Để có tư tưởng tự do
Phạm Phú Khải, VOA, 11/05/2019
Đọc lịch sử Trung Quốc, nhất là từ các biến cố đưa đến Phong trào Ngũ Tứ cách đây đúng 100 năm, rồi sự hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi đến thời đại Mao Trạch Đông và gần nhất là thời đại Tập Cận Bình, chúng ta thấy gì ?
Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 : Người đạp xe kéo cùng người bên đường đưa người bị thương đi bệnh viện sau khi quân đội Trung Quốc bắn giết.
Thấy một nền văn hóa chính trị vẫn mang tính độc tài toàn trị xuyên suốt. 100 năm nhìn lại, Trung Quốc tất nhiên đã thay đổi sâu sắc, như mọi quốc gia khác trên toàn thế giới. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc với nền kinh tế và quân sự chỉ sau Hoa Kỳ, và có khả năng qua mặt để trở thành siêu cường kinh tế trong một hai thập niên tới. Nhưng bản chất văn hóa chính trị của Trung Hoa vẫn không thay đổi bao nhiêu. Đó là một văn hóa chính trị không chấp nhận quyền con người, quyền tự do cá nhân. Các nếp suy nghĩ, nếp sống, truyền thống và các thang giá trị hàng ngàn năm trước vẫn còn ảnh hưởng, không dễ gì mất đi, mặc dầu được tiếp cận với các nguồn văn minh khác nhau. Ảnh hưởng của Khổng/Nho giáo như vẫn ăn sâu vào tâm khảm, vào trong máu của họ. Hiển nhiên Khổng giáo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng hôm nay và trong thời gian tới, nhất là khi nó nằm trong một sách lược mà chế độ cai trị hôm nay xem như là một trong các hộp đồ nghề để khai dụng.
Ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore (và rất tiếc, Việt Nam Cộng Hòa) thì vào những lúc ban đầu, các thể chế dân chủ vẫn mang đậm các nét độc tài hoặc/và gia đình trị, vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo, mặc dầu các cơ chế dân chủ cơ bản đã được hình thành. Nhưng nhờ có nền tảng dân chủ này, trong đó có tam quyền phân lập, có nền pháp quyền, với các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và bầu cử, các sinh hoạt xã hội dân sự vốn đa dạng nên có cơ hội phát huy mạnh mẽ. Sự tăng trưởng kinh tế và sự hình thành một giai cấp trung lưu vững sau một thời gian đã giúp cho người dân hiểu rõ lợi ích và quyền hạn của mình, và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ nó. Nói chung dân trí, dân khí và dân sinh, nói theo ngôn ngữ của cụ Phan Châu Trinh, đã là nền tảng để chuyển hóa xã hội từ văn hóa chính trị phong kiến, bảo thủ, độc tài sang văn hóa đa nguyên, cấp tiến và dân chủ qua tiến trình tiệm tiến nhưng ổn vững. Trên hết, nhờ có nền tảng cơ bản nên sự vận động và đấu tranh trong các xã hội này không bao giờ ngừng nghỉ, ngay cả ngày hôm nay, để ngày một tiến bộ hơn, bình đẳng hơn, và công bằng hơn. Chính vì thế mà các quyền con người, quyền cá nhân và riêng tư, sau một thời gian, đã dần dần đi vào lĩnh vực văn hóa xã hội, văn hóa kinh tế và văn hóa chính trị tại các nước này (Singapore tuy giàu có nhưng vẫn chưa được dân chủ như các quốc gia kia).
Trong khi đó, tại Trung Quốc, truyền thống chính trị xưa nay là không hề chấp nhận chủ nghĩa cá nhân, và không chấp nhận cá nhân đứng trên tập thể, mặc dầu trên thực tế thì trong suốt chiều dài lịch sử của họ luôn có một vài cá nhân đứng trên đầu trên cổ hàng trăm triệu đến cả tỷ người khác. Đó là điều mâu thuẫn của nền văn hóa chính trị còn mang nặng tư tưởng Khổng giáo này. Trong khi đó, trung điểm của nền dân chủ cấp tiến là chủ nghĩa cá nhân ; nhưng không hề có sự cai trị độc tài, tàn ác như đã xảy ra ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà tất cả đều phải được người dân tín nhiệm để lãnh đạo đất nước cho đến khi nào hết thời hạn cho phép trong hiến pháp, hoặc không còn được người dân tín nhiệm nữa.
