Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2019

Những tấm mề đay rẻ mạt sau số phận quan chức

An Viên

Huân huy chương, đặc biệt là huân chương lao động là vật phẩm đặc biệt do Nhà nước Việt Nam đặt ra để ghi nhận và tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân (kể cả tập thể và cá nhân nước ngoài) có thành tích, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh đóng lại, nền kinh tế thị trường mở cửa, thì cũng là lúc giá trị của các vật phẩm này ngày một rẻ rúng.

medai1

Ông Vũ Văn Ninh (phải) trong buổi lễ nhận Huân chương do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Bộ Chính trị kỷ luật nguyên phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vì vi phạm liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh.

Cũng giống như nhiều chính khách khác, ông Vũ Văn Ninh trước đó đã nhận được Huân chương hạng Nhất và với nhận xét "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao" vào tháng 4/2016.


Ông Lê Tấn Hùng, em cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, người có mác cán bộ từ năm 1978 và liên tục là cán bộ cho đến khi bị bắt giữ cũng có nhiều huân huy chương như thế.

Huân huy chương, đặc biệt là huân chương lao động là vật phẩm đặc biệt do Nhà nước Việt Nam đặt ra để ghi nhận và tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân (kể cả tập thể và cá nhân nước ngoài) có thành tích, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh đóng lại, nền kinh tế thị trường mở cửa, thì cũng là lúc giá trị của các vật phẩm này ngày một rẻ rúng.

Vào nắm 2015, báo chí Việt Nam đưa tin, tại xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, xuất hiện trường hợp khai man năm sinh, kê khai sai thành tích để nhận huân huy chương, một số trường hợp khác chấp nhận nộp 350.000 tiền công viết cho cán bộ xã để được nhận huân huy chương.

Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua,… hay nhiều danh hiệu cao quý khác do Đcộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam trao tặng đã trở thành một tấm mề đay thời Pháp thuộc. Bởi nó không biểu hiện thực sự cho công trạng đối với quốc gia, dân tộc, nhưng nó lại biểu hiện đặc hữu về lòng trung thành vô cùng và vô tận đối với chính đảng. Nó biến thành một vật phẩm trang trí cho cả sự giả dối về thành tích và lòng tin, và trở thành một trong những vật phẩm vô giá về mặt hình thức cho những cá nhân, tập thể.

Giống như hàng Việt Nam chất lượng cao được trao một cách đại trà cho những công ty có nhiều tiền, các huân huy chương tưởng chừng cao quý dường như rao bán trên quyền lực của các quan chức và tập thể cơ quan. Quan chức càng lớn thì huân huy chương càng cao quý, và ở chừng mực nào đó, nó thể hiện tính xum xoe và xu nịnh của lớp quan dưới với lớp quan trên, và sự cẩu thả, dửng dưng ban phát không cần đếm đo của cái gọi là Ban thi đua khen thưởng.

Một đội ngũ quan chức tiếp xúc với Tây phương, được học tập ngày ngày tư tưởng Hồ Chí Minh, và bị điều lệ đảng kiểm soát. Nhưng cái nhỏ nhất về cách hành xử đối với huân huy chương, khi mà sự cống hiến hoặc lương tâm chưa cho phép như thời ông Hồ lại chưa thấy một cá nhân nào học tập theo, ít nhất là về mặt hình thức.

"Tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội", quan điểm từ chối Huân chương Sao Vàng của ông Hồ.

Hóa ra, giữa học tập và làm theo là một biên độ rất dài, và quan chức càng cấp cao thì khả năng để "tự xét" lại càng nhỏ, bởi mưu cầu về sử dụng các huân huy chương như một hình thức lấp liếm công tội vẫn đang được sử dụng phổ biến trong não trạng quan chức, như một hình thức "có công với cách mạng, nhà nước" khi đối diện với pháp luật hoặc kỷ luật trong đảng.

Liêm sỉ của người làm quan Việt Nam thời nay đa phần dược định giá… 0  đồng.

Thế nên mới có chuyện, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị Bộ Nội vụ Việt Nam hủy bỏ bằng khen, thu hồi huân chương từng tặng khi ông bị "truy nã đỏ" bởi bộ Công An. Và trong danh sách thi đua khen thưởng, ông nhận được danh hiệu cao quý "Anh hùng Lao động", "Bằng khen Chính phủ"...

Trong khi quan chức, một số thì tìm cách cho vào bộ sưu tập những huân huy chương cao quý với quyền lực của mình, thì huân huy chương ở một số phận người đã bị hắt hủi. Nhiều huân huy chương cao quý khác cũng được những người bị cưỡng chế đất sai trái mang ra làm bình phong khi đối chấp với quan chức hiện tại, hoặc đối diện với những cuộc cưỡng chế đất của cơ quan chức năng, hoặc đơn thuần để thể hiện sự phẫn nộ, căm hờn.

Trong một video vào năm 2015, dân oan Hồ Thị Niên, một người khiếu kiện 30 năm vì bị mất đất và nhà cửa, trên đầu với mũ cối đã khóc nức nở, và cay đắng thừa nhận, "18-20 cái huy chương của đảng không đổi được cân gạo".

Giá trị của tấm huân huy chương không trở thành một ghi nhận xứng đáng cho những người thực tâm cống hiến, mà nó trở thành một vật chứng để cho thấy, khi cơ chế chính sách và chủ trương không vì dân, thì huân huy chương trở thành vật chứng cho trạng thái "ăn cháo đá bát" và ghi nhận sóng ngầm phẫn nộ của người dân mất đất.

Cùng là huân huy chương, nhưng lại mang nhiều số phận khác nhau. Nhưng chung quy, cũng chỉ là những tấm "mề đay" rẻ mạt như chính số phận của chúng.

An Viên

Nguồn : VNTB, 10/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 813 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)