Tháng Tư nhắc nhở nhiều sự kiện lịch sử. Martin Luther King bị ám sát ngày 4, năm 1968. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt bị đột quỵ và chết ngày 12, năm 1945 vào đầu nhiệm kỳ thứ tư. Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát ngày 14, năm 1865. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein qua đời ngày 18, năm 1955. Adolf Hitler và người tình Eva Braun uống thuốc độc tự tử ngày 30, năm 1945, khởi đầu của sự chấm dứt Thế Chiến II. Và đối với người Việt, sự sụp đổ của Sài Gòn ngày 30, năm 1975.
Mỗi năm đến 30 tháng Tư, dù có muốn quên đi nữa, chúng ta cũng không thể nào không nghĩ đến những chính sách cực kỳ sai lầm và tàn ác của chế độ cộng sản Việt Nam.
Martin Luther King chết nhưng để lại bài phát biểu tuyệt vời, "Tôi có giấc mơ", trong đó nhắc đến "Tuyên bố Giải phóng" của Abraham Lincoln.
"Trong tiến trình giành lấy chỗ đứng đúng đắn của mình, chúng ta không được phạm tội sai trái. Chúng ta đừng để sự tìm kiếm khát vọng tự do của mình bằng việc uống từ ly của cây đắng và hận thù. Chúng ta phải luôn luôn hành xử cuộc đấu tranh của mình trên bình diện cao của phẩm giá và kỷ luật", Martin Luther King nhấn mạnh và nhắc nhở những người đồng chí hướng.
Bài phát biểu này không ngừng truyền cảm hứng cho bao người trên khắp thế giới, nhất là những người bị áp bức, phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc v.v…, cho đến ngày hôm nay.
*****
Tổng thống Franklin Delano Roosevelt chết khi Thế Chiến II sắp sửa chấm dứt, và chỉ trước Hitler 18 ngày. FDR để lại một di sản mà không một tổng thống nào trước và sau đó đó có thể sánh bằng. FDR là vị tổng thống duy nhất được người dân Hoa Kỳ tín nhiệm bốn nhiệm kỳ liên tiếp, kể từ năm 1932, là người đã thay đổi toàn diện và sâu sắc quan hệ giữa chính quyền và người dân, các chính sách kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục (nhất là ở bậc đại học), quan hệ với truyền thông và vận dụng truyền thanh, chính sách đối ngoại, quan hệ giữa các quốc gia và quốc tế, kỹ nghệ chiến tranh, vũ khí hạt nhân, vân vân… Trên hết, FDR có viễn kiến và nỗ lực vận động để thiết lập một trật tự quốc tế qua đó các quốc gia tìm cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán trong hòa bình thay vì chiến tranh, và tuy không hoàn hảo, trật tự này vẫn đứng vững hơn bảy thập niên qua.
Thủ tướng Anh Winston Churchill, người sát cánh với FDR từ năm 1940 đến 1945 về mọi chiến lược và chiến thuật trong Thế Chiến II, đã từng nhận xét rằng FDR là "một người bạn chân thành nhất ; là người có viễn kiến xa nhất ; và là người vĩ đại nhất mà tôi được biết".
Sử gia Jean Edward Smith diễn tả FDR "Ông tự nâng mình từ xe lăn để nâng cả nước từ đầu gối" (He lifted himself from a wheelchair to lift the nation from its knees.)
*****
Tổng thống Abraham Lincoln chết khi hòa bình vừa mới đến. Ông để lại một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thống nhất, chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ và lưu lại một văn hóa chuyển hóa lãnh đạo.
Lincoln chọn những người tài năng nhất, mạnh mẽ nhất, ngay cả những người từng coi thường ông và cạnh tranh với ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trước đó, để vào nội các của mình. Họ thuộc mọi khuynh hướng bảo thủ, ôn hòa và cấp tiến. Những người như William Seward, Salmon Chase, Edward Bates đều là những người tự tin, đầy kinh nghiệm và khả năng hơn cả Lincoln, và đều tự cho mình lẽ ra phải là tổng thống, thay vì Lincoln. Nhưng Lincoln cho biết trong thời điểm khó khăn, khi đất nước lâm nguy, ông cần họ hơn bao giờ hết. Và tất cả những người này, sau một thời gian, đều nhìn ra, khâm phục và tâm phục tài lãnh đạo xuất sắc của Lincoln. Tuyên bố Giải phóng (Emancipation Proclamation) và Tu Chính án 13 sau này đã xóa bỏ chế độ nô lệ. Trước quốc hội Hoa Kỳ, Lincoln tuyên bố : "Hỡi các công dân Hoa Kỳ, chúng ta không thể nào tránh được lịch sử… Bằng cách trao tự do cho người nô lệ, chúng ta bảo đảm được tự do cho người tự do…".
Liền sau cuộc nội chiến, Lincoln minh định rằng đã quá đủ mạng sống hy sinh, và "Chúng ta phải dập tắt sự oán giận nếu chúng ta mong đợi hòa thuận và đoàn kết". Đối với thành phần đứng đầu của các nhóm phản kháng, kể cả những người tồi tệ nhất, Lincoln không hề muốn sự giết hại nào. Để tiến trình hàn gắn, hòa giải không bị ảnh hưởng tiêu cực, ông muốn họ dời đi nơi khác, vì nếu ở thì họ sẽ phải bị trừng phạt về tội ác của mình. Những người lính của bên thua cuộc được cho về nhà, về với gia đình họ, và được hứa sẽ không hề bị sách nhiễu, nếu họ không làm hại gì sau đó. Tướng Grant tường trình Lincoln chủ trương như thế, và cho Lincoln biết những người lính bên thua cuộc vẫn tiếp tục được giữ ngựa và súng tự vệ. Sau khi nghe tường trình, mặt ông Lincoln sáng lên vì hài lòng.
*****
Nhà khoa học Albert Einstein chết để lại một di sản khoa học đồ sộ mà cho đến nay có lẽ chưa ai sánh bằng. Những lý thuyết vật lý của Einstein vẫn tiếp tục ảnh hưởng và được thử nghiệm bằng khoa học kỹ thuật tân tiến nhất cho đến nay. Nhưng những triết lý sống Einstein để lại cho đời cũng không kém phần giá trị.
Sau đây là một số câu triết lý đặc thù của Einstein.
Một người chưa bao giờ lầm lỗi là chưa bao giờ dám thử điều gì mới. (A person who never made a mistake never tried anything new.)
Những tâm hồn vĩ đại luôn gặp phải sự phản đối dữ dội từ những bộ óc tầm thường. (Great spirits have always encountered violent opposition from mediocre minds.)
Sự tôn trọng thiếu suy nghĩ đối với quyền lực là kẻ thù lớn nhất của sự thật. (Unthinking respect for authority is the greatest enemy of truth.)
Một khi bạn ngừng học hỏi, bạn bắt đầu chết dần. (Once you stop learning, you start dying.)
Tôi không có tài năng đặc biệt gì. Tôi chỉ tò mò một cách nhiệt tình. (I have no special talent. I am only passionately curious.)
Không phải là vì tôi rất thông minh, mà chỉ vì tôi dành thời gian cho vấn đề lâu hơn. (It’s not that I’m so smart, it’s just that I stay with problems longer.)
Điều gì đúng không phải lúc nào cũng phổ biến, và điều gì phổ biến không phải lúc nào cũng đúng. (What is right is not always popular, and what is popular is not always right.)
Tôi nói chuyện với mọi người theo cùng cách như nhau, cho dù anh ta là người dọn rác hay hiệu trưởng của trường đại học. (I speak to everyone in the same way, whether he is the garbage man or the president of the university.)
Khi được biết đang có những nỗ lực để chế tạo bom nguyên tử, đặc biệt là từ Đức Quốc Xã, Einstein đã viết thư riêng cho Tổng thống Franklin Delano Roosevelt/FDR vào ngày 2 tháng Tám 1939 để trình bày một số thông tin, dữ kiện và đề nghị. FDR viết thư cảm ơn Einstein vào ngày 19 tháng Mười 1939. Chính nhờ lá thư của Einstein mà FDR đã cho hình thành dự án có tên The Manhattan Project, chế tạo thành công các bom nguyên tử đầu tiên, và sau đó được Tổng thống Harry Truman quyết định cho thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6 và 9 tháng Tám 1945 sau khi Nhật vẫn nhiều lần từ chối đầu hàng vô điều kiện.
Nếu không có lá thư này, dự án này, và nếu bom nguyên tử được Đức Quốc Xã chế tạo thành công trước Hoa Kỳ, thì có lẽ thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác hẳn. Và chúng ta khó tưởng tượng thế giới sẽ thật sự ra sao nếu trục Đức, Ý và Nhật thắng cuộc.
*****
Cái chết của Hitler chấm dứt một thời đại điên cuồng, một kẻ sát nhân rùng rợn của thế kỷ 20 còn hơn Stalin và Mao. Nó cũng kết thúc chủ nghĩa dân tộc cực đoan mang tên phát xít (fascism). Albert Einstein may mắn viếng thăm Hoa Kỳ năm 1933 và vì Hitler lên cầm quyền lúc đó nên ông không bao giờ phải trở về lại Đức sau đó.
Làm thế nào mà trong lịch sử nhân loại, không chỉ một lần mà đã lập đi lập lại nhiều lần và nhiều nơi trên thế giới, một người, một cá nhân thôi, có thể tác động lên hàng triệu người khác, có thể chuyển hóa gần như toàn bộ người dân của họ phải chấp nhận và kể cả hỗ trợ cho những hành động tàn ác không thể tưởng tượng được ? Chắc chắn phần lớn người dân Đức không hề xấu như vậy. Nhưng Hitler là người biết khai dụng, đem ra những cái xấu và ác nhất của người Đức lúc đó. Qua chính sách tuyên truyền của Joseph Goebbels, Hitler biến họ thành vô cảm trước nỗi đau của người khác. Hận thù, sợ hãi và vô cảm đã đưa dân tộc này lên đỉnh cao tạm thời để sau đó đâm đầu xuống vực thẳm của thất bại và hổ thẹn.
Những người nghiên cứu về cuộc đời của Hitler cho biết bố của Hitler là người tàn độc và bạo hành, thường xuyên đánh Hitler và người anh bằng roi. Ở tuổi 11, ngay sau khi bị quất 32 roi, Hitler đã biết tự kiềm chế cảm xúc và nỗi đau để không khóc, để cho bố ông không thỏa mãn sự hành hạ đối với con mình. Sự hận thù về cách hành xử của cha đã châm ngòi cho sự hận thù đối với người Do Thái sau khi ông bố mất lúc Hitler 14 tuổi, phục vụ như vật tế thần cho sự hận thù còn sót lại trong Hitler. Như bao nạn nhân của bạo hành về thể xác hoặc tình dục khác, Hitler đã trãi nghiệm cảm giác cực kỳ vô dụng và bất lực từ lúc nhỏ đối với quan hệ với cha mình. Hoàn cảnh bi thảm như thế đã gây ra cảm giác tự ti (inferiority feelings), nhỏ nhoi, yếu đuối, dẫn đến sự kiềm chế tính hiếu chiến và hiện tượng lo lắng. Điều này dẫn đến "phản kháng cơ bắp", bù đắp cho sự phấn đấu để vượt trội (chống lại cảm giác tự ti), gây hấn, tham vọng, thờ ơ và đố kị, cùng với "sự bất chấp, báo thù và oán giận" v.v… Tóm lại, sự độc ác và tàn bạo của Hitler được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ và trả thù để đáp lại vết thương lòng tự ái và cảm giác tự ti sâu sắc trước đó (thưở còn bé).
Nói đến Hitler, tôi liên tưởng đến bài hát "I started a joke " của ban nhạc Bee Gees, mặc dầu không biết ý định của người sáng tác bài nhạc này thật sự là gì.
Till I finally died, which started the whole world living…
*****
Mỗi năm đến 30 tháng Tư, dù có muốn quên đi nữa, chúng ta cũng không thể nào không nghĩ đến những chính sách cực kỳ sai lầm và tàn ác của chế độ cộng sản Việt Nam. Các trại cải tạo tập trung mọc lên trên khắp mọi miền đất nước, nền kinh tế kế hoạch hóa với chủ trương tiêu diệt mọi tàn tro của miền Nam, ba lần đổi tiền , kinh tế mới, hộ khẩu, chính sách phân biệt đối xử, "hồng hơn chuyên", và sự trả thù, trù dập đối với quân cán chính và gia đình những người theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Các chính sách đầy ảo tưởng và hận thù này đã xô đẩy hàng triệu người Việt Nam bất chấp mọi hiểm nguy để vượt biên vượt biển.
Mọi người dân Việt Nam cần tìm hiểu về giai đoạn lịch sử vô cùng đen tối này, không phải để nuôi dưỡng hận thù, mà để biết về những sự thật vào thời điểm đó và rút ra bài học cho mình và các thế hệ mai sau. Những ai không muốn biết, thấy, nghe hay đọc về giai đoạn này chẳng khác gì tự bịt mắt mình, và tự đánh lừa mình và người khác, sớm hay muộn. Lịch sử Việt Nam cần phải được viết lại một cách trung thực, và cần phải được tiếp thu bằng tư duy phản biện (suy nghĩ phê phán) qua nền giáo dục khoa học và khai phóng sau này để những sai lầm không còn tái diễn về sau.
*****
Martin Luther King và những người Mỹ gốc Phi châu tri ân Abraham Lincoln vì không có Lincoln chế độ nô lệ và lịch sử Hoa Kỳ và thế giới đã là những trang sử rất khác. FDR học hỏi rất nhiều và được truyền cảm hứng từ người anh họ Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, trong khi Theodore Roosevelt đã học hỏi và được truyền cảm hứng rất nhiều cũng từ Lincoln. Lincoln và FDR được đa số các sử gia và các chuyên gia chính trị học đánh giá là hai trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của Hoa Kỳ. Họ đều trãi qua những chấn thương rất lớn trong đời, Lincoln thì thất vọng và trầm cảm đến độ những người chung quanh sợ ông tự tử ; còn FDR thì bị bệnh polio liệt nửa người trước khi trở thành vị tổng thống mà tầm nhìn vẫn tiếp tục ảnh hưởng lên Hoa Kỳ và toàn thế giới ngày nay. Nếu không có lá thư của Albert Einstein gửi riêng cho FDR nhấn mạnh đến khả năng vũ khí hạt nhân thì Thế Chiến II cũng sẽ kết thúc với phê đồng minh thắng cuộc, nhưng có lẽ sẽ kết thúc khác, tuy số phận của Hitler đã được an bài. Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (Office of Strategic Services/OSS) của Hoa Kỳ lúc đó do FDR ký sắc lệnh thành lập vào 13 tháng Sáu 1942 đã có nhân viên tình báo có mặt tại Việt Nam, tiếp xúc với Hồ Chí Minh v.v… Nhưng Việt Nam là một nước nhỏ không đáng để FDR nói riêng Hoa Kỳ nói chung quan tâm vào thời điểm 1945. Thế nhưng không ai ngờ 20 năm sau Việt Nam trở thành tâm điểm của thời Chiến tranh Lạnh, và leo thang chiến tranh để rồi chấm dứt một cách bi thảm 10 năm sau.
Sáu cái chết trên, tuy tình cờ vào tháng Tư, nhưng có sự liên hệ mật thiết với nhau ở khía cạnh ý thức hệ chính trị : nó là cuộc đấu tranh giữa một hệ tư tưởng chủ trương duy trì và phát huy tự do, dân chủ, nhân bản và một hệ tư tưởng cổ võ cho áp bức, kỳ thị và độc tài, dù là độc tài phát xít hay cộng sản toàn trị.
Những biến cố địa chính trị ở cấp quốc gia, khu vực, lục địa luôn có những tác động nhất định đến toàn cầu, và ngày càng như thế, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Khi ký tên vào bản Tuyên bố Giải phóng nô lệ, Lincoln khẳng khái : "Tôi không bao giờ trong cuộc đời mình cảm thấy chắc chắn rằng tôi đang làm điều đúng, hơn điều tôi đang làm để ký tên vào đây. Nếu tên tôi có bao giờ đi vào lịch sử nó sẽ là hành động này, và toàn bộ tinh thần của tôi nằm trong đó."
Lincoln thấu hiểu lịch sử, và làm nên lịch sử, mở ra một trang sử mới cho Hoa Kỳ. Đảng cộng sản Việt Nam không hiểu lịch sử, mà còn muốn sửa đổi, bóp méo, xóa bỏ lịch sử, và do đó đi vào vết xe lịch sử. Họ vẫn tiếp tục chủ trương bưng bít mọi sự thật hiện nay. Và điều này rất tai hại và nguy hiểm cho tương lai.
Nhìn về lịch sử Việt Nam trên hai ngàn năm qua, dân Việt đã trãi qua bao nhiêu cuộc nội chiến và ngoại xâm, cho nên đã bị quá nhiều vết thương và chấn thương. Hận thù đưa đến hận thù. Bạo lực sinh ra bạo lực. Chế độ chính trị hiện nay là hiện thân của chấn thương quá lớn và có lẽ tồi tệ nhất của một tầng lớp văn hóa thấp. Lối thoát duy nhất là cắt đứt vòng luẩn quẩn. Hạt giống tốt có khả năng chuyển hóa. Niềm tin vững chắc vào các nguyên tắc và giá trị nhân bản sẽ đặt nền tảng cho các thế hệ mai sau. Và thông tin, giáo dục cùng với tình thương và cảm thông sẽ là nguồn dinh dưỡng và sức sống cho tiềm năng dân tộc mai sau.
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Khi viết bài này tôi mong rằng một ngày nào đó khi thay đổi chính trị diễn ra tại Việt Nam, cuộc cách mạng lần này sẽ không để tái diễn những lỗi lầm của quá khứ. Không còn cảnh máu đổ xương rơi vì hận thù. Không lập lại những gì cộng sản đã làm đối với người dân miền Nam sau 30 tháng Tư 1975. Như thế mới là cuộc cách mạng chính nghĩa, và một văn hóa cao xứng đáng với sứ mệnh lịch sử.
Úc Châu, 30/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 30/04/2019
Tài liệu tham khảo :
Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, Simon & Schuster (September 18, 2018).
Doris Kearns Goodwin, No Ordinary Time : Franklin and Eleanor Roosevelt : The Home Front in World War II, Simon & Schuster, 1st edition (October 1, 1995).
Jean Edward Smith, FDR, Random House ; Reprint edition (May 13, 2008).
Berit Brogaard D.M.Sci., "Group Hatred in Nazi Germany : 80 Years Later ", Psychology Today, 1 July 2018.
Stephen A. Diamond, "How Mad was Hitler ? ", Psychology Today, 20 December 2018.
Dân chủ, cho đến nay, vẫn chỉ là giấc mơ đối với người Việt Nam. Nhưng nó có thể trở thành hiện thực cho mọi dân tộc biết mơ lớn. Vấn đề là làm thế nào để thực hiện mục tiêu này trong tình trạng vô cùng thiếu thốn mọi phương tiện, thiếu đoàn kết, và nhất là thiếu các gương mặt lãnh đạo sáng giá hiện nay để quy mọi người về chung một khối ?
Dân chủ vẫn chỉ là giấc mơ đối với người Việt Nam, nhưng nó có thể trở thành hiện thực cho mọi dân tộc biết mơ lớn.
Trong trường hợp Việt Nam, mặc dầu Đảng cộng sản Việt Nam hiện đang chia rẽ, mất chính nghĩa và mất lòng dân, họ vẫn còn rất mạnh, ít nhất là so với lực lượng dân chủ, về rất nhiều mặt. Coi thường họ là điều chớ nên. Họ có rất nhiều phương tiện và thủ đoạn để gây phân hóa và vô hiệu hóa các hoạt động đấu tranh. Chửi họ, chống họ, kể cả Nghị quyết 36, dù có hiệu quả mấy, vẫn chỉ là chống đỡ. Chống đỡ, tốt nhất, chỉ giữ được mặt trận của mình, trong một thời gian nào đó, chứ không thay đổi được cuộc diện. Tấn công mới là kế sách, nhưng làm sao ?
Trong mọi cuộc đấu tranh, ba yếu tố căn bản và cần thiết để có thể tạo ra những chuyển đổi từ nhỏ sang lớn trong thời gian tới là nguồn lực, chiến lược và lãnh đạo.
Nguồn lực đến từ đâu ?
Từ người dân trong và ngoài nước. Từ các nguồn tài chánh tại hải ngoại. Từ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng chuyên môn dồi dào trong mọi lĩnh vực, đặc biệt tại hải ngoại.
