Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/07/2019

230 năm Đại cách mạng Pháp (14/07/1789 – 14/07/2019)

Lê Phú Khải

230 năm Đại cách mạng Pháp (14/07/1789 – 14/07/2019) nước Pháp một lần tôi đã gặp

230 năm đã đi qua, chúng ta hãy dành ít phút để đọc lại những dòng mở đầu trịnh trọng của bản tuyên ngôn lịch sử này : "Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con người".

cachmang1

Cách mạng Pháp được xem là cuộc cách mạng triệt để, tiêu biểu nhất mà các cuộc cách mạng tư sản trước đó ở Anh, ở Hà Lan chưa làm được. Vua Louis 16 và hoàng hậu Marie Antoinette bị cách mạng giết.

Cách mạng Pháp được xem là cuộc cách mạng triệt để, tiêu biểu nhất mà các cuộc cách mạng tư sản trước đó ở Anh, ở Hà Lan chưa làm được. Vua Louis 16 và hoàng hậu Marie Antoinette bị cách mạng chặt đầu. Nó xóa bỏ triệt để các đặc quyền đặc lợi của phong kiến. Quần chúng nổi dậy ở Paris đã phá ngục Bastille ngày 14/07/1789, giết chết tên chỉ huy Launay – người ra lệnh bắn vào quần chúng đi phá ngục. Đầu của Launay bị xóc vào ngọn giáo mang đi diễu hành trên đường phố. Ngày 14/7 trở thành ngày Quốc khánh Pháp. Cách mạng 1789 từ đó trở thành trung tâm của lịch sử thế giới hiện đại. Khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" (Liberté - Égalité - Fraternité) của Cách mạng 1789 đã in đậm trên bầu trời nhân loại… Chính vì thế mà Marx đã gọi Cách mạng Pháp là "đầu tàu của lịch sử". 

Loài người ghi nhận công lao vĩ đại của Cách mạng Pháp còn ở chỗ, nó lần đầu tiên trong lịch sử, đã dõng dạc tuyên ngôn về Quyền Con người. Ngày 26/08/1789, bản Tuyên ngôn về các Quyền Con người và các Quyền Công dân gồm 17 điều được chính thức thông qua. 

Tuyên ngôn Quyền Con người và Quyền Công dân của Cách mạng Pháp đã tỏa sáng thế giới suốt hơn 2 thế kỷ qua và mãi mãi tỏa sáng trong lịch sử loài người. Lý do có nhiều, nhưng như một sử gia đã nhận định, chủ yếu là do "tính chất phổ biến tuyệt đối của nó, do cách lập luận thuần túy lý trí của nó, do cái giọng nói lên những chân lý tuyệt đối của nó". 

*

230 năm đã đi qua, chúng ta hãy dành ít phút để đọc lại những dòng mở đầu trịnh trọng của bản tuyên ngôn lịch sử này : "Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con người". 

Nước Pháp đến giữa thế kỷ 18 là nước đông dân nhất Châu Âu với 24 triệu thần dân. Tuy nông nghiệp vẫn lạc hậu, nhưng công thương nghiệp Pháp phát triển với công nghệ dệt, khai khoáng và luyện kim, trong các xí nghiệp máy móc được sử dụng rộng rãi, tập trung hàng ngàn công nhân, giao thương buôn bán được mở mang, đồng tiền vàng của Pháp lúc đó lưu hành khắp Châu Âu. Xã hội Pháp phân chia rõ rệt. Phong kiến qúy tộc và tăng lữ chiếm địa vị thống trị với rất nhiều đặc quyền đặc lợi. Tầng lớp thứ ba bao gồm nông dân, thợ thuyền và tư sản bất mãn sâu sắc với giới qúy tộc và tăng lữ. Vua Louis 16 ăn chơi xa xỉ đến mức phải vay nợ của các chủ ngân hàng để trang trải cho ngân khố. Đúng như sử gia Pháp Albert Mathier (1874-1932) đã phân tích : "Cách mạng 1789 đã bùng nổ ra không phải trong một đất nước khánh kiệt, mà trái lại, nó bùng nổ trong một đất nước đang phồn vinh, đang trên đà phát triển mạnh mẽ". 

