Hiện nay có một số nhân vật tại Úc làm cho Bắc Kinh nhức đầu và căm phẫn. Ngoài giới tình báo Úc mà phần lớn người dân thường không biết đến, có năm nhân vật mà tư tưởng và hành động của họ đã tác động đáng kể lên dư luận Úc trong thời gian qua, gây khá nhiều chú ý và tranh cãi trong giới tinh hoa, và qua đó dịch chuyển quan điểm đối với Bắc Kinh.
Có năm nhân vật mà tư tưởng và hành động của họ đã làm cho Bắc Kinh nhức đầu và căm phẫn.
Người phải nhắc đến đầu tiên là giáo sưJohn Fitzgerald. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Úc về Trung Quốc, không chỉ về học thuật, lý thuyết, mà còn những kinh nghiệm thực tiễn khi từng làm việc cho Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tại Trung Quốc. Ông viết vềnhiều đề tài khác nhau về Trung Quốc, và là một trong những người lên tiếng cảnh báo Úc sớm nhất về hiểm họa Trung Quốc. Ông cẩn trọng trong từng lời nói, luôn đưa ra bằng chứng dữ kiện thích đáng khi trình bày quan điểm của mình, và sâu sắc trong các nhận định hay kết luận. Trong bài viết "Nhân phẩm và kẻ thù của nó" một tháng sau khi ông Lưu Hiểu Ba mất, giáo sư Fitzgerald trình bày nhiều chi tiết về chính sách giáo dục yêu nước của Bắc Kinh, trong đó cấm mọi giáo viên dạy học, nghiên cứu hay xuất bản bảy đề tài bao gồm : dân chủ hiến định, xã hội dân sự, cấp tiến hóa kinh tế, tự do báo chí, phê bình lịch sử của Đảng Cộng sản, thách thức chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc, và các giá trị phổ quát (như quyền con người và tự do, bao gồm tự do học thuật). Nghiên cứu và lý luận của Fitzgerald ảnh hưởng sâu sắc lên Clive Hamilton, John Garnaut và Andrew Hastie.
Người kế tiếp là giáo sưClive Hamilton, tác giả cuốn "Cuộc xâm lược âm thầm : Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc". Sau khi phát hành cuốn sách gây khá nhiều tranh cãi này, ông Hamilton được mời sang quốc hội Hoa Kỳ điều trần, và cũng kể từ đó ông tiếp tục viết nhiều bài để vạch trần các hoạt động tình báo gây phá hoại không chỉ cho cộng đồng người Hoa tự do tại Úc, mà còn liên tục cảnh báo những mưu mô, trí trá và đe dọa của Bắc Kinh đối với nền dân chủ của Úc. Tác phẩm "Cuộc xâm lược âm thầm" của ông được dịch sang tiếng Hoa trước tưởng niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn vào tháng Sáu vừa qua, để độc giả người Hoa đọc. Nó làm cho Bắc Kinh căm phẫn và gọi ông cố tình "phỉ báng và bôi nhọ" họ. Độc giả của tác phẩm này, ngoài cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới, còn là người Hoa tại Hồng Kông và Đài Loan, mặc dầu các tiệm sách tại Hồng Kông khó thể nào công khai bày bán nó.
Hugh White, một giáo sư khác, cũng chuyên về Trung Quốc, từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Úc, và là một trong các tác giả chính của Bạch thư Quốc phòng Úc năm 2000. Ông cũng là người viết nhiều sách, luận văn và bài viết trên các cơ quan nghiên cứu cũng như truyền thông lớn nhất tại Úc. Tác phẩm mới nhất "Làm sao để phòng thủ Úc" vào đầu tháng Bảy vừa qua đã gây khá nhiều tranh cãi trong giới tinh hoa Úc. Giáo sư White cho biết ông đã nghĩ về viết về tác phẩm này cách đây 35 năm khi bắt đầu tiếp cận đến các vấn đề quốc phòng của Úc. Có thể nói giáo sư White là một trong những người nhận diện ra được sớm nhất những thách thức đến từ sự trổi dậy của Trung Quốc đối với cho Á Châu Thái Bình Dương, đặc biệt cho nước Úc, ngay cả trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Trong phần trao đổi với ký giả John Garnaut thuộc nhật báo Sydney Morning Herald vào năm 2016, khi được hỏi những gì ông viết trước đây có sai lầm gì không khi nhìn lại, thì giáo sư White cho biết vài điều thú vị. Một, nền kinh tế của Trung Quốc, theo đà phát triển hiện nay, có thể qua mặt Hoa Kỳ, nhưng ông không ngờ (vào năm 2016) là nó phát triển nhanh hơn ông dự tính, có thể lớn hơn nền kinh tế Hoa Kỳ đến 30 phần trăm vào năm 2030 tính theo thước đo PPP (Purchasing Power Parity). Hai, sức mạnh hàng hải (hải quân) của Trung Quốc đã phát triển nhanh và mạnh trong thời gian ngắn hơn ông dự đoán, làm cho những chọn lựa của Hoa Kỳ trở nên bị giới hạn. Ba, khác với dự đoán của ông, Hoa Kỳ khá chậm trong việc nhìn ra Trung Quốc là thử thách lớn đối với họ, do đó chậm chập trong việc đề ra các chính sách thích hợp.
Năm 2013, giáo sư White có viết bài "Sự lựa chọn của Úc" trên tạp chí Foreign Affairs. Quan tâm của giáo sư White bao lâu nay là giữa một nước Trung Hoa góp phần quan trọng cho nền kinh tế Úc nhưng sẽ thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ, và một Hoa Kỳ góp phần quan trọng cho nền an ninh Úc nhưng chủ trương duy trì nguyên trạng và có thể dùng chiến lược ngăn chặn để kiềm chế Trung Quốc, thì sự chọn lựa của Úc là gì ? Theo giáo sư White thì giới lãnh đạo chính trị Úc cần nói thẳng cho Washington suy nghĩ của mình và tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại Châu Á. Mấy hôm sau đó, giáo sư White viết thêm một bài khác "Abbot sẽ chọn Trung Quốc ?" với mong muốn tân Thủ tướng Tony Abbot vừa đắc cử lúc đó mạnh dạn trình bày vấn đề này với Washington.
Úc, tuy có lẽ là đồng minh thân cận và trung thành nhất đối với Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến II, nhưng Úc chưa phải là cường quốc, trong khi sự trổi dậy của Trung Quốc trong thời gian qua gây quá nhiều thiệt hại về kinh tế và nhiều lo lắng cho Hoa Kỳ về an ninh. Cho nên đề nghị của giáo sư White dường như hơi lý tưởng.
Đầu năm nay, hai giáo sư Hamilton và White được mời đến trường đại học La Trobe đểtranh luận về đề tài liên quan đến quan hệ của Úc với Trung Quốc. Tuy có nhiều điểm giống nhau, cách nhìn và giải quyết vấn đề giữa hai ông cũng lắm khác nhau. White tuy xem Trung Quốc như con chó sói, ông vẫn tin rằng có thể sống chung với nó được, không cần phải hoảng hốt, mà phải chọn cách đấu tranh một cách khôn khéo, bởi vì White không tin rằng Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo thành công trong vấn đề này (tuy không nói thẳng ra nhưng White hàm ý cung cách của ông Trump). Trong khi đó, giáo sư Hamilton thì cho rằng mặc dầu thuyền trưởng Hoa Kỳ hiện nay là điên rồ, nhưng con thuyền không dễ dàng gì quay ngược. Hamilton cũng biện luận rằng White không hiểu chiến tranh chính trị và bản chất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và theo Hamilton thì nhìn cách hành xử của Trung Quốc cho chúng ta thấy rằng sống trong vòng ảnh hưởng của họ thì rất là khó chịu.
Ký giả John Garnaut cũng tham dự cuộc tranh luận quan trọng này và cũng đặt câu hỏi với hai ông. Chính Garnaut cũng là một chuyên gia thâm sâu về Trung Quốc, làm việc trực tiếp tại Bắc Kinh từ năm 2007, biên tập viên cho Fairfax Media về Châu Á Thái Bình Dương. Garnaut viết nhiều bài giá trị về các vấn đề ngoại giao. Đặc biệt sau bài viết có tính cách cố vấn cho Thủ tướng Malcolm Turnbull trên báo Sydney Morning Herald, Garnaut được mời làm cố vấn cao cấp cho ông Turnbull từ năm 2015 đến 2016, và làm Cố vấn Chánh cho Bộ Thủ tướng và Nội các từ năm 2016 đến 2017.
Sau khi rời khỏi hai trách nhiệm trên, Garnaut có viết một bài trên tạp chí Foreign Affairs với tựa đề "Trung Quốc can thiệp vào Úc như thế nào" vào tháng Ba năm 2018. Garnaut trình bày chi tiết các hoạt động âm thầm gây ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc lên cộng đồng người Hoa tự do tại đây, ảnh hưởng lên chính trường Úc, và phương thức đối phó của chính quyền Úc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Turnbull. Garnaut có nhắc đến tác phẩm của Hamilton đã bị ba nhà xuất bản ký hợp đồng nhưng sau đó e ngại Bắc Kinh trả đũa nên rút lại quyết định.
Có nhiều người Tây phương, từ trí thức, học giả, chuyên gia cho đến chính trị gia, đã sai lầm trong nhận định về Trung Quốc. Là điều không khó hiểu. Nhưng John Garnaut được xem là người không hiểu sai về Tập Cận Bình (và Đảng cộng sản Trung Quốc) bấy lâu nay.
Người sau cùng mà tôi muốn nói đến là dân biểu Andrew Hastie. Thứ Năm 8 tháng Tám vừa qua, ông Hastie đã gửi bài viết đăng trên báo Sydney Morning Herald với tựa đề "Chúng ta phải nhìn thấy Trung Quốc – Cơ hội và đe dọa – với con mắt sáng suốt". Bài viết này đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, gây tranh cãi gây gắt trong nội bộ Đảng Cấp tiến cũng như trong chính trường Úc. Ông Hastie đã ví sự thất bại của người Pháp vì không nhìn ra được sự thay đổi trong chiến tranh di động của Phát xít Đức, và người Úc cũng thế, đã thất bại trong việc nhìn ra người láng giềng độc đoán của mình đã trở nên di động như thế nào. Bắc Kinh tức giận với toàn nội dung bài này, nhưng giận nhất là vì bị Hastie ví họ như Đức dưới thời Hitler. Trung Quốc lập tức phản ứng cho rằng ông Hastie vẫn còn "tư duy Chiến tranh Lạnh và sự thiên vị ý thức hệ". Phía đối lập Đảng Lao động nhận xét rằng suy nghĩ này là "cực đoan, quá lố và không hoan nghênh".
Bài viết của Hastie có sự liên hệ mật thiết với các nhân vật nói trên, đặc biệt với ký giả Garnaut và giáo sư Fitzgerald. Các vấn đề và mối liên hệ này sẽ được mổ xẻ trong bài tới.
Úc Châu, 12/08/2019
Phạm Khú Khải
Nguồn : VOA, 16/08/2019
Đối với Đảng cộng sản Việt Nam, hay hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới trước đây cũng như còn sót lại hiện nay, yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Họ định nghĩa nó như thế, không được khác, và bắt buộc người dân phải như thế.
Việt Nam bỏ tù những người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu.
Nhưng xã hội chủ nghĩa cụ thể là gì, và yêu nó thì yêu như thế nào, thì vẫn còn rất mơ hồ, mông lung, và rối rắm !
Sự loay hoay không biết phải làm gì để xây dựng xã hội chủ nghĩa của Đảng cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay chứng minh điều này.
Đảng cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, hay bao đảng cộng sản khác, sau bao nhiêu cuộc cách mạng long trời lở đất, nhân danh nào là độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, công bằng, bình đẳng…, hay nói chung là những giá trị cao đẹp nhất có thể tưởng tượng, cũng chưa đạt được chút nào những lời hứa hẹn này. Hiện nay có ai còn rảnh để đọc những lời tuyên truyền dối trá và đầy xáo ngữ, như trên tạp chí cộng sản ! Đọc bài "Mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", chẳng hạn, viết chỉ cách đây chưa đầy hai năm, cho thấy những người viết vẫn như đang còn ở hang Pác Bó, tự bịt mắt trong thế kỷ qua nên không nhìn ra được giòng tiến bộ chung của nhân loại.
Trong khi văn minh nhân loại đang tiến bộ hàng ngày thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục bám vào tư duy cũ rích, của hàng trăm năm trước. Họ thừa biết nó là sai, thừa biết yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa là sai, nên họít còn rêu rao khẩu hiệu này như trước nữa. Nhưng điều nhất quán là họ vẫn tiếp tục tự ban cho mình độc quyền yêu nước. Những ai yêu nước khác với định nghĩa, hay chủ trương, của cộng sản, dù là cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, hay bất cứ nơi nào, đều bị đối xử tàn tệ, bị sách nhiễu thường xuyên, có khi phải phải nằm tù mục xương. Một ngày trong tù đã là phi lý, huống chi 16 năm, hay 20 năm. Không chỉ chỉ một mình những người này gánh chịu hậu quả, mà giá phải trả của gia đình nhỏ cũng như gia đình lớn của người yêu nước, nhất là cha mẹ họ, rất là oan khiên, nghiệt ngã. Mạng sống, nhân phẩm, công lý, v.v… chẳng có ý nghĩa gì với kẻ cầm quyền. Nó chỉ là khẩu hiệu từ lưỡi không xương của cường quyền.
Xã hội chủ nghĩa, thật ra, không phải là xấu. Từ nguyên thủy có nghĩa là cộng lại và chia sẻ. Nền dân chủ xã hội (social democracy) là một mô hình xã hội tích cực trên thế giới mà một số quốc gia đã đạt được. Nhưng khi đã đến bàn tay người cộng sản thì mọi thứ đều có khả năng trở thành tồi tệ và xấu xa. Từ vấn đề dân chủ, tự do, pháp quyền cho đến Internet, luật an ninh mạng v.v…, họ biến tất cả thành phương tiện và dụng cụ để thâu tóm quyền lực và quyền lợi, và để cai trị và trấn áp người dân, nhất là những người bất đồng chính kiến.
