Sau Thế Chiến II, nhiều người mới nhận ra rằng tất cả mọi con người, và mọi quốc gia, đều tương thuộc nhau. Xung đột của một nơi lạ hoắc hoặc xa lắc vẫn có thể tác động lên các vấn đề con người (human affairs) ở bình diện vùng và toàn cầu.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO.
Hoa Kỳ, vì thế, đã cùng các đồng minh nỗ lực thiết lập Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế khác để đối phó với an ninh, tài chánh, kinh tế, thương mại cũng như các Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) v.v… để giải quyết các vấn đề này trên bình diện vùng và toàn cầu.
Trước khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời khoảng 7 tháng, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã bắt đầu hoạt động kể từ ngày 7 tháng Tư năm 1948 với một cam kết chung là "để đạt được sức khỏe tốt hơn cho mọi người, ở mọi nơi".
Nhưng từ đó đến nay, vai trò và trách nhiệm của WHO chưa bao giờ bị thử thách nặng nề như vào lúc đại dịch Covid-19 này.
Hiện nay, đã có gần 2 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu với gần 130 ngàn người chết. Trong số này, Mỹ bị nặng nhất, nhiều hơn tất cả các nước khác, kể cả Ý, Tân Ban Nha, và Trung Quốc, về số ca nhiễm và số ca chết.
Với tình hình đại dịch như thế, chính phủ Hoa Kỳ - nước giàu nhất thế giới - đã thông qua 2 ngàn tỷ đô la (2 trillion) gói kích thích kinh tế - lớn chưa từng thấy - để cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế căn bản trong quốc gia, và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, các tổ chức và cá nhân để duy trì và cầm cự trong thời gian ngắn tới hầu có sau đó thể vực dậy được [1].
Tuy có được gói kích thích kinh tế như thế, tình trạng quan ngại của đại dịch Covid-19 hiện nay không phải vì thế mà giảm đi. Sau đây là một số yếu tố chính : một, không đóng cửa biên giới sớm hơn, một phần vì Hoa Kỳ là nước mà quyền tự do cá nhân và chủ nghĩa cá nhân là trên hết ; hai, không có đủ dụng cụ để thử nghiệm, điều mà mọi quốc gia đều gặp phải trong giữa đại nạn này ; ba, gói kích thích này có phải là giải pháp hiệu quả và lâu dài cho Hoa Kỳ không vẫn còn là một câu hỏi lớn [2].
Những nguyên do nêu trên, cùng với hệ thống y tế bất toàn, nên các chuyên gia hàng đầu tại Mỹ ước đoán số người bị nhiễm có thể lên cả triệu và số người bị chết từ 100 đến 240 ngàn người [3]. Bác sĩ Anthony Fauci cũng thừa nhận rằng đóng cửa biên giới sớm hơn và nếu có sự chuẩn bị sớm hơn thì đã có thể cứu sống nhiều mạng người.
Một số lãnh đạo chính trị đổ lỗi cho Trung Quốc và WHO gây tác hại nặng nề do sự quản lý Covid-19. Điều này có chính đáng không ?
Trước hết, rõ ràng là Trung Quốc đã ém nhệm, dấu giếm, không công bố với người dân của mình và với bên ngoài nạn dịch này, mặc dầu các chính quyền địa phương đều biết đến dịch bệnh này vào tháng 11 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán truyền từ người sang người [4]. Các báo cáo từ giữa tháng Giêng bởi một số cơ quan truyền thông như tờThe Guardian vào ngày 21 tháng Giêng năm 2020 đã cho thấy được mức độ quan ngại truyền bệnh từ người sang người của coronavirus này, trong khi WHO vẫn chưa thừa nhận hoàn toàn. Sau đó, khi mức độ lan truyền đã gia tăng đáng kể trong Trung Quốc và lan ra ngoài nước, WHO vẫn một mực không công nhận covid-19 là đại dịch. Vì sao ?
Một phần, vì một định nghĩ thế nào là một đại dịch (pandemic) là điều vẫn chưa rõ ràng và đang còn nhiều tranh cãi [5]. Có người cho rằng để gọi là một đại dịch thì cần có ba yếu tố : một, nó lan truyền từ người này sang người khác ; hai, nó giết hại ; và ba, nó lan rộng toàn cầu [6]. Mãi cho đến ngày 11 tháng Ba, Dr. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của WHO, mới công bố tình trạng này là đại dịch. Lúc đó đã có 118.000 ca nhiễm trên 110 quốc gia [7]. Trước đó, ngay từ đầu tháng Hai, ông Ghebreyesus đã phản đối các quốc gia, từ Mỹ đến Úc đến Singapore, đã đóng cửa biên giới và cho rằng họ đã có phản ứng quá thái khi tình hình chưa đến nỗi quan ngại như sự đánh giá của WHO.
Trong khi đó, WHO vẫn nhìn nhận rằng sự lây lan của Covid-19 hiện nay là đáng quan ngại, nên tuyên bố "nạn dịch là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thế giới" trong Bản Báo cáo Tình huống số 11 ngày 31 tháng Giêng. Thế nhưng WHO vẫn tin rằng Covid-19 có thể được ngăn chặn nếu áp dụng các biện pháp phát hiện, cách ly, chữa trị, tìm ra nguồn mối và đề cao cách ly xã hội [8].
Vì WHO không có quyền hạn gì lên chủ quyền của các quốc gia khác, nên các quốc gia như Mỹ, và Úc, cùng nhiều nước khác đã gạt qua đề nghị này và liền lập tức cấm các chuyến bay từ lục địa Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng Hai [9]. Khi nghe tin này, WHO liền phản đối mạnh mẽ và tuyên bố : "Hạn chế đi lại có thể gây hại nhiều hơn lợi vì cản trở chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng y tế và gây hại cho nền kinh tế" [10]. Trung Quốc, qua các viên chức ngoại giao của họ, cũng lên án các quốc gia không theo đề nghị của WHO : "Đúng như WHO khuyến nghị chống lại các hạn chế đi lại, Mỹ đã chạy theo xu hướng ngược lại". Ông Ghebreyesus lại quả quyết rằng 151 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong được xác nhận tại 23 quốc gia ngoài Trung Quốc là số lượng nhỏ và các trường hợp này có thể được quản lý mà không cần các nước sử dụng các biện pháp cực đoan [11].
Trong những tuần sau đó cho đến ngày 11 tháng Ba, khi tình hình ngày càng trầm trọng, WHO mới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Cũng vì nghe lời khuyên của WHO trước đó nên nhiều quốc gia không sử dụng các biện pháp cứng rắn mạnh mẽ, trong đó không đóng cửa biên giới. Và kết cuộc, như chúng ta thấy, là một nạn đại dịch toàn cầu có nguy cơ tàn phá và thay đổi khủng khiếp nhất đời sống con người trong thời gian tới.
Nếu WHO là một tổ chức y tế toàn cầu với nhiệm vụ vô cùng trọng yếu như trên nhưng vì bị áp lực của Trung Quốc, hay vì không làm đúng chức năng của mình, thì những người trách nhiệm của WHO phải chịu trách nhiệm các tác động sâu sắc của Covid-19 lên mọi mặt sống trên toàn cầu hiện nay. Cho dù thật sự WHO không chịu áp lực từ Trung Quốc, WHO phải nhìn ra được xu hướng dịch bệnh gia tăng một cách quan ngại trong thời gian đó và cần đưa ra các đề nghị thích hợp, tùy theo tình hình và khả năng của quốc gia, để họ lấy quyết định đóng cửa biên giới và để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lây lan, thay vì lên án hành động đó là cực đoan hay không cần thiết.
Giả sử nhiều quốc gia khác, như Úc chẳng hạn, cũng nghe theo thời WHO, thì hình hình đã tồi tệ hơn rất nhiều lần.
Điều này cho thấy WHO đã thất bại hoàn toàn trong việc thao dõi, nghiên cứu, điều hướng và lãnh đạo thế giới đối phó với đại dịch Covid-19 này.
Nó cũng cho thấy rằng việc rà xét lại cung cách làm việc, tiến trình lấy quyết định, và đâu là những nguyên nhân làm cho WHO không đi đến những quyết định sớm hơn và quyết đoán hơn, qua vụ Covid-19, sẽ giúp cho tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, và sa thải những cá nhân nào đã tất trách trong công việc của mình trong thời gian qua.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 15/04/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Jordan Fabian and Justin Sink , "Trump Signs $2 Trillion Virus Bill, Largest Ever U.S. Stimulus ", Bloomberg ; 28 March 2020.
2. Stephanie Denning , "Why The $2 Trillion Stimulus Package Is Putting Dollars In The Wrong Place", 8 April 2020.
3. Michael D. Shear, Michael Crowley and James Glanz, "Coronavirus May Kill 100,000 to 240,000 in U.S. Despite Actions, Officials Say ", The New York Times, 31 March 2020.
4. Lily Kuo, in Beijing, "China confirms human-to-human transmission of coronavirus", 21 January 2020.
5. Manfred S. Green, "Did the hesitancy in declaring COVID-19 a pandemic reflect a need to redefine the term ? ", The Lancet, 13 March 2020.
6. Debora Mackenzie, "Covid-19 : Why won't the WHO officially declare a coronavirus pandemic ?", 26 February 2020.
7. Jamie Ducharme, "World Health Organization Declares COVID-19 a 'Pandemic.' Here's What That Means ", Time, 11 March 2020.
8. WHO, "Novel Coronavirus(2019-nCoV) Situation Report – 11", 31 January 2020.
9. Australia Prime Mister and Minister for Heatlh, "Extension Of Travel Ban To Protect Australians From The Coronavirus ", Media Release, 13 Feburary 2020.
10. BBC correspondents, "Coronavirus : US and Australia close borders to Chinese arrivals", 1 February 2020.
11. Lisa Schlein, "WHO Chief Urges Countries Not to Close Borders to Foreigners From China ", VOA, 3 February 2020.
Cách đây ít lâu, nhà sản xuất phim nổi tiếng của Hollywood Harvey Weinstein đã bị tuyên án 23 năm tù, 20 năm vì hành xử tình dục phi pháp và 3 năm vì hiếp dâm, trong phiên tòa tại New York.
Nó có thể là tất cả những người mình quý mến và thương yêu
Những người hành xử phi pháp như Weinstein nhan nhản khắp nơi, không riêng gì tại Mỹ.
Vấn đề bạo hành với phụ nữ nói riêng, phân biệt đối xử với nữ giới nói chung, vẫn còn phổ biến trên toàn thế giới, ngay cả ở những nước văn minh nhất.
Đối với Việt Nam, cũng như các nước chậm phát triển, sự coi thường nữ giới và bạo hành gia đình ở mức rất cao. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm 2010 cho biết tại Việt Nam có đến 34 phần trăm, tức một trong ba phụ nữ đã lấy chồng, đã từng chịu đựng bạo lực thể xác hoặc tình dục từ người chồng của họ. Nếu tính luôn bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần thì con số đó lên đến 58 phần trăm. Một bài viết nghiên cứu về đề tài này vào năm 2019 trên tạp chí nguyên ngành International Journal of Mental Health Systems cũng xác nhận con số nêu trên.
Tối qua, tôi nói chuyện với một người bạn thân. Mẹ cô cũng từng là nạn nhân của bạo hành mà cô đã chứng kiến suốt thời ấu thơ. Nói chuyện xong tôi trằn trọc suốt đêm. Thật là buồn !
Cách đây gần 4 năm tôi viết bài "Nó" nhưng không phổ biến rộng. Các mẫu tin vừa qua làm tôi suy nghĩ và muốn chia sẻ về đề tài này. Mời quý bạn đọc.
Liên quan đến bạo hành, tôi mốn bàn về chữ "nó".
Xưng hô là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam, cái mà chúng ta bắt đầu học "từ lúc nằm nôi".
Trong cách xưng hô tiếng Việt, tinh thần lễ phép kính trọng đối với vai trên thì phải công nhận rất hay, rất đáng để cho người ta học hỏi mình. Tuy nhiên đối với vai dưới, sự phân biệt và miệt thị rất cần được xét lại.
Trong cách xưng hô đối với vai dưới, "nó", "thằng", "con" v.v... đều là những từ hàm ý coi thường hay khinh bỉ.
