Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/07/2019

Ông Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận có tầm tư tưởng ?

Nguyễn Hiền

"Tôi nói thật, Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng", Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị sáng 5/7.

lyluan1

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Phó bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Đại hội Đảng bộ 2015.

Đảng cộng sản Việt Nam có nhà tư tưởng ?

Khác với Trung Quốc, Việt Nam đến nay chỉ ghi nhận "tư tưởng Hồ Chí Minh", thực chất là một hệ tư tưởng tổng hợp từ nhiều nguồn tư tưởng khác nhau. Và khi đề cập đến yếu tố tư tưởng chỉ đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn trả lời : Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết thỏa đáng từng vấn đề của ta. Chớ còn tư tưởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới và xã hội con người thì tôi là học trò của Mác, Ăng ghen, Lênin, chớ làm gì có tư tưởng ngoài triết học Mác.

Câu nói của ông Võ Văn Thưởng vô hình chung tạo nên bước đệm để đưa quan điểm và phương pháp chỉ đạo trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian qua (đặc biệt là nạn tham nhũng, nạn tự chuyển biến trong tư tưởng chính trị) trở thành hệ tư tưởng xếp sau tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù, ông Võ Võ Thưởng rào đón bằng quan điểm, "Đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của Đảng", tuy nhiên, cách ông Thưởng "nói thật" khiến không ít người giật mình về khả năng đưa ông Nguyễn Phú Trọng trở thành lãnh tụ, đề ra một tư tưởng mới, như cách Tập Cận Bình tiến hành tại Trung Quốc.

Vấn đề là, ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng như cách ông Võ Văn Thưởng nói ?

Khác với Tập Cận Bình, người vào tháng 10/2017 đã ghi trong Hiến pháp Trung Quốc học thuyết chính trị mới mang tên : Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với Đặc điểm Trung Quốc trong Kỷ nguyên mới". Ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay mới dừng ở một số phương pháp chỉnh đốn đảng , với nguồn cảm hứng lớn lao từ chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình.

Ông Tập đi nhanh tới phá bỏ giới hạn nhiệm kỳ dành cho lãnh đạo đứng đầu đảng, hình thành các lớp học chủ nghĩa Mác ở trong và ngoài nước. Trong khi ông Trọng mức dừng ở việc phát hành những cuốn sách đặc biệt dành riêng cho chức vụ Tổng Bí thư như lệ thường.

Tập Cận Bình đề ra một xã hội nhân dân, trong đó cấu trúc của nó bao gồm : Tư tưởng Tập Cận Bình : phát triển lấy con người làm trung tâm, phát triển đổi mới, phát triển xanh, phát triển phối hợp, phát triển mở cửa và chia sẻ sự phát triển. Thậm chí, Tập Cận Bình vào năm 2018, đã dành 3,5 giờ đồng hồ chỉ để phác thảo kế hoạch chính trị của ông trong 30 năm tiếp theo tại Đại hội Đảng cộng sản. Ngay sau đó, cơ quan truyền thông của Đảng cộng sản Trung Quốc và hệ thống trường học tuyên truyền đã nỗ lực để người dân trong và ngoài Trung Quốc hình dung được học thuyết của Tập Chủ tịch. Tập cũng cụ thể hóa hàng loạt các mục tiêu quốc gia cho năm 2050, như biến Trung Quốc thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu tiên phong, biến quân đội thành một lực lượng trù bị thế giới, xóa đói nghèo và nhắc lại cam kết tiếp tục mở cửa thị trường nhằm cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng vẫn xoay quanh vấn đề chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng, về mặt kinh tế - ông thay mặt Bộ Chính trị tuyên bố "kinh tế tư nhân là động lực nền kinh tế". Nghĩa là, khi Tập Cận Bình có tham vọng "Made in China 2025/2050" thì ông Trọng lại tỏ ra băn khoăn về mô hình phát triển của đất nước, mặc dù ông đã cố gắng ràng bọc cẩn thận để tránh bị suy diễn là "tự chuyển biến, tự chuyển hóa". Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào ? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào ? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó", phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương X.