Những người yêu nước xuống đường chống giàn khoan HD-981 năm 2014, chống Formosa năm 2016, chống luật Đặc Khu năm 2018, v.v… tức chống lại các hiểm họa và đe dọa đến an ninh và chủ quyền quốc gia, thì bị đánh đập, bắt bớ, tra tấn, và tù đầy. Còn tệ hơn cách đối xử với chính kẻ thù và những tội phạm đối với đất nước Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam đã trãi qua bao đắng cay tủi nhục, bao hy sinh mất mát, bằng máu và nước mắt, của hàng trăm năm qua, nhưng đích đến vẫn còn rất xa vời. Cho đến nay, thời điểm mà nhân loại đã tiến rất xa trên con đường văn minh và tiến bộ, thì nhiều người Việt vẫn cứ bị những bánh vẽ, những kẻ mị dân, những dối trá điêu ngoa, tiếp tục ru ngủ hoặc lường gạt.
Tại sao Việt Nam ra nông nỗi thế này ?
Cho đến hôm nay, tình hình đất nước quả thật bi đát, rã rời, mục ruỗng đến độ không còn mấy ai quan tâm đến chuyện chung, đến vấn đề an ninh quốc gia, hay cụ thể và thực tế nhất, đến quyền sống và môi trường sống tác động trực tiếp lên họ. Tình trạng chung là mạnh ai nấy sống. Và hầu như ai cũng muốn được ra nước ngoài để tìm lối thoát. Những người quan tâm và ở lại đấu tranh thì gặp vô vàn khó khăn, kẻ cả mạng sống.
Lòng yêu nước đã liên tục bị phản bội, bị đánh tráo, bị tiêu diệt ! Nó đã chết dần, chết mòn, chết yểu ! Ai, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam, là tác nhân của hậu quả này ?
Tình thế này nguy hiểm như bệnh ung thư, một loại ung thư cơ thể chính trị, xã hội và văn hóa. Các đe dọa từ phương Bắc ngày càng gia tăng. Sự kiện Bãi Tư Chính từ đầu tháng Bảy, hay trước đó, cho đến nay, là đáng quan ngại.
Khi thử thách càng lớn lao thì đây cũng chính là cơ hội để người dân Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình. Đây cũng là lúc cần phản ánh, nhận diện và kết luận đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống còn và phát triển của mỗi người trên đất nước này để từ đó tìm ra con đường thoát ly và đi lên cho dân tộc !
Úc Châu, 07/08/2019
Phạm Khú Khải
Theo giáo sưDaniel W. Drezner thì chính phủ Trump và phần lớn cộng đồng về chính sách ngoại giao tại Hoa Kỳ hiếm khi đồng ý với nhau, ngoại trừ vấn đề duy nhất là Trung Quốc.
Thống kê tháng 2/2019 : 63% dân Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ, 32% xem là cộng sự.
Còn người dân thì sao ? Theo khảo sát mới nhất của Hội đồng Chigago về Vấn đề Toàn cầu năm 2019, thì trong vòng một năm qua, 50 phần trăm người Mỹ trước đây xem Trung Quốc chủ yếu là cộng sự (mostly partners) và 49 phần trăm xem chủ yếu là đối thủ (mostly partners) vào tháng Ba năm 2018, thì đến tháng Hai năm 2019, 63 phần trăm xem là đối thủ và 32 phần trăm là cộng sự. Nghĩa là một phần lớn dư luận Mỹ đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc, mặc dầu đại đa số người Mỹ vẫn ủng hộ chủ trương tiếp cận và chia sẻ quyền lực/lãnh đạo đối với các vấn đề quốc tế. Phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ chủ nghĩa quốc tế cấp tiến (liberal internationalism).
Tuy nhìn thấy mối quan ngại, cũng như đe dọa về an ninh và hòa bình, mà Trung Quốc tạo ra, các giải pháp và chiến lược của giới tinh hoa ngoại giao để đối phó với Trung Quốc khác nhau. Vẫn có những quan điểm trong giới tinh hoa Hoa Kỳ cho rằng thương chiến với Trung Quốc không phải là chiến lược hiệu quả nhất, xây dựng thế liên minh rộng vững là chiến lược cần thiết cho Hoa Kỳ, và cấm Huawei có thể đem lại những hệ quả tai hại lâu dài cho Hoa Kỳ sau này. Ba bài viết sau đây bàn về các vấn đề này.
Tom Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 2010 đến 2013, viết trên tạp chí Foreign Affairs bài "Thương chiến của Trump là con đường sai để cạnh tranh với Trung Quốc". Ông cổ võ cho việc tập trung đổi mới Hoa Kỳ, thay vì chú trọng vào chính sách bảo hộ. Đối với Donilon, để khôi phục lại vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ và vực dậy nền kinh tế đòi hỏi một chiến lược đầy tham vọng mà không thể chỉ phụ thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc thôi mà nên chuẩn bị để Hoa Kỳ có thể cạnh tranh. Ông Donilon cho rằng lổ hổng của chiến lược hiện nay là tập trung quá nhiều vào Trung Quốc trong khi không đụng bao nhiêu đến vấn đề nội địa. Ông đề nghị nên đầu tư nhiều hơn vào khoa học, kỹ thuật, giáo dục, hạ tầng cơ sở, nhấn mạnh đến các giá trị nền tảng, củng cố các quan hệ đồng minh, và cải tổ hệ thống di dân để thu hút doanh nhân và chất xám cho tương lai Hoa Kỳ. Ông kết luận rằng chủ trương bảo hộ mang tính phòng thủ không phải là chìa khóa để làm Hoa Kỳ cường thịnh ; chìa khóa là phải xây dựng guồng máy kinh tế vĩ đại nhất ; cho nên bỏ khoảng cách đối với Trung Quốc là một vấn đề chủ yếu về mình (nội địa) hơn về họ.
Kurt M. Campbell và Jake Sullian, trong bài viết mới đây "Cạnh tranh mà không thảm họa" trên Foreign Affairs, cũng đề cao vai trò của đồng minh và thế liên minh. Campbell và Sullian biện luận rằng chủ trương đồng tồn tại (coexistence) là cần thiết để tránh rơi vào vòng nguy hiểm của sự đối đầu trong thời gian tới. Đồng tồn tại có nghĩa chấp nhận cạnh tranh là điều kiện để quản lý hơn là một vấn đề để giải quyết. Trung Quốc, theo Campbell và Sullian, là đối thủ đáng gườm hơn cả Liên Xô trước đây, nhưng khác Liên Xô, Trung Quốc cũng là cộng sự của Mỹ. Họ đề nghị để tránh thảm họa, nhất là đối với Biển Đông, thì cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc nên thiết lập phương tiện và cơ chế truyền thông với nhau để tránh xung đột. Quan trọng nhất, nếu Hoa Kỳ biết khai dụng mạng lưới liên minh và cộng sự rộng lớn của mình thì sức mạnh đó có thể định hình các chọn lựa của Trung Quốc trên tất cả các mặt trận. Và do đó cung cách hành xử và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới v.v…, mang tính quyết định.
Riêng về công ty Huawei, theo bài viết của Lorand Laska "Tại sao cấm Huawei có thể phản tác dụng" trên Foreign Affairs, thì việc chính quyền Trump cấm các công ty của Trung Quốc như Huawei và ZTE là nhằm tạo áp lực để Bắc Kinh ngồi vào bàn thảo luận. Mà mục tiêu chính là thương lượng "thay đổi cấu trúc" đối với nền kinh tế Trung Quốc. Laska biện luận rằng mục tiêu của Hoa Kỳ là muốn giáng một đòn vào Trung Quốc trong cuộc chạy đua chiếm ngự công nghệ thế hệ tới như trí tuệ thông minh/AI và 5G. Nhưng Laska cho rằng Washington đã coi thường khả năng "thắt lưng buộc bụng" của Trung Quốc, vì bên trong nước này, Tập Cận Bình cũng như dàn lãnh đạo của họ đã chuẩn bị tinh thần đối phó bằng hai quan niệm "tự lực cánh sinh" và "sáng kiến bản địa". Trong thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã thành công trong việc tự chế bom nguyên tử ngay cả khi Liên Xô cắt đứt mọi hỗ trợ kỹ thuật. Năm 2015 khi chính quyền Obama cấm Intel bán chip điện tử (processor) để Trung Quốc không thiết lập được máy siêu vi tính, Trung Quốc cũng đã thành công thiết lập máy TaihuLight hoàn toàn bằng các bộ óc vi tính của họ. Hiện nay Viện Hàn lâm Khoa Học Trung Quốc có lẽ là cơ quan nghiên cứu lớn nhất của thế giới, có đến 115 trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc với 60 ngàn nghiên cứu sinh.
Sau khi Huawei bị chính quyền Trump cấm vào tháng Năm, Huawei đã sử dụng 10 ngàn nhân viên làm việc ngày đêm (ba ca một ngày) tại ba thành phố lớn để tìm cách xóa bỏ sự lệ thuộc vào các phần mềm và điện tử tối tân của Mỹ. Thật ra Trung Quốc đã thực hiện chủ trương bớt lệ thuộc vào các con chips tối tân của nước ngoài từ năm 2014. Họ đã bỏ cả trăm tỷ đô la để thiết kế và sản xuất chất bán dẫn (semiconductor). Tuy thế, vẫn cần một thời gian nữa để các công ty tại Trung Quốc có đủ khả năng và điều kiện để làm ra các con chip tối tân mà các công ty của Trung Quốc như Huawei và ZTE, chẳng hạn, đang cần đến từ Hoa Kỳ. Cấm Huawei và cấm các công ty Hoa Kỳ buôn bán các sản phẩm công nghệ cao này có thể gây khó khăn cho Trung Quốc trong thời gian ngắn trước mặt, nhưng Laska cho rằng về lâu dài, với sự quyết tâm và đầu tư của Trung Quốc hiện nay, nó cũng có thể là lý do để họ chạy nước rút, và sẽ tạo ra một Trung Quốc có khả năng công nghệ ghê gớm hơn.
Thương chiến, và chính trị quyền lực, tiếp tục leo thang trong những ngày qua. Ý định của Tổng thống Trump đánh 10 phần trăm thuế lên 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1 tháng Chín có nghĩa việc xét lại có nên tháo bỏ hạn chế với công ty Huawei, điều mà ông Trump gợi ý trước đây, sẽ không còn nữa. Ông Trump cũng nhanh chóng liệt kê Trung Quốc vào hàng "nước thao túng tiền tệ" vào ngày 5 tháng Tám vừa qua để trả đũa cho việc Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và phá giá đồng nhân dân tệ.
Các bài viết và dẫn chứng trên cho chúng ta thấy rằng cuộc chạy đua và tranh giành thế thượng phong giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vài thập niên tới là khá phức tạp, đa miền và đa dạng. Chiến lược/chính sách, tính lưỡng đảng, thế liên minh quốc tế, quyết tâm và can đảm lấy quyết định khó khăn v.v…, và trên hết, khả năng lãnh đạo và thuyết phục người dân để hỗ trợ cho cho chiến lược lâu dài này, sẽ quyết định sự thành bại của mỗi bên.
Úc Châu, 08/08/2019
Phạm Khú Khải
Nguồn : VOA, 09/08/2019
Một mắt, hay đúng hơn, một cặp mắt, dù có tinh xảo mấy, cũng khó mà nhìn thấy được mọi khía cạnh của vấn đề, nhất là các vấn đề linh động, tinh vi và phức tạp. Nhưng năm cặp mắt, ở vị thế khác nhau, và có những kinh nghiệm, khả năng và sở trường khác nhau, chắc chắn bổ xung cho nhau. Đặc biệt nếu chia sẻ cùng ý thức hệ chính trị và quan điểm chiến lược.
11111111111111111111
Năm mắt là cơ hội tìm sự thỏa thuận và sự thống nhất về chiến lược đối với Huawei, 5G.
Năm cặp mắt đó chính là liên minh tình báo giữa năm quốc gia : Anh, Mỹ, Úc, Canada và Tân Tây Lan. Năm nền dân chủ cấp tiến này chia sẻ chung truyền thống văn hóa, chính trị và ngôn ngữ Anh. Liên minh này có nguồn gốc từ Thế Chiến II, khi cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và cố Thủ tướng Winston Churchill hợp tác tìm chiến lược chung cho đồng minh chống lại trục Đức Ý Nhật, và tìm giải pháp chung cho hậu chiến tranh. Vấn đề trao đổi và hợp tác tình báo, nhất là đểgiải mật tín hiệu của kẻ thù, là một trong các chiến lược quan yếu lúc đó. Trong thời điểm này, Úc Canada và Tân Tây Lan vẫn trực thuộc Anh và hầu như không có tiếng nói độc lập nào về mặt ngoại giao, do đó sự hợp tác vẫn chủ yếu giữa chính phủ Anh và Mỹ. Đến năm 1955 thì ba nước Úc, Canada và Tân Tây Lan mới được nâng cấp thành các nước hợp tác thuộc khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth). Mặc dầu vẫn tiếp tục liên minh và hoạt động xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh và sau đó, mãi cho đến năm 2013, năm nước này mới chính thức luân phiên tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về an ninh mỗi năm (Five Country Ministerial/FCM). Mục đích chính là bàn về các mối đe dọa quan yếu đối với nền an ninh quốc gia. Tên bán chính thức của họ là Năm Mắt (Five Eyes/FVEY).
2222222222222222222
Mục tiêu nhắm đến của Năm cặp mắt Anglo-Saxon là hạ gục Trung Quốc
Tuần qua, năm bộ trưởng trách nhiệm an ninh quốc gia, và một số nhân vật quan trọng khác từ năm nước này, kể cả Bộ trưởng Tư Pháp của Mỹ và Anh, đã gặp mặt nhau tại London, Anh quốc vào hai ngày 29 đến 30 tháng Bảy. Nghị trình chính thức, theo Bộ trưởng Nội vụ Anh bà Priti Patel (người vừa mới được tân Thủ tướng Boris Johnson bổ nhiệm trước đó một tuần) là để bàn về các mối đe dọa đang trổi lên, các "cơ hội và rủi ro" đến từ kỹ thuật công nghệ mới như an ninh mạng, các vấn đề mã hóa và các tác hại trực tuyến. Trên trang mạng chính thức của chính phủ Anh cũng cho biết đây là cơ hội để bà Patel tìm cách thuyết phục các đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Anh hầu cùng nhau cam kết hành động mang tính liên hợp và được điều phối đối với hàng loạt những quan ngại về an ninh hiện nay. Các vấn đề mã hóa, như phần mềm WhatsApp, và các đối phó với nạn khiêu dâm trẻ em, cũng như vai trò của các đại công ty Google, Facebook và Microsoft v.v… trong các vấn đề này, nằm trong nghị trình chính thức của hội nghị này.
