Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/07/2019

Vụ Bãi Tư Chính : vấn đề của Quốc gia hay của Đảng cộng sản ?

Nhiều tác giả

Căng thẳng Bãi Tư Chính : Lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng và phản bội

Cao Nguyên, RFA, 26/07/2019

Hôm 25/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thi Thu Hằng lần thứ ba lên tiếng chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển và khẳng định sẽ "kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền", đồng thời tiết lộ đã trao công hàm yêu cầu nước này phải rút ngay tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

tuchinh1

Biểu tình chống Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5/2014. AFP

Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã điều tàu Hải Dương 8 cùng các tàu Hải cảnh vào khu vực bắc Bãi Tư Chính và trong Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.

Từ sau tuyên bố thứ hai hôm 19/7 của Bộ Ngoại giao, báo chí nhà nước được thoải mái đưa tin về sự kiện này. Hàng loạt các bài báo, phân tích bình luận được đăng tải mỗi ngày chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mạng báo VTC có bài "45 năm Trung Quốc leo thang với dã tâm chiếm trọn Biển Đông" điểm lại toàn bộ những sự kiện Trung Quốc đã tấn công vùng biển Việt Nam từ năm 1974 đến nay.

Vietnamnet có tít bài trước khi sửa chữa là "Huy động toàn dân để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của Dân tộc". Không những chỉ thẳng Trung Quốc, những bài viết này sử dụng từ ngữ mạnh như "dã tâm, xâm chiếm, tham vọng bành trướng…" nhằm khơi gợi tinh thần chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong những năm qua. Tuy nhiên, khác với các năm 2007, 2011, 2012, 2014, lần này người ta không thấy những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc, biểu lộ lòng yêu nước của đông đảo người dân Việt Nam.

Không cần nhà nước bật đèn xanh

Lý giải về hiện tượng vắng bóng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, thành viên của đội bóng đá NO-U FC chủ trương chống "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông nhận định :

"Thực ra bây giờ, các bài báo đó không có tác dụng và ảnh hưởng lớn đến phong trào biểu tình chống Trung Quốc và các tổ chức xã hội dân sự nữa. Bởi vì từ trước đến nay, đã có rất nhiều cuộc xuống đường nhưng người tham gia cảm thấy uất ức là bởi vì lòng yêu nước của họ bị lợi dụng thậm chí là bị phản bội. Rất nhiều người bị đàn áp, bị đánh đập hoặc thậm chí là đi tù.

Gần như 100% ý kiến những người hoạt động liên quan đến các hoạt động chống Trung Quốc hay Đường Lưỡi Bò có cùng một ý kiến chung với nhau là bây giờ mọi việc đã như thế thì hãy cứ để cho Đảng và nhà nước lo trước đã.

Chúng ta có lịch sử 1000 năm Bắc thuộc nhưng vẫn giành lại được độc lập, nhưng trong bối cảnh nhập nhèm như bây giờ, nhân dân bảo vệ tổ quốc mà chính phủ lại đi đêm với Trung Quốc. Người dân đang rất quan tâm cần sự minh bạch trắng đen rõ ràng các đường lối chính sách của nhà nước trong tình hình thực tại".

tuchinh2

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính - Courtesy of Twitter Ryan Martinson

Bà Bùi Thị Minh Hằng, người từng rất nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm 2011 trước khi bị chính quyền Hà Nội bắt giữ, đưa đi cải tạo với thời hạn 5 tháng khẳng định, bà sẽ không xuống đường dù có được chính quyền "bật đèn xanh".

"Bản thân tôi đã nhiều lần bị bắt bớ cho nên nên bây giờ tôi xác định là sẽ không xuống đường theo lời kêu gọi của chính quyền.

Lần này khi Trung Quốc có có hành động xâm lược ở bãi tư chính trong khi bà Ngân - Chủ tịch Quốc hội lại đang thăm viếng Trung Quốc. Vì thế, người dân nghi ngờ rằng đây là một màn kịch.

Những lần trước, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không hề có một động thái gì để bảo vệ chủ quyền đất nước cả. Họ không cần người dân, cũng không vận động quốc tế, cũng không đưa Trung Quốc ra toà giống như một số nước khác đã làm.

Những hành động đó của nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy việc kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền đất nước chỉ là một sự mị dân lừa gạt thôi",

Một người dân ở Sài Gòn giấu tên, có quan tâm đến tình hình đất nước, cũng khẳng định với phóng viên RFA rằngyêu nước không phải theo thời vụ :

"Yêu nước thì phải rõ ràng chứ không phải theo kiểu thời vụ lúc này lúc khác. Yêu nước không cần phải bị định hướng hay không phải hỏi bất cứ ai.

