Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam (EVFTA), được ký ngày 30/06/2019 tại Hà Nội, sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Hiệp Châu Âu tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Năm công ty Việt Nam giới thiệu nông phẩm nhân "Tuần hàng Việt Nam", chợ Thanh Bình, Ivry-sur-Seine, Pháp, ngày 29/06/2019. RFI / Tiếng Việt
Phía Liên Hiệp Châu Âu, trong thông cáo báo chí chung ngày 30/06/2019, nhấn mạnh đây là "những hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất của EU với một nền kinh tế mới nổi cho tới nay". Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hai Hiệp định EVFTA và EVIPA "mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU".
Theo bộ Công Thương Việt Nam, hiệp định EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường hơn 500 triệu dân có thu nhập cao và giúp Việt Nam đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản và một số sản phẩm khác mà Việt Nam chiếm ưu thế.
Pháp là một thị trường lớn, tiềm năng cho hàng nông phẩm Việt Nam. Chinh phục thị trường Pháp là mục tiêu của khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu chuyên về hoa quả khô, hoa quả tươi, rau tươi, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, trà, cà phê, hạt điều… khi tham gia "Tuần hàng Việt Nam" tại chợ đầu mối Rungis, lớn nhất nước Pháp, nằm ở ngoại ô Paris, từ 24-26/06/2019, tiếp theo là tại chợ Thanh Bình, ở Ivry-sur-Seine, trong hai ngày 29-30/06. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng làm việc với chuỗi siêu thị Leader Price của Pháp ngày 27/06 để đưa sản phẩm Việt vào hệ thống phân phối của thương hiệu này.
Tìm chỗ đứng trong thị trường đầy cạnh tranh
Một khu gian hàng được dựng lên ngay lối vào của chợ Thanh Bình ở Ivry-sur-Seine để năm công ty đến từ Việt Nam, gồm GVA, Hamona, Orgen, Nhật Minh Foods, Cát Hải trực tiếp giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng tại Pháp. Dưới nhiệt độ lên đến 36°C, đúng đợt nắng nóng nhất tại Pháp, những nữ đại diện công ty vẫn duyên dáng trong tà áo dài, niềm nở mời những vị khách đầu tiên nếm sản phẩm của họ.
Trả lời RFI tiếng Việt, chị Hán Thị Minh Tâm, trợ lý giám đốc công ty cổ phần GVA, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất-nhập khẩu, phân phối các mặt hàng nông sản và giống cây trồng tại Việt Nam, cho biết mục đích của chuyến đi sang Paris là để giới thiệu các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi của Việt Nam tại chợ đầu mối Rungis và tại các hệ thống siêu thị Leader Price và Thanh Bình Jeune.
"Trước tiên để vào được Pháp, mình cũng phải có những tiêu chuẩn để đáp ứng được thị trường khó tính như Liên Hiệp Châu Âu. Về tiêu chuẩn này, công ty khẳng định là một số mặt hàng hoa quả mang sang giới thiệu tại Pháp là đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Liên Hiệp Châu Âu. Riêng đối với thị trường Pháp, đây cũng là một trong những thị trường rất là tiềm năng nhưng cũng rất là nhiều thách thức. Vì vậy, công ty nhận thấy cũng có một phần nào có cơ hội để vào được thị trường Pháp".
Đối với công ty Nhật Minh Foods, chuyên về đồ khô, thách thức lại nằm ở điểm khác. Nếu như công ty thành công tại thị trường Đức, thì tại Pháp, những mặt hàng khô bún, miến, măng, phở… đã có rất nhiều nhà cung cấp khác nhau, trong đó nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Toan, tổng giám đốc Nhật Minh Foods, hiểu rõ thách thức trên nhưng cho biết vẫn tự tin kết hợp với Thanh Bình Jeune để quảng bá cho những mặt hàng được đích thân chị khảo sát và kiểm tra chất lượng trước khi mua vào và đưa vào nhiều chuỗi siêu thị ở Việt Nam hoặc xuất ra nước ngoài :
"Tôi vừa rồi có trao đổi với nhân viên kinh doanh của Thanh Bình Jeune. Sản phẩm của công ty Nhật Minh như đứa con sinh sau đẻ muộn nên cần có những chiến lược làm sao thu hút được người tiêu dùng, chẳng hạn như sản phẩm miến, với bốn cửa hàng của Thanh Bình Jeune, tôi sẽ làm chương trình ăn thử bằng cách nấu bún miến măng. Trong món ăn đó, đã có hai sản phẩm của công ty Nhật Minh, để cho người tiêu dùng biết được chất lượng sản phẩm như thế nào. Đồng thời, tôi rất tự tin về sản phẩm của công ty vừa về giá, vừa về chất lượng thì tôi mới có thể xâm nhập được thị trường Pháp".
