Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/07/2019

Vụ Bãi Tư Chính : nên cúi đầu hay xuống đường phản đối ?

Nhiều tác giả

Nhịn Trung Quốc vì hòa bình là một sách lược hay ảo giác ?

Viết từ Sài Gòn, VOA, 24/07/2019

Không riêng gì vấn đề bãi Tư Chính bị Trung Quốc gây hấn trong những ngày này, mà dường như từ những năm trước 1975, Đảng cộng sản Việt Nam đã phân thành hai nhóm trong vấn đề quyết đánh hay chịu nhục trước kẻ xâm lăng Trung Quốc. Mà hình như từ thời xa xưa đã có những kẻ chủ hòa và những người chủ chiến. Trong vài ngày trở lại đây, lực lượng chủ hòa và chủ chiến hiện ra rất rõ, và không ngoại trừ xuất hiện lực lượng thứ ba ! Vấn đề ở đây là giữa hòa và chiến cũng như các chủ trương của lực lượng thứ ba, đâu là ảo tưởng, đâu là thực tế ? Chủ hòa sẽ đi đến đâu ? Chủ chiến sẽ ra sao ? Lực lượng thứ ba sẽ mang lại điều gì ?

imlang1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 12/07/2019 - Ảnh minh họa

Luận điệu của kẻ chủ hòa (trong đó gồm những đặc tình Hoa Nam, những kẻ làm tay sai cho Trung Quốc, những quan chức biến chất, làm tôi đòi cho thiên triều Trung Quốc từ cấp địa phương đến trung ương…) luôn là "nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, đảm bảo phát triển kinh tế và tránh xung đột…", hoặc "vì tương lai vững mạnh, quật cường của một Việt Nam, hôm nay có thể tạm mất và con cháu chúng ta sẽ đòi lại…", hoặc "chúng ta quyết tâm đòi cho bằng được Trường Sa và Hoàng Sa, chúng ta sẽ đấu tranh bằng pháp luật quốc tế, chúng ta sẽ không để va chạm… Nếu chúng ta đòi không được thì con cháu chúng ta sẽ đòi", v.v.

Chung qui, nói cho cùng thì nhóm chủ hòa, hay nói khác đi là nhóm bạc nhược, sợ khiếp vía trước sức mạnh cũng như đồng tiền của Trung Quốc thường viện dẫn lý do vì hòa bình, ổn định khu vực, vì tình hữu nghị anh em hàng xóm láng giềng với Trung Quốc, vì tương lai phát triển kinh tế…

Kính thưa các loại vì ! Để đạt được mục đích là nhân dân, nhà nước, quân đội, công an cùng đồng hành với nhóm này làm ngơ trước sự mất dần của lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam vào tay Trung Quốc.

Và để đảm bảo mình có lý lẽ, nhóm này luôn luôn tin rằng/hứa rằng/quyết tâm rằng "chúng ta sẽ đòi lại bằng được những gì đã mất !".

Ngược với nhóm chủ hòa, số không ít các đảng viên cao cấp, giới chức quân đội, công an, sĩ quan cao cấp của công an và quân đội luôn giữ chủ trương phải đánh, sẵn sàng nổ súng để bảo vệ tổ quốc. Và lập luận của nhóm chủ chiến dựa trên cơ sở phân tích chiều dài lịch sử bị đô hộ, bị làm nô lệ cho phương Bắc của cha ông, quá trình chiến đấu giành độc lập từ thời Ngô Quyền cho đến sau này… Thời nào cũng đổ máu, trả giá nhưng kết quả nhận được là ngoài cả mong đợi. Và, chủ trương một tấc cũng không nhường, vạch rõ bộ mặt thật của người hàng xóm "bốn tốt mười sáu vàng" này để nhìn thấy dã tâm của họ luôn là cách mà nhóm chủ chiến làm bấy lâu nay.

Bên cạnh đó, nhóm chủ chiến cũng mượn truyền thông phi nhà nước (và cả truyền thông nhà nước) để vạch trần những âm mưu bán nước. Xin mở ngoặc, gần đây, nhóm chủ hòa cũng tương kế tựu kế, moi móc những gương mặt làm bình phong cho Trung Quốc. Nhưng đây là là một kiểu thủ đoạn khác !