Các ý niệm phổ quát về nhân quyền thì được giới cầm quyền Trung Quốc xem là du nhập của Tây phương, là độc hại cho sự phát triển và cho sự hòa hợp dân tộc. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác – Lê, cũng từ Tây phương không kém, thì không hề được xem như thế ! Rất tiếc, những người lãnh đạo ban đầu của Phong trào Ngũ Tứ lại đi chọn chủ nghĩa Mác Lê chỉ đạo cho cuộc đấu tranh cứu lấy Trung Hoa của họ. Nghĩa là họ ý thức chọn chủ nghĩa cộng sản bao bọc chủ nghĩa quốc gia. Thật ra những người cộng sản quốc tế ở mọi nơi đều mang hai ý thức hệ song song : vừa cộng sản vừa quốc gia. Hai ý thức hệ này tuy mâu thuẫn nhưng trên thực tế thì không. Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro hay gia đình ba giòng họ Kim tại Bắc Hàn v.v… xưa nay đều có cả hai. Họ đều sử dụng chủ nghĩa Mác Lê như là công cụ tư tưởng vì có lẽ tin rằng nó giải quyết được bài toán quốc gia của mình. Lê Nin hay Stalin cũng dùng nó để cứu lấy Nga và phát triển Nga thành Liên Bang Xô Viết nhưng mục tiêu là cho dân tộc Nga là chính. Tất nhiên trên bề mặt họ phải chứng tỏ là người cộng sản quốc tế chân thành về mặt ý thức hệ, nhưng các vấn đề chính trị quốc gia và địa phương vẫn là ưu tiên trong các chính sách quốc gia hay hành động của họ.
Nhưng chủ nghĩa Mác - Lê, tốt nhất, cũng chỉ là một nền dân chủ tập trung đối với cơ chế độc đảng của họ (trong nội bộ), và tệ nhất, là sự sùng bái cá nhân (lên toàn dân tộc) hầu như mọi nơi nó dung nạp. Stalin, Mao, Hồ, Kim (x3), Castro, Pol Pot v.v… nắm mọi quyền sinh sát trong tay. Khi không có những cá nhân mạnh mẽ này thì lúc đó tập thể sẽ lãnh đạo. Tập thể lãnh đạo nhưng không ai chịu trách nhiệm gì cả, nhất là đối với các chính sách và quyết định sai lầm của mình. Mọi nơi có chủ nghĩa này du nhập đều trở nên hư hỏng lớn là vì lắm kẻ bòn rút phá hoại nhưng ít người, nếu không phải là cản trở những người, muốn đóng góp xây dựng.
Tóm lại, văn hóa chính trị Trung Hoa ngàn xưa đến nay vẫn chủ yếu phong kiến và độc tài, rồi du nhập và kết hợp thêm với chủ nghĩa Mác Lê một cách triệt để. Vẫn có những người yêu chuộng và thao thức các tư tưởng chính trị dân chủ cấp tiến, nhưng họ vẫn là thiểu số và không nắm thực quyền, nên sau đó bị loại trừ, đàn áp thẳng tay, như biến cố Thiên An Môn. Thế hệ trẻ ngày nay thì bị bưng bít và tuyên truyền qua truyền thông và chính sách giáo dục yêu nước. Cho nên hậu quả ngày nay là thế. Trung Quốc đã liên tục phát triển về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, ngoại trừ dân chủ hóa chính trị. Và cái giá người Trung Quốc phải trả là ông Tập, và những cá nhân mạnh mẽ khác sau ông, sẽ làm Chủ tịch vô hạn định, mà như thế thì sự chuyển giao quyền lực về sau này có nguy cơ bất ổn, các quyền dân sự và chính trị thì bị gạt qua một bên, và nhân quyền nói chung bị chà đạp thẳng tay.
