Quỹ chồng quỹ
Vấn đề lạm thu và loạn "quỹ" tại Việt Nam một lần nữa lại được nhắc đến sau khi nhiều doanh nghiệp than phiền rằng mỗi năm họ phải nộp hàng trăm triệu đồng cho "Quỹ phòng, chống thiên tai" (nộp theo nghĩa vụ của doanh nghiệp & cho người lao động) nhưng một số doanh nghiệp khác lại không bị nộp.
Theo VCCI một nguồn lực xã hội đang bị đóng băng tại quỹ phòng chống thiên tai - VnEconomy
Ngoài ra đại diện các doanh nghiệp còn than phiền rằng, họ không biết tiền mình nộp được quản lý sử dụng như thế nào… Với lý do thiếu minh bạch trong việc quản lý, công khai quỹ, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai bỏ ‘Quỹ phòng, chống thiên tai’.
Theo Nghị định số 94 của chính phủ vào năm 2014 về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, thì các đối tượng phải đóng quỹ gồm doanh nghiệp, người lao động. Doanh nghiệp đóng một năm là 2/10.000 trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu là 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng. Người lao động trong các doanh nghiệp đóng một ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng.
Nguyên Thứ Trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường, giáo sư Đặng Hùng Võ, khi trao đổi với RFA hôm 22/7, nhận định :
"Tôi thì tôi cũng cho rằng không nên bắt doanh nghiệp nộp quỹ phòng, chống thiên tai, bởi vì thuế và phí thì phải mạch lạc. Còn trong trường hợp này là một cái quỹ, mà quỹ thì nên để doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn đóng thì đóng ủng hộ. Chứ còn lại bắt buộc doanh nghiệp đóng thì tôi cho là không nên, việc đề xuất bãi bỏ là cần thiết".
Theo văn bản kiến nghị của VCCI, qua 5 năm triển khai, VCCI nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp về sự thiếu minh bạch của Quỹ phòng, chống thiên tai. Có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt.
Để tìm hiểu thêm, hôm 22/7, RFA liên lạc ông Phạm Trung Tôn, chủ cơ sở nuôi cá tra giống ở An Giang, và được ông cho biết như sau :
"Cơ sở kinh doanh của tôi thì không đóng phí đó, chỉ có quyên góp của địa phương, cái đó thì tự nguyện chứ không bắt buộc đóng. Nếu chứng minh được nó thật sự hữu ích cho xã hội thì mình cũng nên đóng góp. Cái đó về mặt quản lý cũng nên thắc chặt, làm sao tiền đến tận tay người bị thiên tai, thì người đóng góp rất vui, rất hài lòng".
Còn Anh Võ Minh Đức, chủ cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa ở Sài Gòn cũng cho biết, cơ sở kinh doanh của anh không phải đóng những quỹ như vừa nêu :
"Cách đây khoảng hơn 1 năm, họ đưa tất các diện xe vận tải nhỏ của bọn tôi vào diện quản lý thu thuế hàng năm. Chứ còn các khoảng đóng góp quỹ thì thật sự không có, không biết các doanh nghiệp lớn thì thế nào, còn tôi thì chỉ kinh doanh nhỏ lẻ".
Nhập nhằng giữa tự nguyện và tận thu
Không chỉ doanh nghiệp, người lao động làm việc chính trong các doanh nghiệp hay hành chính sự nghiệp cũng phải đóng quỹ phòng chống thiên tai cùng nhiều quỹ khác, mặc dù nhiều người lao động hay giáo viên có mức thu nhập rất thấp.
Một giáo viên không muốn nêu tên ở Sài Gòn cho biết :
"Có đóng chứ, ví dụ như thu ủng hộ người nghèo, ủng hộ người bị bệnh trong quận… cái đó là bắt buộc. Ví dụ quỹ phòng chống thiên tai mỗi năm đóng 1 ngày lương là bắt buộc, trừ thẳng vô lương luôn. Hay quỹ ủng hộ người nghèo 50 ngàn mỗi người mình cũng phải tham gia. Mình chỉ biết đóng vậy thôi chứ không biết họ sử dụng như thế nào ?"
Ảnh minh họa : Danh sách các quỹ mà người dân tại một địa phương ở Hà Nội phải đóng trước đây. Courtesy photo
Vị giáo viên cho biết, cô bắt buộc phải theo, chứ nếu không đóng thì sẽ bị những "điểm" không tốt. Còn ở địa phương, nếu ai không "đóng" phí thì sẽ khiến tổ trưởng dân phố khó "ăn nói" với ngoài ủy ban…
Trao đổi với RFA hôm 22/7 liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho biết ý kiến của mình :
"Đây là kết quả điều tra của VCCI về thuế phí mang gánh nặng đối với doanh nghiệp, bắt họ đóng những thứ không hợp lý, vẽ ra một cái làm tăng chi phí, làm tăng ghánh nặng cho doanh nghiệp".
Theo Phó giáo sư Ngô Trí Long, quỹ thì phải rõ ràng, ai là người đóng, ai thu, thu có minh bạch không và quản lý như thế nào đều phải được minh bạch. Vì theo ông, đã thành lập một quỹ thì quỹ phải có mục đích và phải được quản lý (hạch toán) rõ ràng.
Không những doanh nghiệp than phiền, người dân tại nhiều địa phương cũng bức xúc khi tổ trưởng tổ dân phố yêu cầu nộp tới 8 loại quỹ (có khi quỹ lại chồng quỹ). Không đồng tình nhưng người dân vẫn phải nộp vì người đi thu tiền quỹ nói rằng đây là quy định của phường.
Anh Võ Minh Đức nói tiếp :
"Địa phương thu thì có, từ bao lâu nay rồi chứ không phải mới, họ thu theo hộ dân, nhiều khoảng quỹ tôi nhớ không hết được, như ủng hộ người nghèo, bão lụt, quỹ an ninh quốc phòng, tình thương tình nghĩa, đủ thứ hết… Tuy họ nói một số quỹ tự nguyện, một số bắt buộc, nhưng họ thu đồng đều hết… họ tính bình quân hết, trừ hộ quá nghèo thôi thì không phải đóng góp".
Anh Đức cho biết, vì là công dân của địa phương, nên họ ra quy định như thế thì phải đóng. Nhưng anh khẳng định những cái quỹ đó địa phương chưa bao giờ công khai minh bạch với dân, chưa bao giờ công bố chi tiêu vào việc gì, tổng thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, thiếu hụt ra sao…
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, tất cả những loại thu mang tính ủng hộ cho người nghèo, hay ủng hộ phòng chống thiên tai là cần thiết nhưng nên để dưới dạng vì lòng hảo tâm, đùm bọc lẫn nhau, tự nguyện nộp, chứ không nên đặt ra thành một dạng nghĩa vụ tài chính - bắt buộc mọi người đều phải nộp. Ông phân tích, việc sử dụng các dịch vụ xã hội thì phải trả phí, thì đó là phí, còn nghĩa vụ đóng thuế là thuế. Ngoài ra không phải là thuế, là phí thì hoàn toàn là tùy tâm.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 22/07/2019