Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/07/2019

Năm năm vượt thác của những người làm báo tự do

Phạm Chí Dũng

Ngày 4/7/2019 là một ngày đáng nhớ với nhiều người làm báo tự do, có chân trong tổ chức xã hội dân sự, dưới cái tên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Đây là tổ chức tập hợp những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, lên tiếng cho công lý và vận động cho một xã hội không độc tài cộng sản. Nhân kỷ niệm năm năm của Hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã dành ít thời gian để nói về mình, về những anh em trong Hội, đã sống sót như thế nào qua những cuộc đàn áp, sách nhiễu… suốt thời gian qua.

lambao1

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là tập hợp những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, lên tiếng cho công lý và vận động cho một xã hội không độc tài cộng sản.

Phạm Chí Dũng : Hội Nhà báo độc lập Việt Nam giống như một con thuyền vượt thác, đã suýt chìm trong năm đầu tiên, gượng dậy trong năm thứ hai, tạm bình ổn trong những năm kế và đế năm thứ năm, thì có vẻ đã khởi sắc. Có thể hình dung như vậy.

Anh em trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng đã trải qua nhiều rủi ro, không khác gì những anh chị em đấu tranh dân chủ trong nước. Tức là các Hội viên cũng đã bị công an liên tục triệu tập, sách nhiễu, đánh đập, bắt cóc… nhưng cho đến nay thì không có ai bỏ cuộc cả. Nói tóm lại là, chúng tôi hoạt động ôn hòa, mang sự thật khách quan đến cho người dân. Chúng tôi tự nhận thấy rằng cũng đã đạt được những điều tương đối trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, bên cạnh đó sự trả giá, cũng không là quá nhiều. Năm 2017, được coi là khởi đầu của đỉnh cao đàn áp. Nhiều người đã bị bắt bớ, bỏ tù… Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng bị sứt mẻ nhưng vẫn duy trì được cho đến nay.

Trong suốt năm năm, trang báo điện tử của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn làm việc đều đặn, trong tình trạng bị tường lửa bao vây, vẫn luôn lên tiếng từng ngày, cũng không để thiếu nhuận bút với ai. So với năm đầu, lúc này thì số Hội viên đã tăng lên gấp đôi, gần 70 người. Đó là con số chắt lọc của giới cầm bút tự do có tiếng nói thuyết phục và tâm huyết.

Trong tình hình mới hiện nay của Việt Nam, dù vẫn xiết bức nhân quyền, nhưng đang lộ khuynh hướng ngã dần sang quỹ đạo của phương Tây, thì chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để đẩy mạnh sự đòi hỏi về quyền thành lập hội nhóm xã hội dân sự, quyền tự do ngôn luận. Đặc biệt với việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, lại là một cơ hội lớn cho người lao động xây dựng Công đoàn độc lập. Chúng tôi cũng coi đây là một phần nhiệm vụ quan trọng của mình, vì trên trang Việt Nam Thời Báo (IJAVN), đã có hẳn một mục riêng để thông tin, cổ xúy về vấn đề này.

Sẽ còn những khó khăn, nhưng với những gì đã qua, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tin rằng con thuyền của mình dù có chòng chành, nhưng vẫn tiến về phía trước.

Tuấn Khanh : Điểm lại trong 2 năm vừa qua, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã liên tục đưa đến các đề tài phản biện đối với luật an ninh mạng, cũng như rất sát sao mọi chuyển động liên quan đến luật cho phép thành lập các nhóm xã hội dân sự, công đoàn độc lập…

Phạm Chí Dũng : Trước tiên, nói về luật an ninh mạng, thì đó là một đạo luật chống lại quyền tự do ngôn luận, và công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đã ký vào năm 1982. Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc phản biện luật này, vì nó đi ngược lại xu thế của thời đại. Không chỉ phản biện, mà chúng tôi muốn chấm dứt nó.