Các tư tưởng và hoạt động chính trị tại Trung Quốc luôn có những tác động mạnh mẽ lên giới trí thức và hoạt động Việt Nam xưa và nay. Vào thời điểm gần 100 năm trước, chủ nghĩa Tam Dân và trào lưu Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, cũng như các tư tưởng và hoạt động của Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế tại Trung Quốc và các trào lưu xã hội chủ nghĩa, đã có những tác động sâu sắc lên giới trí thức và giới hoạt động tại Việt Nam, cả phía quốc gia lẫn cộng sản. Mãi cho đến hôm nay, rất tiếc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thay vì học hỏi những cái hay cái mới và khoa học của các nền văn minh tiến bộ thì họ vẫn dò dẫm theo con đường của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Cách đây hai tuần, tôi có trao đổi với một bạn trẻ, một nhà hoạt động, từ Việt Nam. Bạn ấy có kiến thức, lý luận và lập trường vững, và tất nhiên có tư duy bài Trung Quốc mạnh mẽ. Bạn có gửi tôi bài viết dùng lịch sử để phân tích hướng đi của mình và hỏi tôi nghĩ gì. Bài viết trích dẫn các nhân vật lịch sử Trung Quốc khá nhiều. Đọc xong thấy vừa buồn vừa thương cho bạn trẻ. Tôi hỏi bạn tại sao không viện dẫn các nhân vật trong lịch sử Việt Nam hay thế giới, đâu phải khan hiếm gì, mà còn xác thực hơn, bởi vì các cuốn sử Trung Quốc, kể cả Tam Quốc Chí, đều mang rất nhiều tính hư cấu trong đó. Bạn nói "Vâng, em vẫn biết thế anh ạ, nhưng em vẫn chưa biết làm sao xóa sạch tư duy này ! Chắc cần vài thế hệ, nếu ý thức".
Con đường thoát Trung Cộng, nghĩa là thoát Trung Quốc lẫn Cộng Sản, là phải có một tư duy/tưởng mới. Muốn độc lập tự do thật sự thì phải dứt khoát với tư duy lệ thuộc, với các tư tưởng đã xiết cổ dân tộc Việt Nam bao ngàn năm qua. Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam cả ngàn năm, nên các tư tưởng văn hóa chính trị của họ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Một người chỉ có thể nhận ra được điều này khi đứng ở bên ngoài nhìn vào, được trang bị bằng những tư duy và lăng kính khác, hoặc có được ý thức tự giác và phản ánh cao độ.
Bao nhiêu người trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba có thể phát triển được những đức tính cao quý như bao nhiêu người khác trong xã hội văn minh mà họ đang sống : tự tin, tự tôn, công bằng, cam kết, trách nhiệm, đạo đức, liêm chính, chăm chỉ, nhẫn nại v.v… Họ có biết về tư tưởng hay lịch sử chính trị Trung Hoa hay không không quan trọng, và nó cũng không thay đổi bao nhiêu tài năng và khả năng lãnh đạo của họ. Tất nhiên hiểu về lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, hay thế giới đều rất cần thiết để mỗi người tự rút ra bài học cho chính mình, nhất là trong vai trò lãnh đạo. Nhưng nhờ nền giáo dục nhân bản, toàn diện về con người, và nhờ sự đề cao nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì, và không sợ thất bại, nên ở bất cứ nơi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào những người có tri thức, tư duy và kỹ năng này cũng thành công (ngoại lệ là chế độ độc tài).
Nói cách khác, con đường để xóa bỏ xiềng xích, để thoát Trung thoát Cộng, để có được độc lập, tự do và tự chủ cho mỗi người, chứ không phải cho bất cứ chế độ chính trị nào, là đầu tiên phải ý thức được các tư duy lệ thuộc đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người, và sau đó nỗ lực đi tìm hiểu con đường dân chủ cấp tiến (liberal democracy) mà Hoa Kỳ và các nền dân chủ Tây phương đã đi qua. Nó thích hợp cho mọi dân tộc khát khao tự do vì nó đứng trên nền tảng của cá nhân để cùng nhau có tinh thần trách nhiệm xây dựng xã hội, đất nước, thay vì bị một tập thể ngu dốt kiềm hãm mọi sự phát triển của những tài năng dân tộc. Nó cũng không hề là chủ nghĩa lai căng du nhập cốt để phá hoại nền văn hóa và truyền thống dân tộc như bị tuyên truyền. Nhưng cái mà nó sẽ phá là những cá nhân và chế độ độc tài muốn tiếp tục cưỡi lên đầu lên cổ người dân dưới các chiêu bài dân túy mị dân.
