Khi nói đến con đường, tất nhiên tôi muốn luận bàn về con đường đưa đến dân chủ và nhân bản cho Việt Nam. Còn con đường dẫn đến tụt hậu và độc tài thì Việt Nam đã trãi qua hàng ngàn năm qua rồi. Không cần phải lập lại. Và cũng chẳng có gì để tự hào.
Mỗi dân tộc, với văn hóa, lịch sử và tư tưởng chính trị riêng, chọn con đường riêng cho mình. Hình minh họa.
Mục đích, như thế, đã rõ. Con đường đưa đến mục đích đó chắc chắn không chỉ có một con đường. Không có mô hình dân chủ nào thật sự giống nhau. Mỗi dân tộc, với văn hóa, lịch sử và tư tưởng chính trị riêng, chọn con đường riêng cho mình.
Nhiều người, và nhiều tổ chức, cả trăm năm qua, đã bàn về đề tài này. Trong bài viết vỏn vẹn vài trang này, tôi không thể trình bày hết các suy nghĩ và ý tưởng của mình. Nhưng cho dầu viết cả trăm trang cũng không thể nói về đề tài quá lớn lao này. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ có những điều và những vấn đề căn bản cần phải đi qua, thử nghiệm, trãi nghiệm, rút tỉa kinh nghiệm, và không thể đốt giai đoạn.
Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là tại sao các quốc gia Tây phương, và các nền dân chủ phát triển, đi trước các nước khác vài thập niên, có khi vài thế kỷ về mặt văn minh ?
Câu trả lời thì cực kỳ phức tạp, nhưng chúng ta có thể tóm gọn vào vài vấn đề chính.
Một, mọi triết lý phát triển quốc gia của họ đều nhắm vào phát triển con người một cách toàn diện, cho từng cá nhân trong xã hội. Triết lý này là nền tảng của các chính sách giáo dục tại các nền văn minh tiến bộ. Nó đã được lồng vào sách vở và vào thực hành, thông qua nền giáo dục mầm non : thuộc về, đang là, và trở thành (3Bs : belonging, being, becoming). Các chương trình giáo dục từ mầm non trở lên giúp cho các em hiểu biết và cảm nhận rõ rằng mình đang là một thành viên, mình đang hiện hữu và đang trên con đường trở thành người mình mong muốn. Đi kèm với các triết lý này là những nguyên tắc hướng dẫn cách hành xử, từ quan hệ tương kính, tôn trọng đa nguyên, hay thực hành phản chiếu v.v… Đó là nền tảng giáo dục đề cao mọi cá nhân và mỗi cá nhân để tất cả phát huy niềm tự tin và khai dụng mọi cơ hội vươn lên như nhau. Cá nhân, và phần nào đó gia đình, là nền tảng của xã hội.
Hai, để mỗi cá nhân cũng như tập thể phát triển toàn diện, an toàn tâm lý là yếu tố then chốt. Để có an toàn tâm lý, nó đòi hỏi xã hội đó phải đặt con người làm trọng tâm, và quyền làm người của mọi công dân được tôn trọng. Nó phải đề cao quyền được nói những gì mình suy nghĩ, quyền được phê bình và vạch trần các việc làm sai trái, và quyền được tôn trọng và phát huy tư duy sáng tạo mà không sợ bị trù dập. Đó cũng là triết lý nền tảng của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền : mọi người, không phân biệt bất cứ lý do gì, từ tuổi tác, phái tính, tôn giáo, hay sắc tộc v.v…, đều có các quyền căn bản như nhau. Các chính sách vận dụng nhân tài và quản lý nhân lực của mọi tổ chức, từ chính phủ cho đến phi chính phủ và lĩnh vực tư/thương mại, đều thiết kế cho mục tiêu phát triển đối với cá nhân và tổ chức.
Ba, môi trường và chính sách về văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục, pháp luật v.v… đều dựa vào các yếu tố nền tảng nêu trên. Tức dựa trên các nhu cầu cơ bản, các quyền lợi và các động lực của con người, để tạo tối đa điều kiện và cơ hội cho mọi cá nhân, mọi thành viên trong xã hội đó, phát triển. Nó cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi pháp luật không ngừng để thích nghi với sự phát triển của xã hội, và qua đó phải thay đổi cách suy nghĩ và làm việc để phù hợp hơn với sự tiến bộ đang có. Một trong các điều hay nhất của xã hội Tây phương là họ làm việc có phương pháp, dựa trên nghiên cứu và tinh thần khoa học, dữ kiện phong phú, và quan trọng nhất là luôn luôn tìm cách cải thiện, phát triển. Trụ mà không trụ. Trụ vào điểm mạnh và thành công của mình, nhưng họ không tự mãn, mà phải từ nền tảng đang có để tìm cách vươn lên nữa, khám phá cái mới, để cải tiến và phát triển không ngừng.
Trên hết, tất cả phải bắt đầu từ bé. Giáo dục từ 0 đến 10 tuổi, nhất là từ 0 đến 5 tuổi, mang tính quyết định. Từ bé, các em được khuyến khích tự do ngôn luận, tư tưởng, suy nghĩ, tìm tòi, thắc mắc, đặt câu hỏi v.v... Khi các em được tôn trọng và khuyến khích, và có niềm đam mê, động lực, sở thích, óc tò mò, v.v… thì sẽ phát huy tối đa khả năng và tiềm năng. Đây là điều hoàn toàn khác với chủ trương bị nhồi nhét, áp đặt, bạo lực, đe dọa, hay trừng phạt v.v… Các phương pháp giáo dục khai phóng, khoa học và nhân bản của Tây phương từ mầm non trở lên đã dựa vào các hiểu biết về con người, nhất là dựa trên các nghiên cứu tâm lý. Các khám phá của khoa học thần kinh (neuroscience) cho thấy mối quan hệ quan trọng giữa phần não suy nghĩ (PRC) và phần não cảm xúc (Amygdala). Muốn phát triển con người và xã hội thì phải hiểu về bộ óc con người hoạt động ra sao, và làm sao phát triển trí thông minh (IQ), đầu óc suy luận nhưng đồng thời biết quản lý cảm xúc của mình (EQ).
Ngay trong xã hội văn minh này, sự khác biệt giữa thành công hay thất bại nằm ở niềm tin lạc quan hay bi quan, và giữa não trạng phát triển (growth mindset) thay vì não trạng cứng ngắt (fixed mindset). Não trạng và nỗ lực của mỗi cá nhân mang tính quyết định. Tuy nhiên các yếu tố này phụ thuộc vào sự đam mê và động cơ của từng người. Ý nghĩa cuộc sống, cách nhìn nhận về các giá trị công bằng, bình đẳng, và tự do, v.v… đều là các yếu tố quan quan yếu để động viên. Khi còn nhỏ, một em bé, hay cả một thế hệ trẻ, cứ bị nhồi sọ, cứ bị áp đặt, không có được tiếng nói, không có quyền phát biểu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, thì óc tò mò, và động lực vươn lên, sẽ bì kiềm nén và kiềm chế tối đa. Tất cả đều bị điều kiện hóa để trở thành những con người nghe theo, làm theo, chẳng khác gì nô lệ, nhất là nô lệ tư duy. Lớn lên, họ cũng không có được tư duy phản biện, suy nghĩ phê phán, và đầu óc chiến lược. Họ chẳng dựa vào bằng chứng hay thông tin khả tín nào trước khi lập luận hay quyết định. Văn hóa số đông và xu hướng dân túy này chỉ có lợi để xây dựng và củng cố độc tài. Qua thời gian, nhất là từ bé, nó đi vào tìm thức các em, chi phối mọi suy nghĩ và hoạt động của họ. Ngay cả khi được ra nước ngoài vài thập niên, sống trong môi trường dân chủ tự do hoàn toàn, người ta vẫn không thoát được những thói quen, cách suy nghĩ, hành xử, và cách xử lý cảm xúc, như đã từng bị uốn nắn, từng bị điều kiện hóa, từ nhỏ. Trừ khi nào người ta ý thức rõ nguyên nhân về cách suy nghĩ và hành động của chính mình, những điều mà đã ảnh hưởng lên tâm lý họ qua bao nhiêu thế hệ, và từ hàng ngàn năm trước, thì mới hy vọng thay đổi sẽ đến. Nhưng sẽ đến từ từ, bởi thói quen từ nhỏ khó thay đổi. Còn nếu không ý thức, thì thay đổi tất nhiên sẽ không xảy ra.
Để thay đổi cho một cá nhân thì người đó phải tự tìm cách vượt qua được chính mình. Một số cá nhân trong xã hội Việt Nam đã làm được điều này, cho dù đang sống trong xã hội bị kiềm hãm nhiều mặt. Nhưng nếu cố gắng và muốn tìm con đường thì sẽ có được tư tưởng tự do và tư duy phản biện. Nhưng một con én, hay vài con én, không thể làm nên mùa xuân. Thay đổi cả một tập thể thì khác, và khó khăn hơn nhiều. Phải có các điều kiện căn bản để cho mọi người dân trong toàn xã hội tham gia và phát triển, không phải cho vài cá nhân với một số đặc quyền.
Điều đó có nghĩa quyền con người phổ quát phải được tôn trọng. Muốn thế, thì phải có dân chủ. Dân chủ là cách tốt nhất để bảo vệ tự do, và để kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình của những người lãnh đạo quốc gia. Muốn có dân chủ thì không ai được đứng trên pháp luật, ai cũng ngang nhau trước pháp luật. Nói cách khác, nó phải là một nền pháp quyền (rule of law), và chính quyền cũng phải dựa vào luật để điều hành quốc gia, không thể tùy tiện (the government of law, not of men). Đây là cách tốt nhất cho đến nay để sự lạm quyền, lộng quyền và tham nhũng được kiểm soát, được giảm thiểu.
Chỉ khi nào đa số người Việt Nam, hay ít ra phần lớn giới trí thức, có được tư duy này, và nỗ lực xây dựng một văn hóa như thế, nhất là văn hóa chính trị, thì đất nước chúng ta mới có cơ may huy động được mọi tiềm năng, vận dụng được nhân tài, phát triển các thế hệ lãnh đạo tài năng và xứng đáng để lèo lái con thuyền quốc gia trong những năm tới, và các thập niên tới. Thử thách đối với Việt Nam luôn luôn lớn. Một trong các nguyên do chính là vì Việt Nam nằm sát bên cạnh Trung Quốc, mà tư duy của họ, cung cách hành xử của họ hàng ngàn năm qua, vẫn coi mình là trung tâm của vũ trụ, với tham vọng bá quyền. Khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, nguy cơ đối diện Việt Nam ngày càng lớn lao.
Trong khi đó, xã hội Việt Nam thì đầy những sự phân biệt và bất công. Việt Nam sẽ không thể nào tiến bộ được đúng mức và đúng tầm xứng đáng khi những sự phân biệt, bất công và tham nhũng còn tràn đầy. Những người trong vai trò "lãnh đạo" thì không đủ tư cách, tầm nhìn và khả năng gì cả. Những người trẻ như bạn Vi Yên, và bao nhiêu nhà hoạt động đầy tiềm năng khác, cũng như giới văn nghệ sĩ nhưĐức Tiến, chẳng hạn, và hầu như mọi nhân tài tại Việt Nam, nếu có được cơ hội học hỏi và phát triển trong môi trường văn minh tiến bộ, thì bầu trời là sự giới hạn của họ. Chỉ cần có tự do để theo đuổi niềm đam mê của mình mà không bị quấy phá, và được sự khuyến khích và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, cộng đồng, và xã hội, thì họ sẽ cất cánh bay xa. Họ sẽ đặt ra các tiêu chuẩn mới, sẽ làm gương cho các thế hệ mai sau, và sẽ làm cho đất nước Việt Nam tự hào, vì nhân tài thì nơi nào cũng có. Điều quan trọng là có đất, có môi trường tích cực và thích hợp, để thi thố tài năng, để dụng võ, hay không ! Lãnh đạo, do đó, là yếu tố quan trọng để kết kợp và tập hợp sức mạnh chung hầu tạo thay đổi.
Úc Châu, 21/06/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 04/07/2019
Câu này được nghe quá nhiều. Nhiều đến nỗi nó nhàm. Người ta nói như một khẩu hiệu, thay vì như một niềm tin son sắt, để đầu tư tim óc vào nó, để có chính sách và hành động cụ thể. Như mọi thứ, lời nói suông mà không đi với hành động thì rỗng toét, vô nghĩa. Chỉ làm thêm nhàm, và chán.
Các nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi ở Hong Kong : Nathan Law (trái), Joshua Wong (Hoàng Chi Phong, giữa) và Agnes Chow đứng bên ngoài tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong hôm 18/6/20198 - Ảnh : Reuters
Tuổi trẻ Việt Nam đã được giáo dục như thế nào, từ trong gia đình, đến nhà trường, đến những sinh hoạt trong cộng đồng và xã hội ? Họ có được các quyền gì, có được nói, và dám nói, những suy nghĩ và cảm xúc của mình, cho cả những người thân thương nhất của mình, kể cả cha mẹ, anh chị, gia đình, hay thầy cô ?
Ngay cả những người trẻ Việt Nam tại hải ngoại, tại những quốc gia có nền văn minh tiến bộ hàng đầu thế giới, dường như tiếng nói của họ cũng chẳng được tôn trọng bao nhiêu. Tuổi tác vẫn còn là một rào cản lớn. Quá lớn, để rồi những tài năng này hoặc bị vùi dập, hoặc chính họ phải tìm môi trường khác để "dụng võ". Rốt cuộc, trong nhiều thập niên qua, những tấm lòng đối với Việt Nam ngày càng vơi đi. Các thế hệ lớn ngày càng già, nhưng tre già mà măng chưa mọc. Thiếu sự tiếp nối, ở mọi nơi. Phần lớn nhiều bạn trẻ tâm huyết mà tôi quý mến nay không còn hoạt động nữa. Không phải họ không còn thiết tha đến chuyện chung, như các vấn đề Việt Nam. Trong thâm tâm, tôi tin rằng họ vẫn còn quan tâm. Nhưng có bạn nói với tôi rằng có nói ra cũng chẳng thay đổi được gì cả, bởi chẳng mấy ai thật sự lắng nghe.
Lắng nghe, và lắng nghe thật kỹ (active listening), là một kỹ năng phải luyện tập mới có được. Và luôn mang tính cách hai chiều. Người nói và người nghe. Nhưng từ nhỏ trẻ con Việt Nam hầu như không có quyền được nói. Còn nghe ? Cũng chủ yếu là lệnh, từ trên xuống. Từ cha mẹ cho đến thầy cô, và những người lớn tuổi hơn, coi mình có quyền trên người khác, vì họ trẻ hơn. Trẻ em phải nghe người lớn, không phải ngược lại. Đối thoại, một cách bình đẳng, với trẻ em là chuyện hiếm có tại Việt Nam. Ngay cả những người đã trưởng thành và thành công, có địa vị trong xã hội, vẫn bị nhiều người Việt không coi trọng chỉ vì họ mới khoảng 20 đến 35 tuổi, nên còn trẻ và thiếu kinh nghiệm ! Quan niệm như thế thì làm sao mới có tiến bộ và có dân chủ ?
Muốn Việt Nam thay đổi, muốn cộng đồng hải ngoại có nhiều bạn trẻ tham gia gánh vác chuyện chung, thì theo tôi, điều đầu tiên và căn bản nhất, phải bắt đầu từ ý thức thay đổi tư duy này.
"Tôn ti trật tự", "con cãi cha mẹ trăm đường con hư", v.v…, những quan niệm cổ hủ và cách áp dụng cứng ngắt và cực đoan, không những cản trở mọi tiến trình dân chủ (trong đó bảo vệ cho những kẻ bất tài và bất đức đang nắm quyền lực trong tay), mà còn kiềm hãm, nếu không phải là triệt tiêu, những nhân tài và những tấm lòng khát khao góp phần vào xây dựng một xã hội công bằng, nhân phẩm và văn minh hơn.
Tôi hiểu những giá trị văn hóa ngàn năm này không dễ gì thay đổi một sớm một chiều. Nó cần thời gian. Nó cần ý thức. Nó cần đúng phương pháp. Và quan trọng nhất, nó cần quyết tâm và kiên trì.
Thật ra, mọi người, không phân biệt nguồn gốc, đều có những định kiến, thiên vị từ trong tiềm thức của mình (subconscious bias). Phần lớn nó đến từ giáo dục gia đình và xã hội, một cách tiềm thức. Nó được định hình từ nhỏ. Được xã hội uốn nắn, xây dựng (social construction). Xã hội văn minh nhất cũng không tránh được. Nó là một cách học hỏi của con người, và từ từ cải tiến. Không ai sinh ra hoàn hảo cả. Không ai trong chúng ta tránh được một số định kiến, thiên vị nào đó. Nhưng nếu không nhìn lại mình, không ý thức được những gì mình có, mà chỉ hành xử theo quán tính hay cảm tính, thì người ta sẽ không biết được "cóc ngồi đấy giếng".
