Trong bài viết : "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" Ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng : "Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam là một lợi thế quan trọng để phát triển…". Điều minh định này không sai nhưng hoàn toàn không đúng hẳn bởi phía sau những gì mà ông Thưởng nhìn thấy qua lăng kính của Tuyên giáo chưa hẳn xã hội và chính trị Việt Nam ổn định hoàn toàn như ông Thưởng xác định.
Sự bất ổn chính trị vẫn có nguy cơ bùng phát khi những mầm mống chín muồi.
Nếu cho rằng chính trị Việt Nam ổn định người nghi ngờ có thể đặt câu hỏi ổn định trên cơ sở nào ? Không có dấu hiệu đảo chánh từ trong nội tại, không có dấu hiệu phản ứng của người dân, không có yêu sách của quần chúng có thể dẫn đến biểu tình bạo loạn đi đến lật đổ chính quyền, không có dấu hiệu sụp đổ kinh tế hay không có nguy cơ chiến tranh với lân bang có thể dẫn đến một sự bất ổn ngoài dự liệu ?
Những câu hỏi trên tuy có thể thấy là "chưa" nhưng không phải là hoàn toàn không thể xảy ra và vì vậy sự bất ổn chính trị vẫn có nguy cơ bùng phát khi những mầm mống chín muồi.
Trong thể chế cộng sản như Việt Nam hiện nay khó thể xảy ra đảo chánh nhưng một cuộc thanh trừng nội bộ vẫn có nguy cơ rất cao diễn ra giữa những thế lực khác nhau trong đảng. Người ta có thể thấy rõ trong những năm gần đây, khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch "đốt lò" nhằm chặt vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng, người từng khiến ông Trọng khóc tức tưởi vì bất lực không thể trừng phạt ông Dũng trong hội nghị 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội. Ông Nguyễn Tấn Dũng được đặt cho biệt danh là đồng chí X và từ đó đến nay người dân không ngớt chứng kiến hình ảnh chiếc lò của ông Trọng mang đi khắp nơi tìm và diệt tay chân ông Dũng một cách kiên trì. Kết quả tuy còn chưa ấn tượng lắm nhưng cũng đủ để phe cánh ông Dũng tìm đường phản công để tìm sự sống.
Vì vậy ông Trọng vẫn chưa ngủ ngon vì phe đồng chí X không phải dễ dàng đầu hàng chiếc lò thanh trừng của ông Trọng. Câu chuyện Nguyễn Thanh Hải, Tất Thành Cang tại Sài gòn vẫn được dân chúng râm ran truyền khẩu cho sự bất lực của ông Trọng trước chiếc vòi bạch tuột còn rất nguy hiểm của dồng chí X. Tranh dành quyền lực vẫn đang tiếp diễn tuy còn trong bóng tối nhưng sức nóng của nó không phải âm thầm nữa trong những ngày mùa hè sắp tới và vì vậy chưa chắc sự ổn định chính trị của Việt Nam còn kéo dài hết năm 2020.
Vế thứ hai là bất ổn có thể nảy sinh từ người dân vẫn tiềm ẩn nhưng không khó thấy. Nếu miền Bắc có Đồng Tâm, Dương Nội thì miền Trung có nguyên một dãy liên tỉnh nạn nhân của Formosa và miền Nam thì sức nóng của cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 chống dự luật Đặc khu vẫn còn âm ỉ. Mỗi nơi mỗi khác nhưng dân chúng chưa khi nào hoàn toàn yên ắng như nhà nước mong muốn, có chăng bởi họ giỏi che chắn trước dư luận thế giới nhưng tới một lúc nào đó khi sự chịu đựng không còn nữa thì cơn bão chống đối từ dân chúng sẽ bùng phát khắp nơi nếu chính sách của nhà nước vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Vế thứ ba thuộc chu kỳ kinh tế là một câu hỏi hóc búa cho chính trị Việt Nam.
Trong suốt gần 30 năm đổi mới Việt Nam tỏ ra thành công trong vấn đề xây dựng kinh tế một cách thần kỳ. Từ bao cấp xoay hẳn sang kinh tế thị trường đã khiến đất nước được thế giới đón chào, tham gia làm đối tác trên lĩnh vực kinh tế khiến thu nhập GDP tăng và đời sống người dân dễ chịu hơn thời kỳ bao cấp rất nhiều. Tuy nhiên những Tổng công ty nhà nước, những vụ bê bối bạc tỷ đô la, những món nợ công đụng trần đang chờ giải quyết những món nợ quốc tế tới ngày đáo hạn và cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung quốc ngày càng trở nên nguy hiểm cho Việt Nam hơn bởi những món nợ khó trả đối với Bắc Kinh trong các dự án từ trước tới nay…không dễ dàng cho con tàu kinh tế Việt Nam chút nào trong tương lai gần khi mọi sự đang đến chu kỳ đi xuống của nó. Khi nợ đáo hạn không thể trả, khi xuất khẩu bị tác động, khi tài nguyên cắp nón ra đi và nhất là ngày càng phát hiện ra hàng trăm công trình trọng điểm bị rút ruột hay thiếu vốn thì Việt Nam có còn ổn định nữa hay không ?
Vế thứ tư tuy ít nguy hiểm hơn nhưng hoàn toàn không phải không thể xảy ra nếu một cuộc chiến xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm về người bạn "vàng" này nhất là sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Có kinh nghiệm chiến đấu lẫn kinh nghiệm bị Trung Quốc dắt mũi đã khiến Việt Nam vừa sợ vừa giận. Tư duy giữ đảng tuy quá mạnh nhưng với tình hình hiện nay khi Mỹ dứt áo trở mặt với Bắc Kinh Việt Nam vừa mừng vừa lo cho một giải pháp an toàn trước mắt làm sao để tránh đối mặt với Trung Quốc nhằm giữ đảng nhưng cũng không thể lơ là với Mỹ khi siêu cường này cần một thái độ dứt khoát tại Biển Đông nhằm thắt chặt chiến lược phong tỏa sức mạnh hải quân của Bắc Kinh trong đó Hà Nội giữ một tư thế quan trọng trong địa chính trị của khu vực.
Tới lúc đó hẳn nói Việt Nam có ổn định chính trị hay không.
Mong muốn ổn định để phát triển là một mong muốn chính đáng nhưng sự ổn định có được do sức mạnh đàn áp người dân, hoạch định kinh tế theo tầm nhìn ngắn hạn, đi giây trong đối sách ngoại giao hay che dấu đấu đá nội bộ không phải là một nền chính trị ổn định bền vững.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 21/06/2019 (canhco's blog)