Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/07/2019

Tư nhân hóa và quyền tư hữu

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong chuyến thăm viếng Vương Quốc Anh vừa qua, Bộ trưởng Tài chính của Việt Nam cho biết "Hiện còn khoảng 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, là các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam, sẽ tiến hành cổ phần hóa tới đây. Vì là các doanh nghiệp lớn nên việc định giá tài sản và xử lý tài chính cần có thời gian thực hiện để làm sao làm đúng và đủ". Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về chuyện này qua một khía cạnh là quyền tư hữu về đất đai.

quyentuhuu1

Sân golf Tân Sơn Nhất khiến người dân bức xúc - Courtesy : Ảnh chụp màn hình news.zing.vn

Tiến hành cổ phần hóa

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, trên diễn đàn chuyên đề này, ông nhiều lần nhắc tới sức đóng góp rất kém mà vị trí quá cao của doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc và Việt Nam.

Khi nói đến yêu cầu cải tổ kinh tế, ông nhấn mạnh việc thay đổi tư duy ở trên rồi mới đến cải cách doanh nghiệp ở dưới, với hàm ý chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước và với nội dung là đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp đó. Ngày nay, theo lời giới hữu trách tại Việt Nam thì hiện còn khoảng 90 tổng công ty nhà nước, là các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam, sẽ tiến hành cổ phần hóa. Vì là các doanh nghiệp lớn nên việc định giá tài sản và xử lý tài chính cần có thời gian thực hiện để làm sao làm đúng và đủ". Ông nghĩ sao về chuyện "cố phần hóa" đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng, người ta cần thay đổi nhận thức và chính sách liên hệ đến hai lý luận cơ bản là, thứ nhất, "định hướng xã hội chủ nghĩa" và thứ hai là vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Từ đã lâu, chúng ta có nhiều dịp phân tích sự thể ấy và ngày càng có nhiều người đồng ý như vậy ở trong nước.

Chính quyền Việt Nam cũng đề cập tới yêu cầu tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng khi đi vào bước cụ thể là phải tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì người ta đụng vào nhiều trở ngại, thí dụ như khi Bộ trưởng Tài Chính Hà Nội cho biết rằng "các doanh nghiệp này có rất nhiều đất đai trên các địa phương nên cần phải có phương án xử lý", và vì vậy việc này tiến hành chậm.

Nguyên Lam : Trước đây, ông từng là chuyên gia tư vấn về cải cách doanh nghiệp và thực hiện việc đó tại nhiều quốc gia cho các tổ chức quốc tế. Khi đi vào công tác cụ thể của cải cách hay cổ phần hóa, người ta có thể gặp những trở ngại gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, xin hãy nói về định nghĩa và mục tiêu để thống nhất về nội dung mình muốn trình bày cho thính giả.

Thế giới dùng khái niệm "tư nhân hoá", Việt Nam gọi chệch là "cổ phần hóa". Chi tiết ấy cho thấy khác biệt về tư duy nên ta nói về cải tổ tư duy. Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước là cải cách cơ sở pháp lý để tư nhân khả dĩ tham gia vào việc hùn vốn, là làm chủ một phần hay toàn phần của các phương tiện sản xuất, và tham dự vào tiến trình quản lý với kiến thức hiện đại về tổ chức và quản trị. Mục tiêu là cải tiến năng suất của các cơ sở này đồng thời thu về tài nguyên do tư nhân góp vốn hầu nhà nước có phương tiện giải quyết nhu cầu khác. Kinh tế học gọi quyết định ấy là "giải tư", ngược với đầu tư, nhà nước rút bớt việc đầu tư tiền bạc vào các ngành sản xuất vẫn đảm nhiệm qua doanh nghiệp nhà nước.

