những cuộc biểu tình ở Hồng Kông phần nào cho thế giới thấy bộ mặt thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Phía sau "thành tích" tăng trưởng về kinh tế, quốc phòng, phía sau sự thay đổi của những thành phố, đô thị và sự giàu lên thấy rõ của một tầng lớp người dân Trung Hoa là những góc khuất về sự tàn bạo của Bắc Kinh. Trung Quốc từ lâu đã "nổi tiếng" bởi những "thành tích" chà đạp nhân quyền, những chính sách khắc nghiệt với các dân tộc Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương…

Đài BBC có đưa tin và video phóng sự về một trại 'cải tạo tư tưởng' của Trung Quốc ở Tân Cương. ("Tìm kiếm sự thật trong các trại 'cải tạo' người Duy Ngô Nhĩ"). Chúng ta có thể thấy sự thật, dù được che giấu kỹ, phía sau bề mặt của những trại "cải tạo tư tưởng" này. Những người bị giữ ở đây là người Hồi giáo ở Tân Cương và những nhóm thiểu số khác, họ không phải là tội phạm, nhà cầm quyền nói rằng họ nhìn thấy ở những người này khả năng có thể trở thành "tội phạm", tạo phản, nên ngăn chặn trước, còn bản thân người đó thì nói rằng mình có tư tưởng cực đoan nên tự nguyện đến trại để cải tạo tư tưởng. Các nhân viên chính phủ theo dõi sát sao mọi cuộc phỏng vấn. Phóng viên chỉ được đưa đi những nơi nào được phép. Có nhân chứng nói rằng đã bị đưa vào trại, bị tra tấn, đối xử tồi tệ chỉ vì sử dụng Whatsapp.

Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng bị lên án về những vụ cấy ghép nội tạng từ tù nhân, đặc biệt là từ những người theo Pháp Luân Công từ khoảng hai chục năm nay.

"Mới đây, một tòa án độc lập ở London đã kết luận rằng việc giết hại những người bị giam giữ ở Trung Quốc để cấy ghép nội tạng vẫn đang tiếp diễn, và nạn nhân bao gồm những tù nhân của phong trào Pháp Luân Công. Toà án Trung Quốc, do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tịch, một công tố viên tại tòa án hình sự quốc tế cho Nam Tư cũ, nói trong một quyết định nhất trí vào cuối phiên điều trần, "chắc chắn rằng Pháp Luân Công là một nguồn - có lẽ là nguồn chính - của các cơ quan để thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

...Tòa án đã lấy bằng chứng từ các chuyên gia y tế, điều tra viên nhân quyền và những người khác.

...Có tới 90.000 ca phẫu thuật cấy ghép mỗi năm đang được thực hiện tại Trung Quốc, tòa án ước tính, một con số cao hơn nhiều so với các nguồn tin chính thức của chính phủ.

("China is harvesting organs from detainees, tribunal concludes") Hàng loạt tờ báo lớn trên thế giới như The Guardian, NBC News, Independent… hôm 17/6 đã đưa tin này.

Đã có những lời kêu gọi quốc hội Anh cấm bệnh nhân đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép. Hơn 40 thành viên quốc hội từ tất cả các đảng đã ủng hộ. Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan đã thi hành các hạn chế đó. Ở Na Uy cũng vậy.

Bắc Kinh đang nuôi mộng trở thành lãnh đạo thế giới nhưng với một hệ thống chính trị độc tài sắt máu như vậy, làm sao họ có thể thuyết phục ngay chính người Hồng Kông, người Đài Loan và các nước láng giềng theo họ, chứ đừng nói tới thế giới ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 21/06/2019 (songchi's blog)

