Vụ Vinashin trải qua 11 lần thanh tra, kiểm toán vẫn chỉ phát hiện những sai phạm "nhỏ lẻ" đến khi rõ sự thật thì hơn 4 tỷ USD của dân thành tro bụi.
Xóm Thủ Thiêm ở Hà Nội.
Từ khi làm nghề báo đến nay tôi tiếp xúc với rất nhiều bản kết luận thanh tra của đủ các cơ quan cục, tổng cục, bộ, ngành, huyện, tỉnh đến trung ương và thấy đa số nội dung được viết rất lủng củng, hỗn tạp,từ ngữ mơ hồ...
Từ đó tôi ấn tượng những người làm nghề thanh tra rất kém về ngôn ngữ, tư duy logic cũng như nghề bác sĩ chữ viết xấu, khó đọc...
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhất là qua thư ngỏ của kiến trúc sư Trần Thanh Vân gửi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận xét bản kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội về vụ Đồng Tâm là "làm rối trí người đọc" rồi đến vụ Thủ Thiêm, ngẫm lại quá khứ tôi khẳng định, chính mình là kẻ ngộ nhận. Những bản kết luận thanh tra kia không phải là sản phẩm của sự ngu dốt về ngôn ngữ, trình bày văn bản hay là thủ đoạn ma giáo, khốn nạn của bọn "phán xét" thiên hạ ?
Qua nhiều vụ thanh tra thì thấy : Khi có vụ việc tham nhũng, sai phạm bị lộ không thể bao che buộc cấp trên phải ra lệnh thanh tra thì ngoài cố tình dây dưa tạo thời gian cho bọn tham nhũng chuẩn bị đối phó, dư luận "nguội dần" rồi "cứt trâu hóa bùn"... thì có vẻ một thủ đoạn nữa của thanh tra là thiết kế bản kết luận thanh tra làm sao để "rối trí người đọc", hạ thấp sự nghiêm trọng của vụ việc, định hướng sang lĩnh vực nhẹ hơn có lợi cho tham nhũng và tất nhiên hành vi ma giáo ấy không phải là vô tư. Nay thử nhìn lại vài vụ như vụ Thủ Thiêm và Đồng Tâm...để xem những ông vua phán xét thiên hạ kết luận thanh tra như thế nào.
Vụ Thủ Thiêm
Nếu xắp xếp các sự kiện : Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tự tiện thay đổi quy hoạch của chính phủ đến việc đồng loạt "mất bản đồ" quy hoạch "gốc" từ trung ương đến các sở, ngành, địa phương, rồi cưỡng chế các gia đình trong 160 ha, 4,3 ha "ngoài ranh" để chiếm đất vàng, biển thủ ngân quỹ đền bù, giao đất vàng không đấu thầu với giá rẻ mạt, tăng giá làm đường lên tận "mây xanh"... để nhà đầu tư thu lợi bất chính khổng lồ, thiệt hại cho dân, cho nước vô bờ bến... thì thấy cả một kế hoạch cướp bóc, vơ vét hết sức tinh vi,tàn bạo, liều lĩnh của bè lũ tham nhũng từ trung ương đến địa phương.
Vụ tham nhũng có tổ chức này đã giảm thiệt hại nếu ngay từ đầu "tai, mắt"chính phủ không nhùng nhằng, lấp lửng rồi đình chỉ thanh tra năm 2015. Không hiểu lãnh đạo chính phủ thời đó thông đồng với chúng hay họ bị lừa để mặc kệ hàng vạn dân sống lang bạt, nheo nhóc, lần lữa thỉnh cầu, kiện cáo vô vọng trong suốt hai chục năm qua.
"Cóc kêu mãi cùng thấu trời", những ngày này các cỡ quan chức không thể làm ngơ lại lệnh thanh tra chính phủ thanh tra vụ Thủ Thiêm một lần nữa và dù giữa "thanh thiên bạch nhật"hàng nghìn, vạn, triệu... con mắt đỏ dồn, tiếng oan "dậy đất", trong các cuộc tiếp xúc với dân cán bộ bị sỉ vả, ném dép vào mặt nhưng bản kết luận thanh tra của chính phủ do Đặng Công Huẩn trưởng đoàn có nội dung vẫn "rất lập lờ, đánh rối con chữ, đánh loãng sai phạm, đánh lận thông tin... nói lan man... con số rất xạo…" (Lời nhà báo Trương Châu Hữu Danh).
Đặc biệt bản kết luận thanh tra không đếm xỉa gì đến nội dung cốt lõi là quyền lợi của người dân, chỉ nhấn mạnh vào số tiền thất thoát phải bồi hoàn và nghênh ngang phán như quan tòa : "trong quá trình xử lý trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra nếu đương sự khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm trước ngày 31/12/2019 thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra" - một thái độ bao che quá trắng trợn cho vụ lộng hành tham nhũng khủng khiếp. Họ không thể không biết, chỉ riêng việc "đồng loạt mất bản đồ quy hoạch gốc" đã xứng đáng một vụ hình sự nghiêm trọng rồi !
Đọc bản kết luận của Thanh tra chính phủ này máu trong tôi như sôi lên vì sự ngang nhiên giỡn mặt thiên hạ của họ.