"Nó" là vai thứ ba nhưng chủ yếu ám chỉ : 1) người giữ vai nhỏ hơn ; 2) người bị miệt thị hoặc không được kính trọng/nể trọng ; 3) thú vật hay đồ vật. Theo Việt Nam Tự Điển (Nhà xuất bản Văn Mới 1954) thì nó là "tiếng để chỉ người hèn thấp hay vật gì mình nói đến". Cho nên không ai xưng hô "nó" đối với một người mình kính nể cả, trừ trường hợp cố tình dùng để miệt thị hoặc gây hấn. Hoặc là vì rất quen thân.
Nhưng vẫn có hai trường hợp ngoại lệ tiêu biểu.
Một, rất nhiều người Việt, một cách vô tình hay vô ý, vẫn dùng "nó" để ám chỉ người ngoại quốc, ngay cả những người lớn tuổi hơn mình hay được mình kính nể. Vẫn quen miệng xưng "nó" hoặc "tụi nó", tuy vẫn ý thức rằng người ta lớn hơn, vai vế hơn. Tôi có cảm tưởng đó là tinh thần bài ngoại xuất thân từ các công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc từ hàng nghìn năm qua để duy trì độc lập và bảo toàn lãnh thổ. Cảm tưởng thôi chứ không biết chắc lắm ! Liên quan đến vấn đề này, hơn một thập niên trước, một vị giáo sư uy tín ra đề nghị với giới trẻ chúng tôi cần sửa đổi cách xưng hô thiếu văn hóa đối với người ngoại quốc. Nhìn lại, nhiều người nhận ra rằng đôi lúc mình xưng hô trật vì thói quen, và vì ảnh hưởng của những người chung quanh. Đúng là có những cái thói quen nằm ẩn trong tìm thức hay tàng thức, mà nếu không nhận ra thì sẽ chẳng ai thay đổi.
Hai, nhiều người đàn ông Việt Nam dùng "nó" khi ám chỉ vợ mình. Trong số này tôi tin rằng tỷ lệ nể vợ hay trọng vợ, và kể cả sợ vợ không chừng, không phải là nhỏ. Có thể là thói quen chăng ! Tôi không nghĩ là thói quen thôi mà chủ yếu là vấn đề vai vế trong gia đình Việt Nam. Văn hóa Việt Nam vẫn chủ yếu là văn hóa gia trưởng, mà trưởng ở đây hiển nhiên là người chồng người cha. Cái thói quen chỉ có sau khi tự trong tiềm thức hay tàng thức người chồng tự xem mình là trên vợ, có quyền hơn vợ, và muốn gọi vợ ra sao thì tuỳ hỉ. Vẫn có những người ý thức hơn không dùng "nó" khi nói về vợ mình trước bậc dưới, nhưng khi nói chuyện với bậc trên, vẫn trở lại dùng "nó".
Vì thói quen, vì xem mình là gia trưởng, hay vì lý do gì đi nữa, tôi cho cách xưng vợ mình là nó với bất cứ ai đều không thích hợp. Tất cả đều mang tính cách khinh khi hoặc coi thường vợ mình.
Tại sao không thích hợp ?
Bởi, thứ nhất, coi thường vợ mình chẳng khác gì khinh khi chính mình vậy. Một người được tôn trọng hay không thì chủ yếu là vì tư cách của người đó chứ không bao giờ nên là vì phái tính cả. Ngoài ra, khi chúng ta vô ý coi thường một người khác, thiếu đi sự kính trọng qua cách xưng hô chẳng hạn, thì điều đó cũng nói lên được cái cung cách và tư duy của chính mình vậy.
Thứ hai, sự coi thường trong cách xưng hô như thế, và từ đó cung cách hành xử, có liên hệ mật thiết đến bạo hành trong gia đình. Một cách tương đối, rất khó để một người sử dụng bạo lực với người mình kính trọng, và rất dễ để một người sử dụng bạo lực với người mình khinh khi. Như chiến dịch Chống bạo hành do chính phủ Liên bang, Tiểu bang và Lãnh thổ Úc phát động mang tên Tôn trọng (Respect) nói :
"Thật là quan trọng để hiểu vòng lẫn quẫn của bạo hành. Không phải sự bất kính nào đối với phụ nữ đều dẫn đến bạo hành, nhưng tất cả mọi bạo hành đối với phụ nữ đều bắt đầu từ những hành vi bất kính. Tất cả chúng ta đều có thể góp phần ngăn chặn ngay từ ban đầu".
Để góp phần ngăn chặn ngay từ ban đầu, suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta cần phải thay đổi. Là người lớn, chúng ta cần có trách nhiệm dạy dỗ con em của mình, làm gương cho con cháu, để các cháu học được cái đúng cái sai, nhưng trên hết học cách tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chính mình. Không thay đổi lúc ban đầu thì sẽ muộn màng.
Tôi còn nhớ rõ như ghi trong đầu câu chuyện xảy ra cách đây hơn 30 năm tại Việt Nam. Một ông chồng bợm nhậu lôi vợ con ông ra đánh đập một cách tàn nhẫn, hầu như mỗi ngày, và có khi treo vợ cột ngược đầu trên dây thừng. Nguyên cái xóm đó, và cả cái xã hội đó, thời đó, không làm được gì. Mỗi lần đi học về tôi nghe tiếng khóc, tiếng rên, như rít vào tai tôi, làm đau nhói con tim. Cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi đi vượt biên sau đó nên không rõ chị ấy có còn sống dưới bàn tay thô bạo của người chồng vũ phu không.
Chị cũng chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong vô số nạn nhân của bạo hành tại Việt Nam.
Tôi không rõ vấn nạn này có giảm trong 30 năm qua không ? (nhìn con số do LHQ đưa ra tôi thật là bi quan). Xã hội Việt Nam bây giờ, cái đạo lý con người xuống cấp một cách kinh khủng, và người ta thường giải quyết với nhau bằng bạo lực (khi luật pháp không giải quyết được gì nếu không có thủ tục đầu tiên, và khi luật pháp chỉ bảo vệ Đảng cầm quyền). Nên tôi không khỏi lo ngại hơn đối với nạn bạo hành tại Việt Nam ngày nay.
Nếu suy nghĩ thêm một chút, làm sao mà không lo chứ !
"Nó" có thể là con gái của mình, là chị mình, là em gái mình, là mẹ mình, là cô mình, là dì mình, là mợ mình, là cô giáo của mình, là những người bạn nữ của mình, là bà nội bà ngoại của mình, là vợ mình v.v... Là tất cả những người mình quý mến và thương yêu mà.
Tôn trọng người khác, không chỉ người quyền uy chức trọng, mà cả những người thuộc cấp, những người nhỏ tuổi hơn, địa vị thấp hơn, như trẻ em, người tàn tật, người thấp cổ bé miệng, là bước đầu trong hành trình này. Đó cũng là bước tiến trên hành trình văn minh của nhân loại.
Đó mới là nhân quyền đích thực.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 20/03/2020
Việt Nam là một quốc gia trẻ. Trẻ ở đây là dân số. Tuy số liệu từ nhiều nguồn có thể khác nhau, điểm chung mà đa số các nguồn này đồng ý là rằng ít nhất có hơn 50 phần trăm dân số trẻ, từ 16 đến 30 tuổi, đang sinh sống tại Việt Nam. Dân số Việt Nam hiện nay ước đoán khoảng 97 triệu. Nếu thế thì có gần 50 triệu người Việt trở lên được xem là trẻ.
Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ.
Theo Ngân hàng Quốc tế (World Bank) thì dân số Việt Nam vào năm 2018 là 97 triệu, trong đó 70 phần trăm dân số dưới 35 tuổi. Nhiều người Việt xem 35 tuổi là vẫn còn trẻ. Năm 2020 có thể gia tăng hơn chút. Nghĩa là có khoảng 68 triệu người Việt được xem là trẻ.
Dữ liệu mà tổ chức BMI đưa ra tuy chưa cập nhất nhất, nhưng cho biết đến cuối năm 2018 thì có khoảng 170.000 sinh viên học sinh đi du học trên toàn cầu. Phần lớn là tự túc, chiếm 90 phần trăm, không nhất thiết là con ông cháu cha và cũng không được học bổng hay hỗ trợ nào từ phía chính quyền.
Những người trẻ Việt Nam không dính líu gì đến Đảng cộng sản Việt Nam, bao gồm cả 90 phần trăm người trẻ có cơ hội tự túc đi du học khắp nơi, nghĩ gì về tình trạng đất nước Việt Nam hôm nay ? Phần lớn sinh sau 30 tháng Tư năm 1975, họ biết gì và nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam ? Họ hiểu cuộc chiến này ở hai, hay nhiều chiều, hay chỉ hiểu ở góc cạnh mà Đảng cộng sản Việt Nam và các bộ phận tuyên truyền và truyền thông của nhà nước này muốn họ hiểu thôi ?
Nghĩ về đất nước Việt Nam hôm nay, giới trẻ Việt Nam tự hào hay tủi nhục ? Hay không quan tâm/vô tư (indifference) ? Quả thật là khó biết. Có lẽ chưa có một cuộc thăm dò ý kiến nào khách quan và tương đối rộng khắp, đại diện cho các tiếng nói khác nhau và nhiều thành phần trẻ khác nhau, được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị khó khăn, rắc rối hay trù dập từ phía chính quyền.
Suốt 45 năm qua, nhất là trong 10 đến 15 năm qua, ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam dám nói lên những gì họ nghĩ, cho dầu nó khác biệt hoặc đi ngược lại với quan điểm của nhà cầm quyền. Cho dầu họ đã bị bắt, đánh đập, ngược đãi và tù đầy. Cho dầu gia đình họ cũng bị áp lực, bao vây kinh tế, và ngay cả chính gia đình họ cũng xử dụng các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail). Tất cả phần lớn vì sợ, vì thương con, không muốn con mình bị đối xử tồi tệ, tù đầy v.v... Vâng, vẫn có những cá nhân can trường, vô úy như thế trong xã hội Việt Nam. Nhưng quá ít. Cho đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vì sao vậy ? Tại sao một đất nước có hơn 50 triệu người trẻ, ngay cả 68 triệu người dưới 35 tuổi, mà số lượng người trẻ dám vượt qua sợ hãi, dám nói lên những suy nghĩ trái chiều, quá ít ỏi đến thế ? Một hiện tượng xã hội hiếm có và khó hiểu. Nói thế nhưng tôi đã may mắn gặp được một số bạn trẻ rất gạn dạ và đang nỗ lực hết mình để mang lại những thay đổi nhỏ cho chính mình và xã hội chung quanh.
Những người trẻ sống ở Việt Nam cả đời thì khó lấy gì so sánh, mặc dầu ngày nay họ có thể truy cập thông tin trung thực hơn từ các mạng. Thông tin là một chuyện. Nhưng thời nay tin thật tin giả cũng tràn lan. Làm sao biết hư thực để so sánh ? Và bao nhiêu bạn trẻ ngày nay ý thức làm điều này, có tư duy độc lập, có tinh thần và dám nối kết nhau ? Hẳn nhiên là có, nhưng không ai biết rõ được con số. Chắc chắn thời nào cũng có những người lý tưởng, nhất là giới trẻ. Nhưng để trở thành sức mạnh như nước, để hội tụ các giọt nước này thành thủy triều, họ cần hiểu, thông cảm và hỗ trợ rất nhiều về mọi mặt.
Nhưng ngoài nguyên do bạo lực từ phía chính quyền, gia đình, theo tôi, vẫn là cản trở lớn nhất trong bối cảnh xã hội Việt Nam.
Những người trẻ được đi du học, mang quốc tịch Việt Nam đang ở khắp nơi, thì chủ yếu nỗ lực tìm kiếm mảnh bằng làm hành trang cho sự nghiệp của mình trong tương lai. Đó là mục tiêu mà đại đa số cha mẹ Việt Nam mong muốn. Rất chính đáng thôi. Đại đa số gia đình dành dụm tối đa để dồn khoảng 40 phần trăm, hay hơn, nguồn thu nhập gia đình cho con em mình có cơ hội được đi du học. Ngược lại, là thân phận làm con thấy cha mẹ làm việc khổ nhọc, người con nào mà không thương yêu bố mẹ mình và muốn tập trung học tập để có được mảnh bằng và công việc làm tốt. Được như thế thì bố mẹ họ đã mãn nguyện rồi. Cho nên rất hiếm có những bạn trẻ có tư duy độc lập để chọn con đường riêng cho mình. Sợ bao nhiêu phiền toái liên lụy và nhất là sợ bố mẹ buồn. Phụ thuộc kinh tế và nặng tình thương là hai trong các yếu tố chính tác động lên suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ Việt Nam hôm nay.
