Câu hỏi ‘khi nào Trung Quốc sẽ dân chủ hóa’ thì chắc không một học giả, chuyên gia hay tiên tri nào có thể trả lời chính xác được.
Liệu Trung Quốc sẽ dân chủ hóa vào một ngày nào đó trong tương lai ?
Liệu Trung Quốc sẽ dân chủ hóa ? Ảnh minh họa
Nhiều học giả chuyên gia trong những thập niên qua phân tích rằng trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ phải dân chủ hóa, nhất là khi một tầng lớp trung lưu hình thành và đủ mạnh để giành lấy tiếng nói, xây dựng ảnh hưởng và bảo vệ quyền lợi/lực của mình. Đặc biệt là để tránh các cung cách hành xử phi lý, độc đoán và các quyết định tùy tiện từ phía cầm quyền.
Cho đến nay, các dự đoán này vẫn chưa xảy ra. Nhưng không có nghĩa là sẽ không xảy ra.
Một bài viết vừa mới đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 4 tháng 10 của Jiwei Ci, giáo sư triết học thuộc đại học Hồng Kông, có tựa đề "Không có dân chủ, Trung Quốc sẽ không trổi thêm nữa", chắc sẽ gây nhiều suy nghĩ và tranh luận [1].
Một cách tóm tắc, tác giả trình bày các luận điểm như sau. Một, những gì xảy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa kỳ phụ thuộc vào công cuộc dân chủ hóa của nước này hơn bất cứ vấn đề nào khác. Hai, tuy chưa phải là một thể chế chính trị dân chủ, Trung Quốc đã là một thực thể xã hội dân chủ. Ba, Tập Cận Bình là thế hệ lãnh đạo sau cùng có khả năng điều hành Trung Quốc với với mức độ thẩm quyền và ổn định vừa phải trong khi thiếu vắng dân chủ, nhưng thế hệ lãnh đạo sau Tập Cận Bình sẽ khác giống, và họ sẽ không thể kiểm soát đảng, quân đội, truyền thông cũng như lĩnh vực tư.
Về vấn đề dân chủ hóa tại Trung Quốc, giáo sư Ci cho rằng ý tưởng dự án dân chủ đã bị chết và chôn vùi tại Trung Quốc là xa vời, chẳng khác gì những kỳ vọng trước đó về một sự tiến hóa dân chủ thuận buồm xuôi gió. Cả hai đều không thực tế. Nhưng Ci cho rằng hiện tại đã hình thành một thực thể xã hội dân chủ tại Trung Quốc, mà nói theo ngôn ngữ của triết gia Alexis de Tocqueville trong cuốn "Dân chủ tại Hoa Kỳ", thì sự bình đẳng trong xã hội sẽ lan tràn/xâm chiếm vào lĩnh vực chính trị cũng như mọi địa hạt khác. Do đó bình đẳng trên mọi mặt, kể cả chính trị tại đây (tức dân chủ hóa thể chế chính trị), chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn, chứ không phải vĩnh viễn không xảy ra.
Với nhận xét này, giáo sư Ci kết luận rằng dân chủ thật sự cần thiết cho Trung Quốc vì nếu không, quốc gia này sẽ không thể phát triển thêm nữa, nếu không phải là thụt lùi một cách tệ hại trong tương lai gần. Nhưng Ci cũng biện luận rằng vì người dân Trung Quốc chưa bao giờ có cơ hội phát huy những thói quen và những kỹ năng dân sự cần thiết để giúp cho nền dân chủ non trẻ/mới hình thành một cơ hội thành công, đặc biệt là nền pháp trị, tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp với nhau, và khả năng tự chế. Để chuẩn bị cho tiến trình này đòi hỏi khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, vì các chế độ cường quyền có thể trở thành dễ bị tổn thương và nguy hiểm khi nó tiến hành cải tổ. Sự chuẩn bị và chuyển tiếp cho nền dân chủ không hề dễ. Vì thế giáo sư Ci biện luận rằng hãy để Trung Quốc dân chủ hóa theo lý do riêng của họ và nhịp độ định sẵn của họ. Những người đấu tranh dân chủ sử dụng mục tiêu chính trị chống lại nó hay các đối tác nước ngoài làm soi mòn nó không hẳn đã là phương cách hiệu quả. Lý do ? Đảng Cộng Sản Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa.
Về điểm thứ nhất, giáo sư Ci có lẽ đúng phần lớn. Chủ trương của Hoa Kỳ khi nối lại mối quan giao với Trung Quốc bắt đầu từ cuộc viếng thăm của Henry Kissinger vào năm 1971, và chính thức sau khi Tổng thống Richard Nixon viếng thăm Bắc Kinh năm 1972, hoàn toàn mang tính chiến lược để cân bằng và ngăn chặn Liên Xô. Các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ về sau đó, từ Jimmy Carter đến Ronald Reagan, George H Bush, cũng mang tính chiến lược chính trị là chính, nhưng sau Chiến tranh Lạnh, tức kể từ thời Bill Clinton trở đi cho đến George W Bush và Barack Obama thì chủ yếu là kinh tế/thương mại. Tuy thế trong thâm tâm, tất cả lãnh đạo Hoa Kỳ trước nay đều kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, tôn trọng luật lệ và trật tự thế giới, và dần dần sẽ dân chủ hóa [2]. Tất cả đều tin đó là con đường tất yếu, ngoại lệ có lẽ là Tổng thống Donald Trump (*).
Về điểm thứ hai, giáo sư Ci cho rằng thực thể xã hội dân chủ đã có tại Trung Quốc. Ci cho rằng giai cấp không còn là nền tảng đối xử để loại trừ đa số người dân Trung Quốc về quyền và lợi tại đây. Quan hệ giữa nam và nữ, cha mẹ và con cái, thành thị và nông thôn, và phần nào đó, tuy ít hơn, giữa kẻ cai trị và người bị trị, ngày càng bình đẳng hơn. Mặc dầu chưa hoàn toàn bình đẳng, nhưng đã có nỗ lực đáng kể để đẩy xã hội thay đổi như thế. Những yếu tố mà giáo sư Ci nói tuy có, nhưng nó rất mỏng manh và yếu ớt. Thật ra thì bản chất xã hội nào cũng đa nguyên cả, nhưng bị kìm hãm và uốn nắn vào khuôn khổ bởi truyền thống văn hóa và bởi các chế độ chính trị độc tài. Tất nhiên xã hội Trung Quốc đã thay đổi nhiều trong bốn thập niên qua, nghĩa là so với trước đây vẫn ‘bình đẳng’ hơn chút, và đã đưa đến nhiều thay đổi khác về xã hội. Nhưng trên thực tế, ít có xã hội nào bất công và bất bình đẳng như Trung Quốc, nhất là giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị v.v… [3]. Hơn nữa, bình đẳng chỉ là một yếu tố để đo lường xã hội. Tính đa nguyên của thực thể xã hội dân chủ còn phải bao gồm ý thức hệ/triết lý về chính trị, văn hóa, tôn giáo, giáo dục v.v… Do đó không thể gọi Trung Quốc hiện nay là một thực thể xã hội dân chủ.
Về điểm ba, đồng ý rằng sau Tập Cận Bình sẽ khó có một cá nhân lãnh đạo khác có thể nắm gần như toàn bộ quyền lực trong tay như hiện nay. Nhưng giáo sư Ci cho rằng ông Tập làm được như thế không chỉ đơn giản là vì ông sở hữu những cá tính đặc biệt nhưng vì ông thuộc thế hệ lãnh đạo cuối cùng có thể rút ra tính hợp pháp từ di sản cách mạng cộng sản mà trong đó có cả hai, vừa học thuyết và vừa quyết tâm đặc biệt, để giữ cho Đảng cộng sản Trung Quốc nắm quyền bằng mọi giá, bao gồm cả cái giá phải trả vào tháng 6 năm 1989 (Thiên An Môn). Biện luận này không vững vì nếu như thế thì tại sao ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào không chủ trương, hoặc không làm được, như ông Tập Cận Bình ? Đến nay cách thâu tóm quyền lực vào trong tay, và vận dụng các công nghệ cao cấp như trí tuệ nhân tạo, máy siêu tính để nhận dạng, và hệ thống tín dụng xã hội để kiểm soát xã hội về mọi mặt, và chủ trương sùng bái cá nhân giống như thời Mao Trạch Đông, và dùng Mao cho mục tiêu chính trị của mình, cho thấy ông Tập là kẻ cực kỳ tham vọng và tính toán [4]. Nói cho cùng, những gì ông Tập chiếm được ngày hôm nay phản ảnh cái đảng và cái văn hóa chính trị mà ông đang cầm đầu.
Về vấn đề dân chủ hóa, tôi đồng ý rằng sự phát triển của các chế độ độc tài đến một lúc nào đó rồi cũng gặp phải giới hạn của chính nó (bottleneck). Đó là điều tất yếu. Chế độ dân chủ luôn thật sự khỏe mạnh hơn các chế độ khác chính vì mỗi cá nhân trong xã hội đó được tự do, độc lập và cường thịnh, chứ không hề bị bắt buộc, bị uốn nắn, hay bị đe dọa phải làm. Bầu trời là không gian giới hạn (Sky is the limit) của người dân. Những cá nhân này hiểu biết rằng để hiệu quả và hiệu năng, họ phải thảo/tranh luận, hợp tác, thỏa hiệp, nhân nhượng và làm việc đồng đội v.v… Mỗi cá nhân trong thể chế dân chủ đều có nhiều khả năng tính theo thước đo kinh tế, chính trị, trí tuệ hay nói chung mọi mặt. Như thế, dân chủ sẽ là chìa khóa nếu lãnh đạo Bắc Kinh biết sử dụng để đưa đất nước lên cao hơn nữa. Như nó đã từng giúp cho Trung Quốc phát triển trong bốn thập niên qua khi chấp nhận phần nào tự do trong lĩnh vực tư, như cho công dân của họ làm ăn, buôn bán từ thời Đặng Tiểu Bình mở cửa bang giao với Hoa Kỳ và thế giới.
Vấn đề là Bắc Kinh vẫn không chấp nhận tự do chính trị. Vì sao ?
Nên nhớ rằng tất cả các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ, ngoại trừ Donald Trump, đều kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ dần dần dân chủ hóa theo tốc độ riêng của họ, nghĩa là do chính người dân của họ ý thức và đấu tranh để tạo thay đổi, thay vì tạo áp lực từ bên ngoài hay mạnh mẽ can thiệp công khai. Lãnh đạo chính trị Trung Quốc thừa hiểu điều này, nhưng dân chủ hóa chính trị không chỉ đưa đến nguy cơ mất quyền lực, quyền lợi, mà còn mất tất cả "Mày chết, tau sống". Đây là văn hóa chính trị ngàn năm qua của họ, và vẫn còn hiện hữu mạnh mẽ trong tư duy và cung cách hành xử của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là phe diều hâu, thành phần theo xu hướng chủ nghĩa xã hội hiện thực (realist socialism).
Trên thực tế, ông Tập hiện là mạch sống và tâm hồn của Đảng cộng sản Trung Quốc, và những tham vọng của ông không thể tách rời khỏi ý thức hệ của đảng, theo Richard McGregor [5]. Thật ra muốn hiểu Đảng cộng sản Trung Quốc và các tham vọng và động cơ của họ thì phải hiểu cả tư tưởng Tập Cận Bình, nhưJohn Garnaut đã sâu sắc phân tích [6]. Hơn nữa, rất có thể các lãnh đạo kế thừa không có cá nhân nào đủ mạnh mẽ để thâu tóm quyền hành trong tay như ông Tập, và sẽ điều hành quốc gia khác ông, nhưng nếu cho rằng họ chấp nhận đa nguyên chính trị và dần dần chấp nhận dân chủ thì nó vẫn còn khá xa vời vào lúc này. Ngoài ra cũng nên nhớ rằng các thế hệ trẻ hiện nay bị nhồi nhét nền giáo dục yêu nước và yêu đảng, và bị các cơ quan truyền thông nhà nước tuyên truyền ngày đêm về bổn phận phải hy sinh cá nhân vì quyền lợi quốc gia. Cho nên thứchủ nghĩa dân tộc cực đoan này nếu không thấm vào tất cả thì cũng vào một phần không nhỏ trong xã hội Trung Quốc hiện nay [7]. Với tư duy này, sẽ còn rất lâu và rất nhiều nỗ lực để có thể thay đổi não trạng. Các nhà độc tài chuyên quyền luôn biết sử dụng lá bài "chủ nghĩa dân tộc cực đoan", nhắm vào và thổi phồng sợ hãi, để nắm quyền và giữ quyền. Do đó tôi không thấy nhìn thấy viễn cảnh rằng thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ trở thành các yếu tố đủ để tiến hành công cuộc dân chủ hóa như thế nào trong một hai thập niên tới, trừ phi có một cuộc cách mạng ngay bên trong Đảng cộng sản Trung Quốc vì đa số nhìn thấy chính sách của ông Tập mang lại thảm bại cho Trung Quốc !
Trên hết, tất cả là vì yếu tố tâm lý. Mọi hành xử độc đoán và độc tài bắt nguồn từ sợ hãi, không phải vì tự tin hay mạnh mẽ. Vì quá sợ, vừa sợ mất quyền và mất mạng, nên các nhà độc tài và chính thể độc tài không thể buông bỏ.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 16/10/2019
Chú thích :
(*) Trung Quốc đã công còn dấu giếm xem Tây phương và nền dân chủ cấp tiến là kẻ thù của họ. Nếu Trung Quốc đã thật sự tiến hành tiến trình dân chủ hóa thì lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ có lẽ đã không coi họ là đối thủ hay tệ hơn đối nghịch như hiện nay. Tuy nhiên, chủ trương của tổng thống Donald Trump cho đến nay thì khác. Bất kể dân chủ, độc tài hay cộng sản, nếu ông Donald Trump cảm nhận rằng mọi quan hệ nào không có lợi hay công bằng cho Hoa Kỳ, hay không giống như suy nghĩ của ông, thì ông đều tìm cách thay đổi nó, như cách ông từng làm với các hiệp ước thương mại với Canada hay với các quốc gia Châu Âu. Hoặc với TPP. Nói cách khác, dân chủ hóa không phải là mục tiêu, và là lý do hành động của Trump. Kinh tế/thương mại mới là mục tiêu chính. Tuy thế, những quyết định mới nhất của chính quyền Trump đưa 28 công ty công nghệ và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế mua bán với các công ty Mỹ vì liên quan đến hoạt động đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác ở Trung Quốc cho thấy có sự thay đổi về sách lược đối với Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo :
1. Jewei Ci, "Without Democracy, China Will Rise No Farther ", Foreign Affairs, 4 October 2019.
2. Michael Pillsbury, The Hundred-Year Marathon , Griffin, 14 March 2016.
3. Xin đọc các bài viết sau đây. Lily Kuo, "China : slowing economy and inequality force new priorities for rulers", The Guardian, 30 December 2018 ; Zoe Zhang, "As China grows, equal opportunity and social mobility are fast becoming a cruel lie ", South China Morning Post, 7 July 2017 ; Sidney Leng, "China’s dirty little secret : its growing wealth gap ", South China Morning Post, 13 July 2017. Một phần trăm dân giàu Trung Quốc chiếm một phần ba tài sản quốc gia, trong khi 25 phần trăm hộ gia đình nghèo chiếm chỉ một phần trăm tài sản quốc gia.
4. Elizabeth Economy, "China’s Neo-Maoist Moment ", Foreign Affairs, 1 October 2019.
5. Richard McGregor, "Without Democracy, China Will Rise No Farther ", Foreign Policy, 1 October 2019.
6. John Garnaut, "Engineers of the Soul : Ideology in Xi Jinping's China ", Sinocism, 17 January 2019 ; hoặc đọc bản tiếng Việt, "John Garnaut : Ai thiết kế tâm hồn ? ", VOA, 21 August 2019.
7. "Xi’s embrace of false history and fearsome weapons is worrying ", The Economist, 3 October 2019. And Frank Dikötter, "The People’s Republic of China Was Born in Chains ", Foreign Policy, 1 October 2019.
Cuộc đối đầu giữa người dân Hồng Kông và chính quyền tại đây ngày càng leo thang về mức độ bạo lực.
Học sinh La Salle College đeo khẩu trang bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Mặc dầu xác nhận Hồng Kông chưa ở trong tình trạng khẩn cấp, bà Carrie Lam tuyên bố vào ngày 4 tháng 10 sẽ áp dụng luật khẩn cấp đểcấm đeo khẩu trang, có hiệu lực vào ngày 5 tháng 10 [1]. Bà Lam biện minh "bạo lực cực đoan" đang đe dọa an toàn công cộng để viện dẫn đạo luật khẩn cấp [2].
Nhưng quyết định này không làm cho người Hồng Kông lo sợ mà còn như châm thêm dầu vào lửa cho cuộc đấu tranh đã kéo dài hơn 18 tuần qua. Liền sau tuyên bố trên, hàng loạt các cuộc biểu tình ôn hòa cũng như bạo động đã diễn ra để chống lại đạo luật khẩn cấp này vào cuối tuần qua. Và người Hồng Kông vẫn tiếp tục đeo khẩu trang khi biểu tình.