Mỗi năm người Việt gửi tiền về Việt Nam chục tỷ đô la Mỹ. Theo Vietnam Briefing thì năm 2017 lên đến gần 14 tỷ đô la. Tôi không rõ hiện nay có quỹ nào yểm trợ cho hoạt động dân chủ tại Việt Nam được trên một triệu đô la không ? Và nếu có thì có bao nhiêu quỹ như thế hiện hữu ? Tài chánh là nguồn lực thiết yếu để có phương tiện, để vận động, yểm trợ, và nhất là để làm sao có người hoạt động toàn thời và chuyên môn. Không thể đấu tranh chuyên nghiệp với thời gian hiếm hoi còn lại trong ngày trong cuộc sống ngày càng bận rộn và đầy áp lực ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Tôi biết có người bỏ ra hàng chục ngàn đô la để bảo lãnh cho bạn bè từ Việt Nam sang du lịch nước ngoài, nhưng khi được yêu cầu ủng hộ cho phong trào dân chủ thì chỉ ủng hộ vài trăm. Có thể vì không thấy được sự đóng góp của họ mang lại ích lợi gì ngay lập tức, nhất là cho chính họ, và không biết khi nào mới nhìn thấy được kết quả. Cũng khó nói là họ bi quan hay thực tế ? Tâm lý chung là muốn thấy sự đóng góp của mình có kết quả liền, chứ không phải là một sự đầu tư lâu dài không biết đến khi nào mới có kết quả. Tôi cho rằng đây cũng là lý do mà đại đa số người Việt chọn cách gửi tiền về giúp cho thân nhân, bạn bè, giúp cho các công việc từ thiện, tôn giáo, v.v…, nhưng không quan tâm nhiều đến hoạt động chính trị hay vận động dân chủ. Điều đáng tiếc là họ cũng không hề nghĩ đến việc thuyết phục những người nhận tiền là đây chỉ là tạm thời, vấn đề lâu dài là mọi người cần phải nỗ lực đấu tranh để tự cải thiện cuộc sống, để giành lấy quyền sống của mình, để canh tân môi trường giáo dục và nâng cấp mọi lĩnh vực khác lên v.v…
Thói quen, từ tư duy đến cung cách hành xử này, có lẽ nằm trong văn hóa, điển hình là qua cách dạy con của người Việt Nam. Phần lớn người Việt không ý thức rằng nguyên tắc dạy con quan trọng trên hết là để cho chúng học cách tự chủ cuộc sống của mình : biết tự lập, tự suy nghĩ, tự quyết định, và có trách nhiệm với mọi suy nghĩ và hành động của mình, thay vì phụ thuộc hay lệ thuộc vào cha mẹ hay người khác.
Những người có nhiều khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm, thì lại ngại làm việc với những người Việt khác. Ngại đụng chạm, có lẽ vì đã đụng chạm quá nhiều trước đây. Họ ngại đứng trong một tổ chức. Tinh thần làm việc đồng đội, nghĩa là phải thể hiện tinh thần dân chủ qua thảo luận, tranh luận, lấy quyết định, tham khảo ý kiến v.v… là mất thời gian và vô hiệu quả đối với họ. Đó là lý do mà, ngoại trừ một vài tổ chức đếm trên đầu ngón tay, đại đa số người Việt khắp nơi chưa hình thành được các tổ chức có đủ tầm vóc, có đủ tính chuyên môn, hay nói chung là có đủ các đặc tính định chế để có thể đứng vững qua thời gian. Ngay cả trong lãnh vực học thuật nghiên cứu thì vẫn chưa có tổ chức người Việt nào có khả năng đưa ra những cái nhìn và đánh giá có giá trị chuyên môn lâu dài cho Việt Nam, đứng trên mọi định kiến hay xu hướng chính trị.
Cái sợ, cái ngại, nghi ngờ, và tâm lý muốn thấy kết quả liền thay vì đầu tư lâu dài, vân vân… đã không giúp ích gì cho cuộc vận động dân chủ. Khi chưa vận dụng được nguồn lực của chính mình thì chưa thể tạo được sự thay đổi sâu sắc gì cả.
Tóm lại, các phong trào vận động dân chủ vẫn chưa đụng được đến một phần trăm nguồn lực có thể vận dụng được. Do đó thế cân bằng quyền lực hiện nay giữa Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào dân chủ nghiên hẳn một bên.
Chiến lực nào thích hợp ?
Ngay cả khi vận động để xây dựng được nguồn lực tốt hơn, lực lượng dân chủ vẫn cần có chiến lược hành động để đạt được kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất, ít phí phạm nhất.
Trước hết, xin nói về chiến lược. Chiến lược là gì ? Theo tự điển Oxford thì chiến lược là kế hoạch hành động để đạt được một mục tiêu lâu dài hoặc tổng thể. Chiến lược xuất phát từ lĩnh vực quân sự từ thời cổ Hy Lạp nhưng sau này được áp dụng vào mọi mặt đời sống, nhất là ngoại giao, thương mại, kinh tế chính trị, tình báo v.v…
Albert Einstein từng nhận xét rằng xu hướng cứ lập đi lập lại những điều mình làm nhưng mỗi lần lại mong đợi một kết quả khác thì đó là chứng điên cuồng. Tư duy này ngược với suy nghĩ chiến lược, nhưng lại là điều xảy ra khá thường xuyên trong nhiều người và nhiều chỗ làm khác nhau.
Nên nhớ chiến lược không chỉ là kế hoạch thôi, mà còn là cách để nhận thức, cân nhắc về tương lai với các mục tiêu và thành quả trong đầu.
Chìa khóa đối với bất cứ một chiến lược thành công nào nằm ở chỗ cảm nhận tổng quát về nhiệm vụ/sứ mệnh, có tên là Ý định Chiến lược (Strategic Intent). Đây là công việc vô cùng cần thiết mà các chính quyền, cơ quan chính phủ, các tổ chức thương mại và công ty doanh nghiệp lớn hiện nay, đều cố gắng áp dụng để đạt tối đa hiệu quả.
Những người biết vận dụng suy nghĩ chiến lược trong cuộc sống sẽ không sợ tương lai mà biết vận dụng tìm năng của nó cho ích lợi của mình, và sẽ gặt hái được những thành quả lớn lao. Họ nhìn vấn đề rõ ràng hơn, nhìn xuyên qua sương mù và bất định, và tin tưởng hơn vào mục tiêu và hướng đi của mình.
Đối với công cuộc vận động dân chủ, chiến lược ưu tiên hàng đầu là xây dựng lực và thế. Chưa có lực và thế thì tạm thời tốt nhất là nên quên đi chuyện đánh đấm, hay đấu tranh. Vẫn có thể dùng mọi cơ hội để luyện tập nhưng đừng bao giờ mong thắng lợi. Một võ sĩ không có võ nghệ cao, không có nội công thâm hậu, và thiếu tự tin, và còn biết rõ là khi lên võ đài không thể đánh gục đối thủ, thì tốt hơn hết nên dành mọi nỗ lực luyện tập. Gan dạ và sẳn sàng hy sinh là đức tính hay nếu vẫn không chịu rèn luyện là dại, là đâm đầu vào tường, là phí phạm. Phong trào dân chủ trong nước cần hàng trăm, hàng ngàn người có nội lực vào mọi lĩnh vực chuyên môn khác nhau để có thể đứng vững và để lãnh đạo người khác, biết dùng ít lực nhưng đúng thế để hạ đối phương, một cách hoàn toàn bất bạo động. Đây là việc mất rất nhiều thời gian, nguồn lực, quyết tâm, và phương sách sáng tạo để đào tạo và phát triển số lượng và chất lượng.
Muốn thay đổi trong 10 năm tới thì phải bắt tay vào ngay từ bây giờ. Muốn luyện võ để đấu ngày mai thì không thể bắt đầu hôm nay. Phải vạch ra kế hoạch ngắn, trung và dài hạn, thì năm hay mười năm sau, hay lâu hơn, mới hy vọng đạt được. Muốn xây dựng thế lực để thay đổi thì nó không đến một sớm một chiều. Không lên kế hoạch để xây dựng nhân lực và nền tảng thay đổi mà chỉ làm việc biểu kiến thì bốn thập niên sau cũng không nắm bắt được tình hình gì và cũng không chủ động thay đổi được gì. Đó là quy luật đấu tranh và khả năng thay đổi. Ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện nay là phải đào tạo và phát triển nhân sự có khả năng, tầm nhìn và tài lãnh đạo trong những năm tới. Không có dàn nhân sự lãnh đạo xuất sắc thì không thể nào đối phó với lực lượng dầy kinh nghiệm của chế độ hiện nay. Không thể lấy trứng chọi đá. Không thể tiếp tục chủ trương "Không thành công cũng thành nhân" như xưa.
Lãnh đạo chính trị là gì ?
Hiện nay chúng ta có hàng vô số tổ chức, trong lẫn ngoài nước, công khai lẫn âm thầm. Mỗi địa phương trên khắp thế giới có hàng trăm đại diện tổ chức khác nhau. Nhưng không có mấy tổ chức có thực lực, đường hướng rõ ràng, mục tiêu lâu dài, và chiến lược cụ thể.
Hậu quả này, theo tôi, là nhiều nguyên do, nhưng trên hết là vì thiếu lãnh đạo. Không ai chịu đứng dưới ai hết, một phần, chính vì thiếu lãnh đạo. Chính trị Việt Nam thiếu hẳn văn hóa lãnh đạo. Chúng ta cần hiểu rằng trước khi có thể lãnh đạo người khác thì phải chấp nhận đóng vai đi theo, vai đồng đội. Nếu có tài năng và một lúc nào đó được người khác tín nhiệm thì lúc đó hãy tự vấn mình có đủ khả năng lãnh đạo chưa, hay có người tốt hơn mình. Không ai sinh ra làm lãnh đạo ngay lập tức, ngoại trừ chế độ quân chủ ngày xưa. Tất cả đều phải nỗ lực học hỏi không ngừng, được thử thách, rèn luyện, và có tham vọng vươn lên để phục vụ cho những gì cao cả hơn mình.
Hiện nay chúng ta có quá nhiều tổ chức, quá nhiều người ở trong vị thế lãnh đạo. Các tổ chức nếu thật sự vì quyền lợi chung của đất nước dân tộc thì đã đến lúc phải hợp tác, rồi kết hợp, và thống hợp nhau, bởi không có lý do chính đáng nào để đứng riêng rẽ cả.
Tuy có vô số tổ chức và vô số người đứng đầu nhưng vẫn thiếu lãnh đạo. Tại sao ?
Lãnh đạo, hay tài năng lãnh đạo, thật ra là nhiều yếu tố. Trí tuệ, kể cả kiến thức uyên bác, là điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ. Người lãnh đạo cần phải có nhiều khả năng cần thiết khác, như suy nghĩ chiến lược và phê phán. Phải biết sử dụng đúng người đúng việc. Phải có khả năng giải quyết khác biệt, tranh chấp và đem lại đoàn kết cho tổ chức. Phải chịu khó lắng nghe, chấp nhận phê bình, nhận lỗi khi sai, làm gương và đi đầu, và tham khảo rộng rãi. Lãnh đạo cũng cần có khả năng đọc nhiều, nắm bắt tình hình, nhìn nhận vấn đề sâu sắc, truyền đạt thông tin một cách hiệu quả. Thuyết phục và phương thức lấy quyết định cũng là những khả năng quan yếu khác.
Nhưng trong tất cả các yếu tố cấu thành lãnh đạo hiệu quả, nhất là đối với công cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, tôi cho rằng là khả năng động viên người khác (inspire), hay rộng hơn, kỹ năng về con người (people skills), là quan trọng nhất. Nếu cứ cho mình là uyên bác, dù uyên bác thật, và người khác sẽ nghe theo, đi theo, là sai lầm lớn. Là ảo tưởng. Trong lãnh đạo chính trị, mọi hành động và lời nói đều có ý nghĩa và giá trị của riêng nó.
Hơn nữa, những người uyên bác, khoa bảng không nhất thiết là lãnh đạo giỏi. Lãnh đạo không cần quá chuyên môn. Chuyên môn quá có khi đưa đến định kiến, thay vì biết nhìn tổng thể và toàn diện. Kết quả nghiên cứu sâu rộng về lãnh đạo trong mấy thập niên cho biết những lãnh đạo ảnh hưởng đều là người có khả năng truyền cảm hứng lên người khác để chính người ta thay đổi, tham gia, đóng góp v.v… Nghĩa là lãnh đạo cần có trí tuệ cảm xúc cao (emotional intelligence /EI) : biết tự chế ; sốt sắng và kiên trì ; có thể tự động viên mình và người khác ; kiềm chế sự thôi thúc của cảm xúc ; cảm nhận được nội tâm của người khác ; và xử lý các mối quan hệ một cách suông sẻ v.v…
Vài lời kết
Muốn thay đổi thì phải có lực, có nhân sự tài giỏi, biết dùng thế, dùng đòn bẫy, ít lực nhưng đạt kết quả, tức phải có chiến lược. Nguồn lực không phải khan hiếm mà thật ra khá dồi dào. Nhưng cần phải nỗ lực khai thác, vận dụng chứ nó không tự nhiên đến. Không có gì tự nhiên đến và miễn phí cả !
Giới trẻ tại Việt Nam hiện nay đang chuyển mình. Nhiều bạn đã và đang tham gia vào cơ hội lịch sử này. Người dân Việt Nam, trong năm vừa qua, đã cho thấy họ quá ngán với chế độ này. Nhiều người mong muốn thay đổi nhưng vẫn còn đang chờ đợi, quan sát. Một lúc nào đó khi xuất hiện một hay vài tổ chức chính trị có viễn kiến, có nhân sự lãnh đạo tài giỏi và uy tín, có chính sách xây dựng quốc gia với tầm nhìn lâu dài, và nhất là có tiềm năng và khả năng hứa hẹn đem lại thay đổi tốt đẹp cho Việt Nam một cách tốt nhất và ít đổ nát nhất, thì sự thay đổi tất yếu sẽ đến. Con đường này có thể năm năm, mười năm, hoặc lâu hơn, tùy theo nỗ lực của những người đấu tranh cho dân chủ hiện nay.
Trên hết, nếu không nỗ lực đào tạo đội ngũ hoạt động và lãnh đạo cho mục tiêu dài hạn trước mặt thì mọi niềm tin và hy vọng cho một Việt Nam dân chủ vẫn sẽ nằm ngoài tầm tay. Khi đã có sự chuẩn bị, có nhân sự khả năng và sẳn sàng nhận lãnh vai trò quan trọng để gây áp lực và tạo chuyển đổi, để vận dụng và lèo lái mọi cơ hội đến vào lúc cần thiết nhất, thì thay đổi, và thay đổi theo chiều hướng tích cực và mong muốn, sẽ xảy ra.
Úc Châu, 26/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 27/04/2019
Trong bài trước, tôi đề cập đến vấn đề hòa giải. Tôi biện luận rằng chỉ khi nào Việt Nam có được một nhà nước dân chủ thật sự và có một chính sách hòa giải toàn diện thì hy vọng mới có thể tiến hành hòa giải từng bước. Hy vọng, bởi vì để hòa giải thật sự, nó đòi hỏi nhiều yếu tố về con người, về nỗ lực tự vượt qua chính mình và tự thay đổi. Các chính sách đề ra phải hỗ trợ các nỗ lực cá nhân này, điển hình là truyền thông, giáo dục cũng như các bài học về hòa giải của các dân tộc khác, chẳng hạn.
Hình minh họa.
Tóm lại, để có thể thật sự hòa giải đối với toàn dân tộc thì trước hết phải có một nhà nước dân chủ đích thực làm nền tảng của công lý và chính nghĩa. Tức dân chủ, theo tôi, phải là tiến trình đi trước sau đó mới đến hòa giải.
Nhưng làm thế nào để có được dân chủ khi cuộc vận động và đấu tranh cho dân chủ đòi hỏi sự đoàn kết và dấn thân cho mục tiêu chung giữa người Việt với nhau, trong và ngoài nước, khi mà sự rạn nứt, chia rẽ và đố kỵ còn quá trầm trọng ngay cả giữa những người cùng mục đích và chủ trương trong tình hình hiện nay ?
Đây là một bài toán, một thách đố trông khá nan giải !
Bài toán này, thách đố này có lẽ đã được thảo luận không ngừng hơn bốn thập niên qua kể từ biến cố 30 tháng Tư 1975, và hơn một trăm năm qua kể từ phong trào duy tân. Sự khác biệt chính yếu của hai thời kỳ này là mục tiêu dân chủ hiện nay, và độc lập trước đây.
Thật ra độc lập và dân chủ có điểm chung, đó là tự do. Tuy phương pháp của hai cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh đều muốn nước nhà được độc lập, để người dân Việt Nam không còn bị nô lệ, xiềng xích, đọa đầy, nhưng cách thức thực hiện khác nhau trời vực. Tuy nhiên họ đều nhìn thấy rằng người dân không có một chút tự do nào cả dưới chế độ thực dân Pháp. Trong khi đó, mọi thiết chế và mục đích của dân chủ là để bảo đảm quyền và tự do của người dân.
Tuy có điểm chung này, độc lập không đồng nghĩa với tự do. Trong lịch sử và trong bối cảnh chính trị hiện đại đều chứng minh điều này. Theo báo cáo năm 2019 của tổ chức Freedom House, thì trong dân số toàn cầu hiện nay gồm 7,6 tỷ người, có 39 phần trăm sống trong tự do, 24 được tự do phần nào, và 37 không có tự do. Trong tổng số 195 quốc gia thì 44 phần trăm tự do, 30 tự do phần nào và 26 không tự do. Nghĩa là rất nhiều quốc gia được độc lập kể từ Thế Chiến II đến nay nhưng vẫn chưa có tự do.
Khẩu hiệu "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc" mà ông Hồ Chí Minh đưa ra đáp ứng được khát vọng của đa số người dân, ít nhất là tại miền Bắc vào thời đó, rằng không thể có tự do nếu chưa có độc lập, và không thể có hạnh phúc nếu chưa thể có tự do. Do đó đấu tranh giành độc lập là ưu tiên hàng đầu, có được độc lập thì sẽ dần dần có tự do và hạnh phúc.
Khẩu hiệu này rất thu hút. Hàng triệu người Việt Nam đã nằm xuống, đã đổ máu hy sinh, cho khẩu hiệu này. Họ sẵn sàng cầm súng và hy sinh chính mình, và tiêu diệt, kể cả giết lầm còn hơn bỏ sót, những người họ gọi là đồng bào, ở bên kia chiến tuyến khi bị xem là "kẻ thù của nhân dân". Nhưng động cơ chính là đa số, vì bị tuyên truyền, nghĩ rằng họ chiến đấu để giải phóng miền Nam khỏi "đế quốc Mỹ".
Không phải chỉ người dân và bộ đội/lính miền Bắc tin vào tuyên truyền. Lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Hồ Chí Minh trở xuống, cũng chủ trương tuyên truyền và bị tuyên truyền. Ông Hồ cũng tỏ ra tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, thế giới đại đồng, chuyên chính vô sản v.v... Trong thâm tâm ông ra sao thì không hoàn toàn rõ, nhưng ông buộc phải chứng minh sự trung thành đối với Đệ tam Quốc tế để chiếm được sự ủng hộ. Từ ông Hồ cho đến Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu vân vân… đều có niềm tin vững mạnh về thế tất thắng của chủ nghĩa cộng sản như là lời giải cho Việt Nam.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
… (Từ ấy )
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin
… (Đời đời nhớ Ông )
Vào thời điểm đó giới lãnh đạo Bắc Việt có biết rằng lãnh đạo hàng đầu Liên Bang Xô Viết, từ Stalin cho đến thành phần lãnh đạo về sau này, thật ra cũng chỉ xem chủ nghĩa cộng sản như là phương tiện để xây dựng thế lực để đối trọng với khối tư bản/tự do ? Người đầu tiên nhận ra được vấn đề này thời đó có lẽ là Tùng Phong Ngô Đình Nhu. Qua tác phẩm Chính Đề Việt Nam , với các tài liệu mà ông nghiên cứu vào thời điểm đó của Winston Churchill, Charles de Gaulle, Harry Truman, v.v… mà sau này có nhiều bằng chứng hỗ trợ cho lập luận này, Ngô Đình Nhu sớm nhận định rằng con đường mà Bắc và Nam Việt Nam đang leo thang chiến tranh, có thể thành biến thành núi xương sông máu, không phải là con đường tốt nhất cho toàn dân tộc. Chính Mao Trạch Đông đã nhìn ra được chủ nghĩa quốc gia đội lốt chủ nghĩa cộng sản mà lãnh đạo Liên Xô chủ trương, do đó đã tìm đến Hoa Kỳ để tìm hậu thuẫn và tạo thế cân bằng. Bắc Việt xem đó là hành động phản bội, trở cờ và đứng về phía Liên Xô. Nhưng thật ra chính họ mới là thành phần tin mù quáng và có cái nhìn ảo tưởng vào một thế giới đại đồng không còn cảnh người bóc lột người. Họ đã nhận thức muộn. Và sự nhận thức muộn màn này đã là cái giá phải trả cho hàng triệu người Việt chết trong và sau cuộc chiến Việt Nam.