"Tôi thấy mặc dù ban tuyên giáo hay báo đảng đã "bật đèn xanh", hô hào sự xuống đường (tuy họ ko nói trực tiếp nhưng có ý như vậy) nhưng người dân Việt Nam đã đủ tỉnh táo để hiểu rằng yêu nước là vô điều kiện, không cần ai cho phép, không cần ai bật đèn xanh, khi nào thấy cần thiết thì tự khắc xuống đường".

Trả tự do cho những người tù lương tâm để huy động được sức dân

Từ năm 2007 đến nay, đã có ít nhất hàng chục người dân bị tòa án Việt Nam ghép các tội trạng khác nhau vì tham gia phản đối Trung Quốc trên mạng xã hội, hoặc trực tiếp xuống đường. 

Năm 2008, nhà văn Phạm Thanh Nghiên bị bắt giữ và tuyên án 4 năm tù giam khi đang tọa kháng tại nhà với hai biểu ngữ yêu cầu chính phủ Hà Nội có thái độ cứng rắn đối với việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Trừơng Sa và Hoàng Sa.

Cách đây 5 năm, một số người tham gia biểu tình chống vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng bị lực lượng mặc áo Thanh niên xung phong ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ và đánh đập.

Trả lời cho câu hỏi "làm cách nào để chính quyền hiện nay có thể lấy huy động được sức dân nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc", người dân Sài Gòn không nêu tên bày tỏ :

"Lúc trước, chính quyền coi những người biểu tình là những kẻ bị xúi giục, phản động, gây rối. Tuy nhiên đến giai đoạn này thì họ dường như lại cần cái sự "phá rối" đó.

Nếu họ thật tâm thật lòng muốn người dân thể hiện sự phản đối chính quyền Bắc kinh. Họ phải làm một điều gì đấy như là thả những người bị bắt vì tham gia biểu tình. Họ phải hành động để người dân tin tưởng. Người dân đâu phải là con rối trong tay chính quyền !".

Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động thường chụp ảnh các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đưa ra các giải pháp :

"Điều đầu tiên là đất nước này cần phải có sự dân chủ hóa, phải thay đổi Hiến pháp, phải loại bỏ điều 4 Hiến pháp và các điều chẳng hạn như là luật đất đai và lực lượng quân đội phải tách ra khỏi sự chỉ huy của đảng Cộng sản".

Ngoài ra, còn rất nhiều việc khác mà tôi tin trong thời gian sớm thì nhà nước chưa thể làm ngay được. Ví dụ như thả các tù nhân lương tâm, những người lên tiếng chống bất công trong xã hội, những người biểu tình chống Trung Quốc và những người có khác biệt về quan điểm chính trị đã bị bắt giam.

Nếu nhà nước dám dũng cảm thay đổi để hòa giải với nhân dân thì tôi tin là sự tha thứ cũng như rộng lượng của người dân ngay lập tức sẽ thay đổi tất cả".

Theo thống kê của Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam hiện vẫn còn giữ ít nhất khoảng 128 tù nhân lương tâm, rất nhiều người trong số này bị bắt giữ vì lên tiếng ôn hòa trên mạng xã hội.

Điểm lại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Gần như những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam trong những năm gần đây đều có yếu tố Trung Quốc.

Ngày 9/12/2007, hàng trăm người đã tập trung biểu tình chống Trung Quốc tại cả Hà Nội, Sài Gòn phản đối vụ việc Trung Quốc sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đảo Hải Nam của Trung Quốc, lập nên Thành phố Tam Sa.

Tại Sài Gòn, bản Tuyên cáo của người Việt Nam yêu nước được ký tên bởi hơn 3000 người, có sự tham gia của giới văn nghệ sĩ trong đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Sáng ngày 29/4/2009, một cuộc biểu tình tại Hà Nội nhằm phản đối sự kiện rước ngọn đuốc Olympics Bắc Kinh đã bị dập tắt nhanh chóng. Nhiều người bị bắt chỉ khoảng 15, 20 phút ngay sau thời điểm bắt đầu.

CORRECTION-VIETNAM-PROTEST-CHINA-MARITIME-DIPLOMACY

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hộm tháng 6, 2011 - AFP

Ngày 5/6/2011, biểu tình nổ ra ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Những người tập trung trước tòa đại sứ Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tránh xa các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Nguyên nhân là do sự kiện một tàu hải giám Trung Quốc cố ý cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khi con tàu đang tiến hành các cuộc khảo sát dầu khí ở Biển Ðông.

Liên tiếp những ngày cuối tuần sau đó, Hà Nội liên tục biểu tình phản đối Trung Quốc cho đến đầu tháng 8/2011, khi mà chính quyền Việt Nam thẳn tay đàn áp, bắt bớ người tham gia biểu tình.