Tiến trình tư nhân hóa có bước pháp lý và kế toán là "cổ phần hóa", để xác minh quy chế pháp lý của doanh nghiệp nhà nước, chấn chỉnh hồ sơ tài chính hầu xác định trị giá doanh nghiệp qua các cổ phần sẽ bán cho tư nhân trên thị trường tài chính. Khi dùng chữ "cổ phần hóa", chính quyền Việt Nam chỉ chú ý tới một trong nhiều khâu của cải cách, có lẽ vì cố tránh chữ "tư nhân hóa" của thế giới. Sự tránh né trong tư tưởng khiến ta phải nói đến việc thay đổi từ cái đầu.

Làm gì khi tư nhân hóa doanh nghiệp ?

Nguyên Lam : Thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết là khi tư nhân hóa các doanh nghiệp, người ta phải làm những việc gì trong thực tế ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được trình bày rất khái quát như sau.

Doanh nghiệp là cơ sở sản xuất có mục tiêu kiếm lời. Cơ sở này vận dụng một số phương tiện gọi là "nhập lượng" ở đầu vào, được đưa vào sản xuất để tạo ra một "xuất lượng" có giá trị cao hơn ở đầu ra. Sai biệt giữa xuất và nhập lượng cho ta kết quả kinh doanh là lời hay lỗ. Doanh nghiệp nhà nước là cơ sở mà các phương tiện sử dụng thuộc quyền sở hữu và quản lý của nhà nước. Khi cải cách, ta trước tiên giải quyết vấn đề pháp lý là nhà nước nào, bộ phận nào của nhà nước có trách nhiệm sử dụng và kiểm soát các phương tiện đó ?

Nhưng bước quan trọng hơn thế vẫn là kiểm tra tài chính, để xem phương tiện này là những gì, bao nhiêu, xuất xứ từ đâu, sử dụng ra sao qua tiến trình sản xuất ? Khi ấy, ta có một định nghĩa kế toán của doanh nghiệp. Cơ sở sản xuất này vận trù một số tài sản, trong đó có loại tài sản mà doanh nghiệp là chủ, gọi là "tích sản" và những tài sản mà doanh nghiệp vay mượn ở ngoài, gọi là "tiêu sản" – nôm na là tiền nợ. Khi khấu trừ phần tiêu sản trong tích sản, ta có tài sản thuần của doanh nghiệp – nôm na là phần vốn riêng. Khi dự toán về xuất lượng và mức lời trong tương lai, người ta có thể biết được khả năng sinh lời của khoản vốn ấy, từ đó định ra là cổ phần của doanh nghiệp đáng giá là bao nhiêu hầu có thể rao bán cho tư nhân mua lại. Tiến trình tư nhân hóa doanh nghiệp vì vậy đòi hỏi việc xác minh tài sản, phần vốn và nợ, và dự toán về giá trị của phần vốn đó trong tương lai, và đất đai là một phần vốn được sử dụng. Và đấy là ách tắc lớn nhất.

Nguyên Lam : Thưa ông, vì sao đấy là ách tắc lớn nhất ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin lỗi là vẫn phải nói đến vài chi tiết chuyên môn.

Trong các tài sản do doanh nghiệp quản lý, ta có nhiều loại. Một cách đếm là phân biệt tài sản cố định với tài sản di động, xin gọi là "bất động sản" như đất đai, phòng ốc, hãng xưởng, thiết bị, v.v... và "động sản" là các phương tiện khả dĩ dời đổi vị trí, kể cả tiền vay mượn ngắn hạn như vốn luân lưu chẳng hạn. Thế thì khi xác định trị giá của tài sản để từ đó tính ra triển vọng sinh lời hầu biết là nên rao bán cổ phần của xí nghiệp là bao nhiêu thì hợp lý, chúng ta gặp một vấn đề khó có giải pháp, là đất đai. Sở dĩ như vậy là vì quy chế pháp lý của đất đai tại Việt Nam. Cải cách doanh nghiệp của Việt Nam bị ách tắc vì luật đất đai của xứ này.

