Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2019

Liệu Triệu Tài Vinh có nối gót Đinh La Thăng ?

Diễm Thi

Việc ông Triệu Tài Vinh nhận quyết định thuyên chuyển về làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, thôi chức bí thư Hà Giang, khiến dư luận nhớ lại một số nhân vật từng ‘nhúng chàm’ và bị chuyển về cơ quan này.

vinh0

Ông Triệu Tài Vinh, nguyên bí thư tỉnh Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Courtesy of nguoiduatin

Ý kiến khác biệt về việc thuyên chuyển ông Triệu Tài Vinh

Ông Triệu Tài Vinh là người liên quan đến hai vụ tai tiếng đình đám ở Hà Giang. Thứ nhất gia đình ông có đến gần chục người giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các cơ quan công quyền ở tỉnh Hà Giang ; thứ hai là vụ gian lận thi tốt nghiệp Trung học Phổ Thông năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, trong đó con gái ông Vinh là một thí sinh được nâng điểm.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ và công bố quyết định bổ nhiệm ông Triệu Tài Vinh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang - giữ chức phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận xét về biện pháp thuyên chuyển này :

"Thứ nhất, động thái đảng đưa ông ta từ Bí thư tỉnh ủy Hà Giang về Ban kinh tế trung ương cho thấy đáng lẽ ra Triệu Tài Vinh đã phải bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng tôi cho rằng ông ta có thể đã chạy chọt các ban đảng và được bố trí về trung ương, dù về một chỗ gọi là ‘ngồi chơi xơi nước’. Thứ hai, có thể đó là ý đồ của Nguyễn Phú Trọng ‘nhốt quyền lực vào lồng’, nơi từng nhốt Đinh La Thăng".

Trong khi đó nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp nhận định rằng việc thuyên chuyển ông Triệu Tài Vinh là việc cần làm vì đến đại hội đảng thì người ta phải thay bí thư. Việc thuyên chuyển này không liên quan gì đến việc ông Vinh sẽ bị kỷ luật, chỉ có điều đưa ông Vinh về Ban Kinh tế Trung ương vì không có chỗ nào cho ông ấy về cả. Ông nói :

"Ông Vinh làm đến khóa thứ hai rồi, mà trước đó còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bây giờ đến lúc phải chuyển ông ấy đi chỗ khác để người khác lên làm bí thư. Đấy là cái chính trong sự sắp xếp của họ. Người ta sẽ đưa ông Cường là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh về làm Bí thư để rồi ông Cường sẽ vào Ban chấp hành trung ương khóa 13".

Theo ông Hà Hoàng Hợp thì tỉnh Hà Giang là một tỉnh quan trọng của Việt Nam vì có đường biên giới dài với Trung Quốc, cần phải có người lãnh đạo giữ được chủ quyền trong mối quan hệ hòa hảoBây giờ là lúc thích hợp để chuyển ông Vinh về và chuyển ông Cường lên thay thế. Đó là điều quan trọng.

Một người có nhận định tương đối khác ông Phạm Chí Dũng và ông Hà Hoàng Hợp, là nhà báo Nguyễn An Dân. Theo nhà báo này thì việc thuyên chuyển này là bước đầu của việc kỷ luật ông Triệu Tài Vinh :

"Việc gia tộc họ Triệu bao thầu gần hết các cơ quan chính quyền ở Hà Giang khiến người dân chỉ trích, lên án. Đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng rất ghét chủ nghĩa thân hữu trong đảng, nên tôi nghĩ ông Vinh sẽ bị xử lý. Tuy nhiên để tránh biến động ở địa phương thì bước đầu họ chuyển ông Vinh về Trung ương là hợp lý".

Ban Kinh tế Trung ương : Nơi tạm dung ?

Theo một số nhà quan sát thì Ban kinh tế Trung ương là ban vô thưởng vô phạt, ban dôi dư và trở thành ban trung chuyển cho những cán bộ sắp về hưu, bị kỷ luật hoặc sắp ‘vô lò’. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đưa ra ví dụ :

"Trước nay có nhiều quan chức bị kỷ luật hoặc không lên chức được nữa thì chuyển về Ban kinh tế Trung ương chờ về hưu. Gần nhất là trường hợp Đinh La Thăng là cựu ủy viên Bộ chính trị, đưa thẳng về làm Phó Ban kinh tế Trung ương rồi vô thẳng nhà đá. Trước đó thì có Trương Tấn Sang, bí thư thành ủy TPHCM từng bị kỷ luật rồi đưa về làm trưởng Ban kinh tế trung ương. Sau đó nhờ vào một ‘may mắn’ nào đó Trương Tấn Sang trở thành thường trực ban bí thư".

Ban Kinh tế Trung ương cũng là một ban có nhiều phó ban nhất, lúc cao điểm có tới 12 phó ban nhờ trào lưu luân chuyển cán bộ trước đại hội 12.

Một trường hợp cũng được dư luận chú ý khi được luân chuyển và giữ luôn chức Trưởng ban tới hôm nay là ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm 2012, Global Finance đưa ông Bình vào danh sách 20 thống đốc ngân hàng có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới. Ông Bình được đồn đoán là cánh tay mặt đắc lực của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Việt Nam.

Tháng 4 năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng "về vườn", ông Bình lọt vào Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tháng 4/2007, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thành Văn phòng Trung ương Đảng.

Ngày 28/12/2012, Ban Kinh tế Trung ương được thành lập trở lại và ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra nhận xét :

"Ban kinh tế trung ương được lập ra với vai trò cố vấn cho đảng, có mục đích phải giữ cái đuôi XHCN trong kinh tế thị trường".

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng trong nhiều năm qua ban này không có một thành quả, một sản phẩm thực chất nào có thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam mà cứ khư khư giữ cái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông giải thích :

"Về mặt thực chất thì các bộ kinh tế chuyên ngành như Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Ngân hàng nhà nước và những bộ chuyên ngành khác đều đã làm những công việc chuyên môn về kinh tế rồi, cho nên Ban kinh tế trung ương chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho đảng về định hướng chiến lược kinh tế".

Ông Hà Hoàng Hợp thì lại đưa ra quan điểm trái ngược khi ông cho rằng Ban Kinh tế Trung ương là quan trọng, nó từng bị bãi bỏ cách đây hai khóa nhưng người ta lại tái lập nó.

"Trong cơ cấu của một đảng cầm quyền xưa nay không có ban đấy nhưng sau này đảng tạo ra ban này vì họ nghĩ đang phải nắm cả đường lối kinh tế, nên ban này làm đường lối chính sách trước rồi mới đến chính phủ. Theo tôi thì đây không phải là ban chỉ để những ai bị kỷ luật rồi về".

Nhận định của ông Hà Hoàng Hợp phù hợp với điều vẫn đang xảy ra tại Việt Nam nơi mà đảng cộng sản nắm toàn quyền. Theo cách nói thông thường thì quyền sinh - sát nằm trong tay đảng và ai được sống thì sống và thăng chức ; còn ai phải chết thì mất tất cả ; dù theo nhận định của giới quan sát có những vị quan chức có những sai phạm nhãn tiền nhưng vẫn chưa hề hấn gì !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 852 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)