Lịch sử, rất tiếc, vẫn thường là một sự tái phạm nghiêm trọng với giá quá đắc.
Một chính sách tuyên truyền, đầu độc từ trên xuống dưới như thế dưới các chế độ cộng sản mà mọi thông tin bị bưng bít và mọi cơ quan truyền thông tự do bị cấm đoán. Cho nên không có gì ngạc nhiên cả khi lãnh đạo cộng sản trở thành nạn nhân của chính các chính sách tuyên truyền của họ. Sau 30 tháng Tư năm 1975, họ tuyệt đối tin tưởng rằng họ có thể chuyển hóa toàn bộ miền Nam bằng chính sách học tập, cải tạo và một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Họ hoàn toàn lầm. Như Tố Hữu đã hoàn toàn sai lầm. Và như mọi lãnh đạo cộng sản từ Hồ Chí Minh đến nay đã sai lầm trong việc chọn con đường cho Việt Nam, gây bao đại họa cho đất nước mà cho đến nay vẫn không một lời xin lỗi chính thức.
Trong tâm lý học có một phương pháp có tên là "Giả bộ cho đến khi làm được" (Fake it until you make it ). Đây là một loại trị liệu hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy). Chẳng hạn, một người thiếu tự tin, nhút nhát, sợ sệt có thể sử dụng cách trị liệu này để dần dần vượt qua được yếu điểm của mình. Trước ống kiếng, cử tọa, phát biểu, phỏng vấn v.v…, một người thường bị áp lực và khiếp nhược. Nếu được hướng dẫn để luyện tập đúng cách, người ta có thể giả bộ, "đóng kịch", để có thể học bày tỏ những cảm xúc tích cực, thương yêu, tự tin thay vì tiêu cực, sợ hãi, thiếu tự tin. Thay vì khép nép, tự ti, mặc cảm với người khác, người ta có thể đóng kịch, bày tỏ qua ngôn ngữ cơ thể (body language ) của mình, để chứng tỏ sự khẳng khái, tự tôn và tự tin. Qua thời gian các cử chỉ, ngôn từ, hành động này sẽ chuyển đổi cảm xúc, và qua đó tâm lý, não trạng của mình, và trở thành phản ứng cảm xúc tự nhiên. Phương pháp trị liệu này cho rằng tuy giả bộ, đóng kịch lúc đầu nhưng nếu đủ niềm tin và cố gắng thật sự thì kết quả sau cùng sẽ đạt được, là thật.
Nhưng như hầu hết mọi thứ được qua bàn tay người cộng sản, họ có khả năng đảo ngược nó. Nói dối riết rồi cứ tưởng là nói thật. Tuyên truyền riết người ta sẽ tin những gì được tuyên truyền. Tham nhũng riết người ta cứ cho nó là hành xử tự nhiên thay vì bất thường. Bạo lực riết tạo thành văn hóa để trấn áp và cai trị xã hội. Điều vô lý hết sức qua thời gian trở thành có lý (và ai mà nói ngược quan điểm hay chống lại họ là phản động !). Họ vẫn hô hào dân chủ gấp bao lần người ta, nhưng nội dung chẳng giống ai, và là thứ dân chủ giả mạo chứ không có tự do. Quốc hội, tòa án, bầu cử ứng cử, công đoàn, truyền thông v.v… đều không độc lập mà hoàn toàn trực thuộc Đảng. Dân chủ thành độc tài ; kinh tế thị trường thành định hướng xã hội chủ nghĩa ; tự do thành lợi dụng quyền tự do ; tin tức thành tin tặc, và ngược lại ; bất bạo động thành khủng bố vân vân... Nạn cường hào ác bá, mua quan bán chức, hối lộ, gian lận, ấu dâm, v.v… riết rồi nó trở thành một thói quen, một thứ văn minh mà chính Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tự hào 'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay'.
Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, cũng trở thành phương tiện tuyên truyền của chế độ, mặc dầu trong sự kiện này không thể trách lãnh đạo cộng sản lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng việc ông Trump giơ cao lá cờ đỏ của Việt Nam trong chuyến đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh Trump-Kim đã làm cho "bọn phản động, lưu vong, rã rời chân tay". Trước đó ông Phúc từng kêu nài rằng "Tổ quốc luôn lắng nghe hơi thở của bà con" và "Chính phủ do dân, vì dân, trong đó Việt kiều cũng là người dân". Tuy ông Phúc không nêu rõ ai là Việt Kiều, ai là phản động, lưu vong, nhưng hầu như ai cũng hiểu sự phân biệt này. Những ai phê bình, phản đối nhà nước Việt Nam hiện nay đều bị xem là phản động, lưu vong. Vẫn là não trạng của một thứ văn hóa kém và hèn.
Những người như Nguyễn Xuân Phúc thì không thể nói đến hòa giải gì cả. Nó không ở trong não trạng của ông. Ông cũng không đủ tư cách, tầm nhìn và khả năng để phê bình hay ý kiến về vấn đề lớn lao này, dù có muốn. Ông Võ Văn Kiệt trước đó còn thành khẩn hơn nhưng cũng không làm gì được hơn. Không có chính danh, chính sách, tài năng chính trị và sự thành tâm thì không thể thực hiện mục tiêu này, huống chi chỉ là sự đãi môi.
Con đường và hành động của chế độ cộng sản đã sai lầm từ thưở ban đầu. Hồ Chí Minh đã chọn lầm con đường từ đầu thập niên 1920, nghĩa là gần 100 trăm qua, và cái giá phải trả của toàn dân tộc là quá đắc trong suốt hành trình này. Cho đến ngày hôm nay, người dân vẫn chưa có được quyền tự do căn bản nào, và kinh tế vẫn ở mức rất thấp của xã hội đang phát triển, chứ chẳng có gì đáng tự hào cả. Tất cả chỉ là bánh lẽ hứa hẹn cho toàn dân tộc.
Tôi tin và mong rằng khi nào người dân Việt Nam cùng giúp nhau nhìn ra bức tranh chung, hiểu rõ về lịch sử, trong đó một viễn ảnh tương lai bao gồm phần lớn người dân không phân biệt dù bất cứ lý do gì, và nỗ lực tìm ra được đồng thuận chung nhưng cùng lúc chấp nhận những khác biệt hiển nhiên, tìm ra một chính sách bao hàm hay vì phân biệt loại trừ, thì đến lúc đó cái chung mới đủ lớn để có được sức mạnh tổng hợp. Còn cứ tiếp tục con đường cũ, bè phái, lợi ích nhóm, mị dân, độc tài và độc quyền, đầy hứa hẹn nhưng không có thực chất, đao to búa lớn mà không có viễn ảnh và kế hoạch phát triển hẳn hoi, chú tâm đến bề ngoài thay vì thực chất xây dựng nền tảng lâu dài, và nhất là tâm lý và thói quen "mì ăn liền", thì trước sau gì mọi nỗ lực cũng trở thành lãng phí, mọi liên minh cũng đưa đến gẫy đổ. Bởi làm sao bền vững khi không có nền tảng gì để xây dựng và phát triển lâu dài. Không có triết lý, viễn kiến, tư tưởng, kế hoạch, tổ chức và nhất là xây dựng con người và đào tạo nhân sự, thì thật sự chỉ phí công sức và thời gian, như đã từng lãng phí nó trong hơn bốn thập niên qua. Hay đúng hơn là cả trăm năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam trong bốn thập niên qua, cũng như các tiền nhiệm của ông, chứng minh không hiểu và không có sự thông cảm chân thành nào đối với người Việt lưu vong, ngoại trừ xem họ như là chất xám và nguồn lực có thể trục lợi cho sự tồn vong của chế độ. Trong khi đó, kể từ khi Đổi Mới năm 1986 cho đến nay, và trong một hai thập niên trước mặt, con đường tất yếu cho Việt Nam là dân chủ hóa toàn diện, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa giáo dục cũng như bao lãnh vực khác. Nghĩa là những gì họ nỗ lực giựt sập trước đây bằng máu và nước mắt của hàng triệu linh sinh của hai miền Nam Bắc là một sự phi lý và uổng phí hoàn toàn. Không những thế, các chính sách trả thù cực kỳ dã man của chế độ sau 30 tháng Tư 1975 là sai lầm và tội ác không thể chấp nhận được. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai lầm chồng chất này. Công nhận những lỗi lầm của mình gần chín thập niên qua là bước đầu thể hiện thiện chí của chủ trương hòa giải. Nhưng qua kinh nghiệm đã thấy từ hơn bốn thập niên qua, não trạng của người cộng sản khá cứng ngắt, bảo thủ và không thể là những gì người dân có thể mong đợi. Cho nên không nỗ lực cùng nhau đấu tranh cho dân chủ thì mọi thay đổi cũng chỉ là chấp vá, mọi mong đợi chỉ là ước vọng, nếu không phải là ảo tưởng.
Nói tóm lại, dân chủ là chìa khóa để hòa giải dân tộc, vừa là nền tảng để xây dựng một xã hội nhân bản văn minh, xứng đáng với tiềm năng của người Việt Nam trong thế kỷ này. Một khi nỗ lực và chủ động đấu tranh để vận động và xây dựng dân chủ thì một ngày không xa người Việt có thể tự hào về tương lai của đất nước khi mọi tiềm năng dân tộc được phát huy và vận dụng tối đa vào nỗ lực kiến thiết quốc gia.
Úc Châu, 24/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 25/04/2019
Chiến tranh để làm gì ? Tái lập hòa bình và tái thiết quốc gia, hay để phục vụ mục tiêu của một ý thức hệ không tưởng ! Và sau chiến tranh, chính sách "hòa giải hòa hợp" cho quốc gia là gì để xây dựng lại những đổ nát và hàn gắn những vết thương ?
Đó là những câu hỏi quan yếu cho mọi lãnh đạo chính trị quốc gia, trước và sau mọi cuộc chiến tranh.
Có những người sẵn sàng tha thứ, nhưng quên thì chắc là không, dù muốn.
Nhưng những gì xảy ra sau 30 tháng 4 năm 1975 là những biến cố gây sợ hãi tột cùng lên phần lớn người dân miền Nam. Cho đến nay nó thật sự vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Hàng chục vạn sinh linh đã chết trong tù cải tạo, hay trên đường tìm tự do, hay tiếp tục kháng chiến, v.v… kể từ tháng Tư đó. Những người còn sống sót, trong lẫn ngoài Việt Nam, hẳn muốn tìm mọi cách để quên đi những nỗi đau, những chấn thương quá lớn lao này. Nhưng rốt cuộc khó một ai có thể quên ! Cách đối phó của đa số những người khi gặp chấn thương quá lớn là tìm cách tách rời, là không muốn dính líu hay quan hệ đến những ký ức đau thương, để hy vọng từ từ quen và quên đi. Có những người sẵn sàng tha thứ, nhưng quên thì chắc là không, dù muốn. Bộ óc con người được thiết kế như thế đểnhớ mối đe dọa, nhất là các đe dọa sống còn, đã từng gây kinh hoàng và ác mộng lên họ.
Sự đối xử hung bạo và tàn ác của bên thắng cuộc trong cuộc chiến Việt Nam đối với bên thua cuộc tưởng chừng như chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử Việt Nam
Không quên là nỗi khổ tâm có khi suốt đời, dù đó cũng là khả năng sống còn. Nó là hai khía cạnh đối nhau của tâm lý con người. Nhiều khi chúng ta ước gì có thể quên được những ký ức đau buồn. Những cựu chiến binh Mỹ, Úc từng tham chiến Việt Nam chỉ hai ba năm, lúc về nước vẫn có những người bị rối loạn căng thẳng (tâm lý) hậu chấn thương, PTSD. Huống chi những người đã từng vào sinh ra tử, may mắn sống sốt giữa lằn đạn, mười đến hai chục năm, chứng kiến những tình huống bi thương, tàn khốc và kinh khiếp nhất của chiến tranh. Nhưng điều đáng nói là sau chiến tranh, hòa bình vẫn không đến với họ và gia đình họ. Có người bị tù đầy, trù dập qua chính sách tồi tệ nhất mà con người có thể tưởng tượng ra đến thêm năm, mười đến mười lăm năm nữa. Những chính sách đầy hận thù và phân biệt làm cho họ không những mất những người thân thương nhất trong đời, mà còn mất tất cả tài sản, mất nhân phẩm, mất nhân cách. Họ còn bị coi là phản bội tổ quốc, bị tước hết mọi quyền công dân, nếu quả thật công dân có chút quyền gì trong xã hội đó. Nhiều người đi tìm tự do, và khi có được tự do, thì cái giá họ trả quá đắt. Cuộc sống của họ bị đảo ngược hoàn toàn. Họ không còn gì cả. Họ bị liệt kê là ngụy quân ngụy quyền, bị toàn bộ máy chính quyền và truyền thông lên án kết tội mấy chục năm qua, rồi bị bứng ra khỏi quê hương để mãi mãi lưu vong.
Những chấn thương quá lớn như thế, dù có được các chuyên gia hàng đầu chữa trị bởi các phương pháp khoa học và thích hợp nhất, và được hỗ trợ bởi một chính quyền với những chính sách hòa giải thật sự, thì cũng mất nhiều thời gian và cũng khó thể nào vượt qua những hệ lụy còn lại, huống chi ngược lại.
Sự đối xử hung bạo và tàn ác của bên thắng cuộc trong cuộc chiến Việt Nam đối với bên thua cuộc tưởng chừng như chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử Việt Nam. Nhưng nó đã thật sự xảy ra, với mức độ và hình thức khác. Chẳng hạn, sự trả thù tàn khốc của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn, và ngược lại, đã nói lên được rất nhiều về các ý niệm tha thứ hay hận thù, khoan dung hay cực đoan, tư thù hay quốc hận, quyền lợi gia tộc hay dân tộc, vân vân, của giới lãnh đạo quốc gia trong lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng và hành động như thế này hiển nhiên để lại những hệ quả khốc liệt, gieo những mầm móng ung nhọt, cho bao nhiêu thế hệ sau đó. Đó là một văn hóa bạo động và hận thù không lối thoát. Và nó là vòng luẩn quẩn không thể vượt qua nếu tiếp tục được bao che và bào chữa.
Vì thế cho nên tôi đồng ý rằng con đường để dân tộc Việt Nam vượt qua được sự chia rẽ hận thù chồng chất bao nhiêu thập niên qua, hay đúng hơn, gần bốn trăm năm qua, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nếu không phải là trước đó nữa, là chính sách hòa giải đích thực. Nhưng một chính sách như thế muốn thật sự có giá trị và hiệu quả, theo tôi, đòi hỏi một số yếu tố và điều kiện căn bản sau đây.
Một, tính chính danh của chính sách đó. Nghĩa là nếu đây chỉ là mong ước của một số người, dù thành thật đến mấy, cũng không thể nào thành công vì nó không có chính danh. Ngay cả khi chủ trương này do nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay khởi xướng, điều mà họ đã từng làm trước đây với chủ trương tuyên truyền và lừa gạt là chính, thì nó cũng không mang tính chính danh. Bởi họ chưa bao giờ thật sự đại diện tiếng nói của người dân. Theo tôi thì chỉ khi nào thể chế chính trị Việt Nam thật sự dân chủ trong đó lãnh đạo chính trị quốc gia trong cả ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp được chính người dân bầu chọn, thì lúc đó nhà nước Việt Nam mới thật sự có chính danh và chính nghĩa để thực hiện chủ trương này.
Hai, tính công lý và nhân bản. Khi đã có chính danh và chính nghĩa, lãnh đạo chính trị quốc gia mới thật sự là đại diện tiếng nói và quan điểm của các xu hướng chính trị khác nhau. Đây là tiền điều kiện cần thiết và quan trọng để thảo luận rốt ráo và tranh luận sâu sắc với nhau một chính sách hòa giải và hòa hợp phức tạp, mang một phạm trù bao hàm thay vì loại trừ, để đưa đến các giải pháp mang lại công lý thật sự cho người Việt. Và các giải pháp này phải thật sự nhân bản, hàn gắn vết thương và xoa dịu nỗi đau, để tâm hồn của đại đa số người dân Việt Nam được thật khỏa lắp bởi tình thương và cảm thông. Chúng ta không thể thực hiện thành công mục tiêu hòa giải nếu chỉ đến từ thiện chí hay lương tri đến từ một thiểu số chưa thể xác định và chuẩn mực được những giá trị công lý và nhân bản.
Ba, tính tôn trọng sự thật lịch sử và hướng đi tương lai. Một chính sách hòa giải và hòa hợp mang tính tượng trưng, biểu kiến, thay vì mục đích hàn gắn vết thương và vượt qua nỗi đau quá khứ, sẽ không tồn tại. Muốn có giá trị lâu dài, chính sách này phải ghi nhận những lỗi lầm lịch sử, những bài học cần thiết, và những lời xin lỗi chân thành. Chính sách này cũng cần nêu ra những giá trị nền tảng lâu dài cho đất nước để tái thiết cũng như để tránh lập lại những lỗi lầm của quá khứ. Nhưng chỉ có lãnh đạo chính trị quốc gia thật sự đại diện cho toàn thể người dân và được ủy nhiệm (empowered) mới có thể hoàn thành sứ mạng khó khăn này.
Bốn, ghi nhận và nâng đỡ những nạn nhân bằng những việc làm cụ thể. Trong tương lai, lãnh đạo chính trị dân cử tại Việt Nam cần quyết định một số việc cụ thể để khắc ghi những chính sách sai lầm của quá khứ, từ cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm tại miền Bắc, đến trại tù cải tạo, kinh tế mới, đổi tiền, thuyền nhân Việt Nam v.v... Một số nơi cần được đạo luật đặc biệt do quốc hội thông qua để trở thành di tích lịch sử chính thức, và các viện bảo tàng sẽ trưng bày những câu chuyện và những chứng vật, những thảm họa chiến tranh từ mọi phía, cho đến các câu chuyện thuyền nhân Việt Nam. Điều quan trọng khác là cần phải có chính sách cụ thể để nâng đỡ bao nhiêu nạn nhân bị đối xử tàn tệ, kể cả những người đi tù mục xương, chết trong tù, và những hệ lụy đến gia đình họ. Lịch sử phải ghi nhận những sự thật này, đó là điều căn bản và bước đầu. Và sau đó là chính sách bồi thường cần thiết. Nhưng chúng ta không thể làm bất cứ điều gì trong các nhu cầu trên trong thời điểm hiện nay, khi chưa thể có tính chính danh và sự ủy nhiệm chính thức của người dân từ mọi xu hướng chính trị trên mọi miền đất nước. Sự phân biệt đối xử và sự đàn áp tồi tệ đối với các sắc tộc thiểu số tại Việt Nam cũng cần phải được lịch sử ghi nhận một cách chính thức và các chủ trương hòa giải, và các bộ luật tôn trọng các quyền căn bản của họ, kể cả ngôn ngữ và văn hóa, đối với các dân tộc thiểu số.
Năm, biết được các giới hạn của hòa giải hòa hợp. Cho dầu lãnh đạo chính trị quốc gia có thể đưa ra một chính sách hòa giải hòa hợp toàn hảo đi nữa, với các chuẩn mực nói trên, chúng ta chỉ có thể mong đợi một cách thực tế là một phần nào đó người dân sẽ hàn gắn, sẽ tha thứ cho nhau, qua thời gian vết thương sẽ được lành lặn, và hy vọng sẽ xây dựng được sự thông cảm cho nhau. Điều này tuy hơi lý tưởng nhưng không phải là bất khả. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thực tế nhìn nhận rằng sẽ có một thành phần dân tộc khác sẽ không thể thực hiện được, dù cố gắng đến mấy và dù được hỗ trợ đến mấy. Có thể là vì sự hận thù của họ là quá lớn mà họ không thể vượt qua được. Nhưng cũng có thể chính họ là những người bị những chấn thương quá lớn, bị PTSD, đầu óc của họ đã bị hư hại ít nhiều. Những người này đáng thương hơn đáng trách. Mọi giác quan của họ, từ nghe, thấy, ngửi, ném, cảm nhận hoặc linh cảm, tuy chủ quan và không dựa trên cơ sở bằng chứng cụ thể nào, nhưng đều dễ dàng đưa họ trở về quá khứ của đe dọa, đau thương, hãi hùng.