Tất cả các nghị trình trên, tuy quan trọng, nhưng có lẽ phần quan trọng hơn, nếu không phải là quan trọng nhất, trong cuộc gặp mặt kỳ này, chính là nỗ lực tìm sự thỏa thuận, hoặc tốt hơn nữa, là sự thống nhất về chiến lược giữa Năm Mắt về Huawei, 5G, cũng như khung sườn chung để đối phó với những thử thách của an ninh mạng hiện nay và sắp tới.
Chính sách đối phó với Huawei hiện nay chưa thống nhất giữa Năm Mắt. Hiện nay chỉ có Mỹ và Úc là dứt khoát, trong khi ba nước còn lại vẫn chưa công bố chính thức quyết định của mình. Úc là nước đầu tiên ra lệnh cấm Huawei trong công nghệ 5G của mình. Sau đó Tân Tây Lan cũng tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn Huawei tham gia vào phần lớn công nghệ 5G của mình, mặc dầu Thủ tướng Tân Tây Lan cho biết chưa có quyết định sau cùng nào. Canada vẫn chưa quyết định dứt khoát vì cuộc xét nghiệm công nghệ 5G (một cách độc lập) vẫn chưa đi đến kết luận sau cùng, trong khi tháng 10 này có bầu cử liên bang. Cho nên quyết định cho hay cấm Huawei có lẽ phải chờ cho đến sau bầu cử. Quan điểm của Mỹ về Huawei thì quá rõ ràng, từ vụ yêu cầu Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Chu và dẫn độ sang Hoa Kỳ cuối năm 2018 cho đến các cơ quan an ninh Mỹ đều quan ngại về mối nguy an ninh mà Huawei mang đến, do đó mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã theo lệnh tổng thống Donald Trump cấm Huawei, cũng như cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng các hệ thống, thiết bị và dụng cụ của Huawei vào ngày 15 tháng Năm.
333333333333333
Cho đến cuối tháng 7/2019, chính phủ Anh vẫn chưa có công bố chính thức nào về lập trường đối với Huawei.
Trong Năm Mắt, Anh quốc có vẻ lưỡng lự nhất về quyết định đối với Huawei. Anh không muốn cho thấy quyết định của mình là bị áp lực từ Mỹ, hay bị ảnh hưởng bởi các quyết định từ Úc, chẳng hạn. Chính quyền của một nhà nước dân chủ cần chứng minh tư duy độc lập của mình, do đó các quyết định quan trọng như vấn đề này cần sự nghiên cứu độc lập, khách quan và bao quát. Ngoài ra, phí tổn là một yếu tố quan trọng trong quyết định này. Huawei mang tính cạnh tranh cao vì giá thành rẻ so với các công ty khác. Anh, cũng như mọi nước khác, đều biết rằng ký hợp đồng với Huawei có thểtiết kiệm vài trăm đến cả tỷ đô la. Thêm vào đó, việc Hoa Kỳ cấm Huawei và 68 công ty liên hệ khác vào tháng 5/2019 có những tác động trực tiếp đến việc chọn hay không chọn sử dụng Huawei, bởi vì hạ tầng cơ sở viễn thông đang hoạt động và phí tổn cho công nghệ 5G phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ sẽ được chọn. Sau cùng, qua nhiều cuộc tranh luận với lắm bất đồng trong nội các bà Theresa May, Anh cũng đi đến quyết định vào tháng Tư là tất cả các phần hệ trọng trong mạng 5G không thể dùng Huawei vì lý do an ninh, nhưng các phần ít nhạy cảm khác thì Huawei có thể tham gia một cách giới hạn. Tuy nhiên vì các lý do chính trị tại Anh, đặc biệt là vấn đề Brexit, rồi thay đổi thủ tướng và nội các trong những tháng qua, cho nên đến gần cuối tháng Bảy vừa qua vẫn chưa có công bố chính thức nào về lập trường của chính phủ Anh đối với Huawei.
Ông Johnson chỉ mới lên nhậm chức vài tuần qua nên chưa lấy quyết định, là điều dễ hiểu. Cho nên một trong các mục tiêu hàng đầu của cuộc họp mặt Năm Mắt kỳ này là để thuyết phục nhau, và thống nhất, về chiến lược đối phó với Huawei/5G và an ninh mạng. Các quyết định sử dụng, hay không sử dụng Huawei cho 5G của năm nước này sẽ có những tác động sâu xa lên nền công nghệ tầm quốc gia cũng như quốc tế trong một hai thập niên tới, và vấn đề an ninh mạng, một cách tổng quát.
Về mặt chiến lược, rõ ràng chấp nhận Huawei cung cấp công nghệ 5G có quá nhiều rủi ro, cho dầu Huawei hoạt động hoàn toàn độc lập với Bắc Kinh đi nữa. Độc lập hiện nay, hay trước đây, dù thật sự như thế, không có nghĩa là sẽ độc lập trong tương lai, khi một nhà nước Trung Quốc luôn yêu cầu, và nếu cần thì bắt buộc, mọi công ty và cá nhân phải phục vụ cho mục tiêu chiến lược và quân sự của Trung Quốc. Trên thực tế, Huawei sẽ không thể nào đạt được vị thế hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của lãnh đạo Bắc Kinh, và ngược lại, Bắc Kinh luôn xem Huawei là biểu tượng quốc gia và là phương tiện để phát triển tầm ảnh hưởng của mình một cách toàn cầu.
Ông Trump từng đe dọa là sẽ không chia sẻ tình báo với Anh nếu họ quyết định sử dụng Huawei cho công nghệ 5G. Lời đe dọa của một nguyên thủ quốc gia dân chủ với một nền dân chủ khác không phải là cách tốt nhất để thuyết phục. Ngoài ra, không chia sẻ tình báo trong Năm Mắt với nhau gây ra tác hại và ảnh hưởng chung chứ không chỉ riêng gì Anh. Dù sao lời đe dọa đó cũng làm cho chính phủ Anh suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại, trước khi lấy quyết định sau cùng.
Cuộc họp mặt Năm Mắt đã diễn ra tuần qua, tuy công khai nhưng không tiết lộ gì đáng kể, tuy quan trọng nhưng chủ đích không gây tiếng ồn, càng cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng của Năm Mắt trong việc đối phó với an ninh toàn cầu, nhất là cơ hội và thử thách của an ninh mạng trong một hai thập niên tới. Năm Mắt có đạt được đồng thuận trong chiến lược và thống nhất trong hành động hay không có lẽ phải chờ đến cuối năm nay, nhất là các quyết định sau cùng của Anh, Canada và Tân Tây Lan về Huawei.
Úc Châu, 04/08/2019
Phạm Khú Khải
Nguồn : VOA, 05/08/2019
Ngày 24 tháng Bảy tuần qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố bạch thư về chiến lược quốc phòng. Bạch thư lần trước được công bố cách đây hơn bốn năm, tháng Năm 2015. Trước đó nữa là tháng Tư 2013, tháng Ba 2011, và tháng Giêng 2009.
Hải quân Trung Quốc. Hình minh họa.
Bạch thư dài gần 18 ngàn chữ, 51 trang này, nếu đọc nhanh và khái quát thì mất cũng gần hai tiếng [*]. Đọc chậm và kỹ thì chừng bốn năm tiếng. Còn đọc để nắm bắt các thông điệp của họ, qua những gì được viết trong bản văn này, cũng như những gì không trình bày, thì thời gian là vô hạn. Nó không chỉ mất cả đời người mà còn cả bề dài lịch sử của bao thế hệ và bao xương máu đổ xuống của những dân tộc từng bị họ xâm chiếm cả ngàn năm.
Những chủ tâm hoặc tham vọng thật sự của Trung Quốc thì chắc chắn họ không công bố trong bất cứ văn bản công khai nào.
Về tình hình an ninh quốc tế, bạch thư này nhận định sự cạnh tranh chiến lược quốc tế đang ngày càng gia tăng. Bạch thư cho rằng Hoa Kỳ đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia, sử dụng các chính sách đơn phương, kích động và tăng cường cạnh tranh giữa các nước, gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy thêm năng lực về hạt nhân, ngoài vũ trụ, phòng thủ mạng và tên lửa, phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu v.v… Ngoài Hoa Kỳ thì bạch thư cũng nhận định về vị thế và chủ trương của NATO, Nga, Liên Hiệp Châu Âu, ASEAN, Nhật, Ấn Độ, Úc v.v…
Đứng trước các thử thách này, bạch thư cho biết Trung Quốc sẽ lấy quyết định chiến lược đi theo con đường phát triển trong hòa bình, đề cao chính sách ngoại giao độc lập của hòa bình, và dựa vào truyền thống văn hóa tốt nhất mà luôn xem hòa bình và hòa hợp là nền tảng. Bạch thư cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ tự trong bản chất. Nhưng khi bạch thư nói đến mục tiêu thì không biết giá trị hòa bình đặt ở đâu. Bạch thư cho biết mục tiêu của chính sách quốc phòng Trung Quốc là ngăn cản và chống lại tính gây hấn ; bảo vệ an ninh chính trị quốc gia, an ninh của người dân và ổn định xã hội ; phản đối và ngăn chặn sự độc lập của Đài Loan ; đàn áp các thành phần ủng hộ phong trào ly khai như "Độc lập Tây Tạng" và sự hình thành "Đông Turkistan", tức người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur)… ; bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, v.v…
Bạch thư biện luận người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình. Bạch thư cho rằng từ thời hiện đại bắt đầu, người dân Trung Quốc đã là nạn nhân của sự gây hấn và chiến tranh, nên hiểu được giá trị của hòa bình và nhu cầu tha thiết để phát triển. Do đó nên Trung Quốc sẽ không bao giờ gây ra những đau thương này đối với các quốc gia khác. Bạch thư xác định trong 70 năm qua từ khi thành lập, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không bao giờ gây chiến hay xung đột. Bạch thư còn phản ảnh rằng một quốc gia có thể trở nên mạnh mẽ, nhưng tính hiếu chiến sẽ dẫn đến sự hủy hoại của chính nó. Cho nên bạch thư khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn bá chủ/quyền, bành trướng hay tìm các gia tăng ảnh hưởng cả.
Tuy "yêu chuộng" hòa bình như thế, bạch thưkhẳng định rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army/PLA) "sẽ kiên quyết đánh bại bất cứ ai cố gắng tách Đài Loan khỏi Trung Quốc và bảo vệ sự thống nhất quốc gia bằng mọi giá."
Bạch thưnhấn mạnh rằng các tranh chấp hải phận tại Biển Đông (hay Biển Nam Trung Quốc/South China Sea) và đảng Diaoyu (bên Nhật gọi là Senkak) là các phần không thể tách rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Nói chung bạch thư này tô vẽ một đất nước Trung Quốc mẫu mực và thánh thiện, yêu chuộng hòa bình, không muốn gây hấn, nhưng rất kiên quyết với mọi thành phần nào đụng đến quyền lợi của họ. Mà quyền lợi của họ, của 1,4 tỷ dân số này, thì hầu như ai cũng biết là nó bao la và vô hạn định.
Đọc chỉ chừng đó thôi cũng đủ choáng váng hay chóng mặt rồi. Thảo nào ông Dennis J. Blasko, một trung tá về hưu của quân đội Hoa Kỳ, từng là tùy viên quân sự tại Bắc Kinh và Hồng Kông từ năm 1992 đến 1996, có viết bài phân tích trên Lowy Institute, được nhiều người đọc. Theo Blasko thì người đọc bạch thư này nếu có nhức đầu thì cũng nên được thông cảm/bỏ qua khi họ phải đọc các nhận định mâu thuẫn từ đoạn này sang đoạn khác, mặc dầu nỗ lực của Bắc Kinh là giúp cho "cộng đồng quốc tế hiểu thêm về chiến lược quốc phòng của Trung Quốc". Theo ông Blasko nhận xét thì rất ít, nếu có, cộng đồng quốc tế nào sẽ đổi chiều vì đọc bản văn này. Ông Blasko kết luận : "Bạch thư chứa đủ các món ngon khác hầu cân bằng giá phải trả cho thuốc aspirin để đối phó với chứng chóng mặt mà nó gây ra".
Một trong các mục tiêu chính của bạch thư là để tìm cách thuyết phục cộng đồng thế giới rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục trổi dậy trong hòa bình, và sự cạnh tranh với Hoa Kỳ có những mặt lợi cho cả hai nước, mà không nhất thiết phải đưa đến xung đột hay chiến tranh, nếu biết kiềm chế những rủi ro đến từ sự cạnh tranh này.
Một số thông tin hay nhận định nêu trên trong bạch thư này rõ ràng coi thường sự hiểu biết của người khác. Chẳng hạn, Trung Quốc không bao giờ muốn bá chủ/quyền ; không bao giờ gây chiến hay xung đột trong 70 năm qua (chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam là gì ?) ; ngân sách quốc phòng của họ chỉ chiếm 1,28 phần trăm GDP (5,26 phần trăm ngân sách chính quyền, thấp nhất so với các quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc). Những người tìm đến các thông tin đa chiều đều biết rằng những thông tin, dữ liệu từ Trung Quốc không khả tín, thường bị bóp méo, thổi phồng hoặc bưng bít, cho mục tiêu chính trị, kể cả con số GDP của họ. Họ viết lại sử và các sách giáo khoa để thế hệ Trung Quốc hôm nay và mai sau, cũng như những ai không phải công dân nhưng tiếp cận với sách vở chính thống của họ, hay học tiếng Hán và văn hóa qua các Viện Khổng Tử, có cái nhìn tích cực về Trung Quốc như Bắc Kinh mong muốn.