Cách mạng 1789 đã diễn ra với những thăng trầm đầy kịch tính và đẫm máu. Và nó còn "kỳ lạ" nữa ! Hàng ngàn ca khúc cách mạng đã ra đời trong những năm đó. Có đại biểu Quốc hội lên diễn đàn chỉ hát thật hùng hồn, hừng hực… một bài ca rồi đi xuống !

Hơn nửa thế kỷ sau, cháu của Napoléon là Louis Bonaparte lên làm tổng thống, nhưng tên này lại muốn quay lại làm vua, và năm 1852 Louis Bonaparte đã đảo chính, khoác áo vua lên làm hoàng đế. Nền Cộng hòa thứ hai lại bị thay bằng đế chế II ! 

Nước Pháp có câu ngạn ngữ đầy ý nghĩa : "Những dân tộc hạnh phúc không có lịch sử" (Les peuples heureux n’ont pas d’histoire). Có nghĩa là, không có địch họa, không có thiên tai, không có chiến tranh… các sử gia không có gì để viết (!), nhân dân sẽ được sống bình an. Nhưng nước Pháp lại là nước có "quá nhiều lịch sử". Đến bây giờ các sử gia vẫn còn tranh cãi về Cách mạng Pháp 1789, về những thăng trầm và tàn sát đẫm máu liên tiếp của cuộc cách mạng này. 

*

Nước Pháp một lần tôi đã gặp… để được nhìn tận mắt, nghe tận tai về cái đất nước đã sinh ra câu ngạn ngữ "Những dân tộc may mắn không có lịch sử !"

…Từ bên đường bên kia, một người đàn ông trung niên khá đẹp trai đã lao sang bên này, nơi chúng tôi đang đứng. Anh ta cúi chào, vui vẻ nói chuyện với ông chú tôi một cách rất vồn vã, thân mật… rồi đưa chú tôi một tờ rơi lớn bằng bàn tay, có in hình anh ta ở mặt trước và chữ ở mặt sau. Tôi hỏi : Tay này thân với chú lắm sao !? Chú tôi cười và nói : Y đang tranh cử chức quận trưởng quận 19 này. Biết chú quen biết nhiều Việt kiều trong quận nên y tranh thủ vận động chú và Việt kiều bỏ phiếu cho y… Nói rồi ông chú tôi đưa cái "tờ rơi" cho tôi coi. Tôi ngắm chân dung y ở mặt trước rồi lật mặt sau đọc. Ngay dòng chữ in đậm trên cùng là một câu "khẩu hiệu" rất mùi mẫn : "Paris của tôi, đó là Quận 19" (Mon Paris, c’est le 19e). Dưới là tên y, François Asselineau được in đậm nhất. Bên dưới là "sơ yếu lý lịch" của Asselineau : 43 tuổi, sinh ra và luôn sống ở Paris, đã có vợ và 2 con. Từng học trường Quốc gia Hành chính về Thanh tra Tài chính. Hiện nay là Tổng giám đốc trong một tập đoàn địa phương… 

Thì ra là vậy, chức quận trưởng được tranh cử đến từng người dân trong quận ngay trên hè phố như vậy ! Chú tôi còn cho hay, lúc này thị trưởng Paris cũng đang tái tranh cử chức thị trưởng. Ông này mới tổ chức một cuộc hòa nhạc, mời các nhạc công trứ danh ở Paris biểu diễn, bán vé lấy tiền để cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở Miền Trung Việt Nam (năm đó, 2001, Miền Trung Việt Nam đang có lụt lớn). Ông này cũng muốn tranh thủ cử tri Việt ở Paris. 

Xem cái cách người Pháp tranh cử mà thấy hổ thẹn cho nền dân chủ "đảng cử dân bầu" của chế độ độc trị ở Việt Nam. Một chính thể luôn leo lẻo là "của dân, do dân và vì dân" nhưng nhân dân biến mất trong việc chọn lựa những người sắp tới sẽ cai trị mình ! Một tay muốn được chức chủ tịch quận ở Việt Nam thì chỉ lo chạy chọt "các đồng chí trên thành ủy là đủ" ! Chưa bao giờ khái niệm nhân dân có trong đầu óc họ. Lúc tôi viết những dòng này, người ta cũng đang cơ cấu nhân sự cho đại hội 13 của đảng cầm quyền. Một nhúm người trên bộ máy cai trị ở chóp bu, đang "cơ cấu" những người sẽ là chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, bí thư tỉnh… để cai trị đất nước trong giai đoạn sắp tới. Nhân dân chỉ là, hay muốn là gì cũng được !!!

