Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2019

Luật đặc xá phục vụ cho ai ?

Diễm Thi

Tội "Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân" sẽ không được đặc xá kể từ ngày 1/7/2019. Điều này là bằng chứng cho thấy chính phủ Hà Nội do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo tiếp tục không dung thứ cho những tiếng nói phản biện ôn hòa.

dacxa1

Blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải đến phi trường Los Angeles hôm 21/10/2014 từ nhà tù Việt Nam. AFP

Thông điệp gì cho tù chính trị ?

Những tội danh không được đề nghị xét đặc xá chiếu theo Luật đặc xá sửa đổi năm 2018, hiệu lực từ 01/07/2019 gồm : Tội phản bội Tổ quốc ; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; Tội gián điệp ; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ ; Tội bạo loạn ; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân ; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một số tội danh khác trong nhóm tội An ninh quốc gia cũng sẽ không được đặc xá gồm : Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Tội phá rối an ninh ; Tội chống phá cơ sở giam giữ ; Tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, vị luật sư thường tham gia bào chữa cho những người bất đồng chính kiến nhận định mục đích của việc sửa đổi luật này chỉ nhằm bảo vệ chế độ :

"Điều đáng nói là có một số tội danh mà những người dấn thân đấu tranh bị khởi tố nhiều trong thời gian qua như Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Tội phá rối an ninh.

Như vậy thông điệp từ những sự thay đổi Luật đặc xá này không thể rõ ràng hơn được : Chế độ không dung thứ cho những hành vi đe dọa đến sự tồn tại của họ, hoặc làm xấu đi hình ảnh của chế độ".

Theo cách giải thích về từ ngữ trong Luật đặc xá thì : Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Chính sách của Nhà nước trong đặc xá được nêu rằng "Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá ; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật".

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng bên cạnh sự thay đổi này, đương nhiên chế độ cũng đành phải hy sinh ý nghĩa khi điển chế Luật đặc xá ghi trong chính văn bản luật của họ.

Ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, người từng bị kết án 12 năm tù với tội danh quy định tại Điều 88 BLHS (Tuyên truyền chống Nhà nước), và bị đưa trực tiếp qua Mỹ từ nhà tù cộng sản vào 2014, thì cho rằng việc điều chỉnh này không có gì mới, mà chỉ nhằm luật hóa những gì chính phủ Việt Nam thực hiện với những văn bản dưới luật từ nhiều năm qua. Ông đưa ví dụ :

"Ở Việt Nam có những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể mỗi năm Hội đồng Đặc xá Trung ương ra một văn bản tư vấn khác nhau. Thực tế thì tù nhân lương tâm hay tù ma túy đều bị phân biệt đối xử. Ví dụ năm 2009 tội ma túy được đặc xá khi còn lại một năm thi hành án, còn tội hình sự như giết người thì chỉ cần thi hành 1/3 án tù là có thể được đặc xá, còn những tội liên quan an ninh quốc gia thì không hề được đặc xá trong văn bản đó".

Những ai được đặc xá ?

dacxa2

Một buổi công bố đặc xá cho một số tù nhân tại một nhà tù ở Hà Nội hôm 30/8/2013. Reuters

Điều 7 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy".

Blogger Điếu Cày cho rằng việc quy định một loạt tội danh không được xét đặc xá là điều trái nguyên tắc với tuyên ngôn nhân quyền mà Việt Nam cam kết với quốc tế cũng như với một chính thể luôn tự nhận là của dân, do dân và vì dân. Ông nói :

"Nó rất bất hợp lý vì mọi người có quyền bình đẳng trước pháp luật, cho nên việc đối xử với tù an ninh hay tù ma túy đều là những điều làm trái với nguyên tắc về hành xử pháp luật. Những đảng viên phạm tội rất nặng nhưng được xử rất nhẹ trong khi những người tù chính trị luôn bị tìm mọi cách tăng nặng hình phạt".

Luật sư Đặng Đình Mạnh có cùng quan điểm :

"Người phạm tội danh nào thì cũng đều có nhu cầu chung là mong muốn được xem xét để hưởng đặc xá, nhất là những người phạm vào các tội danh thuộc nhóm "Xâm phạm an ninh quốc gia" vốn có hình phạt rất nặng nề. Mặt khác, trong chính các quy định xử lý hình sự vẫn vốn đề cao tính nhân đạo của nhà nước XHCN, xử lý người vi phạm nhưng khoan hồng với người biết ăn năn hối cải, thì chính quy định loại bỏ 16 tội danh được hưởng xem xét đặc xá đã phủ nhận hết những ý nghĩa tốt đẹp đó".

Vào dịp Quốc Khánh 2/9/2013, truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó cho biết có bốn người bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam được đặc xá, gồm :

- Dương Đức Phong (sinh năm 1960 tại Hà Giang, thi hành án Trại giam Nam Hà), phạm tội gián điệp, được đặc xá trước thời hạn 3 tháng 20 ngày.

- Hoàng Hưng Quyền (sinh năm 1934 tại Hải Hà, Quảng Ninh, thi hành án Trại giam Nam Hà), phạm tội gián điệp, được đặc xá trước thời hạn 4 tháng 7 ngày.

- Y Kõn Niê và Y Huông Niê (Đắk Lắk) phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết, thi hành án Trại giam Xuân Phước, được đặc xá trước thời hạn (lần lượt) là 1 năm 10 tháng 7 ngày và 1 năm 9 tháng 12 ngày.

Blogger Điếu Cày khẳng định tất cả những người tù chính trị mà chính quyền gọi là đặc xá thì thực tế không phải như vậy. Họ được thả ra là do sức ép của bên ngoài lên chính phủ Việt Nam và Việt Nam buộc phải thả. Ông dẫn chứng cụ thể trường hợp của mình :

"Ví dụ như trường hợp của anh. Một trong những điều kiện để được đặc xá là phải nhận tội mà anh không nhận tội ; thứ hai là anh không viết đơn xin giảm án hay xin đặc xá ; thứ ba là trong suốt thời giam giữ anh bị họ đưa ra rất nhiều những văn bản vi phạm. Như vậy anh đâu có có đủ tiêu chuẩn để được đặc xá. Họ phải tuyên bố ‘Tạm ngưng thi hành án’".

Ông Hải nêu những ví dụ tương tự như trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý, hay thầy giáo Đinh Đăng Định. Do những người này không nhận tội mà tình trạng sức khỏe nguy ngập nên họ đành cho Linh mục Lý tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh.

Còn thầy giáo Đinh Đăng Định thì nhận lệnh đặc xá do Chủ tịch nước ký vào ngày 21/3/2014, khi căn bệnh ung thư dạ dày của ông đã hết phương cứu chữa. Ông mất vào ngày 3/4/2014.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 01/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 495 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)