Công ty GVA giới thiệu hoa quả tươi tại chợ Thanh Bình (Ivry-sur-Seine), nhân "Tuần lễ hàng Việt Nam", ngày 29/06/2019. RFI / Tiếng Việt
Mang "chất lượng" và "khác lạ" chinh phục thị trường mới
Chị Minh Tâm, công ty cổ phần GVA, tỏ ra lạc quan về cơ hội sản phẩm hoa quả tươi, đặc biệt là nhãn và vải đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Úc và Mỹ, có thể vào được thị trường Rungis.
"Sau buổi làm việc đầu tiên tại chợ đầu mối Rungis, công ty GVA nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ một số nhà phân phối, trong đó có công ty Capexo, một công ty phân phối rất lớn cho các lồng hàng tại chợ đầu mối Rungis. Công ty nói rằng hoa quả nhiệt đới của Việt Nam có hương vị rất đậm đà, rất thơm và ngon, cảm giác tươi ngon. Và họ rất quan tâm đến quả nhãn của Việt Nam vì họ nói rằng công ty Capexo phân phối rất nhiều mặt hàng của các nước nhiệt đới nhưng chưa có nhãn. Họ nhận thấy mặt hàng này khá là có tiềm năng để vào được chợ đầu mối Rungis".
Giá bán hợp lý cũng là một yếu tố khiến chị Minh Tâm cho rằng quả nhãn và vải có thể vào được chợ đầu mối Rungis hoặc các hệ thống siêu thị đối tác tiềm năng, như Thanh Bình Jeune và Leader Price :
"Sau buổi làm việc với Leader Price, công ty nhận được phản hồi từ phía giám đốc của Leader Price về mặt hàng vải tươi. Họ quan tâm đến mặt hàng vải tươi để sử dụng cho chế biến món cocktail. Hai bên đã trao đổi và nhận được những lời tư vấn làm sao để xuất khẩu vải sang Pháp, xuất khẩu với mục đích để làm gì và bảo quản như thế nào, thì ông cũng đã tư vấn cho công ty rất nhiều điều".
Nếm xong quả vải, trái nhãn của công GVA, khách hàng có thể thưởng thức nước dừa nguyên trái của của công ty Hamona (Hài hòa với thiên nhiên), nằm gọn trên lòng bàn tay và được lọc hết xơ, chỉ cần cắm ống hút vào là thưởng thức. Anh Nguyễn Hoàng Long, tổng giám đốc Hamona, cho RFI tiếng Việt biết là sản phẩm của công ty đã được xuất sang nhiều nước (Canada, Hoa Kỳ, Liban, Singapore), nhưng đây là lần đầu tiên sản phẩm được giới thiệu tại đất Pháp :
"Dừa Hamona đặc biệt ở chỗ không dùng chất bảo quản, không dùng chất hóa học để giữ mà hoàn toàn dùng nhiệt độ. Ví dụ nước dừa đông lạnh đóng túi là một sản phẩm đã rời ra khỏi quả dừa. Nó đã bị xử lý thanh trùng. Còn sản phẩm dừa Hamona hoàn toàn là tự nhiên và chưa thanh trùng gì cả, chưa bị rời ra khỏi quả dừa cho nên nó vẫn giữ được những đặc tính mà trời ban cho nó và những đặc tính đó rất tốt cho sức khỏe. So với các sản phẩm dừa của Thái Lan hay nguyên trái bề ngoài hình kim cương tẩy trắng, thì dừa Hamona rất tiện lợi, vì quả dừa kia là phải đập và nó rất lớn, không cầm đi xài được".
Ngoài ra, anh Hoàng Long còn nhấn mạnh đến tiêu chí "bền vững" trong sản phẩm dừa của Hamona :
"Công ty và nhà máy tập trung làm tại Tiền Giang và Bến Tre, ký hợp đồng bao tiêu với từng nhà vườn một và kiểm soát chất lượng của từng nhà vườn. Giá trị cốt lõi của công ty Hamona là tạo ra những tác động xã hội tích cực, trong đó là đảm bảo cho cuộc sống và thu nhập của người nông dân. Bởi vì khi người nông dân bán dừa theo thương lái thì giá cả rất bấp bênh. Công ty Hamona luôn tạo điều kiện để thu nhập của người nông dân, thứ nhất là được ổn định, họ được bao tiêu một cách lâu dài và thứ ba là thu nhập của họ cao hơn 20% so với cách bán hàng thông thường cho các thương lái".
