Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2019

Xuất bản tự do : Cơ hội hay thử thách ?

Phạm Phú Khải é Nam Khánh

Lời giới thiệu : Vào ngày 12/7 vừa qua, Nhà xuất bản Tự Do cho ra một thông báo về chương trình tặng 1.000 cuốn sách "Phản kháng phi bạo lực" của tác giả Phạm Đoan Trang. Nhà xuất bản Tự Do cho biết sẽ bắt đầu tặng sách vào ngày 14/7. Chưa đầy 4 ngày sau, đến 11 giờ trưa ngày 18/7, 1000 cuốn sách đã được tặng hết. Qua sự kiện này, tôi đã liên lạc với anh Nam Khánh, đại diện của Nhà xuất bản Tự Do, để tìm hiểu thêm các hoạt động của nhóm này. Sau đây là cuộc trò chuyện giữa Phạm Phú Khải và Nam Khánh thuộc Nhà xuất bản Tự Do.

tudo1

Phản Kháng Phi Bạo Lực. Hình : FB Phạm Đoan Trang

***

Phạm Phú Khải : Đầu tiên, xin Nam Khánh cho biết tại sao các bạn lại chọn lấy tên Nhà xuất bản Tự Do cho nhóm hoạt động của mình ?

Nam Khánh : Khi nhóm các sáng lập viên quyết định thành lập nhà xuất bản, thật sự không quá khó khăn để chúng tôi chọn cái tên Nhà xuất bản Tự Do. Cái tên có vẻ không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là khá bình thường, nhưng điều bình thường ấy đang là khao khát của hàng triệu người Việt Nam, cũng là mục tiêu và lý tưởng của rất nhiều người khác. Chúng ta không được tự do nói những gì chúng ta nghĩ, không được tự do học những gì chúng ta muốn, không được tự do đọc những gì chúng ta thích và nhiều những thứ khác nữa. Sự cai trị độc đoán và kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Việt Nam đã dần biến Tự Do thành một cái gì đó rất xa xỉ đối với người Việt, vì vậy với mong muốn giúp người dân Việt Nam tiếp cận với kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại và vén bức màn sắt đang bao phủ lên đời sống xã hội Việt Nam, cũng như góp phần thúc đẩy một ngành in ấn, xuất bản thật sự độc lập, chúng tôi muốn mục tiêu của mình thể hiện ở ngay từ cái tên của nhà xuất bản. Đó là tự do sáng tác, truyền thông báo chí tự do, xuất bản tự do, tự do học thuật, và cái tên Nhà xuất bản Tự Do đã ra đời như chính mục tiêu và lí do mà nó tồn tại.

Phạm Phú Khải : Xin Nam Khánh giới thiệu sơ qua một số hoạt động của Nhà xuất bản Tự Do ?

Nam Khánh : Chúng tôi là một nhà xuất bản hoạt động độc lập, với hoạt động chính là in và phát hành các ấn phẩm hoàn toàn không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Sách được phát hành thông qua hình thức bán và tặng miễn phí. Chúng tôi từng tổ chức tặng cuốn "Cẩm nang nuôi tù" cho các nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm và gia đình các tù nhân lương tâm, và gần đây nhất là chương trình tặng 1000 cuốn "Phản kháng phi bạo lực". Như anh cũng đã biết, cả hai tác phẩm đều của tác giả Phạm Đoan Trang. Chúng tôi cũng chủ động "săn" các đầu sách mới phù hợp với tiêu chí của nhà xuất bản là đề cao các giá trị Tự Do – Dân Chủ - Nhân Quyền và tôn trọng sự thật, khách quan, hoặc "đặt hàng" các tác giả viết về đề tài mà chúng tôi yêu cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng nhận in và phát hành các tác phẩm do độc giả viết, nếu phù hợp với các tiêu chí trên và có tác động tích cực đến cộng đồng.

Phạm Phú Khải : Tại sao Nhà xuất bản Tự Do lại chọn tác phẩm "Phản kháng phi bạo lực" của Phạm Đoan Trang để in và tặng miễn phí vào lúc này ?

Nam Khánh : Mặc dù chưa có con số thống kế chính xác, nhưng bằng cảm quan chúng tôi cho rằng phong trào dân chủ Việt Nam có số lượng các nhà hoạt động, những người quan tâm, những người ủng hộ thay đổi xã hội là không ít, nếu không muốn nói là ngày càng tăng. Anh có thể thấy qua số lượng người tham gia các cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng của phong trào lại chưa cao và các hoạt động chưa thực sự hiệu quả, xuất phát từ một thực tế là rất nhiều những nhà hoạt động của chúng ta còn yếu cả về kiến thức lẫn kỹ năng đấu tranh phi bạo lực, hiểu sai về phương pháp này và có những hành động còn cảm tính, bản năng, hay có người muốn làm cái gì đó nhưng lại không biết làm như thế nào dẫn đến những hy sinh, thiệt hại không đáng có.