Còn đối với quyền tự do thành lập các nhóm, hội xã hội dân sự là điều phải đến. Ngay cả ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng của chính thể độc tài tại Việt Nam, khi nói về các cột trụ giúp cho kinh tế ở Việt Nam như doanh nghiệp, cơ sở kinh tế nhà nước và xã hội. Ông Phúc không dám nói rõ về "xã hội" tức là xã hội dân sự, mà chỉ nói mấp mé vậy. Ai cũng hiểu đó là một phần của cái kiềng ba chân của lý thuyết phát triển, là xã hội dân sự. Nên trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc phải công nhận sự có mặt của hệ thống xã hội dân sự trong đời sống. Và đó cũng là cam kết mà Việt Nam đã ký về quyền dân sự và chính trị trước Liên Hợp Quốc.

Đó là hai điều rất quan trọng của xã hội Việt Nam lúc này, nên chúng tôi đặt mọi trọng tâm vào đó.

Tuấn Khanh : Là một tổ chức xã hội dân sự có lẽ là duy nhất còn hoạt động lúc này, giữa bối cảnh nhà nước cộng sản Việt Nam đã truy cùng đuổi tận tất cả các nhóm, cá nhân có khuynh hướng khác biệt với chủ trương độc tài, ông có nghĩ rằng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng đang trong tầm ngắm và cũng sẽ bị triệt tiêu bằng cây gậy An ninh mạng, sắp tới đây hay không ?

Phạm Chí Dũng : Về bản chất mà nói, luật An ninh mạng cũng như nghị định 72 được ban hành trước đây, mọi thứ đều phản tác dụng và vô nghĩa trước Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.

Nhưng với quan điểm của tôi, thì tôi không đặt nặng chuyện luật An ninh mạng như là một mối hiểm nguy đối với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam nói riêng, và giới hoạt động cho dân chủ nhân quyền nói chung. 

Lý do là thế này, không cần đến luật an ninh mạng, mà chỉ cần nghị định 72 (năm 2013) về quản lý internet, điều 88, trong bộ luật hình sự cũ, tức điều luật mơ hồ về "tuyên truyền chống nhà nước" thì cũng đã quá đủ cho công an xiết bức, bóp cổ bóng họng giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Luật An ninh mạng chỉ màng một sự nối dài của nghị định 72, của luật về an toàn thông tin của ngành công an để kiểm soát về an ninh mạng mà thôi. Và luật An ninh mạng không thể phát triển đến mức tối đa mục tiêu của nó về vấn đề chế tài An ninh mạng. Vì nếu triệt tiêu hoàn toàn hệ thống thông tin này, tức sẽ triệt tiêu luôn môi trường đấu đá nội bộ, phương tiện để đấu đá nội bộ mà phe phái ở trong đảng đã tận dụng từ năm 2012 cho đến nay.

Do đó, tôi không đặt nặng những rủi ro từ luật An ninh mạng. Mà nói thật ra thì có một luật An ninh mạng hay hàng chục luật An ninh mạng cũng không có ảnh hưởng gì đáng kể đến giới đấu tranh dân chủ nói chung, và cho quyền tự do ngôn luận nói riêng.

Tuấn Khanh : Hội Nhà báo độc lập Việt Nam dù đứng trên vị trí là phát triển quyền tự ngôn luận và phản biện xã hội, nhưng thật ra tiêu chí ấy chưa bao giờ được chấp nhận ở trong một xã hội - ngày càng độc tài như ở Việt Nam. Trải qua năm năm của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, theo ông, liệu tiêu chí này của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có tạo được nên được các tác động tích cực nào với nhà cầm quyền không ? Hay Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn là "những giọng điệu đánh phá của thế lực thù địch ?"

Phạm Chí Dũng : Có một ví dụ,như một bằng chứng, như thế này. Mới đây tôi đưa ba mình đi khám bệnh ở một nơi có tên nguyên văn là Ban bảo vệ sức khỏe Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Có một cụ già đến gặp tôi. Cụ trước đây là cán bộ của Ban Tuyên huấn Thành ủy. Cụ nói với tôi rằng "Dũng ơi, những bài của Dũng viết, không chỉ có tôi mà có cả những người trong nội bộ đảng đã đọc. Nhưng theo tôi, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp về độc đảng là khó lắm. Nên bây giờ cần kêu gọi đảng phải dân chủ và chống Trung Quốc".