Những người ở trong trường hợp như thế không còn khả năng điều chỉnh hay chủ động phần não lý trí PRC (pre-frontal cortex), trong khi phần não Amygdala dễ dàng cưỡng chiếm mọi cảm xúc của họ. Rất nhiều người trong chúng ta được cha mẹ thương yêu, nhưng vẫn không quên được lúc năm, sáu tuổi từng bị cha mẹ dọa đem bỏ chợ, hoặc ví rằng mình là con rơi lượm ngoài chợ hay thùng rác. Cũng có những lúc bị đánh đập, chửi mắng hay dọa nạt làm chúng ta tổn thương tột cùng mà đeo đuổi chúng ta suốt đời. Nhưng những hình phạt thể xác nhiều khi không gây tổn thương và để lại chấn thương bằng những lời nói, cử chỉ khắc ghi vào bộ óc của mình. Chỉ từng đó thôi mà cả đời mình còn không quên, huống gì những chấn thương chiến tranh tâm lý làm tan nát cuộc đời. Khi những chính sách phân biệt đối xử nặng nề kéo dài nhiều thế hệ như thế, hệ quả để lại sẽ ăn sâu vào tâm khảm của nạn nhân. Cũng vì như thế cho nên chính sách hòa giải bằng các biện pháp tích cực và thích đáng nhất đối với chính sách nô lệ và đối xử tàn tệ với người da đen tại Mỹ hàng trăm năm, chính sách đối xử tàn tệ đối với người thổ dân Úc, kể cả Thế hệ bị đánh cắp (Stolen Generation), hay hệ thống phân biệt chủng tộc được thể chế hóa tại Nam Phi, vân vân… sẽ mất rất nhiều thời gian để phần nào đạt được kết quả hàn gắn, đoàn kết và cảm thông.
Tóm lại, hòa giải là một mục tiêu chính đáng, cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam. Không thể xây dựng sức mạnh và phát huy tiềm năng của dân tộc để đối phó với những thử thách lớn lao bằng tinh thần rã rời và mục nát như hiện nay. Tôi hiểu được chủ trương và mục tiêu của hòa giải hòa hợp là xây dựng sức mạnh và đoàn kết. 30 tháng Tư 1975 là một cơ hội quý hiếm bị bỏ lỡ. Nhưng để thực hiện hòa giải thành công thì không thể chỉ bằng thiện chí, công lý, sự thật, tha thứ, hàn gắn hay tình thương là đủ. Khi không có thực quyền, không được ủy nhiệm, không mang tính đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị của dân tộc và cho các nạn nhân của thời cuộc, thì chính sách hòa giải sẽ không đi đến đâu cả. Có lẽ cần phải có ủy ban hòa giải độc lập quy tụ những người uy tín được nhà nước Việt Nam do dân bầu lên trong tương lai ủy quyền, đặt mục tiêu và chuẩn mực hoạt động để thực hiện nhiệm vụ cao cả này.
Tuy thế, tôi mong mỏi rằng một ngày nào đó người Việt có thể vượt qua được sự hận thù và chia rẽ chồng chất hiện nay, ước mong tôi đã trình bày nhiều lần trên trang này, để từng bước đi đến tinh thần hòa giải đích thực cho tương lai của đất nước và thế hệ mai sau. Tinh thần hòa giải khi chưa thể thực hiện tầm lớn thì, không cần phải chờ đợi, vì chúng ta vẫn có thể ở tầm cá nhân, qua tư duy và hành động chân thật của mình với người khác.
Úc Châu, 18/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 21/04/2019
Leigh Sales là ngôi sao truyền thông của Úc, người hướng dẫn chương trình "Tường trình giờ 7:30" (7:30 Report ), kể từ năm 2011. Đây là chương trình tin tức và thời sự có uy tín và giá trị nhất của Úc mỗi đêm từ thứ Hai đến thứ Năm trong tuần. Những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất, quan trọng nhất, ảnh hưởng đến các chính sách hàng đầu của nước Úc hoặc thế giới, được trình bày ở đây. Người hướng dẫn chương trình trực tiếp, và cũng có lúc gián tiếp qua các nhân sự khác, thực hiện phỏng vấn thủ tướng, bộ trưởng cho đến những nhân vật trách nhiệm hàng đầu liên quan đến các vấn đề thời sự này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, trong một buổi hội thoại được điều khiển bởi Leigh Sales, 29 tháng Giêng, 2013. (Hình : Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)
Trước tuổi 40, Sales tự nhận rằng cô có một cuộc đời cực kỳ may mắn [1]. Một mái ấm gia đình, một tuổi thơ truyệt vời, những bạn bè lý tưởng, một hôn nhân hạnh phúc, một công việc tốt nhất, một ngôi nhà xinh xắn, một bé trai mạnh khoẻ, và hiếm khi nào trong cuộc đời mình mà Sales gặp phải một ngày với sức khoẻ hiểm nghèo. Nói chung Sales có một cuộc đời suông sẻ, không hề có bi kịch hay chấn thương.
Ở tuổi 40, Sales đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý nhất về truyền thông tại Úc. Theo gót chân người tiền nhiệm Kerry O’Brien hướng dẫn chương trình 7 :30 Report, Sales vẫn tiếp tục giành được sự tín nhiệm của không chỉ khán thính giả, mà còn là các lãnh đạo chính trị của mọi xu hướng, và cả tầm quốc tế. Vào đầu năm 2013, Sales đã thực hiện cuộc hội thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trước khi chấm dứt vai trò này, kết hợp giữa hội luận kiểu tòa thị chính có truyền thống lâu đời, nhưng được phổ biến toàn cầu và do đó khán thính giả khắp nơi có thể cùng tham dự và đặt câu hỏi [2].
Tài nghệ của Sales, của O’Brien, cũng như của các nhà truyền thông tạo thế đứng vững vàng cho mình một cách chuyên nghiệp, thành thạo, và sắc bén, là khả năng đặt câu hỏi. Cái gì cũng đặt vấn đề, cũng đặt câu hỏi, bởi triết lý đơn giản là rằng sau mỗi câu trả lời, dù hoàn hảo mấy, vẫn là những gì chưa hoàn thiện, là dang dở. Vì thế cho nên mọi vấn đề cần được đào sâu và mở rộng như không có phạm vi giới hạn. Tập từ nhỏ, nó là lối suy nghĩ, dần dần trở thành thói quen, như một phần của bản chất, đi sâu vào tiềm thức của họ, như thức ăn, hơi thở. Thoạt đầu, khả năng còn thô sơ nên chắc chắn lúc còn trẻ Sales và O’Brien đều làm cho những người chung quanh khó chịu và kể cả bực mình. Nhưng miễn sao người cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai, đều hiểu những mầm tài năng hiếm có này để nuôi dưỡng, khuyến khích và nâng đỡ, thì đó là nguồn lực tinh thần cần thiết nhất để bảo bọc sự phát triển toàn diện của những thiên tài xuất chúng trong mọi lĩnh vực.
Sales có những đức tính, và đặc tính, khác thường. Một, làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức, và không chấp nhận đứng hạng hai. Hai, trước mỗi cuộc phỏng vấn, cô chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, lường trước được tình huống và người được phỏng vấn sẽ diễn biến ra sao, và câu hỏi kế tiếp nên là gì, chuẩn bị trước rất lâu và ngay cả khi chỉ còn nửa tiếng trước phỏng vấn, cô vẫn rà lại dữ kiện và các vấn đề liên hệ để sự chuẩn bị được hoàn hảo như ý muốn. Ba, cô có một bộ óc rất kỹ luật và tổ chức, chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể có, giống như phong cách tổ chức của quân đội. Lý do là vì ảnh hưởng của bố, ông Dale Sales, một viên chức cao cấp trong quân đội Úc (có lẽ là cấp bậc Thượng Tá - regimental sergeant major), người đã tác động mạnh mẽ lên tinh thần quyết tâm và cạnh tranh của Sales ngay từ nhỏ.
Đối với Sales, những trãi nghiệm thành công, suông sẻ và mọi sự như nằm trong tầm tay của mình làm cho cô hoàn toàn tự tin, mạnh mẽ và lạc quan. Nhưng đùng một cái, bao nhiêu biến cố đau thương dồn dập xảy ra cho Sales vào năm 2014, lúc cô tròn 40 tuổi, đã thay đổi hẳn quan niệm sống của cô.
Biến cố đầu tiên xảy ra vào tháng Hai năm 2014. Nó đã chấm dứt thời kỳ vàng son, may mắn của cuộc đời của cô. Một đêm vào tháng Hai, không có bằng chứng cụ thể nào mà chỉ là cảm nhận một cách huyền bí, cô nói chồng mình lúc đó là Phil Willis chở cô đến bệnh viện, và gọi người bạn là Sharon đến chăm nom giùm cho đứa con trai đầu Daniel của Sales lúc đó chỉ hai tuổi. Ban đầu nồng độ đau chỉ có ba trên mười, nhưng rồi bất thình lình gia tăng lên 10. Nhịp tim của em bé trong bụng Sales ngừng đập. Bác sĩ gây mê liền có mặt và bác sĩ phẫu thuật liền thực hiện ca mổ để cứu em bé. Lúc đó nỗi đau quá sức chịu đựng nên Sales không cần biết sống hay chết, miễn sao chấm dứt cơn đau là được rồi.
May mắn thay Sales và người con trai James sống sót, mặc dầu trường hợp y khoa của Sales rất hiểm nghèo : vỡ tử cung, phần trên bên trái, được giới y khoa nhìn nhận là "thảm họa" có thể tướt đi mạng sống. Sales không thể tưởng tượng nỗi sau cuộc giải phẫu này cuộc đời của mình sẽ ra sao. Bé James của cô có hề gì không ? Bé trai hai tuổi Daniel ai sẽ trông lo nếu có mệnh hệ gì với cô ? Bao nhiêu câu hỏi chạy trong đầu cô và một bộ óc tổ chức sẵn có như trước giờ đây tìm cách đối phó với sự mất dần kiểm soát của cuộc đời.
Sau đó, Sales khám phá rằng hai con trai của mình đều có căn bệnh hiểm nghèo cần nhập viện thường xuyên. James bị viêm màng não, trong khi Daniel bị rung rẩy chân tay mà vẫn cần tiếp tục chữa trị. Trong lúc các vấn đề này xảy ra thì cuộc hôn nhân của Sales với Phil Willis, một thầy giáo môn Toán, đổ vỡ. Gần 20 năm sống đa số hạnh phúc với nhau, năm 2016 họ đã ly thân. Trong vòng hai năm, Sales đã phải trãi qua những biến cố gây chấn thương như thế, trong khi mỗi ngày cô phải đè nén mọi cảm xúc của mình có để thực hiện các chương trình thời sự giá trị mà khán thính giả và mọi giới kỳ vọng ở cô. Nó đã ám ảnh Sales đến độ cô cảm thấy như gặp phải tin xấu hàng ngày, như các chương trình cô thực hiện cho 7:30 Report. Cô chia sẻ rằng cô cảm thấy như bị tông bởi xe bus, bị kéo lê lết, để sau đó bị tông bởi xe bus khác, rồi xe khác. Từ đó cô cảm thấy như không còn gì là an toàn nữa. Mọi sự, mọi trật tự trước đây trong cuộc sống của cô, như bị đảo lộn. Cô cứ hỏi chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp, điều gì sai trái sẽ xảy ra nữa, mà có thể còn tồi tệ hơn nữa !
Thắc mắc này đã làm cho Sales bắt đầu muốn tìm hiểu về chấn thương (trauma). Cô phỏng vấn các chuyên gia về chấn thương trong cuộc sống. Cô đọc các tài liệu nghiên cứu, phân tích dữ kiện và tìm hiểu xem xác suất một trong một triệu cơ hội chấn thương sẽ xảy ra cho một người ra sao. Không có nhiều kinh nghiệm, cô chỉ có hộp đồ nghề truyền thông của mình. Đối với cô, công việc chuyên môn thì dễ, trong khi đời sống thì khó khăn.
Sau các trãi nghiệm đau thương trên và tự đi tìm hiểu về cách đối phó với chấn thương của những người khác, Sales đã phỏng vấn nhiều người và đã viết thành tác phẩm "Bất Kỳ Ngày Thường" (Any Ordinary Day). Thoạt đầu Sales chỉ muốn tìm hiểu và không có ý định viết thành sách. Sales muốn nhìn thẳng vào vấn đề và tìm hiểu xem cô có thể học được gì từ những người đã trãi qua bi kịch trong cuộc sống, điều gì giúp họ vực dậy, và giới chuyên môn nhận định ra sao về điều này [3]. Từ những cảm nhận và lo lắng qua kinh nghiệm của mình, cô muốn đi tìm hiểu có phải một số niềm tin như "những điều tốt sẽ xảy ra với những người tốt", hay "những điều tồi tệ đã đến với tôi rồi, bây giờ phải là lúc những điều tốt sẽ diễn ra", hay "mọi thứ bây giờ chỉ có thể trở nên tốt hơn" v.v… có phải như thế không ! Theo Sales thì không hẳn như thế, và đó là sự thật mà nhiều người cảm thấy khó chấp nhận.
Trước khi thực hiện, Sales không hề nghĩ đến một hiện tượng gọi là "sự phát triển hậu chấn thương" (post-traumatic growth). Nhưng cô ngạc nhiên khám phá rằng những người vượt qua được các chấn thương này cho biết sự đồng cảm, sức mạnh và tinh thần kiên trì của họ, những thay đổi tích cực đo lường được, thật sự gia tăng sau các chấn thương đến với họ. Theo cô thì có lẽ không ai muốn những biến cố đau thương đến với mình cả. Nếu có thể thì họ sẵn sàng đổi những gì có để không phải trãi nghiệm nó. Nhưng thực tế là nó xảy ra, là kinh nghiệm họ trãi qua, và họ tìm cách vượt qua và phát triển từ những đau thương này. Nhưng Sales cũng cho biết rằng lý do họ làm được điều này là vì tất cả những người cô phỏng vấn đều có cá tính và suy nghĩ tích cực. Họ có mạng lưới xã hội mạnh mẽ, có bạn bè và gia đình hỗ trợ. Họ có mục đích sống, tìm niềm đam mê trong các việc mình làm.
Về chính mình thì Sales cho biết cô sẽ không bao giờ còn cảm thấy an toàn như trước đây. Cô nhìn nhận rằng có lẽ cảm nhận an toàn trước đây là không thực tế. Cô cho rằng mình không có gì đặc biệt cả ; cuộc sống đầy tình cờ, ngẫu nhiên ; và không ai miễn nhiễm từ những điều tồi tệ xảy ra cho mình. Nhưng thực tế này không làm cho Sales bi quan, mà giúp cô trân quý mọi điều trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn. Nói cách khác, Sales sống với hiện tại, với những gì đang có, một sự giác ngộ và chánh niệm, nói theo giáo lý của đạo Phật. Nó làm cho cô kiên trì, sẵn sàng đối phó với các thử thách sẽ đến, mặc dầu không muốn và không thích, nhưng cô tin rằng mình có thể chấp nhận và đối phó với nó. Và những người cô phỏng vấn cũng có tinh thần như thế.
Vào tháng Bảy năm 2018, bố của Sales ông Dale Sales, đã vĩnh viễn ra đi. Cô đã diễn tả bố mình là "một người làm việc chăm chỉ nhất mà cô từng thấy, và là một ông ngoại và người kể chuyện hài hước huyền diệu…" [3]. Chương cuối của cuốn sách, Sales trình bày nỗi sợ phải mất cha hoặc mẹ mình. Và rồi điều đó cũng đến. Cô khóc thương và tiếc nuối người cha của mình. Việc viết sách của Sales làm cho cô hiểu hơn, một cách trí thức, về những cảm xúc của cô có và tại sao như thế. Cô không thể ngăn chặn các cảm xúc này. Tuy hiểu, nó không thể làm vơi đi nỗi đau của cô. Nhìn lại, cô cảm nhận rằng cuộc sống không phải hoàn toàn tốt, hay xấu. Ngay cả trong những khoảnh khoắc đau buồn, cô vẫn cảm nhận được tình người và những điều dễ thương xảy ra chung quanh mình. Những chấn thương trong đời để lại nét buồn trong cô, cái không có trước đây, điều mà bạn cô Sales, Annabel Crabb, nhận xét. Một trong những thay đổi lớn trong Sales là cô cảm thấy thoải mái hơn nếu không hoàn toàn chủ động được cuộc sống của mình.
Trong bài phát biểu trước nhóm học sinh lớp 9 mãn khóa để lên trung học, trong đó có con trai của mình, Tổng Chánh án Tòa Tối cao Hoa Kỳ, John Roberts, thay vì chúc những câu thông thường như nhiều người, ông đã cố tình chọn những gì thoạt nghe có vẻ sốc và ngược ngạo, như chúc các em gặp xui xẻo (bad luck) [5]. Bài diễn văn bất thường này được tán phát và có ảnh hưởng rộng rãi, được dịch sang tiếng Việt và có phụ đề trên Youtube.
Ông Roberts đề cao ba giá trị quan trọng. Một, tính kiên trì là sự thành công. Ông cho rằng sự tự tin không phải là vì bạn thành công trong tất cả những gì bạn làm, nhưng vì nhờ sự giúp đỡ của bạn mình, bạn đã không sợ mình thất bại. Nếu thất bại thì thử lần nữa, và lần nữa, và nếu vẫn thất bại thì đã đến lúc cần phải nghĩ làm một cái gì khác. Điều quan trọng không phải là sự thành công, mà là sự không sợ khi thất bại.
Hai, hãy tử tế với người khác, ngay cả với những người tầm thường, quét rác, dọn vệ sinh. Từng cử chỉ một, từng hành động nhỏ, như viết thư cho người khác ghi nhận sự trân quý của mình, mỗi tuần chỉ 10 phút thôi, sẽ thay đổi cuộc đời của các em.
Ba, thay vì chúc may mắn, ông chúc các em, trong đó có con mình, gặp xui xẻo. Bởi vì khi bị đối xử bất công, các em sẽ nhận diện được giá trị của công lý. Khi bị phản bội, các em sẽ nhận diện được giá trị của trung thành. Khi cô đơn, sẽ nhận diện được giá trị của tình bạn, và sẽ không coi là điều tất yếu. Ông chúc xui xẻo, bởi vì có những lúc trong cuộc sống, cơ hội là quan trọng, cho nên sự thành công của mình không phải hoàn toàn là mình xứng đáng, và sự thất bại của người khác cũng không hoàn toàn xứng đáng như thế. Khi thất bại, ông chúc cho đối thủ của các em sẽ hả hê, vì đó là cách để các em hiểu được thật sự giá trị của tinh thần thượng võ (sportsmanship). Ông mong các em sẽ có lúc bị bỏ bê, mặc kệ để hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe. Và ông hy vọng các em có đủ nỗi đau để học được lòng từ bi. Chính ông nhìn nhận rằng dù có chúc, có mong ước các điều này với các em hay không thì nó cũng diễn ra mà thôi. Các em có học được, có thấy lợi từ các điều trên hay không nằm ở khả năng thấy được thông điệp từ những đau thương này.
John Roberts rõ ràng hiểu được chân lý của cuộc sống. Leigh Sales đã hiểu được qua trãi nghiệm đau thương của mình. Lãnh đạo triết lý và tôn giáo như Đức Phật, Chúa Giêsu, hay các lãnh đạo chính trị nổi tiếng thế giới, từ Abraham Lincoln, Franklin Deleno Roosevelt, Mohatma Gandhi, cho đến Nelson Mendela, vân vân… đều cảm nhận nỗi bi kịch đến với mình hoặc/và dân tộc mình, và đã giải thoát được nỗi đau chung cho thế hệ mình bằng tình thương, tha thứ, tinh thần khiêm tốn và sự kiên trì với niềm tin son sắc. Đây là những giá trị đích thực để đem lại sức mạnh thực sự cho mỗi người và mỗi dân tộc. Những cá nhân và dân tộc nào tin tưởng và thực hiện các giá trị này đều trở nên mạnh mẽ, thành công, và nhất là không sơ thất bại.