Trong khi tình trạng Việt Nam lại không cho phép chúng ta mở các lớp học đào tạo về phương pháp phản kháng phi bạo lực một cách rộng rãi, thì việc in thành sách và phát hành chúng đại trà là một giải pháp tiếp cận tốt hơn. Mặc dù tác phẩm này đã được tác giả Phạm Đoan Trang hoàn thành và đưa lên mạng dưới dạng Ebook cách đây gần 2 năm nhưng vẫn chưa nhiều người biết đến. Vì sự cần thiết của nó đối với tất cả những ai muốn Việt Nam thay đổi, chúng tôi quyết định sẽ dành tặng miễn phí thay vì bán, để có thể lan tỏa nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Giống như việc anh là một người yêu thích nấu ăn, nhưng lại không biết nấu thế nào cho ngon, anh cũng không có điều kiện đến lớp học nấu ăn, vì vậy chúng tôi trao cho anh một cuốn cẩm nang hướng dẫn anh cách nấu.

Xét về hình thức, đây là cuốn sách mỏng (khoảng hơn 100 trang) như một cuốn cẩm nang. Xét về nội dung, "Phản kháng phi bạo lực" có nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và những gì mà cuốn sách giải thích, hướng dẫn chính xác là những gì mà các nhà hoạt động trong phong trào dân chủ Việt Nam đang thiếu và đang cần. Đã đến lúc phong trào đòi dân chủ - nhân quyền của Việt Nam cần có những hoạt động phản kháng được tổ chức bài bản, có kế hoạch, có chiến lược để hạn chế những hy sinh, thiệt hại không đáng có.

Phạm Phú Khải : Nếu có người đặt câu hỏi Nhà xuất bản Tự Do lấy tiền từ đâu ra để hoạt động, để in ấn và tặng miễn phí nữa, kể cả các cuốn sách "Phản kháng phi bạo lực" này, thì Nam Khánh sẽ trả lời sao ?

Nam Khánh : Ngay từ đầu, khi quyết định thành lập nhà xuất bản chúng tôi đã chọn cách "lấy hoạt động để nuôi hoạt động", sách được chúng tôi bán là chủ yếu. Việc bán sách được thực hiện hoàn toàn công khai trên Fanpage của Nhà xuất bản Tự Do. Tiền thu được từ việc bán sách dùng để duy trì các hoạt động xuất bản và dùng để đầu tư in các ấn phẩm tiếp theo khác.

Những ấn phẩm được tặng miễn phí như cuốn "Cẩm nang nuôi tù" (giới hạn đối tượng được tặng) và cuốn "Phản kháng phi bạo lực" lần này cũng được lấy một phần nhỏ từ nguồn tiền bán các ấn phẩm trước đó cộng với phần còn lại chủ yếu đến từ chính các độc giả của Nhà xuất bản Tự Do ủng hộ. Đây là điều khiến chúng tôi hạnh phúc nhất vì chúng tôi đã không đơn độc sau những cố gắng trong suốt thời gian qua. Nhưng cũng rất tiếc vì lí do an toàn và sự yêu cầu từ những người đóng góp mà chúng tôi không tiện công khai danh tính của họ để gửi lời cảm ơn.

Phạm Phú Khải : Để tiếp tục hoạt động lâu dài và hiệu quả thì mọi tổ chức đều cần một nguồn lực dồi dào, từ tài lực đến nhân lực, và nhiều yếu tố khác. Nam Khánh và các bạn trong nhóm sẽ làm gì để huy động được nguồn lực này ?

Nam Khánh : Đây cũng là điều làm chúng tôi trăn trở, mặc dù hoạt động hiện tại của nhà xuất bản là khá ổn định và hiệu quả. Nếu chúng tôi tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của độc giả như hiện tại thì hoạt động của nhà xuất bản sẽ không gặp khó khăn nhiều về mặt tài chính, việc bán sách và xoay vòng dòng tiền để in các đầu sách khác đã chứng minh được hiệu quả sau gần nửa năm đi vào hoạt động, nên tôi nghĩ để hoạt động lâu dài là điều không quá khó.