Năm 1789, lúc Cách mạng Pháp nổ ra, thì ở nước ta, cũng năm 1789 đó, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ vừa đại thắng quân Thanh, sau đó vui mừng cưới công chúa Ngọc Hân xứ Bắc, rồi rút quân về Nam và tiếp tục làm vua. Chế độ phong kiến Việt Nam kéo dài đến cuối thế kỷ 19 thì quân xâm lược Pháp kéo vào, với pháo hạm và đại bác của nền công nghiệp Pháp, đã mau chóng chiếm được Việt Nam. Bọn thực dân tiếp tục duy trì chế độ phong kiến nửa thực dân ở Việt Nam cho đến đầu thế kỷ 20… và đó là mảnh đất màu mỡ để những người cộng sản Việt Nam rước chủ nghĩa Marx-Lenin độc đảng vào Việt Nam. 

Lúc tôi đặt chân đến Paris thì năm trước, tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng mới đi thăm nước Pháp. Việt kiều ở Paris cho hay : cũng muốn xem mặt mũi ông vua nước mình thế nào, nhưng báo chí, truyền hình… ở Pháp không hề đưa một giọt tin tức, một tấm hình… Vì tổng thống Pháp chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia, có tư cách pháp nhân để ký kết các hiệp định kinh tế, văn hoá… Nếu tổng bí thư một đảng như ông Phiêu cũng được tổng thống tiếp thì thành một tiền lệ, sau này tổng bí thư một đảng ở các nước đa đảng sang Pháp cũng đòi tổng thống Pháp phải tiếp thì… chết (!). Năn nỉ mãi, tổng thống Pháp François Mitterrand mới nể mặt bà Nguyễn Thị Bình (người đi đến gặp Mitterrand trước, để môi giới cho cuộc gặp) mà tiếp ông Phiêu. Người đi xe cùng bà Bình sau này kể lại rằng, đã đi được một quãng, bà Bình đòi quay về để xức nước hoa lên mu bàn tay. Bà Bình kể lại, khi bắt tay bà, tổng thống Pháp theo cách lịch sự của người Pháp đã cúi xuống hôn tay bà. Thế là mùi nước hoa đã… "góp phần" xúc tiến cho cuộc gặp. 

Nhưng tổng thống Pháp chỉ tiếp xã giao ông Phiêu có 45 phút. Đó là trường hợp rất hy hữu tổng thống Pháp "tiếp xã giao" ai đó. Vì tổng thống đã tiếp, thì phải có chương trình nghị sự, có ký kết làm ăn buôn bán… Vậy mà báo chí trong nước đã làm rùm beng lên việc tổng thống Pháp tiếp tổng bí thư Lê Khả Phiêu !

212 năm sau ngày vua Quang Trung cưới công chúa Ngọc Hân và nhân dân Paris chặt đầu cả vua Louis và hoàng hậu Marie Antoinette, tôi đã gặp một nước Pháp hiện thân của tự do và dân chủ để nghĩ về đất nước của mình – hiện thân của một quốc gia đã sống ngoài nhân loại cả ngàn năm mà vẫn không chịu thay đổi !

Trưa ngày 19/02/2001, kênh 1 đài vô tuyến truyền hình Pháp đã dành cả chương trình thời sự một tiếng đồng hồ để nói về Charles Trenet. Dân Pháp không thể tin rằng, nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ có hơn 50 năm gắn bó với đời sống tâm hồn của dân Pháp như Trenet lại từ bỏ nước Pháp ra đi vào những tháng năm đầu của thế kỷ mới ! Sẽ thiếu vắng Trenet ở tất cả các nẻo đường vui sống của nước Pháp ! Chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút nếu thiếu vắng những nhạc phẩm, những giọng ca, những ánh mắt… như Trenet. Ông là một nghệ sĩ như thế, một con người cần cho sự song hành giữa thực và mơ của đời sống Pháp. Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đã xuất hiện trên chương trình này để chia buồn với nhân dân Pháp. Phát biểu trên nhật báo Le Monde, kịch sĩ kiêm ca sĩ trứ danh Serge Hureau cho rằng sự ra đi của Trenet "nhắc nhở chúng ta rằng, người nghệ sĩ đó thuộc về ký ức tập thể của chúng ta, không nhất thiết như một lâu đài, mà như quán cà-phê góc phố". 