Trong các thể chế dân chủ, các bạch thư về chính sách ngoại giao hay quốc phòng của Anh, Úc, Mỹ v.v… trước khi thực hiện thì phải tham khảo với hầu như mọi thành phần trong xã hội, từ những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực liên hệ, và các tổ chức xã hội dân sự đa nguyên, cho đến mọi thành phần công chúng quan tâm đến nền chính trị quốc gia. Do đó các văn kiện này thường phản ảnh sâu sắc và đích thực vấn đề mà quốc gia đang đối diện, cũng như các chính sách và chiến lược cốt lõi để làm chuẩn mực hướng dẫn hành động của quốc gia trong tương lai. Các bạch thư loại này nếu không nói đầy đủ, không thể hiện hết các tư tưởng và động cơ, thì nó cũng không viết để lường gạt người khác, bởi tất cả những người thực hiện và liên hệ đều phải chịu trách nhiệm giải trình. Trong khi đó, một nhà nước động đảng độc quyền như Trung Quốc thì không bao giờ thấy có nhu cầu gì phải thực hiện theo tiến trình như thế. Thêm vào đó, một văn hóa chính trị không hề hiện hữu tiêu chí minh bạch hay trách nhiệm giải trình, và xem lừa dối trí trá là biện pháp tối ưu để đánh gục đối thủ, thì người đọc bản văn này cần phải dùng nhiều lăng kính và tiêu chí khác nhau để hiểu được các ý nghĩa đằng sau gần 18 ngàn chữ này.
Những ai quan tâm nên đọc Bạch thư Quốc phòng Trung Quốc này. Nhưng cần phải đọc giữa các chữ, hàng chữ, và giữa các đoạn văn, và đừng quên sử dụng tư duy phản biện (suy nghĩ phê phán), cùng với liều thuốc aspirin chống nhức đầu, như Blasko đề nghị, để thấy sự nhất quán, hay thiếu nhất quán đến độ mâu thuẫn, của lãnh đạo Bắc Kinh. Như chính tư duy và cung cách hành xử của họ tại Bãi Tư Chính mới đây, về vấn đề Biển Đông, hay bao nhiêu điều khác từ hàng ngàn năm qua.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 30/07/2019
Chú thích :
[*] Theo VOA Anh ngữ thì bản văn này dài 27 ngàn chữ, trong khi tôi kiểm chứng cũng bản này trên báo XinHuaNet và từ mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cả hai đều dưới 18 ngàn chữ.
Lời giới thiệu : Vào ngày 12/7 vừa qua, Nhà xuất bản Tự Do cho ra một thông báo về chương trình tặng 1.000 cuốn sách "Phản kháng phi bạo lực" của tác giả Phạm Đoan Trang. Nhà xuất bản Tự Do cho biết sẽ bắt đầu tặng sách vào ngày 14/7. Chưa đầy 4 ngày sau, đến 11 giờ trưa ngày 18/7, 1000 cuốn sách đã được tặng hết. Qua sự kiện này, tôi đã liên lạc với anh Nam Khánh, đại diện của Nhà xuất bản Tự Do, để tìm hiểu thêm các hoạt động của nhóm này. Sau đây là cuộc trò chuyện giữa Phạm Phú Khải và Nam Khánh thuộc Nhà xuất bản Tự Do.
Phản Kháng Phi Bạo Lực. Hình : FB Phạm Đoan Trang
***
Phạm Phú Khải : Đầu tiên, xin Nam Khánh cho biết tại sao các bạn lại chọn lấy tên Nhà xuất bản Tự Do cho nhóm hoạt động của mình ?
Nam Khánh : Khi nhóm các sáng lập viên quyết định thành lập nhà xuất bản, thật sự không quá khó khăn để chúng tôi chọn cái tên Nhà xuất bản Tự Do. Cái tên có vẻ không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là khá bình thường, nhưng điều bình thường ấy đang là khao khát của hàng triệu người Việt Nam, cũng là mục tiêu và lý tưởng của rất nhiều người khác. Chúng ta không được tự do nói những gì chúng ta nghĩ, không được tự do học những gì chúng ta muốn, không được tự do đọc những gì chúng ta thích và nhiều những thứ khác nữa. Sự cai trị độc đoán và kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Việt Nam đã dần biến Tự Do thành một cái gì đó rất xa xỉ đối với người Việt, vì vậy với mong muốn giúp người dân Việt Nam tiếp cận với kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại và vén bức màn sắt đang bao phủ lên đời sống xã hội Việt Nam, cũng như góp phần thúc đẩy một ngành in ấn, xuất bản thật sự độc lập, chúng tôi muốn mục tiêu của mình thể hiện ở ngay từ cái tên của nhà xuất bản. Đó là tự do sáng tác, truyền thông báo chí tự do, xuất bản tự do, tự do học thuật, và cái tên Nhà xuất bản Tự Do đã ra đời như chính mục tiêu và lí do mà nó tồn tại.
Phạm Phú Khải : Xin Nam Khánh giới thiệu sơ qua một số hoạt động của Nhà xuất bản Tự Do ?
Nam Khánh : Chúng tôi là một nhà xuất bản hoạt động độc lập, với hoạt động chính là in và phát hành các ấn phẩm hoàn toàn không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Sách được phát hành thông qua hình thức bán và tặng miễn phí. Chúng tôi từng tổ chức tặng cuốn "Cẩm nang nuôi tù" cho các nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm và gia đình các tù nhân lương tâm, và gần đây nhất là chương trình tặng 1000 cuốn "Phản kháng phi bạo lực". Như anh cũng đã biết, cả hai tác phẩm đều của tác giả Phạm Đoan Trang. Chúng tôi cũng chủ động "săn" các đầu sách mới phù hợp với tiêu chí của nhà xuất bản là đề cao các giá trị Tự Do – Dân Chủ - Nhân Quyền và tôn trọng sự thật, khách quan, hoặc "đặt hàng" các tác giả viết về đề tài mà chúng tôi yêu cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng nhận in và phát hành các tác phẩm do độc giả viết, nếu phù hợp với các tiêu chí trên và có tác động tích cực đến cộng đồng.
Phạm Phú Khải : Tại sao Nhà xuất bản Tự Do lại chọn tác phẩm "Phản kháng phi bạo lực" của Phạm Đoan Trang để in và tặng miễn phí vào lúc này ?
Nam Khánh : Mặc dù chưa có con số thống kế chính xác, nhưng bằng cảm quan chúng tôi cho rằng phong trào dân chủ Việt Nam có số lượng các nhà hoạt động, những người quan tâm, những người ủng hộ thay đổi xã hội là không ít, nếu không muốn nói là ngày càng tăng. Anh có thể thấy qua số lượng người tham gia các cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng của phong trào lại chưa cao và các hoạt động chưa thực sự hiệu quả, xuất phát từ một thực tế là rất nhiều những nhà hoạt động của chúng ta còn yếu cả về kiến thức lẫn kỹ năng đấu tranh phi bạo lực, hiểu sai về phương pháp này và có những hành động còn cảm tính, bản năng, hay có người muốn làm cái gì đó nhưng lại không biết làm như thế nào dẫn đến những hy sinh, thiệt hại không đáng có.
Trong khi tình trạng Việt Nam lại không cho phép chúng ta mở các lớp học đào tạo về phương pháp phản kháng phi bạo lực một cách rộng rãi, thì việc in thành sách và phát hành chúng đại trà là một giải pháp tiếp cận tốt hơn. Mặc dù tác phẩm này đã được tác giả Phạm Đoan Trang hoàn thành và đưa lên mạng dưới dạng Ebook cách đây gần 2 năm nhưng vẫn chưa nhiều người biết đến. Vì sự cần thiết của nó đối với tất cả những ai muốn Việt Nam thay đổi, chúng tôi quyết định sẽ dành tặng miễn phí thay vì bán, để có thể lan tỏa nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Giống như việc anh là một người yêu thích nấu ăn, nhưng lại không biết nấu thế nào cho ngon, anh cũng không có điều kiện đến lớp học nấu ăn, vì vậy chúng tôi trao cho anh một cuốn cẩm nang hướng dẫn anh cách nấu.
Xét về hình thức, đây là cuốn sách mỏng (khoảng hơn 100 trang) như một cuốn cẩm nang. Xét về nội dung, "Phản kháng phi bạo lực" có nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và những gì mà cuốn sách giải thích, hướng dẫn chính xác là những gì mà các nhà hoạt động trong phong trào dân chủ Việt Nam đang thiếu và đang cần. Đã đến lúc phong trào đòi dân chủ - nhân quyền của Việt Nam cần có những hoạt động phản kháng được tổ chức bài bản, có kế hoạch, có chiến lược để hạn chế những hy sinh, thiệt hại không đáng có.
Phạm Phú Khải : Nếu có người đặt câu hỏi Nhà xuất bản Tự Do lấy tiền từ đâu ra để hoạt động, để in ấn và tặng miễn phí nữa, kể cả các cuốn sách "Phản kháng phi bạo lực" này, thì Nam Khánh sẽ trả lời sao ?
Nam Khánh : Ngay từ đầu, khi quyết định thành lập nhà xuất bản chúng tôi đã chọn cách "lấy hoạt động để nuôi hoạt động", sách được chúng tôi bán là chủ yếu. Việc bán sách được thực hiện hoàn toàn công khai trên Fanpage của Nhà xuất bản Tự Do. Tiền thu được từ việc bán sách dùng để duy trì các hoạt động xuất bản và dùng để đầu tư in các ấn phẩm tiếp theo khác.
Những ấn phẩm được tặng miễn phí như cuốn "Cẩm nang nuôi tù" (giới hạn đối tượng được tặng) và cuốn "Phản kháng phi bạo lực" lần này cũng được lấy một phần nhỏ từ nguồn tiền bán các ấn phẩm trước đó cộng với phần còn lại chủ yếu đến từ chính các độc giả của Nhà xuất bản Tự Do ủng hộ. Đây là điều khiến chúng tôi hạnh phúc nhất vì chúng tôi đã không đơn độc sau những cố gắng trong suốt thời gian qua. Nhưng cũng rất tiếc vì lí do an toàn và sự yêu cầu từ những người đóng góp mà chúng tôi không tiện công khai danh tính của họ để gửi lời cảm ơn.
Phạm Phú Khải : Để tiếp tục hoạt động lâu dài và hiệu quả thì mọi tổ chức đều cần một nguồn lực dồi dào, từ tài lực đến nhân lực, và nhiều yếu tố khác. Nam Khánh và các bạn trong nhóm sẽ làm gì để huy động được nguồn lực này ?
Nam Khánh : Đây cũng là điều làm chúng tôi trăn trở, mặc dù hoạt động hiện tại của nhà xuất bản là khá ổn định và hiệu quả. Nếu chúng tôi tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của độc giả như hiện tại thì hoạt động của nhà xuất bản sẽ không gặp khó khăn nhiều về mặt tài chính, việc bán sách và xoay vòng dòng tiền để in các đầu sách khác đã chứng minh được hiệu quả sau gần nửa năm đi vào hoạt động, nên tôi nghĩ để hoạt động lâu dài là điều không quá khó.
Nhưng để mở rộng quy mô và tăng tính hiệu quả thì chúng tôi cần nhiều hơn thế. Gần đây chúng tôi đã thử đăng thông báo tìm các cá nhân, tổ chức muốn trở thành đại lý phân phối sách của Nhà xuất bản Tự Do. Bước đầu đã có một số đại lý được thành lập ở một vài địa phương và việc phân phối sách nhờ vậy cũng thuận lợi hơn, đó là một tín hiệu tốt. Chúng tôi cũng có kế hoạch sẽ thành lập hệ thống phân phối sách đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tổ chức bán sách gây quỹ, vừa để cộng đồng người Việt hải ngoại hiểu hơn về các hoạt động đấu tranh trong nước, vừa có nguồn lực để nhà xuất bản thực hiện các chiến dịch tiếp theo. Xa hơn, chúng tôi có kế hoạch sẽ tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế chuyên hỗ trợ các dự án về tự do truyền thông, báo chí và xuất bản, đó có thể là tài chính, máy móc kỹ thuật hoặc các khóa đào tạo chuyên nghiệp về ngành xuất bản và phát hành sách.
Phạm Phú Khải : Ngoài vấn đề nhân lực và tài lực, Nhà xuất bản Tự Do gặp những thử thách khó khăn nào, và có phải đối diện với những đe dọa nguy hiểm nào từ phía an ninh Việt Nam không ?
Nam Khánh : Một nhà xuất bản hoạt động không giấy phép (mà thật ra có xin cũng không được cấp) độc lập trước sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền phải đối mặt với những đe dọa, đánh phá từ an ninh là điều không thể tránh khỏi. Một Fanpage cũ của Nhà xuất bản Tự Do từng bị đánh sập chỉ sau chưa đầy 4 ngày đi vào hoạt động. Không chỉ nhà xuất bản mà các tác giả cộng tác với chúng tôi cũng thường xuyên bị các tờ báo, các trang blog được hậu thuẫn bởi an ninh Việt Nam viết bài tấn công, bôi nhọ và cả đe dọa.
Các thành viên của nhà xuất bản đã từng bị truy đuổi, phải bỏ chạy khỏi nơi ở, bị mất mát tài sản… Nhưng là những nhà hoạt động, chúng tôi cũng không quá bất ngờ với những gì xảy ra với mình.
Phạm Phú Khải : Giả sử nếu Nam Khánh, hoặc các bạn thuộc Nhà xuất bản Tự Do, bị phát hiện và bắt giam, thì điều gì có thể xảy ra cho các bạn ? Các bạn có lường trước được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho mình không ?
Nam Khánh : Chính quyền Việt Nam luôn có nhiều cách đối xử khác nhau đối với các nhà hoạt động tùy vào mức độ hoạt động của họ. Chúng tôi cũng không thể chắc chắn điều gì, nhưng nếu bị phát hiện và bắt giữ thì việc bị thẩm vấn, đánh đập là điều gần như không thể tránh khỏi. Thật sự mà nói thì đó cũng là điều… bình thường đối với những ai có tư tưởng hay hành động chống đối chính quyền ở Việt Nam.
Nhưng tình huống xấu nhất là hoạt động in ấn và phát hành sách có lẽ sẽ khiến chúng tôi có nguy cơ bị khép vào tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự. Theo đó, người bị khép vào tội danh này sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm tùy vào mức độ, người chuẩn bị phạm tội thôi cũng có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nhưng như đã chia sẻ thì chúng tôi hoàn toàn ý thức được những gì mình đang làm và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, vì tự do là không miễn phí mà.