Nhưng để mở rộng quy mô và tăng tính hiệu quả thì chúng tôi cần nhiều hơn thế. Gần đây chúng tôi đã thử đăng thông báo tìm các cá nhân, tổ chức muốn trở thành đại lý phân phối sách của Nhà xuất bản Tự Do. Bước đầu đã có một số đại lý được thành lập ở một vài địa phương và việc phân phối sách nhờ vậy cũng thuận lợi hơn, đó là một tín hiệu tốt. Chúng tôi cũng có kế hoạch sẽ thành lập hệ thống phân phối sách đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tổ chức bán sách gây quỹ, vừa để cộng đồng người Việt hải ngoại hiểu hơn về các hoạt động đấu tranh trong nước, vừa có nguồn lực để nhà xuất bản thực hiện các chiến dịch tiếp theo. Xa hơn, chúng tôi có kế hoạch sẽ tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế chuyên hỗ trợ các dự án về tự do truyền thông, báo chí và xuất bản, đó có thể là tài chính, máy móc kỹ thuật hoặc các khóa đào tạo chuyên nghiệp về ngành xuất bản và phát hành sách.

Phạm Phú Khải : Ngoài vấn đề nhân lực và tài lực, Nhà xuất bản Tự Do gặp những thử thách khó khăn nào, và có phải đối diện với những đe dọa nguy hiểm nào từ phía an ninh Việt Nam không ?

Nam Khánh : Một nhà xuất bản hoạt động không giấy phép (mà thật ra có xin cũng không được cấp) độc lập trước sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền phải đối mặt với những đe dọa, đánh phá từ an ninh là điều không thể tránh khỏi. Một Fanpage cũ của Nhà xuất bản Tự Do từng bị đánh sập chỉ sau chưa đầy 4 ngày đi vào hoạt động. Không chỉ nhà xuất bản mà các tác giả cộng tác với chúng tôi cũng thường xuyên bị các tờ báo, các trang blog được hậu thuẫn bởi an ninh Việt Nam viết bài tấn công, bôi nhọ và cả đe dọa.

Các thành viên của nhà xuất bản đã từng bị truy đuổi, phải bỏ chạy khỏi nơi ở, bị mất mát tài sản… Nhưng là những nhà hoạt động, chúng tôi cũng không quá bất ngờ với những gì xảy ra với mình.

Phạm Phú Khải : Giả sử nếu Nam Khánh, hoặc các bạn thuộc Nhà xuất bản Tự Do, bị phát hiện và bắt giam, thì điều gì có thể xảy ra cho các bạn ? Các bạn có lường trước được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho mình không ?

Nam Khánh : Chính quyền Việt Nam luôn có nhiều cách đối xử khác nhau đối với các nhà hoạt động tùy vào mức độ hoạt động của họ. Chúng tôi cũng không thể chắc chắn điều gì, nhưng nếu bị phát hiện và bắt giữ thì việc bị thẩm vấn, đánh đập là điều gần như không thể tránh khỏi. Thật sự mà nói thì đó cũng là điều… bình thường đối với những ai có tư tưởng hay hành động chống đối chính quyền ở Việt Nam.

Nhưng tình huống xấu nhất là hoạt động in ấn và phát hành sách có lẽ sẽ khiến chúng tôi có nguy cơ bị khép vào tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự. Theo đó, người bị khép vào tội danh này sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm tùy vào mức độ, người chuẩn bị phạm tội thôi cũng có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nhưng như đã chia sẻ thì chúng tôi hoàn toàn ý thức được những gì mình đang làm và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, vì tự do là không miễn phí mà.

Phạm Phú Khải : Tự do không miễn phí ! Nhưng quả là rất nguy hiểm. Nam Khánh và các bạn trong nhóm hiểu rất rõ điều này, nhưng không ngần ngại dấn thân. Tại sao ?

Nam Khánh : Vâng, như tôi đã chia sẻ ở trên, chúng tôi ý thức được và hiểu rõ những nguy cơ mà mình có thể gặp phải. Nhưng nếu ai cũng vì sợ hãi mà chùn bước thì xã hội làm sao có thể thay đổi được. Chúng tôi dám làm không hẳn vì chúng tôi dũng cảm hơn những người khác mà vì chúng tôi hiểu rõ mình cần phải làm gì và phải làm như thế nào. Hay nói cách khác, chúng tôi có mục tiêu rõ ràng và có những phương pháp căn bản để có thể làm việc, cũng như đã chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống có thể xảy ra. Điều này cũng được đề cập đến trong cuốn "Phản kháng phi bạo lực".