Không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhượng bộ trước đạo luật khẩn cấp này. Lý do ? Những đòi hỏi chính đáng của phong trào đấu tranh tại Hồng Kông chưa được chính quyền tại đây quan tâm hay đáp ứng. Hơn nữa, dùng đạo luật khẩn cấp để cấm đeo khẩu trang chẳng khác gì xiết chặt các quyền tự do bày tỏ của người Hồng Kông. Ngay từ ban đầu người biểu tình tại đây đâu có đeo khẩu trang. Nhưng khi chính quyền Hồng Kông bắt đầu dùng vũ lực, kể cả hơi cay, đối với người biểu tình cũng như để nhận diện những người biểu tình để tìm cách khống chế họ, người Hồng Kông đã đeo khẩu trang hàng loạt trong các cuộc biểu tình về sau. Vì thế việc sử dụng quyền lực khẩn cấp ngay vào lúc này, đối với người biểu tình, là một dấu hiệu quan ngại bởi rằng sau đó Bắc Kinh sẽ áp đặt thêm ảnh hưởng lên thành phố này [3].
Đây cũng chính là lý do mà người Hồng Kông đã liên tục đấu tranh hơn bốn tháng qua. Ken Chan, một sinh viên đại học 21 tuổi cho rằng chính quyền Hồng Kông dùng lực lượng cảnh sát để giải quyết các vấn đề chính trị và bóp nghẹt dư luận cho thấy sự khác biệt giữa chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc không còn bao nhiêu [4]. Một người biểu tình trẻ khác, xuất thân từ cùng trường với bà Carrie Lam, cho biết họ sợ hãi và phẫn nộ, và cũng chính vì sợ hãi mà họ phải xuống đường biểu tình, và phê phán bà Lam đã vi phạm vào châm ngôn của trường "Sống vì sự thật vào tình yêu" [5].
Hình ảnh của cô gái xinh xắn trẻ trung bị bao vây và còng tay bởi lực lượng cảnh sát đã làm xấu đi quan hệ quần chúng và gây thêm căm phẫn lên giới trẻ
Trong suốt bốn tháng qua, những người đấu tranh tại Hồng Kông đã đặt chính quyền tại đây liên tục trong thế bị động và "tiến thoái lưỡng nan". Hình ảnh của cô gái xinh xắn trẻ trung bị bao vây và còng tay bởi lực lượng cảnh sát đã làm xấu đi quan hệ quần chúng (public relation/PR) và gây thêm căm phẫn lên giới trẻ [6]. Mặc dầu biết thế, chính quyền Hồng Kông vẫn không muốn chứng tỏ mình bất lực, do đó họ đã tìm đến đạo luật khẩn cấp như là phương tiện.
Nhưng đạo luật khẩn cấp để cấm đeo khẩu trang, với hình phạt tiền và ở tù đến một năm, chỉ có hiệu quả với ba điều kiện : một, người biểu tình biết sợ ; hai, mạnh mẽ áp dụng thi hành luật nếu có vi phạm ; ba, hành pháp phải có đủ lực lượng để thi hành luật (hiện tại lực lượng cảnh sát Hồng Kông có khoảng 30 ngàn) và có đủ nhà tù để nhốt hàng chục ngàn người, và tư pháp phải có đủ phương tiện để xét xử. Những cuộc biểu tình của người Hồng Kông trong bốn tháng qua cho thấy họ không sợ, và có xác xuất cao họ sẽ sẵn sàng đồng loạt ngồi tù nếu áp dụng luật này. Nhưng mỗi trường hợp đều phải được xét xử bởi tòa án chứ không được tùy tiện, như thế thì khi nào mới giải quyết xong ! Sau cùng, vấn đề còn lại là chính quyền có dám đối đầu với sự quyết tâm của người biểu tình Hồng Kông không ?
Tuy nhiên chính quyền Hồng Kông có thể sử dụng đạo luật khẩn cấp cho các biện pháp khác, ngoài cấm đeo khẩu trang, mặc dầu họ thừa biết rằng mọi biện pháp đều có giới hạn của nó, có thể làm trầm trọng thêm tình hình và có khả năng gia tăng sự phẫn nộ của công chúng. Cấm đeo khẩu trang thì người biểu tình tại Hồng Kông vẫn còn dù và các phương tiện sáng tạo khác, do đó chẳng tác động đáng kể lên họ. Giờ giới nghiêm đối với giới trẻ, chiếm phần lớn người biểu tình hiện nay, hay gia tăng thời gian cảnh sát có thể bắt giam nghi can để điều tra trước khi kết tội, hiện chỉ được 48 tiếng, có thể là các biện pháp được cân nhắc kế tiếp. Tất nhiên Quân đội Giải phóng Trung Quốc/PLA luôn là một biện pháp sử dụng sau cùng để "duy trì trật tự công cộng" nếu chính quyền Hồng Kông đề nghị.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa can thiệp vào chuyện Hồng Kông. Không rõ họ sẽ giữ thái độ này cho đến khi nào. Đưa quân đội vào, như biến cố Thiên An Môn 30 năm về trước, sẽ phá hoại mọi nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của họ bao lâu nay. Không làm gì hết thì có thể cho thấy họ thiếu quyết đoán hoặc bất lực, ảnh hưởng đến uy tín của Tập Cận Bình và phe diều hâu trong đảng. Nhưng cũng có thể Bắc Kinh nỗ lực tuyên truyền rằng chuyện Hồng Kông là chuyện nội bộ mà Hồng Kông phải tự giải quyết. Như thế cho thấy một mặt Bắc Kinh vẫn chủ trương tôn trọng một quốc gia hai thể chế, và mặt khác, họ câu thời gian để phong trào đấu tranh dần dần mệt mõi và tan rã. Trừ phi chính quyền Hồng Kông thật sự, hay giả bộ, không còn khả năng kiểm soát trật tự và yêu cầu Bắc Kinh can thiệp.
Cuối cùng, cuộc đấu tranh của người Hồng Kông mà ngay từ ban đầu chống lại dự luật dẫn độ thật ra không chỉ với chính quyền Hồng Kông, mà đúng hơn là với chế độ độc tài đảng trị đứng đằng sau nó. Người Hồng Kông hiểu rằng không đấu tranh bây giờ thì mọi quyền tự do sẽ dần dần bị phá hoại và soi mòn, và qua thời gian sẽ không còn gì cả. Khi mọi sự đã an bài thì sẽ quá trễ !
Rõ ràng, đây là cuộc đấu tranh giữa tự do và xiềng xích, giữa dân chủ và độc tài. Nhưng đấu tranh cho đến khi nào mới mang lại kết quả khi chế độ độc tài đảng trị toàn diện vẫn còn đó ? Thật ra, đây là cuộc đấu tranh rộng hơn của nhân loại trong thế kỷ 21 nhằm chấm dứt tàn dư của độc tài cộng sản còn sót lại tại Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Khi nào các chế độ độc tài cộng sản, thần quyền hay mọi loại độc tài nói chung này vẫn còn thì sự đe dọa cho nhân phẩm, hòa bình và ổn định vẫn còn.
Người Hồng Kông đã đi tuyến đầu một cách đông đảo, linh động, sáng tạo, quyết tâm và gan dạ. Thật đáng thán phục và học hỏi. Nhưng họ không thể thành công, và không thể kéo dài cuộc chiến này 28 năm nữa, nếu thế giới quay lưng lại với họ. Người Việt Nam yêu chuộng tự do cũng nên tìm mọi cách để chung vai sát cánh với người Hồng Kông trong trận tuyến này, phần lớn cũng là vì tương lai của Việt Nam.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 09/10/2019
Tài liệu tham khảo :
1. "Hong Kong áp dụng quy định thời thuộc địa để dẹp nạn bạo lực", VOA, 4 October 2019.
2. "Lãnh đạo Hồng Kông nói ‘bạo lực cực đoan’ khiến bà viện dẫn luật khẩn cấp", VOA, 6 October 2019.
3. Keith Bradsher, "In Hong Kong’s Crackdown on Protests, Face Mask Ban May Be the Start ", The New York Times, 6 October 2019.
4. Mike Ives and Edward Wong, "Hong Kong Rallies Turn Violent After Thousands Defy Face Mask Ban ", The New York Times, 6 October 2019.
5. Emma Graham-Harrison, "Thousands on streets of Hong Kong rage against mask ban ", The Guardian, 7 October 2019.
6. Kirsty Needham, "Chinese military warn Hong Kong protesters as they defy emergency law ", The Age, 7 October 2019.
Ngày 1 tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh đã long trọng ăn mừng 70 năm hình thành nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sức mạnh võ trang của họ đã được phô trương tối đa trong dịp này, được thiết kế để làm cho Hoa Kỳ run sợ, kể cả hỏa tiễn hạt nhân mới nhất DF-41 có tầm bay 12 đến 15 ngàn cây số, với khả năng đánh phá bất cứ thành phố nào tại Hoa Kỳ [1].
Người biểu tình chống chính quyền bị lực lượng an ninh bắt giữ - Ảnh minh họa
Theo tạp chí The Economist thì có hai thông điệp được truyền đạt qua cuộc diễn hành đánh dấu 70 năm kỷ niệm này. Một, Trung Quốc vận dụng hỏa lực mạnh đến mức không một quốc gia nào có thể thách thức nó một cách an toàn. Hai, Trung Quốc vĩ đại trở lại nhờ có Đảng Cộng sản, mà luôn luôn là một thế lực tốt [2].
Lịch sử 70 năm qua của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có phải là luôn tốt không? Ngày nay tội ác vô hạn của Mao đối với vài chục triệu nhân mạng vào thập niên 1950 và 1960, và cả trong thời chiến đối với phe quốc gia của Tưởng Giới Thạch, là một sự thật không ai có thể chối cãi. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thay thế Hồ Cẩm Đào, Mao Trạch Đông là biểu tượng lãnh đạo mạnh mẽ ngày càng được ông Tập đề cao sử dụng [3]. Mục tiêu của ông Tập? Để tiếp tục hỗ trợ cung cách cai trị kiểu Mao, nghĩa là cá nhân nắm toàn quyền trong tay thay vì lãnh đạo tập thể mà ông Đặng Tiểu Bình mong muốn. Chắc chắn ông Tập sẽ không đưa nước Trung Quốc trở lại cuộc Cách mạng Văn hóa mà ông Mao đã làm. Điều mà ông Tập muốn là Trung Quốc trở thành một cường quốc trong vùng và thế giới, và quyền lực của đảng là tuyệt đối đối với mọi mặt xã hội, trong đó ông là người đứng đầu mọi cơ chế quyền lực nhất của đảng và nhà nước, một cách vô hạn định.
Để sử dụng Mao trong chiêu bài này, ông Tập tất nhiên không muốn đề cập đến các tội ác tầy trời của Mao, cũng như củc Đảng cộng sản Trung QuốcQ trong 70 năm qua. Nghĩa là phải sửa lại lịch sử. Và chỉ chấp nhận một phiên bản lịch sử duy nhất của đảng.
Vicky Xiuzhong Xu, một ký giả, nghệ sĩ hài độc thoại, và cũng là một nghiên cứu sinh tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, viết bài "Giới trẻ Trung Quốc bị mắc kẹt trong sự sùng bái chủ nghĩa dân tộc" trên tạp chí Foreign Policy nhân kỷ niệm 70 năm này [4]. Theo Xu thì chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ngày nay đã bị tấn công bởi một nhà nước đầu độc công dân và cộng đồng lưu vong gốc Hoa khắp nơi, dựa trên quan niệm rằng Trung Quốc đã từng là nạn nhân của thực dân và trật tự thế giới hiện nay, và Đảng cộng sản Trung QuốcQ là vị cứu tinh duy nhất. Xu cho biết 19 năm đầu đời của mình sống và học tại Trung Quốc, ngày đầu tiên cắp sách đến trường ở bậc tiểu học, điều luật đầu tiên dành cho học sinh là yêu nước và yêu đảng. Vì bị nhồi nhét nền giáo dục như thế lâu đời, nên khi tiếp cận với thế giới bên ngoài và biết đến phong trào ly khai tại Hồng Kông, chẳng hạn, Xu cảm thấy sửng sốt và phẫn nộ, và suy nghĩ tại sao họ lại được cho phép có những suy nghĩ như thế. Khi thấy các cuộc biểu tình ủng hộ một Tây Tạng tự do, Xu muốn gào thét lên chửi họ. Trong đầu Xu lúc đó chỉ là chủ nghĩa dân tộc nóng đỏ, sẵn sàng phục vụ quốc gia mình, và điều đó có nghĩa bạo lực và mắng mỏ người khác.
Xu cho rằng những nhận định quái gỡ nhất mà Xu đã từng thấy đến từ những người hoàn toàn bình thường và tử tế, bởi vì cả đời họ được đào tạo bởi nền giáo dục yêu nước và bị kích động bởi truyền thông nhà nước, do đó tâm trí của họ đã bị trục trặc/ngắn mạch (short circuit) về các vấn đề gây tranh cãi. Khi Xu cùng với Nick Bonyhad viết bài trên nhật báo The Sydney Morning Herald tường trình về cuộc biểu tình mang tính bạo động và hung hăng chống lại phong trào dân chủ cho Hồng Kông tại Sydney, Úc châu vào tháng Tám vừa qua, kể từ đó Xu bị xem là kẻ thù quốc gia trên Internet của Trung Quốc. Các bài viết và công bố trên mạng truyền thông xã hội gọi Xu là phản bội, đĩ điếm, con chó tôn thờ Tây phương, và được truyền đi khắp nơi, từ Úc sang Hoa Kỳ và đến tận thôn quê của Xu tại Trung Quốc. Vô số người Trung Quốc trước đây từng là bạn, bây giờ lên án hành động của Xu, trong khi chỉ một số đếm trên đầu ngón tay ủng hộ.
Những biến cố lịch sử quan trọng như kỷ niệm 70 hình thành nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại là những dịp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy có nhu cầu lớn lao để họ dồn mọi nỗ lực tuyên truyền cho 1,4 tỷ dân của mình cũng như thế giới biết về họ qua phiên bản lịch sử họ uốn nắn.
Nhưng sửa đổi và bóp méo lịch sử luôn đưa đến những hệ quả vô cùng tai hại. Vì thế nên The Economist biện luận rằng thay vì ghi nhận những sai lầm của mình trước đây, việc ông Tập nói với người dân Trung Quốc của mình rằng Đảng cộng sản Trung QuốcQ chưa bao giờ đi sai đường chẳng khác gì châm ngòi cho một chủ nghĩa dân tộc thiếu kiên nhẫn, dễ dàng kích hoạt dù áp lực nhẹ nhất (impatient, hair-trigger nationalism) để leo thang thành chiến tranh, bởi vì họ nhìn những lời chỉ trích từ nước ngoài tương đương với sự thù nghịch.
Tất nhiên không phải chỉ riêng Đảng cộng sản Trung QuốcQ mới chủ trương bóp méo lịch sử. Nó là vấn đề con người, thuộc mọi văn hóa sắc tộc chính trị hay tôn giáo. Jeannette Ng nhận định các nhà phê bình Tây phương về chủ nghĩa đế quốc dễ dàng chấp nhận rằng lịch sử của họ cũng bị bóp méo, trong khi chính quyền Trung Quốc luôn chủ trương bẻ cong lịch sử theo chiều hướng của họ [5].
Jeannette Ng cũng biện luận rằng Đảng cộng sản Trung QuốcQ muốn thể hiện chính nó là người thừa kế của một bản sắc Trung Quốc duy nhất, cố định. Nhưng con sông lớn truyền thống Trung Quốc không chảy từ một nguồn, và cũng không thể được bao hàm bởi một người kể chuyện duy nhất. Jeannette Ng kết luận "Tầm nhìn bị thu hẹp của Đảng cộng sản Trung QuốcQ không phải là cách duy nhất để nhìn thấy quá khứ của Trung Quốc. Không có một cách duy nhất để là/làm một người Trung Quốc. Văn hóa Trung Quốc không thể bị giảm xuống thành một cách mô tả duy nhất. Như Lão Tử từng nói, đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo".
Tại sao Đảng cộng sản Trung QuốcQ có nhu cầu phải sửa đổi và bóp méo lịch sử? Có rất nhiều nguyên do, mà đã phần nào phân tích ở trên. Nhưng còn một lý do chính đáng nữa. Đảng cộng sản Trung QuốcQ gọi biến cố năm 1949 là giải phóng, nhưng theo giáo sư Frank Dikötter thuộc ngành nhân văn của đại học Hồng Kông, thì Trung Quốc tự do hơn nhiều trước khi hình thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [6]. Cho nên cuộc giải phóng này thật ra đã đẩy đất nước vào hàng thập kỷ tàn ác và hỗn loạn mang tính Mao-ít. Mặc dầu thay đổi lớn lao trên bề mặt, Trung Quốc không thật sự thay đổi đáng kể gì kể từ năm 1949 cho dầu bao nhiêu cuộc nói chuyện về cải cách và mở cửa. Những hứa hẹn về bình đẳng, công lý và tự do chưa hề được thực hiện. Chế độ này chỉ biết sử dụng cách đối phó chuẩn mực duy nhất đối với bao nhiêu các ước vọng chính trị đa nguyên khác nhau từ khối dân số khổng lồ và đa nguyên là: đàn áp. Dikötter nhận định : "Di sản giải phóng là một quốc gia vẫn còn trong gông cùm".
Quan sát lịch sử Trung Quốc và đối chiếu với lịch sử Việt Nam quả là thú vị. Đến độ chảy nước mắt!
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 04/10/2019
Tài liệu tham khảo :
1. "To mark 70 years of Communist rule, China shows off new weapons ", The Economist, 3 October 2019.
2. "Xi’s embrace of false history and fearsome weapons is worrying ", The Economist, 3 October 2019.
3. Anna Fifield, "China marks Communist Party’s 70th anniversary with grand show of power ", The Washington Post, 1 October 2019.