Và, đã có hai nhóm, đương nhiên, phải có nhóm thứ ba, thứ tư và nhóm thứ n… Nhưng vấn đề trọng tâm ở đây là nhóm thứ ba, bởi nó hàm chứa cả những nhóm còn lại và nó đứng đối cực với hai nhóm trước về mặt chính kiến, quan điểm chính trị. Nhóm thứ ba chủ trương đánh Trung Quốc lấy lại vùng lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Nhưng không phải do người cộng sản đưa ra lệnh đánh mà phải do một chính phủ mới đứng ra để làm việc này.

Lý lẽ của nhóm thứ ba là do Đảng cộng sản Việt Nam đã quá nặng nợ với Đảng cộng sản Trung Quốc và rất khó để đảng cộng sản này đánh đảng cộng sản kia một cách triệt để một khi mọi thứ giá trị họ có được ngày hôm nay có sự góp tay không nhỏ của thiên triều cộng sản. Chính vì vậy, chỉ có một con đường duy nhất là tiêu diệt chế độ cộng sản, xây dựng một thể chế chính trị mới, không dây mơ rễ má với cộng sản Trung Quốc, không mắc nợ cái công hàm của Phạm văn Đồng hay không dính líu đến hội nghị Thành Đô thì mới hi vọng bảo vệ được chủ quyền, độc lập cho Việt Nam.

Vậy nhóm nào là ảo tưởng ? Nhóm nào là hiện thực ?

Có thể nói rằng nhóm nào cũng có cái ảo tưởng và cái hiện thực nếu xét trên khuynh hướng lợi ích tinh thần của nhóm. Nhưng, xét trên góc độ dân tộc, quốc gia, chắc chắn một điều là nhóm thứ nhất không những không tạo ra lợi ích cho quốc gia, dân tộc mà còn có nguy cơ đưa quốc gia, dân tộc đi đến chỗ diệt vong. Bởi xuyên suốt quá trình bán đứng lợi ích chung của dân tộc, quốc gia, chấp nhận chủ hòa và chịu lép vế, dâng lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Quốc, nhóm này luôn đưa ra lập luận "vì quyền lợi chung, vì hòa bình và phát triển kinh tế" và hứa "con cháu sẽ lấy lại bằng được" hoặc "sẽ kiện ra tòa án quốc tế…". Nhưng họ quên hoặc cố ý không nhắc tới một điều : Việt Nam hiện tại không đòi được Trường Sa, Hoàng Sa và tiếp tục bị Trung Quốc lấn lướt là vì Trung Quốc quá đông, quá mạnh, họ hơn hẳn Việt Nam từ quân số, cơ số vũ khí và độ tối tân của khí tài. Hiện tại là vậy thì tương lai lẽ nào Việt Nam đông dân hơn Trung Quốc ? Hoặc Việt Nam sẽ mạnh hơn Trung Quốc về khí tài, công nghệ ? Nghe có vẻ mơ hồ !

Và hơn nữa, đây chỉ là ảo giác về cái gọi là hòa bình, phát triển kinh tế. Bởi hiện tại, vấn đề nắm sức mạnh tài nguyên biển là vấn đề sống còn, nó quyết định đến sức mạnh, tiềm lực và cả uy tín quốc gia để bước ra thế giới. Không phải tự dưng mà Hoa Kỳ bỏ ra hàng trăm tỉ đô la để xây dựng lực lượng hải quân của họ hùng mạnh nhất thế giới, cũng không phải tự dưng mà Trung Quốc chạy đua sức mạnh hải quân với Hoa Kỳ. Vì hiện tại, khi mà dân số ngày càng trở nên đông đúc, nguồn tài nguyên đất liền cạn kiệt, mọi khám phá và chủ quyền trên mặt đất đã trở nên ổn định thì việc thống lĩnh đại dương là vấn đề sống còn của các cường quốc. Và, niềm hi vọng để trở thành một cường quốc cho Việt Nam, không có gì khác ngoài dải bờ biển dài 3.250 km từ Bắc chí Nam. Với chiều dài này nhân với 12 hải lý lãnh hải (chưa kể diện tích nội thủy) cộng với 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thì có thể nói rằng Việt Nam là một quốc gia có diện tích vàng trong khu vực bởi ngoài biển còn có rừng. Và một khi có thêm con rồng kinh tế đứng riêng lẻ trong khu vực thì không có gì đáng lo ngại cho Trung Quốc hơn điều này.