Quan trọng hơn nữa là chúng tôi có tinh thần đồng đội, đoàn kết và may mắn có được sự nâng đỡ, hậu thuẫn từ rất nhiều người quen và cả không quen biết đối với những việc chúng tôi làm.

Phạm Phú Khải : Mục tiêu hàng đầu của Nhà xuất bản Tự Do là gì, và các bạn dự tính sẽ làm gì để đạt được các mục tiêu này ?

Nam Khánh : Lan tỏa tri thức và sự thật đến người dân Việt Nam là mục tiêu tối thượng của Nhà xuất bản Tự Do. Chúng tôi hy vọng những sản phẩm với tư tưởng tự do của mình có thể cạnh tranh với các sản phẩm tuyên truyền một chiều của các nhà xuất bản được hậu thuẫn bởi chính quyền, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, không chỉ các kiến thức và giá trị tốt đẹp của Dân chủ - Tự do – Nhân quyền mà đó cũng có thể là những câu chuyện, những sự thật bị cố tình che giấu. Chính quyền càng cố thu hẹp không gian dân sự và cố kiểm soát tư tưởng thông qua một bộ máy kiểm duyệt hà khắc, thì chúng tôi sẽ dùng các hoạt động của mình để mở ra không gian tự do. Không gian tự do được mở rộng đến một mức độ nhất định thì chính quyền sẽ không còn khả năng để kiểm soát nữa. Khi đó tự do tư tưởng, tự do học thuật sẽ trở thành điều bình thường trong xã hội.

Để làm được điều đó chúng tôi biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng dù có phát triển đến mấy thì một Nhà xuất bản Tự Do cũng không thể và không đủ sức làm hết phần việc hệ trọng ấy. Vì vậy, chúng tôi rất mong sau quá trình hoạt động với một chút những thành công nho nhỏ có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động khác chung tay để cùng đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Phạm Phú Khải : Ngoài Nhà xuất bản Tự Do ra thì Nam Khánh có biết đến các nhà xuất bản độc lập khác không, và có sự liên đới kết hợp nào hiện nay hay tương lai không ?

Nam Khánh : Ở Việt Nam trước đây thì có Nhà xuất bản Giấy Vụn và Nhà xuất bản Vô Danh là hai nhà xuất bản xuất hiện trước chúng tôi. Họ cũng đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình dân chủ hóa và đã có những thành công nhất định. Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của những người đi trước. Đáng tiếc là hiện nay cả hai nhà xuất bản này không còn hoạt động nữa. Mỗi nhà xuất bản có những lý do riêng của họ và chúng tôi không được rõ lắm.

Nhà xuất bản Tự Do ra đời sau khi cả hai nhà xuất bản này đã ngừng hoạt động, vì vậy chúng tôi không có cơ hội được hợp tác. Tuy nhiên, như đã chia sẻ ở trên thì chúng tôi rất sẵn lòng nếu nhận được lời mời hợp tác từ các cá nhân, tổ chức khác trong tương lai nếu phù hợp.

Phạm Phú Khải : Câu hỏi này hơi bên lề một chút. Chắc Nam Khánh có theo dõi các cuộc biểu tình của giới trẻ tại Hồng Kông trong những tuần qua. Nam Khánh có những suy nghĩ nào về biến sự này ?

Nam Khánh : Tôi thật sự rất ấn tượng với những gì đang diễn ra tại Hồng Kông. Tôi khâm phục và ngưỡng mộ những gì mà người dân nói chung và các bạn trẻ Hồng Kông nói riêng đang làm được. Nó đẹp như một câu chuyện cổ tích. Vì họ không chỉ là xuống đường, thể hiện quyền và sức mạnh của công dân, mà họ còn cho thế giới thấy một tập thể đoàn kết, với cách tổ chức chuyên nghiệp, và phương pháp phản kháng đầy nghệ thuật sáng tạo.

Thời gian qua tôi cũng thấy nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam lấy phong trào của Hồng Kông so sánh với tình trạng của Việt Nam, đặc biệt là so sánh giới trẻ hai bên. Theo tôi, đó là một sự so sánh khập khiễng. Người Hồng Kông hàng trăm năm nay đã may mắn có được một nền giáo dục tự do, khai phóng trong một xã hội dân chủ, điều mà hiện tại người Việt Nam còn đang phải chật vật để giành lấy. Nên thay vì so sánh và khiển trách thì tôi cho rằng chúng ta nên chọn cho mình một công việc cụ thể để đóng góp cho phong trào dân chủ Việt Nam, có thể bắt đầu bằng việc quan sát và học hỏi từ phong trào ở Hồng Kông, từ đó rút kinh nghiệm và áp dụng cho các phong trào ở Việt Nam trong tương lai chẳng hạn.