4. Vicky Xiuzhong Xu, "China’s Youth Are Trapped in the Cult of Nationalism ", Foreign Policy, 1 October 2019.
5. Jeannette Ng, "China’s Vast History Can’t Be Caught in the CCP’s Net ", Foreign Policy, 1 October 2019.
6. Frank Dikötter, "The People’s Republic of China Was Born in Chains ", Foreign Policy, 1 October 2019.
Lãnh đạo mang tính quyết định, trong mọi lĩnh vực, nhất là trong môi trường lắm cạnh tranh, nhiều rủi ro và nghi kỵ chia rẽ. Trong tình huống này, ngoài thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, những người lãnh đạo cần rất nhiều khả năng và kỹ năng khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu về các lãnh đạo xưa nay trong nhiều thập niên qua, các lãnh đạo thành công và xuất sắc đều có điểm chung : trí thông minh cảm xúc.
Thời Lincoln, người ta ghi nhận ông tài giỏi, nhưng chữ "thông minh cảm xúc" không phải là ngữ vựng thời đó.
Lịch sử nhân loại có nhiều lãnh đạo xuất chúng, và họ đã định hình, thay đổi nền lịch sử quốc gia và, ở mức độ nào đó, quốc tế. Abraham Lincoln là một trong những lãnh đạo sáng chói đó, chiếu sáng cho đến tận ngày nay. Thời Lincoln, người ta ghi nhận ông tài giỏi, nhưng chữ "thông minh cảm xúc" không phải là ngữ vựng thời đó.
Nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Lincoln trong nhiều thập niên qua, và cũng như các kiến thức và khám phá mới về ngành lãnh đạo học, sử gia hàng đầu về tổng thống Hoa Kỳ tiến sĩ Doris Kearns Goodwin đã trình bày nhiều điều thú vị về Abraham Lincoln, cũng như ba tổng thống Hoa Kỳ khác là Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt, và Lyndon Johnson trong tác phẩm "Tài lãnh đạo : Trong thời điểm hỗn loạn" (Leadership : In Turbulent Times).
Tiến sĩ Goodwin tóm tắc các đặc điểm trí thông minh cảm xúc của Lincoln như sau : sự đồng cảm, khiêm nhường, nhất quán, tự nhận thức, kỹ luật cá nhân và tinh thần rộng lượng/cao thượng của Lincoln. Cụ thể hơn, Lincoln hiểu rõ nhu cầu cảm xúc của mình và người khác ; biết cách tự chủ cảm xúc và luôn chủ động để thích ứng ; hiểu rõ nhu cầu của xã hội và có và tinh thần phục vụ và đồng cảm cao ; và biết quản lý quan hệ một cách tốt đẹp với những người chung quanh, giải quyết xung đột, làm việc đồng đội và phát triển người khác v.v…
Biết người biết ta để quản lý mối quan hệ tốt đẹp
Lincoln hiểu rõ rằng là người, dù ở bất cứ địa vị này, nhu cầu cảm xúc của mọi thành viên trong nội các của ông đều quan trọng. Do đó, ngay từ ban đầu, Lincoln nhìn thấy được tài năng của Seward, và hiểu được cảm giác bị tổn thương sau khi Lincoln được chọn làm ứng cử viên tổng thống, do đó Lincoln luôn đối xử với Seward một cách kính trọng [*]. Ông thường đi qua bên kia đường, viếng thăm Seward tại nhà, và dành nhiều thời gian để hàn huyên, kể chuyện, cười đùa với nhau những đêm dài. Tình bạn giữa hai người từ đó về sau thật bền vững. Đối với Stanton người chịu trách nhiệm về chiến tranh, Lincoln luôn hiểu trách nhiệm vô cùng nặng nề, và ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giảm bớt gánh nặng và để hỗ trợ tinh thần của Stanton.
Tuy nhiên, Lincoln cũng lo ngại rằng sự thân thiện của ông với Seward và Stanton làm cho người khác ghen tị, hay nghĩ là mình có thiên vị, do đó Lincoln cũng tìm thời gian cho mọi thành viên khác. Lincoln hiểu rõ ai cũng muốn được một lời khen, và ai cũng muốn được khen những việc mình làm. Vì thế nên ông thường viết thư cho các thành viên nội các và bày tỏ lòng tri ân/biết ơn đối với các việc làm của họ.
Tuy rất tình cảm và mềm mỏng, nhưng khi cần cứng rắn, Lincoln cũng rất dứt khoát. Khi quyết định cách chức một người do Chase đề cử vì thấy bất xứng, Lincoln hiểu Chase có thể bực tức về quyết định của mình. Do đó Lincoln mời Chase đến văn phòng, bỏ tay lên vai của Chase một cách thân thiện, và trình bày nguyên do tại sao quyết định này cần thiết. Chase cho biết tổng thống Lincoln luôn đối xử ông tử tế, thân thiện, công bằng, và mục tiêu lúc nào cũng liêm chính, và cho nên ông không bao giờ có sự nghi ngờ nào cả.
Lincoln không để những lấn cấn quá khứ trở thành độc hại, và biết chuyển hóa các thù hận cá nhân thành quan hệ tích cực. Leonard Swett, người bạn của Lincoln, nhận xét rằng một người có chơi xấu, có đối xử tồi tệ với Lincoln đi chăng nữa, nhưng lại là người xứng đáng nhất để nhận lãnh một vai trò nào đó, thì Lincoln sẽ giao nhiệm vụ cho người đó như chính người thân của ông. Được hướng dẫn bởi "nguyên tắc tha thứ", Lincoln nhấn mạnh rằng ông không quan tâm nếu một người nào đó đã làm sai trong quá khứ, điều quan trọng là người đó từ đó về sau không làm sai nữa.
Nguyên tắc này Lincoln đã áp dụng với chính Edwin Stanton. Stanton đã từng phê bình Lincoln trước đây khi Lincoln chỉ mới là luật sư được biết đến trong tiểu bang Illinois. Stanton nhìn Lincoln và sau đó nói với George Harding, đồng nghiệp của ông : "Tại sao ông lại mang con… khỉ dài thòn lòn này đến đây làm chi vậy. Hắn ta chẳng biết gì cả và không thể làm gì tốt cho ông được". Với suy nghĩ này, Stanton gạt Lincoln sang một bên, không thèm xem bản đúc kết một vụ kiện mà Lincoln đã bỏ bao công sức để soạn, không tham khảo ông và cũng không thèm nói một lời nào với ông cả. Tuy bị sỉ nhục như thế, Lincoln đã khao khát được cải thiện chính mình. Ông ngồi trong tòa nguyên tuần để quan sát và học hỏi phương cách biện luận của Stanton. Lincoln công nhận phương pháp làm việc hoàn mỹ của Stanton rằng ông chưa bao giờ "thấy điều gì mà hoàn tất và trau chuốt, và được chuẩn bị kỹ càng đến thế". Tất nhiên Lincoln không quên được sự kiện bị sỉ nhục này nhưng vì tài năng của Stanton nên Lincoln nhận chìm tất cả những oán giận để mời Stanton làm Bộ trưởng Chiến tranh. Tính khí hai người hoàn toàn khác nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau. Lincoln thì đầy trắc ẩn, kiên nhẫn và minh bạch, trong khi Stanton thì trơ trơ, dữ dội và bí mật. Vào cuối quan hệ của họ, Stanton không chỉ kính trọng Lincoln mà còn yêu mến ông nữa.
Lincoln luôn biết đặt chuẩn mực cho sự tương kính và nhân phẩm lẫn nhau, và biết kiềm chế và quản lý cảm xúc tiêu cực của mình. Khi nóng giận với đồng nghiệp, ông ngồi xuống viết ra tất cả vào lá thư, biểu lộ tất cả cơn thịnh nộ của ông vào đó. Nhưng ông để sang một bên cho đến khi nguội xuống, và duyệt lại lá thư mình viết. Khi bước sang thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu sử khám phá ra bao nhiêu lá thư như thế, với chữ viết của Lincoln phía dưới : "chưa bao giờ gửi đi và chưa bao giờ ký tên". Có một câu chuyện lý thú về điều này. Một hôm Stanton bực bội với tướng lãnh của mình, nói cho Lincoln biết ông muốn cho vị tướng lãnh đó biết ông nghĩ gì. Lincoln nói : "Tại sao không làm ? Viết xuống hết đi". Khi Stanton viết xong và đọc cho Lincoln nghe, Lincoln nói : "Xuất chúng. Nhưng Stanton, ông định làm gì với nó ?" Stanton trả lời : "Tại sao ! Dĩ nhiên là gửi đi". Lincoln nói : "Tôi sẽ không làm thế. Thẩy nó vào trong sọt rác". "Nhưng tôi mất hai ngày để viết nó", Stanton trả lời. "Vâng, vâng, và nó đã làm điều tốt đối với ông. Ông cảm thấy tốt hơn, đúng không ? Đó là tất cả điều cần thiết. Cứ thẩy vào sọt rác". Sau khi cằn nhằn, Stanton cũng đã làm như thế.
Lincoln cũng dễ dàng tha thứ những sự tấn công công khai đối với ông. Khi một lá thư của Montgomery Blair viết không tốt về Lincoln trong những ngày đầu của cuộc chiến được xuất hiện trên báo chí mấy tháng sau, Blair ngượng ngùng mang lá thư đến Nhà Trắng gặp Lincoln và cho biết ông sẵn sàng từ chức. Lincoln cho Blair biết ông không dự tính đọc nó, và không mong muốn trả thù. Lincoln nói với Blair : "Quên nó đi. Và đừng bao giờ nhắc hay nghĩ về nó nữa".
Lincoln cũng luôn bảo vệ đồng nghiệp về những sự đổ lỗi cho nhau. Gideon Welles cho biết Lincoln đã nhiều lần nhận lỗi khi các đồng nghiệp của ông bị người khác tấn công một cách bất công. Khi chiến trận tại Peninsula bị thất bại nặng nề, tướng McClellan đổ lỗi cho Stanton đã không gửi đủ quân số. Vì thế nên Stanton bị công chúng chỉ trích nặng nề, và sau đó yêu cầu Stanton từ nhiệm. Lincoln đã phản bác lại luận điệu của tướng McClellan, rằng tất cả những lính có thể gửi đến mặt trận đã được gửi, và nhấn mạnh : "Bộ tưởng Chiến tranh không thể bị đổ thừa cho những gì ông hoàn toàn không có trách nhiệm". Ông tuyên bố nhận lãnh những gì mà người ta đã đổ lỗi lên cho Stanton. Các sự tấn công lên Stanton sau đó bị dập tắt.
Lincoln đối phó với áp lực bằng cách tìm sự cân bằng và tăng cường năng lượng cho chính mình. Tướng George McClellan đã để cho quân đội của tướng Robert Lee tấn công Potomac vào tiểu bang Virginia. McClellan đã bất tuân lệnh từ trên, từ chối điều động quân vì công khai tuyên bố bản Tuyên ngôn Giải phóng là đáng bị nguyền rủa. Thêm vào đó là sự tấn công của bên bảo thủ về Tuyên ngôn này. Điều đó làm cho bên Cộng hòa thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (cuối năm 1862), tuy vẫn giữa được đa số với khoảng cách mỏng. Khi được hỏi ông nghĩ gì về sự thất thoát trong cuộc bầu cử, Lincoln trả lời rằng "Gần giống như thằng bé tại Kentucky, khi ngón chân bị bể trong lúc chạy đến gặp người yêu. Thằng bé nói nó đủ lớn rồi để mà khóc, và quá đau để mà cười".
Sau tuyên bố này Lincoln đã thay thế McClellan bằng tướng Amrbose Burnside, được biết đến là "tướng chiến đấu/a fighting general". Nhưng tính khí chiếu chiến đã làm tai họa. Vào giữa tháng 12, ngược với cố vấn của Lincoln, Burnside đã lãnh đạo đội quân Potomac vào trong bẫy chết người tại Fredericksburg, làm cho 13 ngàn lính chết hoặc bị thương. Những tin đồn thất thiệt càng làm cho người dân quan tâm. Nhưng điều làm cho Lincoln khổ tâm nhất chính là những cái chết tang thương của người lính, những người gan dạ, đã hy sinh mạng sống của mình cho hạnh phúc và thịnh vượng tương lai của đất nước này. Nó làm cho ông "trầm cảm", và ví rằng nếu có một nơi nào tệ hơn địa ngục thì tôi hiện đang ở đó.
Khi gặp các mối đe dọa kinh hoàng, không có gì làm cho ông nghỉ ngơi và hồi phục bằng việc đến nghệ thuật sân khấu để giải trí. Trong vòng bốn năm, Lincoln đến theatre hơn một trăm lần. Xem các buổi trình diễn này, nó giúp cho Lincoln quên đi mọi ưu phiền, mọi suy nghĩ rắc rối, mọi vấn đề chính trị, đang làm ông bận tâm. Lincoln biết có thể người ta nghĩ thiệt là lạ khi ông đi nghe nhạc kịch/cải lương thường xuyên như thế, nhưng chính ông giải thích : "Lạ, nhưng tôi phải có một chút khuây khỏa từ những lo lắng kinh khiếp này, hoặc nó sẽ giết tôi". Nhưng các sử gia cho rằng đi xem kịch nghệ không chỉ là sự giải thoát cho Lincoln. Ông đến nghe các vở kịch về MacBeth, Lear và Hamlet của Shakespear, để tìm giải pháp cho những gì ông đang gặp phải. Các vấn đề trong các vở kịch này làm ông suy nghĩ, liên tưởng đến các vấn đề ông đối diện.
Qua các vở kịch, phần lớn là thảm kịch này, nó giúp cho Lincoln cảm nhận được những trớ trêu trong cuộc sống. Khi không ngủ được, ông tìm người thân quen, kể chuyện, cười trong đường dây mỏng manh giữa bi kịch và hài kịch trong cốt chuyện, và những tiếng cười đó mang tính "bảo vệ cuộc sống" cho chính mình. Khi người khác buồn ngủ quá không thể mở mắt nỗi thì lúc đó ông mới nhận ra và bảo người ta về đi ngủ. Đọc tụng các kịch bản này là cách để Lincoln chia sẻ các vấn đề chung của con người trong khoảng thời gian bất thường, cô đơn một cách bất nhân.
Ngoài ra, Lincoln cũng tìm mọi cách để tha tội cho những người lính đã bỏ chạy khỏi chiến cuộc hay ngủ quên… Trong khi Stanton và các sĩ quan đề nghị trừng phạt tử hình để duy trì kỷ luật của quân đội, thì Lincoln tìm mọi lý do chính đáng để cứu vớt mạng sống của họ. Khi ông hình dung được người phạm tội đã làm gì và tìm được lý do để tha thứ họ, ông đi ngủ một cách hạnh phúc vì biết rằng họ và gia đình họ sẽ vui mừng khi nhận tin/chữ ký của ông.
Nắm bắt được suy tư và nhiệt độ của môi trường chung quanh
Lincoln nắm bắt thời gian, cơ hội, thử thách và biết khi nào tiến, khi nào lùi. Nhận thức khi nào phải quyết định ra bản Tuyên ngôn Giải phóng là sự quyết định và quyết tâm của chính ông. Thời gian và cơ hội đúng đến thì không thể bỏ qua được. Tuy đầy quyền lực trong tay trong cương vị tổng thống, Lincoln cũng thú nhận rằng ông không thể kiểm soát được sự kiện, mà thật ra sự kiện kiểm soát ông thì đúng hơn. Theo ông nếu ra Tuyên ngôn vào sáu tháng trước thì dư luận sẽ không thuận lợi, và không tồn tại được. Ông ví việc quyết định vào đúng thời điểm là vô cùng quan trọng, giống như người trồng cây lê, nhưng nếu mất kiên nhẫn chờ đợi, thì hái sớm trái không những không ngon mà làm hỏng cả trái lẫn cây. Nhưng nếu kiên nhẫn thì sẽ có trái chín rơi vào bàn tay mình.
Lincoln kiên nhẫn lắng nghe và quan sát sự kiện, và những thay đổi, dịch chuyển trong tư duy của nội các ông cũng như của người dân. Lincoln là người thông minh, sáng dạ/trí, nắm bắt được khi nào gió đổi chiều khi ông đọc cái bài xã luận trên các tờ báo thời đó, sự trao đổi giữa người dân với nhau, và giữa các quân nhân/binh lính với nhau. Lincoln hiểu rằng sẽ có một lực lượng chống đối bản Tuyên ngôn, nhưng họ không đủ mạnh để tiêu diệt mục tiêu này. Lincoln luôn quan sát và nắm bắt cơ hội, thay vì bị cơ hội lôi kéo mình theo, hay bị mất sức vì vấn đề chưa chín mùi, thời gian chưa thuận tiện, hay chưa đủ lực để thay đổi.
Lincoln hiểu rõ đấu tranh tư tưởng với chính mình là mệt nhất, nhưng phải làm cho đến khi nào ông thấy rõ vấn đề và tự tin với nhận định và quyết định của mình. Cả tiến trình lấy quyết định của ông trong vấn đề này là một thử thách thâm hiểm, quanh co, nhưng khi thấy rằng thời điểm đã đến, ông không còn ngần ngại nào cả, mà chỉ có con đường duy nhất là tiến về phía trước. Khi những người khác nhìn thử thách đối diện là một đe dọa đối với cuộc thử nghiệm của các nhà lập quốc Hoa Kỳ, ông nhìn thấy cơ hội ra đời của một nền tự do mới. Vì tin vào tiến trình và tiến triển này, nó giúp ông không chỉ đọc được mối quan tâm của người dân và còn định hình được nó, từ trong nội các của mình ra đến ngoài xã hội rộng lớn hơn.