Phạm Phú Khải : Tự do không miễn phí ! Nhưng quả là rất nguy hiểm. Nam Khánh và các bạn trong nhóm hiểu rất rõ điều này, nhưng không ngần ngại dấn thân. Tại sao ?
Nam Khánh : Vâng, như tôi đã chia sẻ ở trên, chúng tôi ý thức được và hiểu rõ những nguy cơ mà mình có thể gặp phải. Nhưng nếu ai cũng vì sợ hãi mà chùn bước thì xã hội làm sao có thể thay đổi được. Chúng tôi dám làm không hẳn vì chúng tôi dũng cảm hơn những người khác mà vì chúng tôi hiểu rõ mình cần phải làm gì và phải làm như thế nào. Hay nói cách khác, chúng tôi có mục tiêu rõ ràng và có những phương pháp căn bản để có thể làm việc, cũng như đã chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống có thể xảy ra. Điều này cũng được đề cập đến trong cuốn "Phản kháng phi bạo lực".
Quan trọng hơn nữa là chúng tôi có tinh thần đồng đội, đoàn kết và may mắn có được sự nâng đỡ, hậu thuẫn từ rất nhiều người quen và cả không quen biết đối với những việc chúng tôi làm.
Phạm Phú Khải : Mục tiêu hàng đầu của Nhà xuất bản Tự Do là gì, và các bạn dự tính sẽ làm gì để đạt được các mục tiêu này ?
Nam Khánh : Lan tỏa tri thức và sự thật đến người dân Việt Nam là mục tiêu tối thượng của Nhà xuất bản Tự Do. Chúng tôi hy vọng những sản phẩm với tư tưởng tự do của mình có thể cạnh tranh với các sản phẩm tuyên truyền một chiều của các nhà xuất bản được hậu thuẫn bởi chính quyền, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, không chỉ các kiến thức và giá trị tốt đẹp của Dân chủ - Tự do – Nhân quyền mà đó cũng có thể là những câu chuyện, những sự thật bị cố tình che giấu. Chính quyền càng cố thu hẹp không gian dân sự và cố kiểm soát tư tưởng thông qua một bộ máy kiểm duyệt hà khắc, thì chúng tôi sẽ dùng các hoạt động của mình để mở ra không gian tự do. Không gian tự do được mở rộng đến một mức độ nhất định thì chính quyền sẽ không còn khả năng để kiểm soát nữa. Khi đó tự do tư tưởng, tự do học thuật sẽ trở thành điều bình thường trong xã hội.
Để làm được điều đó chúng tôi biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng dù có phát triển đến mấy thì một Nhà xuất bản Tự Do cũng không thể và không đủ sức làm hết phần việc hệ trọng ấy. Vì vậy, chúng tôi rất mong sau quá trình hoạt động với một chút những thành công nho nhỏ có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động khác chung tay để cùng đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Phạm Phú Khải : Ngoài Nhà xuất bản Tự Do ra thì Nam Khánh có biết đến các nhà xuất bản độc lập khác không, và có sự liên đới kết hợp nào hiện nay hay tương lai không ?
Nam Khánh : Ở Việt Nam trước đây thì có Nhà xuất bản Giấy Vụn và Nhà xuất bản Vô Danh là hai nhà xuất bản xuất hiện trước chúng tôi. Họ cũng đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình dân chủ hóa và đã có những thành công nhất định. Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của những người đi trước. Đáng tiếc là hiện nay cả hai nhà xuất bản này không còn hoạt động nữa. Mỗi nhà xuất bản có những lý do riêng của họ và chúng tôi không được rõ lắm.
Nhà xuất bản Tự Do ra đời sau khi cả hai nhà xuất bản này đã ngừng hoạt động, vì vậy chúng tôi không có cơ hội được hợp tác. Tuy nhiên, như đã chia sẻ ở trên thì chúng tôi rất sẵn lòng nếu nhận được lời mời hợp tác từ các cá nhân, tổ chức khác trong tương lai nếu phù hợp.
Phạm Phú Khải : Câu hỏi này hơi bên lề một chút. Chắc Nam Khánh có theo dõi các cuộc biểu tình của giới trẻ tại Hồng Kông trong những tuần qua. Nam Khánh có những suy nghĩ nào về biến sự này ?
Nam Khánh : Tôi thật sự rất ấn tượng với những gì đang diễn ra tại Hồng Kông. Tôi khâm phục và ngưỡng mộ những gì mà người dân nói chung và các bạn trẻ Hồng Kông nói riêng đang làm được. Nó đẹp như một câu chuyện cổ tích. Vì họ không chỉ là xuống đường, thể hiện quyền và sức mạnh của công dân, mà họ còn cho thế giới thấy một tập thể đoàn kết, với cách tổ chức chuyên nghiệp, và phương pháp phản kháng đầy nghệ thuật sáng tạo.
Thời gian qua tôi cũng thấy nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam lấy phong trào của Hồng Kông so sánh với tình trạng của Việt Nam, đặc biệt là so sánh giới trẻ hai bên. Theo tôi, đó là một sự so sánh khập khiễng. Người Hồng Kông hàng trăm năm nay đã may mắn có được một nền giáo dục tự do, khai phóng trong một xã hội dân chủ, điều mà hiện tại người Việt Nam còn đang phải chật vật để giành lấy. Nên thay vì so sánh và khiển trách thì tôi cho rằng chúng ta nên chọn cho mình một công việc cụ thể để đóng góp cho phong trào dân chủ Việt Nam, có thể bắt đầu bằng việc quan sát và học hỏi từ phong trào ở Hồng Kông, từ đó rút kinh nghiệm và áp dụng cho các phong trào ở Việt Nam trong tương lai chẳng hạn.
Phạm Phú Khải : Nam Khánh nghĩ sao về tình hình giới trẻ Việt Nam ? Thực tế hiện nay có làm cho các bạn bi quan hay thất vọng không ? Và theo Nam Khánh thì người Việt trong và ngoài nước cần phải làm gì để tạo ý thức và đẩy mạnh các phong trào dân sự tại Việt Nam ?
Nam Khánh : Bản thân tôi luôn nghĩ mình trẻ, ít ra là trẻ trong tâm hồn, và đang hoạt động, và tôi không cảm thấy và cũng không cho phép mình bi quan hay thất vọng. Đặc biệt là trong suốt mấy năm hoạt động, công việc đòi hỏi tôi đi nhiều nơi, có cơ hội tiếp xúc với những bạn trẻ đến từ nhiều vùng miền, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi thấy ở họ sự nhiệt huyết, năng động, tinh thần ham học hỏi và cũng rất dũng cảm. Điều đó càng làm tôi có động lực hơn để đi tiếp vì tôi biết rằng mình không đơn độc trên hành trình gian nan này. Một số những kiến thức và kỹ năng tôi có được cũng là nhờ học được từ các bạn trẻ khác.
Mặc dù thực tế Việt Nam vẫn còn rất khắc nghiệt nhưng đã có rất nhiều người trẻ dám đứng lên, dám tham gia biểu tình, biết chủ động tìm kiếm cơ hội để được tự do học tập để phát triển bản thân. Đó là điều đáng để đặt hy vọng lớn thay vì bi quan.
Cá nhân tôi không dám và cũng chưa đủ khả năng để đưa ra lời khuyên "người Việt trong và ngoài nước cần phải làm gì". Nhưng tôi nghĩ muốn làm mọi sự thành công thì điều đầu tiên là phải có kiến thức, vì tri thức là sức mạnh, sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta bớt sợ hãi. Muốn thúc đẩy phong trào ở Việt Nam thì cần nhiều những con người vững kiến thức lẫn kỹ năng. Muốn làm được điều đó không còn cách nào khác là bắt đầu việc học ngay từ bây giờ.
Phạm Phú Khải : Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, Nam Khánh cho điều gì khác muốn chia sẻ thêm về vấn đề xuất bản tự do, đấu tranh phi bạo lực, hay công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam nói chung ?
Nam Khánh : Nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể thấy các phong trào thay đổi xã hội không thể thiếu sự đóng góp của ngành báo chí và xuất bản. Như phong trào Phục Hưng, sự tự do bắt đầu bằng tự do sáng tác nghệ thuật. Từ phong trào Kháng Cách, các cuộc cách mạng từ thế kỷ 18, 19, cho đến những cuộc cách mạng ôn hòa sau này đều có sự đóng góp của việc in ấn, xuất bản và lan truyền các luồng tư tưởng mới, tự do hơn, khai phóng hơn. Những tư tưởng này một khi đã lan tỏa trong người dân, đã được người dân chấp nhận, thì họ sẽ trở nên miễn nhiễm trước sự định hướng của tầng lớp cai trị.
Cũng chính vì lý do đó mà nhà cầm quyền ở các chế độ độc tài đều tìm cách ngăn chặn, cấm đoán, kiểm soát việc in ấn và xuất bản.
Cho nên, chúng tôi nhận thấy rằng công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam không thể thiếu vắng các tác phẩm tự do. Càng nhiều người dám viết, càng nhiều người dám in ấn, dám phát hành các sách báo trái chiều thì sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức nhanh hơn và thiết thực hơn. Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều người tham gia vào các hoạt động này, và sẽ xuất hiện nhiều nhà xuất bản độc lập trong thời gian tới. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cho họ trong khả năng của mình.
Phạm Phú Khải : Cảm ơn Nam Khánh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Mong chúc Nam Khánh và các nhà hoạt động đạt được những thành quả mong đợi trong những ngày tới. Quý bạn đọc có thể theo dõi các hoạt động trên trang Facebook của Nhà xuất bản Tự Do hay qua email Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..
Nam Khánh : Chân thành cảm ơn anh đã tạo điều kiện để tôi có dịp chia sẻ câu chuyện của Nhà xuất bản Tự Do đến quý độc giả của VOA, tôi cũng xin thay mặt nhà xuất bản gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã ủng hộ chúng tôi trong thời gian qua.
Phạm Phú Khải thực hiện
Nguồn : VOA, 27/07/2019
Thứ Năm 18 tháng Bảy vừa qua, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) bà Nikki Haley đã viết một bài trên tạp chí Foreign Affairs có tựa đề "Làm thế nào để đối đầu với mối đe dọa tiến tới từ Trung Quốc ?" (1). Bài viết này chắc chắn sẽ làm cho Trung Quốc, nhất là các lãnh đạo tại Bắc Kinh hiện nay, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, bất bình, nếu không phải là căm phẫn.
Bà Nikki Haley.
Trước khi bàn về bài viết này, có lẽ cũng cần nói vềbà Haley một chút. Bà Haley sinh ngày 20/01/1972, tức năm nay chỉ mới 47 tuổi, trong một gia đình mà ba mẹ đều là người gốc Ấn Độ và có học vấn cao (bố có bằng tiến sĩ, mẹ có bằng cao học). Năm 2011, Haley là người phụ nữ đầu tiên, và cũng là người gốc thiểu số đầu tiên, làm Thống đốc tại bang South Carolina, cho đến năm 2017 (và là người thứ nhì gốc Ấn Độ giữ vai trò thống đốc tại Hoa Kỳ). Khi thắng cử cuối năm 2016, ông Donald Trump đã đề cử bà Haley làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Gần hai năm phục vụ trong chức vụ này, bà Haley tuyên bố từ nhiệm vai trò này vào ngày 3/10/2018, chính thức kết thúc vai trò này cuối năm 2018.
Trong lá thư từ nhiệm gửi cho tổng thống Donald Trump, cũng như trong cuộc phỏng vấn bởi bà Elise Labott thuộc Tạp chí State, bà Haley tiết lộ vài chi tiết thú vị.
Một, khi ông Trump đề cử bà Haley vào vai trò Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà chấp nhận lời mời của tổng thống nhưng với điều kiện. Ngoài các điều kiện được nằm trong nội các và trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, bà Haley muốn có quyền được nói những suy nghĩ của bà (can speak her mind) về các vấn đề hàng ngày. Bà Haley không ngờ ông Trump đồng ý với các điều kiện này, và đã tôn trọng lời cam kết này trong suốt thời gian bà phục vụ. Cũng vì thế nên bà đã trân trọng ghi nhận rằng ông Trump đã giữ các lời hứa này. Nên nhớ rằng trước đó ông Trump không phải là sự chọn lựa đầu tiên của bà Haley. Thật ra bà Haley đã chọn ủng hộ thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc bang Florida làm ứng viên tổng thống, và sau khi thượng nghị sĩ Rubio bị loại thì bà Haley chọn ủng hộ thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc bang Texas. Nhưng không phải vì thế mà ông Trump không nhìn thấy tài năng của bà Haley và không vận dụng tài năng hay ảnh hưởng chính trị của bà.
Hai, bà Haley khẳng định trong thư từ chức rằng vì bà tin tưởng về giới hạn nhiệm kỳ (term limit) nên bà mong muốn người khác cũng có cơ hội phục vụ trong vai trò này (2). Bà Haley quyết định sẽ trở về làm một công dân bình thường, sẽ không tranh cử cho bất cứ một vai trò nào trong chính quyền vào năm 2020, sẽ ủng hộ ông Trump tái tranh cử, và ủng hộ các chính sách làm cho Hoa Kỳ đạt được những thành tựu vĩ đại hơn. Nhưng bà mong đợi sẽ tiếp tục nói ra những gì bà suy nghĩ về các chính sách quan trọng. Bà Haley đã làm thế sau hơn nửa năm gần như im lặng hoàn toàn.
Khi còn đang làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Haley đã chứng tỏ là người thẳng thắn và không ngần ngại phát biểu các suy nghĩ của mình về vấn đề hệ trọng, cho dầu nó có làm cho các đại sứ khác hay các quốc gia khác bực mình phẫn nộ, hay ngược lại các tweet của ông Trump.
Cũng cần nhớ rằng làm việc dưới quyền của Tổng thống Trump không hề dễ chút nào. Bao nhiêu tài năng trong nội các Trump đã từng từ nhiệm hay bị cách chức trong hơn hai năm qua. Nhiều cái tweet của ông Trump gây hoang mang, không chỉ cho công chúng, cho giới truyền thông, mà còn cho cả các thành viên trong nội các của ông. Nhiều người hoàn toàn không được tham khảo hay biết các thông tin hay quyết định của ông Trump cho đến khi theo dõi các cơ quan truyền thông tường thuật về các tweet của ông Trump. Trong vai trò đại sứ tại Liên Hiệp Quốc mà phải đối phó hàng ngày hàng giờ với bao nguồn thông tin và quan điểm lập trường khác nhau, ngay cả trong nội các, về các vấn đề hệ trọng khác nhau, nhất là đại diện của một cường quốc có ảnh hưởng giây chuyền lên các quốc gia khác, thì đây là một trong các trách nhiệm nặng nề nhất và căng thẳng nhất trong chính quyền Hoa Kỳ.