Làm việc với người Úc trong mấy thập niên qua, tôi hiểu được vì sao đất nước Úc này nói riêng, xã hội Tây phương nói chung, phát triển không ngừng. Họ luôn tiến tới. Không phải tuyệt đối, nhưng phần lớn những người có học, và giới tinh hoa cấp tiến của Úc, họ hành xử khá văn minh và công bằng với người khác. Các thái độ hàm hồ, hiếp đáp người khác, ngay cả giữa người lãnh đạo với nhân viên, là cách hành xử không được hoan nghênh, nếu không phải là bị lên án và loại trừ. Từ trong nhà trường ngay từ lúc còn bé, thầy cô không có quyền dọa nạt học trò, mà phải giúp cho các em học hỏi, biết điều sai lẽ phải, để hành xử cho đúng mực. Nó phải bắt đầu từ nhỏ. Tuổi quyết định không phải là 15 hay 18 trở lên, mà là từ 0 đến 10 tuổi. Nhưng khoảng thời gian 0 đến 5 tuổi vẫn mang tính quyết định cuộc đời các em về sau này.
Để thay đổi xã hội thì nguyên lý căn bản hàng đầu là trọng dụng nhân tài. Nhân tài đó phải được nâng niu, hướng dẫn, dạy dỗ, thương yêu và tôn trọng, ngay từ khi còn bé. Từ khi mới ra đời. Đúng hơn, từ khi còn trong bụng mẹ. Thai nhi có thể cảm nhận được nỗi lo lắng hay sung sướng của mẹ, và những người và môi trường chung quanh, qua mẹ mình. Khi chào đời, cả một nền giáo dục mầm non (early childhood education) tiến bộ, dựa trên các thử nghiệm khoa học, tâm lý và khoa học thần kinh, chứng minh rằng nó sẽ thay đổi cuộc đời của các em, từ vấn đề học vấn, nghề nghiệp, bạo lực/hành, và hạnh phúc gia đình sau này. Đây là nền tảng của các xã hội văn minh. Nguyên lý căn bản kế tiếp là trọng dụng nhân tài dựa trên khả năng của họ (merits based), chứ không phải quen biết, con ông cháu cha, hay tuổi tác v.v…
Sự phát triển của xã hội đến từ mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong cộng đồng, xã hội, đất nước. Nhưng ngay cả thiên tài mà không có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia, thì sẽ không tiến xa và sẽ không khai dụng hết tiềm năng của mình. Cho nên vai trò quan trọng nhất của lãnh đạo quốc gia là phải có những chính sách thích hợp để động viên, để họ tiến thật xa, đặt ra các chuẩn mực, các thí dụ thành công, để người khác và thế hệ tiếp theo nối tiếp. Người lãnh đạo phải có khả năng truyền cảm hứng, mang ra những điều tích cực và tốt đẹp nhất của mọi công dân, chứ không phải để bắt buộc họ hay làm cho họ sợ hãi. Những người trong vai trò đứng đầu quốc gia nào mà chỉ làm cho người dân sợ hãi, chỉ sử dụng bạo lực và các chính sách ngu dân để phục tùng họ, thì tính cách cai trị này, không phải tài năng lãnh đạo, sẽ để lại bao nhiêu tác hại lâu dài về sau.
Những thay đổi này sẽ mất vài thập niên, hay vài thế kỷ, tùy theo những công dân trong xã hội đó có hiểu biết, có ý thức được, các vấn đề về xây dựng con người, xã hội, và đất nước hay không.
Tất cả mọi thành tựu lớn đều phải bắt đầu bằng các bước nhỏ. Ý thức và tư duy là các bước đầu đó. Đối xử với giới trẻ bằng sự trân quý, tôn trọng, ngay cả với các em trẻ thơ, 0 đến 10 tuổi, là nền tảng căn bản. Khi các em đã đến tuổi trưởng thành, tiếng nói của các em cũng cần được trân quý và tôn trọng, dù có sai hay có khác biệt đến mấy. Hãy nỗ lực hướng dẫn các em suy nghĩ chín chắn, cân nhắc, dựa vào thông tin xác thực, dựa vào kiến thức, lý luận và khoa học chứ không phải là lời đồn đãi vô căn cứ, thì các em sẽ biết lấy các quyết định đúng đắn, dù khó khăn. Sự tôn trọng trẻ em, ngay từ nhỏ, cũng là cách để xây dựng một truyền thống tích cực mà chính các em về sau này sẽ tiếp tục như thế với các thế hệ trẻ khác. Nó sẽ trở thành văn hóa qua thời gian.
Nhìn các cuộc biểu tình tại Hồng Kông trong những ngày qua, nhất là sự dấn thân của giới trẻ, người Việt khắp nơi nhắc đến giới trẻ Việt Nam, tiêu cực lẫn tích cực. Phê bình chỉ trích cũng đầy. Nghe thì nghe, nhưng vẫn thấy nhàm, và chán. Tôi tự hỏi chúng ta có biết mình nói gì không vậy ?
Tuổi trẻ có là tương lai sáng lạn cho đất nước mai sau, hay tiếp tục bước theo các con đường mòn, trở thành những kẻ độc tài chuyên quyền, sẽ tùy thuộc vào hành động của những người ý thức và có tầm nhìn về các vấn đề, cơ hội và thử thách của đất nước hôm nay.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 24/06/2019
Lời giới thiệu : Nói đến Nguyễn Vi Yên, hay tên thường được nhắc đến là Vi Yên, có người nghĩ đến một trong những sáng lập viên của nhóm Tinh Thần Khai Minh, và cũng từng là một cây bút của Tạp chí Luật Khoa. Ngoài ra có người cũng có thể biết đến Vi Yên qua chiến dịch phản đối Luật An ninh Mạng được thực hiện trong năm vừa qua. Nếu có cơ hội tiếp cận với Vi Yên, chúng ta sẽ cảm nhận được một tinh thần lạc quan, cách trình bày vấn đề mạch lạc và tự tin, một sự dấn thân và xả thân cho người khác mà quên cả chính mình, và một bầu nhiệt huyết có thể truyền cảm hứng đến những người chung quanh. Bài phỏng vấn sau đây giới thiệu đến quý bạn đọc người bạn trẻ Vi Yên. (PPK)
Vi Yên. (Hình : Phạm Phú Khải cung cấp)
Phạm Phú Khải : Được biết Vi Yên qua Úc hơn hai tháng rồi, và hiện đang thực tập tại văn phòng của dân biểu liên bang thuộc Đảng Lao động, ông Chris Hayes. Vi Yên có thể trình bày cho mọi người rõ công việc của Vi Yên đang thực tập bao gồm những gì ?
Vi Yên : Tháng Tư vừa qua, tôi vinh dự được tổ chức VOICE giới thiệu sang Úc thực tập trong văn phòng Dân biểu Chris Hayes vào đúng mùa tranh cử Liên bang. Là một người hoạt động xã hội từ Việt Nam, trước đây, những kiến thức mà tôi biết về các nền dân chủ chỉ thông qua sách vở. Đây là lần đầu tiên tôi không chỉ quan sát mà còn được trực tiếp tham gia vào chiến dịch tranh cử ở một đất nước dân chủ.
Tại văn phòng ông Chris Hayes, tôi trực tiếp tham gia vào nhóm chạy chiến dịch tranh cử cho ông. Công việc chính của tôi là làm việc với báo chí để quảng bá hình ảnh cho ông Chris Hayes, tham gia thu xếp nhân lực hỗ trợ chiến dịch cho ba tuần tiền bầu cử, đồng thời gặp gỡ các cộng đồng trong khu vực Fowler để hướng dẫn họ cách bỏ phiếu và kêu gọi họ bầu cho ông Chris Hayes. Ngoài ra, công việc khiến tôi thấy hứng thú nhất là nghiên cứu các chính sách của Đảng Lao Động và các đảng khác để tìm cách truyền thông sao cho hiệu quả.
Phạm Phú Khải : Có những thử thách nào, và có giống như mong đợi của Vi Yên trước khi đến đây không ? Tại sao ?
Vi Yên : Thú thực, công việc này không quá thử thách đối với tôi. Một phần vì ông Chris Hayes giữ một ghế khá an toàn (năm 2016, ông tái đắc cử với chênh lệch 17.5% phiếu bầu), song phần còn lại là vì các phần việc vốn đã được thiết lập từ các mùa bầu cử trước.
Tuy nhiên, tôi học được rất nhiều qua quá trình làm việc. Bên cạnh việc học hỏi từ chiến dịch tranh cử, tôi có dịp trò chuyện với ông Chris Hayes về hệ thống chính trị của nước Úc, và có cơ hội xem các phiên tranh luận, thảo luận về các chính sách nước này.
Tôi còn nhớ vào năm 2016, trong kỳ bầu cử Quốc hội tại Việt Nam, tôi cùng các đồng nghiệp tổ chức các hội thảo, lớp học về quyền bầu cử, đồng thời tham gia vào việc giám sát đại biểu Quốc hội hậu bầu cử. Khi đọc những điều luật khắc nghiệt về hiệp thương, đồng thời chứng kiến những bất công lộ liễu trong cả quá trình ứng cử và bầu cử, tôi đã luôn trăn trở về việc vận động cho một luật bầu cử mới, tự do hơn, cởi mở hơn. Dịp này, khi đọc được Đạo luật Bầu cử Liên bang 1918 của Úc với lối soạn thảo khúc chiết, rõ ràng, và minh bạch, tôi tin rằng đây một trong những văn bản luật bầu cử rất đáng để chúng ta học hỏi.
Phạm Phú Khải : Được biết Vi Yên rất mê đọc sách, và đã được tiếp cận triết học, đặc biệt là triết học chính trị, từ rất sớm. Vi Yên cũng đã bắt đầu dịch sách triết học chính trị từ lúc 18, 19 tuổi từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Vi Yên có thể cho biết thêm về các công việc này ?
Vi Yên : Bản thân tôi rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ khi tôi còn nhỏ, cha má tôi đã cho tôi tiếp cận các sách mang khuynh hướng triết học Đông phương như ‘Lão tử - Đạo đức kinh’, ‘Kinh dịch – Đạo của người quân tử’. Cha tôi cũng thường dạy mấy anh em chúng tôi sống theo một số giá trị mà người phương Đông thường coi trọng, như ‘đức’, ‘lễ’, ‘nghĩa’.
Song ở độ tuổi thiếu niên vào những năm tôi lên 14, 15, tôi ưa tìm kiếm những tri thức mới, và trong tâm trí thôi thúc một ý hướng phản bác lại những gì tôi được dạy. Tôi bắt đầu tự tìm đọc các sách triết học Tây phương. Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc là ‘Bàn về Tự do’ của John Stuart Mill, một triết gia người Anh. Tư tưởng tự do của Mill và lối hành văn thực tế của ông đã đánh động thế giới quan của tôi, khiến tôi bắt đầu có những nhận thức rõ ràng về đời sống chính trị. Có lẽ đó là bước ngoặt lớn khiến tôi chọn đi theo con đường nghiên cứu triết học chính trị Tây phương.
Kể từ đó, tôi dần dần tìm đọc các dòng sách tương tự. Phát hiện ra rằng số tài liệu Việt ngữ trong lãnh vực này quá ít ỏi, tôi bèn nghĩ tới việc chuyển dịch sách báo từ tiếng Anh sang tiếng Việt. May mắn rằng vào năm 2013, tôi đã tìm được những người bạn có cùng trăn trở và cùng chí hướng. Từ đó, nhóm Tinh Thần Khai Minh đã ra đời.
Phạm Phú Khải : Có thể nói trang mạng Tinh Thần Khai Minh có rất nhiều tài liệu phong phú thuộc đủ mọi xu hướng và triết học chính trị khác nhau, và có rất nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt để cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Vi Yên có thể cho biết nguyên do nào Vi Yên cùng các bạn trẻ khác nghĩ ra ý tưởng này, và đã mất bao lâu để các bạn thực hiện ?
Vi Yên : Lúc ấy, nhóm sáu anh chị em chúng tôi là những người trẻ mê đọc sách triết học chính trị. Có những buổi chiều khó quên khi mấy anh chị em chúng tôi ngồi uống trà ven bờ Hồ Tây, say sưa thảo luận từ cuốn ‘Bàn về Tự do’ của John Stuart Mill, ‘Khế ước Xã hội’ của Jean-Jacques Rousseau, cho tới ‘Nền dân trị Mỹ’ của Alexis de Tocqueville. Như đã nói ở trên, chúng tôi phiền lòng vì thấy nhiều bạn trẻ cùng trang lứa không có nhiều tài liệu triết học chính trị để học, trong khi Việt Nam hầu như không có những không gian cởi mở để họ cùng tham gia trao đổi, thảo luận về các vấn đề chính trị.
Nhóm Tinh Thần Khai Minh ra đời từ đó, với phương châm ‘Sapere Aude ! – Hãy dám nghĩ !’ trong luận văn ‘Khai Minh là gì’ của triết gia Immanuel Kant. Hai công việc chính của nhóm là soạn thảo, chuyển dịch tài liệu triết học chính trị, và tổ chức các hội thảo thường kỳ.
Cứ hai tháng một lần, chúng tôi tổ chức các buổi hội luận, tọa đàm nhờ sự giúp sức của Nhà xuất bản Tri Thức do Giáo sư Chu Hảo đứng đầu. Nội dung chính của các buổi này là về tinh thần tự do, các mô hình dân chủ, khế ước xã hội, và các chủ đề liên quan khác. Mỗi buổi hội luận như vậy thu hút từ 70 đến 200 người tham dự.
Bên cạnh đó, những cuốn sách với tựa đề như ‘Dân chủ và Xã hội Dân sự’, ‘Luật, Hiến pháp, và Pháp quyền’ đã được chúng tôi biên soạn và xuất bản trực tuyến hằng tháng, và đến tay công chúng thông qua trang mạng www.tinhthankhaiminh.org. Nhóm cũng đang dịch sách và dịch các bài báo khoa học chính trị từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Cho đến nay, nhóm Tinh Thần Khai Minh vẫn giữ vững mục tiêu ban đầu của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu về chính trị Việt Nam và đưa những tri thức khoa học chính trị đến với đông đảo công chúng, với niềm tin rằng đây là nền tảng cho các chuyển dịch về chính trị và xã hội.
Phạm Phú Khải : Được biết Vi Yên cũng có niềm đam mê viết văn. Vậy giữa sự chọn lựa viết văn và nghiên cứu về chính trị học thì Vi Yên muốn đi theo con đường nào hơn ?
Vi Yên : Điều thú vị là ở các bạn bè hoạt động xã hội của tôi, hầu như ai cũng có một ước mơ riêng, mà nếu như Việt Nam có một nền dân chủ tự do thì chúng tôi hẳn đã rẽ sang ngả khác. Song chúng tôi luôn tin rằng, trong những giai đoạn mang tính lịch sử như ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi cần bước ra và gánh vác những việc chung mà bản thân có thể dự phần đóng góp, thay vì chỉ lựa chọn sống với giấc mơ của riêng mình.
Phạm Phú Khải : Lý do nào khiến cho Vi Yên quyết định chọn con đường hoạt động xã hội như hiện nay ?
Ảnh bìa cuốn "Luật An ninh mạng - Những điều cần biết" của nhóm Save NET
Vi Yên : Có lẽ đây là câu hỏi khó nhất mà bản thân tôi vẫn thường tự lục lại quá khứ để tìm kiếm lời giải đáp. Bên cạnh nhóm Tinh Thần Khai Minh, tôi cũng đang cùng các bạn trẻ trong nước vận hành chiến dịch Phản đối Luật An ninh mạng. Ngoài ra, trong sáu năm vừa qua, tôi từng tham gia vào một vài tổ chức xã hội dân sự, như dịch sách ở F-Group, làm việc tại nhóm Cố vấn Nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, viết báo cho trang Luật Khoa Tạp chí, hay thực tập tại VOICE. Mỗi chặng đường tôi đi qua, mỗi tổ chức tôi bước vào, mỗi con người tôi gặp gỡ, tất thảy đều truyền cảm hứng để tôi dạn dĩ bước đi xa hơn, và từ đó cũng thêm phần xác quyết. Có thể nói rằng, lựa chọn dấn bước vào con đường hoạt động xã hội của tôi được vun đắp từ nhiều cơ duyên mà tôi may mắn có được.