Hơn 50 năm lao động nghệ thuật, Trenet có một gia tài âm nhạc đồ sộ với trên 1000 bài hát, mà như Đài phát thanh quốc gia Pháp thì "một nửa số đó là ăn khách". Thính giả Pháp cho rằng Trenet có đến 20 bài ca bất hủ đã "đi vòng quanh trái đất" ! Riêng bài "Tình ta còn lại gì ?" (Que reste-t-il de nos amours), người ta thống kê được có 2000 ca sĩ thành danh đã ca bài đó. Bài "Biển" (Le mer) đã được "tái bản" đến 4000 lần và hàng năm tác giả của nó được hưởng tới 3 triệu francs tiền bản quyền. Trenet được thính giả Mỹ xem là ca sĩ tình ca của họ khi các bài ca của ông được trình diễn bằng tiếng Anh tại Mỹ. Tác giả bài viết này đã theo dõi trọn vẹn chương trình thời sự trưa ngày 19/02/2001 của truyền hình Pháp và được thấy lần lượt một bà lão 90 tuổi trong một trại dưỡng lão tại một làng quê hẻo lánh, rồi đến một anh lính thủy trẻ trên boong tàu ngoài khơi xa phát biểu cảm tưởng của mình và sau đó, hát ngay một ca khúc của Trenet để tưởng niệm người nghệ sĩ này. Và thật bất ngờ, trên màn ảnh nhỏ xuất hiện một người dân Hà Nội vừa ngồi trên xe xích-lô chạy trên đường phố vừa ca bài Le mer của Trenet. 

Người Pháp yêu qúy Trenet vì ông vừa là nhà soạn nhạc, vừa là thi sĩ đặt lời, vừa là một ca sĩ có giọng ca mượt mà truyền cảm. Người Pháp coi trọng Trenet vì ông là nhà cách tân âm nhạc Pháp. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, Trenet đã kết hợp tính chất ca nhạc kịch của nhạc jazz với nhạc kịch khiến cho ca khúc Pháp có tính hài hước nhưng không sống sượng, dí dỏm mà lại có duyên. Lòng yêu nước sâu đậm của ông thấm đẫm trong từng cung bậc của mỗi một âm thanh. Vì thế, nhạc của Trenet đã "chia sẻ một chút niềm vui cho bao cuộc đời tro bụi" (lời một bài ca của Trenet). Người Pháp nào cũng muốn soi lên ánh mặt trời để tìm xem trong các bản nhạc của ông có cái gì khiến nó giản dị mà hay đến thế. Và cuối cùng họ đã tìm thấy chính mình, chính nhân dân Pháp cần lao, yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý. Bài ca "Nước Pháp dịu hiền" (Douce France) của Trenet đã viết thay cho hàng triệu trái tim Pháp :

Nước Pháp dịu hiền

Quê hương yêu dấu

Thời thơ ấu vô tư êm ả của tôi…

Có điều lạ lùng là, Trenet viết liên tục và viết rất nhanh trong mọi hoàn cảnh. Bài Le mer bất hủ chỉ được viết trong 4 phút ! Trong những ngày lâm bệnh nặng, Trenet nói : Tôi mơ ước những mái nhà tranh, không ngờ tôi đã xây dựng được những lâu đài !

Tối hôm sau, chương trình ca nhạc của Đài phát thanh Pháp có một chương trình của nhạc sĩ Trần Tiến (Việt Nam) để tưởng niệm Trenet. Có lẽ người Pháp đánh giá cao Trần Tiến. 

Một nghệ sĩ lớn như vậy của nước Pháp, vậy mà khi tôi viết một bài về Trenet, vội đến cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Paris để kịp gửi về Hà Nội, thì đã nhận được một câu trả lời quá bất ngờ : Một ca sĩ chết thì có gì mà phải đưa tin !