Tôi kể chuyện này như một ví dụ để thấy rằng ngay cả những người công tác lâu năm trong đảng cộng sản, đã nói trực tiếp với tôi điều đó. Điều đó cho thấy rằng – một cách nào đó như anh đã nêu ra - thì công việc cổ xúy cho tự do ngôn luận, khai dân trí của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hay của chúng ta nói chung, không chỉ tác động đến người dân mà tác động đến cả nội bộ đảng cộng sản. Và công việc đó, đã nhận được sự đồng tình, đồng cảm và kể cả yêu thương của những người ở trong nội bộ đảng cộng sản. Rõ ràng điều chúng ta làm có hiệu quả, nhưng hiệu quả như tế nào thì tôi không dám nói là quá lớn, nhưng chắc chắn là có hiệu quả. Và theo phản ánh của nhiều nguồn dư luận, nhiều anh em, kể cả các đảng viên, rằng nhiều bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo đã nhận được sự đồng thuận tương đối. Tức có những đảng viên theo dõi thường xuyên. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những người công an về hưu tiết lộ cho tôi biết. Không đâu xa, ngay cả một sĩ quan công an về hưu ở ngay phường tôi cư trú cũng cho biết ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

Hiệu quả là như vậy. Nhưng với những luận điểm phản biện hay chỉ trích mang tính ôn hòa, không có nghĩa là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang đi tìm con đường thỏa hiệp với đảng cộng sản. Chúng tôi – Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – không bao giờ có quan điểm đó. Tôi luôn yêu cầu anh em trong Hội là phải luôn đặt vấn đề có tính chiến đấu. Mỗi bài viết là một viên đạn phản biện xã hội, viết bằng sự bức bối của mình, bằng tình cảnh của mình, đó là việc ưu tiên. Sau đó mới nâng dần bài viết lên bằng chuyên môn của mình.

Trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, có những bạn trẻ khởi đầu tham gia, viết còn rất ngô nghê, thì nay đã hoàn toàn chuyên nghiệp. Bằng giác quan của một nhà báo tự do, những cây viết đó đã dần dần có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Tuấn Khanh : Chấp nhận những thách thức để xiển dương quyền tự do ngôn luận, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã có được những niềm kiêu hãnh riêng của mình qua chặng đường năm năm, thay mặt cho các cây viết của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ông có lời gì muốn nhắn gửi đến những người đang dõi theo những thông tin từ trang Việt Nam Thời Báo ?

Phạm Chí Dũng : Tôi chân thành biết ơn rất nhiều độc giả đã công khai lẫn thầm lặng ủng hộ, trong đó có những mạnh thường quân đã giúp để trang Việt Nam Thời Báo vượt qua sóng gió. Tôi vẫn nói với anh em rằng chúng ta đã nhận được những nguồn giúp đỡ, những đồng tiền nhuận bút đáng tự hào. Đó là những đồng tiền đóng thuế cho tiền đề của một xã hội tiến bộ, và chúng ta đã không phung phí nó. Chúng ta sẽ trân trọng và sử dụng nguồn lực đó để khai dân trí, để đóng góp thêm sức sống tự do về trong lòng dân tộc.

Nói về báo chí tự do, không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Báo chí tự do của anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Anh và những người bạn của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho báo chí tự do trong lòng chế độ độc tài, và từ tiền đề đó cho Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tiếp tục phát triển, chuẩn bị cho một xã hội tự do báo chí, dân chủ, mà tôi tin rằng sẽ không còn quá xa nữa.

Tuấn Khanh : Xin cám ơn anh, và những anh chị em của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

Tuấn Khanh (ghi)

Nguồn : RFA, 07/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)