Có thể vì lý do này mà báo New York Times, tờ báo thường xuyên chỉ trích ông Trump và các chính sách của chính quyền này, cũng phải công nhận tài năng và những thành tựu mà bà Haley đã đạt được trong hai năm phục vụ. Trong khi ông Trump có chủ trương theo chính sách đơn phương (unilateralism), bà Haley vẫn tìm cách thuyết phục thế giới thấy rằng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng và ủng hộ chủ nghĩa đa phương (multilateralism). Bà Haley góp phần làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ nói riêng, toàn thế giới nói chung, nghĩ rằng thật ra các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn mang tính truyền thống như thời hậu Thế Chiến II hơn là những điều ông Trump hứa hẹn lúc vận động tranh cử tổng thống. Bà Haley cũng đã nỗ lực cải tổ hệ thống công quyền, hành chánh của Liên Hiệp Quốc, cũng như tạo tối đa áp lực và các biện pháp hình phạt lên Bắc Hàn. Bà Haley cũng thường xuyên lên án các vi phạm nhân quyền tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc hơn những người khác trong chính quyền Trump. Khác với ông Trump, bà Haley thẳng thắn phê phán Nga qua các hoạt động của họ tại Ukraine, hay các tấn công bằng chất hóa học của họ tại Syria.
Giờ đây khi đang là một công dân bình thường, không còn vướng bận với tính cách của một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ hay một chính trị gia, bà Haley có dịp bày tỏ quan điểm riêng của riêng mình. Và bà Haley đã chọn Trung Quốc làm đề tài quan trọng nhất để viết, trên tạp chí Foreign Affairs. Trong bài này, bà Haley đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất, và là thử thách lớn lao đối với Hoa Kỳ về lĩnh vực trí tuệ, công nghệ/kỹ thuật, chính trị, ngoại giao và quân sự. Đối với bà, các hiểm nguy này mang tính sống chết, chứ không phải bình thường. Bà Haley kêu gọi toàn Hoa Kỳ, không chỉ riêng toàn bộ chính quyền (whole of government) mà là toàn dân (whole of nation), phải hành động trước khi quá trễ.
Có ba điều, trong nhiều lập luận, đáng chú ý nhất trong bài của bà Haley.
Một, niềm tin rằng Trung Quốc khi trở nên giàu có hơn sẽ cải tổ và hội nhập với thế giới, sẽ tự do hóa/cấp tiến hóa nền chính trị để trở thành một thành viên trách nhiệm trong hệ thống chính trị thế giới, sẽ trở thành giống như Hoa Kỳ, chẳng hạn, là sai lầm. Lý thuyết này, còn gọi là "thuyết đồng quy" (convergence theory), nghe có vẻ an ủi nhưng không diễn ra như thế. Chính quyền của Trung Quốc trở nên giáo điều và áp bức hơn, với tham vọng quân sự không chỉ trong vùng hay chỉ phòng thủ mà còn mang tính toàn cầu và được thiết kế để gây sợ hãi. Chủ tịch Tập Cận Bình thi hành chính sách chính thức rằng mọi công ty công nghệ Trung Quốc phải phục vụ cho mục tiêu quân sự của Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa rằng không hề có giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang cấp tiến/dân chủ, mà là độc tài độc đảng vĩnh viễn được hỗ trợ bởi công nghệ hiệu quả. Chính quyền Trung Quốc đã tự định nghĩa rằng mình là kẻ thù của nền dân chủ cấp tiến Tây phương.
Hai, một nhà nước pháp quyền hành xử khác hẳn với một nhà nước độc tài. Một trong các nguyên tắc hướng dẫn chính sách và hành động của Hoa Kỳ sau Thế Chiến II là các quốc gia nên tôn trọng những gì thuộc về các quốc gia khác. Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ giúp xây dựng lại Đức và Nhật, và không hề ăn cắp nguồn lực nào của hai quốc gia này. Sau khi đánh chiếm Iraq, Hoa Kỳ cũng không ăn cắp một giọt dầu nào tại đây. Trong nội địa Hoa Kỳ, người dân sống trong nền pháp quyền, trong đó luật pháp không phải chỉ là công cụ của kẻ mạnh mà là hạn chế đối với quyền lực. Cách hiểu biết về pháp luật đã định hình cách người Mỹ suy nghĩ và hành động, và cách vận hành đối với các vấn đề thế giới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo độc tài tại Trung Quốc thì lo ngại rằng người dân Trung Quốc tự do sẽ lật đổ họ từ quyền lực, như người dân tự do khắp nơi đã làm. Vì thế nên họ luôn tìm cách quản lý những đe dọa đối với sự cai trị của họ bằng cách tạo ra các khủng hoảng ngoài nước và đề cao chủ nghĩa dân tộc trong nước. Họ giăng các bẫy nợ qua Sáng kiến Vành đai Con đường. Ngoài ra họ cũng tạo ra một nhà nước giám sát mọi hoạt động của công dân (Orwellian surveillance state) qua Thế hệ 5G và qua trí tuệ nhân tạo. Năm 2015, ông Tập công bố một chính sách mới có hiệu lực rằng mọi công ty tư nhân của Trung Quốc phải làm việc cho quân đội. Trên hết, lãnh đạo Trung Quốc không phải tìm cách làm cho đời sống của người dân tốt hơn mà là bảo vệ sự cai trị độc tôn của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đối với tư duy lãnh đạo Trung Quốc, những gì tốt nhất cho Đảng cộng sản Trung Quốc là tốt cho Trung Quốc.
Ba, tuy các chiến lược gia tại Trung Quốc cổ võ nhiều xu hướng khác nhau để làm cho quốc gia này vĩ đại hơn, phương cách của Tập Cận Bình rõ ràng là đi theo chủ trương cương quyết, chủ nghĩa dân tộc và có tính cách quân phiệt. Thử nhìn cách họ Tập đối xử trừng phạt Việt Nam, Phi Luật Tân, hoặc Nam Dương khi có những xung đột về lãnh hải, kể cả việc cắt dây cáp quan hay tấn công các thuyền đánh cá của các nước này (cách đây hai tuần đã xảy ra sự kiện tương tự trong lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân gặp ông Tập Cận Bình, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ sự kiện này, trong khi Việt Nam thì lên tiếng yếu ớt và chậm trễ). Trung Quốc mong muốn chiếm đoạt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, không những là ở Châu Á mà hiển nhiên là ở phần còn lại của thế giới.
Qua các phân tích trên, bà Haley đề nghị Hoa Kỳ cần phải có các biện pháp mới, phải suy nghĩ sáng tạo và gan dạ, mà không hề ảo tưởng về các ý đồ của đối thủ mình. Bà Haley đề nghị điều đầu tiên là cải chính các điều lệ về thương mại và đầu tư, nhất là trong các công nghệ cao cấp, để Trung Quốc không thể tiếp tục trục lợi sự cởi mở của hệ thống Hoa Kỳ. Vấn đề an ninh và quyền lợi quốc gia là quan trọng hàng đầu, ngay cả Adam Smith trong tác phẩm "Sự thịnh vượng của các quốc gia" (The Wealth of Nations) cũng biện minh như thế. Kế đến là phải cải tiến nền ngoại giao của Hoa Kỳ, để người Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới hiểu rõ các chiến lược của Trung Quốc, các phương thức phòng thủ đối với các đe dọa quân sự từ nước này, và bảo vệ các nguyên tắc của hệ thống quốc tế hậu Thế Chiến II mà đã đem lại thịnh vượng trên toàn cầu. Và sau cùng, để quản lý các mối đe dọa từ Trung Quốc, cũng như từ Nga, Bắc Hàn, Iran và các mạng lưới khủng bố thánh chiến, thì Hoa Kỳ phải củng cố tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự của mình. Theo bà Haley thì việc đầu tư vốn liếng, tuy ngân sách hàng năm nhiều nhưng vẫn chưa đủ, đối với các công nghệ quan trọng hàng đầu, như khả năng hải quân, kỹ nghệ thông tin, khả năng không gian mạng v.v…
Những phân tích, nhận định và đề nghị của bà Haley trong bài này thật ra không có gì mới. Nhưng có thêm một tiếng nói có nhiều ảnh hưởng của một người từng giữ vai trò quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc là cần thiết trên chính trường quốc tế hiện nay. Lập trường quả quyết của Hoa Kỳ và mọi quốc gia khác cũng rất cần thiết để đối đầu với Trung Quốc, để áp lực họ phải thay đổi cách hành xử hiện nay, bởi không thể chờ đợi thêm nữa khi các ý đồ độc quyền của đảng và bá quyền thiên hạ của họ ngày càng rõ ràng.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 24/07/2019
Chú thích :
(1) Nikki Haley, "How to Confront an Advancing Threat From China ", Foreign Affairs, 18/07/2019
(2) Cũng có những nhận định rằng bà Haley từ nhiệm bởi vì trước đây dưới quyền Ngoại trưởng Rex Tillerson, bà Haley gần như hoàn toàn tự do trong suy nghĩ và hành động của mình, nhưng điều đó đã thay đổi khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thay thế và John Bolton lên làm Cố vấn An ninh Quốc gia.
Một năm trước khi qua đời, nhà văn Leo Tolstoy người Nga, được xem là một trong những đại văn hào lớn nhất của mọi thời đại, đã nhận định như sau về vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln.
Đài tưởng niệm Abraham Lincoln tại thủ đô Washington.
"Sự vĩ đại của Napoleon, Caesar hay Washington chỉ như ánh trăng bên cạnh mặt trời của Lincoln. Tấm gương của ông là phổ quát cho toàn nhân loại và tồn tại hàng ngàn năm… Ông lớn hơn cả quốc gia của ông, lớn hơn tất cả các Tổng thống cộng lại… và là một tính cách vĩ đại, ông sẽ sống cho đến khi nào thế giới còn tồn tại" - Leo Tolstoy, Abraham Lincoln, The World, New York, 1909.
Xin mở ngoặc một chút để nói về Tolstoy. Ngoài các tác phẩm nổi tiếng của Tolstoy như "Chiến tranh và Hòa bình" và "Anna Karenina" v.v…, một tác phẩm khác có tên "Vương quốc của Thượng đế nằm trong chính bạn" (the Kingdom of God is within you), là một cuốn sách kinh điển về "bất bạo động" (non violence) dựa trên nền tảng giá trị của Thiên Chúa giáo. Tolstoy đã mất 30 năm để hoàn tất tác phẩm này. Tác phẩm đã tác động sâu xa lên Mahatma Gandhi, và bao người khác, và dẫn dắt công cuộc đấu tranh giành độc lập thành công cho Ấn Độ vào cuối thập niên 1940s. Trước khi Tolstoy mất, Tolstoy và Gandhi cũng đã trao đổi thừ từ với nhau, nhất là khi Gandhi đọc được một lá thư mà Tolstoy đã viết cho Tarak Nath Das năm 1908, có tên "Một lá thư gửi đến một người Ấn Độ giáo". Lá thư này đã truyền cảm hứng cho Gandhi, để ông dịch sang Ấn ngữ cho người dân mình đọc, và từ đó Gandhi tìm đến Tolstoy tham khảo và khuyên nhủ cho cuộc đấu tranh cho Ấn Độ, dựa trên con đường bất bạo động. Sau này khi viết hồi ký, chính Gandhi cũng ghi nhận ảnh hưởng của Tolstoy về triết lý sống và đấu tranh trong cuộc đời của ông, nhất là tác phẩm "The Kingdom of God is within you" đã "để lại một ấn tượng vĩnh cửu lên tôi". Đây cũng là con đường mà cụ Phan Châu Trinh cách đây hơn 100 năm, và các xu hướng vận động dân chủ Việt hiện nay, đang nỗ lực thực hiện.
Tolstoy không đơn độc trong nhận định về Lincoln. Trong các cuộc khảo sátvới các chuyên gia/học thuật về lĩnh vực lịch sử, chính trị và pháp luật, thì Lincoln là tổng thống luôn đứng hàng đầu : có lúc nhất, nhì hoặc ba, thay phiên nhau với hai vị tổng thống khác là George Washington, và Franklin (Delano) Roosevelt. Cả ba vị tổng thống Hoa Kỳ Washington, Lincoln và Roosevelt đều là những người lãnh đạo quốc gia trong những thời điểm khủng hoảng nhất và thử thách nhất : Washington được biết qua cuộc cách mạng Hoa Kỳ ; Lincoln qua cuộc nội chiến ; Roosevelt qua Thế Chiến II [1]. Hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng trong nền chính trị nội địa Hoa Kỳ mà còn tác động sâu xa lên chính trị thế giới, trong đó hai yếu tố quan trọng toàn cầu mà sau này gọi là dân chủ (cấp tiến) và trật tự (thế giới). Quan niệm dân chủ vào lúc đó đồng nghĩa với việc người dân có khả năng tham gia và điều hành mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân và nền chính trị của quốc gia mình.
Ở trên, Tolstoy không chỉ đánh giá cao về Lincoln trong nền chính trị, hay bản xếp hạng về tài năng, của các lãnh đạo Hoa Kỳ, mà còn trên bình diện lịch sử nhân loại toàn cầu.
Đã bao nhiêu sách viết về Lincoln. Mỗi tác phẩm, hiển nhiên, đào sâu về các góc cạnh khác nhau về Lincoln. Nhiều sử gia nhận định rằng ngoài Chúa Giê Su, không có một nhân vật lịch sử nào trên thế giới được viết về nhiều như thế. Vào năm 2012 đã có khoảng 15 ngàn cuốn sách viết về Lincoln. Và nó vẫn chưa dừng ở đây. Vào năm 2012, một triễn lãm trưng bày bảy ngàn cuốn sách viết về Lincoln chồng lên nhau đã có đường kính 2,44 mét và cao 10,4 mét (8 x 34 feet). Các nhà tâm lý học và lãnh đạo học ngày nay luôn xem Lincoln là mẫu mực lãnh đạo, nhất là trong thời điểm khủng hoảng và chia rẽ quốc gia.