Sống dưới một chế độ độc tài cộng sản, không ít thì nhiều bạn trẻ nào cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục, bởi các chính sách giáo dục quái gỡ và phản khoa học trong đó vẫn còn phần nào đó đặt nặng hồng hơn chuyên. Hay nói theo ngôn ngữ "cởi mở" hơn chút từ ông Nguyễn Phú Trọng là vừa hồng vừa chuyên thì mới "tốt". Thay vì đặt trọng tâm con người là chính, chế độ này chủ trương đặt các ý thức hệ chính trị vô bổ và ảo tưởng lên giới trẻ, từ mầm non đến tuổi trưởng thành như thế, muốn biến họ trở thành những người phục vụ đảng, không phải phục vụ cho đất nước dân tộc. Họ khôn khéo tuyên truyền để nhập nhằng hai là một. Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa v.v… Đảng và nhân dân là một.
Dân tộc Việt Nam đã đấu tranh hào hùng để chống ngoại xâm, nhất là kẻ thù phương Bắc, hàng ngàn năm qua. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ mới thành lập 80 năm qua. Họ muốn người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ sinh sau 1975, biết rằng chỉ có họ mới đánh thắng Pháp, Mỹ, Trung Cộng v.v… Họ muốn giới trẻ chỉ nghĩ rằng lịch sử Việt Nam cận đại là lịch sử bách chiến bách thắng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cũng như Đảng cộng sản Trung Quốc, họ muốn xóa bỏ, nếu được, không thì sửa lại và viết lại lịch sử, để các thế hệ hôm nay và mai sau không thắc mắc, không đặt vấn đề, và sau cùng chấp nhận phiên bản lịch sử này. Một phiên bản đầy dối trá, bóp méo sự thật, dựng chuyện từ không đến có, xóa cái từ có đến không !
Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ. Con đường tốt nhất là tìm cho mình một công việc làm tốt ở một xã hội tiến bộ. Có thể tôi sai, nhưng nhìn chung thì 90 phần trăm, hay hơn, giới trẻ Việt Nam là như thế. Chúng ta có nên trách họ không ? Chúng ta đã làm gì để giúp họ, nâng đỡ họ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức ? Chúng ta có trình bày sự thật để họ tự tìm hiểu thay vì cũng tuyên truyền, nhồi nhét, áp đặt ? Chúng ta có thật sự lắng nghe nguyện vọng của họ không hay bác bỏ mọi suy nghĩ tiếng nói của họ ? Chúng ta đã làm gì để truyền cảm hứng và tinh thần lên cho họ thay vì nghi ngờ và chủ trương không tiếp cận ?
Đây là những câu hỏi mà những người quan tâm đến đất nước cần phải thực lòng suy nghĩ và trả lời. Chất xám và tương lai nằm ở đó, nhưng cứ nhìn họ như mối đe dọa thay vì có tinh thần tự tin để nhìn thấy là cơ hội quý báu.
Khi không hiểu một đối tượng trẻ với một tiềm năng khổng lồ, và là tương lai của đất nước, và có sức mạnh chuyển hóa xã hội, thì chúng ta đã thất bại ngay từ đầu. Làm sao có thể kết nối với họ hay ảnh hưởng tích cực lên họ nếu chúng ta không hiểu họ gì cả ? Không hiểu cả những người trẻ tại Việt Nam và những sinh viên đang du học đang nghĩ gì muốn gì !
Tiếp sau đây, tôi chia sẻ một số suy nghĩ của các nhà hoạt động tại Việt Nam để hy vọng qua đó giúp cho tất cả những ai quan tâm phần nào hiểu hơn về suy nghĩ của một số thành phần giới trẻ hôm nay, dù chúng ta có đồng ý với họ hay không.
*******************
Trong thời gian qua, tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với một số bạn trẻ Việt Nam. Không nhiều. Chừng 20 bạn trở lại. Tất cả các bạn đều là những người lý tưởng muốn góp phần thay đổi xã hội ngày một tốt hơn. Có thể nói các bạn là những người phi thường trong một bối cảnh xã hội bất thường !
Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ.
Đầu tiên là họ phải vượt qua được chính mình, các cám dỗ của cuộc sống vật chất chung quanh. Hồi xưa ai cũng nghèo như nhau. Đi hoạt động hiếm có ai mà có tiền. Ngày nay thì hoàn toàn khác. Đi hoạt động là một hy sinh lớn, một sự chọn lựa lắm rủi ro và đầy bất an.
Kế đến là phải vượt qua được những lo lắng và áp lực của gia đình. Đây là cửa ải lớn nhất, khó khăn nhất đối với các bạn. Đại đa số các bạn đều phải vượt qua các áp lực này, hoặc nếu không qua nỗi thì tìm cách dấu gia đình và hy vọng một ngày nào đó gia đình đành phải chấp nhận. Nỗi lo bị an ninh biết những hoạt động của các bạn chưa chắc lớn bằng nỗi lo canh cánh về bố mẹ có hiểu, chấp nhận, khoan nói đến hỗ trợ các việc làm của mình ? Hay bố mẹ sẽ tìm mọi cách cản trở, kể cả các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail) ?
Sau cùng là va chạm thực tế. Dù có lý tưởng cao cả, các bạn sẽ sống ra sao ? Sẽ làm gì vừa để sinh nhai vừa hoạt động ? Nếu hoạt động thì lấy gì để sinh nhai ? Nếu sinh nhai thì làm sao hoạt động cho hiệu quả ? Còn nếu làm cả hai thì chẳng gì ra gì, họ biết vậy !
Nhìn chung quanh ai cũng chạy theo đồng tiền. Ai cũng "thực tế". Còn các bạn, chỉ bất nhiêu người làm sao thay đổi được gì ?
Những câu hỏi này, tuy các bạn không có câu trả lời, nhưng tâm hồn và tấm lòng cứ kêu gọi các bạn tiến tới. Nó không ngừng thúc dục. Tôi thương mến và khâm phục các bạn quá.
Trong cuộc trao đổi mới đây với bạn Minh Tâm, một nhà hoạt động tại Việt Nam, tôi hỏi bạn nghĩ sao về các phong trào và các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại ? Bạn nói rằng thú thật với anh, nói ra thì xúc phạm và có thể làm anh và người khác buồn, nhưng em thấy "phong trào bên ngoài chẳng ăn nhập gì với trong nước". Tôi hỏi thêm bao nhiêu điều và Minh Tâm chia sẻ thêm như sau :
"Vấn đề của người Việt Nam cũng không phải phức tạp gì lắm anh ạ.
Thật ra thì không phải người Việt trong nước họ không biết, mà họ sợ, rồi nó thành mãn tính, cho nên họ chỉ biết lo cho thân của họ trước.
Kế đến, họ cứ nghĩ chống đối là bị bắt... nhưng thực tế không phải như thế. Mình làm sao giúp cho họ thấy và biết nhiều cách khác nhau để họ tham gia.
Rồi sau đó dần dần kết nối họ lại với nhau.
Nhưng để làm như thế thì cần có khả năng thuyết phục.
Tuy nhiên phong trào đấu tranh đa phần, không phải là tất cả, chỉ biết chửi bới. Ngoài ra thì vẫn có tư duy tự cho mình là tinh hoa, và muốn lãnh đạo người khác. Thêm vào đó, họ kêu người trong nước thay đổi tư duy, từ bỏ cái tôi, mà họ lai không từ bỏ cái tôi của mình để tạo ra cái tôi mới với người trong nước. Sau cùng họ đặt nặng vào hình thức, chấp vào thể thức, hơn là thực sự muốn dân chủ tự do cho Việt Nam. Em có cảm tưởng nhiều người vẫn muốn đấu tranh cho cái nền dân chủ tự do của trước năm 1975, trong khi dân chủ đã tiến rất xa rồi.
Còn những người có nhân cách tại Việt Nam họ thấy những người khác không bằng họ nên họ không tin và thậm chí coi thường.
Cho nên những người hoạt động trước tiên phải trở thành người đàng hoàng.
Rồi làm các công việc thiết thực.
Thì sẽ dần dần mang lại thay đổi.
Chứ em thấy 45 năm rồi, có hàng trăm tổ chức bên ngoài, bỏ biết bao nhiêu tiền và sức lực, nhưng có thực sự tạo ra sự thay đổi gì không ? Trong nước có mấy ai biết đến họ không ? Hay chỉ là đấu tranh cho thỏa nỗi hận của mình ?...".
Những lời nói thật lòng của Minh Tâm, dù có thể khó nghe đối với nhiều người, đã làm tôi suy nghĩ nhiều.
"Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Đã 45 năm rồi, đã đến lúc chúng ta cần chăm chú lắng nghe bằng hai lỗ tai, bằng tấm lòng thành, bằng tình thương, sự đồng cảm và sự tôn trọng ý kiến của mỗi và mọi thành viên có tấm lòng cho Việt Nam, dù họ có trẻ đến mấy. Dù họ chỉ mới 15 hay 18 tuổi, 30 hay 35 tuổi. Tự do ngôn luận của mỗi người phải được tôn trọng phải không ạ ? Trên hết, họ đáng được kính trọng và trân quý bởi vì sự dấn thân và hy sinh của họ, ít có ai trong chúng ta ở hải ngoại hiểu thấu được.
Tôi cũng thực hiện một cuộc khảo sát rộng hơn, tuy vẫn còn giới hạn, với các nhà hoạt động tại Việt Nam cũng như các bạn trẻ trong và ngoài nước. Tôi sẽ trình bày những suy tư và ý kiến thẳng thắn của các bạn trong các bài tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 04/03/2020
Chỉ chưa đầy hai tuần, kể từbài viết về Covid-19 (coronavirus, nay được gọi tên mã là Covid-19), nay số nhiễm bệnh gia tăng thật khủng khiếp.
Biểu ngữ kêu gọi chống lây lan virus Covid 19 tại Bắc Kinh.
Số Covid-19 tăng vọt trong 12 ngày qua
Theo viện nghiên cứu tại Đại học John Hopkins vào hôm nay 21 tháng 2, thì nạn dịch Covid-19 hiện có 76.726 người trên thế giới bị mắc bệnh, 2.247 người chết, 18.547 người được chữa trị. Nghĩa là số người chết tăng gần gấp ba trong 12 ngày. Nhưng điều tích cực là số người được chữa trị cao gấp chín lần. Có 75.466 trường hợp nhiễm bệnh nằm trong đại lục, chiếm 98.36 phần trăm. Ngoài Trung Quốc có 27 quốc gia khác (không tính Hồng Kông và Macau được xem là khu tự trị nhưng thuộc Trung Quốc) có người dân bị nhiễm.
Trong khi đó, Báo cáo Tình hình số 31 của Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào ngày 20 tháng Hai cho biết hiện nay có 75.748 trường hợp được phòng thí nghiệm xác nhận là bị nhiễm (548 ca mới). Có 2.121 ca chết (115 ca mới), với 8 ca ngoài Trung Quốc (5 ca mới).
Cả hai báo cáo trên đều cho biết ngoài Trung Quốc thì Nam Hàn hiện đang có số bị nhiễm Covid-19 cao nhất, 156 ca theo John Hopkins và 104 ca theo WHO. Sau đó là Nhật, 97 ca theo John Hopkins và 85 ca theo WHO. Sau đó là Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Mã Lai, Đức v.v… Chiếc du thuyền Diamond Princess cập bến tại Yokohama hiện có tổng cộng 643 ca theo John Hopkins, và 621 ca theo WHO.
Con số báo cáo của các cơ quan y tế hay truyền thông khác cũng chênh lệch nhau. Chẳng hạn, tờNew York Times ngày 21 tháng Hai cho biết có 76.100 ca bị nhiễm Covid-19, trong đó có 2.245 người chết. Gần giống con số mà Đại học John Hopkins báo cáo.
Tại sao có sự chênh lệch con số
Sự chênh lệch con số báo cáo là điều hoàn toàn dễ hiểu, trong trường hợp này, vì nhiều lý do khác nhau.