*******************

Hồng Kông, cuộc tranh đấu cho tương lai

Đinh Yên Thảo, BBC, 21/06/2019

Có lẽ Hồng Kông là một quốc gia gắn bó và ảnh hưởng nhiều với người dân Việt Nam về nhiều mặt, trong đó phải kể đến văn hóa, xã hội. Từ trước năm 75, tất nhiên còn nhiều điều khác hơn để nhắc đến, nhưng với giới trẻ miền Nam Việt Nam thì khi nhắc đến Hồng Kông, người ta khó lòng quên được Kim Dung cùng các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của ông hay các bộ phim võ thuật Hồng Kông với những minh tinh nổi tiếng như Lý Tiểu Long, Trần Tinh, Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ... mà nhiều người đã từng say mê một thời. Sau 75, những năm thập niên 80 khi phim bộ Hồng Kông trở thành một hiện tượng tại Châu Á thì hệ thống an ninh dày đặc của công an Việt Nam cũng không ngăn được người dân thuê mướn chui, chuyền tay lén lút xem những bộ phim Hồng Kông hấp dẫn, cuốn hút cho đến khi chúng được chính thức cho phép công chiếu rộng rãi về sau. Từ trong nước ra đến hải ngoại, phim bộ Hồng Kông đã lấy đi bao nhiêu giấc ngủ cùng nước mắt của nhiều người khi thức sáng đêm xem các bộ phim tình cảm xã hội hay xã hội đen của Hồng Kông. Giới trẻ rành và hâm mộ Lưu Đức Hòa, Trương Mạn Ngọc hơn cả những lãnh tụ cách mạng luôn được nhà cầm quyền tô vẽ và ra sức tuyên truyền.

hoc2

Người biểu tình Hồng Kông ngoài Trụ sở Cảnh sát ngày 21/6/2019 - AFP

Hương Cảng, tên gọi của Hồng Kông được đặt tên với ý nghĩa là một "cảng thơm hương" bởi tương truyền nó từng là bến cảng vận chuyển những mộc dược, thảo hương của thế giới. Là một thương cảng và quân cảng có vị trí chiến lược, Hồng Kông được phương Tây chú ý khi sang giao thương với đại lục từ vài thế kỷ trước. Về mặt địa lý, Hồng Kông là một đảo duyên hải vùng Đông Nam của Trung Hoa Lục Địa, từ Hải Phòng đến Hồng Kông chỉ hơn 600 hải lý nên Hồng Kông cũng từng là một điểm đến của làn sóng thuyền nhân Việt Nam từ những năm cuối thập niên 70, trong đó có không ít thuyền nhân miền Bắc đã tìm đường vượt thoát chế độ để đến với Hồng Kông. Với diện tích chỉ hơn một ngàn cây số vuông và khoảng hơn bảy triệu dân , Hồng Kông có thể xem như tương đương với Sài Gòn về diện tích và dân số, hay chính xác hơn là rộng hơn khoảng phần tư và ít dân hơn cả Sài Gòn hiện nay nhưng lại là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu tại Châu Á và thế giới, cũng như là một quốc gia phát triển cao, thuộc hàng giàu có của thế giới khi GDP bình quân đầu người cao hơn cả Hoa Kỳ, theo số liệu từ World Bank và IMF.

Để hiểu lý do tại sao Hồng Kông từng là nhượng địa của Anh rồi được trao trả lại Trung Quốc năm 1997, để rồi cùng với Macau đã trở thành một đặc khu hành chính (SAR - Special Administrative Region) của Trung Quốc, có lẽ cần nhắc lại đôi điều lịch sử. Dù theo sau các quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong việc thám hiểm, tìm kiếm thuộc địa và giao thương, Anh nhanh chóng bắt kịp các nước này để trở thành một cường quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình khắp thế giới. Từ Châu Mỹ, Châu Phi sang đến Châu Á-Thái Bình Dương, rồi Úc Châu, Tân Tây Lan, nơi đâu cũng có thuộc địa và lãnh thổ của Anh. Giai đoạn cực thịnh kéo dài hàng thế kỷ từ đầu thế kỷ 19, Đế Chế Anh xem như kiểm soát khoảng một phần tư dân số và diện tích thế giới. Từ Ấn Độ, người Anh đến với Trung Hoa trong mục đích giao thương hơn là tìm kiếm thuộc địa vì xứ sở này quá rộng lớn. Trong khi hàng hóa từ Trung Hoa được bán sang Châu Âu như tơ lụa, trà, gốm sứ... khá nhiều thì ngược lại hàng hóa của Anh và Châu Âu bán lại cho vùng đất này không bao nhiêu, nên các hãng Anh tại Ấn Độ đã tuồn bán nha phiến sang Trung Hoa để bù đắp và đó là một nguồn lợi lớn lao. Triều đình Mãn Thanh từng nghiêm cấm và tịch thu nha phiến lậu trong nhiều năm cho đến khi một số lượng nha phiến khá lớn của Anh bị tịch thu, cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ nhất đã xảy ra vào năm 1839. Đông quân nhưng vũ khí thô sơ, triều đình nhà Thanh nhanh chóng thất trận và đầu hàng, buộc phải ký Thỏa Ước Nam Kinh vào năm 1942, nhường lại Hồng Kông cho Anh và để cho phương Tây tràn vào lục địa. Những bất đồng và tranh chấp giữa hai nước lại tiếp tục gia tăng nên đến năm 1856, Chiến Tranh Nha Phiến lần hai lại diễn ra giữa liên quân Anh-Pháp với sự kết quả đương nhiên là nhà Thanh lại thất trận, nhường thêm bán đảo Cửu Long (Kowloon) phía Bắc Hồng Kông, hợp pháp hóa việc giao thương nha phiến và cho phép tự do tôn giáo qua Thỏa Ước Bắc Kinh năm 1860.