Phạm Phú Khải : Bây giờ mình nói về các nhà hoạt động tại Việt Nam. Vi Yên có thể cho biết, không cần đi vào chi tiết quá vì các lý do tế nhị, là làm thế nào tổ chức VOICE thu hút và tuyển chọn được những người hoạt động xã hội như Vi Yên ra nước ngoài học tập ?
Vi Yên : Hơn nửa năm trước, tôi bắt đầu tham gia vào khóa đào tạo Xã hội Dân sự của VOICE. Chương trình này đã được mở ra từ năm 2011. Tính tới hiện tại (6/2019), VOICE đã đào tạo được gần 140 bạn trẻ. Phần lớn trong số đó hiện đang là những người hoạt động xã hội tích cực tại Việt Nam.
Cứ nửa năm một lần, VOICE mở đợt tuyển sinh với mục đích tìm kiếm những người trẻ có khát vọng thay đổi Việt Nam, để đào tạo họ trở thành những nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp. Thông thường, mỗi năm VOICE nhận được hàng trăm hồ sơ từ các bạn trẻ trong nước. Ban Tuyển sinh VOICE sẽ xét duyệt các hồ sơ, sau đó phỏng vấn và lựa chọn các ứng viên phù hợp cho khóa đào tạo Xã hội Dân sự. Trong khóa học kéo dài sáu tháng này, học viên sẽ được cung cấp những kiến thức nền tảng về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam, cùng các kỹ năng cần thiết cho công việc hoạt động xã hội. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, những học viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ được VOICE gửi sang các tổ chức quốc tế để học việc trong vòng ba đến sáu tháng kế tiếp.
Thời gian ở VOICE đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Tôi không chỉ được sang các nước Âu Châu vận động nhân quyền, đến Úc thực tập trong văn phòng dân biểu, mà còn được gặp gỡ và làm việc với những người anh chị em đầy nhiệt huyết và luôn hướng về đất nước, quê hương. Có thể nói rằng, VOICE đã trở thành một phần quan trọng trong những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi của tôi, và tôi tri ân VOICE vì điều đó.
Phạm Phú Khải : Để thay đổi Việt Nam thì chắc chắn cần rất nhiều nhà hoạt động như Vi Yên, ở trong lẫn ngoài nước. Theo Vi Yên thì có nhiều người trẻ tại Việt Nam mong muốn góp phần vào mục đích chung này không ? Nó có thật sự mang lại lợi ích gì cho họ không, trong khi có lắm rủi ro. Thế thì tại sao họ nên tham gia ?
Vi Yên : Bốn năm trước, khi sinh hoạt ở nhóm Cố vấn Nhân quyền, tôi có dịp làm việc với vài trăm bạn trẻ đến từ các tổ chức xã hội khác. Tôi nhận ra có một nhu cầu rất lớn ở các bạn, khi họ chia sẻ rằng họ luôn thấy thôi thúc phải làm một điều gì đó để khắc phục những vấn nạn đang diễn ra ở Việt Nam và để thay đổi hiện tình đất nước. Theo thời gian, số lượng người trẻ tham gia vào các công việc xã hội ngày càng nhiều. Quan sát cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng vào tháng Sáu năm 2018, tuy không nắm được con số chính xác, song chúng ta cũng có thể thấy rằng một bộ phận rất lớn trong cuộc biểu tình là người trẻ.
Tôi cho rằng bất kỳ công việc nào cũng có những rủi ro của nó. Việc hoạt động xã hội cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, việc hoạt động xã hội đem lại những giá trị quan trọng, vượt ra khỏi những lợi ích cá nhân thường thấy. Đó chính là vận mệnh quốc gia, là các quyền tự do, là tinh thần dân chủ. Có nhiều người Việt Nam, không riêng gì người trẻ, đã và đang sẵn sàng từ bỏ lợi ích của bản thân để đấu tranh cho những giá trị cao đẹp ấy. Đó là điều khiến tôi tự hào khi nghĩ về phong trào tranh đấu ở Việt Nam.
Phạm Phú Khải : Theo Vi Yên thì làm thế nào để có thể thu hút giới trẻ tinh hoa của Việt Nam vào các hoạt động này ?
Vi Yên : Thay vì nghĩ cách thu hút ai đó tham gia vào các công việc hoạt động xã hội, tôi cho rằng bản thân mỗi người, một khi đã có ý thức về việc phải thay đổi Việt Nam, trước tiên hãy dấn thân và làm những điều mình tin là đúng và tốt cho xã hội. Chính những hành động tiên phong, dũng cảm, và giàu tính trách nhiệm như vậy mới là nguồn cảm hứng lớn cho những người xung quanh. Tôi tin rằng chỉ thông qua hành động, những người mang khát vọng về tự do, dân chủ mới có thể tìm đến nhau để cùng nhau xây dựng một phong trào lớn mạnh.
Phạm Phú Khải : Mục tiêu sau cùng đối với các nhà hoạt động tại Việt Nam, như Vi Yên, là gì ?
Vi Yên : Mỗi người hoạt động xã hội có một viễn kiến riêng về tương lai của Việt Nam, tùy thuộc vào lãnh vực mà họ đang tranh đấu cũng như nghị trình của họ.
Với riêng tôi, mỗi một bước đi trên hành trình hoạt động xã hội này đều có ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, trong chiến dịch Phản đối Luật An ninh mạng, mỗi một chữ ký trong số 120.000 chữ ký mà chúng tôi thu thập được là một thành công nhỏ, khi chúng tôi biết rằng mình đang từng bước lan tỏa tri thức về tự do ngôn luận, và kêu gọi tinh thần tham gia chính trị của người dân. Nói như vậy để thấy rằng, thay vì đặt ra một ‘mục tiêu sau cùng’, chúng tôi chú trọng tới chính hành trình mà chúng tôi đang đi, cũng như tới hiệu quả công việc mà chúng tôi đang thực hiện.
Xa hơn, cũng như nhiều bạn bè hoạt động xã hội của tôi, tôi không chỉ tranh đấu cho một hệ thống chính trị tự do ở Việt Nam, mà còn cổ võ cho một nền văn hóa dân chủ. Rằng chúng ta cần nỗ lực xây dựng một nền dân chủ thực thụ, nơi mà mọi người có cơ hội ngang nhau để cùng dự phần vào đời sống chính trị - xã hội, nơi lẽ phải và công bình được tôn trọng, nơi mỗi người được tự chủ trong tư tưởng và hành động của mình.
Phạm Phú Khải : Nếu Vi Yên về lại Việt Nam bây giờ thì chuyện gì sẽ có thể xảy ra cho bạn ? Vi Yên có lường trước được tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho mình không, và như thế có sẵn sàng chấp nhận tình huống như thế không ?
Vi Yên : Cách mà các lực lượng có thẩm quyền ở Việt Nam đối xử với những người hoạt động xã hội là rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như lãnh vực hoạt động, cách thức hoạt động, hay thậm chí là vùng miền. Cũng như những người hoạt động khác, tôi không thể biết chắc điều gì sẽ xảy đến với mình trong tương lai. Song dẫu phía trước có nhiều khó khăn đón đợi, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân bằng câu nói của Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn, một người tôi rất kính nể, rằng "cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới".
Phạm Phú Khải : Để mang lại một sự thay đổi tốt đẹp nhất cho Việt Nam thì theo Vi Yên người Việt Nam trong lẫn ngoài nước cần phải làm gì ?
Vi Yên : Trước mắt, tôi cho rằng ưu tiên của chúng ta nên tập trung vào việc đối thoại, từ người trong nước đến hải ngoại, từ các nhóm tri thức lão làng đến những người đấu tranh trẻ tuổi, và trong cả các nhóm xã hội dân sự ở nhiều lãnh vực khác nhau. Thông qua đối thoại, chúng ta mới có thể tìm thấy được những điểm chung, và từ đó chúng ta có thể hợp tác với nhau để cùng nhau hành động.
Bên cạnh đó, với tình hình đàn áp gia tăng như hiện nay, tôi cho rằng các cá nhân và tổ chức quốc tế cần chú trọng vào việc vận động quốc tế để giảm áp lực trong nước, giúp cho phong trào xã hội dân sự trong nước có không gian phát triển. Khi không gian này được cơi nới, các tổ chức trong nước mới có thể mở rộng. Đó là lúc chúng ta cần đến nhân lực, tức những người hoạt động xã hội chuyên nghiệp, và chúng ta cũng cần một nguồn lực tài chính nhất định để hoạt động hiệu quả.
Phạm Phú Khải : Các tổ chức hay cá nhân khác có thể làm gì để hỗ trợ cho Vi Yên nói riêng và các nhà hoạt động tại Việt Nam nói chung ?
Vi Yên : Đây là một phong trào chung của tất cả chúng ta. Tôi rất mong tất cả mọi người cùng nhìn về phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam với tâm thế rằng mỗi người là một phần của nó. Chính từ tâm thế ấy, mỗi người sẽ chọn được những việc phù hợp nhất mà mình có thể làm, để chung tay xây dựng Việt Nam.
Phạm Phú Khải : Cảm ơn Vi Yên đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Mong chúc Vi Yên và các nhà hoạt động đạt được những thành quả mong muốn trong những ngày tới. Quý bạn đọc có thể theo dõi các hoạt động của Vi Yên trên trang Facebook hoặc Tinh Thần Khai Minh.
Vi Yên : Cảm ơn anh đã dành công thực hiện bài phỏng vấn, và cảm ơn các độc giả VOA quan tâm đến câu chuyện của những người hoạt động xã hội tại Việt Nam.
Phạm Phú Khải thực hiện
Nguồn : VOA, 23/06/2019
Lời ngỏ : Trong thời gian tới, tôi sẽ dành một số bài viết trên Blog này để chia sẻ với quý bạn đọc các cuộc phỏng vấn tôi thực hiện về đủ mọi đề tài khác nhau.
Cuộc phỏng vấn đầu tiên này xin dành cho một nhạc sĩ trẻ. Tôi may mắn có dịp nghe anh hát và tâm sự. Những bài ca của anh để lại tâm tư nỗi niềm cho người nghe, chỉ với tiếng hát và cây đàn đơn sơ. Anh đã sáng tác ba dĩa nhạc CD : Bài đồng ca nhỏ, Người đàn bà đi nhặt mặt trời và Bài ca nhỏ trên quê hương, CD mới nhất của anh. Anh sáng tác đủ loại thể nhạc, kể cả nhạc rap, và khúc thức giai điệu ca từ, nhưNguyễn Tấn Cứ phê bình, "phải đau lắm, buồn lắm, trầm tư lắm, mới đẻ ra được".
Nghe nhạc của Đức Tiến, và phong cách anh trình diễn, làm tôi nghĩ đến nhạc sĩ Phan Văn Hưng. Nếu chúng ta biết đến Phan Văn Hưng qua Thằng bé tát dầu, Bài cho bé Thảo, Em bé và viên sỏi, Em bé lên sáu tuổi, Con bé nhà quê v.v…, nói chung là về những em bé Việt Nam bất hạnh, thì Đức Tiến cũng hát về những thân phận đáng thương trên quê hương anh đang sống, đang chứng kiến từng ngày từng giờ. Những bài ca của Đức Tiến như Tuổi teen nơi miền quê nghèo, Ngày đó em ơi, Trong dáng mẹ ngồi, Người đàn bà đi nhặt mặt trời v.v… là những mảnh đời rất thương tâm trên quê hương của Đức Tiến, như những mảnh đời tại Vườn rau Lộc Hưng, chẳng hạn.
Nhạc sĩ Đức Tiến. (Hình : Chuong Nguyen)
Phú Khải : Xin mến chào nhạc sĩ Đức Tiến. Rất hân hạnh được có cơ hội để trò chuyện với anh. Đây có phải là lần đầu tiên Đức Tiến xuất ngoại đến Úc ?
Đức Tiến : Đây là lần thứ hai tôi đến nước Úc xinh đẹp. Lần đầu là vào khoảng thời gian cuối năm 2018.
Phú Khải : Kỳ này Đức Tiến đã đến những thành phố nào rồi, và dự định sẽ đến các thành phố nào khác trước khi về lại Việt Nam ?
Đức Tiến : Lần đầu tôi đến Sydney và Melbourne. Lần này tôi vẫn trở lại hai nơi này. Tuy nhiên nhờ vào sự nhiệt tình của bạn bè mà tôi lại có cơ hội đi thêm và thưởng ngoạn được các cảnh đẹp ở các thành phố khác như Perth và Adelaide...
Phú Khải : Những nơi Đức Tiến có cơ hội viếng thăm, Đức Tiến cho biết ba điều mà mình thích nhất hay ấn tượng nhất về nước Úc này ?
Đức Tiến : Ba điều mà tôi thích nhất ở những nơi tôi đi qua tại nước Úc, trước tiên là khí hậu trong lành trên toàn cõi nước Úc. Điều thứ hai là bề mặt an sinh diễn ra trong các thành phố tạo cảm giác cho du khách như tôi cảm thấy bình an. Và điều thứ ba là thực sự thích thú cách bài trí trong từng không gian trong các thành phố, lạ mắt và độc đáo, cảm tưởng như mọi ngóc ngách đều có dấu ấn của các nhạc sĩ để lại trên từng tác phẩm. Tôi thấy ở Melbourne ngay ngã tư, người ta đặt những cục đá to ngổn ngang, nhưng sự cố ý đó tạo nên một nghệ thuật sắp đặt. Có thể người họa sĩ cố tình tạo nên một không gian mở tự do giữa lòng thành phố đầy ngăn nắp như vậy để tạo nên sự mâu thuẫn cân bằng cũng nên.
Phú Khải : Những nơi đến và có cơ hội trình diễn, theo Đức Tiến cảm nhận, thì sự đón nhận của đồng bào tại đó như thế nào ?
Đức Tiến : Trong chuyến đi này, tôi may mắn được giao lưu cùng bạn bè đã quen và những người đồng hương mới ! May mắn hơn là những buổi giao lưu âm nhạc thân tình được diễn ra một cách êm đềm. Mọi người vẫn ngồi lại đến phút sau cùng và mong tôi tiếp tục hát. Tôi không thể từ chối được sự chân tình đó vì với một người nhạc sĩ điều đó quý trọng hơn cả bài hát mình sẽ hát cho khán giả. Đó là sự chân tình.
Phú Khải : Trong một buổi trình diễn tại Melbourne, khán thính giả có vẻ mến mộ Đức Tiến lắm, về giọng ca, về ca từ, và về sự đa dạng trong thể loại nhạc, ngay cả bài nhạc Rap của Đức Tiến. Người ta ở lại đến giờ phút cuối. Có người nói giọng của Đức Tiến trầm ấm như cố nhạc sĩ Việt Dzũng. Cũng có người nhận xét các bài ca của Đức Tiến như thể loại kể chuyện, viết về những câu chuyện đời thật, ngay cả của chính bố mẹ mình, hay những mảnh đời tại Vườn rau Lộc Hưng vv... Nó làm cho người ta nghĩ đến nhạc sĩ Phan Văn Hưng. Đức Tiến nghĩ sao về các nhận xét này ?
Đức Tiến : Có nhiều khán giả nhận định rằng giọng nói của tôi giống anh nhạc sĩ Việt Dzũng. Về phần âm nhạc thì có một chút giống với âm nhạc của nhạc sĩ Phan Văn Hưng. Tôi không phủ nhận hết tất cả vì cả hai hình tượng trên đều là những nhạc sĩ nổi tiếng. Nhưng tôi buộc phải phủ nhận với mọi người một điều là tôi khác với nhạc sĩ Việt Dzũng và nhạc sĩ Phan Văn Hưng là tôi đến giờ vẫn loay hoay với cây đàn và tiếng ca của mình mà... vẫn không nổi tiếng như các anh ấy.
Phú Khải : Đức Tiến nghĩ mình chịu ảnh hưởng bởi nhạc sĩ quốc tế hay Việt Nam, hay giòng âm nhạc nào nhiều nhất ?
Đức Tiến : Tôi chịu ảnh hưởng âm nhạc từ nhiều người, hầu hết là nhạc sĩ Việt Nam xưa ! Nhạc sĩ hiện tại cũng có. Nhưng gọi là ảnh hưởng có lẽ còn phần gì đó bao biện. Tôi nghĩ rằng tôi được thụ hưởng từ những điều đẹp đẽ trong âm nhạc như ca từ hay nhạc luật... của các bậc tiền bối. Dĩ nhiên cũng có nhiều bậc tiền bối nữa nhưng tôi hay nhiều bạn trẻ khác không thụ hưởng được giá trị của họ, có thể là do sự khác biệt tư duy cũng nên.
Phú Khải : Theo Đức Tiến thì giòng âm nhạc Việt Nam trong thời gian qua có những đột phá nào ? Và có xu hướng đặc biệt nào sẽ nổi lên trong thời gian tới ?