Đầu tiên là do sự kiểm soát và bưng bít thông tin của Bắc Kinh, bản chất cố hữu của họ đối với mọi vấn đề và mọi lĩnh vực, đặc biệt những gì có khả năng gây bất lợi cho chế độ. Bắc Kinh đã từng làm như thế với bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ khác nhau, chẳng hạn với con sốGDP, rồi nạn dịch SARS năm 2002 (mà họ vẫn phủ nhận chỉ vì lo lắng cho sự ổn định và cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn đến 774 cái chết trong 17 nước, trong đó có 300 người Hồng Kông) v.v... Rồi bây giờ đến Covid-19. Tiếp theo là việc báo cáo gian, bệnh thành tích, tốt khoe xấu che v.v… cũng nằm trong các biện pháp lâu nay được các lãnh đạo địa phương như Vũ Hán cũng như của Bắc Kinh, hay nói chung toàn Đảng cộng sản Trung Quốc sử dụng. Cung cách lãnh đạo tập trung của Trung Quốc khuyến cáo các quan chức địa phương về việc đưa thông tin tiêu cực đến Bắc Kinh. Kế tiếp là cách chẩn bệnh, vốn rắc rối phức tạp, lại diễn ra trong một bầu không khí hốt hoảng và hỗn loạn, và thiếu các chuẩn mực căn bản. Vì như thế nên chỉ nội ngày thứ Năm 13 tháng Hai, 18.480 ca mới được phát hiện.
Ngoài ra, chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh đã phần nào ảnh hưởng đến các quốc gia khác, và các tổ chức quốc tế như WHO. Đối với các quốc gia khác thì Bắc Kinh cực lực lên án Mỹ, Úc hay các quốc gia nào ban hành lệnh cấm đi lại với các du khách từ Trung Quốc, hay cấm các chuyến bay từ Trung Quốc đến, chẳng hạn. Úc đã gia hạn lệnh cấm đi lại, lẽ ra đã hết hạn từ thứ Bảy 15 tháng Hai vừa rồi, nay gia hạn đến thứ Bảy 22 tháng Hai, và có thể gia hạn thêm tùy theo tình hình. Quyết định này đã gây bao khó khăn cho người cần phải đến Úc gấp, trong đó có cả100 ngàn sinh viên du học tại Úc từ Trung Hoa đại lục. Trung Quốc cũng sử dụng chính sách ngoại giao hung hăn của mình đối với tổ chức WHO. Đầu tiên là áp lực để WHO từ chối công bố tình trạng khẩn cấp của Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu cho đến giờ phút cuối khi mà họ không thể làm gì khác. Và ngay cả thế WHO cũng kêu gọi các nước không áp đặt lệnh cấm du lịch hoặc thực hiện các biện pháp quyết liệt khác để cô lập Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc còn áp lực WHO từ chối cho phép Đài Loan tham gia trực tiếp vào các cuộc họp bàn về Covid-19. Cho nên không có gì ngạc nhiên cả khi WHO báo cáo một cách cẩn trọng, chỉ ghi nhận con số được xác nhận trong phòng thí nghiệm, trong khi đó nhiều bệnh viện tại Trung Quốc không còn chỗ chứa và cả hệ thống y tế có lúc đã không đủ khả năng để đối phó. Vì thế mà con số WHO trình bày mỗi ngày trong bản Báo cáo Tình hình đã thấp hơn nhiều so với John Hopkins hoặc các cơ quan truyền thông tại địa phương nằm ngoài Trung Quốc.
Phải chăng vì thế mà cách đây vài hôm chính quyền Trump thể hiện ý định muốn cắt nguồn viện trợ gồm 3 tỷ đô la cho các chương trình y tế toàn cầu, trong đó có tài trợ tổ chức WHO ? Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì việc cắt giảm tài trợ này là nhằm mục đích "tìm trách nhiệm giải trình và hiệu năng cao hơn" từ hai tổ chức WHO và PAHO (Pan American Health Organization).
Covid-19 và Tập Cận Bình
Nạn nhiễm Covid-19 là một trắc nghiệm đối với ông Tập Cận Bình về khả năng lãnh đạo trước một khủng hoảng kinh tế và nhân đạo lớn nhất hiện nay.
Theo chuyên gia Elizabeth Economy thì bảy năm qua, ông Tập đã thiết kế một hệ thống để chống lại một cuộc khủng hoảng như thế, bao gồm việc tập trung quyền lực, kiểm soát và điều hành các hệ thống nhà nước trừ trên xuống dưới, giới hạn các thông tin trong và ngoài biên giới Trung Quốc, và thông qua một chính sách đối ngoại quyết đoán được thiết kế để vỗ về và ép buộc các nước khác thực hiện như Trung Quốc nói. Một phần nào đó hệ thống này chứng minh ông Tập đang thành công. Đảng cộng sản Trung Quốc đã cách ly được các tỉnh với dân số cả 100 triệu, xây dựng các bệnh viện tạm thời và trung tâm kiểm dịch lớn trong một vài tuần ngắn ngủi, đồng thời các quan chức Trung Quốc đã giải quyết bằng phương cách bịt mồm các nhà phê bình và kiểm soát các câu chuyện công khai về sự bùng phát, như với bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang). Cũng vì thế nên muốn hiểu tường tận và thực tế tình hình Covid-19 tại các tỉnh bị nhiễm hiện nay là một thử thách lớn. Trong hệ thống như thế, Bắc Kinh dễ dàng đổ lỗi cho các viên chức tại địa phương, và nếu cần cách chức tỉnh trưởng hoặc bí thư để trấn an dư luận, đặc biệt khi sự việc không xảy ra như họ mong muốn. Như tạp chí The Economist nhận định, khi Trung Quốc của ông Tập gặp phải rắc rối thì đảng sẽ gửi những người cứng rắn đến đối phó, như họ đã gửi ông Xia Baolong, người từng làm phó cho ông Tập tại Zhejiang, bây giờ được đề cử đứng đầu chính quyền trung ương tại Hồng Kông và Ma Cao để giải quyết những sự chống đối chính quyền từ tháng Sáu năm ngoái đến nay.
Dù có nhiều sự chỉ trích về cung cách ông Tập giải quyết khủng hoảng Covid-19, ông vẫn còn khả năng kiểm soát quyền lực trong tay, và vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng cộng sản Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters ngày 14/2, cho biết : "Chỉ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình chúng tôi mới có thể kiểm soát bệnh dịch bất ngờ mà đã lây lan quá nhanh. Đây không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân Trung Quốc mà còn ngăn chặn sự lây lan nhanh của dịch bệnh trên thế giới…".
Cho nên những người dân Trung Quốc nào mong muốn ông Tập bị phê phán hay cách chức qua sự kiện này thì họ sẽ thất vọng. Mặc dầu uy tín của ông Tập bị ảnh hưởng nặng nề gần đây, nhất là khi giới trí thức Trung Quốc đã lên tiếng đổ lỗi cách điều hành của ông và yêu cầu ông chính thức xin lỗi bác sĩ Lý Văn Lượng, nhưng không phải vì thế mà ngôi vị ông Tập bị lung lây. Họ cũng sẽ thất vọng hơn nếu mong đợi rằng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi để chính họ được biết những sự thật, để hiểu được những điều cần thay đổi mà qua đó các sự kiện như Covid-19 hay SARS không xảy ra nữa, hay để có những lãnh đạo thật sự công minh và liêm chính, như công dân của những quốc gia tiên tiến khác đang được hưởng. Những điều này sẽ không xảy ra cho đến khi nào không còn những hoàng đế như Tập Cận Bình hay một nhà nước độc đảng như Trung Quốc hiện nay. Khi nào vẫn còn ông Tập hay Đảng cộng sản Trung Quốc thì họ sẽ quyết định thế nào là sự thật. Tuy thế, tạp chí The Economist kết luận rằng dù cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng rồi sẽ đi vào quên lãng, giống như các quốc gia được phục hồi sau các cơn "động đất", nhưng những ai cảm nhận được động đất sẽ không bao giờ quên hay tin tưởng vào sự vững chắc của nó như thế một lần nữa.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 22/02/2020
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Câu nói trên đã đeo đuổi tôi suốt cuộc đời. Trong nhà tôi không nhớ từ khi nào tôi đã được tặng bản thư pháp với hàng chữ này.
Nhưng vào ngày 14 tháng Hai năm nay, Valentine’s Day, Ngày Tình yêu, nó gợi lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm.
Hồi nhỏ, trong những lúc cô đơn, buồn tủi nhất, tôi luôn nghĩ đến Mẹ tôi, nhất là những khi Mẹ về thăm ông ngoại tôi ở Huế. Mỗi lần Mẹ tôi đi xa, tôi cảm thấy những ngày đó như dài vằng vặc. Ăn không ngon, ngủ không yên, tôi chỉ trông Mẹ về để được bên Mẹ. Được ngủ bên cạnh Mẹ. Hình như các anh chị tôi và tôi đều muốn ngủ bên Mẹ cho đến khi gần 10 tuổi, đến khi không còn chỗ nào để nằm bên Mẹ nên phải nhường cho các em nhỏ hơn mình. Tình yêu thương của Mẹ tôi dành cho các con, cho học trò của Mẹ, và những người chung quanh, cho đến nay vẫn còn đầy ấp. Mẹ cho đi nhiều lắm, vô hạn. Và Mẹ tôi cũng nhận được rất nhiều, vô hạn. Mẹ tôi hạnh phúc khi thấy các con, cháu và chắc vui vẻ thành đạt, và Mẹ cũng đau buồn khi thấy chúng tôi có những khổ tâm riêng. Valentine’s Day là ngày tôi thường nghĩ đến tình thương bao la của Mẹ.
Và tôi cũng nghĩ đến cô giáo chủ nhiệm của tôi, một người cô hiền từ mẫu mực và thánh thiện, vào ngày Valentine’s Day năm nay. Nếu không có cô, tôi sẽ không là tôi như ngày hôm nay. Cô không cảm hóa tôi bằng những lời đe dọa, những thước thẻ tay, những cuộc mắng vốn với Bố Mẹ tôi. Cô đã dùng tình thương, cảm thông, tha thứ và bao dung để tôi nhận thấy những điều mình làm, sai hay đúng. Hơn nữa Cô luôn ghi nhận và trân quý những điều tôi làm tốt, những đóng góp nhỏ nhoi của tôi cho xã hội chung quanh. Mãi cho đến bây giờ. Cô vẫn là cô của tôi, dù tôi có lớn có già có là gì đi nữa trong hiện tại hay tương lai. Tôi thương quý cô như người Mẹ thứ hai của tôi.
Ngày Tình yêu năm nay, tôi lại nghĩ đến bao người, những cô thầy giáo cũng như những người làm thiện nguyện trong các trại tị nạn, tại Đông Nam Á nói riêng các trại tị nạn trên toàn cầu nói chung. Riêng tôi, tôi còn nhớ những thầy cô đến từ Mỹ, Hòa Lan, Mã Lai, Hồng Kông, Úc v.v… đã dạy học trong các trại tị nạn vào thập niên 1980 và 1990. Họ tận tụy với học trò, luôn đến sớm về trễ. Không chỉ dạy, họ còn quan tâm chia sẻ và giúp đỡ bao nhiêu điều khác trong bao khốn khó của người tị nạn. Có hai người, một Mỹ một Hòa Lan, đã thương yêu người tị nạn và tận tụy suốt ba thập niên, trước trong và sau khi tôi rời trại tị nạn. Tôi không bao giờ quên được những tấm lòng vàng này. Hôm nay nghĩ đến họ, tôi không biết cho đến khi nào mới được đền ơn đáp nghĩa cho phải lễ. Bởi vì họ không còn trong cuộc đời này nữa.
Ngày hôm nay, tôi có cơ hội trò chuyện với một người bạn cũ. Chúng tôi trao đổi nhau về ý nghĩa Valentine, và những câu chuyện tình thật hay và ý nghĩa. Tôi kể cho cô nghe về hai vị ân nhân của người Việt tị nạn mà bây giờ đã khuất. Cô hỏi tại sao hôm nay tôi lại nhắc về hai người này. Tôi im lặng. Và thật tình không hiểu vì sao ! Có lẽ trong tìm thức. Chỉ biết rằng tình yêu thương cao thượng của họ đã chuyển hóa tôi. Họ đã sống trong tôi, giống như Mẹ tôi, cô giáo chủ nhiệm của tôi, đã sống trong tôi.