Chính vì vậy, chiến thuật đánh chiếm, lấn lướt và kéo dài thời gian theo kiểu "cứt trâu để lâu hóa bùn" vốn là cái bài mà Trung Quốc từ lâu đã dùng với Việt Nam. Mà một khi đã thống lĩnh được Biển Đông, ép Việt Nam trở thành một quốc gia nhỏ bé, phụ thuộc về đường biển và có diện tích biển ngày càng hẹp dần, không có tài nguyên biển thì đương nhiên, khả năng phụ thuộc theo kiểu sa lầy với Trung Quốc là rất cao. Và, lúc này, chỉ để tự chủ, độc lập không thôi cũng khó bề trụ vững chứ đừng nói gì đến chuyện đấu tranh lấy lại phần lãnh hải, lãnh thổ đã bị mất. Chính vì vậy, nhóm chủ hòa, chấp nhận lấn lướt và hứa hẹn con cháu đòi lại là nhóm phản động, đi ngược với tinh thần dân tộc.

Nhóm thứ hai lựa chọn thái độ chủ chiến, đương nhiên, xét trên góc độ lợi ích dân tộc, quốc gia thì họ đã hoàn toàn đúng hướng và sáng suốt, hơn nữa, họ có lý tưởng quốc gia, dân tộc và sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Họ nhìn thấu đáo lịch sử. Nhưng, lực cản lớn nhất cùa nhóm này chính ở chỗ "bức tường nhóm một" và họ cũng là cộng sản !

Chính vì nhóm thứ hai là cộng sản nên mới phát sinh nhóm thứ ba, đó là những người phi cộng sản, chức sắc tôn giáo, các văn nghệ sĩ, các nhà đấu tranh dân chủ và các trí thức cấp tiến, đặc biệt là những người Việt sống lưu vong. Họ có tinh thần chống ngoại xâm và có cả tinh thần chống Cộng. Nhưng họ lại không nắm quyền để huy động sức mạnh quân đội, công an, kể cả huy động sức mạnh toàn dân cũng là một thử thách. Trong một chừng mực nào đó, nhóm này lại trông chờ vào một cá nhân nào đó nắm quyền lực trong hệ thống cộng sản đứng ra xoay chuyển cục diện chính trị. Nhưng, liệu điều này có thể diễn ra như mong muốn ?!

Và suy cho cùng, tình hình hiện tại, khi mà kẻ xâm lăng đang ngấp nghé bờ cõi, vận mệnh dân tộc đang bị đe dọa thì bất kì sự thiếu/mất ổn định nào về nội bộ chính trị quốc gia cũng đều dẫn đến thất bại. Hơn bao giờ hết, cần một cuộc giải ảo chính trị cho vấn đề sắp xếp quyền lực và nhận lãnh sứ mệnh bảo vệ quốc gia, dân tộc nhằm tạo ra được sức mạnh toàn lực để chống thù trong, giặc ngoài.

Vì lẽ này, ngoài việc đấu tranh bằng phương pháp hòa bình như đã từng làm từ nhiều thập niên nay, việc tạo được liên minh quân sự, liên minh kinh tế hàng hải lâu dài với các cường quốc nhằm đảm bảo chủ quyền biển đảo quốc gia là tối cần thiết cho Việt Nam lúc này. Và, đây là thời điểm mà những người cộng sản có tinh thần dân tộc biết mình phải làm gì, cũng như đây là thời điểm mà tình anh em, tình huynh đệ máu đỏ da vàng sẽ dễ dàng níu kéo, xích lại, ngồi gần lại nhau hơn sau bao nhiêu biến thiên của cuộc đời, số phận và thời cuộc.