Lincoln cũng biết phối hợp tài tình giữa khả năng lãnh đạo giao dịch và chuyển hóa (transactional and transformational leadership). Lãnh đạo giao dịch và chuyển hóa có nhiều yếu tố ngược nhau. Lãnh đạo theo xu hướng giao dịch thì hoạt động một cách thực tiễn. Họ thu hút những người theo họ vì quyền lợi riêng tư, chủ trương có qua có lại, thương lượng, trao đổi, và tưởng thưởng để tìm hỗ trợ và để ảnh hưởng lên hành xử của người chịu lãnh đạo. Lãnh đạo chuyển hóa thì truyền cảm hứng lên người khác, để họ nhận diện được những điều lớn hơn chính họ, từ tổ chức cho đến cộng đồng, vùng miền và đất nước, và trên hết, nhận diện một cách trừu tượng những lý tưởng cao cả của một quốc gia. Các lãnh đạo như thế kêu gọi thực hiện các nguyên tắc đạo đức và các mục tiêu cao cả, nhìn xa hơn những gì đối diện với hiện tại để thấy được tương lai chính đáng để đấu tranh, để nỗ lực thực hiện cho được mục tiêu.
Đối với Lincoln thì những chiến lược mang tính thực tiễn, lãnh đạo giao dịch là chìa khóa, là ốc vít của cổ máy, là công cụ, hay nói chung là mảnh quan trọng đối với lãnh đạo mang tính nguyên tắc và chuyển hóa. Lincoln có tài nói chuyện, thuyết phục và vận động người cho mục tiêu của mình. Lincoln cũng biết rằng không có cơ sở vật chất thì không thể đi xa hay đạt các mục tiêu ngắn hạn trước mặt. Giống như một ca sĩ chuyên nghiệp hát được nốt nhạc thấp nhất và lên được nốt nhạc cao nhất, người họa sĩ vẽ nét chi tiết nhất nhưng cũng điêu luyện trong bức tranh tổng thể, một vận động viên đua xe đạp có nhịp tim từ 30 đến 180 một phút, Lincoln cũng nắm bắt các chi tiết nhỏ như thế, hiểu được động cơ/tâm lý của con người ở tầm thực tế, nhưng không sao lãng các vấn đề chiến lược lớn hơn. Tùy theo nhóm người nói chuyện, Lincoln sử dụng kỹ năng lãnh đạo nào nhiều hơn.
Cho nên Lincoln hiểu rằng nếu người da đen hy sinh cuộc sống của họ cho lý tưởng cao cả hơn, thì vấn đề động viên để họ làm việc đó phải là mạnh mẽ nhất, ngay cả sự hứa hẹn được tự do, được giải phóng. Khi đã hứa, thì phải giữ.
Trong 18 tháng đầu của cuộc nội chiến, chỉ có ba trong mười người lính cho biết họ sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu giải phóng nô lệ, còn phần lớn thì chỉ quan tâm đến việc bảo vệ Union. Được Lincoln lãnh đạo, tỷ số đó thay đổi, và những người lính nhìn nhận việc duy trì Union và giải phóng nô lệ liên quan mật thiết với nhau, không thể tách rời. Làm sao Lincoln làm được điều này ?
Lincoln luôn sẵn sàng tiếp xúc, hiện diện và dễ dàng tiếp cận với mọi thành phần. Lincoln gieo hạt mầm tin tưởng và trung thành trong lòng người lính ở mọi cấp bậc. Lincoln sẵn lòng chia sẻ các món ăn mình có với họ. Ông xem chỗ ngủ của họ ra sao, hỏi thăm gia đình của họ, trò chuyện với họ, và không những thế, khi những người lính của Union hay Confederate bị thương, ông đối xử như nhau. Tất cả những nơi Lincoln đi, ông đều mời gọi lính đến gặp ông nếu họ cảm thấy bị đối xử bất công. Khoảng hai ngàn lính đã nhận lời đến gặp ông, để than phiền, để được nghe kể chuyện, hay chỉ đơn giản để gặp mặt vị tổng tư lệnh. Chủ trương hay chính sách "cửa mở" (open door policy) này là sợi dây nối người dân với quyền lực đang điều hành quốc gia. Những câu chuyện gặp gỡ giữa Lincoln với người lính đã lan rộng trong quân đội, cùng với chủ trương tìm mọi cách để tha tội cho lính, đã thu phục nhân tâm. Các lá thư mà binh lính gửi về cho gia đình họ về sự đồng cảm, trách nhiệm, tử tế, dễ dàng gặp mặt Lincoln, và xem ông như người cha. Họ gọi ông là Cha Abraham, Bác Abe hoặc Cụ Abe. Nỗi đau và khổ hạnh trên khuôn mặt ông làm cho người lính cảm thấy ông cũng như họ, cũng gian truân, đau khổ như họ trong cuộc chiến này. Nhiều người lính đã viết thư bày tỏ họ sẵn sàng chiến đấu cho mục tiêu bảo vệ Union và giải phóng nô lệ. Chính những lá thư này không những thay đổi người lính mà cả gia đình họ nữa.
Người da đen đã nhập ngũ ở một tỷ lệ kỷ lục, hàng chục ngàn người. Nhưng lúc đó vẫn còn nhiều phân biệt, lương lính da đen không bằng da trắng, và họ cũng không thể trở thành sĩ quan. Khi Frederick Douglas trình bày điều này, Lincoln ghi nhận điều đó là phân biệt, và ông hứa họ sẽ được trả lương đồng đều như nhau. Và kết quả là : 200 ngàn lính da đen nhập ngũ, và chiến đấu một cách gan dạ.
Lincoln để tham vọng chung, tập thể lên trên cá nhân. Mùa hè 1864, số lính tử trận, bị bắt hoặc mất tích của cả hai bên đều khủng khiếp. 580 ngàn ở miền Bắc và 470 ngàn ở miền Nam. Nó trở thành một vấn đề/ván cờ chính trị khi bầu cử sắp diễn ra. Đảng Cộng hòa quan ngại có khả năng thua. Người đứng đầu đảng Henry Raymond cảnh báo Lincoln vào tháng Tám 1864 rằng để Cộng hòa có thể thắng thì Lincoln phải bắt đầu thương thuyết hòa bình với phía Confederate, chỉ bàn về thống nhất thôi, vấn đề nô lệ tính sau. Lincoln trả lời tất nhiên ông muốn thắng một nhiệm kỳ nữa, nhưng ông cũng muốn hoàn tất công việc của mình. Lincoln cho biết để thỏa thuận điều kiện hòa bình mà không chấm dứt nô lệ đối với ông là "sự hủy hoại hoàn toàn". Ông thà thua chứ không thể từ bỏ giải phóng nô lệ. Lincoln khẳng định rằng nếu từ bỏ Union và tự do thì ông nên bị lên án đúng lúc và mãi mãi.
Phía Dân chủ chọn tướng George McClellan làm ứng viên tổng thống để chấm dứt chiến tranh sớm, nhưng tách rời vấn đề nô lệ ra một bên. Nhưng Lincoln đã thắng vẻ vang, Electoral College có tỷ lệ 212 so với 21, và 7 trên 10 người lính bỏ phiếu cho ông. Họ hiểu bỏ phiếu cho ông có thể kéo dài cuộc chiến, và nhiều rủi ro cá nhân, nhưng họ ủng hộ Lincoln vì ông từng tuyên bố rằng cuộc đấu tranh này "không phải cho hôm nay thôi, mà còn cho mãi mãi về sau". Ông xác định rằng ông chỉ chiếm Nhà Trắng một thời gian tạm thời thôi, và ông là một chứng nhân sống để mọi người thấy con của họ một ngày nào đó cũng có thể đến đây giống như chính ba của họ đã có. Một chính quyền tự do bảo đảm được cơ hội bình đẳng cho các kỹ nghệ, công nghệ và sự thông minh, và rằng mọi người có một số đặc quyền như nhau, với tất cả khác vọng của con người. Với ông đó mới là điều quan trọng để chiến đấu và bảo vệ.
Lincoln biết rằng Sắc lệnh Tổng thống không có giá trị lâu dài, và để bảo đảm nô lệ bị xóa bỏ vĩnh viễn, hiến pháp phải được tu chính. Tu chính Án số 13 được giới thiệu tại quốc hội vào ngày 6 tháng Giêng 1865. Ba tuần sau, khi được biết chỉ thiếu có hai ghế để dành được 2/3 đa số, Lincoln đã tìm mọi cách để sử dụng lãnh đạo giao dịch. Ông hứa hẹn nhiều thứ, kể cả công việc cho gia đình, bạn bè, tha thứ v.v… để chiếm cho được hai phiếu này (xin xem phim Lincoln). Khi Tu chính Án 13 được thông qua, đoàn người kéo đến Nhà Trắng chúc mừng ông. Lincoln tuyên bố đây là một trong các dịp để "chúc mừng quốc gia và toàn thể nhân loại". Nhưng ông cũng nhắc nhở mọi người đừng quên công việc lớn lao trước mặt là nó cần phải được thượng viện thông qua.
Khi được khen ngợi "Người Giải phóng Vĩ đại", Lincoln nhấn mạnh ông thật sự chỉ là công cụ thôi. Người dân và quân đội đã thể hiện tinh thần chống lại nô lệ, do đó mục tiêu mới thành công. Lincoln tuyên bố rằng qua biện pháp này, những hy vọng tốt nhất của ông sẽ được thực hiện. Lincoln không sống để thấy giấc mơ của ông. Nó đã được 3/4 các tiểu bang thông qua vào tháng 12 năm 1865.
Trên hết, đối với Lincoln, lời hứa là tất cả. Khi đến gần ngày 1 tháng Giêng 1863, ngày mà Lincoln hứa sẽ cho thi hành Tuyên ngôn Giải phóng, không khí ngờ vực không biết Lincoln có dám thực thi những gì đã cam kết trong bản Tuyên ngôn Giải phóng không gia tăng, vì nó rất có thể làm cho sĩ quan từ chức và hàng 100 ngàn lính buôn súng. Nhưng những ai biết rõ Lincoln sẽ không đặt câu hỏi như thế. Lincoln đã bị trầm cảm nặng nề vì đã không giữ được lời hứa cưới bà Mary Todd, rồi không phát triển kế hoạch hạ tầng cơ sở nói riêng và kinh tế cho Illinois nói chung làm cho Lincoln trầm cảm đến độ muốn tự tử. Sau bài học này ông rút kinh nghiệm, chỉ hứa hẹn những gì có thể làm được, và quyết tâm thực hiện nó, giúp ông phục hồi và phục hưng sự nghiệp chính trị của ông. Những người hiểu Lincoln như Frederick Douglas thì tin tưởng rằng một khi Lincoln đã hứa rồi thì không rút lại lời hứa. "Nếu ông không dạy cho chúng ta điều gì khác, thì ông đã dạy cho chúng ta tin tưởng vào lời nói của ông", Douglas cam chắc.
Vào ngày đầu của năm mới, Lincoln vui mừng chào đón khách đến Nhà Trắng, hơn 1000 người. Tuy thế ông vẫn có vẻ suy tư, để tâm trí nơi nào đó. Trước đó một ngày, ông triệu tập nội các lần nữa. Kỳ này, ông quyết định thêm một phần quan trọng vào trong bản Tuyên ngôn Giải phóng. Bản mới quyết định sẽ cho người da đen gia nhập quân đội. Lúc ký bản này, chỉ có khoảng độ 12 người chứng kiến. Lincoln tuyên bố trước khi ký : "Tôi chưa bao giờ trong cuộc đời mình cảm thấy chắc chắn làm điều gì hơn là điều tôi sắp sửa ký tên vào văn bản này. Nếu tên tuổi tôi có bao giờ đi vào lịch sử, nó sẽ là hành động này, và toàn bộ tâm hồn tôi trong đó".
Tuy nhiều người theo xu hướng bãi bỏ nô lệ khắp nơi vui mừng với tin này, thành phần Dân chủ lại bắt đầu phản đối và chống đối. Đến nỗi họ còn cổ động lính giải ngũ. Có nơi lính bày tỏ ý kiến rằng họ tham gia để bảo vệ Union, không phải cho nô lệ. Những người bạn thân của Lincoln, kể cả Chánh án Tối cao Pháp viện David Davis, hay Orville Browning, cảnh báo ông về nguy cơ đe dọa của Tuyên ngôn, Lincoln không sờn lòng. Lincoln cũng không quan ngại về việc lính đào ngũ, vì theo ông tin tưởng, số lược lính đào ngũ sẽ không nhiều, và số lượng lính người da đen tham gia sẽ bù đắp vào số bỏ đi. Ông tin tưởng rằng đây là thời điểm đúng, thuận lợi để làm việc này.
Vài lời kết
Tuyên ngôn Giải phóng (Emancipation Proclamation) và Tu Chính án 13 đã dọn đường để xóa bỏ chế độ nô lệ về sau. Trước quốc hội Hoa Kỳ, Lincoln tuyên bố :
"Hỡi các công dân Hoa Kỳ, chúng ta không thể nào tránh được lịch sử… Bằng cách trao tự do cho người nô lệ, chúng ta bảo đảm được tự do cho người tự do…".
Liền sau cuộc nội chiến, Lincoln minh định rằng đã quá đủ mạng sống hy sinh, và "Chúng ta phải dập tắt sự oán giận nếu chúng ta mong đợi hòa thuận và đoàn kết". Đối với thành phần đứng đầu của các nhóm phản kháng, kể cả những người tồi tệ nhất, Lincoln không hề muốn sự giết hại nào. Để tiến trình hòa giải không bị ảnh hưởng tiêu cực, ông muốn họ dời đi nơi khác, vì nếu ở thì họ sẽ phải bị trừng phạt về tội ác của mình. Những người lính của bên thua cuộc được cho về nhà, về với gia đình họ, và được hứa sẽ không hề bị sách nhiễu, nếu họ không làm hại gì sau đó. Tướng Ulysses Grant tường trình cho Lincoln chủ trương như thế, và cho Lincoln biết những người lính bên thua cuộc vẫn tiếp tục được giữ ngựa và súng tự vệ. Sau khi nghe tường trình, mặt ông Lincoln sáng lên vì hài lòng.
Sức mạnh của trí thông minh cảm xúc chính là đắc nhân tâm. Lincoln hiểu rõ nhu cầu cảm xúc của các đồng nghiệp ; không để những lấn cấn quá khứ trở thành độc hại ; chuyển hóa các thù hận cá nhân ; đặt chuẩn mực cho sự tương kính và nhân phẩm lẫn nhau, và biết kiềm chế giận dữ ; bảo vệ uy tín của đồng nghiệp khi có những sự nghi kỵ hay đổ lỗi cho nhau ; tìm sự cân bằng và tăng cường năng lượng khi đối phó với các áp lực ; hiểu rõ uy tín và lời hứa là tất cả ; biết khi nào tiến khi nào lùi ; biết phối hợp tài lãnh đạo giao dịch và chuyển hóa v.v…
Sự vĩ đại của Lincoln nằm ở sự cố gắng học hỏi và tự học hỏi không ngừng, ở tinh thần khiêm nhường hiếm có và luôn sẵn sàng nhận lỗi nếu thấy mình sai để học hỏi, và nhất là ở lòng tốt bụng và tử tế của ông. Trong lịch sử nhân loại hiếm có người lãnh đạo chính trị tối cao nào có được đầy đủ những đức tính này. Có thể vì Lincoln đã từng ném mùi thất bại bao lần, từng bị trầm cảm, bị đối xử tồi tệ, để rồi phải tự vươn lên qua muôn vàn khó khăn nhưng bằng chính công sức và con người thật của mình. Lincoln đã luôn vượt qua được chính mình, và không bao giờ gian dối hay lường gạt bất cứ ai. Ông đã trở thành tấm gương cho toàn dân Mỹ, và thế giới, cho mỗi người tự nhìn ra được sức mạnh thật sự đến từ đâu. Tính cách nhất quán của Lincoln, như sự tinh tế, kiên nhẫn, thận trọng, và đồng cảm, đã truyền cảm hứng và chuyển hóa tất cả các thành viên trong nội các của ông. Đằng sau sự dịu dàng và tử tế của Lincoln, điều chắc chắn là Lincoln là một lãnh đạo cực kỳ phức tạp, tham vọng, cứng đầu và khó hiểu nhất. Những cộng sự của ông có thể chỉ trích, phê phán, làm ông bực mình, tức giận, áp lực lên ông v.v… Và ông chấp nhận tất cả miễn sao họ làm công việc với sự đam mê và khả năng, và cùng nhau góp phần thực hiện mục tiêu chung.
Khi một quốc gia có quá nhiều hận thù và chia rẽ, lãnh đạo như Abraham Lincoln là chìa khóa, là giải pháp. Nhưng kiếm được một người như vậy trong những thời điểm như thế không hề dễ. Các nghiên cứu về lãnh đạo học cho biết tài lãnh đạo, nhất là thông minh cảm xúc, ai cũng có thể học hỏi, tập luyện và trau dồi. Nhưng hai câu hỏi : lãnh đạo được sinh ra hay được cấu tạo thành, và thời thế tạo anh hùng hay anh hùng định hình thời thế, vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi và khó có thể khẳng định dứt khoát hiện nay ; nhất là qua một tác nhân lịch sử tầm lớn như Abraham Lincoln.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 26/08/2019
Chú thích :
[*] Ba vai trò quan trọng hàng đầu gồm Ngoại giao, Ngân khố/Kinh tế, và Công lý thì Abraham Lincoln chọn ba người từng là đối thủ của ông trong cuộc chạy đua thành ứng viên tổng thống trong Đảng Cộng hòa : William Seward, Salmon Chase, và Edward Bates. Lincoln cũng chọn một luật sư cực kỳ giỏi, tuy trước đây từng coi thường chế giễu ông, Edwin Stanton, làm Bộ trưởng Chiến tranh.