Tôi hỏi cô về đường tình duyên của cô, cô có hạnh phúc không. Cô cho biết người cô yêu thì, vì bối cảnh ngoặc nghèo, anh không thể lấy cô. Người yêu cô bao năm trời, thì cô lại không yêu, nên sau đó còn ôm mối hận trong lòng. Rốt cuộc cô lập gia đình với một người thương cô tràn đầy và hy sinh nhiều về cô, và cô cũng thương yêu anh ấy, nhưng hạnh phúc thật sự thì cô không chắc !
Tình yêu quả là… không đơn giản. Có mấy ai yêu, và được yêu, để sống bên nhau suốt đời. Không cần 100 năm hạnh phúc ! Chỉ cần vài năm, mười năm, hai chục năm, nhưng những năm tháng ấy thật sự yêu nhau. Đó cũng là diễm phúc rồi !
Thật ra, nếu so sánh, thì thế hệ hôm nay thật may mắn. May mắn hơn các thế hệ trước nhiều. Chỉ trong vòng vài thập niên hoặc hai ba thế hệ trở lại, con người có được nhiều quyền và tự do hơn, trong đó quyền được yêu và chọn người bạn đời của mình. Còn trước đó việc cưới hỏi vẫn chủ yếu được dàn xếp giữa người đứng đầu của hai gia đình, ở khắp nơi, nhất là những nơi mà "truyền thống" vẫn còn mạnh mẽ. Ngày hôm nay tuy một số nơi trên thế giới vẫn còn giữ quan niệm này, nhưng quyền được yêu thương đã trở thành quyền căn bản phổ quát của con người. Cho nên các cuộc hôn nhân không thể phủ nhận là không có tình yêu thật sự. Nhưng tỷ lệ hôn nhân đổ vỡ đưa đến ly dị nhau sau vài năm, hay lâu hơn, vẫn là con số đáng quan ngại.
Điều đó đưa đến câu hỏi căn bản : trong một hôn nhân, yêu nhau là đủ, hay cần phải thương nhau nữa ?
Ông Nguyễn Hưng Quốc đã chia sẻ một suy nghĩ ngắn về điều này vào ngày 14 tháng Hai vừa qua. Ông viết :
Để dịch chữ "love", trong tiếng Việt có hai chữ : yêu và thương. Chúng khác nhau thế nào ? Theo tôi, khác chủ yếu ở chỗ : "Yêu" bao hàm ý niệm chiếm hữu và có tính chất độc quyền, còn "thương" thì không. Mẹ thương con, càng nhiều người thương con, mẹ càng mừng. Nhưng vợ yêu chồng thì dứt khoát chỉ có một, không ai được quyền chia sẻ cả. Yêu nước cũng vậy : người ta không chấp nhận sự chia sẻ với các nước khác. Có điều, đến lứa tuổi nào đó, giữa các cặp tình nhân hay vợ chồng già với nhau, người ta thường dùng chữ "thương" hơn là "yêu" : Với họ, lúc ấy, chữ "thương" sâu đậm và đằm thắm hơn, trong khi chữ "yêu" lại có vẻ hơi sáo. Phải vậy không ?
Độc quyền, dưới bất cứ hình thức nào, đều có khả năng trở thành ích kỷ và hủy hoại.
Bao dung, dưới bất cứ hình thức nào, đều có khả năng quy tụ và xây dựng.
Có phải vì thế mà trong hôn nhân cần có cả hai, yêu và thương, để có thể sống mãi hạnh phúc bên nhau, cho đến "răng long đầu bạc" ?
Hỏi thì hỏi, nhưng tôi thật sự không biết câu trả lời. Tình yêu không có một khuôn thước mẫu mực gì để làm tiêu chuẩn, để đo lường được. Cho đến tuổi này, tôi cũng không biết mình có bao giờ đã từng yêu thật chưa, và được yêu thật chưa ? Tôi không nghĩ nhiều về tình yêu, nhưng lại ngẫm nhiều về tình thương. Tôi dễ cảm động trước những tình thương cao thượng giữa con người với nhau. Khi có tình thương và lòng trắc ẩn, chúng ta đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho người mình thương. Khi có sự ghen ghét hận thù trong lòng, chúng ta dễ rơi vào vòng suy nghĩ tiêu cực, có khi trù ẻo, mong đợi những gì xấu nhất xảy ra cho người đó.
Có thể tôi sai, nhưng tôi có cảm tưởng rằng tình yêu thương ngày nay trở thành một thứ khan hiếm. Hiển nhiên có bao người vẫn tiếp tục rao giảng tình yêu thương, trong tôn giáo, xã hội, từ thiện v.v… Điều đó không thể chối cãi. Nhưng quan sát qua mạng xã hội, với bao nhiêu tin tức tiêu cực, vốn là bản chất của tin tức, người ta dễ dàng bị cuốn vào cái vòng bên này bên kia, thù nghịch, rồi nhìn đâu cũng thấy màu đen, cũng có cảm tưởng như mình đang bị đe dọa, tấn công. Thật sự thì thế giới bên ngoài không giống như vậy. Tôi vẫn tin người tốt vẫn hiện hữu ở khắp nơi. Tính bản thiện vẫn là gốc con người, giúp chúng ta tồn tại cho đến hôm nay.
Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm ơn tôi vẫn còn đây, để có thêm một ngày nữa yêu thương. Tôi mong chúc cô bạn tôi, và bao nhiêu người khác, mỗi ngày sống để và được yêu thương, chứ không riêng gì ngày 14 tháng Hai hàng năm. Và tôi cũng mong tình yêu thương cho con người Việt Nam, cho đất nước Việt Nam, ngày càng nhiều, để cuốn sạch đi những hận thù do ý thức hệ giáo điều và những hành xử độc ác hủy diệt người Việt trong thế kỷ qua, để Việt Nam được cất cánh thăng hoa.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 18/02/2020
Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe về coronaVirus (nCoV). Ở nhà. Ở trường học con cái. Ở công sở. Ở chỗ gặp gỡ bạn bè. Ở các bữa ăn với gia đình. Trên truyền hình. Trên mạng xã hội v.v. Có lẽ không nơi nào tránh khỏi thông tin và bình luận về nCoV này trong những ngày qua.
Phóng ảnh vi khuẩn Virus Corona. Ảnh minh họa
Theo viện nghiên cứu tại Đại học John Hopkins vào hôm nay 9 tháng 2, thì nạn dịch nCoV hiện có 34.549 người trên thế giới bị mắc bệnh, ít nhất 813 người đã bị chết, trong đó chỉ có 2 người ở ngoài Trung Quốc, một tại Phi và một tại Hồng Kông. 2.707 trường hợp được chữa trị. Người dân thuộc 28 quốc gia trên thế giới đã được phát hiện là bị nhiễm nCoV, mà phần lớn là những người đã đến Trung Hoa đại lục.
Trong 28 quốc gia nêu trên thì Singapore chiếm 40 trường hợp, kế đến là Thái Lan 32, Hồng Kông 26, Nam Hàn 25, Nhật 25, Úc 15,… và Việt Nam 13. Tại Nhật, có 64 trường hợp được phát hiện trên du thuyền Diamond Princess, và tất cả các trường hợp này đang được chính phủ Nhật cách ly hoàn toàn tại Yokohama.
Mỗi ngày số người bị phát hiện nhiễm bệnh ngày càng gia tăng. Số người bị phát hiện nhiễm, hay chết, hôm qua thì hôm nay đã khác, đã gia tăng đáng kể. Bây giờ các chuyên gia y tế hàng đầu đang cần cả số liệu lẫn thời gian để xác định tỷ lệ tử vong. Hiện nay thì tỷ lệ tử vong khoảng 2 phần trăm (so với SARS năm 2002-2003 là 10 phần trăm). Yếu tố quan trọng khác trong khủng hoảng này là tỷ lệ vi trùng lan truyền. nCoV có phát triển nhanh chóng và lan ttuyền rộng rãi như SARS không thì hiện nay khoa học vẫn chưa đánh gía chính xác.
Một số biện pháp phòng ngừa, và cách ly, đang áp dụng hiện nay là cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch này. Chẳng hạn, các chuyến bay đến và đi từ Wuhan cũng như từ Trung Hoa đại lục, những người mới đến phi trường/cảng có triệu chứng của nCoV, và tại Trung Quốc, cách ly những bệng nhân với các nhân viên y tế, v.v… là cần thiết.
Chẳng hạn, đối với Úc, Cơ quan Chính yếu Bảo vệ Y tế của Úc Châu (Australian Health Protection Principal Committee/AHPPC) đã họp hành hàng ngày để đưa ra các lời đề nghị đối phó với nạn dịch này. Trong đó đề nghị mọi công dân Úc không đến Trung Quốc nữa. Thủ tướng Úc áp dụng biện pháp giới hạn di chuyển đối với những ai đến Úc từ Trung Hoa đại lục sau ngày 1 tháng Hai vừa qua. Những ai không phải là công dân Úc đến từ Trung Hoa đại lục thì sẽ không được vào Úc 14 ngày sau khi họ đã rời hay chuyển tiếp tại Trung Quốc đại lục. Những ai có sự tiếp xúc gần với những người đã nhiễm bệnh thì phải tự cách ly chính mình trong suốt 14 ngày sau khi gặp người nhiễm bệnh đó. Còn các công dân Úc được rước ra khỏi Vũ Hán thì hiện đang được tạm cư tại Christmas Island, và sau 14 ngày chuẩn bệnh và nếu không có triệu chứng, thì có thể được cho về nhà.
Nhưng cũng chưa đủ.
Theo Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế của John Hopkins, thì các việc kế tiếp cần làm là : một, sự phản ứng mạnh mẽ và kiên trì từ các chính quyền và cộng đồng quốc tế ; hai, phát triển vắc-xin là cấp thiết nhất hiện nay để làm giảm khả năng lan rộng và những tác hại của nó một cách đáng kể. Nhưng làm ra được vắc-xin thường mất nhiều thời gian, nhiều khi mất cả năm. Như thế thì việc ngăn ngừa sẽ trở nên vất vả và khó khăn từ đây đến đó. Nhưng nếu được sự yểm trợ và khuyến khích tối đa từ chính phủ, cộng đồng quốc tế, các nhà từ thiện v.v. để có sự phối hợp giữa các ứng viên vắc-xin muốn nghiêm chỉnh đạt được kết quả thì rất có thể có được kết quả nhanh hơn.
Khi đã có được vắc-xin thì vấn đề làm sao sản xuất nó hàng loạt, để nó được đến mấy chục ngàn người đang bị nhiễm, cũng như những ai muốn chích ngừa, trên toàn cầu. Đó là một tiến trình dài và rắc rối. Vấn đề sản xuất, phân phối hàng loạt tại nhiều nơi trên thế giới là hơi bất thường vì phần lớn làm tại một chỗ. Có thể vì nhu cầu cấp bách hiện nay mà WHO cần điều hợp khéo léo để việc này xảy ra một cách tốt đẹp hiệu quả nhất.
Sẽ mất nhiều thời gian để đối phó và ngăn chặn hoàn toàn nCoV này và nạn dịch lan tràn của nó. Nếu chính quyền Vũ Hán nói riêng, và Trung Quốc nói chung, coi trọng các tiếng nói chuyên môn độc lập nhưng không chính thống, như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người công khai lên tiếng báo động về sự lây lan của dịch bệnh corona, thì hệ quả đâu đến nỗi như bây giờ. Người dân Hồng Kông và nhiều nơi khác hoảng hốt cao độ, không chỉ vì sợ, mà chính vì không tin tưởng, không còn niềm tin vào cách quản lý thông tin và đưa thông tin trung thực của Bắc Kinh đến người dân. Người dân không còn tin tưởng khả năng của chính quyền có thể bảo vệ mạng sống của họ và ngăn chặn con virus này. Sự sợ hãi của họ là chính đáng, vì đây không phải là lần đầu.
