Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2019

Việt Nam đã thất bại thu thuế Google, YouTube, Facebook ?

Thường Sơn

Cuộc họp của Bộ Thông tin và truyền thông vào giữa năm 2019 chỉ đưa ra biện pháp chế tài cụt lủn "Bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không sẽ không được đất nước này chào đón".

thuthue1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ không 'chào đón' Google, YouTube, Facebook ?

Cuộc họp trên được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhằm "chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới". Nội dung chính của cuộc họp này nhằm "kêu gọi các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng Bộ Thông tin và truyền thông "quét rác" trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".

Tuy nhiên, cuộc họp trên đã không bàn gì về việc thu thuế của Google, YouTube, Facebook - điều mà vào năm 2017 và 2018 đã trở thành một chủ đề ưu tiên của bộ này lẫn Bộ Tài chính.

Từ giữa năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bô Công an đã nhiều lần họp bàn về biện pháp quản lý và chế tài các nhà mạng nước ngoài. Cũng đã có những cuộc họp liên bộ tài chính - công an - thông tin truyền thông để phối hợp đồng bộ vừa siết mạng vừa thu tiền theo phương châm "không cho chúng nó thoát".

Tuy nhiên sau một đợt "bắn tiếng" với Google, Facebook… nhưng chỉ nhận được kết quả quá ư khiêm tốn, các bộ này đã rút ra được bài học xương máu là làm gì thì làm cũng phải "tạo điều kiện" để các nhà mạng nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Vào cuối năm 2017, ngay sau khi Bộ Công an tung ra Dự thảo Luật An ninh mạng với Điều 34 đòi tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, đến lượt Bộ Tài chính tung ra dự thảo mới về luật quản lý thuế với đòi hỏi nhà cung cấp nước phải khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. 

Khi đó, Bộ Tài chính đã tìm cách "ăn theo" Luật An ninh mạng bằng cách gia tăng áp thuế và hy vọng có thể thu bẫm thuế trong một khu vực kinh doanh mà từ trước tới giờ ngành thuế của Việt Nam không với tay được. Số thuế dự tính thu được có thể lên đến 3.000 - 5.000 tỷ đồng.

Theo cách nhìn riêng của Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức : qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh - kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

Nếu thành công trong việc đánh thuế các nhà mạng nước ngoài, ngân sách Việt Nam sẽ thu được một số tiền lớn để giúp chế độ tồn tại qua ngày. Nhưng lại chẳng có gì bảo đảm là một khi bị siết cả về quyền tự do ngôn luận lẫn túi tiền, các hãng Google, Facebook… sẽ còn muốn hoạt động tại thị trường Việt Nam hay là không.

Chỉ có điều, quản lý thu thuế trong nước là dễ hơn nhiều so với thu thuế của các hãng nước ngoài, vì các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong nước đã được cơ quan thuế áp mã số thuế nên dễ theo dõi và truy thu. Trong khi đó, các nhà mạng nước ngoài đa phần lại không có đại diện hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam nên dù Bộ Tài chính quá muốn thu thuế thì cũng chẳng biết phải gặp ai và gặp ở đâu.

Việc Google phải quyết định rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010 do bị siết chặt chính trị là một bài học xứng đáng cho giới chóp bu và cơ quan thuế của Việt Nam.

Cho đến nay, vẫn không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Bộ Tài chính có thể thu được thuế từGoogle, YouTube, Facebook.

Thậm chí ngay cả việc đặt văn phòng hay trụ sở làm việc tại Việt Nam cũng không được các doanh nghiệp mạng trên tha thiết. Trong bối cảnh đó, thu được thuế là một điều không tưởng. Bây giờ thì ai cũng hiểu là cùng lắm các doanh nghiệp này sẽ không được chính quyền Việt Nam ‘chào đón’.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 02/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 727 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)