Việt Nam sẽ mãi là Việt Nam một khi mọi người, mỗi người đều nghĩ đến điều này, đều cùng nhìn về phía trước và nghĩ đến tương lai con cháu, không để mất thêm một chút nào nữa. Bởi bây giờ để mất là sẽ mất vĩnh viễn, đừng mơ hồ chuyện con cháu sẽ đòi được, đừng quẳng gánh nợ của chúng ta lên đôi vai con cháu chúng ta !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 24/07/2019

********************

Trung Quốc đang gần tiến tới mục tiêu kiểm soát khu vực Biển Đông trong thời bình

RFA, 24/07/2019

Trung Quốc đang dần tiến tới kiểm soát phần lớn khu vực Biển Đông trong thời bình nếu Hoa Kỳ và các nước liên quan không có những thay đổi về chính sách đối phó thích hợp. Đây là nhận xét được chuyên gia quốc tế đưa ra tại hội thảo Biển Đông lần thứ 9 tổ chức ở Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (CSIS) diễn ra ở Washington DC hôm 24/7.

imlang2

Các diễn giả tại hội thảo Biển Đông ở CSIS hôm 24/7/2019 Photo : RFA

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc CSIS cho rằng mặc dù đến lúc này Trung Quốc chưa thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông nhưng khả năng để tiến tới mục đích kiểm soát được các đảo, vùng nước và vùng trời thuộc khu vực đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc đang tăng lên.

"Vào lúc này Trung Quốc chưa kiểm soát được Biển Đông… Mục tiêu của Bắc Kinh là kiểm soát có hiệu quả vùng nước và vùng trời ở Biển Đông trong thời bình, đó là mục tiêu đối với các thực thể và khu vực đường đứt khúc 9 đoạn. Tuy nhiên khả năng để đạt mục tiêu này của Trung Quốc đang gia tăng và Trung Quốc đang kiểm soát được nhiều hơn so với giai đoạn cách đây 5 năm. Nếu chính sách của Mỹ và các nước đòi chủ quyền trong khu vực không thay đổi thì Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều hơn nữa trong vài năm tới".

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng nước và các thực thể nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên Biển Đông, chiếm đến khoảng 90% diện tích vùng nước tranh chấp. Đường đứt khúc này đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết vào năm 2016, nhưng Trung Quốc đã không chấp nhận phán quyết này.

Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 diễn ra vào giữa lúc có những căng thẳng giữa Việt Nam, Malaysia với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa tàu hải cảnh và khảo sát địa chấn đến khu vực đặc quyền kinh tế của hai nước thuộc ASEAN, ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của hai quốc gia này.

Theo AMTI, từ giữa tháng 6, tàu Hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã được triển khai đến khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía tây nam, tìm cách cản trở hoạt động khia thác dầu khí ở lô 06 – 01 thuộc mỏ Lan Đỏ do công ty Rosneft của Nga vận hành.

Từ tháng 5, Trung Quốc cũng cho tàu Haijing 35111 đến bãi Luconia của Malaysia để ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của nước này tại đây.

imlang3

Hành trình tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc ở gần Bãi Tư Chính của Việt Nam Courtesy of Twitter Ryan Martinson

Đồng thời trong tháng 7, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đến khu vực phía đông bắc lô 06 – 01, trong khu vực 9 lô dầu khí mà Trung Quốc tuyên bố mời thầu từ năm 2012 nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia. Đây cũng là khu vực có các lô dầu khí khác của Việt Nam và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).

Những hành động của Trung Quốc trong lúc này được đánh giá là mạnh mẽ nhất kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 ra quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam hồi năm 2014.

Đánh giá về những hành động gần đây của Trung Quốc, chuyên gia Greg Poling giải thích :

"Tại sao Trung Quốc vào lúc này lại có hành động can thiệp mạnh mẽ vào hoạt động khai thác dầu và khí của Việt Nam ? Câu trả lời một phần là vì Trung Quốc có thể làm vậy. Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai các tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn. Họ có thể liên tục gây sách nhiễu theo cách mà họ đã không thể làm được vào năm 2015.

Tại sao Việt Nam im lặng ?

Hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ được truyền thông quốc tế biết đến sau những thông tin trên Twitter của Phó Giáo sư trường Hải Chiến Mỹ Ryan Martinson hôm 10/7 về đường đi của tàu Hải Dương 8. Thông tin này được AMTI xác nhận sau đó vào hôm 16/7. Trong khi đó, truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng trước những thông tin này.

Chuyên gia phân tích cao cấp Lê Thu Hương, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Australia (ASPI) nhận định lý do vì chính phủ Việt Nam muốn tránh tâm lý chống Trung Quốc ở Việt Nam dẫn đến những biểu tình phản đối của người dân như năm 2014, đồng thời Việt Nam cũng muốn chờ sự lên tiếng từ Hoa Kỳ :

"Có một số lý giải cho việc im lặng của Việt Nam. Thứ nhất có thể là do nỗ lực muốn kiểm soát những phản đối chống Trung Quốc ở Việt Nam, dựa theo những bài học rút ra từ năm 2014 khi nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra ở một loạt các thành phố lớn, dẫn đến những bạo động, phá hoại các cơ sở sản xuất của người Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, trong khi Việt Nam phải trả bồi thường. Chắc chắn là Việt Nam cũng hy vọng có được trao đổi với những đối tác quan trọng và có được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ và các nước khác.

Sau khi thông tin về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông được nhiều hãng tin quốc tế và mạng xã hội loan đi, hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, có tuyên bố chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong khu vực Biển Đông.

Ngay sau đó, vào ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố lên án hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay các hành động khiêu khích gây bất ổn trong khu vực.

Hoa Kỳ nên thực hiện FONOP mỗi tháng 1 lần và duy trì lập trường trung lập

Mặc dù là nước không có đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Kỳ từ lâu đã khẳng định rằng Washington có những quyền lợi về tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này, đồng thời phản đối các hành động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc.

Từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ liên tục cho tàu chiến đến tuần tra khu vực Biển Đông, đi gần sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây lấp để thách thức các đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh.

imlang4

Đô đốc về hưu Scott H. Swift tại hội thảo Biển Đông lần thứ 9 ở CSIS, Washington DC hôm 24/7/2019 Photo : RFA

Đô đốc Scott H. Swift, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng mặc dù những hoạt động trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông là cần thiết nhưng không hiệu quả vì không gắn kết với một chiến lược lớn mang tầm quốc gia của Mỹ. Ông cho rằng Hoa Kỳ nên gia tăng tần suất tuần tra Biển Đông và nên mở rộng ra toàn cầu, đồng thời duy trì lập trường không đứng về bên nào trong đòi hỏi chủ quyền.

"Tôi ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động FONOP nhưng tôi nghĩ nó đã không được hiểu đúng. Tôi đã nói trước đây, và tôi nói lại là ở khu vực Biển Đông, Hoa Kỳ nên thực hiện các hoạt động FONOP không ít hơn mỗi 4 tuần và các chuyến FONOP không nên cách nhau đến 6 tuần. Sự nhất quán là quan trọng. Chúng ta cần công bố FONOP mỗi ba tháng một lần thay vì mỗi năm. Hoa Kỳ không nên chỉ bó hẹp FONOP chỉ ở Biển Đông với Trung Quốc mà nên bao gồm các quốc gia khác bên ngoài UNCLOS. Theo tôi điều quan trọng là Mỹ nên duy trì lập trường Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong đòi hỏi về chủ quyền nhưng nên có một cách tiếp cận rộng hơn trong quá trình theo đuổi chủ quyền.

Đô đốc Scott H. Swift cũng loại bỏ khả năng Hải quân Mỹ sẽ tham gia vào việc bảo vệ các hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia trong khu vực khi có sự quấy nhiễu từ Trung Quốc vì Hoa Kỳ duy trì lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo ông Liu Xiaobo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, kể từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ đã thực hiện 17 hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Theo ông Liu, điều này đã kích động Trung Quốc, tác động trực tiếp lên tinh thần dân tộc ngay trong Trung Quốc.