Ông Tập thậm chí còn phát hành những cuốn sách gối đầu giường cho hàng ngàn cán bộ, với hệ nguyên tắc tư tưởng nhằm thắt chặt và kỷ luật chính trị quan liêu, trong khi tăng cường đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối của đội ngũ nhà nước với đảng. Và hàng chục viện nghiên cứu được thành lập để nghiên cứu về tư tưởng Tập, các trường ĐH được tiến hành các chương trình giảng dạy tư tưởng Tập, bên cạnh Mao. Trong lúc đó, phía Hà Nội cho ấn hành tác phẩm "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế", chủ yếu nói về tình cảm và đánh giá việc làm của ông Trọng, hơn là "tư liệu quý của đảng viên" như cách ông Phạm Minh Chính đề cập.

Nếu coi ông Tập Cận Bình là một kiến trúc sư của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, bên cạnh Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Thì ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù với chuyên ngành xây dựng đảng, nhưng ông chỉ dừng ở việc, dẫn Đảng cộng sản Việt Nam đi một cách lắt léo hơn trên con đường thoái hóa toàn diện tất yếu.

Con đường và một đích đến : kiểm soát, chấn chỉnh và tạm thời

Tuy nhiên, giống như Tập, ông Trọng đang có vẻ cố gắng khôi phục giá trị toàn trị Leninist, Stalinist như cách Tập đang cố gắng hồi phục Maoist tại Trung Quốc. Thay vì chọn lọc ý tưởng thích nghi của Nho giáo, Phật giáo, và hệ tư tưởng Tây phương mà ông Hồ thu thập được thời thanh niên, ông Trọng có vẻ là một nhà toàn trị tận tụy, đảng luôn là then chốt, và đảng thực hiện kiểm soát trong các chính sách chính trị, dân sự, học thuật và quân sự. Cách ông Nguyễn Phú Trọng nắm các vị trí chủ chốt trong Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,… hay tiến hành các phương pháp bỏ phiếu mới trong trung ương Đảng đã cho thấy sự kiểm soát tối đa.

Bằng cách này hay cách khác, ông Trọng chia sẻ sự giới hạn của tự do tư tưởng với Tập. Và cả hai ông trở nên khắt khe hơn với các giá trị tự do, coi dân chủ hóa, xã hội dân sự hay nhân quyền phổ quát là bước đường cùng buộc phải thực hiện nếu cần cứu lấy chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế. Và việc Hà Nội ký kết cầm chừng, hòa hoãn nhân quyền trong TPCPP hay EVFTA đã cho thấy điều đó. Trong khi đó, ông Trọng đang cố gắng mở rộng sự kiểm soát trở lại của đảng sau thời kỳ lũng đoạn của ông nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bằng chiến dịch chống tham nhũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận xã hội.

Bằng sự giống nhau đến chừng rập khuôn đó, ông Trọng trở thành một người học theo tư tưởng của ông Tập, hơn là một nhà lý luận có tầm tư tưởng. Thậm chí, cách ông Trọng học theo còn diễn ra ở ngay cả việc, ông Trọng cố gắng đẩy mạnh phát triển kinh tế, và đưa người dân trở thành những người theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng hơn là những người tìm cách thúc đẩy xã hội dân sự và chủ nghĩa tự do Tây Phương trong đời sống.

Không hẳn nhiên mà ông Chu Hảo bị kỷ luật, và bản thân ông Trọng nhấn mạnh yếu tố "tự chuyển biến" trong đội ngũ con cháu công thần.

Rõ ràng, mục tiêu và cả phương pháp chính trị của ông Trọng chịu ảnh hướng rất lớn từ tư tưởng của ông Tập Cận Bình trong đó đề cao giám sát, đàn áp và quyền lực tuyệt đối. Ông Tập cũng dẫn đường cho ông Tập thấy "lỗi thể chế" phát sinh, như yếu kém ở trung ương đảng, do kỷ luật tư tưởng lỏng lẻo và tham nhũng lan tràn. Và chiến dịch chống tham nhũng của Tập lẫn ông Trọng không chỉ gây ra nỗi sợ hãi trong hàng ngũ của đảng, mà còn giúp cả hai loại bỏ các đối thủ và rào cản cho các kế hoạch lớn của cả hai ông trong hồi sinh sức sống lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, cả hai ông đều biết ăn nói, biết làm nhưng thiếu sự lắng nghe, dù hiện tại chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng cho thấy sự hiệu nghiệm nhưng suy cho cùng đó chỉ là sự hữu hạn. Một cách hà hơi thổi ngạt cho một căn bệnh đột quỵ nan y.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 08/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)