Chúng ta có thể học hỏi trực tiếp từ các bài học dân chủ hóa thành công của các dân tộc khát khao tự do trên thế giới, không cần phải đi qua bất cứ trung gian nào. Đó là điều mà người dân Việt Nam, Trung Quốc, hay bất cứ dân tộc nào, muốn được tự do cũng phải làm. 100 năm, năm thế hệ với bao nhiêu đắng cay tủi nhục, hy vọng giúp chúng ta nhìn thấy được bài học và con đường phải đi và nỗ lực cần phải bỏ ra để đạt được mục tiêu. Thế hệ thanh niên sinh viên thường có lý tưởng và muốn dấn thân trong mọi thời đại. Và họ đang có dấu hiệu chuyển mình như thế tại Việt Nam. Họ sẽ làm nên lịch sử nếu được sự thương yêu, tín nhiệm và hỗ trợ bằng nguồn lực trí tuệ và phương tiện.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 11/05/2019
*****************
100 năm : bình mới rượu cũ ?
Phạm Phú Khải, VOA, 10/05/2019
Ngày 4 tháng Sáu năm nay đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Nhà cầm quyền Trung Quốc chắc chắn đã có kế hoạch để đối phó với mọi tổ chức hay cá nhân nào dám công khai tưởng niệm biến cố này, điều mà họ đã từng làm trong suốt 29 năm qua.
Ngày 4 tháng Sáu năm nay đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn.
Nhưng một biến cố lịch sử có thể nói là trọng đại hơn, gây nhiều tranh cãi hơn, có liên hệ mật thiết đến biến cố Thiên An Môn 4/6/1989, đã xảy ra và tiếp tục ảnh hưởng lên tư duy của bao nhiêu thế hệ Trung Quốc trong suốt 100 năm qua, là biến cố 4/5 (Wusi, May Fourth, tức năm bốn, hay ngũ tứ), năm 1919. Biến cố này sau này có tên là Phong trào Ngũ Tứ (May Fourth Movement ). Phong trào này đã đánh thức toàn xã hội Trung Quốc, hay nói đúng hơn, thức tỉnh giới tinh hoa Trung Hoa trước và từ đó lan rộng ra toàn xã hội, và dẫn đến sự hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu sau đó.
Nhân dịp kỷ niệm năm nay, ông Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ Trung Quốc hôm nay phải yêu tổ quốc, vâng lời và làm theo Đảng. Ông Tập cũng khuyến khích họ học hỏi Phong trào Ngũ Tứ, và không quên nhấn mạnh rằng những ai không yêu nước, và những ai gian dối và phản bội lại tổ quốc, là một sự ô nhục trong mắt của đất nước và thế giới.
Tuy thế, tại sao Tập Cận Bình nói riêng, Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung, vẫn tỏ ra e ngại và dè dặt trong việc tổ chức ăn mừng lẽ ra là ngày tái sinh, hay phục hồi, hay ngày mà phong trào muốn khẳng định lại chủ quyền, quyền tự quyết và tự hào Hán tộc ?
Đó là vì tính phức tạp và mâu thuẫn của biến cố lịch sử này. Bởi qua biến cố này, những người am hiểu lịch sử trung thực, không phải lịch sử bị bóp méo hay viết lại bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhìn thấy được xuyên suốt sự dối trá và phản bội của nhà nước Trung Quốc hiện nay, cũng như bảy thập niên qua.
Theo nhà văn/báo Dan Xin Huang và sử gia Jeffrey N. Wasserstrom, thì 100 về trước, vào tối đêm ngày 3 tháng Năm 1919, một nhóm sinh viên tụ tập lại trong một giảng đường vắng trong trường đại học Bắc Kinh. Thế Chiến I chấm dứt nửa năm về trước, nên một hội nghị giữa các phe đồng minh thắng cuộc họp tại Versailles để đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Trung Quốc là một thành viên của phe đồng minh nhưng cảm thấy mình đã bị "phản bội" vì Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã quyết định dành phần lãnh thổ đang được tranh chấp với Nhật, tỉnh Shandong, về phía Nhật, không có tiếng nói của Trung Quốc trong quyết định này. Thông tin về quyết định này đã đến Trung Quốc sáng ngày 2 tháng Năm 1919. Sự sỉ nhục này và mối quan ngại cho sự tồn vong của quốc gia này đã đưa đến cuộc biểu tình tuần hành vào ngày 4 tháng Năm để "Cứu nước Trung Quốc". Cứu Trung Quốc trở thành điều quan trọng nhất trong trí óc của tầng lớp ưu tú và có học thời đó.