Đức Tiến : Tôi nghĩ mình không đủ thẩm định để đưa ra nhận xét về sự đột phá có hay không của âm nhạc Việt Nam trong thời gian gần đây ! Tôi chỉ suy nghĩ một điều đơn giản rằng ngay trong cuộc sống này để liên đới với âm nhạc như sau :
Nếu khước từ ánh nhìn hay nhịp vỗ của con tim mình với nỗi đau của đồng loại mà chỉ chăm bẵm vào những bài tình ca sao thật bóng bẩy thì thế giới này sẽ chỉ có những bài tình ca không có tình yêu hay những bài tình ca chưa có hạnh phúc.
Phú Khải : Phần lớn người Việt hải ngoại có lẽ không biết nhiều về Đức Tiến, tuy Đức Tiến có một số sáng tác khá nổi tiếng, như Người Đàn Bà Đi Nhặt Mặt Trời v.v... Vậy có nhiều người Việt trong nước biết đến những sáng tác của Đức Tiến không ?
Đức Tiến : Như tôi đã chia sẻ là tôi không nổi tiếng với cái tên Đức Tiến của mình, dù một vài bài hát của tôi được nhiều công chúng biết tới. Đó cũng là quỹ đạo phát triển quen thuộc của nhiều nhạc sĩ như tôi. Ở Việt Nam nhiều khi họ hát nhạc tôi họ cũng chẳng xin phép tác giả ! Lên tivi nhiều khi chỉ để tên bài hát và ca sĩ ! Sự cẩu thả này cũng có thể xiết bóp tuổi thọ nghề của nhiều nhạc sĩ như tôi ! Nhưng tôi nghĩ sự thật thì mãi là sự thật. Vì nghĩ như vậy mà tôi còn tiếp tục sáng tác và trình diễn, chứ còn nghĩ tới sự bất cập trong văn nghệ thì có lẽ tôi không thể làm gì được với âm nhạc của mình.
Phú Khải : Những bài cả của Đức Tiến có được "cho phép" phát hành một cách chính thức không ?
Đức Tiến : Tôi dành thời gian cho việc sáng tác hơn là dành thời gian giới thiệu ca khúc của mình rộng rãi ! Trước đây nhiều ca khúc tôi cũng từng xin phép để phát hành CD, nhưng tôi thấy điều đó theo thời gian nó không hợp với tính cách của mình ! Nhạc của tôi là từ tôi viết, sao lại phải xin phép người không biết về nhạc ! Và từ đó tôi chọn việc giới thiệu ca khúc của mình trên internet. Tôi muốn mình không để âm nhạc của mình bị kiểm duyệt nên cơ hội xuất hiện âm nhạc của mình trên các kênh tivi trong nước cũng không còn ! Tôi vui vẻ chấp nhận con đường của mình, nhạc sĩ tự do. Còn có trở thành nhạc sĩ nổi tiếng hay không thì đó cũng chỉ là phần đời cá nhân tôi có hoặc không, như bao điều có hoặc không khác trên đời. Nó chẳng ảnh hưởng lắm với con đường mà tôi đã chọn đi ! Với tôi chọn được con đường trong âm nhạc đã là một Ân Sủng rồi.
Phú Khải : Văn nghệ sĩ Việt Nam đã từng gặp bao nhiêu khó khăn trước đây, kể cả mạng sống, như thời Nhân văn Giai phẩm vào thập niên 1950, chẳng hạn. Còn văn nghệ sĩ Việt Nam trong thời này thì gặp những khó khăn nào ? Cá nhân Đức Tiến đã trãi nghiệm sự rắc rối nào với chính quyền này không ? Đâu là những rào cản lớn nhất đối với tự do sáng tác nói riêng và văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung ?
Đức Tiến : Văn nghệ trong thời đại của tôi nhìn chung so với thời kỳ trước có nhiều thuận lợi hơn việc phổ biến tác phẩm của mình, một phần là nhờ vào phương tiện truyền thông internet, thêm vào đó là sự kết nối nhiều hơn từ những hội đoàn bên ngoài nước cùng tiêu chí tự do trong nghệ thuật. Tuy nhiên hàng rào kiểm duyệt trong nước chưa bao giờ để yên cho những tinh thần sáng tạo tự do như vậy. Nói rõ hơn là người nhạc sĩ như tôi được gọi là Người bị duyệt, còn cơ quan của chính quyền đó là Người xét duyệt. Nếu những người như tôi dừng sáng tạo nghĩa là cơ quan đó cũng chẳng có việc làm. Và khi tôi còn sáng tác nghĩa là tôi đang bước gần hơn tới lằn ranh kiểm duyệt đó. Tôi chọn cho mình bước chân đi tới với trái tim nhạc sĩ của mình nên lằn ranh đó với tôi nó không còn là nỗi lo bởi đơn giản rằng khi tôi dừng sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc tôi tự sát với nghệ thuật của mình. Mà điều đó là điều tối kỵ của nghệ thuật tự do nói chung và âm nhạc nói riêng. Bởi vì phải bảo vệ số phận nghệ thuật của mình giữa cái bẫy sợ hãi mà họ giăng ra, tôi quyết định chọn bước chân đi tới.
Tóm lại, mọi lằn ranh mà con người đặt ra, với tôi, đó chỉ là thước đo chủ quan của một tổ chức trong thời đại đó. Với tôi rào cản của mình trong nghệ thuật không phải là lằn ranh đó mà nó nằm ở việc tác phẩm của mình có vượt qua được sự sợ hãi hay không.
Dĩ nhiên không phải ai cũng có suy nghĩ như vậy. Nhưng bởi tôi không quen việc chọn sống trong vùng an toàn với nghệ thuật của mình nên tôi phải bước gần hơn mỗi ngày về phía lằn ranh đó, bên ngoài nỗi sợ cũng là văn minh.
Phú Khải : Đức Tiến có những mong ước hay dự tính gì trong thời gian hai năm trước mặt ?
Đức Tiến : Tôi chưa có dự định gì trong tương lai cả ! Nhưng hiện tại tôi cảm thấy hào hứng với việc hát những ca khúc của mình, kể về phận người nơi mình sống, những thân phận ở phố thị huyên náo... Cho khán giả khắp nơi cùng chia sẻ ! Tôi cũng viết nhiều tình ca, nhưng tôi muốn chia sẻ tình đồng loại trước để những bài tình ca của mình có cơ hội thanh khiết hơn ! Nơi nào cần thì tôi sẽ ôm đàn hát ngay. Đó cũng là dự định trong tương lai của tôi. Xin được kể thêm là tôi đã từng hát ở hẻm chợ, xó cầu rồi, nên ai muốn nghe tôi hát đừng câu nệ về việc mời tôi phải tổ chức tốn kém, vì với tôi Âm Nhạc gợi nhắc Nhân Tính hơn là mưu cầu Toan Tính.
Phú Khải : Cảm ơn Đức Tiến đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Quý bạn đọc muốn nghe nhạc của Đức Tiến có thể lên trang Zing MP3 hoặc liên lạc với Đức Tiến qua trang Facebook của anh.
Phạm Phú Khải thực hiện
Nguồn : VOA, 18/06/2019
"Thất bại chẳng khiến ai chết cả, nhưng cự tuyệt thay đổi thì thật là chết người".
(Failure isn’t fatal, but failure to change might be)
John Wooden
Trong tiếng Việt, tự chủ được định nghĩa là biết tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối.
Tự chủ là một ý niệm rất rộng. Trong tiếng Việt, tự chủ được định nghĩa là biết tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối. Trong tiếng Anh thì có rất nhiều từ đồng nghĩa, nào là self-control, self-management, self-regulation, autonomy v.v… Định nghĩa của self-control là khả năng kiềm chế hay khuất phục những thôi thúc, cảm xúc và hành vi của một người, nhất là để đạt được mục tiêu dài hạn.
Về mặt tâm lý, khả năng này, khi đạt được, sẽ phân biệt con người của ngày hôm nay, con người hiện đại, với con người của thời xa xưa, tổ tiên của loài người, cũng như phân biệt giữa con người với con vật.
Chúng ta tự chủ được là nhờ biết suy nghĩ. Chúng ta biết suy nghĩ hơn các động vật khác là nhờ phần não pre-frontal cortex (PRC). Phần quyết định suy nghĩ, tính toán PRC của con người lớn hơn các động vật khác. Nhờ có PRC nên con người có thể sử dụng lý trí để lên kế hoạch, sắp xếp tư tưởng và hệ thống hóa, lượng giá tình hình và khả năng, rút tỉa kinh nghiệm, và đi đến các quyết định đúng đắn v.v... Những ai biết vận dụng PRC thì có thể điều khiển để giảm bớt các phản ứng cảm tính và các thôi thúc cám dỗ của cuộc đời.
Những người có khả năng tự chủ thường không dễ bị cám dỗ và biết cách tập trung nỗ lực cho những mục tiêu mình muốn đạt được. Tiếng Anh gọi là willpower, có thể dịch là nghị lực hay ý chí. Những người có nghị lực thường kiên trì hơn, biết suy tính đường dài, không dễ nản hay bỏ cuộc, không dễ tự mãn hay chấp nhận những thành quả của mình mà luôn muốn hướng đến hoàn thiện. Đến chân thiện mỹ.
Tóm lại, khi biết sử dụng phần não PRC để kiềm chế phần cảm xúc, tức phần não Amygdala, thì mọi người, mọi dân tộc có thể tự chủ các suy nghĩ và hành động của mình để vươn lên và phát triển. Nền văn minh tiến bộ cũng từ đó mà ra. Biết tự chủ suy nghĩ và cảm xúc của mình, sử dụng các nguồn lực để đạt được bậc cao nhất của con người, như tự hiện thực (self-actualisation), nói theo Abraham Maslow trong Cấp bậc Nhu cầu . Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là đạt được giác ngộ và, cao hơn nữa, niết bàn.
Thật ra, sự thành công hay thất bại của một người hay một dân tộc nằm trong bài toán, hay chìa khoá, biết mở được biết khai dụng được trí thông minh cảm xúc của con người.
Tiến sĩ Travis Bradberry, tác giả của Thông minh Cảm xúc 2.0, là người viết khá nhiều bài blog phân tích sâu sắc tác động của EQ lên mọi mặt đời sống con người, từ vấn đề cá nhân, tập thể, gia đình cho đến công sở, sự nghiệp v.v... Tôi đã theo dõi các bài viết của Bradberry trong nhiều năm qua với sự thích thú. Những phân tích và nhận định của Bradberry giúp cho quan hệ giữa người lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo tốt hơn, tích cực hơn.
Bradberry cho biết theo cơ quan nghiên cứu của cơ quan TalentSmart của ông với hơn một triệu người thì thông minh cảm xúc (EQ) chịu trách nhiệm cho 58 phần trăm hiệu suất công việc. Những ai thiếu các khả năng này thì sẽ bị thiệt thòi đáng kể.
Ngày 14 tháng Năm vừa qua, Bradberry viết một bài đáng suy ngẫm, có tên "9 loại người không bao giờ thành công tại chỗ làm". Đọc bài này tôi không thể không liên tưởng ngay lập tức đến tình trạng Việt Nam hôm nay.
Loại thứ nhất là Người Nhút nhát (The coward). Những người nhút nhát thường đổ lỗi cho người khác và che dấu các lỗi lầm nghiêm trọng của mình. Họ cũng thất bại trong việc đứng lên bảo vệ cho những điều đúng. Tất cả đều do nỗi sợ quá lớn của họ.
(Xin mở ngoặc ở đây để nói thêm rằng các chế độ độc tài và các lãnh đạo chính trị đều biết khai dụng nỗi sợ của con người để kiềm chế hay tác động lên các động lực khác, kể cả động lực tốt, của họ. Còn các nhà đạo đức, tôn giáo cũng biết sử dụng nỗi sợ để kiềm chế hay tác động lên các động lực xấu, chẳng hạn như sự tham sân si hay thù hận của con người.)
Loại thứ hai là Kẻ Ma lực/Ám khí (The Dementor). Loại người này dựa trên nhân vật do nhà văn J. K. Rowling tạo ra trong tiểu thuyết nhiều tập Harry Potter. Họ chuyên áp đặt những tinh thần tiêu cực bi quan lên người khác, đem lại nỗi lo lắng sợ hãi trong tình huống không có gì đáng quan tâm quá, hút hết mọi sinh khí và sức sống của tập thể.
Loại thứ ba là Người Tự đại (The arrogant). Tự đại, theo Bradberry, là loại người có sự tự tin ảo, đeo mặt nạ của sự bất an lớn. Họ chỉ làm mất thời gian của chúng ta bởi vì họ thấy những gì chúng ta làm thách thức cá nhân họ.
Loại thứ tư là Người Suy nghĩ Nhóm (The group-thinker). Phương châm và não trạng của họ là "Đây là cách mà chúng ta luôn làm mà". Họ không có suy nghĩ riêng biệt, độc lập nào cả. Nhóm nghĩ sao thì họ làm theo vậy. Nhưng cách làm cũ sẽ không bao giờ đưa đến điều gì vĩ đại cả.
Loại thứ năm là Người Lắm Thay (The short-changed). Họ hay đổ lỗi cho sự không thành công vì lý do thiếu cơ hội. Họ không hiểu rằng yếu tố may mắn có thể đóng một phần trong sự thành đạt của một người, nhưng tính chăm chỉ đã đưa người ta đến mục tiêu. Thái độ của họ, không phải hoàn cảnh của họ, làm cho họ "lắm thay" là vậy.
Loại thứ sáu là Người Cảm tính (The temperamental). Họ không có khả năng điều khiển cảm xúc của họ. Họ trút hết mọi buồn phiền bực dọc lên người khác, trong khi đó lại nghĩ nguyên do họ làm thế là vì người đó. Họ không suy nghĩ sáng suốt vì để cảm tính lấn át lý trí, và sự mất khả năng kiểm soát cảm xúc của mình đã hủy hoại bao quan hệ với người khác. Họ dùng người khác để xả rác cảm xúc của họ.
Loại thứ bảy là Nạn nhân (The victim). Họ thường trốn tránh trách nhiệm cá nhân bằng cách khi đụng phải những vấn đề dù rất nhỏ, họ thường xem nó như điều bất khả, như núi không thể đi qua. Họ không thấy những thời điểm khó khăn là cơ hội để học hỏi và phát triển mà là để rút lui.
Loại thứ tám là Người Cả tin (The gullible). Họ giống như gió chiều nào ngã theo chiều đó, cho đến khi gặp bão. Họ cần phải biết rằng nếu họ dám đứng lên bảo vệ ý kiến của mình, bảo vệ cho những gì được xem là đúng, thì họ sẽ chiếm được sự kính trọng hơn.
Loại thứ chín là Người Xin lỗi (The apologiser). Có những người hay xin lỗi, vì thiếu tự tin, đối với các ý kiến và hành động của mình. Họ sợ thất bại, nên xin lỗi cho an toàn. Những lời xin lỗi không cần thiết là rẻ tiền và làm khó dính. Điều nên nhớ là giọng nói và ngôn ngữ cơ thể (body language) phản ánh tầm quan trọng của ý tưởng của mình.
Bradberry biện luận rằng tất cả các sở đoản này, những thứ gây nhiều thiệt hại cho sự nghiệp của một người, đều có thể khắc phục được bằng cách gia tăng thông minh cảm xúc, EQ. Chỉ cần một chút ý thức và khao khát mạnh mẽ để thay đổi thì không có gì là bất khả cả.
Quý bạn đọc nghĩ sao về chín hạng người trên ? Trong con người Việt Nam, nó ở mức độ nào, tầng nào, và lĩnh vực nào, nhiều nhất ?
Kẻ ma lực, tự đại, cảm tính, và hèn nhát trong xã hội Việt Nam nổi bật nhất là ai ?
Úc Châu, 20/05/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 30/05/2019
Chương trình phát thanh của tạp chí Economist có tựa đề "This May hurt : British politics". Cách chơi chữ thật hay. Chữ May ở đây có đến ba nghĩa : tên họ của nữ thủ tướng Theresa Mary May ; May là tháng Năm ; và May cũng có nghĩa là có thể.
Nữ thủ tướng Anh, Theresa May, khi tuyên bố sẽ từ chức vào tháng Sáu tại số 10 Downing, ngày 24 tháng Năm.
Bà Theresa Mary May, nữ Thủ tướng Anh quốc, cuối cùng cũng đã chính thức tuyên bố từ nhiệm làm lãnh đạo của Đảng Bảo thủ vào cuối tuần qua, ngày 24 tháng Năm. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 7 tháng Sáu. Bà May sẽ tiếp tục giữ vai trò thủ tướng nước Anh cho đến tháng Bảy năm nay khi Đảng Bảo thủ họp mặt để bầu lại người lãnh đạo mới.