Người Việt sẽ dự tính làm gì để vượt qua sự chia rẽ và hận thù, điều chưa có dấu hiệu nào gia giảm, để dám mơ và thực hiện những ước mơ lớn
Tháng Tư nhắc nhở nhiều tang thương cho người Việt Nam, mặc dầu có một bộ phận không nhỏ ăn mừng trên những đau thương này hơn bốn thập niên qua. Có thể nói hiếm có một dân tộc nào trãi qua quá nhiều tang thương, chiến tranh, chia rẽ và đổ nát toàn diện như dân tộc Việt Nam, trên hai ngàn năm qua. Người Việt sẽ dự tính làm gì để vượt qua sự chia rẽ và hận thù, điều chưa có dấu hiệu nào gia giảm, để dám mơ và thực hiện những ước mơ lớn hầu mở ra một vận mệnh mới cho toàn dân tộc !
Úc Châu, 09/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 10/04/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Amanda Hooton, "Leigh Sales : 'It just started to feel like nothing was safe '", The Sydney Morning Herald, 29 September 2018.
2. Gọi là Global Town Hall. Secretary Clinton Holds Global Town Hall, "Politics - what I see and what I do not understand ", Politics Down and Dirty Blogspot, 29 January 2013.
3. Bridget Delaney, "Leigh Sales on her year of horrors : ‘I want to look this right in the face’ ", The Guardian, 1 October 2018.
4. Stephenie Bedo, "ABC journalist Leigh Sales’ father Dale remembered as one of the army’s greatest warriors ", News.com.au, 16 July 2018.
5. Katie Reilly, "'I Wish You Bad Luck.' Read Supreme Court Justice John Roberts' Unconventional Speech to His Son's Graduating Class ", Time, 5 July 2017.
Vào ngày này 70 năm về trước tại Washington DC, 12 quốc gia gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hòa Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh và Hoa Kỳ đã cùng ký tên thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nền tảng an ninh và ngoại giao từ sau Thế Chiến II.
Một buổi họp của NATO tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng Tư, 2019.
Điều 5 của hiệp ước này xác định rằng sự tấn công bằng vũ lực lên một hoặc nhiều nước thành viên tại Âu Châu hoặc Bắc Mỹ sẽ được xem là tấn công đối với tất cả các nước thành viên còn lại ; nếu bị tấn công, mỗi nước thành viên có thể sử dụng quyền của mình hay phòng thủ tập thể để hỗ trợ cho các thành viên khác, nếu hành động đó xét cần thiết, để tái lập và bảo toàn an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương. Nguyên tắc phòng thủ tập thể này là trung điểm của hiệp ước, "mang tính độc đáo và lâu dài, gắn kết các thành viên với nhau, cam kết bảo vệ lẫn nhau và thiết lập tinh thần đoàn kết trong Liên minh" [1]. Tuy đối tượng chính của NATO vào thời điểm đó cho đến suốt Chiến tranh Lạnh chủ yếu là Liên Xô, điều 5 chưa bao giờ được dùng tới đối với Liên Xô hay Nga về sau này. Trong suốt lịch sử 70 năm này, chỉ có một lần duy nhất mà NATO đã sử dụng đến điều 5 là vụ khủng bố Al-Qaeda tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 [2].
Ngày nay nói đến NATO người ta sẽ liên tưởng đến ba yếu tố/tác nhân mà gần như không thể tách rời : Liên Xô/Nga, Hoa Kỳ, và Chiến tranh Lạnh. Nói cách khác, nếu không có sự bất hợp tác và hung hãn và của Liên Xô/Nga, Hoa Kỳ lẫn Anh không có nhu cầu leo thang chiến tranh mà chỉ muốn dồn nỗ lực tái thiết, do đó cũng sẽ không có Chiến tranh Lạnh như chúng ta đã biết, và không có nhu cầu hình thành NATO.
Nhưng theo nghiên cứu công phu và giá trị của giáo sư John Baylis thì nói đến NATO thì phải nói đến nước Anh, vai trò chủ chốt của Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin, và nhất là các ý tưởng vào đầu thập niên 1940 trong kế hoạch tái thiết thời hậu chiến cũng như nỗ lực không ngừng của Bộ Ngoại giao Anh mãi cho đến ngày 4 tháng 4 năm 1949. Chính các nỗ lực này đã góp phần quan yếu đưa đến sự hình thành của NATO [3].
Nói cách khác, NATO có cả một quá khứ trước cả Hiệp ước Brussels (17 tháng Ba năm 1948), trước cả Hiệp ước Dunkirk (4 tháng Ba 1947), trước cả bài phát biểu của Tổng thống Truman với quốc hội Hoa Kỳ (vào ngày 12 tháng Ba 1947 mà sau này được xem là Học thuyết Truman) và trước điện thư dài của George Kennan cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng Hai 1946 và sau này chỉnh sửa để đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng Bảy 1947 với bút hiệu "Mr X" có tựa đề "Nguồn gốc Hành vi của Liên Xô".
Trong tác phẩm Nền Ngoại giao Thực dụng (The Diplomacy of Pragmatism), giáo sư John Baylis trình bày chi tiết các tài liệu mà ông đã nghiên cứu từ năm 1983, từ các thư viện tại Anh, Hoa Kỳ và Canada, các tài liệu được giải mật, và mất 10 năm để hoàn tất tác phẩm này.
Baylis cho rằng từ ý tưởng hình thành khung sườn an ninh Đại Tây Dương đã có từ năm 1940, cho đến khi NATO được hình thành là một quá trình phức tạp : Anh tất nhiên không hình thành NATO một mình ; và các chính sách ngoại giao của Anh không hoàn toàn nhất quán hoặc thành công trong suốt giai đoạn này (Baylis, trang 3). Thật ra các xu hướng chính sách khác nhau đã nổi lên để tìm sự hậu thuẫn và tầm quan trọng. Trong mười chương sách của cuốn này, kể cả chương cuối là phần kết luận, Giáo sư Baylis đã trình bày chi tiết dựa trên các tài liệu và dữ kiện cho biết nguyên do dẫn đến biến cố 4 tháng Tư năm 1949.
Chương 1, Giáo sư Baylis dẫn ngược trở lại các nguyên do đưa đến các ý tưởng về an ninh của Âu Châu vào năm 1945, không phải tự nhiên xuất hiện, mà nó có nguồn gốc của nó vào những năm trước đó, 1940.
Chương 2, Baylis trình bày các khác biệt giữa Văn phòng/Bộ Ngoại giao và Tổng Tham mưu về việc có nên lên kế hoạch cho khả năng rằng sự hợp tác giữa các cường quốc có thể bị tan rã thời hậu chiến.
Chương 3, Baylis bàn về những biến đổi trong thái độ của Anh đối với Liên Xô ngay thời hậu chiến. Mặc dầu Bộ Ngoại giao và Tổng Tham mưu của Anh đều đồng ý về nhận xét rằng các chính sách của Liên Xô mang tính hiếu chiến, Bộ trưởng Ngoại giao Ernest Bevin vẫn tiếp tục chủ chương tìm sự hợp tác với lãnh đạo của Liên Xô. Và trong bối cảnh quan hệ ngày càng xấu đi và sự bất định gia tăng, Bevin đã thiết kế chính sách cho Tây Âu.
Chương 4 bàn về sự thay đổi trong quan hệ giữa Anh và Pháp vào năm 1945 đến tháng Ba 1947. Điều này dẫn đến sự hình thành hiệp ước Dunkirk vào tháng Ba 1947.
Chương 5 bàn về các thay đổi tiệm tiến trong chính sách ngoại giao của Anh từ tháng Ba 1947 đến tháng Ba 1948, thời điểm được xem là Chiến tranh Lạnh đang trên đà gia tăng. Bevin vẫn tiếp tục phấn đấu để duy trì một quan hệ với Liên Xô nhưng mọi nỗ lực này bị sụp đổ sau cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 12 năm 1947.
Chương 6 bàn về những khuynh hướng và tranh luận bên trong bộ Tổng Tham mưu về hướng đi của chính sách quốc phòng Anh. Bộ Tổng Tham mưu nhận định rằng Tây Âu, trong đó có Anh, không đủ mạnh để bảo vệ chính mình, và quan ngại về khả năng duy trì chiến lược Khối Thịnh Vượng toàn cầu. Họ tin rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng quân sự và nguồn lực để cân xứng với Liên Xô. Họ cũng lưỡng lự trong việc ủng hộ Bộ Ngoại giao trong vai trò lãnh đạo sự hợp tác quốc phòng của Tây Âu. Họ cho rằng sự cam kết chính trị đối với Tây Âu là vô nghĩa nếu không có khả năng cung cấp hỗ trợ về mặt quân sự vật chất. Với những khó khăn về kinh tế của Anh lúc đó và ưu tiên về Trung Đông trong chính sách chiến lược của Anh, Bộ Tổng Tham mưu cho rằng Anh chỉ nên cam kết vai trò lục địa nếu Hoa Kỳ sẵn sàng đóng vai trò bảo vệ Tây Âu. Họ cũng đề nghị Bộ Ngoại giao nên điều chỉnh thiết kế quy mô (grand design) để chấp nhận một quan hệ phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong Liên minh Đại Tây Dương.
Chương 7, vì kết luận trên của Tổng Tham mưu, nên từ tháng 12 năm 1947 Bộ Ngoại giao Anh đã nỗ lực liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đưa đến các buổi thảo luận tại Lầu Năm Góc vào tháng Ba năm 1948, giữa Anh, Canada và Hoa Kỳ, xây dựng nền tảng cho NATO. Chương 8 và 9 trình bày các khó khăn cần phải vượt qua, nhất là phải đạt được sự cam kết của Hoa Kỳ để bảo vệ Tây Âu. Đây cũng là năm bầu cử nên phía Hoa Kỳ chưa thể quyết định gấp, và ngay cả sau bầu cử khi Harry Truman được tái đắc cử tổng thống, nó cũng mất thêm vài tháng để rồi các cuộc thương thuyết đi đến kết thúc thành công. Nên nhớ rằng cho đến giữa năm 1948, Bevin vẫn còn mở các lựa chọn của mình và vẫn duy trì vai trò độc lập của Anh, mặc dầu quan hệ ngoại giao với Liên Xô trở nên căng thẳng. Tuy nhiên cùng lúc đó Bevin nỗ lực thắc chặt quan hệ với Hoa Kỳ, đóng vai chủ đạo tại Âu Châu, phối hợp khối Thịnh Vượng Chung, và duy trì vai trò truyền thống của Anh tại Trung Đông. Mục tiêu lâu dài là để tái thiết lập quyền lực của Anh trên thế giới. Đối với các nhà hoạch định quốc phòng, mục tiêu của họ kết hợp với khối Thịnh Vượng Chung để liên minh với Hoa Kỳ đối phó với đe dọa rõ ràng từ phía Liên Xô.
Chương cuối đánh giá về vai trò của Bevin trong việc hình thành NATO. Baylis cho rằng tuy các chính sách của Bevin không hoàn toàn thành công, và những phê bình về cung cách thực hiện của ông là chính đáng, dù sao đi nữa NATO vẫn là sự thành đạt lớn nhất của Bevin. NAO có lẽ không phải là một giải pháp tốt nhất mà Bevin mong đợi nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố quyền lợi của Anh trong suốt thời Chiến tranh Lạnh (Baylis, trang 4-7).
Đó là phần trình bày tổng quát của cuốn sách này. Đi vào chi tiết của từng chương sách thì có rất nhiều vấn đề và dữ kiện lý thú, nhưng không thể trình bày trong bài viết ngắn gọn vài trang. Chẳng hạn trong Chương 1, Baylis cho biết theo quan niệm truyền thống thì các nhà hoạch định chính sách Anh tiếp tục ghi nhận tầm quan trọng của sự duy trì thế cân bằng quyền lực tại Âu Châu, ngăn ngừa các thế lực thù nghịch nào áp đảo các nước phía dưới, nhưng đồng thời cũng có giả định chính trị căn bản rằng Anh và Pháp sẽ liên minh với nhau trong trường hợp Đức trở nên hiếu chiến trở lại tại Tây Âu. Khi Thế Chiến II bùng nổ năm 1939, khi quân đội của Đức tiến chiếm nhiều quốc gia tại Âu Châu, tiến gần đến the Channel, eo biển giữa Anh và Pháp để Quân đội Viễn chinh Anh cần được triệt thoái khỏi Dunkirk vào tháng Năm và Sáu năm 1940, Anh đã phải rà soát lại toàn bộ chính sách quân sự và các tiến cử cho sự sắp xếp an ninh mới thời hậu chiến. Ý tưởng về một hệ thống an ninh Đại Tây Dương đã được Trygve Lie nêu ra khi ông là quyền Ngoại trưởng của chính phủ Na Uy lưu vong tại London vào tháng 11 năm 1940. Các ý tưởng thành lập một tổ chức quốc tế trong thời hậu chiến dựa trên sự hợp tác của các cường quốc cũng trùng hợp với tư tưởng của các nhà lãnh đạo Anh, Canada và Hoa Kỳ, nhất là Franklin Roosevelt (FDR). Trong nhiều lần gặp gỡ với Mackenzie King, Winston Churchill, và cả Joseph Stalin, điều mà FDR quan tâm nhất là làm sao có một cơ chế như Liên Hiệp Quốc và một Hội đồng An Ninh để qua đó các cường quốc cùng nhau đóng vai trò then chốt trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thời hậu chiến. Churchill muốn Pháp cũng trở thành một cường quốc vì chỉ khi nào Pháp đủ mạnh thì mới giúp Anh ngăn chặn sự tấn công từ phía Đông, dù đó là Đức hay Liên Xô/Nga sau này (Baylis, trang 8 đến 11).
Nhưng những cam kết giữa Churchill, Stalin và Roosevelt tại hội nghị Yalta từ ngày 4 đến 11 tháng Hai năm 1945 tại Crimea chưa ráo mực thì Roosevelt mất, trong khi sự nghi ngờ giữa các bên ngày càng gia tăng khi chiến tranh càng đến gần thời điểm kết thúc. Sau chiến tranh, trong khi George Kannan gửi điện thư mật phân tích nguồn gốc hành vi của Liên Xô mà sau này trở thành chính sách ngăn chặn của Hoa Kỳ, thì cùng lúc đó Chánh Văn phòng của Đại sứ Anh tại Moscow là Frank Roberts, một người bạn thân của Đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow, ông Walter Bedell-Smith, và là một cộng sự thân thiết của George Kennan, cũng gửi các tối mật thư như thế vào những tháng đầu của năm 1946 về London. Roberts cảnh báo rằng Liên Xô là, và phải là, về cơ bản thù nghịch với thế giới tự do, nhất là Hoa Kỳ và xã hội dân chủ Anh. Ngoài ra Anh cũng được xem là một cản trở lớn cho sự bành trướng biên giới của Liên Xô. Vì đế quốc Anh lúc đó trãi rộng gần khắp toàn cầu, sự đụng chạm đối chọi nhau có khả năng rất cao xảy ra v.v… Các quan điểm và phân tích của Roberts có những ảnh hưởng đáng kể tại London như Kennan có tại Washington (Baylis, trang 41 đến 42).
Từ khi lên nắm chính quyền tháng Bảy năm 1945 trong vai trò Ngoại trưởng, đứng trước những khó khăn đối phó với thái độ và lập trường của Liên Xô về các vấn đề Trung Đông và Đông Âu, và khi sự ngờ vực càng gia tăng, Ernest Bevin tỏ vẻ sẵn sàng có quan điểm cứng rắn với Liên Xô (Baylis, trang 37). Bevin cũng hiểu rằng vào thời điểm đó, ngay cả khi Kennan đang giữa vai trò Giám đốc của Nhân viên Kế hoạch Chính sách (the Director of the Policy Planning Staff) trong Bộ Ngoại giao mà George Marshall làm Ngoại trưởng, ý tưởng thành lập liên minh an ninh với Âu Châu được xem là hơi sớm. Ngay cả khi Anh và Pháp đã ký Hiệp ước Dunkirk vào tháng Ba 1947, và một năm sau Hiệp ước Brussels gồm năm nước Anh, Pháp, Bỉ, Luxembourg và Hòa Lan vào ngày 17 tháng Ba 1948, phía Hoa Kỳ vẫn còn rất do dự. Bên trong Bộ Ngoại giao có John Hickerson ủng hộ Hoa Kỳ tham gia, trong khi George Kannan thì chống. Quan điểm của Hội đồng An ninh Quốc gia và Tổng Tham mưu thì đâu đó ở giữa, tức Hoa Kỳ ủng hộ các quốc gia này nhưng không muốn ký một hiệp ước liên minh chính thức (Baylis, trang 93). George Kennan và Charles Bohlen đặt vấn đề liên minh như thế có thật sự cần thiết không trong khi Kế hoạch Marshall có thể đã đủ rồi. Nhưng lý do chính của sự lưỡng lự của các viên chức hàng đầu về ngoại giao, quốc phòng và an ninh quốc gia Hoa Kỳ là vì họ hiểu rằng mặc dầu quan điểm và thái độ của Liên Xô là đáng quan ngại, mà Kennan hiểu rõ hơn ai hết, nhưng quốc hội Hoa Kỳ, và người dân Hoa Kỳ, có ủng hộ cho một chiến lược mới có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến khác nữa. Trước thái độ này của phía Hoa Kỳ, Bevin không bỏ cuộc mà đã nỗ lực phát triển Hiệp ước đã đó, vận động các quốc gia khác tham gia, tạo áp lực lên Marshall và Hoa Kỳ. Ngày 14 tháng Năm 1948, Bevin gửi điện thư đến Marshall biện luận rằng Hiệp ước Đại Tây Dương chủ yếu có giá trị tâm lý, bởi hiện nay cảm giác bất an và bất định của người dân Tây Âu đang lan tràn, cho nên Hiệp ước này sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các chính quyền này và giúp tạo ra mức độ tự tin hơn.
Chính Kennan cảm thấy lý luận của Bevin là chính đáng, là một đóng góp vô giá cho cuộc thảo luận đang diễn ra tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Bevin không sẵn sàng ngồi chờ cho đến khi bầu cử Hoa Kỳ xong. Bevin đã sử dụng những nhân vật ngoại giao xuất chúng đầy kinh nghiệm và khả năng như Ngài Oliver Franks, Đại sứ mới của Anh tại Washington, để thuyết phục phía Hoa Kỳ ngồi xuống thảo luận. Một dữ kiện trùng hợp mang tính quyết định đối với quan điểm của phía Hoa Kỳ là sự phong tỏa Bá Linh của Liên Xô (Berlin blockade). Hồng quân Liên Xô từ chối cho xe lửa của phía đồng minh đi qua Berlin từ ngày 1 tháng Bốn 1948, và phong tỏa toàn bộ từ ngày 24 tháng Sáu 1948 đến 12 tháng Năm 1949. Sau nhiều biến cố chính trị và nhiều tháng trời vận động và thất vọng, cuối cùng các nước Hoa Kỳ, Canada và khối thành viên ký vào Hiệp ước Brussels đã bắt đầu thảo luận vào ngày 29 và 30 tháng Sáu năm 1948 (Baylis, trang 102).
Về Hiệp ước NATO, Kennan nhận định rằng : chiến lược căn bản của Nga là sự chinh phục Tây Âu bằng biện pháp chính trị ; nếu chiến tranh có xảy ra trong tương lai thì có lẽ là cái mà Moscow không mong muốn nhưng không biết làm sao tránh ; cuộc chiến chính trị đang được tiến hành, không cần tiếng súng, nhưng mang tính quyết định. Kennan biện luận rằng Hiệp ước NATO sẽ ảnh hưởng đến chiến tranh chính trị này bằng cách gia tăng sự tự tin của Tây Âu dưới áp lực của Liên Xô. Kennan tin rằng nhu cầu liên minh an ninh và tái vũ trang cho phần Tây Âu là một cảm nhận khách quan. Theo Kennan thì cách tốt nhất đối phó với áp lực của cộng sản là nỗ lực phục hồi kinh tế (Baylis, trang 107). Nói cách khác, Hiệp ước NATO theo Kennan mang tính cách tâm lý, như Bevin nhận xét, vì nó cần gia tăng sự tự tin của người Tây Âu trong lúc cần thiết.