Đến cuối thế kỷ 19, từ sự suy yếu và thất bại của nhà Thanh sau cuộc chiến Thanh-Nhật trong việc tranh giành ảnh hưởng với Triều Tiên, Nga cùng các nước phương Tây một lần nữa chiếm đất Trung Hoa qua các điều ước mang danh nghĩa thuê nhượng. Năm 1898, theo sau các khế ước thuê đất của Nga và Pháp, Anh đã mở rộng thêm Hồng Kông thành vùng Tân Giới (New Territories) để ký Thỏa Ước Bắc Kinh lần hai, buộc nhà Thanh cho thuê Hồng Kông miễn phí trong vòng 99 năm, thời hạn mà người Anh nghĩ rằng sẽ là vĩnh viễn và không bao giờ trao trả. Trong tay người Anh, Hồng Kông đã thật sự trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm thương mại và tài chính hùng mạnh nối liền giữa Đông-Tây, không chịu nhiều ảnh hưởng theo các biến động tại Châu Á và thế giới trong suốt thế kỷ 20.

Nhưng một thế kỷ trôi qua nhanh hơn người Anh của thế kỷ trước đã từng suy nghĩ, sau nhiều năm thương thuyết, đến năm 1984 chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Maragret Thatcher và Trung Quốc dưới quyền Tổng bí thư Hồ Diệu Bang đã đi đến thỏa thuận là Anh đồng ý giao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc khi hết thời hạn thuê mướn vì không muốn những biến động xảy ra với Hồng Kông. Cuộc bàn giao đã xảy ra vào giữa năm 1997, bất kể sự phản đối của người dân Hồng Kông cũng như làn sóng rời bỏ Hồng Kông sang Canada cùng nhiều quốc gia khác trước cuộc trao trả. Theo như thoả thuận này, Hồng Kông trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc theo chính sách một quốc gia, hai thể chế như hiện nay. Hồng Kông được toàn quyền tự trị như một quốc gia dân chủ có chủ quyền, có hệ thống kinh tế, hành chính, pháp luật tiếp tục như xưa nay, ngoại trừ vấn đề ngoại giao và quốc phòng trong vòng 50 năm, tức cho đến năm 2047. Đồng thời Hồng Kông có quyền đa đảng và người dân có quyền tự do ngôn luận như vốn dĩ. Nhưng điều này xem ra đang bị lung lay trong các năm qua, khi Trung Quốc đã không tuân thủ theo cam kết sẽ không can dự vào nền dân chủ và tự trị của Hồng Kông. Bởi Trung Quốc không phải là các quốc gia dân chủ Tây Phương.

Chỉ hơn bảy triệu dân nhưng các nguồn tin cho biết đã có đến hai triệu dân xuống đường phản đối dự luật dẫn độ của Trung Quốc và đòi giới chấp pháp thân Trung Quốc của Hồng Kông phải từ chức, quốc gia dân chủ lâu đời như Hồng Kông không thể dễ dàng khuất phục trước "mẫu quốc". Joshua Wong, tức chàng thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong 22 tuổi từng phát biểu đầy khẳng khái rằng, "Tôi hy vọng rằng, ngay cả khi tôi phải vào tù thì việc này cũng thôi thúc ngày càng nhiều người Hồng Kông dự phần quyền tự quyết cho tương lai của mình thay vì trông vào giới cầm quyền đã đang chi phối đến tương lai chúng ta". Xin gởi lời ủng hộ và lòng ngưỡng mộ đến cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông hiện nay.

Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas

Nguồn : RFA, 21/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)