Câu này được nghe quá nhiều. Nhiều đến nỗi nó nhàm. Người ta nói như một khẩu hiệu, thay vì như một niềm tin son sắt, để đầu tư tim óc vào nó, để có chính sách và hành động cụ thể. Như mọi thứ, lời nói suông mà không đi với hành động thì rỗng toét, vô nghĩa. Chỉ làm thêm nhàm, và chán.
Các nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi ở Hong Kong : Nathan Law (trái), Joshua Wong (Hoàng Chi Phong, giữa) và Agnes Chow đứng bên ngoài tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong hôm 18/6/20198 - Ảnh : Reuters
Tuổi trẻ Việt Nam đã được giáo dục như thế nào, từ trong gia đình, đến nhà trường, đến những sinh hoạt trong cộng đồng và xã hội ? Họ có được các quyền gì, có được nói, và dám nói, những suy nghĩ và cảm xúc của mình, cho cả những người thân thương nhất của mình, kể cả cha mẹ, anh chị, gia đình, hay thầy cô ?
Ngay cả những người trẻ Việt Nam tại hải ngoại, tại những quốc gia có nền văn minh tiến bộ hàng đầu thế giới, dường như tiếng nói của họ cũng chẳng được tôn trọng bao nhiêu. Tuổi tác vẫn còn là một rào cản lớn. Quá lớn, để rồi những tài năng này hoặc bị vùi dập, hoặc chính họ phải tìm môi trường khác để "dụng võ". Rốt cuộc, trong nhiều thập niên qua, những tấm lòng đối với Việt Nam ngày càng vơi đi. Các thế hệ lớn ngày càng già, nhưng tre già mà măng chưa mọc. Thiếu sự tiếp nối, ở mọi nơi. Phần lớn nhiều bạn trẻ tâm huyết mà tôi quý mến nay không còn hoạt động nữa. Không phải họ không còn thiết tha đến chuyện chung, như các vấn đề Việt Nam. Trong thâm tâm, tôi tin rằng họ vẫn còn quan tâm. Nhưng có bạn nói với tôi rằng có nói ra cũng chẳng thay đổi được gì cả, bởi chẳng mấy ai thật sự lắng nghe.
Lắng nghe, và lắng nghe thật kỹ (active listening), là một kỹ năng phải luyện tập mới có được. Và luôn mang tính cách hai chiều. Người nói và người nghe. Nhưng từ nhỏ trẻ con Việt Nam hầu như không có quyền được nói. Còn nghe ? Cũng chủ yếu là lệnh, từ trên xuống. Từ cha mẹ cho đến thầy cô, và những người lớn tuổi hơn, coi mình có quyền trên người khác, vì họ trẻ hơn. Trẻ em phải nghe người lớn, không phải ngược lại. Đối thoại, một cách bình đẳng, với trẻ em là chuyện hiếm có tại Việt Nam. Ngay cả những người đã trưởng thành và thành công, có địa vị trong xã hội, vẫn bị nhiều người Việt không coi trọng chỉ vì họ mới khoảng 20 đến 35 tuổi, nên còn trẻ và thiếu kinh nghiệm ! Quan niệm như thế thì làm sao mới có tiến bộ và có dân chủ ?
Muốn Việt Nam thay đổi, muốn cộng đồng hải ngoại có nhiều bạn trẻ tham gia gánh vác chuyện chung, thì theo tôi, điều đầu tiên và căn bản nhất, phải bắt đầu từ ý thức thay đổi tư duy này.
"Tôn ti trật tự", "con cãi cha mẹ trăm đường con hư", v.v…, những quan niệm cổ hủ và cách áp dụng cứng ngắt và cực đoan, không những cản trở mọi tiến trình dân chủ (trong đó bảo vệ cho những kẻ bất tài và bất đức đang nắm quyền lực trong tay), mà còn kiềm hãm, nếu không phải là triệt tiêu, những nhân tài và những tấm lòng khát khao góp phần vào xây dựng một xã hội công bằng, nhân phẩm và văn minh hơn.
Tôi hiểu những giá trị văn hóa ngàn năm này không dễ gì thay đổi một sớm một chiều. Nó cần thời gian. Nó cần ý thức. Nó cần đúng phương pháp. Và quan trọng nhất, nó cần quyết tâm và kiên trì.
Thật ra, mọi người, không phân biệt nguồn gốc, đều có những định kiến, thiên vị từ trong tiềm thức của mình (subconscious bias). Phần lớn nó đến từ giáo dục gia đình và xã hội, một cách tiềm thức. Nó được định hình từ nhỏ. Được xã hội uốn nắn, xây dựng (social construction). Xã hội văn minh nhất cũng không tránh được. Nó là một cách học hỏi của con người, và từ từ cải tiến. Không ai sinh ra hoàn hảo cả. Không ai trong chúng ta tránh được một số định kiến, thiên vị nào đó. Nhưng nếu không nhìn lại mình, không ý thức được những gì mình có, mà chỉ hành xử theo quán tính hay cảm tính, thì người ta sẽ không biết được "cóc ngồi đấy giếng".