Tài liệu tham khảo :
Các tài liệu và dữ kiện chính về Abraham Lincoln trong bài này là từ hai tác phẩm sau đây :
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals : The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.
Chính quyền tại Hồng Kông và Bắc Kinh từng gán ghép những người biểu tình tại Hồng Kông là bị xúi giục, kích động, giựt dây và kể cả mua chuộc bởi các thế lực thù nghịch. Họ chỉ ngón tay về phía Hoa Kỳ và các thế lực phương Tây, cũng như các thành phần "phản động" trong nước. Họ cũng đã từng làm như thế với phong trào Dù Vàng năm 2014 [1].
Qua cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, người Việt cũng mong ước một ngày không xa người Việt Nam nói chung, giới trẻ nói riêng, có những khát vọng tự do lớn lao như người Hồng Kông thể hiện.
Nhưng khi những cuộc biểu tình liên tục kéo dài trên 14 tuần qua, tiếp tục thu hút một hai triệu người không chỉ một lần, và những người tham dự thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, điều này cho cho thấy các thế lực cầm quyền phi dân chủ thường không (muốn) hiểu và không thật sự (muốn) lắng nghe nguyện vọng của người dân.
Qua cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, người Việt cũng mong ước một ngày không xa người Việt Nam nói chung, giới trẻ nói riêng, có những khát vọng tự do lớn lao như người Hồng Kông thể hiện.
Mong ước như thế là điều dễ hiểu và chính đáng. Nhưng so sánh giới trẻ Việt Nam với giới trẻ Hồng Kông, trước hết, là hoàn toàn khập khiễng. Hơn nữa, sự chỉ trích, trách cứ, hay mắng nhiết, rằng giới trẻ Việt Nam thờ ơ, thụ động, vô cảm v.v… như đã từng xảy ra bấy lâu nay, một thói quen đổ lỗi/tội cho người khác, là điều tai hại và phản ứng ngược.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng giới trẻ Hồng Kông tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình trong 14 tuần qua là do ý thức muốn làm chủ cuộc đời của họ. Ý thức đó một phần đến từ văn hóa chính trị chịu ảnh hưởng của Anh quốc gần hai trăm năm qua. Nhưng phần quan trọng khác là từ nền giáo dục khai phóng, cấp tiến (liberal studies) tại Hồng Kông.
Cốt lõi của nền giáo dục cấp tiến là để phát triển tư duy phản biện (suy nghĩ độc lập, phê phán) để qua đó giúp phát triển cá nhân và cá tính của mỗi công dân trong xã hội, mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội, và sự liên kết giữa xã hội và văn hóa. Xã hội sẽ không là gì cả nếu không được cấu thành bởi những cá nhân. Cá nhân sẽ không thể phát triển vững ổn nếu không có những định chế và cấu trúc làm nền tảng cho toàn xã hội. Đây là những vấn đề phức tạp và liên hợp, mang tính lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội học, tâm lý học, chính trị học, và triết học mà các em học sinh cấp hai tại Hồng Kông bắt buộc phải học để hiểu biết về mình, về cộng đồng và, hơn nữa, về thế giới mình đang sống. Các môn học này đã có từ trước nhưng trở thành bắt buộc kể từ năm 2009. Qua các môn học này, các em trở thành những người có suy nghĩ phê phán, phản chiếu và độc lập, và phát triển kỹ năng và khả năng tôn trọng tính đa nguyên của văn hóa, quan điểm và con người. Chỉ khi nào có suy nghĩ độc lập mới đưa đến những khám phá và khai phá mới, và hình thành suy nghĩ sáng tạo do sự tìm tòi độc lập của mình [2].
Harvard, một trong những trường đại học luôn được xếp hạng đầu thế giới (năm 2019 tuy đứng thứ ba, nhưng uy tín về học thuật thì luôn đứng hàng đầu), cũng xem các môn nghệ thuật và khoa học cấp tiến (liberal arts & sciences) là trung tâm điểm của mục tiêu của trường. Triết lý căn bản của Harvard là trước khi có thể góp phần thay đổi thế giới, sinh viên cần phải hiểu về nó. Harvard cho rằng các môn nghệ thuật và khoa học cấp tiến là nền tảng trí thức bao quát làm dụng cụ để suy nghĩ phê phán, lý luận phân tích và viết rõ ràng. Harvard chủ trương "Những thành thạo này sẽ chuẩn bị cho sinh viên điều hướng các vấn đề phức tạp nhất trên thế giới và giải quyết những đổi mới trong tương lai với những thách thức không lường trước được" [3].
Câu hỏi "Đâu là chân lý ?" thì ai có thẩm quyền trả lời ? Đối với các chế độ cường quyền, chân lý tuyệt đối thuộc về riêng họ, không ai ngoài họ. Luật pháp nằm trong miệng họ. Sự thật là do họ định đoạt : viết sai, viết phản khoa học, phản bản chất con người, thì họ vẫn cho là đúng: viết lại, sửa lại, nhưng sai tiếp thì… cũng đúng luôn ! Nhưng trong nền dân chủ cấp tiến, không ai có thẩm quyền tuyệt đối để bắt mọi người khác phải nghe theo, ngoại trừ hiến pháp và pháp luật. Nhưng ngay cả thế, hiến pháp cũng thay đổi theo thời gian, và pháp luật cũng thay đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu xã hội và con người. Nói cách khác, không hề có sự thật bất biến. Do đó tất cả mọi người trong xã hội đều phải cạnh tranh gây gắt với nhau để tìm bằng chứng, lý lẽ và phương thức thuyết phục người khác, trong mọi lĩnh vực, nhất là các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ vấn đề nào, dù có sai đi nữa thì quyền được bày tỏ vẫn được tôn trọng và bảo vệ. Nguyên lý này đã giúp cho mọi cá nhân và toàn xã hội tìm đến được đỉnh cao của chân thiện mỹ. Và đỉnh cao đó luôn thay đổi để ngày một cao hơn. Giống như Thế Vận Hội/Olympic, kỷ lục mới luôn đạt được, nhưng thay vì mỗi bốn năm, nó diễn ra hàng giờ hàng ngày trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Những người như Joshua Wong, Agnes Chow v.v… đã tiếp thu được một nền giáo dục khai phóng, cấp tiến như thế, cho nên tư duy của họ, dù còn rất trẻ, nhưng rất độc lập và trưởng thành. Các em học sinh khác như Valerie chỉ 14 tuổi, Grace chỉ 16 tuổi, khi Hồng Kông trả lại cho Trung Quốc năm 2047 thì lúc đó Valerie 42 và Grace 44 tuổi, do đó vẫn ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời còn lại của họ. Các bạn trẻ này không chỉ biết dân chủ là gì trên lý thuyết mà còn tích cực đấu tranh để bảo vệ nó [4]. Các em hiểu rõ không đấu tranh bây giờ cho tương lai của mình thì hệ quả về sau này sẽ ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên những người ủng hộ Bắc Kinh như bà Priscilla Leung thì biện luận rằng chính môn học cấp tiến bị bắt buộc tại Hồng Kông đã là một trong các nguyên do đưa đến sự nhiệt tình quá độ của giới trẻ về vấn đề chính trị hiện thời. Bà đổ lỗi cho môn học cấp tiến này. Phía thân chính quyền Hồng Kông thì muốn chấm dứt môn học này vì nó khuyến khích suy nghĩ duy lý (rational thinking) [5].
Nền giáo dục cấp tiến tại Hồng Kông hiện nay hoàn toàn trái ngược với giáo lý và chủ trương của Bắc Kinh, nơi mà Internet thì bị kiểm soát ngặt nghèo, truyền thông thì hoàn toàn do nhà nước khống chế, và các môn học tại trường mang tính yêu nước nhưng được định hình của đảng, không phải của toàn dân tộc. Bắc Kinh muốn đào tạo ra những con người chỉ biết nghe theo làm theo, không thắc mắc đặt vấn đề, và không có tư duy phản biện hay độc lập.
Nhìn như thế, chúng ta sẽ không trách cứ người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam. Hà Nội cũng rập khuôn bao nhiêu chủ trương và hình thức của Bắc Kinh trước nay. Khi nào giới trẻ Việt Nam có được đầy đủ thông tin đa chiều và được hấp thụ nền giáo dục cấp tiến như Hồng Kông hay các nền dân chủ cấp tiến hiện nay, điều chắc chắn là họ sẽ không thờ ơ, thụ động hay vô cảm. Trong mọi thời đại sẽ luôn có những người có lý tưởng và mong muốn góp phần xây dựng cộng đồng, đất nước, chứ không chỉ sống ích kỷ cho mình. Nhưng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sinh ra và lớn lên, từ gia đình, nhà trường, xã hội và mọi hoạt động trong mọi lĩnh vực đều bị kiềm kẹp và kiểm soát, từ tư tưởng đến hành động. Cho nên chúng ta không có tư cách và không có quyền gì để nặng lời hay chửi mắng họ. Ngồi đó chửi đổng lên không những là một thái độ vô trách nhiệm mà còn vô cùng phản tác dụng. Nó chỉ làm cho giới trẻ tránh xa, không quan tâm hoặc không làm gì cả (inaction).
Cách tích cực và hiệu quả hơn là tìm những phương thức thích hợp và sáng tạo để giúp giới trẻ Việt Nam tiếp cận các luồng thông tin đa chiều, giúp đào tạo thế hệ hôm nay các kỹ năng suy nghĩ phê phán, để từ đó họ tự đi tìm chân lý cho mình và cho đất nước. Tương lai Việt Nam là thuộc về họ, do chính họ định đoạt, không ai khác. Khi có đủ kiến thức, thông tin và kỹ năng suy nghĩ phê phán, các bạn sẽ làm chủ cuộc đời của mình. Chẳng ai có thể dẫn dắt họ, xỏ mũi họ, bịt miệng bịt tai bịt mắt họ. Thử hỏi, ai dám coi thường Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) chỉ 22 tuổi hiện nay, hay lúc chỉ mới 15, 16 tuổi, kể cả Bắc Kinh !
Một thế hệ trẻ có khả năng định hình bản sắc và cung cách riêng cho mình như thế mới có khả năng đem lại một thay đổi tích cực và vững ổn. Xây dựng các thế hệ như thế chắc chắn mất nhiều thời gian. Nhưng nếu không tôn trọng giới trẻ và không chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo quốc gia trong tương lai ngay bây giờ, thì khi nào ? Còn các giải pháp mì ăn liền, hay tính toán nhất thời, chụp giựt, cơ hội, mà không có viễn kiến cho đường dài, thì rốt cuộc chỉ phí sức và vô ích. Giải pháp cho bài toán phức tạp, như vấn đề chính trị tại Việt Nam, chẳng hạn, không hề dễ. Nhưng tiếp tục lối mòn cũ thì không chỉ "dục tốc bất đạt" mà còn vô cùng phí phạm. Không nên phí phạm nữa khi đất nước đang cần trí tuệ, kiên trì và nỗ lực chung trước những thử thách lớn lao hơn bao giờ hết.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 25/09/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Juliana Li, "Were some Hong Kong marchers paid ? ", BBC Blog, 19 August 2014.
2. Mary James, "Upper secondary education in Hong Kong : a case study ", the Royal Society’s symposium Broad and Balanced : What is the future for our post-16 curriculum ? on 17 October, 2017.
3. Frequently Asked Questions, "What is a "liberal arts & sciences" education ? ", Harvard College: Accessed on 14 September 2019.
4. Eliza Borrello, "Hong Kong school students join pro-democracy protests, prompting criticism of curriculum ", ABC News, 12 September 2019.
5. Sam Lo (Kowloon, Hong Kong) "Liberal studies blamed for Hong Kong ‘misbehaviour ’", Financial Times, 11 July 2019.
Ngày này 157 năm về trước, Tuyên ngôn Giải phóng đã được quyết định và thông qua bởi nội các của tổng thống Abraham Lincoln.
Ngày 22/09/1862 : Tổng thống Lincoln ban hành Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ
Hai tháng trước đó, vào cuối tuần tháng 7 năm 1862, Lincoln đã triệu tập cuộc họp nội các lịch sử để công bố bản thảo Tuyên ngôn Giải phóng của mình.
Trước đó nữa, vào tuần cuối của tháng Sáu năm 1862, cuộc nội chiến Hoa Kỳ lúc đó đang ở giai đoạn vô cùng gây cấn. Quân đội của tướng George McClellan thuộc Hiệp Chủng Quốc (Union) tấn công thủ đô của phía Liên bang (Confederacy) nhưng đã bị đẩy lùi tại Richmond. Bên Union phải rút lui. Cuộc tấn công này làm cho 16 ngàn lính bị chết, bị bắt hoặc bị thương. Sự kiện này làm cho Lincoln lo lắng, bởi vì lá bài cuối đã được sử dụng nhưng không hiệu quả. Lincoln nhận thấy đây là lúc ông cần thay đổi chiến lược/thuật.
Khi quân đội Union rút về lại sông James (James River), Lincoln liền viếng thăm binh lính, nhất là những người bị thương tích, để nâng đỡ tinh thần của họ, và cũng để củng cố tinh thần của chính mình. Cuộc viếng thăm bất ngờ của Lincoln đã làm tăng tinh thần của binh lính ngay lập tức.
Nhưng điều khác Lincoln mong muốn trong chuyến viếng thăm này là gặp gỡ binh lính, đặt câu hỏi và qua đó thu thập thông tin trực tiếp từ họ. Nhờ thế mà ông biết được cặn kẽ hơn về mối quan hệ giữa chiến tranh và vấn đề nô lệ. Ngay từ ban đầu, mặc dầu ông khinh ghét vấn đề nô lệ, mục tiêu hàng đầu của Lincoln lúc đó vẫn là duy trì sự thống nhất của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lincoln thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc về sự phức tạp khác nhau của người dân, kể cả vấn đề cho rằng nô lệ đã được Hiến pháp công nhận, nhất là những bang đã từng công nhận nó. Đây là hai thử thách lớn lao cho bất cứ một lãnh đạo nào.
Sau khi nói chuyện với lãnh đạo và binh lính bên phía quân sự, Lincoln mới nhận thức rõ ràng rằng bên phía Confederacy đã khai dụng nô lệ một cách tối đa cho mục tiêu chiến tranh của họ. Nô lệ được dùng để đào hầm, xây dựng thành trì kiên cố cho phía Confederacy. Họ được sử dụng để lái xe ngựa, nấu ăn, chạy bàn, và phụ tá bệnh viện. Trên mặt trận, họ sửa soạn cho các vấn đề nông nghiệp : trồng trọt, nâng cao mùa màng và thu nhặt bông gòn. Nô lệ cũng được dùng làm các việc duy trì nông trại và các hoạt động đồn điền. Các công việc của nô lệ giúp cho phía Confederacy sử dụng mọi lực lượng còn lại để chiến đấu. Theo nhận định của Lincoln thì nô lệ đã được dùng để làm sức mạnh cho bên kia. Câu hỏi Lincoln đặt ra là bên này cần phải quyết định làm gì với yếu tố này để nó phục vụ cho mình, hay hủy hoại mình ! Nếu bên Confederacy bị tước đoạt nô lệ, miền Bắc lúc đó đang ở thế bất lợi, cho nên có thể thu được vị thế có lợi về quân sự, cần thiết cho thời điểm đó.
Lincoln nhìn ra được rằng giải phóng nô lệ có thể được xem là "vấn đề quân sự tuyệt đối cần thiết cho sự cứu rỗi đối với Union". Giải phóng nô lệ, tuy "mặt khác là vi hiến" đối với phía Confederacy, nhưng có thể trở thành một hành động hợp pháp đối với phía Union. Lincoln phân tích rằng việc bảo vệ vấn đề nô lệ một cách hợp hiến có thể phản bác bằng quyền hiến định về chiến tranh của vị tổng tư lệnh, tức quyền tổng thống khi đất nước đang có chiến tranh. Tuy suy luận như thế, Lincoln vẫn e ngại việc tung "vũ khí giải phóng" như một nghị định quân sự một chiều. Trước đây, Lincoln đã từng cảnh báo các nhà luật sư trẻ trong lúc ông hành nghề luật về những mối nguy của những kẻ đội lốt bạo chúa, sẵn sàng ngụy biện cho các phương thức quá đà của mình. Sử dụng biện pháp này, Lincoln hiểu, là khá nguy hiểm, nhưng nó gần như là cách cuối cùng khi các biện pháp khác đã được áp dụng nhưng thất bại. Thật ra ông cũng đã tìm những phương thức khác. Trước đó bốn tháng, Lincoln gửi thông điệp đến quốc hội yêu cầu họ ủng hộ bốn tiểu bang ranh giới Missouri, Kentucky, Delaware và Maryland, nếu các tiểu bang này từ từ chấp nhận chính sách xóa bỏ nô lệ, thay vào đó họ sẽ được bồi thường 400 đô la mỗi nô lệ. Ông khẩn khoản yêu cầu các nhà lập pháp tại các tiểu bang đó chấp thuận đề nghị này. Nhưng họ vẫn từ chối, biện luận rằng làm như thế chỉ làm tăng thêm sự nổi loạn của các tiểu bang ly khai, kéo dài chứ không làm ngắn đi chiến tranh.