Thì ra, cái văn hóa độc trị, độc tài đã thấm sâu vào từng đường gân thớ thịt, từng tế bào của các đồng nghiệp của tôi ! Với họ, chỉ có các lãnh tụ, các nhà lãnh đạo, những người có quyền chức chết đi thì báo đài mới đưa tin, mới tụng ca "tài đức" của họ ! Đặt cơ quan thường trú ở Paris, nhưng Đài của tôi không hiểu rằng, nhân dân Pháp đã chọn khẩu hiệu vui sống (joie de vivre) và chất lượng cuộc sống (qualité de la vie) cho hành trình đi đến tương lai của mình. Vì thế, những người làm cho nhân dân vui sống như Trenet là thần tượng của họ, chứ không phải các "ông lớn" như ở Việt Nam. 

Ở Pháp hơn một tháng, tôi ít đi đâu, chỉ ngồi nhà xem truyền hình và lướt xem các báo Pháp để tìm hiểu về truyền thông của nước "tư bản giẫy chết" này. Trình độ tiếng Pháp của tôi enfantin, nhưng được ông chú hỗ trợ nên cũng đủ để tìm hiểu về truyền thông ở Pháp. Hồi đó có dịch gia súc bị lở mồm long móng, ông bộ truởng nông nghiệp Pháp phải lên truyền hình liên tục nên tôi nhớ mặt ông ta. Một lần thấy ông bộ trưởng này xuất hiện trên truyền hình và xách túi đi… chợ. Ông hỏi mua trứng rồi cãi qua cãi lại với người bán hàng, cuối cùng ông bị bà bán hàng vác chổi đuổi đánh, các bà khác cũng đuổi theo đánh… Tôi lạ quá nên hỏi ông chú tôi. Ông cười nói, đó là tiểu phẩm cháu ạ ! Một diễn viên được hóa trang như ngài bộ trưởng nông nghiệp để diễn, các bộ trưởng khác của Pháp cũng từng được hóa trang như thế và được lên truyền hình khi có vấn đề gì đó cần hài hước, phê phán. 

Sau hơn 200 năm Cách mạng Pháp 1789, nhân dân Pháp đã thực sự là "ông chủ" và sẵn sàng "đuổi đánh" những tên "đầy tớ" như bộ trưởng nông nghiệp… Trên các tờ báo Pháp rất ít khi thấy ảnh các vị như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… Ngay trang nhất, dưới "tít" của một tờ báo lớn như Le Monde, chạy một tin lớn : "Les fumeurs de cannabis pourront désormais échapper au tribunal" (tạm dịch : Những người hút cần sa có thể từ nay thoát bị ra tòa). Cần sa là một thứ gây nghiện, vậy mà những người hút nó có thể sẽ không phải hầu tòa !

cachmang2

Tin như thế mà đưa ngay trang nhất, vì báo chí Pháp là "của dân", "do dân", "vì dân". Còn báo chí của chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam thì trang nhất thường dày đặc hình ảnh của các quan lớn bé. Nơi ông tổng bí thư chỉ đạo, ông thủ tướng chém gió, bà chủ tịch quốc hội biểu diễn thời trang áo dài !!! Việt Nam vẫn sống ngoài nhân loại ở mọi lĩnh vực, nó không có trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp hơn 200 năm trước !

Thấy tôi chỉ ngồi nhà xem truyền hình, xem báo, không mấy khi đi đâu cả, bà thím tôi nói : Ai đến Paris cũng lao đi xem tháp Eiffel, bảo tàng Louvres, nhà thờ Đức Bà… Sao cậu cứ ngồi nhà ? Tôi trả lời : Nếu đến Paris mà chỉ thăm các nơi đó thì họ chưa hiểu hết nước Pháp. Bà ngạc nhiên : Vậy phải đến đâu ? Tôi nói : Phải đi trên cầu Concorde, vì nó là cây cầu được xây bằng đá ngục Bastille. Khi nhân dân Paris phá ngục Bastille trong Cách mạng 1789, đã không quên lấy đá của ngục tù này để xây dựng cây cầu mang tên Hòa giải (Concorde). Chỉ có nhân dân Pháp với khát vọng là "hiện thân của tự do" mới có những cây cầu như thế, để muôn đời Tự do đạp lên bóng tối của ngục tù !