Ba ngàn sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau tuần hành đến quảng trường Thiên An Môn để phản đối kết quả tồi tệ của Hiệp ước Versailles. Một số bị đánh đập, bắt bớ, làm cho cuộc biểu tình lan rộng sang nhiều thành phố khác, nhưng sau khi cuộc tổng đình công được kêu gọi, các sinh viên này được trả tự do. Biến cố này làm thức tỉnh mọi tầng lớp Trung Quốc đã ngủ quên bấy lâu nay, về văn hóa lẫn chính trị, và trở thành biểu tượng của sự ra đời một nước Trung Quốc hiện đại. Kể từ đó, biến cố này là sự nhắc nhở sâu sắc và đáng kể về các luồng tư tưởng chính trị đa nguyên, một thời "trăm hoa đua nở" của sự mở rộng cấp tiến, mà được các sử gia ví như là "Khai sáng Trung Hoa". Nó được xem như cái nôi của tầng lớp trí thức mới, sự hình thành chủ nghĩa dân tộc, và sự mở rộng ra bên ngoài.
Theo Dan Xin Huang thì thật ra, các hạt mầm đưa đến biến cố này đã xảy ra một thập niên về trước. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ nhà văn và học giả được đào tạo tại Nhật và Tây phương đã ra nước ngoài tìm các thiết bị mới để cải cách nước nhà. Đầu thập niên 1910, khi trở về nước, họ đã thiết lập hàng trăm nhật ký và tạp chí và đặt hầu như mọi tên gọi đính kèm với chữ mới, từ Văn học Nghệ thuật Mới, đến Thanh niên Mới v.v… Cái gì cũng mới. Họ tạo thành một Phong trào Văn hóa Mới. Nhờ sự chuẩn bị về tư duy, tư tưởng mới, văn hóa mới này, mà sinh viên mới châm ngòi cho cuộc tuần hành ngày 4 tháng Năm, và đã phần nào đó thống nhất được các khuynh hướng suy nghĩ rời rạc, khác nhau thành thống nhất theo cái gọi là chủ nghĩa dân tộc. Tuy thế, mục tiêu trong phong trào cũng khác nhau. Có người chủ trương vận động để có tự do chính trị nhiều hơn. Có người tấn công vào di sản Khổng giáo như một hệ tư tưởng chi phối toàn quốc gia. Có người đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc. Và cũng có xu hướng đề cao "Khoa học" và "Dân chủ". Nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung : cứu lấy Trung Hoa.
Từ phong trào yêu nước này, một nhóm sinh viên tại đại học Bắc Kinh nghiên cứu chủ nghĩa Mác, hay các nhà Mác xít, được động viên bởi cuộc Cách mạng Nga, đã bắt đầu phát tán thông tin về đấu tranh giai cấp và cách mạng trên bình diện toàn quốc. Được sự hỗ trợ của Đệ Tam Quốc Tế, khoảng một tá nhà mác-xít tụ tập tại Thượng Hải vào tháng Bảy 1921, để thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một trong các đại biểu có mặt dịp này là Mao Trạch Đông, người mà trước đó theo xu hướng vô chính phủ (anarchism), để bắt đầu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lê. Hai người chủ chốt khác là Chen Duxiu và Li Dazhao, từng lãnh đạo cuộc biểu tình 4/4/1919 trước đó. Tóm lại, lịch sử hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc có nguồn gốc từ Phong trào Ngũ Tứ, mà lịch sử chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc ghi nhận là "đánh thức ý thức dân tộc Trung Quốc", và "chuẩn bị các điều kiện căn bản cho sự hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc". Chính tâm thức này đã giúp đưa đến sự chiến thắng của phe cộng sản đối với phe quốc gia của Tưởng Giới Thạch, hình thành nhà nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông vào năm 1949, tức 30 năm sau.