Luật đất đai : chướng ngại cơ bản

Nguyên Lam :Từ việc định giá doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa, ông xoáy vào một trở ngại là chuyện đất đai, y như ông Bộ trưởng Tài Chính của Hà Nội vừa nói tới. Xin đề nghị ông giải thích sự việc này cho thính giả cùng hiểu.

quyentuhuu2

Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận của Thanh tra chính phủ rằng khu đất 59ha tại Đồng Sên thuộc Bộ Quốc phòng. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam có một cơ chế quái đản về quyền tư hữu, thể hiện rõ nhất trong quyền sở hữu đất đai và đấy là chướng ngại cơ bản khiến xứ này không có tương lai.

Trước hết, thế giới đều tôn trọng quyền tư hữu, là quyền sở hữu của tư nhân trên một số tài sản kể cả và nhất là đất đai. Điều 17 của "Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Quyền làm người" có quy định việc đó. Hiếp pháp của hầu hết các nước hoặc Hiến ước Âu châu cũng thế mà Việt Nam nên nhớ khi vừa ký kết với Âu châu.

Trong quy phạm của quyền sở hữu tài sản, người ta phân biệt ba loại quyền. Thứ nhất là quyền sử dụng và khai thác, gọi theo tiếng Latinh là "usus" ; thứ hai là quyền kiếm lời và hưởng lợi nhờ tài sản đó, gọi là "fructus" ; và thứ ba là quyền chuyển nhượng, tức là bán hay bỏ tài sản này, mà người ta gọi là "abusus".

Khi Hiến pháp quy định rằng "đất đai là quyền sở hữu của toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý", thì chính quyền Việt Nam thực tế giới hạn quyền tư hữu và dùng tư tưởng công hữu để tập thế hóa hay quốc hữu hóa tài sản của người dân. Một cách cụ thể thì người dân chỉ có hai quyền đầu tiên là khai thác và kiếm lời, "usus" và "fructus", mà không có quyền chuyển nhượng là "abusus" vì quyền đó thuộc nhà nước qua quy định là "do nhà nước thống nhất quản lý". Sự thật thì đảng và nhà nước quản lý loại tài sản đó cho tay chân của mình và gây ra tình trạng cướp đất mà chẳng có bồi thường thoả đáng.

Nguyên Lam : Nguyên Lam hiểu ra chuỗi lý luận của ông, nhưng vấn đề ấy liên hệ ra sao đến việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng trong các tài sản do 90 tổng công ty nhà nước quản lý ta có lù lù một khối là đất đai.

Khi xưa, khoản tài sản ấy được thụ đắc hoặc thực tế là cướp của dân với giá quá rẻ vì bồi thường rất ít, sau đó được đưa vào kinh doanh và trao đổi với giá rất cao. Nhờ quy chế ưu đãi của mình, doanh nghiệp nhà nước còn có thể xắn đất thành từng mảng nhỏ, xây dựng thành cơ xưởng văn phòng và dùng tài sản đó làm vật thế chấp khi đi vay ngân hàng cho nhiều dự án ma của họ. Qua mỗi đợt trao đổi, vay mượn hay liên doanh như vậy – kể cả khi lập công ty cổ phần, công ty vệ tinh hay các cơ sở bình phong – đảng viên cán bộ kiếm tiền rất nhiều nhờ cái quyền chuyển nhượng "abusus", do nhà nước thống nhất quản lý mà ra. Hậu quả của chuỗi kinh doanh mờ ám này là người ta khó xác minh được nguồn gốc và giá trị tài sản khi cần định giá cổ phần của các doanh nghiệp để có thể tư nhân hóa.

Khi muốn tư nhân hóa các doanh nghiệp tài chính của nhà nước, như ngân hàng chẳng hạn, thì làm sao tính ra các loại tích sản và tiêu sản thực tế nếu bên trong lại là những khoản tín dụng cấp phát trên cơ sở của các bất động sản được đưa vào làm tài sản thế chấp ? Chúng ta có một mớ bòng bong về quyền lợi chòng chéo trong một hệ thống luật lệ thiếu phân minh mà chuyên gia tư vấn của nước Anh có được mời vào giúp đỡ về kỹ thuật cũng chửa biết nói sao và làm sao.