Ngày 15 tháng Ba 1949 các phái đoàn của 12 quốc gia nêu trên đã gặp nhau lần cuối, sau tám tháng thương thuyết kể từ khi Liên Xô phong tỏa Bá Linh, để thảo luận và thông qua bản dự thảo của hiệp ước. Ngay từ đầu các nhà nước Tây Âu và cả Hoa Kỳ cũng không rõ Hoa Kỳ sẽ đi bao xa do thái độ lưỡng lự truyền thống đối với sự tham gia vào mối quan hệ vướng víu mà Hoa Kỳ muốn tránh nhiều lần trong quá khứ nhưng vẫn vướng bận. Vào cuối tháng Ba 1949 Hoa Kỳ đã quyết định ở lại Bá Linh và đóng vai trò then chốt trong các thương thuyết của một thời đại mới trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Giờ đây chúng ta biết NATO phần lớn là qua vai trò của Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ các nước đồng minh, thành viên của hiệp ước này, từ con số 12 lên 29 sau bảy thập niên. Nhưng vai trò then chốt của Bevin, Bộ Ngoại giao và Tổng Tham Mưu của Anh trong việc hình thành NATO là quá rõ ràng. Bevin đã thành công mục tiêu vận dụng sức mạnh quân sự và tài nguyên của Hoa Kỳ để bảo vệ Tây Âu, nhưng đồng thời nó cũng đánh dấu sự kết thúc của ước mơ khác của Bevin về vai trò lãnh đạo của Anh tại Tây Âu. Và cũng đánh dấu sự kết thúc đối với tham vọng của nước Anh trong mục tiêu duy trì một vai trò thế giới độc lập hơn (Baylis, trang 120).
Thời gian 70 năm đã mang lại quá nhiều thay đổi. Anh quốc đã không còn là một đế quốc khổng lồ như xưa nữa, mà ngày càng thu hẹp và tự cô lập. Từ một quốc gia chủ động phát triển thế liên minh Tây Âu và mở rộng gần như toàn Âu Châu về sau, để tăng cường hợp tác, phát triển kinh tế và nhất là duy trì hòa bình cho lục địa này, trong những năm qua Anh ở trong trạng thái bị đắm chìm và gần như tê liệt, tiến thoái lưỡng nan, trong việc rút ra khỏi Liên hiệp Âu Châu (Brexit). Sau Brexit thì sao, chưa ai rõ, nhất là trong thời kỳ chiến tranh quyền lực đang trở lại. Dù sao NATO đã đóng đúng vai trò tâm lý chiến của nó trong thời Chiến tranh Lạnh : duy trì hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh, và Bevin là người có công rất lớn trong nỗ lực hình thành NATO.
Úc Châu, 04/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 05/04/2019
Tài liệu tham khảo :
1. NATO, "Collective defence - Article 5 ", North Atlantic Treaty Organization, Last Updated 12 June 2018.
2. SUZANNE DALEY, "AFTER THE ATTACKS : THE ALLIANCE ; For First Time, NATO Invokes Joint Defense Pact With U.S. ", The New York Times, 13 September 2001.
3. John Baylis, The Diplomacy of Pragmatism, Britain and the Formation of NATO, 1942-49, The MacMillan Press Ltd, 1993.
Thứ Năm ngày 4 tháng Tư này đánh dấu 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nền tảng an ninh và ngoại giao từ sau Thế Chiến II.
70 năm là thời gian dài với bao biến đổi về tình hình an ninh khu vực Âu châu và toàn cầu, cũng như sự thay đổi sâu rộng về tình hình chính trị quốc tế. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ đầu thập niên 1990, người ta tưởng chừng vai trò của NATO không còn cần thiết nữa và do đó có thể bị giải tán. Nhưng gần ba thập niên qua, mặc dầu có những lúc khủng hoảng về chức năng và lãnh đạo, NATO không những tiếp tục tồn tại mà còn phát triển. Từ 12 quốc gia thành viên lúc thành lập, NATO trở thành tổ chức với 29 thành viên, nước thành viên mới nhất là Montenegro tham gia vào ngày 5 tháng Sáu năm 2017. Lý do cho sự tồn tại và phát triển của NATO là vì các nước thành viên đều cảm thấy rằng mối đe doạ, tuy giảm hẳn so với thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn hiện hữu. Liên Xô trước đây, và Nga bây giờ, vẫn luôn là một cảm giác bất an đối với họ.
70 năm của NATO có thể chia thành ba giai đoạn khác nhau: tiền Chiến tranh Lạnh (hay hậu Thế Chiến II); Chiến tranh Lạnh (năm 1947/1948 đến 1990/1991); và hậu Chiến tranh Lạnh cho đến nay. Các diễn giải về lý do hình thành NATO nói riêng và nguyên do đưa đến Chiến tranh Lạnh nói chung là vô cùng đa dạng, tùy theo cách nhìn nhận, phân tích và xu hướng chính trị của mỗi người. Theo chuyên gia Strobe Talbott thuộc viện Brooklings thì giai đoạn một là lúc mà Joseph Stalin là người chính thức bắt đầu Chiến tranh Lạnh trước khi tiếng súng của Thế Chiến II im lặng [1]. Nói cách khác, nếu Liên Xô không có những chính sách thù nghịch và hung hãn đối với Hoa Kỳ và Âu châu thì sẽ không có nhu cầu hình thành NATO.
Có thể nói một cách tóm tắc rằng sự hiện hữu của NATO có tỷ lệ thuận với sự hung hãn của Liên Xô trước đây, và Nga ngày nay. Nga càng độc tài, hung hãn thì vai trò và trách nhiệm của NATO càng chính đáng, cần thiết. Nếu Nga, một ngày nào đó và một cách kỳ diệu nào đó, trở thành một quốc gia có thể chế chính trị dân chủ thật sự, thì nhiệm vụ của NATO sẽ phải chuyển đổi, trừ phi có mối đe dọa khác trổi lên.
Cách đây đúng 20 năm, ba quốc gia hậu cộng sản thuộc khối Liên Bang Xô Viết cũ là Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và Ba Lan đã chính thức trở thành thành viên của NATO. Nhưng họ phải đến mất gần một thập niên để vận động chứ nó không hề là một tiến trình vô chướng ngại. Bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Affairs của giáo sư sử học Mary Elise Sarotte thuộc trường đại học John Hopkins SAIS GS đã soi sáng điều này [2]. Gs Sarotte đã nghiên cứu các tài liệu được giải mật từ Thư viện Tổng thống George H W Bush và gần nhất là từ Thư viện Tổng thống Bill Clinton. Bà cho biết các bằng chứng tìm thấy khẳng định rằng từ đầu cho đến giữa thập niên 1990, người Tiệp, người Hung và nhất là người Ba Lan đã vận động để được vào làm thành viên, đặc biệt từ khi Bill Clinton lên làm tổng thống.
Theo Gs Sarotte thì thật ra các nước trung và đông Âu đều muốn trở thành thành viên của cộng đồng tây Âu và các định chế của nó, thay vì cứ tiếp tục hiện hữu trong vùng xám giữa tây Âu và Nga. Họ vẫn lo ngại sự trổi dậy trở lại của Nga ngay cả khi Liên Xô đang sụp đổ. Mà cái họ lo ngại là đúng, như đã thấy qua các hành động của Nga dưới thời Vladimir Putin, đặc biệt năm năm qua. Sống gần Nga, cũng như Việt Nam sống gần Trung Quốc, người dân tại các quốc gia này hiểu Nga hơn ai hết.
Tài liệu mà giáo sư Sarotte điều nghiên cho biết vào tháng Hai năm 1990, Ngoại trưởng Tây Đức Hans-Dietrich Géncher cho Ngoại trưởng Anh biết rằng để Moscow chấp nhận cho nước Đức thống nhất, Liên Xô cần sự bảo đảm rằng Hung Gia Lợi sẽ không trở thành thành viên của NATO. Tóm gọn, chủ trương của Liên Xô là không muốn NATO phát triển về hướng đông. Mặc dầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker lúc đó biết rõ nhiều quốc gia muốn gia nhập NATO nhưng, một lần nữa, Hoa Kỳ vẫn có thái độ thận trọng trong việc quá can thiệp vào chuyện nội bộ Âu châu. Nên nhớ, đối với Thế Chiến I, Thế Chiến II, và ngay cả việc hình thành NATO, thái độ của Hoa Kỳ ban đầu là vẫn do dự, bởi phần lớn người dân Hoa Kỳ và ngay cả giới lãnh đạo quốc gia vẫn chủ hòa chứ không chủ chiến. Ưu tiên của Hoa Kỳ vào lúc đó là thống nhất đông và tây Đức càng nhanh càng tốt. Thế nhưng lãnh đạo các quốc gia trung và đông Âu vẫn tìm mọi cách để vận động vào NATO. Nhưng rồi cuộc chiến vùng vịnh với Iraq tại Kuwait đã đình trệ các nỗ lực này. Sau khi Clinton lên cầm quyền, các lãnh đạo này tiếp tục tìm mọi cách mang lại sự chú ý đối với chính quyền Hoa Kỳ mới. Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel and Ba Lan Lech Walesa đã gặp riêng Clinton và thuyết phục Clinton cứu họ từ sự sống trong khoảng trống rổng (living in a vacuum) trong khi họ đều thấy họ là người Âu châu thể hiện giá trị và tinh thần Âu châu. Tiến trình mất nhiều năm này đã cuối cùng kết thúc, và ba nước Tiệp, Hung và Ba Lan đã chính thức gia nhập năm 1999.
Với bao thăng trầm và bao giai đoạn thách thức mục đích tồn tại của NATO trong gần 7 thập niên qua, có lẽ không có thử thách nào làm lung lây liên minh này như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm từ khi nhậm chức cho đến nay. Đầu năm nay, một tường trình từ báo New York Times cho hay ông Trump đã thảo luận riêng về việc rút khỏi NATO bởi ông không thấy nhu cầu cho một liên minh quân sự [3]. Theo các nhà làm luật và các chuyên gia pháp lý hàng đầu tại Hoa Kỳ thì nếu ông Trump cuối cùng quyết định rút khỏi NATO thì phía lập pháp cũng không thể ngăn cản ông làm chuyện này [4]. Quyền hành của một tổng thống về mặt chính sách ngoại giao là rất lớn trong khi lập pháp thường im lặng, và các rào cản ngăn chặn quyền lực của tổng thống thường là truyền thống và chuẩn mực chứ không phải là luật thực tế.
Tin đồn về ý định rút khỏi NATO của Trump đã làm cho các nhà lập pháp, giới chuyên gia về ngoại giao cũng như quốc phòng tại Hoa Kỳ, Canada và liên hiệp Âu Châu lo lắng.
Theo một số chuyên gia thì việc rút ra khỏi NATO là một trong những điều tai hại nhất mà một tổng thống có thể làm đối với quyền lợi của Hoa Kỳ. Có người cho rằng đây là một liên minh có lợi nhất và quyền lực nhất được tạo ra trong một lịch sử kiên trì và đau thương kéo dài 70 năm, do đó quyết định rút khỏi NATO là một thành công ngoạn mục nhất mà Vladimir Putin có thể mơ tưởng tới. Còn cựu Đề Đốc James G. Stavridis, từng nắm vai tư lệnh đồng minh tối cao của NATO, cho rằng ý tưởng rút khỏi NATO, khoan nói đến hành động, đã là món quà thế kỷ cho Putin; còn nếu thật sự rút khỏi thì đó là "sai lầm địa chính trị có tỷ lệ khủng khiếp".
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau bài tường trình trên, ông Trump tuyên bố tại Lầu Năm Góc vào ngày 17 tháng Giêng năm nay rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ NATO một trăm phần trăm, nhưng ông nói với các nước thành viên (Âu châu) rằng họ cần tiến lên và cần phải trả tiền [5].
Việc yêu cầu các quốc gia thành viên đóng phần của mình là đúng đắn và cần thiết. Trong thời gian qua, trong khi trung bình đa số các thành viên Âu châu chỉ đóng góp tài chánh dưới hai phần trăm tổng sản lượng quốc gia (GDP) thì Hoa Kỳ trung bình đóng trên ba phần trăm GDP, và cao nhất là dưới thời của Tổng thống Barack Obama, trên bốn phần trăm [6]. Nhưng hai hoặc bốn phần trăm GDP của Hoa Kỳ mang lại sự khác biệt chênh lệch so với sự đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên còn lại. Theo bài báo trên Washington Post năm 2012 thì Hoa Kỳ đã tài khoản cho 75 phần trăm tổng chi của NATO, tăng từ 50 phần trăm trong thời Chiến tranh Lạnh [7].
Cũng cần nên biết rằng không chỉ chính quyền Trump mới nhắc nhở và tạo áp lực lên các thành viên Âu châu phải đóng góp vào việc duy trì thế liên minh với Bắc Mỹ qua tổ chức NATO. Chính quyền Obama đã nhiều lần cảnh báo các thành viên Âu châu của NATO là không thể tiếp tục mong đợi Hoa Kỳ hứng chịu khoản chi lớn lao này mà không góp phần tương xứng của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld vào năm 2004 cũng dự tính cắt từ bốn xuống còn hai lữ đoàn quân đội Hoa Kỳ đang đóng quân tại các mặt trận Âu châu để giảm phí tổn nhưng vì sự phản đối của các tướng lãnh nên ý định này không thành công.
Sự cắt giảm ngân sách của nhiều quốc gia thành viên tại Âu châu là một phần do sự trì trệ kinh tế do ảnh hưởng của vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu vào năm 2008. Tuy nhiên một phần lý do khác là vì một số quốc gia thành viên cũng không tán thành các nhiệm vụ và mục tiêu của NATO mà họ xem là đã bị Hoa Kỳ áp đảo chủ trương và hành động trong khi họ không có tiếng nói đáng kể nào. Chẳng hạn, phần lớn các hoạt động của NATO kể từ biến cố 11 tháng 9 là chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq, mà họ không thấy sự liên hệ trực tiếp đến an ninh và ngoại giao tại Âu châu. Tuy nhiên sau một số vụ khủng bố tại Âu châu, và sự kiện Nga thôn tính vịnh Crimea từ nước Ukraine vào tháng Hai/Ba năm 2014, các quốc gia thành viên lại cảm thấy lo ngại về một nước Nga của Putin. Họ lo ngại là vì từ đó trở đi Nga tiếp tục xâm chiếm phía đông của Ukraine, ủng hộ chế độ độc tài hà khắc Assad tại Syria, bắn rớt máy bay của hãng hàng không Malaysia, can thiệp vào bầu cử tại Hoa Kỳ, và gần đây nhất là dùng chất độc Novichok tấn công thần kinh để ám sát cựu tình báo Nga là Sergei Skripal và người con gái là Yulia ngay trên lãnh thổ Anh quốc.
Ngay sau sự kiện Nga thôn tính Crimea, Tổng Thư ký của NATO là Anders Fogh Rasmussen cảnh báo là Âu châu bây giờ khác so với Âu châu của tháng trước, và do đó cần phải đóng góp nhiều hơn nữa [8]. Các thành viên NATO sau đó đồng ý là sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng lên 2 phần trăm. Nhưng từ khi lên cầm quyền vào đầu năm 2017, Trump dùng mọi cơ hội để áp lực lên các nước thành viên, tuyên bố rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không bảo vệ đồng minh Âu châu nếu họ không chịu thanh toán hóa đơn [9].
Với áp lực này, NATO sẽ phải cải tổ hoặc chuyển hóa để tồn tại. Cung cách hành xử của Nga làm cho vai trò của NATO càng cần thiết và ý nghĩa hơn. Nhưng bị đe dọa bên hướng đông, và bị áp lực bên hướng Tây, các quốc gia thành viên NATO tại Âu châu cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm đồng thuận để nhận lãnh trách nhiệm của mình, chủ động vai trò lãnh đạo như một cộng sự viên (partner) thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ như đã và đang hiện nay. Mặc dầu quốc hội Hoa Kỳ đứng về phía Âu châu coi trọng thế liên minh này, và mời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại quốc hội vào ngày 3 tháng Tư này đánh dấu kỷ niệm 70 năm, đây là lúc cần phải suy xét lại mối quan hệ một cách thấu đáo. Cách cư xử của Trump đối với NATO trong thời gian qua, và việc khen ngợi tài lãnh đạo của Vladamir Putin nhưng coi thường các thành viên Âu châu, là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với bất cứ một quốc gia nào mong đợi rằng quốc gia khác sẽ chiến đấu hay bảo vệ mình miễn phí. Nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng một quan hệ bất cân xứng, trong đó quyền lực nghiêng hẳn về một phía, là một quan hệ không bền vững bởi vì trước sau gì phe mạnh cũng có thể, và có những kẻ, lạm dụng và ngược đãi phe yếu.
Úc Châu, 02/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 03/04/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Strobe Talbott, "A brief history of NATO, from Truman to Trump", Brookings, 27 March 2019.
2. M. E. Sarotte, "The Convincing Call From Central Europe: Let Us Into NATO", Foreign Affairs, 12 March 2019.
3. Julian E. Barnes and Helene Cooper, "Trump Discussed Pulling U.S. From NATO, Aides Say Amid New Concerns Over Russia", The New York Times, 14 January 2019.
4. Robbie Gramer, "Trump Can’t Do That. Can He ?", Foreign Policy, 16 January 2019.
5. Rebecca Morin, "Trump : We will be with NATO ‘100 percent’", Politico, 17 January 2019.
6. Mohib Iqbal, "Burdens and threats at NATO summit", Lowy Institute,
7. Craig Whitlock, "NATO allies grapple with shrinking defense budgets", The Washington Post, 29 January 2012.
8. Steven Erlanger, "Europe Begins to Rethink Cuts to Military Spending", The New York Times, 26 March 2014.
9. Philip H. Gordon and Jeremy Shapiro, "How Trump Killed the Atlantic Alliance", Foreign Affairs, 26 February 2019.
Ngôn từ và hành động của một người có khả năng truyền cảm thông và chuyển hóa hố ngăn cách hoặc thù nghịch với người khác. Ngược lại, nó cũng có khả năng truyền hận thù và tạo phân hóa giữa con người với nhau.
Thủ tướng Tân Tây Lan, Jacinda Ardern.
Vô sốbằng chứng từ các nghiên cứu về tâm lý xã hội, trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực tế, cho thấy cách hành xử của một người có thể tác động lên người khác, làm cho người ta trở nên vô luân hơn, hận thù hơn và bạo lực hơn ; và những người ở địa vị thẩm quyền có ảnh hưởng đặc biệt trong việc tác động lên tiến trình cực đoan hóa, lên quan điểm và hành động lên những người tôn thờ họ [1].
Ngôn từ và hành động của một lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo quốc gia, và nhất là lãnh đạo một cường quốc, tác động mạnh mẽ lên người dân, một cách tiêu cực hoặc tích cực.
Qua vụ giết người hàng loạt tại Tân Tây Lan, nhiều cơ quan truyền thông đã đề cập đến sự kiện nghi can người Úc Brenton Tarrant từng xem Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump như là thần tượng của mình. Mặc dầu chính ông Trump và Nhà Trắng phủ nhận mọi liên hệ với Tarrant qua sự kiện này, điều không thể phủ nhận là ảnh hưởng của ông Trump đối với xu hướng thượng đẳng da trắng (white supremacy) [2]. Qua các phát biểu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào những năm 2015, 2016 cũng như các Sắc lệnh Tổng thống sau khi nhậm chức, ngôn từ (kể cả khi nói hay khi im lặng không nói) và hành động (hoặc không hành động), ông Trump biện luận rằng muốn cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, Hoa Kỳ không thể tiếp tục là bãi đổ rác cho vấn đề của mọi người khác, và một số chủ trương căn bản của ông mang tính cách bài di dân và bài Hồi giáo [3]. Phần lớn các quan điểm này cũng không thay đổi sau hai năm cầm quyền, kể cả bức tường biên giới mà ông Trump vẫn chưa thực hiện được.
Không có gì ngạc nhiên khi các xu hướng thượng đẳng da trắng khắp nơi, ngay cả tại những nơi hiền hòa như Úc và Tân Tây Lan, coi cuộc thắng cử của ông Trump vào Nhà Trắng năm 2016 là biến cố quan trọng đểăn mừng[4].
Sau vụ khủng bố tại Christchurch vừa qua, và sau các biến sự tại Mỹ trong hai năm qua, ông Trump cũng không lên án và không nêu đích danh xu hướng thượng đẳng da trắng đang trổi lên tại Mỹ và khắp nơi [5].
Trong khi đó, cung cách của nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinta Ardern qua sự kiện trên khác hẳn với ngôn từ và hành xử của ông Trump.