Định mệnh đã an bài. Có lẽ từ lâu rồi, cho nên không mấy ai ngạc nhiên về quyết định này của bà May. Sau gần ba năm tìm giải pháp ổn thỏa nhất để rút khỏi Liên hiệp Âu Châu/EU, bà May liên tục thất bại và mọi giải pháp bà trình bày không được quốc hội Anh thông qua và cũng không thuyết phục được chính nội bộ Đảng Bảo thủ hay Nội các của mình. Bao nhiêu người trong nội các bà đã từ nhiệm để phản đối giải pháp Brexit được đề nghị. Đó là chưa kể các trường hợp khác, liên quan đến những vấn đề an ninh quốc phòng khác, như quan hệ với công ty truyền thông Huawei của Trung Quốc, với trò ‘ném đá dấu tay’ mà sau đó cựu bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson đã bị chính bà May cách chức vì được xem là đã tiết lộ thông tin mật.
Những thất bại lớn lao này trong thời gian làm thủ tướng ba năm qua đã làm cho nhiều người đánh giá sự nghiệp chính trị của bà là hoàn toàn thất bại, mặc dầu bà May đã đạt được những thành tựu khác ở trong các vai trò khác, như Bộ trưởng Nội vụ (Home Secretary) lâu đời nhất trong 60 năm qua, chẳng hạn.
Luke McGee của CNN gọi bà May là một thủ tướng thảm bại, là một di sản thất bại. Ngoài những lỗi lầm chính trị khác của bà May từ khi lên thay thế cựu thủ tướng David Cameron năm 2016, McGee biện luận rằng nguyên do của mọi sự thất bại sau bao nhiêu nỗ lực là vì chiến lược truyền thông chính trị của bà May. Khởi đầu, vào khoảng cuối năm 2017, kế hoạch rút khỏi EU đang gặp nhiều khó khăn. Thái độ cứng rắn của bà May qua các nhà thương thuyết đại diện cho Anh tại Brussels đã làm cho các viên chức và lãnh đạo EU mạnh mẽ khiển trách. Sau đó lập trường cứng rắn của bà May đã thay đổi, mèm dẽo hơn, và các cuộc thảo luận tại Brussels đã diễn ra tốt đẹp hơn. Nhưng kế hoạch Brexit của bà vẫn nằm trong vòng bí mật tại London. Bà May quên rằng những gì được đồng ý tại Brussels không quan trọng bằng chính người dân và giới lãnh đạo chính trị tại London cũng như toàn nước Anh. Lập trường khác nhau của người Anh về vấn đề Brexit cộng với cung cách lãnh đạo và xử lý của bà May tại một Hạ viện chia rẽ đã làm cho mọi giải pháp bà May đưa ra không còn giá trị và tín nhiệm.
Tạp chí Economist cũng biện luận rằng sự thất bại trong giải pháp Brexit là do bà May. Lẽ ra ngay từ ban đầu Đảng Bảo thủ của bà May cần thảo luận chặt chẽ với Đảng Lao động để tìm sự đồng thuận chung, nhưng những cuộc thảo luận sau này không đưa ra kết quả nào, nó chẳng đi đến đâu cả, bởi vì đã diễn ra quá trễ.
Vấn đề Brexit tất nhiên không phải do bà May gây ra. Các nguyên do sâu sắc đằng sau Brexit thì khá phức tạp. Đầu tiên nhất là vấn đề di dân, mà người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng David Cameron, đã hứa hẹn với người Anh là sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Liên hiệp Âu Châu. Ông Cameron muốn giảm số di dân từ hơn 200 ngàn xuống còn vài chục ngàn. Nhưng nguyên tắc di chuyển tự do (free movement) làm cho các cam kết của ông Cameron không thể thực hiện được bởi Anh cũng là một quốc gia thành viên như 27 quốc gia thành viên khác còn lại. Nhưng cốt lõi vẫn là vấn đề chủ quyền. Làm một thành viên của EU có nghĩa là chấp nhận chỉ có một thị trường nội địa chung, được quy định bởi một hệ thống luật pháp được tiêu chuẩn hóa cho mọi quốc gia thành viên, và sự di chuyển con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn liếng phải được tự do. Nó là một tổ chức siêu quốc gia. Mục tiêu hình thành ban đầu là để cho các quốc gia, đặc biệt sáu nước Bỉ, Tây Đức, Pháp, Ý, Luxembourg và Hòa Lan, cộng tác với nhau qua Cộng đồng Than và Thép Âu Châu, và rộng hơn, qua kinh tế, để một cuộc chiến tranh khác, Thế Chiến III, không xảy ra lần nữa. Lập trường của Anh ban đầu là lưỡng lự vì không muốn nhường chủ quyền quốc gia, và ngoài ra việc tham gia có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ với khối Thịnh vượng Chung (Commonwealth). Tuy Anh không tham gia nhưng Winston Churchill và phần lớn các lãnh đạo chính trị nước Anh sau Thế Chiến II đều ủng hộ, bởi vì họ đều muốn Pháp, Tây Đức và quốc gia lân cận mạnh, có thể hợp tác để cùng có lợi thay vì thù nghịch, và để có thể đối đầu với sự tấn công từ hướng đông như Đông Đức hay Liên Sô. Nhưng cuối cùng Anh cũng tham gia vào năm 1973 vì nhìn thấy cái lợi lớn hơn cái hại, cơ hội lớn ơn đe dọa.
Bà May được đưa lên nắm vai trò thủ tướng vì mục tiêu giải quyết Brexit, mang hai xu hướng chống đối và ủng hộ Brexit lại gần nhau để tìm giải pháp chung. Nhưng dường như cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 làm cho bà tự tin rằng bà đã được đa số người dân tín nhiệm, bà đã có thẩm quyền quyết định, nên bà chọn thái độ cứng rắn ngay từ ban đầu. Rốt cuộc bà May thất bại, và hai bên chống đối và ủng hộ không những gần nhau mà cách xa hơn. Tạp chí Economist biện luận rằng bà May không còn lá bài nào để sử dụng được nữa, và lời khẩn cầu cho bà cơ hội thứ tư, cuối cùng, đã tiêu tan.
Bà May ra đi, nhưng vấn đề Brexit vẫn còn đó. Người khác lên thay bà thì cũng phải đối diện với bao nhiêu sự phức tạp và sự chia rẽ sâu sắc mà không dễ gì hòa giải được. Với tình thế này, tạp chí Economist nhận định rằng có thể bà May không phải là thủ tướng cuối cùng bị đưa đến tình huống phải rơi nước mắt vì Brexit.
Cũng như mọi thứ trong đời, có những tình huống chọn ở lại hay ra đi đều khó khăn. Cuộc ly dị nào cũng đau đớn. Cuộc ly khai Brexit không chỉ đau đớn mà còn vô cùng phức tạp, đã làm suy nhược nguồn lực tinh thần người Anh.
Chủ nghĩa dân tộc, và dân túy, là động cơ đàng sau xu hướng Brexit. Vấn đề đáng nói ở đây là chủ nghĩa dân tộc và xu hướng dân túy không chỉ trổi lên tại Anh, mà tại Hoa Kỳ và hầu như khắp nơi. Tôi không bi quan, nhưng cũng không nhìn ra được một giải pháp lạc quan nào hiện ra ở chân trời trước mặt. Nếu các thế hệ hôm nay và kế tiếp không chịu tìm hiểu lịch sử, không biết những hy sinh mất mát trước đây để tái lập và sống chung trong hòa bình, thì chiến tranh, và kể cả thế chiến, là điều có thể sẽ không tránh được.
Úc Châu, 26/05/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 29/05/2019
Hai ngày trước cuộc bầu cử liên bang Úc vừa qua, cố Thủ tướng Úc Robert James Lee Hawke, được biết đến là Bob Hawke , đã từ trần vào ngày 16 tháng Năm, 2019, thọ 89 tuổi. Ông Hawke là Thủ tướng lâu dài nhất của đảng Lao động, thắng cử bốn nhiệm kỳ, và là thủ tướng lâu đời thứ ba trong chính trường Úc (gần 9 năm), sau John Howard (11 năm) và Robert Menzies (tổng cộng 18 năm).
Cựu Thủ tướng Úc Bob Hawke
Những thành quả mà ông Hawke đã đạt được trong thời gian phục vụ vừa chất lượng vừa số lượng. Điển hình nhất là hệ thống chăm lo sức khỏe phổ quát, gọi là Medicare, cho toàn thể người dân Úc. Ngoài ra là các chính sách kinh tế, trong đó điển hình nhất là giá trị đồng tiền Úc thả nổi, tự do hóa nền tài chánh, Kế sách Yểm trợ Gia đình (Family Assistance Scheme), thành lập tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đề cao tự do thương mại, hiện đại hóa công đoàn, vân vân... Tài lãnh đạo của ông, nhất là khả năng thương thuyết, và những chính sách cải tổ trên, cho đến nay vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống của người dân Úc.
Nhưng trong tất cả các tài lãnh đạo và những thành tựu lớn lao của ông Hawke, mà phần lớn nhiều người có thể không biết hay không còn nhớ đến, điều mà làm cho người Úc thương mến ông nhất, cảm thấy gần gũi với ông hơn những lãnh đạo chính trị khác, là vì ông là một người tình cảm, và là người có trí thông minh cảm xúc (EI/EQ) rất cao.
Khi biến cố Thiên An Môn xảy ra cách đây gần 30 năm, ngày 4 tháng Sáu, 1989, nó đã làm cho ông Hawke xúc động mạnh. Sáu ngày sau, trước ống kính truyền hình toàn quốc, đương kiêm Thủ tướng Hawke lúc đó không cầm được nước mắt, tường trình bản báo cáo ông nhận được về các vụ đàn áp kinh hoàng xảy ra đối với phong trào sinh viên. Ông không ngờ sự độc ác của chính quyền Bắc Kinh đối với chính người dân của mình. Trước nỗi xúc động này, mặc dầu chưa tham khảo nội các mình, và tuy biết sẽ gặp sự phản đối từ nhiều phía, ông Hawke chính thức tuyên bố cho sinh viên Trung Quốc ở lại Úc. Sau lời tuyên bố này, khi bước ra khỏi bục giảng, có người lớn tiếng thách thức ông : "Ông không thể làm như thế, thưa thủ tướng", thì ông trả lời : "Tôi vừa mới làm. Xong rồi" (I just did. It is done.). Ngoài ra, ông Hawke tuyên bố rằng thị thực tạm thời (temporary visas) của bất cứ người gốc Hoa nào có thể gia hạn thành 12 tháng, với quyền đi làm và được hỗ trợ tài chánh. Sau cùng, đã có đến 42 ngàn thị thực dài hạn được cấp cho người Hoa, kể cả sinh viên, qua chính sách này.
Khi nghe tin Bob Hawke từ trần, Naaman Zhou, con trai của bà Ai Ling Zhou, kể lại câu chuyện của mẹ mình 30 năm trước. Vào thời điểm đó, biến cố Thiên An Môn đã gây chấn động cho các sinh viên đi du học nước ngoài, không rõ tương lai của họ rồi sẽ ra sao, bởi vì đường về của họ và việc ở lại đều bấp bênh, bất định. Hành động của Bob Hawke làm cho họ xúc động tột cùng : họ thấy tinh thần nhân bản toát ra. Cộng đồng Hoa - Úc đã bày tỏ lòng thương kính đối với ông Hawke sau khi nghe tin ông từ trần.
Nếu Bob Hawke đã đánh động lương tâm của hàng chục ngàn người Hoa lúc đó, thì người dân Úc cũng rất cảm kích trước sự thể hiện lòng trắc ẩn sâu xa của ông đối với các vấn đề công bằng xã hội. Và không có gì ảnh hưởng sâu xa và lâu dài bằng các lá thư riêng tư mà chính ông Hawke đã phần lớn chấp bút khi nhận được thư của người dân.
Người dân quan tâm về bao vấn đề khác nhau, từ vũ khí nguyên tử đến trẻ con bị đói hay các vấn đề liên quan đến tiền bạc, và ông đã chia sẻ trực tiếp các suy nghĩ của mình về các vấn đề này. Một ngày sau khi ông từ trần, bao nhiêu lá thư ông Hawke gửi hơn ba thập niên về trước đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng, qua đó người dân có dịp hiểu thêm về khía cạnh tình cảm trong con người Bob Hawke.
Trong một lá thư, ông Hawke hứa với một bé gái 10 tuổi rằng ông sẽ cố gắng làm những gì có thể để giúp trẻ em đang bị đói ở ngoài Úc. Trong một thư khác, ông cảm ơn một bé trai đã yêu cầu ông hãy cứu lấy cây (save the trees). Một bé gái 7 tuổi không thể thấu hiểu được sự chết khi bà ngoại/nội vừa qua đời, và ông Hawke chia sẻ rằng : "Có lẽ khi chúng ta già đi, cơ thể của chúng ta bị hao mòn, hoặc vài bộ phận bị suy nhược, giống như các bộ phận của một chiếc xe cũ. Không ai trong chúng ta biết chắc chúng ta sẽ sống đến bao lâu. Bởi vì thế nên tôi nghĩ rằng cháu không nên suy nghĩ quá nhiều về sự chết mà nên nghĩ về tất cả những điều dễ thương chung quanh mình mà làm cho cuộc sống vô cùng quý báu đối với tất cả chúng ta ", ông Hawke trả lời vào ngày 23 tháng Bảy, 1985.
Những khi ông không trả lời trực tiếp được thì ông yêu cầu những người khác, các cố vấn cao cấp của ông, trả lời thế ông. 31 năm về trước, một người trẻ tên Penelope Modra viết thư cho ông Hawke đề nghị là không nên dùng tiền tại Úc và trên thế giới nữa, thì nhận được trả lời rằng đây là một đề nghị khá lý thú, "Nó sẽ là rất khó khăn để các quốc gia và cá nhân vận hành mà không có tiền mặt". Có những thư khác đối diện với vấn đề phức tạp hơn thì được nhận thư trả lời có khi dài cả hai trang.
Viết thư đã trở thành một phần sống trong cuộc đời của Bob Hawke. Một ngày trước khi từ trần, ông Hawke có viết một thư mở (open letter) đến mọi người Úc kêu gọi họ ủng hộ cho ông Bill Shorten.
Những lá thư ông Hawke gửi đến các bạn trẻ của thế hệ 1980 hay đầu 1990 đã để lại những ấn tượng lớn trong cuộc đời của họ trở về sau. Dù trẻ mấy đi nữa, tiếng nói của họ được lắng nghe, được trân quý, được trả đáp, và được khuyến khích. Ý kiến của Modra về vấn đề không dùng tiền mặt nữa phần nào đang được thực hiện và có thể hoàn tất không bao lâu nữa. Thế hệ trẻ hôm nay là tương lai là lãnh đạo của mai sau thì làm sao không trân quý mọi tiếng nói của các em, vì các ý tưởng này nhiều khi khá độc đáo. Chúng ta cũng cần trân quý và khuyến khích cho dù ý tưởng của các em còn ngây thơ hay mộng mơ đến mấy đi nữa.
Những nhà lãnh đạo tài hoa để lại tiếng thơn muôn đời cho nhân loại thường có lòng trắc ẩn và đồng cảm sâu xa với mọi vấn đề liên quan đến người dân, điển hình nhất là Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt và Eleanor Roosevelt của Hoa Kỳ. Tựu chung văn hóa chính trị của người Anh phải công nhận là rất văn minh và cấp tiến. Những nhà lãnh đạo của họ có mối quan tâm và nối kết mật thiết với người dân thuộc mọi xu hướng khác nhau. Ông Bob Hawke chắc cũng chịu ảnh hưởng bởi những người đi trước và văn hóa chính trị Anh.
Tại Hoa Kỳ, khi tổng thống Franklin Roosevelt vừa mới dọn vào Nhà Trắng, ông nhận được 300 ngàn lá thư gửi đến chúc mừng. Mỗi ngày FDR và ER phải dành một thời gian nhất định, dù rất khuya hay rất sớm, để trả lời thư. Vào cuối thập niên 1950, bà ER vẫn còn tiếp tục nhận thư của người dân và trả lời trung bình 100 lá thư mỗi ngày. Lúc đó bà vẫn còn khá nhiều ảnh hưởng, kể cả ứng viên tổng thống Hoa Kỳ là John Fitzgerald Kennedy vẫn tìm mọi cách để được sự yểm trợ và ban phước lành của bà. Nhưng không phải lá thư nào cũng ủng hộ ông FDR hay bà ER. Thật ra có nhiều lá thư thẳng thắn chê bai với lời lẽ nặng nề về các chính sách hay lời nói và hành động của FDR và ER. Nhưng ngay cả những lá thư như thế có khi cũng được trả lời đàng hoàng, với lời lẽ nghiêm chỉnh, tôn trọng.