Với công việc rất bề bộn mỗi ngày của một tổng thống, Lincoln không còn nhiều thì giờ để tìm một giải pháp tối ưu. Ngoài các việc chính thức khi cánh cửa của nhà Trắng mở vào buổi sáng, Lincoln phải tiếp đón bao nhiêu quan khách cũng như những người muốn đến thăm Nhà Trắng. Ông gần như không còn bao nhiêu thì giờ để nghỉ ngơi, huống gì suy nghĩ đến các vấn đề phức tạp khác. Nhưng vì nhận thức rất rõ tầm quan trọng cho một giải pháp như thế, Lincoln đã tìm thời gian và nơi chốn để suy nghĩ. Lincoln tìm đến Nhà Lính (Soldiers’ Home) như một nơi trú ẩn an toàn để ông có thể tập trung suy nghĩ về các vấn đề phức tạp, nhất là vấn đề và giải pháp về nô lệ.
Việc gì đến cũng phải đến. Một tháng sau trận đánh thất bại tại Richmond, Lincoln đã triệu tập nội các của ông vào ngày 22 tháng Bảy năm 1862. Phía cấp tiến gồm Edwin Stanton và Salmon Chase ngồi bên phải của Lincoln. Phía bảo thủ Caleb Smith, Montgomery Blair và Edward Bates ngồi bên trái. Phía ôn hòa gồm Gideon Welles ngồi đàng trước và William Seward, ngồi trung tâm, và cũng là điểm tựa vây quanh Lincoln. Mọi người ngồi im lặng lắng nghe Lincoln đọc bản thảo Tuyên ngôn Giải phóng.
Cuối cùng ông đi đến một câu văn mà đã thay đổi lịch sử Hoa Kỳ và nhân loại :
… Là Tổng tư lệnh của quân đội và hải quân của Hoa Kỳ, tôi tuyên bố rằng ngày đầu của tháng Giêng năm 1863, tất cả những ai bị giam cầm như nô lệ trong bất cứ tiểu bang nào mà trong đó quyền lực hiến pháp không được công nhận, tuân phục và duy trì một cách thực tế, thì từ đó, và mãi mãi về sau, có thể được tự do.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Lincoln thắt chặt hai vấn đề Hiệp Chủng Quốc và nô lệ chung lại thành một sức lực duy nhất, mang tính chuyển hóa và đạo đức. Khoảng 3 triệu rưỡi người nô lệ, bao nhiêu đời sống ở phía Nam, được hứa hẹn tự do. Chỉ 80 chữ thôi, trong Tuyên ngôn Giải phóng này, có khả năng thay thế pháp luật về quyền sở hữu tài sản và nô lệ mà đã ngự trị tại quốc hội Hoa Kỳ, Hạ viện lẫn Thượng viện, ba phần tư thế kỷ qua.
Cũng cần ghi nhận rằng nghị quyết này không bao hàm, tức không có hiệu lực đối với, hơn một nửa triệu nô lệ hiện đang sống tại các tiểu bang lân cận. Các tiểu bang này chưa tham chiến nên quyền lực chiến tranh của tổng thống không thể được sử dụng để giải thoát nô lệ tại đây. Nhưng nếu họ quyết định đứng về phía Nam/Confederacy thì nó cũng sẽ được áp dụng đối với họ.
Mặc dầu Lincoln cho biết rõ rằng ông đã dứt khoát tư tưởng về vấn đề này trong cuộc họp nội các lịch sử này, ông vẫn mong muốn được biết các phản ứng của thành viên nội các, ủng hộ hay chống đối. Trước đó, một số người cho rằng tiến trình lấy quyết định của Lincoln là quá chậm chạp, thiếu quyết đoán, vân vân, nhưng thật ra trong đầu ông suy nghĩ về ưu điểm của từng vấn đề và các khía cạnh quan trọng cần thiết. Ông đã chuẩn bị kỹ và hiểu rõ tư duy của mỗi thành viên đến độ ông biết họ sẽ hỏi gì và sẵn sàng trả lời mọi ý kiến phản đối của họ. Nhưng khi Lincoln đã đi đến quyết định rồi, vấn đề còn lại không phải là cái gì mà là khi nào : khi nào sẽ thực hiện.
Edwin Stanton, Bộ trưởng Chiến tranh, và Edward Bates, Bộ trưởng Tư pháp, hai thái cực trong nội các, lại là hai người ủng hộ Tuyên ngôn Giải phóng của Lincoln. Stanton thấy rõ lợi ích chiến lược nó sẽ mang lại. Bates đồng tình hoàn toàn nhưng yêu cầu phải có kế hoạch đối phó với những người nô lệ/da đen được giải phóng.
Bộ trưởng Hải quân Gideon Welles thì lưỡng lự và im lặng, vì nhìn thấy cả hai mặt vấn đề : tầm vóc của vấn đề và những kết quả bất định của nó, nhất là khi sử dụng quyền lực chiến tranh một cách quá thái như thế. Welles cũng lo ngại những người sở hữu nô lệ có thể vì đường cùng mà nỗ lực chống lại làm kéo dài thêm chiến tranh. Bộ trưởng Nội vụ Caleb Smith cũng giữ im lặng, nhưng nói riêng với phụ tá của mình rằng nếu Lincoln đề xuất tuyên ngôn này thì ông sẽ "từ nhiệm, về nhà và chống đối lại Tuyên ngôn". Montgomery Blair thì cực lực phản đối Nghị định này, bởi ông lo ngại sẽ đẩy các tiểu bang biên giới với phía Nam, hiện đang trung thành với Union, về phía Confederacy. Hơn nữa ông cũng lo ngại nó có thể làm mất sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
Lincoln cho biết ông đã cân nhắc mọi khía cạnh mà Blair đưa ra, nhưng kết luận rằng tầm quan trọng của vấn đề nô lệ vượt xa vấn đề chính trị của đảng phái. Ông nhắc nhở rằng ông đã liên tục nỗ lực tìm một sự thỏa thuận chứ không muốn áp đặt, nhưng các nỗ lực này không đưa đến kết quả nào. Lincoln cho biết đây là quyết định của ông, và ông là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về nó. Tuy thế Lincoln vẫn chấp nhận để Blair đề nạp các phản đối của mình trên giấy hẳn hoi.
Nói chung Lincoln chấp nhận mọi ý kiến trái chiều và phản đối nêu ra, nhưng cam kết rằng đã đến lúc phải hành động. Khi buổi họp gần kết thúc, Ngoại trưởng Seward nêu một câu hỏi chính đáng về thời gian. Seward cho rằng Tuyên ngôn này có thể bị dư luận suy diễn rằng đây là "một tiếng thét sau cùng của chúng ta, trên đường rút lui". Seward biện luận rằng tốt hơn thì nên chờ cho đến khi chiến thắng ở về phía mình, và chỉ cần treo bảng Tuyên ngôn lên trên cổ nó thôi.
Sau này Lincoln chính thức công nhận rằng ông thật sự chưa nghĩ đến khía cạnh này. Vì đề nghị của Seward quá hợp lý nên Lincoln đồng ý để bản nháp Tuyên ngôn sang một bên, chờ đến khi điều kiện thuận lợi, một chiến thắng lớn, rồi công bố. Trong thời gian đó ông thỉnh thoảng sửa đổi vài chỗ, bỏ chữ này thêm câu kia, và mong chờ thời điểm thuận lợi nhất đến để hành động.
Lincoln chờ đợi hai tháng trong lo lắng tột cùng. Cuối cùng thì tin vui cũng đến, với cái giá trả quá đắc, khi quân đội của tướng Robert Lee từ Maryland và Pennsylvania bị đẩy lùi. Trận đánh Antietam đã làm cho 23 ngàn lính chết trong một ngày, làm cho cả hai bên choáng váng và kiệt quệ tinh thần. Năm ngày sau chiến thắng Antietam, Lincoln lại triệu tập cuộc họp nội các vào thứ Hai, 22 tháng Chín năm 1862.
Trong suốt hai tháng qua sau khi đọc Tuyên ngôn Giải phóng nháp lần đầu với nội các của mình, Lincoln đã nói chuyện riêng với từng thành viên trong nội các và ghi nhận mọi góp ý chính đáng của họ.
Vì sự trung thành với Lincoln quá mạnh mẽ nên Ngoại trưởng Seward không phản đối Tuyên ngôn này. Nhưng ông đề nghị nên sửa một chút. Thay vì nói rằng chính quyền này (của Lincoln) thôi thì nên sửa lại thành chính quyền này và mọi chính quyền tương lai "công nhận và duy trì" sự tự do của người nô lệ. Lincoln cho biết ông không thể hứa thay cho các chính quyền tương lai mà ông không bảo đảm được. Nhưng sau cùng Lincoln cũng đã nghe lời khuyên của Seward và sửa lại đoạn văn này.
Khi bản Tuyên ngôn này xuất hiện trên báo chí ngày hôm sau (23 tháng Chín năm 1862), tất cả thành viên nội các, từ nhiều khuynh hướng khác nhau, đều đứng đàng sau Tổng thống Lincoln.
Làm sao Lincoln có thể thuyết phục được một nội các đa dạng trong quan điểm, đầy tham vọng, thích biện luận, đố kỵ và đầy tài năng để họ dịch chuyển quan điểm và ủng hộ Lincoln ?
Câu trả lời tốt nhất, theo bà Doris Kearns Goodwin, có thể tìm ra được từ trong những điều mà ngày hôm nay chúng ta gọi là trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) : sự đồng cảm, khiêm nhường, nhất quán, tự nhận thức, kỹ luật cá nhân và tinh thần rộng lượng/cao thượng của Lincoln.
Lincoln tuyên bố : "Khi nào mà ông vẫn còn ngồi đây (tổng thống), tôi sẽ không sẵn sàng trồng gai trong tâm hồn của bất cứ người nào". Trong mọi cuộc tiếp xúc hàng ngày với thành viên nội các, không bao giờ có chỗ nào dành cho cung cách hành xử có ý đồ xấu, cho sự ganh ghét ác cảm hay sự thù ghét riêng tư. Ông cổ võ cho mọi thành viên tranh luận với nhau, nhưng sẽ rất "buồn phiền" nếu thấy họ tấn công nhau ở công cộng. Cách bắn tỉa đó không chỉ là sai, đối với ông, mà còn tệ hơn, sai đối với quốc gia. Với các thử thách lớn lao trước mặt, ông yêu cầu mọi người đối xử với nhau lịch thiệp, đứng đắn. Mục tiêu chung ông đặt lên trên hết, lên hàng đầu của mọi hành động, để hình thành nội các và ràng buộc mọi người hành xử ở tiêu chuẩn cao với nhau.
Hơn 150 năm về trước, Lincoln đã đạt được các tài năng lãnh đạo xuất chúng mà ngày nay các nhà lãnh đạo và tâm lý học gọi chung là trí thông minh cảm xúc. Lincoln đã đi trước thời đại của ông rất xa. Các đức tính này cụ thể là gì, và nó đã giúp Lincoln như thế nào, trong cuộc khủng hoảng nội chiến Hoa Kỳ, sẽ được bàn sâu trong bài tiếp.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 22/09/2019
Tài liệu tham khảo :
Phần lớn nội dung bài này dựa vào hai tác phẩm của tiến sĩ Doris Kearns Goodwin sau đây :
1. Doris Kearns Goodwin, Leadership : In Turbulent Times, September 18, 2018.
2. Doris Kearns Goodwin, Team of Rivals : The Political Genius of Abraham Lincoln, Simon & Schuster, September 26, 2006.
Chị tôi là một bác sĩ gia đình. Thời trung học tại Úc, những môn chị học là toán (hai môn toán khác nhau), lý, hóa, Anh ngữ và Việt ngữ. Thời đó nó được xem là Gói Việt Nam (Vietnamese package), vì hầu như đại đa số sinh viên Việt Nam thuộc thế hệ một rưỡi đều chọn các môn này là chính. Thế hệ thứ hai và ba hiển nhiên là khác đi nhiều.
Albert Schweitzer có châm ngôn hay : Thành công không phải là chìa khóa đến hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa thành công. Nếu một người thích những gì mình đang làm, họ sẽ thành công
Con út của chị năm nay học lớp 10. Cách đây ba năm, bé Út có vẻ thích môn triết học. Chị tôi lo lắng không biết học triết có làm cho bé Út suy tư, sầu não quá không. Nghe chị tâm sự, tôi trấn an rằng hãy khuyến khích bé học những gì bé thích. Không thích thì không thể tồn tại lâu dài được. Năm năm, mười năm, hai chục năm đi nữa, nếu cố gắng thì cũng có thể chịu đựng được. Nhưng chịu đựng cả đời là điều không thể và không nên. Nếu có thành công thì cũng sẽ rất giới hạn. Hơn nữa, niềm đam mê của con chứ đâu phải của mình. Tại sao bắt bé học những gì mình thích, hoặc không học những gì mình không thích. Nó không những vô lý mà còn phản tác dụng.
Bí quyết thành công cũng đa dạng, nhưng có những điểm chính căn bản. Theo Carolyn Rubenstein thì ba yếu tố chính quyết định [1]. Một, phải biết mình muốn gì trước hết, sau đó mới là làm thế nào (Albert Schweitzer có châm ngôn hay : Thành công không phải là chìa khóa đến hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa thành công. Nếu một người thích những gì mình đang làm, họ sẽ thành công). Hai, có can đảm để xác định lại "làm thế nào". Lắng nghe, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của người khác là cần thiết, nhưng can đảm vượt rào, phá bỏ những khuôn khổ và mô thức không còn thích hợp, để tìm cách riêng của mình. Ba, chọn tinh thần kiên trì.
Calvin Coolidge, tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ biện luận rằng : "Không có gì trên thế gian này có thể thay thế sự kiên trì. Tài năng sẽ không ; không có gì phổ biến hơn những con người tài năng nhưng không thành công. Thiên tài sẽ không ; thiên tài không được thưởng gần như là câu tục ngữ. Giáo dục sẽ không ; thế giới này đầy những người vô chủ được giáo dục. Chỉ sự kiên trì và quyết tâm là toàn năng. Khẩu hiệu "Tiếp tục hành động" đã giải quyết và luôn luôn giải quyết các vấn đề của loài người". Tóm lại, ai cũng có lúc này lúc kia, lúc đầy tinh thần và có lúc cạn kiệt, lúc thành công lúc thất bại, nhưng quyết tâm và kiên trì là yếu tố quyết định.
Paula Davis-Laack cũng có những nhận định tương tự, nhất là khi chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình [2]. Một, thất bại là điều bình thường, là cơ hội để học hỏi, không phải để cảm thấy xấu hổ hay đổ lỗi. Hai, phát huy não trạng phát triển. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi thử nghiệm những điều mới, nhưng chăm chỉ và học hỏi không ngừng sẽ giúp phát huy não phát triển. Ngoài ra, điều quan trọng đểphát huy não phát triển là cách đánh giá, khen thưởng học sinh, trẻ con và nhân viên của mình [3].
Carol Dweck là một chuyên gia nghiên cứu vềkhoa học thần kinh và sự khám phá chân lý này đã thay đổi sâu sắc triết lý và phương thức giáo dục tại các quốc gia văn minh tiến bộ, nhất là qua tác phẩm chuyên về não trạng [4]. Nhưng quan trọng nhất là sự can đảm duy trì niềm đam mê và quyết tâm (tiếng Anh là grit), bởi nó tiên đoán gần như chính xác các mức độ thành công nhất tại học đường và tại công sở.
Qua lý thuyết tìm hiểu và kinh nghiệm từng trãi, tôi cũng đồng ý với các ý niệm trên. Nhưng tôi xin tóm gọn vào bốn yếu tố chính sau đây. Niềm đam mê (passion), chăm chỉ/quyết tâm (hard work/determination), có phương pháp (methodical) và kiên trì (resilience) sẽ giúp một người đạt được những thành công vượt bực, kể cả tột đỉnh.
Niềm đam mê của mỗi người mỗi khác. Bé Út con chị tôi đã thi đậu vào trường tuyển bốn năm trước, và được học bổng toàn bộ bốn năm qua. Năm ngoái bé Út đứng đầu trường về thi hùng biện/tranh luận. Năm nay, cách đây chỉ một tuần, bé cho tôi hay bé đã quyết định chọn hoàn toàn ngành nhân văn, các môn học triết học, xã hội học, ngôn ngữ học v.v… cho hai năm 11 và 12. Không có môn toán lý hóa nào trong này. Chị tôi giờ này hết phản đối rồi. Nhưng bé Út hỏi tôi nghĩ sao ? Tôi chỉ ôm cháu vào lòng và nói "Cậu không ngạc nhiên. Con là người hiểu chuyện, và biết rõ mình muốn gì. Con quyết định như thế thì cậu rất tôn trọng và hãnh diện về con". Tôi tin chắc rằng cháu tôi sẽ tiến rất xa với tư duy này.
Đại học là nơi không chỉ truyền kiến thức mà còn là nơi để sinh viên khám phá ra những chân trời mới, và thách thức những giả quyết sẵn có. Không có tư duy đó thì sẽ không có khám phá mới và không có tiến bộ. Triết học là một trong những môn quan trọng nhất trong kinh tế học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, hay nói chung là nền giáo dục cấp tiến (liberal arts/studies/education). Đối với kinh nghiệm của riêng tôi, khi trở lại học triết học, nó thách thức toàn bộ suy nghĩ của mình trước đây, những hành trang và vốn liếng mang từ Việt Nam sang. Nếu có được những phương pháp suy nghĩ này trước khi vào đại học mấy chục năm về trước, chắc chắn nó đã giúp tôi rất nhiều. Nhưng thôi, thà trễ trong nhận thức nhưng biết thức tỉnh còn hơn không !