Những cuộc thử nghiệm của Mao sau đó, từ cách mạng văn hóa, đến chính sách Đại Nhảy Vọt v.v… vào thập niên 1940 và 1950, đã là thảm họa tàn khốc mà không cần nói thêm ở đây. Chưa hết, Mao lại tiến hành cuộc cách mạng văn hóa vô sản vĩ đại khác vào năm 1966 để tẩy sạch tàn dư của các thế lực "phản động", loại trừ các lãnh đạo hàng đầu của đảng và thành viên các gia đình sinh viên, đập tan bốn cái cũ hủ lậu : suy nghĩ cũ, truyền thống cũ, thói quen cũ, văn hóa cũ. Trong các cuộc cách mạng và thanh trừng này, hành triệu người là nạn nhân, trong đó có cả gia đình Tập Cận Bình . Bố ông Tập, Xi Zhongxun (1913–2002) xuýt bị giết hại năm 1935, bị thanh trừng năm 1962, bị tra tấn trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và bị cho về hưu năm 1987. Chị (cùng cha khác mẹ) ông Tập bị dằn vặt đến độ phải tự tử. Chính ông Tập cũng bị gửi về vùng thôn quê để lao động cùng với nông dân. Vì khổ cực quá mà ông đã tìm cách chạy trốn nhưng đã bị bắt và bị trả về lại chỗ cũ.
Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, đề ra các chính sách cải tổ sâu rộng, và công nhận 4 tháng Năm là "phong trào giải phóng tư tưởng" trong thời đại mới vào năm 1978. Kể từ đó những người cấp tiến tại Trung Quốc đã đề cao tinh thần 4 tháng Năm là dân chủ và khoa học. Họ thường xương tập họp tại tại một nơi ở trung tâm Bắc Kinh, đặt tên nó là bức tường dân chủ, vào các năm 1978 và 1979, lên án các chính sách trong thời đại của Mao và cách cai trị độc tài, và kêu gọi cải cách sâu rộng. Đến cuối năm 1979, đảng bắt đầu lo lắng nên bắt bớ các lãnh đạo phong trào. Vì không phê bình được đảng nên họ đổi chiến thuật sang phê bình các truyền thống xưa như là nguồn gốc của những thứ bệnh hoạn của Trung Quốc. Phong trào vẫn tiếp tục phát triển như "cơn sốt văn hóa". Các sinh viên du học từ Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương khác trở về thành lập các nhóm đọc sách với nhau tại trường đại học Bắc Kinh, gọi tắc là "Beida", cũng như tại nhiều trường đại học khác. Họ nghiên cứu học hỏi các tư tưởng trào lưu Tây phương như các triết gia Hayek và Heidegger, Nietzsche và Weber. Một nhà hoạt động Wang Dan phổ biến bài viết tựa đề "4 tháng Tư Mới", và vào tháng Tư năm 1989, biện luận rằng "họ Đặng đã thiết lập các vùng đặc biệt để phát triển kinh tế, trường đại học nên phục vụ như là địa bàn đặc biệt để cổ võ dân chủ hóa chính trị".
Vào ngày 4/5/1989, sinh viên tập trung tại quảng trường Thiên An Môn và công bố "Tuyên ngôn 4 tháng 5 mới", kêu gọi mọi người biểu tình "mang tinh thần khoa học và dân chủ của Bốn tháng Tư về phía trước". Một tháng sau, cuộc biểu tình đã bị quân đội ở các nơi khác gửi về và xe tăng đàn áp thô bạo. Những gì xảy ra kể từ 4/6 đã là lịch sử mà nhiều người đã biết đến, ngoại trừ các thế hệ sinh trưởng sau này do sự bưng bít và do nền giáo dục và thông tin dưới sự toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Dan Xin Huang thì năm 2019 đánh dấu hàng loạt kỷ niệm các biến cố chính trị : 10 năm kể từ cuộc bạo loạn của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Urumqi ; 20 năm kể từ sự đàn áp Pháp Luân Công ; 60 năm Đức Đạt Lai Lạt Ma bị lưu đầy khỏi Tây Tạng ; 30 năm biến cố Thiên An Môn ; và 100 năm phong trào Bốn tháng Năm. Trpng thời gian qua, chính quyền Tập Cận Bình đã cho cài đặt đủ loại máy quay phim khắp trường đại học Bắc Kinh, xây dựng mạng lưới theo dõi báo cáo, xếp đặt nhân sự thân đảng làm chủ tịch sinh viên. Ngoài ra họ tước hết mọi nguồn động viên từ 4 tháng Năm và làm sạch các hệ lụy trước đây để trở thành các điểm nói chuyện cho đảng. Họ thực hiện các khảo sát trong trường đại học Bắc Kinh để xem thử sinh viên nghĩ gì về lãnh đạo "tài tình" như Tập, và phản ứng ra sao với nhận định "nền dân chủ Tây phương và dân chủ đa đảng không phù hợp với Trung Quốc". Dù với các biện pháp bạo ngược như thế, nhà nước Trung Cộng vẫn không dập tắc được ngọn lửa và khát vọng của giới trẻ. Vẫn bao nhiêu sinh viên tại đại học Bắc Kinh bị giam cầm, bị bắt im lặng, và nhiều sinh viên và cựu sinh viên tại đây và khắp Trung Quốc đã đột nhiên biến mất. Điều oái ăm là nhiều người trong số này, kể cảsáu sinh viên theo chủ nghĩa mác-xít nhưng họ là người phê phán các điều kiện lao động tại Trung Quốc, đấu tranh cho quyền công nhân, lại bị giam cầm và biến mất.