Mùa hè năm 2012, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc mời thầu dầu khí trong vùng biển Việt Nam và quyết định để thành phố Tam Sa quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2014, Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí HD-981 diễn ra trong tháng Năm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có : Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá… Đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia.

Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình tại Bình Dương và Hà Tĩnh đã dẫn đến bạo động, phá hoại tài sản nhắm vào các công ty có tiếng Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Singapore hay cá biệt là Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Sau vụ việc này, chính quyền Việt Nam đã đàn áp thẳng tay những người tham gia biểu tình, bắt bỏ tù ít nhất 3 nhà hoạt động thuộc Hội Anh em dân chủ đang quay phim, chụp hình đoàn biểu tình.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 26/07/2019

*******************

Vì sao Trung Quốc ưa quấy nhiễu Việt Nam ở Biển Đông ?

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 25/07/2019

Năm năm kể từ khi kéo giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc nay lại tiếp tục thử lửa quốc gia láng giềng phương Nam bằng việc vừa gửi đội tàu khảo sát địa chấn vừa triển khai tàu cảnh sát biển trang bị vũ khí hạng nặng quấy rối giàn khoan của Việt Nam.

tuchinh4

Tàu thăm dò của Trung Quốc và vị trí đang thăm dò. Courtesy of Ryan Martinson/ RFA Edited

Trước chỉ là khảo sát, thăm dò, nhưng nay đã là quấy nhiễu, cản trở hoạt động khai thác dầu khí bình thường của Việt Nam, cho thấy bước leo thang mới của Trung Quốc trong một khu vực hứa hẹn sẽ còn căng thẳng hơn nữa bởi các tranh chấp chủ quyền phức tạp kéo dài.

Nhưng vì sao trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp trong khu vực, Việt Nam lại thường được Trung Quốc chọn để tạo tình huống căng thẳng dù trên danh nghĩa vẫn là đồng minh ý thức hệ ? 

Không dễ để có câu trả lời rốt ráo song những nhận định của Derek Grossmanchuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của RAND trong bài viết 2 tháng trước đây có thể phần nào đó gợi ý về lời giải. 

Trong bài viết có tựa đề rất khiêu khích Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight (Quân đội Trung Quốc ưa đánh khởi động với Việt Nam) [1], Derek Grossman chỉ ra có ít nhất 3 lý do khiến Trung Quốc sẽ chọn Việt Nam, nếu muốn đánh khởi động. 

Lý do thứ nhất đến từ nhu cầu của chính Trung Quốc khi mà quân đội nước này đang rất cần nâng cao kinh nghiệm tác chiến của hải quân và không quân. Tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là một kịch bản được chuẩn bị sẵn sàng để Giải phóng Quân (PLA) thực hành việc chiếm đảo, phòng thủ cũng như hợp đồng tác chiến trên biển chống lại một kẻ địch khu vực. 

Lý do thứ hai có liên quan đến yếu tố Hoa Kỳ. Nếu phải chọn ai đó để khai chiến, Trung Quốc sẽ tránh những quốc gia có thể lôi Mỹ vào cuộc vì dù có nhiều tiến bộ song Giải phóng Quân vẫn chưa chuẩn bị đủ cho một cuộc đụng độ với siêu cường số một thế giới. Với Phillipines, tháng 3 vừa rồi Mỹ đã tái khẳng định một cuộc tấn công vào quân đội Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa hai quốc gia. Với Đài Loan, dù Hoa Kỳ không duy trì một liên minh an ninh chính thức song Luật Quan hệ Đài Loan lại đòi hỏi Washington phải bảo vệ Đài Loan trước các cuộc tấn công của Đại Lục. Riêng Việt Nam với chính sách 3 Không (không liên minh quân sự, không cho quân nước ngoài đồn trú, không hợp tác nước này chống lại nước khác) chắc hẳn sẽ khiến Trung Quốc an tâm hơn nhiều khi động binh. 

Cuối cùng, Trung Quốc ưa thích một cuộc chiến mà họ nắm chắc phần thắng. Quân đội Việt Nam hiện khó có thể duy trì tác chiến lâu dài với Trung Quốc vì thua kém về năng lực, huấn luyện và nhân sự. Thêm nữa Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến trên không và trên biển, đặt ra nghi ngờ ngay cả với việc liệu họ có thể tiến hành hợp đồng tác chiến trên biển nổi hay không ?

Nếu những lập luận của Derek Grossman là đúng thì sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang khiêu khích Việt Nam ở Biển Đông như những gì diễn ra hiện nay, bởi họ rất muốn, hoặc ít nhất là không ngại coi Việt Nam như bao cát để tập đấm. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 25/07/2019 (nguyenanhtuan's blog)

[1] https://thediplomat.com/2019/05/vietnam-is-the-chinese-militarys-preferred-warm-up-fight/

Quay lại trang chủ
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)