Nguyên Lam : Nếu vậy, từ việc cải cách doanh nghiệp trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế người ta đụng vào một ách tắc bất ngờ là quy chế về đất đai. Thưa ông, có phải vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng vậy và ngần ấy vụ khủng hoảng đang xảy ra đều xuất phát từ đất đai, và đa số các vụ khiếu kiện cũng liên quan đến đất đai. Việc cải tổ cấu trúc tài chính và ngân hàng cũng liên quan tới đất đai. Nhìn rộng ra ngoài, toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước này cũng liên quan đến đất đai và quyền sử dụng đất.

Nếu muốn phát triển quốc gia và ngay trước mắt, canh tân hạ tầng cơ sở sản xuất, thì ai ở trên cũng có thể nghĩ đến việc sửa Luật Đất đai và giảm giá đất. Nhưng người ta lập tức đụng vào bức vách quyền lợi của các đảng viên cán bộ đã được hưởng mà chẳng phải đóng góp gì nhiều nhờ con dấu hay tấm sổ đỏ của họ. Chính vì vậy, chính quyền Việt Nam khó giải quyết ách tắc với việc cải sửa bộ Luật Đất đai, vốn cũng là một yêu cầu ưu tiên của tái cơ cấu kinh tế. Đằng sau ách tắc đa diện ấy chính là việc quyền tư hữu của người dân không được công nhận. Mỉa mai hơn vậy, chế độ công hữu hình thức này sản sinh ra một giai cấp mới là các đại địa chủ và đại trang chủ có quan hệ với một đảng tự xưng là vô sản là đại biểu của nông dân và công nhân ! Họ cướp đất của dân không để xây trường xây chợ mà để làm sân golf, sòng bạc và trở thành tỷ phú nhưng chẳng quan tâm gì đến cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguyện Lam : Khi tổng kết việc định giá doanh nghiệp để tư nhân hóa các cơ sở sản xuất nhằm thu hút tư bản, công nghệ và kỹ thuật hầu nâng cao năng suất kinh tế quốc dân, thưa ông, người ta gặp tắc nghẽn là chuyện đất đai. Và đằng sau tắc nghẽn này còn có chế độ sở hữu lệch lạc vì trao cho đảng cái quyền phân bố tài sản, hoặc công hữu hóa đất đai của dân. Có phải đấy là kết luận của ông không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng vậy mà đấy mới chỉ là một phần của vấn đề thôi.

So sánh dân số với diện tích lãnh thổ thì Việt Nam không là một nước giàu có, với tài nguyên đất đai thật ra hữu hạn cho cả nông nghiệp lẫn công nghiệp mà còn bị Trung Quốc chi phối và thu hẹp. Vì thế, người ta cần sử dụng đất với lợi ích cao nhất và phí tổn thấp nhất, kể cả phí tổn tưởng như vô hình là môi trường sinh sống bị ô nhiễm. Nhưng với quy chế sở hữu hiện nay, một đảng năm xưa tự xưng cách mạng và tranh đấu cho nông dân từ khẩu hiệu cải cách ruộng đất nay đã cướp đất phá rừng của dân. Khi người dân khai khẩn đất đai trên cái diện tích hữu hạn ấy để mở rộng khả năng canh tác thì công lao của họ cũng bị cướp, ai phản đối thì lại bị công an đàn áp.

Khi nhìn vào việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, ta đụng vào trở ngại không lối thoát là quyền sở hữu đất đai. Trở ngại ấy cũng gây ách tắc cho nhiều nỗ lực cải cách khác, từ tài chính ngân hàng đến thị trường bất động sản, từ thuế khóa đến quy hoạch và đô thị hóa. Cái gốc của vấn đề nằm trong sự thể quái đản là nhà nước Việt Nam không công nhận quyền tư hữu của tư nhân và mặc nhiên cho phép tay chân nhà nước trục lợi bất chính và khiến xứ sở tụt hậu. Cho nên, người ta vẫn phải cải tổ từ đầu, từ lối tư duy lạc hậu trên đầu nguồn.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)