Cuối năm 2018, một học giả được xem là sử gia hàng đầu chuyên về các tổng thống Hoa Kỳ, tiến sĩ Doris Kearns Goodwin, đã cho ra đời tác phẩm "Tài lãnh đạo : Trong thời điểm hỗn loạn (Leadership : In Turbulent Times). Sau năm thập niên nghiên cứu về nhiều tổng thống Hoa Kỳ, tiến sĩ Goodwin đã cho ra đời nhiều tác phẩm thật giá trị và lôi cuốn, trong đó có cuốn này. Trước đó, bà Goodwin đã từng được biết đến qua nhiều tác phẩm lịch sử giá trị, như Thời điểm Không Bình thường (No Ordinary Time) về Franklin Roosevelt và Eleanor Roosevelt, đoạt giải Pulitzer về lịch sử năm 1995. Hoặc "Đội của những đối thủ" (Team of Rivals) xuất bản năm 2005, được giải thưởng của Hội Lịch sử New York. Đây là một trong các tác phẩm được cố tổng thống Barrack Obama yêu chuộng nhất vì trong đó có vô số các bài học cho mọi lãnh đạo mọi thời đại. Tác phẩm này được dựa vào để làm thành phim Lincoln do Steven Spielberg đạo diễn và trình chiếu năm 2012.
Đọc các tác phẩm của các sử gia Mỹ và Anh, như Jill Lepore, Martin Gilbert, Jean Edward Smith, Arthur Meier Schlesinger Jr, Stephen Kotkin, v.v…, và đặc biệt Doris Goodwin, tôi thật sự yêu thích và say mê lịch sử, hơn trước nữa. Tài liệu dồi dào và tra cứu kỹ lưỡng : họ phải đọc hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, cuốn sách khác nhau, và phải tự tìm đến bao nguồn dữ liệu đồ sộ gốc để tra cứu, kiểm chứng, và cho ra một cái nhìn khác. Cách viết rõ ràng, chi tiết, lôi cuốn như kể chuyện, nhưng đơn giản hóa ngôn từ : mặc dầu được đào tạo hàn lâm, và các đề tài này thường phức tạp, đa chiều và gây tranh cãi, họ luôn tìm cách sử dụng ngôn ngữ giản dị dễ hiểu khi viết (plain English). Đây là kỹ năng rất khó, chứ không hề dễ, đạt được [2]. Trên hết là phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, lý luận khách quan và khoa học, để từ đó đưa ra góc nhìn khác hoặc mới, phản biện các lý luận không xác đáng hay bằng chứng không xác thực, chẳng hạn [3].
Riêng về tác phẩm "Tài lãnh đạo : Trong thời điểm hỗn loạn", tiến sĩ Goodwin nói về bốn tổng thống Hoa Kỳ : Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt (FDR) và Lyndon Johnson (LBJ). Đọc xong tác phẩm này, tôi hiểu được thêm và sâu vì sao Hoa Kỳ vĩ đại. Đơn giản bởi vì văn hóa chính trị của quốc gia này, tất nhiên không chỉ riêng những tổng thống tài ba nói trên. Nhưng phải công nhận vai trò của lãnh đạo là quan yếu trong mọi thời đại, nhất là khi thử thách lớn hơn cơ hội, chia rẽ lớn hơn đoàn kết. Những người như Washinton, Lincoln, và Roosevelt, đều có tài năng lãnh đạo xuất chúng vào các thời điểm khủng hoảng của mình. Cuộc cách mạng, nội chiến Hoa Kỳ và Thế Chiến II đã làm thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ mà ba vị tổng thống này đã góp phần định hình. Lincoln và Roosevelt đều trãi qua những nghịch cảnh lớn lao tưởng chừng như vùi dập họ, con đường chính trị tưởng chừng như chấm dứt. Nhưng không ! Họ đã vượt qua được chính mình để trở thành vĩ đại, để quốc gia họ trở thành vĩ đại.
Ngày nay chúng ta biết đến một vĩ nhân Lincoln qua nhân cách, tài lãnh đạo (vừa thực dụng vừa lý tưởng), tính khiêm nhường, lòng trắc ẩn, tham vọng lớn, tinh thần tha thứ, tài hùng biện, viễn kiến/tầm nhìn rất xa v.v… Phần lớn các tài năng này không phải do bẩm sinh, mà đến từ sự kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm, tò mò, tự học/chủ, cầu tiến và cố gắng không ngừng nghỉ của Lincoln. Trên hết, tất cả những người lãnh đạo thành công được sử sách ghi nhận đều được bảo bọc, thương yêu, khuyến khích và hướng dẫn, bởi người mẹ, cha hoặc cả hai. Tình yêu thương, lòng tin tưởng, và sự dẫn dắt của cha/mẹ là nguồn lực quan trọng mang tính quyết định đối với sự thành bại của con em mình.
Có người từng cho rằng Lincoln là một nhân vật có một không hai trong lịch sử. Điều đó có lẽ đúng. Sẽ không có một Lincoln thứ hai trong lịch sử. Nhưng di sản của Lincoln, bao gồm những bài học và giá trị ông để lại cho đời, và nhất là tài lãnh đạo thể hiện qua trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) rất độc đáo của ông, đều mang tính phổ quát để mọi người trên khắp thế giới thuộc bất cứ sắc tộc hay tôn giáo nào, cũng có thể học hỏi và tôi luyện được. Mahatma Gandhi và Nelson Mandela, chẳng hạn, đều có một số đức tính trên, và đều phải trãi qua bao nghịch cảnh, thất bại và lắm khi tuyệt vọng, nhưng họ phải nỗ lực quyết tâm không ngừng để vươn lên. Tất cả các yếu tố con người này cần phải được khuyến khích, hướng dẫn và luyện tập không ngừng, như chính Lincoln đã ý thức thực hiện, từ lúc còn rất nhỏ.
Nhưng tại sao đại văn hào Leo Tolstoy, và nhiều nhà nghiên cứu học giả khác, nhận định vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là một trong những anh hùng vĩ đại nhất ?
Úc Châu, 15/07/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 21/07/2019
Ghi chú :
[1] Một người khác, Woodrow Wilson, là tổng thống vào thời điểm Thế Chiến I, và tuy Hoa Kỳ có những đóng góp quan trọng vào kết quả của cuộc chiến này, Hoa Kỳ chỉ tham gia vào hai năm cuối trước khi Thế Chiến I chấm dứt. Tuy nhiên Wilson đã thất bại trong việc thuyết phục quốc hội Hoa Kỳ thông qua hiệp ước Versailles và tham gia vào Liên đoàn Quốc gia (the League of Nations). Do đó Wilson chỉ được xếp hạng thứ 11 trong bản đánh giá này.
[2] Nói chung cách viết luận văn ở các trường đại học Tây phương, ngoài nguyên tắc không được đạo văn, là bốn chữ C về truyền thông (Four Cs in Communication) : toàn diện/đầy đủ (comprehensive), xúc tích (concise), lập luận vững chắc (cogent) và rõ ràng (clear). Cũng có những phiên bản khác nhau về điều này, thay vì các chữ trên, thì là compelling, complete, correct, courteous, credible, consistent, creative v.v…
[3] Xin nhấn mạnh ở đây rằng khi nói đến yếu tố khách quan, nó luôn là tương đối, bởi vì đã là người, ai trong chúng ta cũng đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của môi trường gia đình, nhà trường/giáo dục, xã hội, truyền thống và văn hóa mà chúng ta sinh ra và trưởng thành. Những gì một con người tiếp thu từ lúc sinh ra đời cho đến khi lớn lên không nhất thiết lúc nào cũng đúng, cũng khách quan khoa học, do đó trong mỗi chúng ta đều có ít hay nhiều định kiến vô thức (unconscious bias) mà chúng ta hoàn toàn không biết và không hiểu vì sao có nó.
Tài liệu tham khảo :
Ngoài các tài liệu từ các links ghi nhận trong bài, các tài liệu và dữ kiện chính về Abraham Lincoln trong bài này là từ các nguồn sau đây :
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals : The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.
3. Kevin Hillstrom, Laurie Collier Hillstrom, Lawrence W. Baker, American Civil War : Almanac, American Civil War Reference Library, UXL 2000.
4. Các học giả, nghiên cứu về tâm lý và lãnh đạo viết về Abraham Lincoln trên tạp chí Psychology Today cũng được sử dụng trong bài này và các bài tới (sẽ được liệt kê trong phần tài liệu tham khảo, khi được sử dụng).
Dự luật dẫn độ, như tên gọi ngắn gọn của nó để dễ nhớ, tuy là mối đe dọa đối với các quyền tự do căn bản của người Hồng Kông, nhưng cũng là cơ hội quý hiếm để phần lớn họ đồng lòng xuống đường bày tỏ ý kiến và đấu tranh để bảo vệ những nguyên tắc và giá trị sống của mỗi người và mọi người trên mảnh đất này.
Biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong, 14 tháng Bảy, 2019.
Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông trong thời gian qua đã tạo niềm cảm hứng cho những ai khát vọng tự do, nhân phẩm và tiến bộ trên toàn cầu, trong đó có người dân Việt Nam, đặc biệt các thế hệ trẻ đang được tiếp cận với các nguồn thông tin ngoài luồng và những tư duy độc lập cấp và tiến hiện nay. Bài nhạc “Sea of Black” của nhạc sĩ Trúc Hồ chỉ một thời gian ngắn đã được vài trăm ngàn người xem, và nhiều người Hồng Kông đã xúc động bày tỏ ý kiến khi nghe bài hát này. Chế độ độc tài luôn lo sợ ảnh hưởng của văn nghệ sĩ tự do, như ca sĩ và nhà hoạt độngDenise Ho của Hồng Kông, khi cô lên diễn đàn Liên Hiệp Quốc tố cáo Bắc Kinh ngăn cản dân chủ tại Hồng Kông bằng mọi giá.
Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông, và các cuộc vận động của họ trên nhiều diễn đàn khắp thế giới trong những tuần qua, đã làm điên đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh. Đối với Hồng Kông, còn đến 28 năm nữa, tức năm 2047, thì Bắc Kinh mới có toàn quyền quyết định trực tiếp thể chế và cung cách điều hành chính trị tại đây. Nếu chế độ “xã hội chủ nghĩa với tính cách đặc trưng của Trung Quốc” này vẫn còn tồn tại đến lúc đó, nghĩa là một năm trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ăn mừng kỷ niệm 100 thành lập năm 1948, thì “Cuộc chạy đua một trăm năm” mà tiến sĩ Michael Pillsburyphân tích, có khả năng đưa Trung Quốc trở thành bá chủ toàn cầu, hay ít ra ngang ngửa quyền lực với Hoa Kỳ. Cán cân quyền lực vào lúc đó sẽ thay đổi sâu sắc nền chính trị quốc tế.
Nhưng từ đây đến đó vẫn còn quá lâu, và quá xa, để phân tích và phỏng đoán được điều gì chắc chắn. Những bí ẩn, trí trá và bất định trong những tháng ngày tới, hay vài năm tới, cũng không thể nhận diện và đối phó, đối với mọi bên, huống chi gần ba thập niên nữa. Cuộc chạy đua khoa học kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo/AI, hay nói chung là cuộc Cách mạng Công nghệ Bốn, mang tính cách quyết định đối với cán cân quyền lực này. Điều quan trọng nhất, qua các bài học lịch sử xưa nay, là rằng những gì chúng ta làm, hoặc không làm, ngày hôm nay, sẽ tác động sâu xa đến tương lai của chúng ta, và các thế hệ mai sau. Đó cũng là cốt lõi của triết lý nhân quả của Phật giáo.
Các thế hệ trẻ Hồng Kông nói riêng (tiêu biểu như Hoàng Chi Phong/Joshua Wong), và người dân nói chung, hiểu rõ điều này, do đó họ không chấp nhận bất cứ mọi sự áp đặt, hay can thiệp nào, từ những người đại diện của họ trong Hội đồng Lập pháp, hay từ Bắc Kinh. Cũng nhưPhong trào Ngũ Tứcách đây 100 năm, hay biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm, Phong trào Dù vàng 1.0 cách đây năm năm, và Phong trào Dù vàng 2.0 trong những tuần qua, phong trào dân chủ Hồng Kông đã tính toán kỹ lưỡng để khai dụng những vấn đề thời sự và biến cố lịch sử để đánh vào tâm thức và tiềm thức người dân. Ngoài dự luật dẫn độ (một vấn đề thời sự liên quan trực tiếp đến quyền tự do, nhất là quyền được xét xử công bằng và minh bạch bởi một nền tư pháp độc lập không bị chính trị hóa hay có bất cứ thế lực đen tối nào đàng sau), tháng Sáu và tháng Bảy nhắc nhở họ hai biến cố lịch sử : cuộc tàn sát sinh viên nói riêng và người dân Trung Quốc nói chung vào tối ngày 3 tháng Sáu năm 1989 cách đây 30 năm ; và sự trao trả Hồng Kông về Trung Quốc vào ngày 1 tháng Bảy năm 1997 cách đây 22 năm.
Cũng cần nhắc lại rằng khi Đặng Tiểu Bình ký kết với Margaret Thatcher của Anh chấp nhận “một quốc gia, hai hệ thống” (hay thể chế), cũng như ký với Bồ Đào Nha về tương lai của Macau (có hiệu lực đến ngày 20 tháng Mười Hai năm 2049), ông Đặng thực hiện vì ông là người có cái nhìn thực tiễn và không quá giáo điều. Ông Đặng từng có những quan niệm rằng mèo đen mèo trắng mèo nào cũng được, miễn sao bắt được chuộc, hoặc kinh tế thị trường mang đặc tính xã hội chủ nghĩa, hay sau này đổi thành mang đặc tính Trung Quốc. Tương tự, ông Đặng tuy nhìn thấy mâu thuẫn về ý thức hệ đối với chủ trương một quốc gia hai thể chế, nhưng ông chấp nhận, một phần vì tư duy thực tiễn của ông, một phần khác vì Trung Quốc không đủ mạnh để đòi hỏi nhiều trên chính trường quốc tế vào lúc đó. Giờ đây, các lãnh đạo Bắc Kinh có tham vọng hơn ông Đặng và các lãnh đạo thời đó vì quyền lực cứng, mềm và bén của họ đã khác xưa rất nhiều. Ông Tập lại không chủ trương dấu tham vọng đó như ông Đặng, và vì thế nên thế giới đã phần nào hiểu rõ hơn được bản chất của chế độ cầm quyền Bắc Kinh hơn.