Nhấn mạnh đến công nghệ sấy tiên tiến đối với hoa quả khô (xoài, thanh long, vải…), cùng với các dòng sản phẩm mới và sạch (như bột nêm tự nhiên làm từ rau củ), anh Đặng Trần Việt, tổng giám đốc công ty Orgen chuyên về nông nghiệp hữu cơ, hy vọng có thể chinh phục được thị trường Pháp :
"Thực ra hoa quả khô không phải là mới nhưng sản phẩm của bên mình là sấy lạnh, tức là sấy ở nhiệt độ thấp, chỉ là hút ẩm thôi, chứ công ty không đẩy nhiệt cao, gây sốc, vật liệu có thể sẽ bị mất đi hương vị, dưỡng chất ở trong đó và giữ nguyên hầu như là mầu sắc và mùi vị.
Ngoài ra, về mặt đa dạng của sản phẩm, mình cũng tiếp xúc với một số nhà buôn về sản phẩm khô, họ cũng đánh giá cao về những sản phẩm này về sự khác biệt, đặc biệt là về quả vải hiện chưa có, hoặc quả thanh long thì có rất ít. Vì thực ra, những sản phẩm sấy hiện giờ ở trên thị trường Pháp, mình thấy vẫn chủ yếu là sấy có đường. Còn sản phẩm của bên mình khác, đó là những sản phẩm sấy dẻo, thì chưa có nhiều lắm".
Cuối cùng, dừng chân ở quầy giới thiệu nước mắm Cát Hải (trước là nước mắm Vạn Vân) của công ty Cổ phần Chế biến Dịch vụ Thủy sản Cát Hải (Hải Phòng), khách hàng có thể thử nước mắm ăn chung với giò và một ít cơm trắng. Chị Trịnh Thanh Huệ, trưởng chi nhánh Cát Hải tại Hà Nội, giới thiệu với RFI tiếng Việt :
"Sản phẩm nước mắm Cát Hải là thương hiệu có từ hơn 100 năm rồi, được chế biến từ cá biển với quy trình để lên men tự nhiên : cá với muối chín tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời và khuấy đảo trong vòng một năm để ra sản phẩm.
Loại nước mắm mà độ đạm cao nhất hiện tại của Cát Hải đang là 50 đạm (để được gọi là nước mắm, nước mắm phải có 12 đạm trở lên). Và độ đạm hoàn toàn tự nhiên, được kiểm nghiệm chất lượng HACCP và ISO, không sử dụng bất cứ chất xúc tác nào để lên men, được bảo quản 100% bằng muối. Chính vì vậy, loại nước mắm này có nhược điểm là sẽ mặn hơn, nhưng nhược điểm này lại chính là ưu điểm bởi vì mình không dùng hóa chất gì cả, giữ bảo quản bằng muối. Khi ăn, chỉ cần pha thêm một chút là được".
Tương tự như những mặt hàng khác, thị trường Pháp đã có nhiều loại nước mắm khác nhau. Nếu xuất được sang Pháp, nước mắm Cát Hải sẽ có giá bán sẽ cao hơn nước mắm đang được bày bán trên thị trường. Đây là điểm mà chị Thanh Huệ lo lắng :
"Chắc là mình phải chọn lựa khách hàng thôi, nhắm vào những khách hàng có kiến thức về sản phẩm và hy vọng tìm được những nhà phân phối đối tác như Thanh Bình ở bên này (Pháp), thì mọi người sẽ truyền thông để người tiêu dùng lựa chọn và phân cấp sản phẩm. Mình nhấn mạnh đến chất lượng, phân cấp khách hàng. Những khách hàng nào chấp nhận được giá đắt để tìm đến sản phẩm tốt thì mình phục vụ được dòng khách hàng đấy".
Khâu vận chuyển là khó khăn chung đối với đa số các công ty xuất khẩu Việt Nam. Năm doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trong "Tuần lễ hàng Việt Nam" đều mong muốn tìm được các đối tác là đầu mối, là nhà phân phối để có thể xuất trọn một container. Nếu thuyết phục được họ về chất lượng sản phẩm, các nhà xuất khẩu nông phẩm Việt Nam còn có được một lợi thế khác về thuế ngay khi hiệp định Thương mại Tự Do với Liên Hiệp Châu Âu có hiệu lực. Với mức thuế gần như bằng không, giá bán đến người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn so với những sản phẩm cùng chủng loại được nhập từ các nước khác, không có thỏa thuận thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 08/07/2019