Những lá thư đó trở thành khối tài liệu sống thực để phần nào đánh giá mối quan tâm cụ thể của những người lãnh đạo quốc dành cho người dân của mình. Rất tiếc đó là một thời đã qua. Ngày nay truyền thống viết thư, và trả lời thư, chắc không còn nữa. Thật ra những lá thư gửi đến các lãnh đạo chính trị vẫn tiếp tục nhận được trả lời, bằng email hay bằng thư từ hẳn hoi. Nhưng những lá thư được chấp bút bằng chính bàn tay của lãnh đạo thì thật là hiếm. Họ có lẽ quá sức bận và chịu nhiều áp lực, và đó là điều dễ hiểu.
Việt Nam, trong thế kỷ qua, có bao nhiêu lãnh đạo quốc gia viết thư tận tay cho những người dân bình thường trong xã hội ? Tôi cũng thắc mắc không biết lãnh đạo cộng sản Việt Nam, từ ông Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng v.v… cho đến Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc hôm nay, những người suốt ngày cứ ra rả cái gì cũng vì dân, của dân, do dân, vân vân… nhưng có bao giờ viết thư trả lời cho bất cứ thường dân nào không nhỉ ? Nhất là đối với những dân oan ! ! !
Úc Châu, 20/05/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 23/05/2019
Cuộc sống này đầy những vấn đề. Con người, bất kể giàu hay nghèo, da trắng đen hay vàng, có niềm tin tôn giáo hay vô thần, về mặt thể xác tâm lý hay tinh thần, cá nhân gia đình tập thể quốc gia hay toàn nhân loại, trong mọi công việc và điạ hạt, đều có những vấn đề và những thử thách trong đời sống.
Hiểu được con người và điều giải được cảm xúc cũng là một trong các kỹ năng quan trọng nhất của lãnh đạo. Hình minh họa.
Mỗi thời đại đều có những vấn đề và thử thách của riêng nó. Và làm người thì chắc chắc ai cũng có vấn đề của riêng mình. Và ai cũng có đầy cảm xúc. Nó không phân biệt bất cứ ai.
Vấn đề trong cuộc sống không phải là làm sao chúng ta không có quá nhiều vấn đề, hay không có quá nhiều cảm xúc, mà là làm sao để điều giải, quản lý các vấn đề và cảm xúc của chính mình và những người tương tác với mình.
Câu hỏi thường đặt ra xưa nay là rằng đứng trước những sự kiện lớn lao, những người lãnh đạo quốc gia giải quyết nó, lấy các quyết định hệ trọng, bằng lý hay tình, hay cả hai ?
Theo nhà kinh tế học Eric Stark Maskin thuộc trường Đại học Harvard, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2007, thì khi Giám đốc điều hành một công ty (CEO) lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào, người ta sử dụng cả hai lý và tình cùng lúc. Chẳng hạn, khi chúng ta có sự đồng cảm thì chúng ta dễ nhận ra được những điều/dấu hiệu mà bị giấu kín nếu chúng ta chỉ sử dụng lý trí mà thôi. Ông cũng biện luận rằng hiểu được động cơ và cảm xúc của người khác là vô cùng hệ trọng trong việc nối kết hiệu quả các tình huống mang tính chiến lược và tương tác.
Thật vậy, hiểu được cảm xúc của người khác có lẽ là chìa khóa quan trọng nhất trong quan hệ con người. Lý, thì người ta dễ trình bày hơn, dễ diễn đạt hơn. Nhưng cảm xúc con người thì rất là phức tạp. Phức tạp đến độ nhiều khi chính mình không hiểu được mình, và không hiểu vì sao mình lại có những cảm xúc như thế. Nó vô hình và vô ngôn để diễn tả đầy đủ.
Trong thời đại công nghệ bốn này, máy siêu vi tính và máy tính lượng tử, nhất là được trang bị bởi thông minh nhân tạo (artificial intelligence, AI), có thể thay thế con người hầu như ở mọi chức năng, ngay cả viết tiểu thuyết sắc sảo, vào một tương lai gần. Nhưng hiểu được con người, có được các kỹ năng để giải quyết các vấn đề của con người (people’s skills) trong thời đại này, không phải là chức năng của máy móc. Người nào có được các kỹ nàng này sẽ bảo đảm là không bị thiếu việc trong các thập niên tới.
Hiểu được con người và điều giải được cảm xúc cũng là một trong các kỹ năng quan trọng nhất của lãnh đạo. Những nghiên cứu khám phá mới nhất trong vài thập niên qua về lãnh đạo cho thấy những người lãnh đạo xuất chúng xưa nay đều là những người có trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence, EI/EQ) cao. Đây là các đặc tính bất biến với thời gian.
Nhà kinh tế học David Deming thuộc đại học Harvard nghiên cứu từ năm 1980 đến nay cho biết lương bổng phần lớn gia tăng đối với các công việc đòi hỏi các kỹ năng xã hội (social skills). Theo Deming thì đọc được suy nghĩ của người khác và phản ứng lại là một tiến trình vô thức, và các kỹ năng trong bối cảnh xã hội đã chuyển hóa trong con người hàng ngàn năm qua. Máy móc không thể thay thế con người ở mặt này.
Những người có chỉ số thông minh cao (intelligence quotient/IQ) chưa hẳn là người thành công hay lãnh đạo giỏi. Thiếu các kỹ năng xã hội, thiếu nhận thức về chính mình (hay ý thức, self-awareness) là những bất lợi lớn cho sự nghiệp của họ. Không ai muốn làm việc với một người độc đoán độc tài, nói dài nói dai, nói đàng làm nẻo, thiếu thông cảm và đồng cảm, thiếu tinh thần tương thân tương trợ, gian lận trí trá, hống hách kiêu căng, tự cao tự đại, chôm thành quả và ý kiến của người khác mà không ghi nhận rõ ràng, vân vân…
Tiến sĩ Travis Bradberry là tác giả của cuốn sách chuyên về thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence 2.0). Đây là tác phẩm vô cùng hữu ích cho những ai muốn làm việc xã hội, kinh tế, chính trị, hay nói chung là cần làm việc với người khác. Nhiều tác phẩm khác về EQ cũng rất có giá trị. Trong lĩnh vực hoạt động cộng đồng và vận động dân chủ, những kiến thức và kỹ năng này có lẽ là cần biết và cần thiết hơn tất cả. Lý do căn bản là vì nếu không hiểu được động cơ và cảm xúc của con người thì làm sao có thể động viên, truyền cảm hứng và thu phục được nhân tâm ? Nếu không thu phục được thì làm sao thành công đối với vấn đề trên bình diện quốc gia ?
Trong nhiều thập niên qua, người Việt hải ngoại có vẻ ngày càng bớt quan tâm đến những vấn đề dân chủ hay nhân quyền tại Việt Nam. Có rất nhiều lý do, không chỉ một lý do riêng biệt nào. Mệt mõi là một. Sau bao năm miệt mài ai cũng cảm thấy… nản. Bất lực là hai. Vấn đề quá to tát trong khi số người quan tâm, dấn thân và trách nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu lãnh đạo là ba, và có lẽ là chính. Không có lãnh đạo tài giỏi, có tâm và có tầm, có chiến lược, thì không thể vận động được nguồn lực tài chánh và nhân sự, trong lẫn ngoài nước, và không thể huy động và quy tụ các xu hướng và tổ chức có tiềm lực ngồi chung lại với nhau. Bao nhiêu người nhiệt tình sau một thời gian ngưng hoạt động vì thiếu lãnh đạo.
Nhưng tôi cho rằng văn hóa chính trị là nguyên do nền tảng. Trung điểm của vấn đề này là quan hệ giữa con người với nhau. Giữa giới lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo, nói theo ngôn ngữ của Tùng Phong Ngô Đình Nhu. Cũng như giữa lãnh đạo với nhau, và giữa những người chịu sự lãnh đạo với nhau. Vì các yếu tố này nên không ai chịu ngồi với ai, chuyện nhỏ hóa thành lớn, làm lớn chuyện thay vì chuyện lớn, nên mọi nơi gần như chia năm xẻ bảy, nguồn lực vốn đã không bao nhiêu lại bị phân tán trãi mỏng, vân vân…
Tại sao mỗi cá nhân người Việt thì rất khá, nhưng trên bình diện tập thể, cộng đồng, đất nước, thì chỗ đứng Việt Nam hiện nay thật không xứng đáng chút nào ?
Tôi cho rằng tất cả đều là các vấn đề thông minh cảm xúc/EI/EQ. Nắm bắt được các kỹ năng này là chìa khóa để xây dựng con người, thay đổi văn hóa, và thay đổi chính trị. Sẽ không bao giờ trễ nếu chúng ta muốn học và muốn thay đổi.
Đây là các đề tài mà tôi sẽ trình bày chi tiết hơn, qua các thí dụ cụ thể trong lịch sử, qua người thật việc thật, cũng như qua các nghiên cứu khoa học, trong các bài tới.
Úc Châu, 15/05/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 18/05/2019
Để có tư tưởng tự do
Phạm Phú Khải, VOA, 11/05/2019
Đọc lịch sử Trung Quốc, nhất là từ các biến cố đưa đến Phong trào Ngũ Tứ cách đây đúng 100 năm, rồi sự hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi đến thời đại Mao Trạch Đông và gần nhất là thời đại Tập Cận Bình, chúng ta thấy gì ?
Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 : Người đạp xe kéo cùng người bên đường đưa người bị thương đi bệnh viện sau khi quân đội Trung Quốc bắn giết.
Thấy một nền văn hóa chính trị vẫn mang tính độc tài toàn trị xuyên suốt. 100 năm nhìn lại, Trung Quốc tất nhiên đã thay đổi sâu sắc, như mọi quốc gia khác trên toàn thế giới. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc với nền kinh tế và quân sự chỉ sau Hoa Kỳ, và có khả năng qua mặt để trở thành siêu cường kinh tế trong một hai thập niên tới. Nhưng bản chất văn hóa chính trị của Trung Hoa vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đó là một văn hóa chính trị không chấp nhận quyền con người, quyền tự do cá nhân. Các nếp suy nghĩ, nếp sống, truyền thống và các thang giá trị hàng ngàn năm trước vẫn còn ảnh hưởng, không dễ gì mất đi, mặc dầu được tiếp cận với các nguồn văn minh khác nhau. Ảnh hưởng của Khổng/Nho giáo như vẫn ăn sâu vào tâm khảm, vào trong máu của họ. Hiển nhiên Khổng giáo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng hôm nay và trong thời gian tới, nhất là khi nó nằm trong một sách lược mà chế độ cai trị hôm nay xem như là một trong các hộp đồ nghề để khai dụng.
Ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore (và rất tiếc, Việt Nam Cộng Hòa) thì vào những lúc ban đầu, các thể chế dân chủ vẫn mang đậm các nét độc tài hoặc/và gia đình trị, vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo, mặc dầu các cơ chế dân chủ cơ bản đã được hình thành. Nhưng nhờ có nền tảng dân chủ này, trong đó có tam quyền phân lập, có nền pháp quyền, với các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và bầu cử, các sinh hoạt xã hội dân sự vốn đa dạng nên có cơ hội phát huy mạnh mẽ. Sự tăng trưởng kinh tế và sự hình thành một giai cấp trung lưu vững sau một thời gian đã giúp cho người dân hiểu rõ lợi ích và quyền hạn của mình, và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ nó. Nói chung dân trí, dân khí và dân sinh, nói theo ngôn ngữ của cụ Phan Châu Trinh, đã là nền tảng để chuyển hóa xã hội từ văn hóa chính trị phong kiến, bảo thủ, độc tài sang văn hóa đa nguyên, cấp tiến và dân chủ qua tiến trình tiệm tiến nhưng ổn vững. Trên hết, nhờ có nền tảng cơ bản nên sự vận động và đấu tranh trong các xã hội này không bao giờ ngừng nghỉ, ngay cả ngày hôm nay, để ngày một tiến bộ hơn, bình đẳng hơn, và công bằng hơn. Chính vì thế mà các quyền con người, quyền cá nhân và riêng tư, sau một thời gian, đã dần dần đi vào lĩnh vực văn hóa xã hội, văn hóa kinh tế và văn hóa chính trị tại các nước này (Singapore tuy giàu có nhưng vẫn chưa được dân chủ như các quốc gia kia).
Trong khi đó, tại Trung Quốc, truyền thống chính trị xưa nay là không hề chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, và không chấp nhận cá nhân đứng trên tập thể, mặc dầu trên thực tế thì trong suốt chiều dài lịch sử của họ luôn có một vài cá nhân đứng trên đầu trên cổ hàng trăm triệu đến cả tỷ người khác. Đó là điều mâu thuẫn của nền văn hóa chính trị còn mang nặng tư tưởng Khổng giáo này. Trong khi đó, trung điểm của nền dân chủ cấp tiến là chủ nghĩa cá nhân ; nhưng không hề có sự cai trị độc tài, tàn ác như đã xảy ra ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà tất cả đều phải được người dân tín nhiệm để lãnh đạo đất nước cho đến khi nào hết thời hạn cho phép trong hiến pháp, hoặc không còn được người dân tín nhiệm nữa.
Các ý niệm phổ quát về nhân quyền thì được giới cầm quyền Trung Quốc xem là du nhập của Tây phương, là độc hại cho sự phát triển và cho sự hòa hợp dân tộc. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác – Lê, cũng từ Tây phương không kém, thì không hề được xem như thế ! Rất tiếc, những người lãnh đạo ban đầu của Phong trào Ngũ Tứ lại đi chọn chủ nghĩa Mác Lê chỉ đạo cho cuộc đấu tranh cứu lấy Trung Hoa của họ. Nghĩa là họ ý thức chọn chủ nghĩa cộng sản bao bọc chủ nghĩa quốc gia. Thật ra những người cộng sản quốc tế ở mọi nơi đều mang hai ý thức hệ song song : vừa cộng sản vừa quốc gia. Hai ý thức hệ này tuy mâu thuẫn nhưng trên thực tế thì không. Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro hay gia đình ba giòng họ Kim tại Bắc Hàn v.v… xưa nay đều có cả hai. Họ đều sử dụng chủ nghĩa Mác Lê như là công cụ tư tưởng vì có lẽ tin rằng nó giải quyết được bài toán quốc gia của mình. Lê Nin hay Stalin cũng dùng nó để cứu lấy Nga và phát triển Nga thành Liên Bang Xô Viết nhưng mục tiêu là cho dân tộc Nga là chính. Tất nhiên trên bề mặt họ phải chứng tỏ là người cộng sản quốc tế chân thành về mặt ý thức hệ, nhưng các vấn đề chính trị quốc gia và địa phương vẫn là ưu tiên trong các chính sách quốc gia hay hành động của họ.
Nhưng chủ nghĩa Mác - Lê, tốt nhất, cũng chỉ là một nền dân chủ tập trung đối với cơ chế độc đảng của họ (trong nội bộ), và tệ nhất, là sự sùng bái cá nhân (lên toàn dân tộc) hầu như mọi nơi nó dung nạp. Stalin, Mao, Hồ, Kim (x3), Castro, Pol Pot v.v… nắm mọi quyền sinh sát trong tay. Khi không có những cá nhân mạnh mẽ này thì lúc đó tập thể sẽ lãnh đạo. Tập thể lãnh đạo nhưng không ai chịu trách nhiệm gì cả, nhất là đối với các chính sách và quyết định sai lầm của mình. Mọi nơi có chủ nghĩa này du nhập đều trở nên hư hỏng lớn là vì lắm kẻ bòn rút phá hoại nhưng ít người, nếu không phải là cản trở những người, muốn đóng góp xây dựng.
Tóm lại, văn hóa chính trị Trung Hoa ngàn xưa đến nay vẫn chủ yếu phong kiến và độc tài, rồi du nhập và kết hợp thêm với chủ nghĩa Mác Lê một cách triệt để. Vẫn có những người yêu chuộng và thao thức các tư tưởng chính trị dân chủ cấp tiến, nhưng họ vẫn là thiểu số và không nắm thực quyền, nên sau đó bị loại trừ, đàn áp thẳng tay, như biến cố Thiên An Môn. Thế hệ trẻ ngày nay thì bị bưng bít và tuyên truyền qua truyền thông và chính sách giáo dục yêu nước. Cho nên hậu quả ngày nay là thế. Trung Quốc đã liên tục phát triển về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, ngoại trừ dân chủ hóa chính trị. Và cái giá người Trung Quốc phải trả là ông Tập, và những cá nhân mạnh mẽ khác sau ông, sẽ làm Chủ tịch vô hạn định, mà như thế thì sự chuyển giao quyền lực về sau này có nguy cơ bất ổn, các quyền dân sự và chính trị thì bị gạt qua một bên, và nhân quyền nói chung bị chà đạp thẳng tay.