Trường MacRobertson là một trong những trường trung học nổi tiếng nhất tại Melbourne, Úc châu, năm nào cũng chiếm vị trí đầu bảng, nhất nhì ba hoặc thấp nhất là bốn, về điểm thi phổ thông của học sinh lớp 12. Các em từ lớp 9 đã được tiếp cận với các môn địa lý và lịch sử, và có thể chọn môn học kinh doanh hoặc triết học, nếu muốn. Các bạn có thể đi chuyên và sâu hơn khi lên lớp 10, 11, 12. Môn Triết học Tây phương dạy từ thời cổ Hy Lạp cho đến thời cận đại, qua đó các học sinh phải tập làm việc đồng đội, trình bày qua đối đáp và luận văn. Triết học cũng là môn cốt lõi của đại học Harvard, như có trình bày trong bài trước, trong các bộ môn nghệ thuật cấp tiếp.
Xã hội học, tâm lý học, lịch sử… và nhất là triết học, cũng là các môn bắt buộc tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point. West Point từng đào tạo những tướng lãnh thời chiến và sau đó tổng thống thời bình nổi tiếng như Ulysses Grant (Nội chiến Hoa Kỳ thời Abraham Lincoln) and Dwight Eisenhower (Thế Chiến II thời Franklin Delano Roosevelt), cũng như tướng Douglass MacArthur, tướng George Patton v.v… [5]. Nhưng không chỉ trong quân sự mà còn là lãnh đạo trong mọi địa hạt. Ở đó, với nền giáo dục cấp tiến, những người trẻ được đào tạo kỹ năng và trau dồi khả năng suy nghĩ tổng quát, biết về văn hóa và con người, hiểu về lịch sử và tâm lý, không chỉ trong xã hội mình mà còn bao xã hội và văn hóa mà họ sẽ hoạt động. Cách đào tạo này giúp họ trở thành những người có suy nghĩ nhanh nhẹn và thích nghi, để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp, đa nguyên và luôn thay đổi.
Tóm lại, nền giáo dục cấp tiến đào tạo lãnh đạo, trong quân đội, chính trị và mọi địa hạt. Nó không phải đào tạo ra những người nghe và làm theo người khác mà là những người có thể thuyết phục người khác nghe và làm theo mình.
Những kỹ năng và khả năng này rất cần thiết cho thời đại thay đổi nhanh chóng, phức tạp và lắm cạm bẫy hôm nay, với đầy những tin giả và những thủ thuật trí trá. Nó giúp cho mọi người suy nghĩ kỹ lưỡng, chín chắn, biết giải quyết vấn đề, có khả năng truyền thông bằng nói và viết, và biết áp dụng kiến thức vào thực tế [6].
Cách đây ba năm, tôi có viết bài "Tự do học thuật : bí quyết thành công của giáo dục Úc" trên tạp chí Luật Khoa [7]. Sau khi tôi theo dõi một chương trình trên đài phát thanh, tôi nhận ra rằng phần lớn người Úc hiện nay, lớn cũng như trẻ, có lẽ không biết làm toán chia dài (long division). Nhưng điều đó không quan trọng. Thời đại công nghệ bốn này, máy móc có thể làm giỏi, nhanh và phức tạp hơn các thứ này rất nhiều. Tuy nhiên phần lớn người Úc, từ người có học vị cao đến người không có bằng cấp gì cả mà tôi biết (kể cả cựu thủ tướng Úc Paul Keating không có bằng cấp nào cả), đều theo dõi và nắm khá vững vấn đề thời sự và hiểu rất rõ quyền lợi của mình. Bởi vì họ đã có nền tảng căn bản, ngay từ thời tiểu học và trung học. Học sinh được khuyến khích và đào tạo để có suy nghĩ phóng khoáng và độc lập, từ đó xây dựng nền tảng để phân tích và xây dựng các lập luận hợp lý và chặt chẽ cho mọi vấn đề đối diện.
Nền giáo dục khai phóng cấp tiến cũng là con đường tốt nhất để người dân khắp nơi hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm và phương thức bảo vệ mình và xã hội. Các chế độ và thế lực cường quyền và độc tài tất nhiên sẽ tìm mọi cách cản trở hành trình tri thức này. Họ hoàn toàn không muốn công dân của mình có kiến thức cao, hay sở hữu các khả năng và kỹ năng này. Điều này không có gì ngạc nhiên. Như trường hợp Hồng Kông, những người trẻ mạnh dạn đứng lên bày tỏ quan điểm và ước mong của mình, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn không muốn thế. Nhưng những ai muốn học hỏi và tiến thân thì luôn luôn có cách. Vấn đề còn lại là cung và cầu : làm sao khuyến khích càng nhiều người tại Việt Nam học hỏi phương thức đúng đắn để giành lấy tự do cho mình và cho xã hội mình đang sống (chỉ khi nào toàn xã hội được bảo đảm thì quyền của mỗi cá nhân mới được đảm bảo) ; và làm sao những người quan tâm có sáng kiến và nỗ lực để tạo điều kiện và đáp ứng được nhu cầu lớn lao và bức thiết này.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 17/09/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Carolyn L Rubenstein, "3 Essential Ingredients for Creating Unconventional Success ", Psychology Today, 7 October 2010.
2. Paula Davis-Laack, "Grit : The Secret Ingredient to Success ", Psychology Today, 25 August 2014.
3. Xin đọc "Decades of Scientific Research that Started a Growth Mindset Revolution ", Mindset Works, accessed on 15 September 2019 ;
4. Hai tác phẩm khác của Carol Dweck : Dweck, C. S. (2006). Mindset : The new psychology of success. New York : Random House ; và Dweck, C. S. (2012). Mindset : How you can fulfill your potential. Constable & Robinson Limited.
5. David Spungin, "10 Leadership Lessons I Learned at West Point ", Accessed on 15 September 2019.
6. Jon Marcus, "The Unexpected Schools Championing the Liberal Arts ", The Atlantic, 15 October 2015.
7. Phạm Phú Khải, "Tự do học thuật – bí quyết thành công của giáo dục Úc ", Tạp chí Luật Khoa, 21 December 2016.
Thứ Năm và thứ Sáu tuần qua, các nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh tại Hồng Kông, những người như Joshua (Hoàng Chi Phong), Agnes Chow và Andy Chan bị bắt hoặc giam cầm, nhưng không lâu sau đó được tại ngoại [1]. Cuộc biểu tình vào thứ Bảy cuối tuần cũng diễn ra nhưng giới hạn hơn dự trù vì đã gặp nhiều khó khăn, kể cả bị đàn áp thẳng tay.
Người biểu tình hô khẩu hiệu Hong Kong Tự Do, Dân Chủ Tức Thì.
Sau khi được thả ra, Joshua đã gửi thông điệp dứt khoát với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh [2] : "Tất cả những gì chúng tôi đòi hỏi chỉ là thúc giục Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông rút lại Dự luật Dẫn độ, chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, và trả lời các yêu cầu của chúng tôi về bầu cử tự do". Mặc dầu đã bị tù đầy ba lần và sẽ phải đối diện với phiên tòa vào ngày 8 tháng 11 tới đây, Joshua khẳng định sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh, và không bao giờ đầu hàng. Joshua cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi thông điệp rõ ràng đến Chủ tịch Tập Cận Bình : "Gửi quân đội hay sử dụng pháp lệnh khẩn cấp không phải là cách giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh bất kể họ sẽ bắt bớ hay truy tố chúng tôi ra sao".
Mục tiêu của các nhà hoạt động tại Hồng Kông trước nay luôn rõ ràng và dứt khoát : bầu cử tự do, để tự chọn lựa lãnh đạo cho mình ; yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ảnh hưởng vào nền chính trị tại đây, và không thể giải quyết khủng hoảng chính trị bằng bạo lực và đàn áp ; đây là khát vọng của người dân Hồng Kông và cần sự quan tâm của thế giới, vì nếu không mạnh mẽ lên tiếng với Bắc Kinh thì hậu quả sẽ tai hại không chỉ cho Hồng Kông mà rộng khắp ; người dân Hồng Kông sẽ chiến đấu đến cùng, sẽ không bỏ cuộc, cho dù có bị tù đầy, đối xử tàn tệ ; hãy để những người trẻ quyết định lấy tương lai của chính họ, thay vì sử dụng thủ đoạn để áp đặt, kiềm chế, trấn áp họ. Joshua Wong cũng bày tỏ các thông điệp này một cách nhất quán, rõ ràng và dứt khoát [3]. Trong bài đăng trên báo The New York Times, Joshua Wong và Alex Chow cho biết Bắc Kinh có thể bỏ tù họ, nhưng sẽ càng có thêm người biểu tình, sẽ chiến đấu, sẽ chống chủ trương kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 sắp tới [4].
Tinh thần dấn thân của Joshua Wong, của Agnes Chow, của Andy Chan, và của hàng triệu người khác tại Hồng Kông trong suốt ba tháng qua, cho thấy sự quyết tâm cao độ của họ để đạt được mục tiêu quan trọng nhất : tự do làm chủ cuộc đời của mình, ngay bây giờ.
Cuộc đấu tranh của họ làm cho cả thế giới chú ý, ngạc nhiên và thán phục. Ngoại trừ một số cuộc biểu tình xẩy ra bạo động, đại đa số diễn ra trong ôn hòa.
Có ba trong nhiều đặc điểm đáng nói về cuộc đấu tranh của người Hồng Kông ba tháng qua.
Một, tất cả có vẻ được tổ chức kỹ càng, có chiến lược chiến thuật hẳn hoi, nhưng dường như không có ban tổ chức cụ thể.
Hai, tất cả có vẻ được điều động, phối hợp nhưng không có một ban lãnh đạo. Các khuôn mặt Anges, Joshua, Andy, Denise v.v… là bề nổi, nhưng đằng sau họ là ai, thì … ai cũng như ai. Chỉ có họ mới biết với nhau.
Ba, nó không theo một khuôn mẫu, một mô thức nhất định nào cả. Có lúc hàng triệu người mặt đồ đen (biển đen). Có lúc hàng triệu người cầm dù (biển dù). Có lúc hàng ngàn người nối vòng tay dài 50 cây số, (biển đường), được truyền cảm hứng bởi cuộc biểu tình chống Liên Xô đúng 30 năm về trước của hai triệu người kéo dài 600 cây số, gọi là ‘Baltic Way’ [5]. Có lúc chiếm toàn bộ phi trường, gây chấn động và làm tê liệt vài ngày gần như toàn bộ hệ thống hàng không ở đây [6]. Phương thức, chiến thuật, địa thế biểu tình v.v… luôn thay đổi, nhất là các địa thế chiến lược.
Những người đấu tranh tại Hồng Kông không những có tinh thần quyết tâm cao, óc tổ chức sáng tạo, mà cách truyền thông chính trị của họ cũng rất khôn khéo. Họ tránh các thông điệp cực đoan, phản cảm. Họ hiểu mọi truyền thông tại đại lục đều do Bắc Kinh kiểm soát, do đó hiển nhiên gán ghép họ là phản động, là phá hoại, và kể cả khủng bố (nếu chỉ xem truyền thông tại đây thì dễ dàng bị thuyết phục bởi chiến thuật tuyên truyền của truyền thông nhà nước) [7]. Được trang bị và đào tạo kỹ lưỡng, các nhà hoạt động Hồng Kông rất khôn ngoan trong truyền thông chính trị của họ (political communication), đưa ra những thông điệp chính đáng và hợp lý. Sau năm năm kinh nghiệm đấu tranh, họ đã rất trưởng thành và trở nên rất sáng tạo. Họ chứng minh đã học kỹ các bài học từ cuộc đấu tranh chống độc tài, toàn trị và cộng sản trên thế giới. Trên hết, như Joshua đã chia sẻ, họ đã học các bài học từ Phong trào Dù vàng năm 2014, những thành công, nhưng quan trọng nhất, và những thất bại của mình.
Họ đã và đang trở thành nước
Nước chảy đá mòn. Không có gì linh động, uyển chuyển, biến hóa, vô dạng, vô hình, đa nguyên, như nước cả, mà triết lý võ thuật của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) từng ví. Không có gì mạnh mẽ và có sức tàn phá cao độ trên trái đất này như nước. Sức dân được ví như sức nước. Nước đưa đẩy thuyền và nước cũng nhận chìm thuyền, dù thuyền có lớn và vĩ đại đến mấy.
Cách đây gần 16 tháng, tôi có chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam qua bài "Dân chủ ? Hãy như nước !" [8]. Quan niệm sống và đấu tranh của tôi gôm vào ba nguyên tắc : một, luôn học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm, thành công cũng như thất bại, để cải tiến ngày một tốt hơn ; hai, trau dồi suy nghĩ phê phán, hay còn gọi là tư duy phản biện, để không bị lệ thuộc tư tưởng, và nhất là không bị sỏ mũi dẫn dắt bởi người khác (không thể để người khác, dù là ba mẹ hay anh chị em mình, suy nghĩ dùm mình, bởi vì không ai sống cho mình và giúp mình cả đời được) ; ba, phát huy truyền thông nhân ái, bất bạo động, vì lời nói thể hiện tư tưởng của mình ; lời nói bạo động sẽ đưa đến hành vi bạo lực. Truyền thông nhân ái sẽ tạo cảm thông và đoàn kết. Tôi đã kết luận rằng muốn cuộc đấu tranh thành công, thì thay vì đề cao yêu nước, mỗi người hãy trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để chính mình là nước, dù chỉ là một giọt nước. Mỗi giọt nước này, góp chung phần làm hàng trăm triệu giọt nước khác, sẽ nhận chìm bất cứ thế lực cường quyền nào.
Mọi sắc dân trên thế giới muốn sống trong tự do, nhân phẩm và dân chủ, muốn tự mình quyết định lấy cách sống và tương lai của mình, thì đều phải dứt khoát tư tưởng và hành động : một, phải hiểu rõ bản chất và thủ đoạn duy trì quyền lực của các chế độ độc tài ; hai, suy nghĩ triệt để nhưng hành xử dung dị, linh động và mềm mỏng như nước, đặc biệt là đối với chế độ cường quyền ; ba, có viễn kiến cho mục tiêu dài hạn nhưng không quên nỗ lực tối đa để đạt cho được từng mục tiêu cụ thể cho các chiến lược ngắn hạn. Người dân Hồng Kông đã và đang thực hiện các nguyên tắc đấu tranh này một cách linh động, sáng tạo và hiệu quả, đáng để cho các dân tộc khác vọng tự do học hỏi.
Gần 1000 người Hồng Kông bị bắt kể từ các cuộc biểu tình trong thời gian qua [9]. Khi chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh càng ra tay đàn áp, người dân Hồng Kông và khắp thế giới càng hiểu rõ bộ mặt của những người đứng sau các quyết định này. Những nhà hoạt động Hồng Kông cho biết Hồng Kông cần một cuộc cách mạng thì mới có thể tạo thay đổi, và không có cuộc cách mạng nào không có đổ máu, hy sinh, và chỉ có cách mạng mới cứu được Hồng Kông nếu chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh tiếp tục sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Tuy xả thân vì đại cuộc là quan trọng, bạo lực là con dao hai lưỡi, và chỉ nên dùng trong tình huống tự vệ. Bằng tinh thần ôn hòa, nếu chỉ 10 ngàn người trong số gần hai triệu người từng biểu tình, sẵn sàng ngồi tù trong thời gian tới, nó có khả năng tạo khủng hoảng đối với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh về mặt pháp lý, hành chánh và sau cùng là chính trị và kinh tế.
Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông cho đến nay thật là phi quy ước và đầy sáng tạo. Họ đã đi khắp nơi, đến Liên Hiệp Quốc, đến Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc v.v… để đẩy cuộc đấu tranh này lên bình diện toàn cầu. Joshua Wong đã đến Đài Loan cách đây vài hôm để vận động toàn quốc gia này ủng hộ cuộc đấu tranh của họ [10].
Để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, phong trào dân chủ Hồng Kông hiểu rằng hai triệu người Hồng Kông, hay ngay cả toàn dân Hồng Kông 7,5 triệu, cũng không thể chống cự lại sức mạnh của Bắc Kinh. Do đó họ đi tìm đồng minh của thế giới tự do khắp nơi [11]. Người dân Hồng Kông thừa hiểu quyết định chính thức rút lại dự luật dẫn độ là một sự nhượng bộ mang tính chiến thuật chứ họ hoàn toàn không ngây thơ về chủ tâm của bà Carrie Lam, và Bắc Kinh [12]. Cuộc đấu tranh của họ chỉ có một chọn lựa duy nhất : tiến về phía trước bằng mọi giá, bây giờ hay không bao giờ. Bắc Kinh thừa hiểu chuyện này, và biết rằng nếu chỉ rút lại dự luật dẫn độ mà không đếm xỉa gì đến bốn yêu cầu khác của người Hồng Kông, thì cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục. Với nước cờ này, Bắc Kinh chắc sẽ biện giải rằng quyết định đưa quân đội vào với mục tiêu "thiết lập trật tự" là hoàn toàn chính đáng ?
Nếu thế giới văn minh và dân chủ không mạnh mẽ lên tiếng trong những ngày tới thì tôi quan ngại rằng chủ trương dứt khoát "tự do hay là chết" sẽ đụng độ với chủ trương "Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc". Nếu diễn ra một Thiên An Môn nữa, điều mà tôi cầu mong không xảy ra, thì cục diện thế giới sẽ thay đổi sâu sắc.
Úc Châu, 05/09/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 06/09/2017
Tài liệu tham khảo :
1. AP, Reuters, "Các nhà hoạt động Hong Kong được tại ngoại, tuần hành bị cấm", VOA Tiếng Việt, 30/08/2019.
2. Erin Hale and Lily Kuo, "Hong Kong protests : Joshua Wong and other pro-democracy figures arrested ", The Guardian, 30 August 2019.