Chen Duxiu, Tổng Bí Thư và đồng sáng lập viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì từng xung đột với Mao Trạch Đông nên sau đó đã bị mất khỏi chức vụ này năm 1927. Hai năm sau ông Chen bị trục xuất khỏi đảng chỉ vì kêu gọi dân chủ hơn trong đảng. Năm 1942 ông Chen chết tại vùng thôn quê mà chẳng ai nhớ đến. Sau khi Mao chết, ông Chen được phục hồi như một biểu tượng của lòng yêu nước. Tuy thế, không phải vì thế mà tin rằng ông Chen muốn cổ võ cho nền dân chủ kiểu Tây phương, dân chủ cấp tiến. Ông Chen Duxiu và Li Dazhao đều là đồng sáng lập viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đều là nhân vật chính của Phong trào Ngũ Tứ. Nhưng hai ông không nghiên cứu và lĩnh hội các tư tưởng dân chủ cấp tiến Thời đại Khai sáng bên Tây phương hay cuộc cách mạng Hoa Kỳ hay mà chủ yếu trông chờ vào Các Mác để dẫn đường.
Jeffrey N. Wasserstrom kết luận rằng cuối tuần qua, các lễ kỷ niệm chính thức đã diễn ra khắp Trung Quốc để đánh dấu 100 năm tinh thần của sinh viên năm 1919, dưới sự bảo trợ của các lãnh đạo quốc gia mà đại diện cho chính sách và giá trị từng bị giới sinh viên 100 năm trước đã phản đối. Họ dường như không nhận ra rằng tinh thần đích thực của Ngũ Tứ vẫn còn sống mãi.
Còn Dan Xin Huang thì kết luận : "100 năm trước những người trẻ lý tưởng Trung Quốc đã sát cánh nhau gióng lên để đánh động lương tâm quốc gia. Ngày nay, những người thừa kế họ đối diện với sự bị xóa bỏ (thủ tiêu)".
Điều kinh hoàng nhất qua biến cố lịch sử này có lẽ là sự lường gạt, phản bội, trí trá lẫn nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi chính một nạn nhân như Tập Cận Bình lại trở nên thủ phạm khắc nghiệt. Khổng giáo và Mao Trạch Đông được mang trở lại và được đề cao trên bình diện quốc gia và quốc tế. Trong khi hàng chục triệu sinh linh vô tội đã là nạn nhân của trò chơi vương quyền đó.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 10/05/2019
Tài liệu tham khảo :
Bài này được dựa trên các bài viết và tài liệu chính sau đây :
1. Jiayang Fan, "Xi Jinping Tries to Crash the May Fourth Movement’s Centenary ", The New Yorker, 4 May 2019.
2. Dan Xin Huang, "The Chinese Enlightenment at 100 ", Foreign Affairs, 3 May 2019.
3. Ankit Panda, "The Legacy of China's May Fourth Movement ", The Diplomat, 5 May 2019.
4. Andrew J. Nathan, "Who is Xi ? ", The New York Review of Books, 12 May 2016 Issue.
5. Eduardo Baptista, Yong Xiong and Ben Westcott, "Six Marxist students vanish in China in the lead up to Labor Day ", CNN, 2 May 2019.
6. Jeffrey N. Wasserstrom, "May Fourth, the Day That Changed China ", The New York Times, 3 May 2019.