Các tư tưởng và hoạt động chính trị tại Trung Quốc luôn có những tác động mạnh mẽ lên giới trí thức và hoạt động Việt Nam xưa và nay. Vào thời điểm gần 100 năm trước, chủ nghĩa Tam Dân và trào lưu Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, cũng như các tư tưởng và hoạt động của Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế tại Trung Quốc và các trào lưu xã hội chủ nghĩa, đã có những tác động sâu sắc lên giới trí thức và giới hoạt động tại Việt Nam, cả phía quốc gia lẫn cộng sản. Mãi cho đến hôm nay, rất tiếc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thay vì học hỏi những cái hay cái mới và khoa học của các nền văn minh tiến bộ thì họ vẫn dò dẫm theo con đường của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Cách đây hai tuần, tôi có trao đổi với một bạn trẻ, một nhà hoạt động, từ Việt Nam. Bạn ấy có kiến thức, lý luận và lập trường vững, và tất nhiên có tư duy bài Trung Quốc mạnh mẽ. Bạn có gửi tôi bài viết dùng lịch sử để phân tích hướng đi của mình và hỏi tôi nghĩ gì. Bài viết trích dẫn các nhân vật lịch sử Trung Quốc khá nhiều. Đọc xong thấy vừa buồn vừa thương cho bạn trẻ. Tôi hỏi bạn tại sao không viện dẫn các nhân vật trong lịch sử Việt Nam hay thế giới, đâu phải khan hiếm gì, mà còn xác thực hơn, bởi vì các cuốn sử Trung Quốc, kể cả Tam Quốc Chí, đều mang rất nhiều tính hư cấu trong đó. Bạn nói "Vâng, em vẫn biết thế anh ạ, nhưng em vẫn chưa biết làm sao xóa sạch tư duy này ! Chắc cần vài thế hệ, nếu ý thức".
Con đường thoát Trung Cộng, nghĩa là thoát Trung Quốc lẫn Cộng Sản, là phải có một tư duy/tưởng mới. Muốn độc lập tự do thật sự thì phải dứt khoát với tư duy lệ thuộc, với các tư tưởng đã xiết cổ dân tộc Việt Nam bao ngàn năm qua. Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam cả ngàn năm, nên các tư tưởng văn hóa chính trị của họ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Một người chỉ có thể nhận ra được điều này khi đứng ở bên ngoài nhìn vào, được trang bị bằng những tư duy và lăng kính khác, hoặc có được ý thức tự giác và phản ánh cao độ.
Bao nhiêu người trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba có thể phát triển được những đức tính cao quý như bao nhiêu người khác trong xã hội văn minh mà họ đang sống : tự tin, tự tôn, công bằng, cam kết, trách nhiệm, đạo đức, liêm chính, chăm chỉ, nhẫn nại v.v… Họ có biết về tư tưởng hay lịch sử chính trị Trung Hoa hay không không quan trọng, và nó cũng không thay đổi bao nhiêu tài năng và khả năng lãnh đạo của họ. Tất nhiên hiểu về lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, hay thế giới đều rất cần thiết để mỗi người tự rút ra bài học cho chính mình, nhất là trong vai trò lãnh đạo. Nhưng nhờ nền giáo dục nhân bản, toàn diện về con người, và nhờ sự đề cao nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì, và không sợ thất bại, nên ở bất cứ nơi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào những người có tri thức, tư duy và kỹ năng này cũng thành công (ngoại lệ là chế độ độc tài).
Nói cách khác, con đường để xóa bỏ xiềng xích, để thoát Trung thoát Cộng, để có được độc lập, tự do và tự chủ cho mỗi người, chứ không phải cho bất cứ chế độ chính trị nào, là đầu tiên phải ý thức được các tư duy lệ thuộc đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người, và sau đó nỗ lực đi tìm hiểu con đường dân chủ cấp tiến (liberal democracy) mà Hoa Kỳ và các nền dân chủ Tây phương đã đi qua. Nó thích hợp cho mọi dân tộc khát khao tự do vì nó đứng trên nền tảng của cá nhân để cùng nhau có tinh thần trách nhiệm xây dựng xã hội, đất nước, thay vì bị một tập thể ngu dốt kiềm hãm mọi sự phát triển của những tài năng dân tộc. Nó cũng không hề là chủ nghĩa lai căng du nhập cốt để phá hoại nền văn hóa và truyền thống dân tộc như bị tuyên truyền. Nhưng cái mà nó sẽ phá là những cá nhân và chế độ độc tài muốn tiếp tục cưỡi lên đầu lên cổ người dân dưới các chiêu bài dân túy mị dân.
Chúng ta có thể học hỏi trực tiếp từ các bài học dân chủ hóa thành công của các dân tộc khát khao tự do trên thế giới, không cần phải đi qua bất cứ trung gian nào. Đó là điều mà người dân Việt Nam, Trung Quốc, hay bất cứ dân tộc nào, muốn được tự do cũng phải làm. 100 năm, năm thế hệ với bao nhiêu đắng cay tủi nhục, hy vọng giúp chúng ta nhìn thấy được bài học và con đường phải đi và nỗ lực cần phải bỏ ra để đạt được mục tiêu. Thế hệ thanh niên sinh viên thường có lý tưởng và muốn dấn thân trong mọi thời đại. Và họ đang có dấu hiệu chuyển mình như thế tại Việt Nam. Họ sẽ làm nên lịch sử nếu được sự thương yêu, tín nhiệm và hỗ trợ bằng nguồn lực trí tuệ và phương tiện.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 11/05/2019
*****************
100 năm : bình mới rượu cũ ?
Phạm Phú Khải, VOA, 10/05/2019
Ngày 4 tháng Sáu năm nay đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn đã có kế hoạch để đối phó với mọi tổ chức hay cá nhân nào dám công khai tưởng niệm biến cố này, điều mà họ đã từng làm trong suốt 29 năm qua.
Ngày 4 tháng Sáu năm nay đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn.
Nhưng một biến cố lịch sử có thể nói là trọng đại hơn, gây nhiều tranh cãi hơn, có liên hệ mật thiết đến biến cố Thiên An Môn 4/6/1989, đã xảy ra và tiếp tục ảnh hưởng lên tư duy của bao nhiêu thế hệ Trung Quốc trong suốt 100 năm qua, là biến cố 4/5 (Wusi, May Fourth, tức năm bốn, hay ngũ tứ), năm 1919. Biến cố này sau này có tên là Phong trào Ngũ Tứ (May Fourth Movement ). Phong trào này đã đánh thức toàn xã hội Trung Quốc, hay nói đúng hơn, thức tỉnh giới tinh hoa Trung Hoa trước và từ đó lan rộng ra toàn xã hội, và dẫn đến sự hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu sau đó.
Nhân dịp kỷ niệm năm nay, ông Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ Trung Quốc hôm nay phải yêu tổ quốc, vâng lời và làm theo Đảng. Ông Tập cũng khuyến khích họ học hỏi Phong trào Ngũ Tứ, và không quên nhấn mạnh rằng những ai không yêu nước, và những ai gian dối và phản bội lại tổ quốc, là một sự ô nhục trong mắt của đất nước và thế giới.
Tuy thế, tại sao Tập Cận Bình nói riêng, Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung, vẫn tỏ ra e ngại và dè dặt trong việc tổ chức ăn mừng lẽ ra là ngày tái sinh, hay phục hồi, hay ngày mà phong trào muốn khẳng định lại chủ quyền, quyền tự quyết và tự hào Hán tộc ?
Đó là vì tính phức tạp và mâu thuẫn của biến cố lịch sử này. Bởi qua biến cố này, những người am hiểu lịch sử trung thực, không phải lịch sử bị bóp méo hay viết lại bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhìn thấy được xuyên suốt sự dối trá và phản bội của nhà nước Trung Quốc hiện nay, cũng như bảy thập niên qua.
Theo nhà văn/báo Dan Xin Huang và sử gia Jeffrey N. Wasserstrom, thì 100 về trước, vào tối đêm ngày 3 tháng Năm 1919, một nhóm sinh viên tụ tập lại trong một giảng đường vắng trong trường đại học Bắc Kinh. Thế Chiến I chấm dứt nửa năm về trước, nên một hội nghị giữa các phe đồng minh thắng cuộc họp tại Versailles để đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Trung Quốc là một thành viên của phe đồng minh nhưng cảm thấy mình đã bị "phản bội" vì Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã quyết định dành phần lãnh thổ đang được tranh chấp với Nhật, tỉnh Shandong, về phía Nhật, không có tiếng nói của Trung Quốc trong quyết định này. Thông tin về quyết định này đã đến Trung Quốc sáng ngày 2 tháng Năm 1919. Sự sỉ nhục này và mối quan ngại cho sự tồn vong của quốc gia này đã đưa đến cuộc biểu tình tuần hành vào ngày 4 tháng Năm để "Cứu nước Trung Quốc". Cứu Trung Quốc trở thành điều quan trọng nhất trong trí óc của tầng lớp ưu tú và có học thời đó.
Ba ngàn sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau tuần hành đến quảng trường Thiên An Môn để phản đối kết quả tồi tệ của Hiệp ước Versailles. Một số bị đánh đập, bắt bớ, làm cho cuộc biểu tình lan rộng sang nhiều thành phố khác, nhưng sau khi cuộc tổng đình công được kêu gọi, các sinh viên này được trả tự do. Biến cố này làm thức tỉnh mọi tầng lớp Trung Quốc đã ngủ quên bấy lâu nay, về văn hóa lẫn chính trị, và trở thành biểu tượng của sự ra đời một nước Trung Quốc hiện đại. Kể từ đó, biến cố này là sự nhắc nhở sâu sắc và đáng kể về các luồng tư tưởng chính trị đa nguyên, một thời "trăm hoa đua nở" của sự mở rộng cấp tiến, mà được các sử gia ví như là "Khai sáng Trung Hoa". Nó được xem như cái nôi của tầng lớp trí thức mới, sự hình thành chủ nghĩa dân tộc, và sự mở rộng ra bên ngoài.
Theo Dan Xin Huang thì thật ra, các hạt mầm đưa đến biến cố này đã xảy ra một thập niên về trước. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ nhà văn và học giả được đào tạo tại Nhật và Tây phương đã ra nước ngoài tìm các thiết bị mới để cải cách nước nhà. Đầu thập niên 1910, khi trở về nước, họ đã thiết lập hàng trăm nhật ký và tạp chí và đặt hầu như mọi tên gọi đính kèm với chữ mới, từ Văn học Nghệ thuật Mới, đến Thanh niên Mới v.v… Cái gì cũng mới. Họ tạo thành một Phong trào Văn hóa Mới. Nhờ sự chuẩn bị về tư duy, tư tưởng mới, văn hóa mới này, mà sinh viên mới châm ngòi cho cuộc tuần hành ngày 4 tháng Năm, và đã phần nào đó thống nhất được các khuynh hướng suy nghĩ rời rạc, khác nhau thành thống nhất theo cái gọi là chủ nghĩa dân tộc. Tuy thế, mục tiêu trong phong trào cũng khác nhau. Có người chủ trương vận động để có tự do chính trị nhiều hơn. Có người tấn công vào di sản Khổng giáo như một hệ tư tưởng chi phối toàn quốc gia. Có người đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc. Và cũng có xu hướng đề cao "Khoa học" và "Dân chủ". Nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung : cứu lấy Trung Hoa.
Từ phong trào yêu nước này, một nhóm sinh viên tại đại học Bắc Kinh nghiên cứu chủ nghĩa Mác, hay các nhà Mác xít, được động viên bởi cuộc Cách mạng Nga, đã bắt đầu phát tán thông tin về đấu tranh giai cấp và cách mạng trên bình diện toàn quốc. Được sự hỗ trợ của Đệ Tam Quốc Tế, khoảng một tá nhà mác-xít tụ tập tại Thượng Hải vào tháng Bảy 1921, để thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một trong các đại biểu có mặt dịp này là Mao Trạch Đông, người mà trước đó theo xu hướng vô chính phủ (anarchism), để bắt đầu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lê. Hai người chủ chốt khác là Chen Duxiu và Li Dazhao, từng lãnh đạo cuộc biểu tình 4/4/1919 trước đó. Tóm lại, lịch sử hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc có nguồn gốc từ Phong trào Ngũ Tứ, mà lịch sử chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc ghi nhận là "đánh thức ý thức dân tộc Trung Quốc", và "chuẩn bị các điều kiện căn bản cho sự hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc". Chính tâm thức này đã giúp đưa đến sự chiến thắng của phe cộng sản đối với phe quốc gia của Tưởng Giới Thạch, hình thành nhà nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông vào năm 1949, tức 30 năm sau.
Những cuộc thử nghiệm của Mao sau đó, từ cách mạng văn hóa, đến chính sách Đại Nhảy Vọt v.v… vào thập niên 1940 và 1950, đã là thảm họa tàn khốc mà không cần nói thêm ở đây. Chưa hết, Mao lại tiến hành cuộc cách mạng văn hóa vô sản vĩ đại khác vào năm 1966 để tẩy sạch tàn dư của các thế lực "phản động", loại trừ các lãnh đạo hàng đầu của đảng và thành viên các gia đình sinh viên, đập tan bốn cái cũ hủ lậu : suy nghĩ cũ, truyền thống cũ, thói quen cũ, văn hóa cũ. Trong các cuộc cách mạng và thanh trừng này, hành triệu người là nạn nhân, trong đó có cả gia đình Tập Cận Bình . Bố ông Tập, Xi Zhongxun (1913–2002) xuýt bị giết hại năm 1935, bị thanh trừng năm 1962, bị tra tấn trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và bị cho về hưu năm 1987. Chị (cùng cha khác mẹ) ông Tập bị dằn vặt đến độ phải tự tử. Chính ông Tập cũng bị gửi về vùng thôn quê để lao động cùng với nông dân. Vì khổ cực quá mà ông đã tìm cách chạy trốn nhưng đã bị bắt và bị trả về lại chỗ cũ.
Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, đề ra các chính sách cải tổ sâu rộng, và công nhận 4 tháng Năm là "phong trào giải phóng tư tưởng" trong thời đại mới vào năm 1978. Kể từ đó những người cấp tiến tại Trung Quốc đã đề cao tinh thần 4 tháng Năm là dân chủ và khoa học. Họ thường xương tập họp tại tại một nơi ở trung tâm Bắc Kinh, đặt tên nó là bức tường dân chủ, vào các năm 1978 và 1979, lên án các chính sách trong thời đại của Mao và cách cai trị độc tài, và kêu gọi cải cách sâu rộng. Đến cuối năm 1979, đảng bắt đầu lo lắng nên bắt bớ các lãnh đạo phong trào. Vì không phê bình được đảng nên họ đổi chiến thuật sang phê bình các truyền thống xưa như là nguồn gốc của những thứ bệnh hoạn của Trung Quốc. Phong trào vẫn tiếp tục phát triển như "cơn sốt văn hóa". Các sinh viên du học từ Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương khác trở về thành lập các nhóm đọc sách với nhau tại trường đại học Bắc Kinh, gọi tắc là "Beida", cũng như tại nhiều trường đại học khác. Họ nghiên cứu học hỏi các tư tưởng trào lưu Tây phương như các triết gia Hayek và Heidegger, Nietzsche và Weber. Một nhà hoạt động Wang Dan phổ biến bài viết tựa đề "4 tháng Tư Mới", và vào tháng Tư năm 1989, biện luận rằng "họ Đặng đã thiết lập các vùng đặc biệt để phát triển kinh tế, trường đại học nên phục vụ như là địa bàn đặc biệt để cổ võ dân chủ hóa chính trị".