*

…Chúng tôi đi qua một nhà thờ đổ nát, hàng đàn bồ câu bay ào lên khi có người đi qua cái nhà thờ hoang này. Tôi ngạc nhiên, vì sao ngay giữa phố phường đông vui, lại có một căn nhà ngay mặt tiền đổ nát mà không được "xử lý" ?! Chú tôi giải thích : Đây là nhà thờ của một ông cố đạo đã già. Thành phố đã điều đình để mua lại của vị tu hành này với giá cực đắt, nhưng ông ấy không đồng ý. Phải đợi khi nào ông ấy qua đời mới xây dựng lại được. Theo luật pháp của Cộng hòa Pháp, đất đai là sở hữu tư nhân, không ai có quyền xâm phạm.

Ở Việt Nam, luật pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nên nhà thơ Nguyễn Duy gần đây mới viết :

Cướp xưa băng nhóm làng nhàng

Cướp nay có Đảng có Đoàn hẳn hoi

Có con dấu đóng đỏ tươi

Có còng, có súng, dùi cui, nhà tù…

Ai về thành phố Bác Hồ

Mà xem cướp đất bên bờ Thủ Thiêm

Bây giờ mẹ phải dặn thêm

Quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày !

Tôi đã "gặp" nước Pháp như thế, nên cùng với loài người tiến bộ nín thở theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Pháp ở vòng chung kết 2017 chỉ còn có hai nhân vật. Một bên là người đàn bà (Marie Le Pen) "chua ngoa, lắm điều, lỗ mãng", theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại… Một bên là người đàn ông mới bước chân vào chính trường (Emmanuel Macron) "mang thông điệp nhân văn cho toàn thế giới", chống kỳ thị một cách không khoan nhượng, sống với thời đại toàn cầu. Không nín thở sao được, khi nước Pháp vừa bị khủng bố ở State de France, ở nhà thờ Bataclan, trước đó 17 người đã chết ở tòa soạn báo Charlie Hebdo chỉ vì tội… châm biếm ! Vì thế, tại vòng một cuộc tranh cử (23/4), 50% cử tri Pháp đã ủng hộ phe hữu. Nước Pháp đang chia rẽ lớn trong ngày đi bầu cử người bẻ lái "con tàu lịch sử" (Marx). Có nhìn thẳng vào sự thật như thế mới thấy hết ý nghĩa mà ngày 7/5/2017, người đàn ông 39 tuổi có tên là Macron đã dũng cảm "đi trên cầu Concorde" để … đến thẳng điện Élysée.

2018/2019. Macron đã cải cách "quá trớn", động chạm đến quyền lợi của dân khi tăng thuế nhiên liệu. Nghệ sĩ accordion Mouraud đã châm ngòi cho giới tài xế Pháp, những người mặc áo vàng khi cần sửa chữa xe trên đường, nổi lên biểu tình. Phe hữu cực đoan cùng với phe tả cực đoan đã dấy lên cuộc biểu tình của những người áo vàng (gilets jaune), thế là bọn du côn đã nhảy vào khống chế cuộc biểu tình, hàng chục doanh nghiệp bị đập phá, xe bị đốt… 

Nền kinh tế đứng thứ sáu thế giới, thứ ba Châu Âu ấy lại một phen chao đảo ! Những thế lực độc tài trên thế giới hí hửng. Nhưng họ không biết rằng, điều 35 của Hiến pháp 1793 Cách mạng Pháp đã quy định "quyền khởi nghĩa của nhân dân". Nhân dân có quyền nổi dậy một khi chính quyền do chính nhân dân bầu ra lại đi ngược nguyện vọng của nhân dân. Nước Pháp là như thế ! Chỉ có người Pháp mới hiểu được, mới nhuần nhuyễn quyền công dân được khởi nghĩa ghi trong Tuyên ngôn của Cách mạng 1789. Chính quyền chỉ là "đầy tớ" của nhân dân, và nhân dân luôn thường trực quyền trừng phạt chính quyền. Không hiểu điều này, người ta luôn luôn ngạc nhiên về nước Pháp. Nhưng chính giới tinh hoa của Pháp đã đứng ra "dàn xếp" để lấy lại yên bình cho nước Pháp. Hàng trăm phụ nữ Pháp đã biểu tình ôn hòa, họ đã quỳ xuống đường để mặc niệm cho 10 người đã chết trong các cuộc đụng độ…

Lê Phú Khải

Nguồn : VNTB, 14/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 1013 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)