"Trung Quốc phản ứng là bởi sự mất ổn định gây ra bởi hoạt động FONOP của Hoa Kỳ. Một số hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông thách thức luật của Trung Quốc… Từ năm 2015 đến nay Mỹ đã thực hiện 17 hoạt động FONOP nhưng chính sách của Trung Quốc không thay đổi….Theo tôi, sức ép của FONOP đang ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc ở Trung Quốc và khiến người dân trong nước có thể hiểu là Trung Quốc đang cho thấy mình yếu hơn trước Hoa Kỳ"

Học giả Trung Quốc cũng nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông vì những hoạt động của Mỹ trong khu vực đang ảnh hưởng đến những quyền lợi cốt lõi của Mỹ. Ông Liu cũng nói mục tiêu muốn kìm hãm Trung Quốc của Hoa Kỳ là một mục tiêu không thể thực hiện.

Nguồn : RFA, 24/07/2019

***********************

Biểu tình có cần "xin" ?

An Viên, VNTB, 24/07/2019

Sự kiện Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính khiến người dân Việt Nam sục sôi, tức giận. Trong bối cảnh đó, nhà thơ Thái Bá Tân đã lên tiếng bằng cách nói theo lối thơ của mình, trong đó ông "Xin bác Trọng cho phép/ Người dân được biểu tình".

imlang5

Phóng viên Mai Quốc Ấn trong phản ứng có liên quan đã bày tỏ thẳng thừng trên Facebook cá nhân của mình :

"Còn việc đi biểu tình

Ấy là quyền Hiến định

Chứ không cần phải xin".

Facebooker Mai Quốc Ấn còn đề cập đến tình trạng mà anh gọi là "nợ đọng Luật Biểu tình", và anh cho rằng, ở tâm thế là người dân, với vai trò là "chủ xã hội" thì chúng ta nên hỏi chứ không phải xin "công bộc".

Câu chuyện "đối đáp" qua lại giữa hai người, thuộc hai miền và hai độ tuổi khác nhau mở ra một cuộc tranh luận thú vị về việc, liệu rằng việc biểu tình có cần phải xin ?

Biểu tình là quyền hiến định, để cùng với nhau, bằng cách ôn hòa bày tỏ chính kiến của mình. Theo một mô thức hợp pháp, thì chính quyền cấp phép cho đoàn người được tham gia tuần hành, biểu tình. Điều này nhằm giữ cho người biểu tình không gian tự do để diễn đạt, nhưng đảm bảo người biểu tình phản ứng một cách ôn hòa như đã cam kết. Điều này đồng nghĩa, quyền biểu tình được thiết lập thành luật ở bất kỳ quốc gia nào thì cũng luôn gắn với các cụm từ về "bày tỏ, phản kháng, phi bạo lực". Và "xin giấy phép" luôn là thủ tục đầu tiên, để nhằm tạo không gian biểu tình.

Tuy nhiên, vì có luật, nên quyền biểu tình của thiết lập luôn cả quyền và trách nhiệm của các cơ quan công quyền, trong đó có các quy định chung về các bước dừng cuộc biểu tình nếu thấy xuất hiện các tình huống giới hạn (liên quan đến bạo lực, tội phạm, đạo đức, xâm hại quyền và tự do người khác), hỗ trợ các bước hợp lý để bảo vệ người biểu tình. Tuy nhiên, nhà nước không thể can thiệp vào quyền biểu tình, mặc dù họ không đồng ý với quan điểm của người biểu tình. Và những tình huống giới hạn biểu tình phải được tiến hành bằng các biện pháp ưu tiên như thuyết phục.

Ở đây, "xin phép" nhấn mạnh thủ tục pháp lý, thay vì "xin" – nhấn mạnh tâm thế "xin – cho".

Luật biểu tình đáng ra phải xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, nó bị treo vì những lo ngại không cần thiết.