Theo thống kê năm 2006 thì 53 phần trăm người dân khắp nơi còn tin tưởng rằng Trung Quốc hành xử phần nào đó trách nhiệm, nhưng đến năm 2019 thì tỷ lệ này tụt xuống chỉ còn 28 phần trăm. Ngoài ra, theo bản khảo sát mới nhất của Lowy Poll thì 45 phần trăm người được khảo sát cho biết họ không thật sự tín nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm điều đúng đắng đối với các vấn đề quốc tế, trong khi đó 23 phần trăm cho biết hoàn toàn không tín nhiệm ông Tập.
Nạn dịch nCoV ở tầm quốc tế hiện nay cần niềm tin vào nơi xuất phát con dịch, tức Vũ Hán nói riêng và Bắc Kinh nói chung, có khả năng ngăn ngừa kiểm soát và dập tắt nCoV càng sớm càng tốt. Nhưng với cái đà ngày càng gia tăng nCoV hiện nay và cung cách kiểm soát bưng bít của chế độ cộng sản, thật là khó để lạc quan tin rằng an toàn và mạng sống của người dân Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung là ưu tiên của Bắc Kinh. Vì thế cho nên mọi quốc gia phải tìm mọi cách đối phó tốt nhất trong khả năng mình lúc này cho đến khi vắc-xin được ra đời và có thể dùng cho mọi người.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 11/02/2020
Nạn dịch Coronavirus, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, cho đến hôm nay đã giết chết 132 người, với gần 6 ngàn người mắc nhiễm, và tiếp tục lây lan ra khắp thế giới. Nó đã làm giao động các thị trường tài chánh và rúng động nỗi lo ngại toàn cầu. Úc cũng có năm trường hợp bị nhiễm. Ngoài Úc và Trung Quốc thì có hơn 50 trường hợp trên 13 quốc gia bị nhiễm.
Nạn dịch Coronavirus, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, đã làm giao động các thị trường tài chánh và rúng động nỗi lo ngại toàn cầu - Hình minh họa.
Tuy nhiên tin mừng là các nhà khoa học tại Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch thuộc thành phố Melbourne, Úc Châu (Melbourne's Doherty Institute, hay tên chính thức là The Peter Doherty Institute for Infection and Immunity) cho biết sáng nay 29 tháng Giêng năm 2020 rằng virus Corona đã được trồng thành công lần đầu tiên theo văn hóa tế bào bên ngoài Trung Quốc. Đây là một bước đột phá đáng kể vì nó sẽ cho phép điều tra và chẩn đoán chính xác virus trên toàn cầu. Các nhà khoa học tại Melbourne đã thực hiện được điều này khi có được virus Corona trong tay (một người tại Melbourne đã được xét nghiệm là có virus này), do đó đã giúp cho các nhà khoa học có khả năng thực sự xác nhận và xác minh tất cả các phương pháp thử nghiệm, và so sánh độ nhạy và các đặc tính của chúng.
Tuần trước, một nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Hoàng gia Melbourne (The Royal Melbourne Hospital), từng là đồng nghiệp của vợ tôi, cho biết rằng một khu đặc biệt của bệnh viện đã được thiết lập để nghiên cứu, phòng ngừa và chữa trị virus Corona. Quả thật nước Úc có một văn hóa rất hay : luôn luôn quan sát mọi diễn biến trên thế giới, dù xa xôi đến mấy, và luôn chủ động trong nỗ lực tìm cách giải quyết những vấn đề, thử thách đe dọa đến an ninh, hòa bình của khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề sức khỏe.
Vấn đề y tế, sức khỏe trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay có nguy cơ lan tràn rất nhanh và rất rộng, như chúng ta đã thấy qua virus Corona. Trước đây, chúng ta cũng chứng kiến hệ quả lớn lao của những bệnh chết người như Ebola, cúm/Influenza, Dengue v.v… Sức khỏe tinh thần và ô nhiễm môi trường/không khí cũng là những thử thách lớn lao cho nhân loại, dù không nguy hiểm chết người như các bệnh dịch virus trên.
Trong những năm tới và thập niên tới, nhân loại sẽ phải đối đầu với bao thử thách lớn lao khác. Và sau đây là những vấn đề quốc tế liên quan đến an ninh toàn cầu.
Một, là sự trổi dậy của Trung Quốc, thách thức Hoa Kỳ, có thể ảnh hưởng lên nền hòa bình và an ninh khu vực và thế giới. Trung Quốc vẫn biện minh họ trổi dậy trong hòa bình, nhưng càng ngày họ càng tỏ vẻ hung hăn. Đó là điều phần lớn thế giới quan ngại. Hiện tượng này còn được gọi là bẫy Thucydides. Trước mặt, cuộc thương chiến Mỹ Trung có nguy cơgây suy thoái sâu rộng.
Liên quan đến sự trổi dậy của Trung Quốc là vấn đềBiển Đông, phần biển mang tính chiến lược. Một phần ba hàng hóa toàn cầu đi qua đây, trị giá 3 ngàn tỷ đô la về thương mại, cùng với lượng hải sản cũng như dầu hỏa và khí đốt tại đây. Trong khi đó Trung Quốc muốn dành lấy phần lớn tại chủ quyền Biển Đông, gây ra nhiều tranh chấp giữa nhiều quốc gia (như Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam).
Hai, là sự thất bại của các chế độ độc tài/các nhà nước (failed states) thường đưa đến sự di cư/tản to lớn trên toàn cầu, từ Nam Mỹ đến Trung Đông, cũng như các quốc gia tại Châu Phi. Theo UNHCR thì hiện nay đang có khoảng gần 26 triệu người tị nạn/muốn xin tị nạn. Tổng cộng có khoảng 71 triệu người bị di tản trên toàn cầu. Và con số này ngày càng gia tăng, điển hình như Venezuela trong thời gian qua, chẳng hạn. Trong những năm tới, với ảnh hưởng của nạn hâm nóng toàn cầu (global warming), thì nhiều nơi sẽ bị chìm dưới mực nước biển, do đó sẽ càng gia tăng số người bị di tản (displaced) nhiều hơn nữa.
Ba, là dân số thế giới ngày càng gia tăng, có thể lên đến 10 tỷ người năm 2050. Theo United Nations thì dự đoán dân số sẽ lên đến 9,8 tỷ năm 2050, và 11,2 tỷ năm 2100. Thực phẩm và bao nhiêu nhu cầu khác để cung cấp cho dân số toàn cầu gia tăng như thế là khủng khiếp, trong khi môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm. Nước Úc có diện tích lớn và đất đai còn thưa thớt, trong khi đại đa số các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc và Việt Nam v.v… thì đất đai, ruộng vườn để sống, để trồng trọt, v.v… ngày càng hiếm hoi. Hơn nữa, sự chênh lệch giàu nghèo trong một quốc gia, và trong thế giới toàn cầu hôm nay, sẽ không chỉ là vấn đề của quốc gia đó mà sẽ là vấn đề của khu vực và toàn cầu. Ngoài ra là các nạn buôn lậu người (human trafficking) và nạn chuyển nhập lậu người (human smuggling) ; các tội phạm xuyên quốc gia (transnational crimes), từ thuốc phiện, mãi dâm, vũ khí, hóa chất, những hàng hóa hay động vật bị cấm v.v… thì ngày càng quy mô và phức tạp.
Bốn, là chính trị quyền lực đã trở lại ‘trả thù’. Chẳng hạn, căng thẳng giữa Mỹ và Iran, hay nói chung là những căng thẳng và xung đột tại Trung Đông/vùng Vịnh Ba Tư. Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ và Bắc Hàn cũng không có gì tiến triển tốt hơn. Mỹ và Nga vẫn có rất nhiều vấn đề với nhau, nhất là hai quốc gia còn hàng ngàn đầu đạn nguyên tử v.v… Và Châu Âu vẫn lo ngại mối đe dọa từ Nga.
Năm, là nạn khủng bố toàn cầu (terrorism). Nó vẫn tiếp tục là mối quan ngại to lớn hiện nay.
Sau cùng, chủ nghĩa dân túy, dân tộc, bộ lạc và cường quyền đang gia tăng trong khi xu hướng dân chủ bị thoái lui. Chính trị bản sắc (identity politics) tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc ngay tại các quốc gia có nền dân chủ tiên tiến hàng đầu.
Liên Hiệp Quốc cũng liệt kê nhiều vấn đề quốc tế ảnh hưởng lên toàn cầu mà không một quốc gia nào có khả năng giải quyết một mình. Bao gồm : Các thử thách tại Châu Phi ; lão hóa (ageing) ; bệnh AIDS ; năng lượng nguyên tử (atomic enegery) ; các dữ kiện lớn để phát triễn bền vững (Big data for sustainable development) ; trẻ em ; thay đổi khí hậu ; giải thực dân (decolonisation) ; dân chủ ; chấm dứt nghèo khổ ; thực phẩm ; bình đẳng giới tính ; sức khỏe, nhân quyền ; luật pháp và công lý quốc tế ; di dân ; đại dương và luật về biển ; hòa bình và an ninh ; dân số ; tị nạn ; nước ; và giới trẻ. Tất cả các vấn đề này có nguy cơ dẫn đến xung đột trên bình diện vùng/khu vực hay toàn cầu.
Cho nên tinh thần chủ động như Úc, và tinh thần phối hợp vì mục tiêu chung của nhân loại, là tối cần thiết để hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu được duy trì và bảo đảm trong những ngày tháng cũng như những thập niên tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 29/01/2020
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, quan hệ giữa Mỹ và Iran phần lớn là thù nghịch [1]. Trước đó Iran dưới thời vua Mohammad Reza Pahlavi là một đối tác cần thiết, và là đồng minh, mà Mỹ tin tưởng và phần nào đó dựa vào để một mặt ngăn chặn ảnh hưởng từ Liên Xô, mặt khác vì quyền lợi về dầu hỏa cũng như về an ninh chung của khu vực.
Cảnh sát đối mặt với người biểu tình vụ máy bay dân sự Ukraine bị Iran bắn rơi. Đại học Amir Kabir, Tehran, 11/01/2020.
Mọi chính quyền Mỹ, kể từ đó đến nay, tất nhiên là muốn chế độ thay đổi (regime change). Tất cả vì quyền lợi của Mỹ và, rộng hơn, của khu vực. Nhưng mỗi chính quyền đều có những chiến lược, chiến thuật hay nói chung là các biện pháp khác nhau. Hơn nữa, muốn là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác.
Chính quyền Obama thì tìm cách kiềm chế Iran, cũng như mong muốn kiểm soát được vũ khí hạt nhân của Iran, bằng cách tiếp cận thay vì cô lập, bằng thỏa ước có tính toán kỹ càng để Iran phải thực hiện thay vì hình phạt/cấm vận, chẳng hạn. Vì suy luận như thế nên nó đã đưa đến sự hình thành Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (Joint Comprehensive Plan of Action/JCPOA) được năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cộng với Đức ký kết với Iran năm 2015 [2].
Trong khi đó, ngay từ đầu chính quyền Trump đã có quan điểm khác hoàn toàn, và đã quyết định rút khỏi JCPOA ngày 8 tháng 5 năm 2018. Trong bài "Đối đầu với Iran" (Confronting Iran) đăng trên tạp chí Foreign Affairs cuối năm 2018, đương kiêm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo đã biện luận rằng chính sách "tạo tối đa áp lực" của Tổng thống Trump sẽ tốt và hiệu quả hơn [3]. Ông Pompeo trình bày nhiều lý do cho chính sách rút ra khỏi thỏa thuận JCPOA, tái áp dụng cấm vận, đe dọa các biện pháp quân sự khả thi, và nỗ lực vạch trần tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chế độ này, bởi vì Iran là một nhà nước bất hảo, là một chế độ ngoài vòng pháp luật v.v…
Trong bài viết này, Ngoại trưởng Pompeo cũng đề cập đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps/IRGC), mà ông biện luận rằng IRGC đã hình thành lực lượng tinh nhuệ Quds được giao nhiệm vụ xuất khẩu cách mạng ra ngoài nước Iran. Ngay từ ban đầu tất cả các trách nhiệm đối nội và đối ngoại của các viên chức trong chế độ Iran, kể cả trách nhiệm đối với người dân của mình, là để hoàn thành cuộc cách mạng này. Và theo Pompeo, thì "Kết quả là, trong bốn thập kỷ qua, chế độ đã gây ra rất nhiều sự hủy hoại và bất ổn, hành vi xấu không kết thúc với JCPOA".