Chỉ chưa đầy một tuần, bà Ardern đã thay đổi cái nhìn của thế giới về Tân Tây Lan. Ngôn từ và hành động của nữ Thủ tướng Ardern không hề chia rẽ hay yếu đuối mà, ngược lại, đầy cảm thông, nhân bản và sức sống. Bà Ardern trở thành biểu tượng của lòng trắc ẩn, bao dung và quyết đoán. Không phải là một biểu tượng không có thực chất, để rồi sụp đổ hay tan thành mây khói sau đó. Không biểu tượng nào có thể đứng vững nếu không có giá trị thật làm nền tảng.
Đúng một tuần sau vụ tàn sát này, hàng ngàn người Tân Tây Lan đã đến công viên Hagley trước đền Hồi giáo Al Noor tại Christchurch nơi xảy ra vụ tàn sát để làm lễ tưởng niệm và để bày tỏ sự đoàn kết [6]. Hàng ngàn người khác cũng tụ về thành phố Auckland, và nhiều phụ nữ cũng đã mang khăn trùm đầu (hijab) để bày tỏ sự ủng hộ của mình, trong đó có bà Ardern. Cảm động với hình ảnh này, Thủ tướng và Phó Tổng thống của United Arab Emirates/UAE, ông Sheik Mohammed, hôm thứ Bảy vừa qua đã gửi lời tri ân : "Cảm ơn Thủ tướng Jacinta Ardern và Tân Tây Lan đối với sự đồng cảm và ủng hộ chân thành của quý vị mà đã chiếm được sự kính trọng của 1.5 tỷ người theo đạo Hồi sau vụ tấn công khủng bố làm chấn động cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới" [7]. Hình ảnh bà Ardern mặt hijab ôm chặt người đạo Hồi sau vụ khủng bố đã được tỏa chiếu lên tòa nhà cao nhất trên thế giới có tên Burj Khalifa tại Dubai, cao 829 mét, với chữ "salam", có nghĩa là "hòa bình". Còn ông Mohammad Faisal, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pakistan, cho rằng bà Ardern đã "chiếm được trái tim của người Pakistan vì lòng trắc ẩn và tài năng lãnh đạo của bà" [8].
The New York Times đã ca tụng tài lãnh đạo của bà Ardern trong bài "Hoa Kỳ xứng đáng có một lãnh đạo tài giỏi như bà Jacinta Ardern" [9]. Ngoài việc nêu cao cung cách đáng kính của bà Ardern, bài xã luận này nhấn mạnh rằng chỉ qua một vụ tàn sát thôi, và chỉ mất vài ngày (sáu ngày), bà Ardern đã thành công trong biện pháp kiểm soát súng. Vào thứ Năm 21 tháng Ba, bà Ardern tuyên bố rằng tất cả các loại súng tự động và bán tự động kiểu quân sự, và tất cả các bộ phận nào có thể dùng để ráp thành súng kiểu này, đều bị cấm. Trong khi tại Hoa Kỳ hết vụ tàn sát này đến tàn sát khác, cũng như 73 phần trăm người Mỹ nói rằng cần phải có biện pháp để ngăn ngừa bạo lực bằng súng, nhưng chẳng thay đổi gì cả.
Khi được hỏi bà nghĩ gì về các lời ngợi ca về tài lãnh đạo của mình, bà Ardern trả lời "Tôi không nghĩ là tôi thể hiện tài năng lãnh đạo gì cả. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi thể hiện tinh thần nhân bản thôi" [10]. Về nghi can, bà Ardern khẳng định "Hắn ta là một kẻ khủng bố. Hắn là một tội phạm. Hắn là một kẻ cực đoan". Nhưng bà từ chối nêu tên nghi can. Bà Ardern nhấn mạnh : "Trong chính trị chúng ta có thể chọn cách thể hiện hành vi của mình. Đó là một phần lý do mà tôi đã chủ tâm chọn cách không nêu tên kẻ khủng bố, và gọi nó là xu hướng khủng bố. Nhưng sau cùng nó tùy theo mỗi cá nhân, cơ quan truyền thông và chính trị gia nhận trách nhiệm về địa vị và ngôn ngữ của mình". Bà Ardern thành thật cho rằng "Tất cả những gì tôi thể hiện là các giá trị của người Tân Tây Lan…". Tự nhận mình không theo một tôn giáo nào mà chỉ tin vào thượng đế (Agnostic), khi được hỏi làm thế nào để trãi qua kinh nghiệm tang thương như thế này, bà Ardern trả lời : "Tôi nghĩ rằng nếu bạn/mọi người có niềm tin tuyệt đối về tinh thần nhân bản, và tôi vẫn còn có điều đó".
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt của Waleed Aly, một điều hợp viên của chương trình The Project trên đài truyền hình số 10, sẽ được trình chiếu vào tối thứ Hai 25 tháng Ba này, trước khi bắt đầu bà Ardern hỏi ông Aly có vấn đề gì không nếu bà ôm ông một cái [11]. Biết ông Aly theo đạo Hồi, bà Ardern cảm nhận sâu sắc nỗi niềm của các tín đồ qua biến cố 15 tháng Ba. Khi được hỏi bà có suy nghĩ nhiều để đi đến quyết định mang khăn trùm đầu sau vụ khủng bố, bà Ardern cho biết bà không mất nhiều suy nghĩ, bởi vì đối với bà đó là điều thích hợp để làm : "Nếu việc tôi mặt hijab này làm cho người ta (phụ nữ theo đạo Hồi) cảm giác an toàn để tiếp tục thực hành niềm tin của họ thì tôi rất vui mừng đã mặt nó".
Bà Ardern là người thật, và những gì bà làm đều là chân thật. Không cần bài bản soạn sẵn. Không cần suy nghĩ tính toán. Tư tưởng của bà Ardern thoát ra một cách tự nhiên. Mọi ngôn từ và cử chỉ của bà trong một tuần qua, qua mọi ống kính, đều cho thấy rất thực. Trong thời đại này, nếu không thật thì không dễ gì qua mặt người khác. Lãnh đạo quốc gia của các nước theo đạo Hồi cũng cảm nhận được bản chất thật của bà Ardern nên tri ân bà. Rất nhiều những người không theo đạo Hồi cũng thấy cảm phục về con người thật Jacinta Ardern : đồng cảm, dũng cảm và quyết đoán.
Tất nhiên có người thương mến thì cũng có người căm ghét. Nhất là trong chính trị, bà Ardern hiểu chuyện đó. Bà Ardern cũng bị hăm dọa sau khi mặt hijab. Nhưng bà hiểu đó là thành phần thiểu số, tuy cần biết nhưng không cần quá bận tâm.
Sau sự kiện 11 tháng 9 đến nay, và sau bao nhiêu vụ tấn công của các nhóm khủng bố Hồi giáo, từ phái Sunni đến Shia, tại Trung Đông cũng như các nền dân chủ Tây phương, khủng bố của thế kỷ 21 đã làm cho mọi người trên thế gian này cảm thấy bất an : hầu như không còn một nơi nào hoàn toàn an toàn cả. Hồi giáo, và người theo đạo Hồi, trở thành một ám ảnh, âu lo, làm cho khuynh hướng dân tuý, bảo thủ, bài di dân, bài Hồi giáo, trổi lên khắp Âu châu và lan rộng đến Bắc Mỹ, Úc và Tân Tây Lan. Cảm giác bất an và nỗi lo sợ chủ quan của người dân đã làm cho các lãnh đạo chính trị Tây phương, ngay cả những người cấp tiến và không hề phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, cũng không muốn đứng gần những gì đại diện cho Hồi giáo. Bởi, nếu không khéo, các chính trị gia có thể mất phiếu hoặc, tệ hơn, trở thành mục tiêu tấn công của các thành phần cực đoan theo xu hướng bài Hồi. Phần lớn chọn thế trung dung để dung hòa các bên cực đoan, bảo thủ. Cũng vì thế nên cung cách lãnh đạo chân thật của bà Jacinta Ardern đã thật sự truyền cảm hứng và chuyển hóa đối với người khác. Bà Ardern đã chiếm được khối óc và trái tim của bao người trên thế giới, không chỉ những người theo đạo Hồi giáo.
Cung cách lãnh đạo hiệu quả của bà Ardern chứng minh rằng lãnh đạo quốc gia cần phải can đảm lấy những quyết định khó khăn trong các tình huống phức tạp để giảm bới chia rẽ và gia tăng đoàn kết trong người dân. Không lãnh đạo nào có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng lãnh đạo tài năng có thể chuyển hóa người dân và hoàn cảnh. Cung cách hành xử đầy cảm thông và chân thật của bà Ardern dành cho người Hồi cũng là điều mà những người từng là di dân, hoặc con cái của các thế hệ này, như nguời Việt tị nạn chẳng hạn, cần trân trọng ghi nhận và ủng hộ. Bởi những người như Jacinta Ardern của Tân Tây Lan, Malcolm Fraser của Úc, hay John McCain của Hoa Kỳ, vân vân…, hành động vì cái tâm của họ, vì đó là lẽ phải cần làm, bất cần phiếu hay những tính toán chính trị vì quyền lợi và quyền lực khác. Họ sẽ đứng về phía thiểu số, bênh vực phía yếu đuối, nếu chính đáng, và sẵn sàng bảo vệ những người đó cho dù dư luận hay thành trì quyền lực có quan điểm ngược lại họ đi nữa.
Những lãnh đạo như thế sẽ tồn tại theo thời gian, và được bao người thật sự thương mến, tri ân, thay vì những thành phần có toan tính nhất thời và những trò chính trị mị dân.
Úc Châu, 24/03/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 25/03/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Sophia Moskalenko, "How Could President Trump Have Inspired the NZ Shooter ? ", Psychology Today, 19 March 2019.
2. Albert Redmore, "Trump angered at link to Christchurch attack, blames fake news ", MSN, 19 March 2019.
3. Yochai Benkler, Robert Faris, and Hal Roberts, "Network PropagandaManipulation, Disinformation, and Radicalization in American Politics ", Oxford Scholarship Online ; October 2018.
4. Alex Mann, Kevin Nguyen and Katherine Gregory, "Christchurch shooting accused Brenton Tarrant supports Australian far-right figure Blair Cottrell ", ABC News, 23 March 2019.
5. John Nichols, "Why Is It So Hard for Our President to Condemn White Supremacy and Islamophobia ? ", The Nation, 15 March 2019.
6. Anna Fifield, "A week after the shootings, New Zealand joins Muslim community for Friday prayers ", The Washington Post, 22 March 2019.
7. Joel MacManus, "World's tallest building lit up with image of Jacinda Ardern ", The Age, 23 March 2019.
8. Maya Salam, "Jacinda Ardern Is Leading by Following No One ", The New York Times, 22 March 2019.
9. The Editorial Board, "America Deserves a Leader as Good as Jacinda Ardern ", The New York Times, 21 March 2019.
10. Philip Matthews, "'We are all forever changed' : Prime Minister Jacinda Ardern reflects on the week ", Stuff, 22 March 2019.
11. News, "‘Do you mind if I give you a hug ?’ Waleed Aly interviews Jacinda Ardern ", News.com.au ; 23 March 2019. Laura Chung, "'Do you mind if I give you a hug ?' : Jacinda Ardern meets Waleed Aly ", The Sydney Morning Herald, 23 March 2019.
Một trong bốn nghi can bị bắt trong vụ giết người hàng loạt tại Tân Tây Lan (New Zealand) vào thứ Sáu vừa qua là một người Úc tên Brenton Tarrant, mà Thủ tướng Úc Scott Morrison nhận diện là thành phần "khủng bố cực hữu". Cuộc bắn giết mà được gọi là khủng bố này làm cho cả nước Tân Tây Lan, nước Úc và toàn thế giới bàng hoàng, bởi nhiều lẽ.
Thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát ở New Zealand.
Một, Tân Tây Lan là một nước hiền hòa, bạo lực không phải là không có nhưng rất hiếm. Hiền hòa đến độ cảnh sát Tân Tây Lan có khi không cần đeo súng trong lúc thi hành công vụ. Bởi nó không cần thiết.
Hai, trong lịch sử cận đại của Tân Tây Lan chưa có cuộc tàn sát nào gây thương vong ở tầm mức này. Cho đến nay có 50 người chết, khoảng 40 người bị thương, được chính thủ phạm quay trực tuyến sống (live online), để rồi nữ Thủ tướng Jacinta Ardern phải xác nhận rằng đây là hành động bạo lực bất thường chưa từng xảy ra, và đó là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử Tân Tây Lan.
Ba, kể từ vụ khủng bố tại New York vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, đại đa số các cuộc khủng bố đều do các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện đối với các nền dân chủ Tây phương. Xu hướng thượng đẳng da trắng (white supremacy) đã gia tăng khắp nơi trong thời gian qua, một phản ứng đối với xu hướng Hồi giáo cực đoan, nhưng các cơ quan tình báo nội địa của Tân Tây Lan lẫn Úc không ngờ bị bỏ sau vài bước.
Và chắc chắn đây không phải là lần khủng bốsau cùng bởi người da trắng đối với người Hồi giáo, bởi xu hướng thượng đẳng da trắng ngày càng gia tăng.
Tại sao người ta trở nên cực đoan ?
Thoạt nhìn vào những kẻ khủng bố tàn sát bao nhiêu người vô tội một cách dã man như thế, chúng ta dễ dàng đi đến kết luận rằng họ là những người tà ác, là kẻ ác quỷ (evil). Những người theo một tôn giáo nào đó lại dễ tin vào cách kết luận như thế, bởi nhiều tôn giáo quan niệm địa ngục dành cho ác quỷ. Nhưng cách hành xử của con người nói chung là khá phức tạp, và mỗi đối tượng bị cực đoan hóa cũng khác nhau.
Tức giận, hận thù hay niềm tin cực đoan đến độ mất hẳn lý trí, lương tri, không còn một chút lòng thương hại nào, để rồi quyết định tấn công người mà họ coi là kẻ thù phải tiêu diệt, rồi nả súng, đâm chém một cách không thương tiếc, là các dấu hiệu của thành phần bị cực đoan hóa. Nhưng thật ra nó chỉ là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân sâu sa.
Theo cơ quan điều tra FBI của Hoa Kỳ thì không có một lý do riêng lẻ nào giải thích được vì sao người ta trở thành cực đoan bạo lực, nhưng nó thường xảy ra trong tình huống mà người đó đang có khoảng trống nhu cầu cá nhân sâu sắc mà cần được khỏa lắp.
FBI liệt kê bảy loại nhu cầu cá nhân : 1) quyền lực ; 2) thành đạt ; 3) kết nối ; 4) quan trọng ; 5) mục đích sống ; 6) đạo đức ; 7) phấn khích. Có người muốn quyền lực, có người muốn cảm thấy mình quan trọng, có người lầm tưởng rằng hy sinh vì thánh chiến là tiếng gọi thiêng liêng và được lên thiên đàng, và cũng có người muốn tham gia vì các hoạt động này kích thích và phấn khởi v.v…
Những kẻ chủ mưu khủng bố, trong đó có các nhà nước khủng bố, hiểu điều này và khai thác tận tình những người ở trong tình trạng tâm lý bất an, dễ bị tổn thương, dễ bị lây động. Họ là những người cảm thấy cô đơn, mất ý nghĩa và mục đích cuộc sống, hay đã từng trải qua cuộc sống đầy căng thẳng, bất mãn với chính quyền sở tại, thù ghét một số hạng người nào đó, không cảm thấy mình có giá trị hay được xã hội quý trọng, hay nghĩ rằng cơ hội thành công của họ là rất giới hạn v.v... Vì sợ, vì bực bội, bị cô đơn, lo lắng, hay trải qua kinh nghiệm khó khăn đau đớn trong cuộc sống, nhưng không được hướng dẫn giúp đỡ, họ càng dễ bị cám dỗ. Các nhà khoa học tâm lý cũng nghiên cứu sâu sắc về địa hạt này, và cũng đưa ra các kết luận tương tự như cơ quan FBI. Họ cho rằng những trải nghiệm cô đơn, đau đớn dễ làm cho người ta trở nên chấp nhận và ủng hộ các quan điểm cực đoan. Thiển cận cũng là một yếu tố đáng kể. Có những người tưởng mình biết nhiều biết đủ, nhưng thật ra kiến thức rất giới hạn ; họ chọn các lập trường cực đoan, không khoan dung hay nhượng bộ.
Tất cả các mẫu người trên dễ bị cám dỗ để rồi trở thành con rối, bị các thế lực khác điều khiển, thay vì ý thức và tự chủ lấy các quyết định đúng đắn của mình. Họ bị tuyên truyền để tin rằng họ đang làm một việc có ý nghĩa, đạo đức, và sự đóng góp và sự hy sinh của họ là cao cả.
Sự kiện khủng bố tại Tân Tây Lan cho thấy rằng không chỉ những người theo đạo Hồi là nạn nhân của mục tiêu cực đoan hóa, mà người da trắng Tây phương hay bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng của chủ nghĩa cực đoan. ISIS đã bịđánh bại, nhưng Taliban vẫn còn đó ; chủ nghĩa cực đoan về tôn giáo (những kẻ sẵn sàng xả thân vì thánh chiến) hay chính trị không biến mất mà chỉ biến dạng. Chủ nghĩa bộ lạc và chính trị bản sắc (tribalism and identity politics) có xu hướng gia tăng. Hận thù và bạo lực sẽ nuôi dưỡng bạo lực và hận thù, một vòng luẩn quẩn trông như không có lối thoát.
Có thể làm gì với xu hướng cực đoan ?
Điều quan trọng mà mọi người cần hiểu là rằng tựu chung ai cũng có nhu cầu để được hạnh phúc, sung sướng. Nhưng mỗi người phải tự đi tìm con đường để thực hiện ước vọng này, bởi không ai làm được việc này thay thế mình. Và mỗi thế hệ cũng phải tự làm lấy. Vật chất, dù sung túc, chỉ là một phần trong nhu cầu đời sống phức tạp của con người.
Có người đi tìm mục đích cá nhân bằng con đường chính đáng. Nó phải đáp ứng các giá trị và nguyên tắc sống của họ. Nhưng cũng có người muốn đi con đường tắc, dễ dàng bị lôi kéo, cám dỗ. Điều chắc chắn là không một ai sinh ra tự nhiên là kẻ giết người cả. Hoàn cảnh cá nhân và xã hội đưa đẩy họ đến con đường như thế.
Trong sự kiện khủng bố tại Tân Tây Lan hôm qua, nữ Thủ tướng Jacinta Ardern đã chứng tỏ là một lãnh đạo vừa có viễn kiến, chủ động nắm bắt mọi diễn biến, điều động một cách khôn khéo, và trên hết là người có sự cảm thông sâu xa.
Một, bà Ardern đã họp báo sớm nhất có thể sau khi sự kiện xảy ra để trình bày các thông tin cần thiết, vừa đủ. Đây là điều cần thiết để người lãnh đạo quốc gia, qua truyền thông, trình bày cho người dân hiểu rõ vấn đề, để họ không bị giao động, lo lắng hay cảm thấy bất an. Bà lên án hành động và kẻ khủng bố nhắm vào người di dân đến Tân Tây Lan, trong đó có thể là người tị nạn, mà bà xem tất cả đều là người Tân Tây Lan, là "chúng ta". Bà cũng liên tục cập nhật thông tin khi có thể, đưa đề nghị để mọi người nên đề phòng đóng cửa/ngưng mọi hoạt động (lockdown) cho đến khi tình huống sáng sủa hơn.
Hai, bà liền bay đến hiện trường, quan sát, rồi đến thăm cộng đồng Hồi giáo, an ủi vỗ về và chia sẻ nỗi đau thương mất mát to lớn của họ. Bà tế nhị bày tỏ sự tương kính dành cho họ bằng cách mang khăn choàng lên đầu như kiểu cách phụ nữ Hồi giáo. Khi được hỏi bà cảm thấy như thế nào khi đứng trong tòa nhà của kẻ sát thủ người Úc, bà Ardern nói ngay lập tức : "Tôi cũng đang ở trong cùng tòa nhà của những người đưa hắn ta ra công lý". Bà quan tâm, biết rõ mình cần nói gì trong tình huống khó khăn, và điều này xoa dịu phần nào nỗi đau của những người mất mát qua sự kiện này. Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gọi hỏi Hoa Kỳ có thể làm gì để giúp, bà Ardern trả lời : "Cảm thông và yêu thương dành cho tất cả cộng đồng Hồi giáo".