Vụ Đồng Tâm
"Nghệ thuật" văn bản kiểu trên cũng thể hiện trong kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội trong vụ Đồng Tâm. Vụ này rất đơn giản : Năm 1980 phó thủ tướng Đỗ Mười cắt 208 ha đất của tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) để làm sân bay Miếu Môn trong đó có 47,36 ha thuộc đất xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức với bồi thường hoa màu 150.312 VND. Tuy nhiên, đến nay hơn 38 năm dự án sân bay không thực hiện và đơn vị quản lý D31 quân chủng Phòng không Không quân cho 14 hộ dân thuê đất, làm nhà trong 47,36 ha đó. Năm 2015, 2016 thành phố Hà Nội cùng với doanh nghiệp Viettel cần số đất dự án sân bay để sử dụng và họ nói 59 ha đất cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm liền kể mảnh đất 47,36 ha là "đất quốc phòng" thuộc dự án sân bay Miếu Môn.
Nếu theo pháp luật thì thành phố Hà Nội và Viettel muốn lấy đất quốc phòng sân bay Miếu Môn thì phải xin chính phủ, chính phủ đồng ý thì quân đội giao cho Viettel theo đúng thẩm quyền... Theo đó, căn cứ vào bản đồ, đo đạc cứ lấy của Đồng Tâm 47,36 ha thuộc diện tích sân bay Miếu Môn ở xã Đồng Tâm giao cho Viettel thì không có chuyện gì. Thế nhưng lãnh đạo Hà Nội lại điều động lực lượng vũ trang tranh chấp cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm mà theo bản đồ và nhiều bằng chứng khác nó nằm ngoài diện diện tích đã thu hồi cho sân bay dẫn đến tranh chấp, công an đánh, bắt người trái pháp luật, một vùng quê vốn yên ả mấy năm qua luôn trong tình trạng căng thẳng tột độ.
Bị dân phản ứng quyết liệt, thanh tra Hà Nội đã thanh tra rồi ra bản kết luận thanh tra hết sức kỳ lạ. Họ "đánh tráo" 47,36 ha của xã Đồng Tâm bị cắt làm đất quốc phòng vào 59 ha cánh đồng Sênh. Có sự chớ trêu : Ở khu đất 47,36 ha đất quốc phòng lấy từ xã Đồng Tâm D31 cho 14 hộ dân thuê sản xuất, làm nhà trong đó và ở cánh đồng Sênh 59 ha đất nông nghiệp cũng có 14 hộ dân được các đời lãnh đạo xã, hợp tác xã Đồng Tâm cho họ làm nhà, canh tác, chuyển, nhượng... đã bị dân Đồng Tâm kiện cáo nhiều năm qua...
Thế là bản kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội cứ "trộn" hai khu đất này với nhau rồi đưa nhiều chuyện khác, vụ khác nói lung tung vào văn bản "diện tích đất tăng lên do thi công...hồi trước đo đạc không chính xác.., kiện cáo của dân đang được giải quyết, những cá nhân sai phạm đã hầu tòa…" và những câu cực kỳ vô nghĩa như "toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng..." làm cho người chưa nghiên cứu thật kỹ thì không sao hiểu nổi.
Việc làm "rối trí người đọc" này của thanh tra Hà Nội cũng được sự hậu thuẫn của Thanh tra chính phủ. Ngày 25/4/2019 phó tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã công bố kết quả "rà soát, kiểm tra kết luận thanh tra tại xã Đồng Tâm..." đã công nhận "Thanh tra Hà Nội thanh tra đúng thẩm quyền, chính xác...".
Đây là hành vi vô trách nhiệm của Thanh tra chính phủ vì họ không hề khảo sát thực tế, gặp gỡ một bên nguyên đơn tranh chấp là nhân dân Đồng Tâm để đối chiếu tài liệu, văn bản, bản đồ, thực địa, xem các giấy tờ, biên lai nộp thuế nông nghiệp từ ngày hợp tác xã đến nay tại cánh đồng Sênh... mà chỉ ngồi trong phòng lạnh bàn bạc với một bên tranh chấp là Thanh tra Hà Nội để khẳng định một kết luận liên quan đến quyền lợi của hàng vạn người dân Đồng Tâm.
Những bản kết luận thanh tra ma giáo không chỉ bao che cho tôi phạm mà những người khiếu nại, thiệt hại cũng rất khó để phản bác thanh minh vớ cơ quan thẩm quyền.
Phải chăng hành vi thiết kế những bản kết luận thanh tra mơ hồ làm "rối trí người đọc", giảm nhẹ sự nghiêm trọng, kéo dài sai phạm... đã góp phần tạo ra những thiệt hại khủng khiếp cho nhân dân ở vô số các vụ tham nhũng. Vụ Vinashin trải qua 11 lần thanh tra, kiểm toán vẫn chỉ phát hiện những sai phạm "nhỏ lẻ" đến khi rõ sự thật thì hơn 4 tỷ USD của dân thành tro bụi.Vậy, còn bao nhiêu vụ như thế nữa, có bao nhiêu quan chức thanh tra giàu cỡ như Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh... ?
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 06/07/2019