Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/07/2019

Có thực sự là "cơ đồ" ?

An Viên

"Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, an ninh quốc phòng được giữ vững, và chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như ngày hôm nay". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong buổi họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh thành trong ngày 4/7.

codo1

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy sản xuất ô tô Vinfast.

Việt Nam đang tăng trưởng trở lại, môi trường chính trị ổn định phù hợp tổ chức các hội nghị quốc tế, và chủ quyền Biển Đông đang được Hà Nội chủ động, những điều này không thể phủ nhận. Cách mà Thủ tướng Phúc miêu tả "chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay", cũng chỉ là kể từ sau thời điểm Đổi mới, tức là thành tựu mới nhất trong tiến trình phát triển gần nửa thế kỷ tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam .

Tuy nhiên, "cơ đồ" trong từ điển tiếng Việt hàm nghĩa sự nghiệp lớn và vững chắc, vậy lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liệu có sai điểm nào ?

Nhìn sang Trung Quốc, quốc gia với ý thức hệ Cộng sản, quốc gia tiên phong mở cửa và đổi mới cho Việt Nam học tập theo, quốc gia với những thành tựu kinh tế nổi bật và nhảy vọt. Tuy nhiên, để có thể xem là "cơ đồ", thì rõ ràng, Trung Quốc sẽ bị coi là ngạo mạn. Lý do, qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bản thân Bắc Kinh đã cho thấy nền kinh tế và cả sự phát triển chỉ dựa trên nguyên tắc "đại nhảy vọt", vắng bóng thuộc tính "bền vững". Nền kinh tế Trung Quốc phát triển dựa trên sao chép và ăn cắp công nghệ hơn là tự nghiên cứu.

Thời báo Tài chính trong bài viết ngày 27/05 vừa qua đã cho biết, Trung Quốc ngày nay sẽ không là một siêu cường nữa, bởi Bắc Kinh không đủ khả năng và bản thân chế độ độc đảng không cho phép cải cách cần thiết. Theo đó, dù Tập Cận Bình vào năm 2013 đã phát động chương trình cải cách kinh tế, tuy nhiên, theo đánh giá của Tập đoàn Rhodium (hãng chuyên thống kê nguồn đầu tư của Trung Quốc tại nước ngoài) thì tiến trình cải cách là thô sơ. 

Nguyên nhân đến từ nợ nần (dù là của người dân, doanh nghiệp hay chính phủ, và bằng cách bơm nợ đi, tăng thuế hay cắt giảm đầu tư và chi tiêu công), nhân khẩu học (lực lượng lao động của nước này đã bị thu hẹp), và khủng hoảng nước đang xuất hiện ở 12 tỉnh phía bắc Trung Quốc Nhưng trọng yếu vẫn là ông Tập đã đặc biệt quay lưng lại với bốn đồng minh hữu ích : nhà nước pháp quyền và tư pháp độc lập, điều cần thiết cho niềm tin của doanh nghiệp và khu vực tư nhân ; báo chí tự do, ví dụ để giúp vạch trần tham nhũng hoặc lạm dụng môi trường ; xã hội dân sự, từ nơi ý tưởng, đổi mới ; và trách nhiệm chính trị, để khuyến khích các quan chức làm việc vì lợi ích của người dân chứ không phải của chính họ hoặc của đảng. Bốn trong số những đồng minh đó làm suy yếu sự kiểm soát của đảng và rủi ro cuối cùng dẫn đến một hệ thống đa nguyên, làm suy yếu sự cai trị của một đảng. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối. Đối với các yếu tố trên có thể được thêm vào sự thiếu tin tưởng của người dân trong Đảng cộng sản Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc là một sự thay thế không đầy đủ.

Bản thân nhà lãnh đạo vi đại của Trung Quốc – Tập Cận Bình trong một bài phát biểu vào tháng 1 năm 2016 đã nói rằng Đổi mới là gót chân Achilles của Trung Quốc. Bởi giống như Liên Xô, dù cố gắng đến bao nhiêu Bắc Kinh cũng không thể theo kịp Âu Châu, nơi mà động cơ cho sự trỗi dậy là luồng ý tưởng tự do.

Việt Nam sẽ không khác Trung Quốc là mấy, tăng trưởng 6% của 6 tháng đầu năm mà Thủ tướng Phúc chỉ ra là con số tốt lành, tất nhiên, theo một ý nghĩa chính trị nào đó. Tuy nhiên, những căng thẳng xã hội tiềm tàng vẫn đang tiếp tục phát sinh, Thủ Thiêm vẫn trở thành một câu hỏi lớn đánh đố với chính thể, khi mà nó được sinh ra từ chính đặc tính sở hữu toàn dân trong luật đất đai 2013 (vẫn tiếp tục chưa sửa đổi), sự suy yếu luật pháp đối với quản trị đội ngũ nhân viên nhà nước, nhân quyền yếu kém, suy đồi đạo đức xã hội, chủ nghĩa tư bản thân hữu, gia tăng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, cướp bóc môi trường tự nhiên cũng như các xung đột xã hội và môi trường tiếp tục diễn ra, thậm chí là sự thù địch gay gắt giữa các quan chức và người dân thường.

"Cơ cấu dân số vàng" của Việt Nam đã bị đốt cháy gần hết trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ; nợ công vẫn tiếp tục tăng lên hàng ngày ; tình trạng hạn hán và biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra trầm trọng ; các loại thuế phí tiếp tục phát sinh ra ngày một nhiều. Trong khi đó, Hà Nội cũng đã từ chối bốn đồng minh hữu ích nhằm trợ giúp xã hội phát triển bền vững và thúc đẩy nền kinh tế thịnh vượng như cách mà Tập Cận Bình đã từ chối. Quan trọng hơn, bản thân người Việt Nam đang ngày càng mệt mỏi với chính phủ, bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và đảng đã lấy tiền của họ với tốc độ và sự tinh vi ngày càng tăng cao, và điều này có thể được phô bày phần nào trên Facebook cá nhân của nhà báo Trương Châu Hữu Danh, nơi "tình trạng xấu" của quan chức liên tục bị phô bày.

Trong một thông tin có liên quan, Vingroup, một tập đoàn có nguồn tài sản nảy sinh lớn từ đất đai và mối quan hệ với chính quyền, một tập đoàn được coi là "trụ cột" trong ngành ôtô nước nhà, một doanh nghiệp nhận nhiều sự kỳ vọng của Thủ tướng Phúc và ngôi sao đang lên của khối doanh nghiệp tư trong nước đã ngừng tham gia chương trình xếp hạng tín nhiệm của Fitch. Và đây là một chỉ dấu cho thấy sự thiếu minh bạch của chính doanh nghiệp này, nó cho thấy tính chất "cơ đồ" của Vingroup dường như không bền vững sau những hào nhoáng đầu tư. Và nền kinh tế Việt Nam có vẻ là một phiên bản lớn hơn của Vingroup ?

Tiến trình cải cách của Việt Nam là thô sơ và chưa bền vững, trong khi dân chủ - nhân quyền là van an toàn để mở khóa cho bền vững và cơ đồ thì luôn bị từ chối.

An Viên

Nguồn : VNTB, 06/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 636 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)