Trong chuyến thăm Hồng Kông năm 2017 kỷ niệm 20 năm được trả về Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping) từngrăn đe, rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, hoặc thách thức quyền lực của Bắc Kinh, sẽ vượt qua đường ranh giới đỏ (red line). Tuy thế, ông Tập cũng khen ngợi nức nở chính sách một quốc gia, hai hệ thống trong bài phát biểu này. Tất nhiên ông Tập không muốn Hồng Kông trở nên một nền dân chủ cấp tiến hoàn chỉnh. Mọi cuộc biểu tình có dính líu đến dân chủ hay chính trị, nhất là liên quan đến Bắc Kinh, đều có khả năng thách thức sự cai trị bởi một nhà nước độc đảng của Trung Quốc. Nhưng trong bài phát biểu này, ông Tập khen ngợi chủ trương và viễn kiến của ông Đặng.
Hai năm sau bài phát biểu này, ngay bây giờ ông Tập có còn suy nghĩ như thế không là một dấu hỏi lớn !
Các quyết định của ông Đặng thời thập niên 1980, nhất là một quốc gia hai hệ thống ký với Anh năm 1984, giờ đây trở lại gây khó khăn cho lãnh đạo Bắc Kinh. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh quan ngại sâu sắc. Chủ yếu vì tầm quan trọng mà Bắc Kinh đã đặt ra đối với vấn đề thống nhất của Trung Quốc, đặc biệt là các vùng/khu tự trị. Thống nhất ở đây không chỉ là về lãnh thổ, mà còn là văn hóa, chính trị/thể chế, ngôn ngữ chung (Hán ngữ), và nhất là một tâm thức chung, vào một ngày nào đó trong tương lai. Nhưng hiện tại nó đang bị thách thức mà trong đó khả năng kiểm soát và ảnh hưởng trực tiếp, như tại Hồng Kông, chẳng hạn, bị giới hạn rất nhiều. Nếu khôngkhéo léo quản lý, nó có khả năng lan rộng và thách thức các vùng tự trị còn lại, vốn đã và đang diễn ra. Từ Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Ma Câu đến Đài Loan.
Cũng cần nên nhớ rằng mặc dầu đa sốngười dân Hồng Kông vẫn tiếp tục ủng hộ cơ chế này hiện nay (71.2 phần trăm ủng hộ một quốc gia hai hệ thống hiện nay, 14.7 phần trăm ủng hộ sự điều hành trực tiếp từ Bắc Kinh, và 11.4 phần trăm muốn Hồng Kông độc lập hoàn toàn), những người quan tâm nhìn thấy rõ nỗ lực xâm nhập và ảnh hưởng từ Bắc Kinh lên nền chính trị tại đây. Xa hơn nữa, chưa ai biết rõ Bắc Kinh chủ trương quản lý Hồng Kông ra sao từ năm 2047 trở đi. Những người biểu tình tại Hồng Kông hiểu rất rõ rằng nếu không khai dụng cơ hội này để đấu tranh, hoặc nếu không đấu tranh mạnh mẽ và dứt khoát lúc này, thì sẽ không còn cơ hội như thế trong tương lai.
Ngoài lãnh đạo tại Bắc Kinh quan tâm sâu sắc đến các diễn biến tại Hồng Kông, lãnh đạo và người dân Đài Loan cũng theo dõi từng diễn biến tại nơi này, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng lên họ. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1979, Đặng Tiểu Bình chính thứclên tiếng lần đầu tiên rằng Bắc Kinh “sẽ tôn trọng thực trạng và hệ thống hiện tại đó miễn sao Đài Loan trở về với Tổ quốc”. Ba năm sau, ông Đặng đề nghị giải quyết vấn đề Đài Loan bằng giải pháp hai hệ thống khác nhau có thể cùng tồn tại, và điều này không chỉ áp dụng cho Đài Loan mà còn cho Hồng Kông. Tuy nhiên Đài Loan vẫn từ chối giải pháp này cho đến nay, trong khi nó lại được dùng cho Hồng Kông trước. Quan sát kỹ lưỡng các cuộc biểu tình tại Hồng Kông vừa qua, Tổng thống Đài Loan bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) viết trênTwitterrằng : “Chúng tôi sát cánh với tất cả những người yêu chuộng tự do của Hồng Kông. Trong khuôn mặt của họ, chúng ta thấy khao khát tự do, và được nhắc nhở rằng nền dân chủ khó khăn để đoạt được của Đài Loan phải được bảo vệ và đổi mới bởi mọi thế hệ. Khi nào tôi vẫn còn là tổng thống, một quốc gia hai hệ thống sẽ không bao giờ là sự lựa chọn.”
Cuộc khảo sát vào tháng Ba năm nay tại Đài Loan cho biết 79 phần trăm dân số bác bỏ một quốc gia hai hệ thống, và 87,7 phần trăm công chúng tin rằng tương lai của Đài Loan phải do chính 23 triệu dân của họ quyết định lấy.
Người dân Hồng Kông đã cho biết rõ quan điểm và lựa chọn của họ. Người dân Đài Loan, và lãnh đạo của họ, cũng khẳng định dứt khoát như thế. Khẳng khái từ chối, phủ nhận con đường Bắc Kinh định hướng, là một sỉ nhục lớn lao đối với Bắc Kinh. Vì biết thế nên nhiều năm qua Bắc Kinh đã bỏ ra hàng chục tỷ đô la hàng năm để đánh bóng tuyên truyền cho chế độ này, khai dụng các chính sáchquyền lực mềm và bén của họ. Nhưng tất cả các nỗ lực của họ trong thời gian qua cũng không thể thay đổi sự thật rằng nếu có đầy đủ thông tin đa chiều, đa số người dân khắp nơi vẫn khát khao tự do và từ chối áp bức.
Úc Châu, 11/07/2019
Hôm 9 tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội trong đó cho phép đưa nghi can về Hoa lục đã "chết". Bà Lam chính thức ghi nhận : "Nguyên nhân của những bất bình này là do chính phủ gây ra. Vẫn còn những nghi ngờ kéo dài về việc chính phủ sẽ khởi động lại dự luật hay không. Không hề có kế hoạch như vậy. Dự luật (này) đã chết".
Tuy chính thức công nhận lỗi lầm của mình, những người biểu tình tại Hồng Kông không tin tưởng bà Lam, những gì bà nói hay đại diện, và nhất là thế lực đứng sau lưng bà.
Ngày 9 tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội trong đó cho phép đưa nghi can về Hoa lục đã "chết".
Trước hết, người biểu tình tại Hồng Kông hiểu rằng mặc dầu tuyên bố như thế, quan điểm của bà Lam về vấn đề dẫn độ về Hoa lục vẫn không thay đổi. Bà Lam không sử dụng đúng ngôn ngữ pháp lý, không dám tuyên bố chính thức rút lại dự luật (formally withdraw). Người Hồng Kông quan ngại rằng nếu không rút lại dự luật này toàn diện và lập tức thì các nhà làm luật có thể khởi đầu tranh luận lại nó, và có thể đưa nó ra biểu quyết vào thời điểm thích hợp trong tương lai. Như thế thì nguy cơ dự luật dẫn độ được thông qua vẫn còn đó.
Theo Nhóm Luật sư Cấp tiến thì luật dẫn độ là phương tiện thích hợp nhất để Bắc Kinh xử lý mọi nghi can, bất kể họ thuộc quốc tịch nào, cư ngụ tại Hồng Kông hay đã mới đặt chân lên đây, đưa họ đến Hoa lục để tòa án tại đó xét xử.
Vì người dân Hồng Kông đã sống và hưởng một nền chính trị pháp quyền hơn một trăm năm qua nên họ càng trân quý những gì họ đã và đang được hưởng, nhất là khi các quyền tự do căn bản của họ bị đe dọa. Tuy Hồng Kông được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong 22 năm qua, những người như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) chỉ chưa đầy một tuổi lúc đó, lại là những người đấu tranh mạnh mẽ nhất để bảo vệ văn hóa chính trị mà Hồng Kông có được dưới thời thuộc địa Anh. Hiểu được sâu sắc mối đe dọa của Bắc Kinh đối với quyền tự do và tự trị của người Hồng Kông, Wong đã tham gia vào các hoạt động đấu tranh này rất sớm, từ những lúc chỉ mới 14, 15 tuổi. Và Wong cũng phải trả giá đắc cho nhiều năm tháng tù đầy và bị sách nhiễu vì các hoạt động của mình. Hiểu được thủ tục và tiến trình làm luật tại Hồng Kông, Wong tuyên bố rằng để giết chết một dự luật đúng cách thì cần phải sử dụng điều 64 của Quy định và Tiến trình (của Hội đồng Lập pháp), chính thức rút lại dự luật. Còn nếu nó vẫn chưa được rút lại chính thức, tiến trình làm luật này có thể cho phép dự luật được đọc qua tại Hội đồng Lập pháp lần thứ hai, rồi thứ ba, là điều có thể xảy ra cùng ngày, và có thể được thực hiện cấp tốc, nếu cần, và như thế thì người dân Hồng Kông không có thời gian để vận động, bày tỏ ý kiến hay phản đối.
Đối với Bắc Kinh, cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm ngàn người trong suốt tháng qua, có lúc lên đến cả triệu người, là một mối đe dọa lớn lao cho lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng vì thế nên họ tìm mọi cách để biện minh rằng các cuộc biểu tình trong suốt tháng qua là do các thế lực thù nghịch trong nước cấu kết với các thế lực thù nghịch nước ngoài, một chiêu bài họ bao lần sử dụng, đặc biệt đối với biến cốThiên An Môn, và sau đó. Trong trường hợp Hồng Kông, các nhà hoạt động dân chủ tại đây đã đi vận động khắp nơi, từ Hoa Kỳ đến Âu Châu, gặp từ Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho đến Ngoại Trưởng Mike Pompeo, cho đến người Phát ngôn Hạ viện Nancy Pelosi. Tuy đây là tiến trình vận động bình thường trong một xã hội dân chủ, Bắc Kinh chỉ nhìn thấy nó là mối đe dọa và can thiệp bởi thế lực nước ngoài. Đối với cách nhìn này, họ vẫn cho rằng người dân Hồng Kông nói riêng, người Trung Quốc ở khắp nơi nói chung, phần lớn biểu tình vì bị sách động. Vẫn là "Suy bụng ta ra bụng người". Nói chung họ vẫn phủ nhận rằng người dân của mình đã đủ lớn, đủ trưởng thành, để tự lấy các quyết định quan trọng. Đây chỉ là cách diễn giải tùy tiện để họ biện minh cho các biện pháp khắt khe, kể cả bạo lực, để dập tắt biểu tình, từ trước đến nay.
Các cuộc biểu tình đông đảo của người Hồng Kông hơn một tháng qua trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Là "Chủ tịch mọi thứ", Tập Cận Bình (Xi Jinping) cũng là người chịu áp lực nặng nề nhất từ các cuộc biểu tình này. Họ Tập không thể nào làm ngơ trước biến cố tác động không những lên Hồng Kông, Đài Loan, mà còn các khu tự trị khác. Dù quyền lực đầy mình hiện nay, những gì ông Tập muốn cũng không thật sự dễ làm, bởi vì Trung Quốc đã cam kết tôn trọng nguyên tắc "một quốc gia, hai thể chế" với Anh khi Hồng Kông được trả lại. Ít nhất là cho đến năm 2047, 50 năm kể từ năm 1997, tức vẫn còn 28 năm nữa.
Ông Tập hiện nay đang đứng trước nhiều áp lực và thử thách lớn lao : một nền kinh tế đang suy thoái, và đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ ; một Sáng kiến Vàng đai Con Đường trị giá một ngàn tỷ đô la Mỹ, nhưng các kế hoạch hiện nay đều bấp bênh chẳng đi đến đâu ; các công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, từ ZTE, Huawei, tàu cao tốc v.v… hoặc bị tẩy chay hoặc chưa được các quốc gia phát triển chấp nhận. Nhưng trên hết, cuộc xuống đường của người Hồng Kông, và thêm vào đó là sự ủng hộ công khai và trực tiếp của phần lớn người dân Đài Loan, cho thấy người dân Trung Quốc từ chối Bắc Kinh. Nói cách khác, nếu có cơ hội để bày tỏ hay lựa chọn, rất có thể phần lớn người dân sẽ không ủng hộ con đường hay thể chế chính trị mà Bắc Kinh đã chọn.
Đây là mối đe dọa lớn, nếu không phải là lớn nhất, đối với chế độ, nhất là vị thế cầm quyền của Tập Cận Bình, trong thời gian tới. Ông Tập sẽ làm gì, hay không làm gì cả, đều sẽ được quan sát kỹ lưỡng trong thời gian tới. Thay thế bà Lam, chẳng hạn, dù thỏa mãn người biểu tình Hồng Kông, nhưng sẽ làm cho chính họquan ngại hơn với quyền lực từ Bắc Kinh. Không làm gì cả thì chứng tỏ ông Tập yếu ớt, tuy có quyền lực trong tay nhưng không có khả năng giải quyết tình hình. Thật không dễ dàng qua mặt người dân Hồng Kông hiện nay chút nào. Mọi lời nói hay hành động của bà Lam hay ông Tập dễ dàng đưa họ xuống đường bất cứ lúc nào để bày tỏ quan điểm của mình.
Nhưng đây chỉ là các bước khởi đầu, chưa phải kết thúc, của cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ luôn tìm mọi cách để xiết chặt quyền tự do tại đây, nếu không bây giờ thì cũng tương lai. Nhưng người dân Hồng Kông sẽ bảo vệ được các quyền tự do của mình, và một thể chế pháp quyền (rule of law), nếu họ không tự mãn với các thành tựu qua, và luôn sẵn sàng hành động, như họ đã từng làm khi Bắc Kinh tìm cách đưa sợi dây thòng lọng vào cổ người dân Hồng Kông.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 13/07/2019