Phạm Phú Khải : Nam Khánh nghĩ sao về tình hình giới trẻ Việt Nam ? Thực tế hiện nay có làm cho các bạn bi quan hay thất vọng không ? Và theo Nam Khánh thì người Việt trong và ngoài nước cần phải làm gì để tạo ý thức và đẩy mạnh các phong trào dân sự tại Việt Nam ?

Nam Khánh : Bản thân tôi luôn nghĩ mình trẻ, ít ra là trẻ trong tâm hồn, và đang hoạt động, và tôi không cảm thấy và cũng không cho phép mình bi quan hay thất vọng. Đặc biệt là trong suốt mấy năm hoạt động, công việc đòi hỏi tôi đi nhiều nơi, có cơ hội tiếp xúc với những bạn trẻ đến từ nhiều vùng miền, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi thấy ở họ sự nhiệt huyết, năng động, tinh thần ham học hỏi và cũng rất dũng cảm. Điều đó càng làm tôi có động lực hơn để đi tiếp vì tôi biết rằng mình không đơn độc trên hành trình gian nan này. Một số những kiến thức và kỹ năng tôi có được cũng là nhờ học được từ các bạn trẻ khác.

Mặc dù thực tế Việt Nam vẫn còn rất khắc nghiệt nhưng đã có rất nhiều người trẻ dám đứng lên, dám tham gia biểu tình, biết chủ động tìm kiếm cơ hội để được tự do học tập để phát triển bản thân. Đó là điều đáng để đặt hy vọng lớn thay vì bi quan.

Cá nhân tôi không dám và cũng chưa đủ khả năng để đưa ra lời khuyên "người Việt trong và ngoài nước cần phải làm gì". Nhưng tôi nghĩ muốn làm mọi sự thành công thì điều đầu tiên là phải có kiến thức, vì tri thức là sức mạnh, sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta bớt sợ hãi. Muốn thúc đẩy phong trào ở Việt Nam thì cần nhiều những con người vững kiến thức lẫn kỹ năng. Muốn làm được điều đó không còn cách nào khác là bắt đầu việc học ngay từ bây giờ.

Phạm Phú Khải : Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, Nam Khánh cho điều gì khác muốn chia sẻ thêm về vấn đề xuất bản tự do, đấu tranh phi bạo lực, hay công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam nói chung ?

Nam Khánh : Nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể thấy các phong trào thay đổi xã hội không thể thiếu sự đóng góp của ngành báo chí và xuất bản. Như phong trào Phục Hưng, sự tự do bắt đầu bằng tự do sáng tác nghệ thuật. Từ phong trào Kháng Cách, các cuộc cách mạng từ thế kỷ 18, 19, cho đến những cuộc cách mạng ôn hòa sau này đều có sự đóng góp của việc in ấn, xuất bản và lan truyền các luồng tư tưởng mới, tự do hơn, khai phóng hơn. Những tư tưởng này một khi đã lan tỏa trong người dân, đã được người dân chấp nhận, thì họ sẽ trở nên miễn nhiễm trước sự định hướng của tầng lớp cai trị.

Cũng chính vì lý do đó mà nhà cầm quyền ở các chế độ độc tài đều tìm cách ngăn chặn, cấm đoán, kiểm soát việc in ấn và xuất bản.

Cho nên, chúng tôi nhận thấy rằng công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam không thể thiếu vắng các tác phẩm tự do. Càng nhiều người dám viết, càng nhiều người dám in ấn, dám phát hành các sách báo trái chiều thì sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức nhanh hơn và thiết thực hơn. Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều người tham gia vào các hoạt động này, và sẽ xuất hiện nhiều nhà xuất bản độc lập trong thời gian tới. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cho họ trong khả năng của mình.

Phạm Phú Khải : Cảm ơn Nam Khánh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Mong chúc Nam Khánh và các nhà hoạt động đạt được những thành quả mong đợi trong những ngày tới. Quý bạn đọc có thể theo dõi các hoạt động trên trang Facebook của Nhà xuất bản Tự Do hay qua email Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

Nam Khánh : Chân thành cảm ơn anh đã tạo điều kiện để tôi có dịp chia sẻ câu chuyện của Nhà xuất bản Tự Do đến quý độc giả của VOA, tôi cũng xin thay mặt nhà xuất bản gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã ủng hộ chúng tôi trong thời gian qua.

Phạm Phú Khải thực hiện

Nguồn : VOA, 27/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)