Hứa hẹn ‘cuối tháng Sáu sẽ có kết luận thanh tra Thủ Thiêm’ của Phan Nguyễn Như Khuê - quan chức mới được đảng cho thăng chức từ vị trí Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh lên ghế Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - rốt cuộc đã đúng, sau ít nhất 3 lần giới quan chức hứa cuội và ma mị người dân khiếu tố về việc sẽ ban hành kết luận thanh tra Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm bức xúc khi trao đổi với các Đại biểu Quốc Hội ngày 9/5/2018
Mới chỉ được một nửa !
Nhưng về thực chất, hứa hẹn trên mới chỉ đúng một nửa. Một lần nữa trong quá nhiều lần, người dân lại chìm nghỉm vào tâm thế ‘trong một đất nước mà cái gì cũng tăng khủng khiếp, may quá vẫn còn một thứ giảm thê thảm : lòng tin !’.
Bởi bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ chỉ quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước…, mà không nói gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ.
Đặc biệt trong Kết luận thanh tra trên không nói gì về 115 người dân đang khiếu kiện ở Hà Nội nằm ở 5 khu phố ở 3 phường ngoài ranh theo Quyết định 367. Kết luận này cũng không trả lời được những câu hỏi như "Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh ?", "160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào ?", "Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào ?"…
Làm cho có !
‘Vụ án’ Thủ Thiêm đã kéo dài suốt hai chục năm trời, nhiều đoàn dân oan rồng rắn kéo ra Hà Nội khiếu nại tố cáo, nhưng đỉnh điểm là cơ chế cưỡng bức giải tỏa phi nhân tính của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của nhiều người dân. Không ít người dân đã tự treo cổ vì vì phẫn uất tột cùng, quá quẫn bách và không lối thoát.
Nhưng cho tới trước năm 2018, hầu hết những cuộc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan công quyền tại Thủ Thiêm đều quá chiếu lệ và đậm mùi chung chi.
Một trong những cuộc thanh tra đầy mùi như thế được đầu đàn bởi Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh vào năm 2015 - một cuộc thanh tra mà cho tới nay vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này. Nhưng đến giờ, quan chức này đã chính thức ‘hạ cánh an toàn’.
Chỉ đến năm 2018, vụ Thủ Thiêm ‘bỗng dưng’ được báo chí và đảng quan tâm, với nguồn cơn hoặc do chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng, hoặc do động cơ thanh toán đất vàng Thủ Thiêm của nhóm nhóm cá mập mới đối với nhóm cá mập cũ, hoặc bởi cả hai nguyên do này.
Nhưng với cơ quan Thanh tra chính phủ, tất cả cũng chỉ dừng tại hình thức kết luận kiểm tra, chứ không phải kết luận thanh tra, vào tháng 9 năm 2018. Điểm nổi bật nhất của bản kết luận kiểm tra này là sự chung chung và mơ hồ về tất cả mọi thứ - hành vi vi phạm, trách nhiệm quan chức và hậu quả dân phải lãnh.
Thực tế đã minh chứng rằng bản kết luận kiểm tra trên chỉ được làm cho có và rất tương ứng với diễn tiến sau đó : từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 4 năm 2019 vẫn không có bất kỳ động tác đủ thành tâm và có tính thực chất nào từ phía các cơ quan ‘có trách nhiệm’ để khiến người dân Thủ Thiêm đủ tin về một chính quyền không đến nỗi quá vô trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Sao không chịu phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha Thủ Thiêm ?
Không thể chịu đựng hơn được nữa, hàng trăm người dân Thủ Thiêm lại tiếp tục ra Hà Nội và tới các cơ quan Trung ương liên tục trong nhiều ngày để phản ánh việc này, yêu cầu Chính phủ cần thanh tra toàn diện khu đô thị và đưa ra kết luận cuối cùng, xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho người dân…
Sau cuộc đấu tranh gian khổ của hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm và giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, được hỗ trợ rất lớn bởi mạng xã hội, rốt cuộc vào tháng 4 năm 2019 Thủ tướng Phúc đã không còn có thể câu giờ vụ người dân khiếu kiện 4,3 ha đất của dân nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cưỡng chế giải tỏa.
Trong một động thái cập rập để một lần nữa trấn an phản ứng của dân oan và dư luận xã hội, Nguyễn Xuân Phúc đã đá quả bóng trách nhiệm lại cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khi "đồng ý cho UBND TP HCM phối hợp với Bộ Xây dựng phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha mà Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh giới Thủ Thiêm" – theo một văn bản thông báo của Văn phòng chính phủ.
Nhưng người dân lại quá nghi ngờ rằng liệu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh – được đại diện bởi những quan chức bị xem là ‘xôi thịt’ như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong…, có chịu phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha Thủ Thiêm, hay vẫn cố tình treo vụ việc này để vừa không bồi thường thỏa đáng cho dân oan, vừa tìm cách bao che cho những kẻ ‘ăn đất’ như Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang ?
Rốt cuộc, từ tháng 4 năm 2019 đến nay, mọi chuyện vẫn hũ nút. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn câm lặng. Không có bất kỳ động tác nào phê duyệt lại ranh giới khu 4,3ha Thủ Thiêm.
Hãy nhớ lại, từ tháng Năm năm 2018 khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ‘vô tình’ bị báo chí nhà nước phát hiện đã bị biến mất, cho đến nay cái điều nghịch lý kinh khủng ấy vẫn còn là một bí mật khổng lồ mà không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Sự thật đen tối
Ngay sau khi bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ được công bố vào tháng 6 năm 2019, rất nhiều người dân Thủ Thiêm lẫn dư luận xã hội đã dậy lên phản ứng đối với cơ quan này nói riêng và với đảng cầm quyền nói chung.
Vì sao kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ chỉ quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước…, mà không nói gì đến thân phận của hàng ngàn dân oan đất đai và việc bồi thường cho họ ?
Sự phiến diện đến mức bất công trên đã làm lộ ra một sự thật đen tối : bằng bản kết luận thanh tra trên, Thanh tra chính phủ cùng đằng sau cơ quan này là đảng cầm quyền đã chỉ nhằm mục đích bắt các quan tham ‘ăn đất’ như ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Hai Quân - tức Lê Hoàng Quân, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang…) phải ‘ói ra’, chứ không hề quan tâm đến số phận màn trời chiếu đất của nhân dân.
‘Ói ra’ hay ‘quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng’ đã trở thành chủ trương của đảng, khởi nguồn từ từ năm 2017 bởi ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng - một động thái nhái lại những gì mà Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã làm ở Trung Quốc. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ chưa đầy 10% trong thời gian trước đó là quá thấp và khiến Trọng không thể hài lòng khi, mà mục tiêu là phải bắt quan tham ‘ói ra’ ít nhất 50% số tài sản đã ‘nuốt’ thì mới thu hồi được một phần tiền để ‘hô hấp’ cho đảng. Một chục ngàn tỷ đồng hoặc thậm chí nhiều gấp vài ba lần như thế mà lũ ‘Hai - Ba - Sáu’ phải ‘ói lại’ vào ngân sách đảng để thoát khỏi xà lim sẽ giúp đảng có đủ tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức, với 30% trong số đó bị xem là vô tích sự, trong…3 ngày.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến phát sinh một hiện tượng hết sức lạ lùng : cho tới nay dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm và thân phận dân oan Thủ Thiêm dù chỉ một từ, dù trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ông ta tại Hà Nội luôn có những chất vấn của giới tướng lĩnh về hưu và cựu thần trung thành về thảm nạn ‘ăn đất’ kinh thiên động địa này.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/06/2019