Làm việc với người Úc trong mấy thập niên qua, tôi hiểu được vì sao đất nước Úc này nói riêng, xã hội Tây phương nói chung, phát triển không ngừng. Họ luôn tiến tới. Không phải tuyệt đối, nhưng phần lớn những người có học, và giới tinh hoa cấp tiến của Úc, họ hành xử khá văn minh và công bằng với người khác. Các thái độ hàm hồ, hiếp đáp người khác, ngay cả giữa người lãnh đạo với nhân viên, là cách hành xử không được hoan nghênh, nếu không phải là bị lên án và loại trừ. Từ trong nhà trường ngay từ lúc còn bé, thầy cô không có quyền dọa nạt học trò, mà phải giúp cho các em học hỏi, biết điều sai lẽ phải, để hành xử cho đúng mực. Nó phải bắt đầu từ nhỏ. Tuổi quyết định không phải là 15 hay 18 trở lên, mà là từ 0 đến 10 tuổi. Nhưng khoảng thời gian 0 đến 5 tuổi vẫn mang tính quyết định cuộc đời các em về sau này.
Để thay đổi xã hội thì nguyên lý căn bản hàng đầu là trọng dụng nhân tài. Nhân tài đó phải được nâng niu, hướng dẫn, dạy dỗ, thương yêu và tôn trọng, ngay từ khi còn bé. Từ khi mới ra đời. Đúng hơn, từ khi còn trong bụng mẹ. Thai nhi có thể cảm nhận được nỗi lo lắng hay sung sướng của mẹ, và những người và môi trường chung quanh, qua mẹ mình. Khi chào đời, cả một nền giáo dục mầm non (early childhood education) tiến bộ, dựa trên các thử nghiệm khoa học, tâm lý và khoa học thần kinh, chứng minh rằng nó sẽ thay đổi cuộc đời của các em, từ vấn đề học vấn, nghề nghiệp, bạo lực/hành, và hạnh phúc gia đình sau này. Đây là nền tảng của các xã hội văn minh. Nguyên lý căn bản kế tiếp là trọng dụng nhân tài dựa trên khả năng của họ (merits based), chứ không phải quen biết, con ông cháu cha, hay tuổi tác v.v…
Sự phát triển của xã hội đến từ mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong cộng đồng, xã hội, đất nước. Nhưng ngay cả thiên tài mà không có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia, thì sẽ không tiến xa và sẽ không khai dụng hết tiềm năng của mình. Cho nên vai trò quan trọng nhất của lãnh đạo quốc gia là phải có những chính sách thích hợp để động viên, để họ tiến thật xa, đặt ra các chuẩn mực, các thí dụ thành công, để người khác và thế hệ tiếp theo nối tiếp. Người lãnh đạo phải có khả năng truyền cảm hứng, mang ra những điều tích cực và tốt đẹp nhất của mọi công dân, chứ không phải để bắt buộc họ hay làm cho họ sợ hãi. Những người trong vai trò đứng đầu quốc gia nào mà chỉ làm cho người dân sợ hãi, chỉ sử dụng bạo lực và các chính sách ngu dân để phục tùng họ, thì tính cách cai trị này, không phải tài năng lãnh đạo, sẽ để lại bao nhiêu tác hại lâu dài về sau.
Những thay đổi này sẽ mất vài thập niên, hay vài thế kỷ, tùy theo những công dân trong xã hội đó có hiểu biết, có ý thức được, các vấn đề về xây dựng con người, xã hội, và đất nước hay không.
Tất cả mọi thành tựu lớn đều phải bắt đầu bằng các bước nhỏ. Ý thức và tư duy là các bước đầu đó. Đối xử với giới trẻ bằng sự trân quý, tôn trọng, ngay cả với các em trẻ thơ, 0 đến 10 tuổi, là nền tảng căn bản. Khi các em đã đến tuổi trưởng thành, tiếng nói của các em cũng cần được trân quý và tôn trọng, dù có sai hay có khác biệt đến mấy. Hãy nỗ lực hướng dẫn các em suy nghĩ chín chắn, cân nhắc, dựa vào thông tin xác thực, dựa vào kiến thức, lý luận và khoa học chứ không phải là lời đồn đãi vô căn cứ, thì các em sẽ biết lấy các quyết định đúng đắn, dù khó khăn. Sự tôn trọng trẻ em, ngay từ nhỏ, cũng là cách để xây dựng một truyền thống tích cực mà chính các em về sau này sẽ tiếp tục như thế với các thế hệ trẻ khác. Nó sẽ trở thành văn hóa qua thời gian.
Nhìn các cuộc biểu tình tại Hồng Kông trong những ngày qua, nhất là sự dấn thân của giới trẻ, người Việt khắp nơi nhắc đến giới trẻ Việt Nam, tiêu cực lẫn tích cực. Phê bình chỉ trích cũng đầy. Nghe thì nghe, nhưng vẫn thấy nhàm, và chán. Tôi tự hỏi chúng ta có biết mình nói gì không vậy ?
Tuổi trẻ có là tương lai sáng lạn cho đất nước mai sau, hay tiếp tục bước theo các con đường mòn, trở thành những kẻ độc tài chuyên quyền, sẽ tùy thuộc vào hành động của những người ý thức và có tầm nhìn về các vấn đề, cơ hội và thử thách của đất nước hôm nay.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 24/06/2019