Ba, bà Ardern hiểu rằng giải pháp liên can đến khủng bố phải là một loạt các biện pháp cải tổ luật về kiểm soát súng, kiểm soát biên giới, tăng cường chia sẻ thông tin với Úc, và củng cố các biện pháp và tiến trình theo dõi tội phạm. Do đó bà Ardern liền chỉ đạo cho ủy ban điều hợp an ninh quốc nội phải trình bày bản báo cáo về sự vụ này cho nội các của bà vào thứ Hai tới đây để lấy các quyết định nhanh chóng và cần thiết.
Kiểm soát súng có phải là giải pháp ?
Các cơ quan công quyền Tân Tây Lan lẫn Úc cho đến nay vẫn chưa rõ là làm thế nào một kẻ như Brenton Tarrant có thể hành động kinh hoàng như thế, làm thế nào hắn ta có đến năm súng, hai bán tự động, hai súng ngắn và một súng tự động (tiểu liên) dùng để giết các nạn nhân này, nhưng Tarrant không nằm trong danh sách cần quan tâm theo dõi nào cả ?
Đầu năm 2017, khi Bộ trưởng Cảnh sát Paula Bennett bác bỏ 12 trong 20 đề nghị từ ủy ban điều tra về sự tàng trữ vũ khí trái phép, thì vào tháng 10 năm 2017, Chủ tịch của Hội Cảnh sát Tân Tây Lan Chris Cahill phát biểu rằng đây là cơ hội bị bỏ lỡ, và điều mà có lẽ mang nó trở lại bàn họp này, phải chăng, có thể là một thảm nạn. Điều Cahill nói cách đây 17 tháng quả là như tiên tri. Liền sau sự kiện này, bà Ardern khẳng định một trong những điều chắc chắn phải làm là cải tổ luật kiểm soát súng. Cựu nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Helen Clark và rất nhiều chuyên gia về an ninh cũng đồng tình với quan điểm này.
Hiện tại, Tân Tây Lan chỉ có 4.6 triệu người, mà đã có đến 1.2 triệu cây súng (nhưng ước tính có lẽ lên đến 1.5 triệu cây súng trên thực tế). Nghĩa là bình quân một trong bốn người có súng.
Trong khi đó, trong dân số 24.6 triệu dân Úc thì chỉ có 3.5 triệu cây súng. Nghĩa là bình quân một trong tám người có súng.
So với Hoa Kỳ thì trong 100 người thì có đến 120 cây súng, tức bình quân một người có hơn một súng.
Khi so sánh thì Tân Tây Lan, một quốc gia hiền hòa, nhưng số lượng súng vẫn quá cao, đứng hàng 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân có súng.
Một trong những điều Tân Tây Lan, và khắp nơi trên thế giới, có thể học được từ Úc là luật kiểm soát súng tại đây. Sau khi vụ thảm sát tại Port Arthur, Tasmania vào đầu năm 1996, giết hại 35 người, cựu Thủ tướng John Howard đã rất cương quyết về việc kiểm soát súng, mặc dầu gặp sự phản đối quyết định của các hội bảo vệ quyền sử dụng súng tại đây. Quyết định của nội các Howard vào ngày 6 tháng Năm năm 1996 là cấm mọi loại vũ khí tự động và bán tự động, thiết lập hệ thống đăng ký vũ khí toàn diện trên toàn quốc, dành một thời gian ân xá trong đó vũ khí bị cấm và không đăng ký có thể được giao trả cho công quyền ; và việc tạo ra một quỹ bồi thường thông qua thuế thu nhập để mua vũ khí bị cấm từ những người sở hữu. Lịch sử đứng về phía ông Howard về vấn đề này. Trong 25 năm, tỷ lệ giết người giảm 22 phần trăm, từ 307 năm 1989-90 xuống còn 238 năm 2013-14, tức một trên 100 ngàn người. So với Hoa Kỳ thì tỷ lệ là 10.6 trên 100 ngàn người chết vì súng.
Một trong nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo quốc gia là tìm đủ mọi giải pháp khó khăn nhưng cần thiết để tạo dựng môi trường an toàn và bảo vệ an ninh cho người dân từ những kẻ muốn hãm hại họ. Những vụ giết người bằng súng tại Úc tuy thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng từ vụ thảm sát tại Port Arhur cách đây gần 23 năm, hầu như Úc không còn xảy ra các vụ bắn súng giết người hàng loạt nữa, và những kẻ khủng bố như Brenton Tarrant cũng không thể hoạt động tại Úc như đã làm tại Tân Tây Lan.
Đối phó với khủng bố, cực đoan hay các chủ mưu cực đoan hóa là cực kỳ nhức nhối và phức tạp, vì giải pháp phải mang tính đa chiều và đa tầng. Bà Ardern và dư luận Tân Tây Lan có vẻ sẵn sàng để thảo luận và quyết định mang lại thay đổi tốt hơn cho quốc gia của mình, về luật kiểm soát súng và các biện pháp cần thiết khác. Chính quyền Morrison của Úc cũng họp cấp tốc với giới tình báo nội địa hôm nay để tìm kế hoạch ngăn chặn và kiểm soát tình hình có khả năng leo thang của các xu hướng cực đoan trong thời gian tới.
Khi sự tức giận, hận thù và chia rẽ gia tăng mà người ta lại có phương tiện như vũ khí, súng đạn trong tay, để thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong những lúc bồng bột dại dột, thì hệ quả là khốc liệt. Nếu phương tiện vũ khí bị tước đi, hay giảm thiểu, thì ý đồ hãm hại người khác, nếu có, cũng khó hoàn thành được mục tiêu.
Điều cần thiết hiện nay là mọi người dân phải đối phó với vấn đề này bằng cái đầu nguội, không phải bằng cảm tính và cảm giác đe dọa. Lãnh đạo quốc gia đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Họ cần thuyết phục và hướng dẫn công chúng từng bước vượt qua các chướng ngại hiện nay, để sự rạn nứt trong người dân gia giảm, để giảm thiểu những nguy cơ bùng nổ lớn hơn cũng như những cái chết oan ức mà có thể tránh được.
Úc Châu, 18/03/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 18/03/2019
Một câu hỏi khôn ngoan là một nửa sự thông thái (1)
"Thay vì hỏi đất nước có thể làm được gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước" (J-F Kennedy)
Từ khi con người biết hỏi, biết đặt câu hỏi cho mọi vấn đề, và đặt đúng câu hỏi cho các vấn đề đó, thì sự khai sáng và khám phá về mọi mặt, từ khoa học lan rộng sang mọi lĩnh vực khác, đã giúp cho con người thăng tiến, bước ra khỏi những bóng tối u mê, những mê tín dị đoan, để tiến gần đến chân thiện mỹ.
Hỏi là một quyền tối quan trọng và tự nhiên đến độ nó không cần phải được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Có lẽ tác giả cảm thấy điều này dư thừa. Đã là người mà không được hỏi thì có thể nào tồn tại !
Cách đây 58 năm, trong bài phát biểu nhậm chức nổi tiếng của cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy vào ngày 20 tháng Giêng năm 1961, ông cũng đặt ra vài câu hỏi quan trọng, cho công dân Hoa Kỳ và cho toàn thế giới.
Như đại đa số các tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, tất cả đều đặt nhiều tâm huyết vào bài phát biểu nhậm chức vì nó cần chuyển tải viễn kiến và chính sách của nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, lại là nguyên thủ quốc gia của thế giới tự do vào thời điểm đó. Và hơn hết, nó xảy ra ngay vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Bài phát biểu của Kennedy trình bày các thử thách và cơ hội, cho người Mỹ, cho các các dân tộc muốn khát khao được độc lập tự do, và cho toàn nhân loại nói chung, trong đó có Liên Bang Xô Viết, rằng hòa bình có thể đạt được trong thời đại mà vũ khí hủy diệt hàng loạt có nguy cơ tàn phá nhân loại, hoặc do tính toán hoặc do tự hủy vô ý.
Có vài lý luận trong bài phát biểu của Kennedy để lại ấn tượng.
Một, ông biện luận rằng Hoa Kỳ cần giúp đỡ hơn nửa nhân loại trên khắp thế giới đang đấu tranh tìm cách thoát khỏi gông cùm khốn khổ, không phải vì cộng sản đang làm việc đó, cũng không phải vì muốn kiếm phiếu, mà là vì đó là điều đúng. Ông nói "Nếu một xã hội tự do không thể giúp được nhiều người nghèo khổ, thì nó (cũng) không thể cứu được một thiểu số giàu có" (2).
Hai, để đối phó với các thế lực tàn phá đen tối và để tìm kiếm hòa bình thì không thể thực hiện ở thế yếu, bởi vì chỉ khi nào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đầy đủ để chính mình không tự nghi ngờ thì đến lúc đó mới không cần đến sử dụng nó.
Ba, cả hai bên (tự do và cộng sản) cần nhớ rằng sự lịch thiệp không phải là chỉ dấu của yếu đuối, và sự thành thật cần phải luôn được kiểm chứng ; chúng ta không bao giờ thương lượng vì sợ hãi ; nhưng chúng ta không bao giờ sợ thương lượng. Bốn, ông kêu gọi cả hai phía cùng nhau tạo ra nỗ lực mới, không phải là để cân bằng quyền lực nhau, mà là tạo ra một thế giới mới dựa trên pháp luật, trong đó kẻ mạnh (nên) là công chính, kẻ yếu được an toàn, và hòa bình được gìn giữ.
Nói chung toàn bài phát biểu của Kennedy - hiển nhiên được toàn thế giới chú ý vào lúc đó, kể cả khối cộng sản quốc tế - được chuẩn bị kỹ càng ; từng câu từng chữ đều không thừa, không thiếu. Quan trọng nhất, Kennedy muốn sửa soạn tâm lý cho người dân Hoa Kỳ ủng hộ cho những chính sách, những quyết định khó khăn mà ông hiểu rõ rằng mất cả đời ông thực hiện chưa chắc đã hoàn thành.
Nhưng phần lớn người nghe bài phát biểu này, hay các thế hệ sau được biết đến Kennedy, không vì các ý niệm nêu trên, mà là một câu nói gần cuối của bài phát biểu này. Nhiều người Việt Nam dịch là "Đừng hỏi đất nước/tổ quốc có thể làm gì cho bạn – Hãy hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước/tổ quốc" (3). Cách đây gần năm năm, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng có viết về đề tài này .
Trước khi mổ xẻ điều này, tôi xin được bàn bên lề một chút. Đó là trong bài viết vừa qua mà tôi đã đặt vấn đề với câu "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", có một độc giả, và cũng có thể có nhiều người khác, nhận xét rằng thành ngữ này cũng giống với câu nói trên của Kennedy.
Hai quan niệm thoạt nghe tưởng có vẻ giống nhau nhưng tinh thần của câu nói của Kennedy rất khác. Một, là ông nhấn mạnh đến việc hỏi, hỏi chính mình. Đó tinh thần tự vấn. Hai, là ý thức tự giác. Tuy ý nghĩa của Kennedy trong bài phát biểu này là rằng sự thành bại của các dự án lớn nhỏ của quốc gia phụ thuộc vào sự tham gia và hỗ trợ của người dân, Kennedy cũng không dám dùng chữ trách nhiệm trong này. Ông trình bày bối cảnh vấn đề quốc gia và quốc tế để người dân thấy những thử thách và cơ hội cho tương lai trước mặt. Và ông dùng chữ có thể, "bạn có thể làm gì…", không phải là phải làm gì, không mang tính bắt buộc.
Trở lại, tôi tin rằng hiển nhiên bài phát biểu này đã được rất nhiều người khác nhau dịch trước đây, gần sáu thập niên qua. Tôi không có trong tay các bản dịch này. Chỉ dùng Google thì thấy rất nhiều bản dịch, nhất là hai chữ đầu, "Ask not" là "Đừng hỏi".
Tôi cho rằng dịch "ask not" là "đừng hỏi" (don’t ask) không thể hiện đúng ý tưởng, tư duy của Kennedy.
Hỏi, Kennedy thừa biết, hơn ai hết, là quyền hạn của mọi công dân Hoa Kỳ. Nó là văn hóa và là cội nguồn của mọi sự phát triển con người. Làm sao có thể dùng chữ "đừng hỏi" với người dân mình. Phải hỏi, phải luôn luôn hỏi, luôn luôn đặt vấn đề. Nhưng mà hỏi cái gì ? Hỏi như thế nào mới đúng, mới hiệu quả, mới là quan trọng. "Hỏi không phải điều này, mà là điều kia" khác với "Đừng hỏi điều này, mà hỏi điều kia". Tức điều một thì được hỏi, điều hai thì không được, hay không nên. "Đừng hỏi" là đã có vẻ xúc phạm đến quyền và tự do của người dân rồi. "Đừng hỏi" tuy chưa phải là "không được hỏi", chưa phải là "cấm hỏi", nhưng chữ đừng, đã là khá tiêu cực rồi. Ai cũng có quyền hỏi. Cứ hỏi. Nhưng hỏi cho đúng.
"Hỏi không phải đất nước có thể làm được gì cho bạn, (hãy) hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước". Câu văn này, tôi biết, không suông sẻ, không phải lối hành văn Việt Nam. Do đó có thể đổi lại chút xíu cho gần ý nghĩa hơn, là : "Thay vì hỏi đất nước…".
Theo tôi thì phiên bản "Thay vì hỏi đất nước có thể làm được gì cho bạn, (hãy) hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước" là gần ý của Kennedy nhất".
Là một người yêu thích triết học ở đại học Harvard, và là một cựu ký giả, tuy không hành nghề lâu, Kennedy là người giỏi chơi chữ, biết rõ từng ngôn từ có tác động đến tâm tư người nghe, do đó tránh tối đa những cách nói hay viết hay sử dụng các ngôn từ có thể gây phản cảm. Kennedy biết sức mạnh của ý tưởng, của triết học. Và hiểu rất rõ rằng chỉ có tranh luận thẳng thắn với nhau thì các ý tưởng mới, giá trị, và chất lượng mới sinh sôi nẩy nở ra từ đó.
Trong bài luận văn dài đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1957 (gần như một truyền thống bất thành văn từ khi tạp chí này trở thành diễn đàn uy tín để giới tinh hoa Hoa Kỳ trao đổi và tranh luận các tư tưởng chính sách đối ngoại), chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Kennedy đã phê bình những người dùng khẩu hiệu như là giải pháp, mà ông cho là nhút nhát. Ngay cả khi một ý tưởng nào đó đã được lưỡng đảng đồng ý thì Kennedy cũng biện luận rằng "Tính lưỡng đảng không thể được phép là một cái cớ để chôn vùi bất đồng chính kiến. Đặc biệt tại một thời điểm dịch lỏng (fluid) như hiện tại, nó không thể trở thành một bức tường ngăn chặn dòng chảy của những ý tưởng mới và sự thể hiện của những nghi ngờ thành thật".
Nói tóm lại, Kennedy, cũng như truyền thống của các lãnh đạo Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến lúc phát biểu bài này, quan niệm rằng phải hỏi, phải đặt vấn đề, phải có phản biện, phải có tự do tư tưởng và ngôn luận, thì mới giúp nhau tìm ra những giải pháp tối hảo cần thiết, nhất là trong thời điểm thách thức nhất của quốc gia.
Nếu trước đây Hoa Kỳ là môi trường văn hóa nuôi dưỡng sự bất đồng ý kiến, coi sự bất đồng là lẽ tự nhiên không chỉ chấp nhận mà nên trân trọng, thì ngày nay cái văn hóa đó đã bị soi mòn. Không chỉ tại Hoa Kỳ mà khắp nơi trên thế giới đều vậy. Văn hóa dân chủ cũng bị soi mòn vì thế.
Người ta càng ngày càng mất kiên nhẫn với nhau. Tốc độ sống và làm việc quá nhanh để không còn thời gian và kiên nhẫn cho người khác. Và truyền thông xã hội không những không giúp mà còn làm tệ hơn tình trạng này.
Trở lại vấn đề hỏi. Không phải ai trên thế gian này cũng có quyền đặt câu hỏi, hoặc có khả năng hỏi. Bao nhiêu lần tôi đã chứng kiến những người Việt, lớn tuổi hoặc lớn ở vai vế, lên giọng và kể cả mắng nhiết người hạ cấp và trẻ em khi bị hỏi. Tôi cũng từng chứng kiến thầy cô giáo Việt Nam bắt học sinh câm mồm vì mở miệng đặt câu hỏi. Có thể chỉ vì lúc đó không biết câu trả lời. Trong gia đình, trong nhà trường, và trong xã hội Việt Nam nói chung, hỏi không hề là một quyền được tự nhiên công nhận. Những công dân nào dám hỏi, dám đặt vấn đề với giới cầm quyền, thì không những bị mắng chửi mà còn bị cầm tù nhiều năm.
Khi không được khuyến khích hỏi, riết rồi người ta ngại, ai cũng ngại, và tìm cách tránh né đặt các câu hỏi mà có thể làm mất lòng người khác. Như thế thì làm sao có thể trao dồi khả năng hỏi cho mọi vấn đề cần thiết của cuộc sống ? Triệt tiêu khả năng hỏi từ trong trứng nước thì làm sao mong đợi con em mình có tinh thần tự tin, có ý chí, hứng khởi và khả năng đi tìm sự thật, và nhất là có khả năng giao lưu và truyền thông với người khác ?
Hỏi, thật ra là một nghệ thuật, một khả năng cần trao luyện thường xuyên. Càng tập luyện và trao dồi thì càng gia tăng các kỹ năng hỗ trợ cho việc hỏi. Không cần phải hỏi các câu móc họng, hay làm người khác mất mặt hoặc tức giận. Thật ra là ngược lại. Có những nhà báo và ký giả truyền hình tinh tế và nhạy bén đến độ làm cho người xem ngạc nhiên và thán phục : sao họ biết đặt câu hỏi thông minh, sắc xảo và đúng bốc vấn đề như thế ? Các cuộc phỏng vấn như thế giúp cho khán giả hiểu và nắm bắt vấn đề. Người ký giả sắc sảo thành công là người biết đặt các câu hỏi để tìm sự thật thay mặt cho khán/thính/độc giả của mình.
Biết đặt đúng câu hỏi là một trong các khả năng cần thiết nhất của các loại kỹ năng mềm (soft skills), và là nền tảng của tư duy phản biện hay còn gọi là suy nghĩ phê phán (critical thinking). Khả năng và kỹ năng này giúp cho họ tiến xa, rất xa, và là một trong các tiêu chí cần thiết nhất của lãnh đạo mọi cấp và mọi địa hạt.
Nghĩ đến quyền được hỏi của mình, tôi liên tưởng đến vài vấn đề như sau :
- Tại sao trong guồng máy cai trị hiện nay không có đến một người có đủ trí tuệ, có khả năng truyền thông và có đủ lý luận vững vàng, để khi truyền đạt một vấn đề nào đó, họ có thể thuyết phục thay vì áp đặt mọi ý kiến giáo điều lên người dân ?
- Tại sao không có đến một cơ quan truyền thông tự do nào được hoạt động tại Việt Nam, trong khi hàng trăm các cơ quan truyền thông nhà nước ăn tiền của người dân thì không được quyền hỏi những câu hỏi đúng ?
- Tại sao 91 triệu dân đi phục tùng cho 4 triệu đảng viên mà cái đa số phục tùng này cũng không được quyền hỏi cái thiểu số cầm quyền tại sao vậy ?
'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay', như chính Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố một cách hãnh diện đầu năm nay, có phải là điều làm cho chúng ta tự vấn không ?
Và quan trọng nhất, mọi người dân cần hỏi đất nước hôm nay có hướng đi rõ ràng không, và nếu đã có, thì hướng đi đó có phải là tốt nhất cho đa số người dân không ?
Người Việt ở mọi tầng xã hội cần hỏi, và phải hỏi nhiều hơn nữa, cho đến khi nào có được câu trả lời chính đáng. Hỏi đúng có khả năng lật ngược mọi vấn đề đã được định đoạt trước đây. Chúng ta cần hỏi tất cả vấn đề liên quan đến bối cảnh lịch sử và chính trị của Việt Nam trong một trăm năm qua, và xa hơn nữa, nếu có thể. Dù không được phép hỏi đi nữa, biết hỏi là cũng biết được một nửa đoạn đường đi tìm câu trả lời cho chính mình vậy.
Úc Châu, 15/03/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 15/03/2019
(1) A prudent question is one-half of wisdom.
(2) If a free society cannot help the many who are poor, it cannot save the few who are rich
(3) Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country.