Với quan điểm đó, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Trump đã theo dõi từng bước đi của Tướng Qassem Suleimani, người đứng đầu của IRGC Quds Force, và là một trong những nhân vật quyền lực và ảnh hưởng nhất tại Trung Đông [4]. Và khi cơ hội đến, ông Trump đã ra lệnh hạ sát ngay. Iran đã trả đũa bằng các hỏa tiễn tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Cũng may, không có một công dân hay binh lính nào của Mỹ chết. Và chuyến máy bay bị Iran bắn rơi không có một công dân Mỹ nào. Nếu không thì tình thế leo thang sẽ khó tránh khỏi.
Bắn hỏa tiễn xong thì Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định không muốn leo thang và chiến tranh với Mỹ [5].
Liệu Hoa Kỳ có thể tin lời nói của ông Zarif không ?
Thật ra thì cả hai bênh đều hoàn toàn không tin tưởng nhau, và những gì được nói công khai, nếu có đúng dữ kiện, thì cũng chỉ là một nửa hay một phần của sự thật.
Tuy vẫn có nhiều người Iran ủng hộ Mỹ và các văn hóa Tây phương, giới cầm quyền hiện nay vận dụng tôn giáo (nhánh Shiite) và tinh thần dân tộc để duy trì sự thống trị của họ. Chế độ thần quyền của Iran hiện nay nói riêng, và người Iran hiểu biết về lịch sử nói chung, không quên rằng chính Mỹ, và Anh, đặc biệt là CIA của Mỹ, đã nhúng tay vào cuộc đảo chánh Thủ tướng Iran Muhammad Mossadegh năm 1953 [6]. Các tài liệu được giải mật vào năm 2017, tức 64 năm sau, cho biết CIA tìm cách ngăn chặn nó vì tin rằng cuộc đảo chánh sẽ thất bại, nhưng không thành vì nhân viên CIA hàng đầu tại Iran, Kermit Roosevelt, đã không thi hành lệnh đưa ra. Cuộc đảo chánh thành công, nhưng hậu quả của nó để lại là khủng khiếp : tinh thần bài Tây phương đã gia tăng từ đó ; cuộc Cách mạng Hồi Giáo Iran năm 1979 ; và vụ khủng hoảng con tin người Mỹ ở Iran vào thời điểm đó. Chế độ thần quyền Iran không những hoàn toàn bài Mỹ, mà còn trở thành một chế độ hung bạo và vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất hiện nay. Cuối tháng 11 năm vừa qua, họ đã thẳng tay đàn áp mọi cuộc biểu tình trên toàn Iran và đã giết chết hơn 180 người dân, mà con số thật có thể cao hơn [7].
Hoa Kỳ, nhất là chính quyền Trump hiện nay, tất nhiên không tin rằng Iran sẽ ngừng ở đó, như ông Zarif tuyên bố. Theo chuyên gia Kelly Magsamen, sự khủng hoảng sẽ không chấm dứt ở đây [8]. Các hành động trả đũa của Iran sẽ đến qua thời gian, bằng những cách bình thường không tiên liệu được, và nó sẽ không giới hạn ở Iraq hay tại Trung Đông. Magsamen cho rằng chính quyền Trump cần chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ : sẽ có các cuộc tấn công mạng ; khủng bố nước ngoài và trên đất Mỹ ; các nỗ lực ám sát các quan chức Hoa Kỳ và nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu của Saudi Arabia ; và sẽ có những bước tiến khiêu khích hơn để thi hành chương trình vũ khí hạt nhân. Magsamen, và nhiều chuyên gia về Trung Đông khác, đều biết không có một chính sách hay một sự chọn lựa tối hảo nào đối với Iran (no good options). Leo thang xung đột, hay xuống thang, đều có thể bị cả hai bên hiểu lầm hay tính lầm, vì hiện nay không có kênh ngoại giao nào giữa hai chính quyền. Trong khi đó Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã yêu cầu Mỹ bắt đầu chuẩn bịđể rút quân khỏi Iraq [9]. Và Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết đòi hỏi TT Trump phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi xúc tiến bất cứ hành động quân sự nào chống lại Iran [10].
Chuyên gia Daniel Byman thuộc viện nghiên cứu Brookings cũng có những nhận định tương tự như Magsamen trong bài "Nước đi kế tiếp của Iran" (Iran’s next move) [11].
Tóm lại, những chính sách của ông Trump đối với Iran đang có nhiều cản trở và hạn chế hơn những gì ông Trump mong muốn thực hiện. Lý do là vì mặc dầu ông Trump và ông Pompeo khẳng định Hoa Kỳ không muốn chiến tranh hay thay đổi chế độ tại Iran, mà chỉ muốn Iran hành xử như một quốc gia bình thường, những hành động và chính sách Trump tạo "áp lực tối đa" được Iran xem là như thế và Iran đã "phản kháng tối đa" trong những năm qua [12]. Khi bị dồn tới chân tường thì chế độ nào cũng tìm cách phản ứng để tồn tại, ngoại trừ không còn sự chọn lựa nào khác. Trong khi đó thì Iran còn nhiều lựa chọn và chưa bị dồn đến thế chân tường.
Nếu chính quyền Trump thật sự không muốn thay đổi chế độ thì phải có một kênh ngoại giao để đối thoại, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào đe dọa và cưỡng bách. Còn nếu muốn thay đổi chế độ thì ông Trump phải sẵn sàng leo thang, kể cả chiến tranh, nếu các áp lực tối đa không hiệu quả. Mà như thế thì Hoa Kỳ sẽ sa lầy thêm một cuộc chiến khác tại Trung Đông, điều mà không ai muốn, kể cả ông Trump.
Đó là lý do mà hầu hết các chuyên gia về Trung Đông cho rằng các chiến lược đối phó với Iran cần liền lạc, nhất quán và cần có kênh ngoại giao để có thể đạt được các mục tiêu bền vững đối với Iran và Trung Đông hiện nay.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 16/01/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Monique Ross and Annabelle Quince, "Why America and Iran hate each other ", ABC News, ABC Radio National, 4 January 2020.
2. Colin H. Kahl, "Pompeo’s Dangerous Delusions ", Foreign Affairs, 24 October 2018.
3. Michael R. Pompeo, "Confronting Iran ", Foreign Affairs, November/December 2018, Volume 97, Number 6.
4. Maysam Behravesh, "Soleimani Was More Valuable in Politics Than in War ", Foreign Affairs, 8 January 2020 ; "Mật báo viên từ Iraq, Syria giúp Mỹ hạ sát tướng Iran ", Reuters, VOA Tiếng Việt, 10 tháng 1 năm 2020.
6. "Iran launches missile attacks against US forces inside Iraq ", ABC News, 9 January 2020 ; "Iran ‘Concludes’ Attacks, Foreign Minister Says ", The New York Times, 8 January 2020.
7. Bethany Allen-Ebrahimian, "64 Years Later, CIA Finally Releases Details of Iranian Cou p", Foreign Policy, 20 June 2017.
8. Kelly Magsamen, "How to Avoid Another War in the Middle East ", Foreign Affairs, 4 January 2020.
9. "Thủ Tướng Iraq yêu cầu Mỹ bắt đầu chuẩn bị để rút quân khỏi Iraq ", VOA tiếng Việt, 11 tháng 1 năm 2020.
10. Maanvi Singh and Joanna Walters, "Congress to vote on curbing president's war powers – as it happened ", The Guardian, 9 January 2020 ; Amanda Macias and Jacob Pramuk, "House passes resolution to limit Trump’s war powers against Iran ", CNBC, 9 January 2020.
11. Daniel L. Byman, "Iran’s next move ", Brokkings, 10 January 2020.
12. Michael Makovsky and Jonathan Ruhe, "The right strategy for Iran isn’t regime change. It’s regime collapse ", The Washington Post, 9 January 2020 ; Amanda Macias and Kevin Breuninger, "Trump says US does not seek war or regime change in Iran, but is still ready to act if ‘necessary’ ", CNBC, 3 January 2020 ; Barbara Slavin, "US policy hinders positive ‘regime change’ in Iran ", Atlantic Council, 9 December 2019.
Cuộc bầu cử tại Đài Loan kỳ này, theo Wu Jieh-min, nhà xã hội học tại Academia Sinica ở Đài Bắc, thì nó là cuộc bầu cử chủ yếu về Trung Quốc. Viết trên The New York Times ngày 10 tháng 1, trước ngày bầu cử, những phân tích của ông Wu dựa trên các khảo cứu khá xác thực. Cùng với nhà kinh tế học Liao Mei, ông Wu phân tích các dữ kiện thu thập từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2019. Theo dữ kiện có được, 73 phần trăm người tham gia cuộc khảo cứu cho rằng họ không muốn Đài Loan "thống nhất với Trung Quốc đại lục ngay cả khi nước này đạt cùng trình độ phát triển kinh tế và chính trị như Đài Loan". Trong số tuổi 20 đến 34, tỷ lệ này cao đến 93 phần trăm. Và khi được hỏi quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia cái nào quan trọng hơn đối với quan hệ với bên đại lục, 62 phần trăm chọn an ninh quốc gia, 32 chọn quyền lợi kinh tế, còn lại chọn cả hai.
Người ủng hộ bà Thái Anh Văn vui mừng trước chiến thắng trong bầu cử hôm 11 tháng Giêng, 2020.
Ngày hôm sau 11 tháng 1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử với chiến thắng áp đảo, đánh bại đối thủ của bà Hàn Quốc Du với hơn 2,6 triệu lá phiếu. Nó cho thấy rõ lập trường của đại đa số người dân Đài Loan về Bắc Kinh hiện nay. Trước đó, bà Thái đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về chủ trương thống nhất và chấp nhận "một quốc gia, hai thể chế". Ngoại trừ nền kinh tế mạnh giúp bà Thái chiến thắng, chính lập trường mạnh mẽ của bà Thái đối với Bắc Kinh đã được các cử tri Đài Loan tin tưởng mạnh mẽ rằng bà có khả năng lãnh đạo quốc gia này trước mối đe dọa bởi chế độ cường quyền Trung Quốc.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây, là Bắc Kinh đã thất bại nặng nề mặc dầu họ đã dồn nhiều nỗ lực và nguồn lực tuyên truyền để tung hỏa mù, để phao các thông tin thất thiệt, mà chủ yếu là gây thiệt hại cho phía bà Thái Văn Anh trong thời gian qua.
Theo Rush Doshi, Giám đốc Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings, với bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 9 tháng 1 vừa qua, thì cuộc vận động của Trung Quốc nhiều hơn việc đơn thuần truyền bá tin giả. Nó nên được hiểu là hoạt động ảnh hưởng bằng thông tin, một nỗ lực toàn diện để kiểm soát từng bước đi của các chuỗi cung cấp thông tin. Đối tượng là từ những người làm ra nội dung (nhà báo hay nghiên cứu) đến các định chế phát hành và thẩm định nó (cơ quan truyền hình và dịch vụ bằng dây/wire service), và cuối cùng đến các phương tiện mà thường cung cấp mối liên kết sau cùng tới người tiêu dùng (các trang truyền thông xã hội và cơ sở hạ tầng truyền hình kỹ thuật số). Trong thế kỷ qua, Trung Quốc đã xác định tư thế vào từng điểm trong chuỗi cung ứng thông tin này.
Doshi cũng biện luận : "Các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc quá rõ ràng : thông tin là một chiến trường vì quyền lực, không phải là phương tiện cho sự thật, tính trung lập hay tính khách quan. Bài viết của các nhân vật hàng đầu trong Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản tiết lộ một niềm tin rằng ‘cuộc cạnh tranh về tin tức và dư luận là. . . một cuộc tranh đấu về sức mạnh diễn ngôn’, hoặc khả năng để định hình dư luận từ trên xuống cho mục đích chính trị. Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang tìm cách làm ở Đài Loan."
Doshi liệt kê ra bao nhiêu nỗ lực mà Bắc Kinh muốn ảnh hưởng lên cuộc bầu cử vừa qua, và cảnh cáo các nước khác, kể cả Hoa Kỳ, về những mối rủi ro to lớn đối với trách nhiệm giải trình của các nền dân chủ trên thế giới.