Vào ngày 4/5/1989, sinh viên tập trung tại quảng trường Thiên An Môn và công bố "Tuyên ngôn 4 tháng 5 mới", kêu gọi mọi người biểu tình "mang tinh thần khoa học và dân chủ của Bốn tháng Tư về phía trước". Một tháng sau, cuộc biểu tình đã bị quân đội ở các nơi khác gửi về và xe tăng đàn áp thô bạo. Những gì xảy ra kể từ 4/6 đã là lịch sử mà nhiều người đã biết đến, ngoại trừ các thế hệ sinh trưởng sau này do sự bưng bít và do nền giáo dục và thông tin dưới sự toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Dan Xin Huang thì năm 2019 đánh dấu hàng loạt kỷ niệm các biến cố chính trị : 10 năm kể từ cuộc bạo loạn của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Urumqi ; 20 năm kể từ sự đàn áp Pháp Luân Công ; 60 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma bị lưu đầy khỏi Tây Tạng ; 30 năm biến cố Thiên An Môn ; và 100 năm phong trào Bốn tháng Năm. Trpng thời gian qua, chính quyền Tập Cận Bình đã cho cài đặt đủ loại máy quay phim khắp trường đại học Bắc Kinh, xây dựng mạng lưới theo dõi báo cáo, xếp đặt nhân sự thân đảng làm chủ tịch sinh viên. Ngoài ra họ tước hết mọi nguồn động viên từ 4 tháng Năm và làm sạch các hệ lụy trước đây để trở thành các điểm nói chuyện cho đảng. Họ thực hiện các khảo sát trong trường đại học Bắc Kinh để xem thử sinh viên nghĩ gì về lãnh đạo "tài tình" như Tập, và phản ứng ra sao với nhận định "nền dân chủ Tây phương và dân chủ đa đảng không phù hợp với Trung Quốc". Dù với các biện pháp bạo ngược như thế, nhà nước Trung Cộng vẫn không dập tắc được ngọn lửa và khát vọng của giới trẻ. Vẫn bao nhiêu sinh viên tại đại học Bắc Kinh bị giam cầm, bị bắt im lặng, và nhiều sinh viên và cựu sinh viên tại đây và khắp Trung Quốc đã đột nhiên biến mất. Điều oái ăm là nhiều người trong số này, kể cảsáu sinh viên theo chủ nghĩa mác-xít nhưng họ là người phê phán các điều kiện lao động tại Trung Quốc, đấu tranh cho quyền công nhân, lại bị giam cầm và biến mất.
Chen Duxiu, Tổng Bí Thư và đồng sáng lập viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì từng xung đột với Mao Trạch Đông nên sau đó đã bị mất khỏi chức vụ này năm 1927. Hai năm sau ông Chen bị trục xuất khỏi đảng chỉ vì kêu gọi dân chủ hơn trong đảng. Năm 1942 ông Chen chết tại vùng thôn quê mà chẳng ai nhớ đến. Sau khi Mao chết, ông Chen được phục hồi như một biểu tượng của lòng yêu nước. Tuy thế, không phải vì thế mà tin rằng ông Chen muốn cổ võ cho nền dân chủ kiểu Tây phương, dân chủ cấp tiến. Ông Chen Duxiu và Li Dazhao đều là đồng sáng lập viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đều là nhân vật chính của Phong trào Ngũ Tứ. Nhưng hai ông không nghiên cứu và lĩnh hội các tư tưởng dân chủ cấp tiến Thời đại Khai sáng bên Tây phương hay cuộc cách mạng Hoa Kỳ hay mà chủ yếu trông chờ vào Các Mác để dẫn đường.
Jeffrey N. Wasserstrom kết luận rằng cuối tuần qua, các lễ kỷ niệm chính thức đã diễn ra khắp Trung Quốc để đánh dấu 100 năm tinh thần của sinh viên năm 1919, dưới sự bảo trợ của các lãnh đạo quốc gia mà đại diện cho chính sách và giá trị từng bị giới sinh viên 100 năm trước đã phản đối. Họ dường như không nhận ra rằng tinh thần đích thực của Ngũ Tứ vẫn còn sống mãi.
Còn Dan Xin Huang thì kết luận : "100 năm trước những người trẻ lý tưởng Trung Quốc đã sát cánh nhau gióng lên để đánh động lương tâm quốc gia. Ngày nay, những người thừa kế họ đối diện với sự bị xóa bỏ (thủ tiêu)".
Điều kinh hoàng nhất qua biến cố lịch sử này có lẽ là sự lường gạt, phản bội, trí trá lẫn nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi chính một nạn nhân như Tập Cận Bình lại trở nên thủ phạm khắc nghiệt. Khổng giáo và Mao Trạch Đông được mang trở lại và được đề cao trên bình diện quốc gia và quốc tế. Trong khi hàng chục triệu sinh linh vô tội đã là nạn nhân của trò chơi vương quyền đó.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 10/05/2019
Tài liệu tham khảo :
Bài này được dựa trên các bài viết và tài liệu chính sau đây :
1. Jiayang Fan, "Xi Jinping Tries to Crash the May Fourth Movement’s Centenary ", The New Yorker, 4 May 2019.
2. Dan Xin Huang, "The Chinese Enlightenment at 100 ", Foreign Affairs, 3 May 2019.
3. Ankit Panda, "The Legacy of China's May Fourth Movement ", The Diplomat, 5 May 2019.
4. Andrew J. Nathan, "Who is Xi ? ", The New York Review of Books, 12 May 2016 Issue.
5. Eduardo Baptista, Yong Xiong and Ben Westcott, "Six Marxist students vanish in China in the lead up to Labor Day ", CNN, 2 May 2019.
6. Jeffrey N. Wasserstrom, "May Fourth, the Day That Changed China ", The New York Times, 3 May 2019.
Tuần trước, trong lúc chờ đợi ly cà phê, tôi đọc nhanh một bài báo của tờ Heraldsun tại Úc về tác động của màn hình lên bộ não trẻ con. Tôi quan tâm đến đề tài này từ lâu, một phần vì hiếu kỳ đến các vấn đề liên hệ đến khoa học thần kinh, phần khác vì có con nhỏ. Từ lúc hai tuổi, các con tôi đã được cho phép dùng iPad/Tablet, được coi truyền hình và dùng máy tính, mặc dầu giới hạn thời gian. Và qua quan sát và trãi nghiệm này gần một thập niên qua, tôi rất muốn biết các nghiên cứu nói gì và kết luận gì về tác động của thời gian màn hình (screen time) lên sự phát triển của một đứa trẻ.
Người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996), nghiện màn hình, có nguy cơ gần như bị tự kỷ.
Bài báo này, do đó, đập vào mắt tôi ngay lập tức. Lý do là vì cái tựa "Những người thuộc thế hệ Millennials (tức thế hệ Y, sinh từ năm 1981 đến 1996) mà bị nghiện màn hình có nguy cơ gần như bị tự kỷ (virtually autistic, or virtual autism)". Nhận định này đến từ bà Baroness Susan Greenfield, một trong các nhà khoa học thần kinh hàng đầu tại Anh, tại một diễn đàn với các chuyên gia y khoa Úc vào tuần trước. Bà Greenfield cảnh báo rằng sự nghiện truyền thông xã hội đang lấy mất thế hệ này khả năng để hiểu được truyền thông/ngôn ngữ không lời (non-verbal communication), mà nó là phần lớn trong các đối thoại trực tiếp (mặt đối mặt). Bà Greenfield cho rằng chúng ta sẽ ngày càng chứng kiến sự gia tăng của bệnh gần như bị tự kỷ mà bà định nghĩa là "sự suy yếu/hư hại các kỹ năng giao tiếp do sử dụng quá nhiều màn hình và không đủ sự diễn tập các tương tác trực diện". Là người nghiên cứu về đề tài ý thức (consciousness), bà Greenfield đưa ra nhận định tại diễn đàn y khoa này rằng có thể thế hệ này có một loại ý thức khác, một loại ý thức không có sự tương tác nội tại, không có dòng suy nghĩ nội tại, mà là tương tác và phụ thuộc vào môi trường.
Bà Greenfield đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về khoa học thần kinh hơn hai thập niên qua, và đã trình bày mối quan tâm về tác hại của màn hình lên thế hệ hôm nay hơn một thập niên nay. Cách đây gần một thập niên, khi bà Greenfield đưa ra nhận định rằng có sự liên kết giữa sự gia tăng sử dụng internet và sự gia tăng bệnh trị kỷ, một giáo sư về tâm lý thần kinh tiến sĩ Dorothy Bishop cũng thuộc trường đại học Oxford, phê bình. Gs Bishop rằng mặc dầu bà ngưỡng mộ Gs Greenfield, nhưng bị mất tinh thần vì các tuyên bố của bà Greenfield đã đi xa từ khoa học, và không dựa trên các bằng chứng, trong khi các bậc cha mẹ của các trẻ em bị tự kỷ được nghe nhiều luận cứ đưa ra bao nhiêu năm qua rồi, giờ thêm một luận cứ khác. GS Bishop biện luận rằng phần lớn các trường hợp tự kỷ được chẩn đoán lúc các em khoảng hai tuổi, mà phần lớn chưa dùng internet, trong khi sự gia tăng đã được dẫn chứng trên hơn 20 năm qua, trước khi có Twitter và Facebook. Gs Greenfield phản biện rằng đâu phải bà nói mà không có dữ kiện, bởi các nghiên cứu của bà cho thấy ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật lên các đầu óc non trẻ. Theo Gs Greenfield thì "Khi một người kết nối mạng xã hội trực tuyến và không học cách kết nối trực tiếp hoặc cách ôm nhau, không luyện tập những điều này bên ngoài, thì điều đó có nghĩa là một đứa trẻ tiếp tục thể hiện hành vi giống như tự kỷ ?". Bà Greenfield chỉ ra sự gia tăng bệnh trị kỷ và sự gia tăng sử dụng internet, nhưng bà cũng tự biết rằng để chứng minh mối quan hệ nhân quả thì rất khó.
Vậy thì đâu là sự thật ?
Màn hình chắc chắn có tác động nhất định nào đó lên mỗi chúng ta, người lớn hoặc nhỏ. Những người quá quan tâm thì cảnh báo rằng màn hình hủy diệt thế hệ này, nhưng nghiên cứu mới nhất không ủng hộ kết luận này. Trong khi đó, Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO vừa mới cho công bố bản hướng dẫn đầu tiên về việc sử dụng màn hình. Chẳng hạn, một em bé dưới một tuổi thì không nên tiếp cận màn hình điện tử ; từ hai đến bốn tuổi không nên có hơn một tiếng thời gian màn hình mà không cử động, kể cả các trò chơi điện tử, dùng điện thoại thông minh hay tablet, hay xem truyền hình.
Tỷ lệ trẻ em sử dụng màn hình gia tăng đáng kể ở khắp nơi. Tại Úc, 90,3 phần trăm trẻ em từ 5 đến 14 tuổi đã dùng thời gian cho các hoạt động dựa trên màn hình khi không có ở trường, và phần lớn, 56.8 phần trăm dán mắt vào màn hình 10 tiếng mỗi tuần hoặc nhiều hơn. Tại Hoa Kỳ, thời gian màn hình cho trẻ em dưới 2 tuổi đã gia tăng gấp đôi, từ 1.32 tiếng mỗi ngày vào năm 1997 tăng lên 3.05 tiếng vào năm 2014 ; từ 3 đến 5 tuổi, thời gian màn hình trung bình là 2.47 tiếng vào năm 1997 và không thay đổi đáng kể năm năm 2014, mà tuyền hình là phần chính.
Màn hình, theo tôi, đều có mặc tích cực và tiêu cực của nó, quan trọng nhất là sự cân bằng về hai yếu tố : nội dung và thời gian. Từ lúc các con tôi còn bé, các chương trình được cài gắn trong iPad vẫn chủ yếu mang tính cách giáo dục, từ các apps về đánh vần, ghép chữ, làm toán, hay các trò chơi bắt phải tính toán, đều kích thích óc tò mò và phát huy khả năng suy nghĩ của trẻ con. Một số trò chơi điện tử về xây dựng, sáng tạo, nghệ thuật, hội họa v.v… cũng rất bổ ích cho các con. Các apps về lịch sử, địa lý, các chương trình trên internet về tin tức cho trẻ con v.v… cũng giúp phát huy kiến thức và thông tin. Tuy nhiên khi càng lớn các cháu càng muốn có thêm các trò chơi khác, kể cả có chút về bạo lực. Điều này rất khó tránh, và rất khó từ chối. Học và chơi cũng cần có sự cân bằng. Và đây thường là các trò chơi thu hút hơn, các cháu bị lôi cuốn hơn. Nhiều khi các cháu không chủ động được vì muốn chơi cho xong, muốn hoàn tất cái thử thách trước mặt. Và do đó không còn chủ động để cân bằng được yếu tố thời gian. Không biết khi nào nên hoặc phải chấm dứt. Và điều khó khăn nhất là lúc yêu cầu các cháu chấm dứt trò chơi. Lúc nào cũng phải năn nỉ, thuyết phục, nhắc nhở dù đã đưa ra nguyên tắc cho thời gian màn hình sử dụng hàng ngày.
Ngoài ra, về mặc tiêu cực của màn hình, thì tôi cũng nhìn thấy được các vấn đề sau đây.
Một, qua sự tương tác với màn hình, người lớn cũng như trẻ con dễ mất sự ý thức giữa thực và ảo. Cái thế giới bên ngoài phức tạp hơn nhiều, và đa dạng hơn nhiều. Đó là chưa kể các thành phần tung tin giả/fake news, làm rối mù cả lên. Điều này tác động rất lớn đến mối quan hệ của mình với người khác trong cuộc sống, nếu không ý thức rõ ràng. Sự mong đợi và qua đó ý thức với chính mình hay người khác sẽ thay đổi sâu sắc. Quan hệ con người lúc gặp mặt nhau sẽ khác nhiều với tương tác qua Internet. Cho nên sẽ là điều tích cực hơn nếu chúng ta xem những gì tiếp cận như là một góc nhìn, một quan điểm nhưng hiểu rằng còn có nhiều góc nhìn quan điểm khác mà mình không thể thấy được qua diễn đàn hay phương tiện này. Với trẻ con thiếu kinh nghiệm sống, chúng ta cần phải hướng dẫn các em nhiều hơn nữa để phân tích và phân biệt cả hai môi trường thực và ảo này.
Hai, trẻ con ngày nay không còn kiên nhẫn như trước, vì nhiều lý do khác nhau. Chúng sinh ra và lớn lên trong thời đại tin học. Cái gì cũng nhanh chóng và dễ dàng. Đi tìm tài liệu về bất cứ đề tài gì trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều dễ dàng và nhanh chóng. Các cháu có thể mượn phần lớn các sách, tài liệu, tạp chí… bằng dạng điện tử ở các thư viện công cộng, hay đại học, từ bất cứ nơi nào. Nguồn lực sẵn có như thế tạo mọi điều kiện dễ dàng để học hỏi, phát triển, nhưng đồng thời làm cho họ có mong đợi cao, do đó dễ dàng mất kiên nhẫn nếu không đạt được kết quả mong đợi. Cái gì hơi lâu, hơi khó là dễ bỏ cuộc. Nhất là khi các em chơi trò chơi điện tử thường xuyên tưởng thưởng mỗi một hay vài phút. Óc con người ham thích được thưởng, được khen, khi được như thế thì thấy sướng khoái. Chơi game, chơi đánh bạc trực tuyến, dù cơ hội thắng tuy ít hơn thua nhưng có, làm cho họ có hy vọng, có cảm tưởng hay đúng ra là ảo tưởng, có thể thắng. Ai cũng muốn tìm con đường dễ, nhanh chóng làm giàu, muốn được thưởng. Nó tạo sự mong đợi như thế. Nhưng chơi trò chơi điện tử thắng không có nghĩa là giỏi ở bên ngoài, giỏi về học đường. Khi va chạm với thực tế, họ dễ nản, vì mọi thứ đều không dễ như họ tưởng. Cho nên thế hệ ngày nay mong muốn mọi thứ đều phải nhanh, phải có kết quả liền, nên dễ mất kiên nhẫn, mất kiên trì và dễ bị tổn thương hơn các thế hệ trước, chưa kể các yếu tố tiêu cực khác của truyền thông xã hội. Hệ quả này chắc chắn có liên quan đến sự phụ thuộc ngày càng nhiều về kỹ nghệ thông tin.
Rõ ràng đây là một thời đại mới. Một lối suy nghĩ và hành xử mới. Biết được các mặt tích cực lẫn tiêu cực để cân chắc, về nội dung tiếp cận cũng như thời gian sử dụng, và nhất là để cân bằng, tuy khó khăn nhưng cần thiết. Đối với một người, yếu tố đam mê, chăm chỉ không ngừng và không sợ thất bại, với não trạng phát triển, là chìa khóa của mọi thành công. Thiếu kiên trì, nhẫn nại thì rất khó vượt qua mọi chướng ngại và thử thách của cuộc sống. Mà các thử thách và cạnh tranh trong thời đại này ngày càng gia tăng khi dân số toàn cầu đang gia tăng lên gần 8 tỷ người. Các thế hệ tương lai cần được hướng dẫn điều này hơn ai hết, và giáo dục căn bản quan trọng nhất không phải từ nhà trường hay xã hội, mà là từ cha mẹ, gia đình. Do đó phụ huynh hiểu về điều này cũng sẽ hướng dẫn và giúp ích rất nhiều cho các thế hệ mai sau.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 09/05/2019