Lý lẽ về việc, đưa quyền thành luật có thể xuất hiện những hành vi xâm phạm nghiêm trọng, trong đó người biểu tình hoặc nhóm biểu tình có thể xâm phạm đất đai, phá vỡ hoạt động hợp pháp, đe dọa người khác và buộc họ gia nhập biểu tình. Một trong số đó bao gồm cản trở đường xá hoặc thực hiện các hành vi phá hoại nhằm vào các cửa hàng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, những lo ngại này là không xác đáng, bởi luật về biểu tình các quốc gia (ngay cả ở Châu Âu) cũng có những điều khoản nhằm quy kết một cuộc biểu tình không hợp pháp để từ đó có những biện pháp giải tán.

Trở lại vấn đề "lo ngại" nêu trên, thực tế đã cho thấy, vì không có Luật biểu tình nên dẫn đến tiêu tốn một lực lượng an ninh – cảnh sát hùng hậu canh giữ nhà những người hoạt động và vận động dân chủ. Cũng vì không có Luật biểu tình nên dẫn đến các phản ứng bạo lực của nhóm công quyền nhằm vào người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội các năm trước. Tương tự, cũng vì thiếu luật nên dẫn đến các hoạt động bạo loạn vào năm 2014, các hành chặn đường ở một số tỉnh thành.

Bằng cách cấm đoán, thay vì quản lý bằng luật, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa bản thân quốc gia vào một thế khó. Nơi mà quyền biểu đạt được thực thi không đầy đủ, bạo lực trong các cuộc biểu tình không bị ngăn chặn, và các hệ quả phát sinh trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội vẫn liên tục diễn theo hướng ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát hơn.

Nguyên nhân gốc được lý giải, đó là ngày càng có nhiều cuộc biểu tình thu hút người dân, và bằng cách nào đó nó thay đổi một thể chế, thậm chí là phá vỡ thời gian cầm quyền lâu dài của một cá nhân. Các cuộc biểu tình như thế, được báo chí tuyền truyền của Việt Nam gọi là "cuộc cách mạng màu". Luật biểu tình liên tục di dời qua các nhiệm kỳ Quốc hội đã cho thấy, nỗi sợ cách mạng màu làm biến mất chế độ cao hơn việc "treo luật" làm phai màu tính chính danh của chế độ.

Sẽ khó có thể hình dung thực trạng, khi người dân khát khao được thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam của Trung Quốc bằng biện pháp biểu tình ôn hòa, thì nhà nước đã phản ứng bằng hàng rào sắt, xe buýt và nhóm côn đồ bịt khẩu trang, với xe loa phát, "đã có đường lối đúng đắn, người dân hãy bình tĩnh, chớ nghe lời xúi giục kẻ xấu". Với cách "ứng xử bàn tay thép" như thế, thì liệu rằng, khi sơn hà nguy biến thực sự, thì làm sao động viên nhân dân "quyết mình cho tổ quốc, quyết sinh" ?

Facebooker Hưởng Trịnh băn khoăn : "Cứ tự biểu tình ôn hòa phản đối quân xâm lược thì chính quyền bắt bớ đàn áp vậy khi có chiến tranh sao lại phải động viên nhân dân đánh giặc ? Đồng ý đôi khi có những kẻ lợi dụng biểu tình làm chuyện xằng bậy, nhưng những kẻ đó có thể nhận biết và điều chỉnh bằng luật, quyền biểu đạt ý chí và nguyện vọng của nhân dân là quyền bất khả xâm phạm mà".

Sự băn khoăn của Hưởng Trịnh là tâm trạng chung của nhiều người, và có lẽ, đến lúc cần phải lên tiếng trở lại, yêu cầu Nhà nước, một lần nữa, đảm bảo giá trị thực tế của Hiến Pháp 2013, trong đó đảm bảo rằng tất cả mọi người có quyền biểu tình ôn hòa (không vũ trang).

An Viên

Nguồn : VNTB, 24/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 630 times

1 comment

  • Comment Link Choi Song Djong jeudi, 25 juillet 2019 22:11 posted by Choi Song Djong

    Nên làm gì à ?!

    Nên quỳ trước bọn Trọng Lú, Kim Ngân, Niểng Nổ và xin chúng đừng bán nước ? Đến giờ phút này còn hỏi là nên làm gì ? Chúng ta tuôn ra đường,bất tuân dân sự,vì quê hương dân tộc và vì chính chúng ta Nòi giống Việt.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)