Vào tháng Ba năm 2019, chính Ngoại trưởng Đài Loan ông Jospeh Wu đã nói với một cử tọa tại Hội đồng Vấn đề Thế giới tại Los Angeles rằng : "Chúng tôi cảm thấy gánh nặng của chiến dịch tăng cường của Trung Quốc nhằm lật đổ nền dân chủ Đài Loan hàng ngày, thông qua đe dọa quân sự, ép buộc kinh tế, tấn công ngoại giao, thông tin xuyên tạc, và lật đổ chính trị, tìm cách phá hoại chính phủ được bầu của chúng tôi và can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi." Những gì ông Wu nói không sai sự thật bao nhiêu.
Một báo cáo từĐại học Gothenburg của Thụy Điển cho biết : Đài Loan phải chịu nhiều thông tin từ Bắc Kinh và các chính phủ khác hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các chiến dịch này sử dụng các câu chuyện dùng tin tức giả, dùng máy/bots và các tài khoản truyền thông xã hội giả mạo, và tuyên truyền, trong số các chiến thuật khác, để thao túng và lừa dối người nhận thông tin.
Chủ trương truyên truyền và đưa thông tin sai lệch nhằm gây hại cho đối phương mọi nơi là sở trường của các chế độ chế độ cường quyền. Được biết Trung Quốc đã tung ra hàng chục triệu cuộc tấn công mạng mỗi tháng tại Đài Loan. Nhưng trong cuộc bầu cử Đài Loan kỳ này, Bắc Kinh thất bại hoàn toàn. Một phần nào đó, các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hồng Kông hơn 7 tháng qua đã làm tổn thương hình ảnh của Bắc Kinh tại Đài Loan. Hơn nữa, hàng trăm ngàn người Đài Loan đã từng phản đối sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các cơ quan truyền thông tại Đài Loan.
Tóm lại, những người dân sống trong các xã hội dân chủ và rộng mở, và được tiếp cận với thông tin đa chiều, sẽ khó bị lường gạt bởi thông tin không thật hay xuyên tạc, nhất là khi người ta bây giờ biết rằng nó đến từ Bắc Kinh hay tay chân của chúng ở khắp nơi.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 14/01/2020
Đầu năm 2020, các cuộc cháy rừng tại Úc đã lan rộng gần như toàn nước. Kể từ tháng 9 năm 2019 đến nay, diện tích rừng cháy đã lên đến 14,6 triệu mẫu (acres, lớn gấp hai diện tích nước Bỉ). Và nếu so với nạn cháy rừng Amazon vào tháng 8 năm 2019 thì hỏa hoạn tại Úc rộng lớn hơn gấp hai, mà hậu quả là hàng trăm ngàn gia đình phải di tản, và gần nửa tỷ động vật đã bị giết hại.
Những trung tâm hỏa hoạn đang tàn phá nước Úc từ tháng 9/2019 đến nay - Hình chụp từ trên không (numerama.com)
Những ngày đầu năm 2020 vừa qua, tiểu bang Victoria đã mù mịt trong khói lửa, và thành phố Melbourne hiếm khi nào bị bao phủ bởi màn khói mịt mù và dày đặc đến độ không nhìn ra được các tòa nhà cao tốc tại thành phố ở đâu. Không những khói và lửa, mà còn mùi cháy của rừng, của động vật, với hàng trăm triệu con, đã quyện vào nhau tạo ra một bầu không khí thật là khó thở, ngột ngạt. Khói mù bao phủ cả thành phố làm cho nhiều người bắt đầu mang khăn che mặt để lọc không khí hít vào. Không khí đã lan tràn vào trong mọi nhà và không một ai tránh nó được. Những tấm hình trên các cơ quan truyền thông cho thấy bầu trời chung quanh toàn màu đỏ. Làm sao không đau đớn, chạnh lòng !
Giáo sưBin Jalaludin thuộc trường Đại học NSW, viên điều tra trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ô nhiễm Không khí, Năng lượng và Sức khỏe, cho biết ông đã bắt đầu làm việc cho ô nhiễm không khí từ đầu thập niên 1990, nhưng chưa bao giờ thấy lửa kéo dài và kinh hoàng đến thế. Theo Jalaludin thì ít có nghiên cứu nào được thực hiện để tìm hiểu về ảnh hưởng lâu dài của khói từ rừng cháy mà người dân bị phơi bày trực tiếp qua nhiều tuần hoặc tháng ; tuy thế các nghiên cứu về những cư dân sống tại các thành phố bị ô nhiễm trầm trọng đã có những rủi ro gia tăng về đau tim, đột quỵ và tiểu đường theo thời gian. Cháy rừng có thể đưa ra các ô nhiễm hạt (particulate-matter pollution), các hạt trong không khí rất nhỏ mà có thể đi vào và phá hoại tế bào phổi của con người.
Chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang Úc đang cố gắng phối hợp, với sự trợ giúp của Bộ Quốc phòng Úc cũng như các cơ quan phòng cháy chữa cháy từ khắp nơi, kể cả từ New Zealand, Hoa Kỳ v.v…, để tìm cách dập tắt các ngọn lửa này. Tuy nhiên một số quyết định thiếu quyết đoán và hơi chậm chạp của chính quyền liên bang Úc đối phó với nạn cháy rừng này đã bị chỉ trích nặng nề, và người dân chắc sẽ không quên các quyết định, hay không quyết định này, vào kỳ bầu cử tới. Đó là chưa kể những phê bình nặng nề về việc lợi dụng cơ hội đau thương này đểquảng bá cho đảng chính trị của mình.
Thủ tướng Scott Morrison hứa tài trợ quỹ hai tỷ đô la, và nhiều hơn nữa nếu xét cần sau đó, để giúp cho các gia đình, chủ nhân và các hội đồng thành phố phục hồi từ các vụ cháy rừng này. Dự tính ngân sách năm nay sẽ thặng dư khoảng 5 tỷ năm nay, nhưng vì thiên tai này mà ông Morrison quyết định rằng thặng dư không phải là trọng tâm hiện nay ; điều quan trọng là mạng sống/giá trị con người, và sẽ chi tiêu tất cả những gì cần.
Trong hai ngày qua, thời tiết đã thay đổi. Tại Victoria, trời trở nên lạnh dưới 20 độ, và có mưa, tuy không nhiều, nhưng cũng đỡ phần nào đối với các ngọn lửa ở vùng Đông và Đông Bắc Melbourne. Tuy nhiên những ai quan tâm theo dõi các diễn biến trong những ngày qua cũng không khỏi lo âu rằng các ngọn lửa quá nhiều và quá lớn này, cộng với sức gió và thời tiếc thay đổi liên miên tại Melbourne, chẳng hạn nhiệt độ có thể lên lại 32 và 36 độ vào thứ Năm và thứ Sáu này, thì mọi nỗ lực cứu hỏa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và lắm hiểm nguy.
Số tiền, dù 2 tỷ, hay bao nhiêu đi nữa, cũng không thể nào bù đắp lại được những mất mát về vật chất, và nhất là tinh thần, với những kỷ niệm gắn bó đời người với ngôi nhà, và với môi trường sống chung quanh.
Trong lúc gặp hoạn nạn, chúng ta dễ nhìn/tìm ra được những tấm lòng cao cả. Những người bạn Việt Nam của tôi đã lên trên mạng xã hội kêu gọi và vận động gây quỹ cho các cơ quan cứu hỏa hoặc các cơ quan từ thiện giúp đỡ trực tiếp nạn nhân hỏa hoạn. Sự nhiệt thành và tích cực của họ làm cho tôi cảm động.
"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn", câu nói đi vào lòng người Việt Nam, nhất là có ý nghĩa vô cùng đối với những người đã bỏ hết tất cả, và với bàn tay trắng làm lại tất cả, thì tiếc gì những vật chất vô thường. Nước Úc, cũng như bao quốc gia khác trên toàn cầu, đã mở rộng vòng tay, đã cưu mang chúng ta bằng tình người, bằng tấm lòng nhân bản.
Các anh chị tôi đau đớn con tim khi nhìn nước Úc rực cháy. Ai nấy đều cầu nguyện, cho dầu có người không theo một tôn giáo nào cả. Có người ủng hộ hai ngàn đô la, một ngàn đô la, năm trăm đô la v.v… Các anh chị yêu cầu tôi tìm tổ chức từ thiện nào tốt để chuyển tiền đến họ càng sớm càng tốt. Những tấm lòng và cử chỉ này đã làm tôi ấm lòng. Đóng góp tiền bạc hay đồ đạt/thức ăn là hữu hiệu nhất, cho các cơ quan như Salvation Army, Australia Red Cross v.v…
Nhưng đứng trước các nhu cầu cứu trợ cấp bách này, tôi quyết định nạp đơn tình nguyện đi ra tuyến đầu trong lúc còn nghỉ hè với các con. Tôi hiểu làm từ thiện ở Úc, hay ở các quốc gia tiên tiến, không phải là dễ dàng. Thủ tục thì lắm khi rườm rà phức tạp. Chỉ việc tình nguyện vào các trường tiểu học và trung học giúp học sinh thôi thì ngoài các thủ tục căn bản, còn phải có bằng "Làm việc với trẻ con" (Working with Children Check). Ngoài ra, vì tiêu chí "an toàn là trên hết" nên từ chủ nhân đến nhân viên đến các hãng bảo hiểm và các cơ quan chính quyền mọi cấp đều phải hiểu và tuân thủ luật, điều lệ và cung cách hành xử (Act, Regulations and Policy) đối với công việc, sức khỏe và an toàn (Work, Health and Safety). Đúng là hành chánh ở đâu cũng thế, nhưng ở các nước tiên tiến thì hành không phải là chánh, mà an toàn mới là chánh.
Tôi nộp đơn. Chờ một ngày sau chưa thấy trả lời, tôi gọi điện thoại. Anh nhân viên khuyên tôi nên kiên nhẫn chờ, sẽ có người liên lạc. Hai ngày sau, tôi nhận một email bảo tôi lên Internet điền thêm chi tiết. Chỉ tốn 10 phút, tôi đã cho họ biết những gì tôi muốn làm, và những kinh nghiệm và kỹ năng mà tôi có. Tôi biết tôi không thể chống hỏa hoạn vì phải được huấn luyện kỹ càng, như thế cần thời gian. Nhưng có rất nhiều việc tôi có thể làm ngay lập tức. Tuy nóng lòng, tôi cũng hiểu được rằng mọi việc đều cần sự kiên nhẫn, cần đi theo quy trình/thủ tục đàng hoàng, và trên hết muốn cứu người khác thì chính mình phải hiểu các nguyên tắc, kinh nghiệm và bài học của người đi trước để làm hành trang cho chính mình.
Tôi còn nhớ hơn 20 năm về trước, tôi tìm cách thắp lò Barbeque. Thấy lâu cháy quá nên tôi khờ dại đổ xăng vào. Không ngờ nó phực lên rồi bén vào mái hiên. Lửa bắt đầu lan dần, và trong đầu tôi lúc đó nghĩ rằng căn nhà sẽ bốc cháy. Dù xe cứu hỏa có đến thì nó cũng sẽ cháy một phần nào. Lúc tôi đang loay hoay tìm cách chữa cháy, tôi cảm nhận được nó mạnh đến độ có thể thiêu rọi tôi ra tro. Cũng may, chỉ vài phút sau, mưa không biết từ đâu đổ xuống, và ngọn lửa nhờ thế mà tắt luôn. Kể từ đó tôi luôn biết ơn, và luôn cảm phục những người dành cả đời, cả sự nghiệp, để phòng cháy chữa cháy.
Tôi cũng quen biết vài người từng sống sót trong gang tấc sau vụ cháy rừng khủng khiếp cách đây 11 năm, đầu tháng Hai năm 2009, còn gọi là thứ Bảy Đen (Black Saturday). Sau biến cố này, khi nhìn thấy lửa, dù chỉ là pháo nổ hay pháo hoa, họ hốt hoảng lên và ngất xỉu ngay.
Có những chấn thương trong cuộc đời chúng ta không thể nào quên được.
Nước Úc đã cưu mang tôi, gia đình tôi, và hàng trăm ngàn người Việt Nam khác. Tôi sẽ không bao giờ quên cho đến cuối cuộc đời này. Cũng vì thế mà tôi quyết định tình nguyện vào công việc này, bởi vì nạn hỏa hoạn tại đây sẽ luôn hiện hữu chung quanh chúng tôi.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 07/01/2020