3. Phạm Phú Khải, "Trần Kiều Ngọc trò chuyện cùng Hoàng Chí Phong ", VOA Tiếng Việt, 29 August 2019. Joshua cũng đã cảm ơn người Việt hỗ trợ tinh thần cho người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh này.
4. Joshua Wong and Alex Chow, "Joshua Wong and Alex Chow : The People of Hong Kong Will Not Be Cowed by China ", The New York Times, 31 August 2019.
5. Erin Hale and Emma Graham-Harrison, "Hong Kong protesters join hands in 30-mile human chain ", The Guardian, 24 August 2019.
6. Mike Ives, Ezra Cheung and Elsie Chen, "Chaos Grips Hong Kong’s Airport as Police Clash With Protesters ", The New York Times, 12 August 2019.
7. James Griffiths, "Beijing says Hong Kong protests 'show signs of terrorism.' If you only watch state media, you probably agree ", CNN, 14 August 2019.
8. Phạm Phú Khải, "Dân chủ ? Hãy như nước ! ", VOA Tiếng Việt, 4 May 2018.
9. Verna Yu, "Hong Kong : ‘Revolution is war, and no war is without bloodshed’ ", The Guardian/The Observer, 1 September 2019.
10. Samson Ellis, "Hong Kong’s Joshua Wong Visits Taiwan to Meet With Ruling Party ", Bloomberg, 3 September 2019.
11. Bang Xiao, "Hong Kong student protest delegation arrives in Australia amid fears of 'another Tiananmen Square' ", ABC News, 5 September 2019.
12. Bill Burtles, "Hongkongers vow to continue protests as Carrie Lam backdown shocks mainland Chinese ", ABC News, 5 September 2019.
Trước tưởng niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn tháng Sáu vừa qua, có lẽ không mấy ai trên thế giới nghĩ rằng Hồng Kông sẽ trở thành điểm nóng địa chính trị không chỉ trong vùng mà còn thế giới. Cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông kéo dài ba tháng qua đã thay đổi quan niệm này.
Carrie Lam lên TV thông báo chính thức rút dự luật dẫn độ, 4 tháng Chín, 2019.
Bài học lịch sử cho thấy các cuộc tranh chấp tại địa phương (local) có nguy cơ leo thang và lan rộng ngoài tầm quốc gia, có khi toàn cầu (global), như Thế Chiến I, chẳng hạn.
Đối với các diễn biến xảy ra tại Hồng Kông, nó có khả năng leo thang không lối thoát tại nơi này, và nếu Bắc Kinh đưa quân đội vào giải quyết, có khả năng leo thang toàn cầu.
Trên bình diện địa phương, đối với người dân Hồng Kông, đấu tranh chống Dự luật Dẫn độ chỉ là một phần lý do, đấu tranh chống bàn tay nối dài của Bắc Kinh, và đấu tranh để bảo vệ lối sống, quyền hạn và tự do của mình, mới là nguyên do chính. Những nhà đấu tranh đưa ra năm đòi hỏi : rút lại toàn bộ Dự luật Dẫn độ là một, điều tra việc cảnh sát dùng bạo lực với người biểu tình là hai, ân xá cho những người biểu tình đã bị bắt là ba, gỡ bỏ việc sử dụng từ bạo loạn dành cho người biểu tình là bốn, và quyền bầu cử phổ thông là năm. Tin mới nhất cho biết bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) sẽ đáp ứng yêu cầu của người dân Hồng Kông bằng cách chính thức công bố rút lại Dự luật Dẫn độ, nhưng điều này sẽ không thỏa mãn các nhà đấu tranh ở đây, và họ vẫn rất quyết tâm đấu tranh để bảo vệ các quyền căn bản và tự do mà đã được hưởng hơn 150 năm qua [1].
Nhưng những mục tiêu này hoàn toàn đối nghịch với những gì Bắc Kinh đại diện. Hơn nữa, nhượng bộ là mất mặt, không nằm trong văn hóa chính trị của họ, và không phải là phương cách của Tập Cận Bình, nhất là khi họ Tập muốn tiếp tục chứng minh ai mới là người có quyết định sau cùng trong chuyện nội bộ Trung Quốc. Và hơn nữa, Tập Cận Bình muốn tiếp tục giữ vững uy thế và duy trì sự hỗ trợ của phe diều hâu trong đảng và trong quân đội.
Trước tình huống này, có một số khả năng xảy ra, như sau.
Theo Michael Shoebridge, một chuyên gia về quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), thì Tập Cận Bình và Bộ Chính trị Bắc Kinh có ba lựa chọn [2]. Một, cách tốt nhất, nhưng ít có khả năng xảy ra nhất, là đi theo con đường mà các nền chính trị đại diện sẽ làm : tiếp cận người dân Hồng Kông, lắng nghe nguyện vọng của họ, và giải quyết nó. Nghe rất là lý tưởng và ngây thơ, nhưng đó là một sự lựa chọn cho Bắc Kinh để chứng minh sự trưởng thành của họ mà từ đó có thể dịch chuyển những cái nhìn tiêu cực của người dân trên khắp thế giới về họ. Shoebridge trình bày một số bước khá hay để thực hiện điều này. Hai, Tập sẽ tiếp tục không nhượng bộ điều gì cả đối với những than trách của người Hồng Kông và chờ đợi cho hết các cuộc biểu tình, miễn sao kiềm chế được các bạo động không leo thang thêm. Đây có thể là cách hữu lý cho đến kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 1 tháng 10 năm nay. Nhưng người dân Hồng Kông đã khai dụng tối đa cơ hội này để tăng cường ảnh hưởng, và như thế đẩy họ Tập càng vào thế nguy kịch [3]. Ba, khả năng có thể xảy ra nhất từ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc là một giải pháp đơn giản : đàn áp và bạo lực. Các đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc nhìn diễn biến tại Hồng Kông qua lăng kính "cách mạng màu", và nỗi sợ hãi từ sức mạnh người dân dẫn đến sự sụp đổ của họ là có thật. Như thế, tương lai cá nhân của họ, và tương lai của Đảng cộng sản Trung Quốc, đang bị thách thức và nguy hiểm. Chính vì lối suy nghĩ này nên Đặng Tiểu Bình đã quyết định dập tắt biến cố Thiên An Môn 30 năm về trước bằng mọi giá. Đứng trước các khả năng này, Shoebridge không khỏi ưu tư và đề nghị cộng đồng thế giới cần phải lên tiếng để ngăn ngừa một thảm họa trong tương lai gần.
Học giả Orville Schell viết "Thiên An Môn ở Hồng Kông" trên tạp chí Foreign Affairs cách đây hai tuần, phân tích chi tiết các sự kiện đưa đến biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm, so sánh với các diễn biến tại Hồng Kông, và trình bày các bài học mà người dân ở đây đã linh động áp dụng [4]. Mặc dầu Lãnh đạo Đa số ở nghị viện Hoa Kỳ Mitch McConnell cảnh báo Bắc Kinh rằng "Mọi sự đàn áp bằng bạo lực sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận…" và "Thế giới đang quan sát", nhưng Schell cho rằng cách đây 30 năm thế giới cũng quan sát, mà rồi hàng trăm nếu không phải hàng ngàn người cũng đã bị giết và bị thương. Do đó Schell cũng đi đến kết luận tương tự với Shoebridge rằng khi thiếu vắng các biện pháp để giải quyết sự đối đầu ngày một leo thang, trong một văn hóa chính trị của một hệ thống độc đảng theo mô hình Lenin không chấp nhận đối kháng vì như thế chỉ chứng tỏ mình yếu ớt, Schell cho rằng không dễ để hình dung nó sẽ kết thúc khác với Thiên An Môn ra sao.
Nếu Tập Cận Bình đưa quân đội vào dập tắt các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, Hoa Kỳ và thế giới sẽ phản ứng ra sao ? Nếu Hoa Kỳ không phản ứng thì chắc chắn không nước nào khác phản ứng, ngoại trừ bằng miệng. Nhưng nếu mong đợi Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự là điều không tưởng. Hoa Kỳ, dù có muốn, cũng sẽ không bảo vệ Hồng Kông bằng biện pháp bằng leo thang quân sự/chiến tranh. Tuy vẫn là mối quan tâm của nhiều người trong chính quyền và trong quốc hội Hoa Kỳ, nhân quyền không phải là mối quan tâm của ông Trump. Thật ra vấn đề tại Hồng Kông hiện nay chỉ gây thêm nhức đầu cho ông Trump [5]. Nhưng nếu đàn áp biểu tình tại Hồng Kông bằng bạo lực, nó có thể làm tốc độ chủ trương tách rời kinh tế của Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc (economic decoupling) nhanh hơn, và cuộc Chiến tranh Lạnh II không thể tránh được [6].
Do dù không muốn can thiệp vào chuyện Hồng Kông, Tổng thống Trump, các lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ, và thế giới nói chung sẽ không thể làm ngơ. Điểm nóng địa chính trị này có thể là thử thách lớn nhất về chính sách đối ngoại của ông Trump cho tới nay. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì hiện có 85 ngàn công dân sống ở Hồng Kông, hơn 1.300 công ty hoạt động, với 300 công ty sử dụng Hồng Kông làm cơ sở hoạt động vùng tại đây [7]. Nghĩa là quyền lợi của Hoa Kỳ quá lớn để có thể làm ngơ. Hơn nữa, nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực để đàn áp và cưỡng bách đối kháng tại Hồng Kông thì nạn nhân kế tiếp sẽ là ai ? Đài Loan ? Bãi Tư Chính ? Việt Nam ? Toàn Biển Đông ? Đây là một thử thách cho Hoa Kỳ và thế giới văn minh, nhưng cũng là cơ hội để cho Trung Quốc biết rõ lằn ranh họ không thể vượt qua.
Theo cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikkie Haley thì cuối cùng, nếu biểu tình vẫn tiếp tục, Bắc Kinh chỉ có hai chọn lựa : một, để người dân có được tự do, ít nhất là 28 năm nữa cho đến năm 2047 ; hai, đàn áp thẳng tay [8]. Với thành tích của Tập Cận Bình thì bà Haley cho rằng có lý do chính đáng để lo ngại điều xấu nhất. Bà Haley biện luận Trung Quốc có thể sẵn sàng nhượng bộ về thương mại để đánh đổi tín hiệu "đèn xanh" từ Hoa Kỳ để nghiền nát Hồng Kông, nhưng bật đèn xanh này là một sai lầm vô cùng nguy hiểm (có nguồn tin cho rằng ông Trump đã bật đèn xanh với ông Tập sẽ không can thiệp). Nạn nhân kế tiếp sẽ là Đài Loan. Và toàn vùng sẽ quan ngại nếu Hoa Kỳ không phản ứng mạnh mẽ. Cho nên bà Haley biện luận mặc dầu Hoa Kỳ không thể ngăn cản Trung Quốc dập tắt phong trào dân chủ Hồng Kông bằng bạo lực, điều quan yếu là phải bằng mọi giá áp đặt những cái giá phải trả đáng kể lên Trung Quốc, phải gửi thông điệp mạnh mẽ rằng nếu tấn công Hông Kông bằng vũ lực, tất cả mọi quan hệ như thường lệ với Trung Quốc (business as usual) phải chấm dứt. Và thế giới sẽ biết về bản chất họ thật sự ra sao. Nhưng trên hết, nếu tấn công bằng bạo lực, nó cho thấy sự khác biệt trời vực giữa các quốc gia tự do và độc tài vận hành như thế nào.
Nói chung, những người am tường bản chất Trung Quốc và hiểu biết lịch sử đều quan ngại một Thiên An Môn khác tại Hồng Kông nếu tình hình căng thẳng tại đây tiếp tục leo thang. Hoa Kỳ, Âu châu, các quốc gia có nền dân chủ cấp tiến, và lương tâm nhân loại nói chung, có thể bỏ rơi người dân Hồng Kông không trong hoàn cảnh Bắc Kinh đưa quân đội vào nghiền nát Hồng Kông không ? Nếu Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông như đã làm tại Thiên An Môn, thế giới văn minh phải làm mọi cách để bảo đảm rằng cái giá họ phải trả cho nó là rất đắc. Nhưng không thể để xảy ra rồi mới làm, mà toàn thế giới văn minh phải chủ động và mạnh mẽ gửi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ bị cô lập hoàn toàn, nếu hành xử như thế. Nếu không, văn minh nhân loại sẽ đứng bên bờ vực thẳm !
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 04/09/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Kirsty Needham, "Hong Kong leader prepares for major backdown", The Age, 4 September 2019.
2. Michael Shoebridge, "Beijing is manufacturing the circumstances to justify brutal intervention in Hong Kong", The Strategist, ASPI, 26 August 2019.
3. Michael Shoebridge, "How Hong Kong plays out will define both China and our world", The Strategist, ASPI, 7 August 2019.
4. Orville Schell, "Tiananmen in Hong Kong", Foreign Affairs, 19 August 2019.
5. Mối quan tâm hàng đầu của ông Trump hiện nay là thương chiến, là làm sao đạt được một thỏa thuận mà Trump có thể khoe khoan với người Mỹ về khả năng thương lượng và cao tay của Trump, và khi bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chỉ trong vòng 14 tháng nữa. Không đạt được thỏa thuận này, kinh tế Hoa Kỳ có thể đứng vững một năm nữa, nhưng sự ảnh hưởng dây chuyền của nó trên toàn thế giới có nguy cơ gây trì trệ kinh tế toàn cầu, và theo các chuyên gia kinh tế thì suy thoái kinh tế rồi sẽ đến Hoa Kỳ, nếu không sớm hơn thì cũng không lâu hơn 2021. Xem Ana Swanson and Jeanna Smialek, "'China is doing very badly' : Trump torpedoes new round of trade talks", The Sydney Morning Herald, 31 July 2019 ; John Edwards, "US, China now have a three-week window to avert trade talks collapse", The Interpreter, The Lowy Institute, 9 August 2019 ; và
6. Thomas Wright, "Trump’s foreign policy crisis arrives", The Brooklings Institution, 16 August 2019.
7. BUREAU OF EAST ASIAN AND PACIFIC AFFAIRS, "2019 Hong Kong Policy Act Report", US Department of State, 21 March 2019.
8. Nikkie Haley, "Chinese attack on Hong Kong would pose grave danger to America’s Asian allies", Fox News, 29 August 2019.
Lời ngỏ : Người dân Hồng Kông và khắp nơi trên thế giới đang theo dõi diễn biến xảy ra tại đây trong ba tháng qua.
Các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ (Extradition Bill), bắt đầu vào tháng Ba và tháng Tư năm nay, nhưng rầm rộ nhất là vào ngày 9 tháng Sáu quy tụ hàng trăm ngàn người, và kéo dài 12 tuần qua, có khi lên đến gần hai triệu người, mà cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những người bàng quan nhất trên thế giới cũng ít nhiều biết đến các cuộc biểu tình này. Những người quan tâm nhất, ngoài người dân Hồng Kông, không ai khác là lãnh đạo Bắc Kinh. Bắc Kinh hiển nhiên muốn chấm dứt các cuộc biểu tình này càng sớm càng tốt. Nhưng bằng cách nào ? Mềm mỏng hay cứng rắn ? Có nên thương thuyết không, có nên sử dụng quân đội không ? Đâu là lằn ranh đỏ không được đi qua ? Khi nào phải triệt để ra tay v.v… Đó là những câu hỏi không có giải đáp đơn giản đối với Bắc Kinh hiện nay.
Đối với người dân Hồng Kông, và các lãnh đạo phong trào đấu tranh, thì sao ? Những khó khăn thử thách của họ là gì ? Họ có lãnh đạo không ? Khi nào các cuộc biểu tình này mới chấm dứt ? Thông điệp và mục tiêu sau cùng là gì ? V.v..
Vào ngày 26 tháng Tám vừa qua, luật sư Trần Kiều Ngọc, Chủ tịch Phong trào Giới Trẻ Thế giới Vì Nhân quyền, đã viếng thăm Hồng Kông, sau khi tham dự một hội nghị quan trọng tại Đài Loan. Kiều Ngọc đã có cuộc hội luận trực tiếp với nhà hoạt động trẻ Joshua Wong Chi-fung, tức Hoàng Chi Phong, một trong các thủ lãnh của Phong trào Dù vàng năm 2014. Năm nay Joshua chưa đầy 23 tuổi, sinh năm 1996, một năm trước khi Hồng Kông chính thức được trả lại cho Trung Quốc.
Khi được biết sự kiện này, tôi đã liên lạc với luật sư Trần Kiều Ngọc, và chúng tôi đã chia sẻ với nhau một số vấn đề và câu hỏi để trao đổi với bạn trẻ Joshua Wong. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây. Quý vị muốn nghe cuộcphỏng vấn bằng hình ảnh thì xin bấm vào đây. Và các bạn trẻ có thể theo dõi cuộc phỏng vấn ghi lại bằng tiếng Anh dưới đây.
Phạm Phú Khải
*********************
Đầu tiên thì bạn Joshua cho biết bạn sẽ chính thức đến tham dựĐại hội do Phong trào Giới trẻ Thế giới Vì Nhân quyền tổ chức tại Nhật Bản vào tháng Tư năm 2020. Joshua nói rằng anh hy vọng gặp được các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, những người quan tâm thao thức về việc đấu tranh cho tương lai của mình.
Luật sư Trần Kiều Ngọc và Joshua Wong.
Trần Kiều Ngọc: Phong trào Dù vàng năm 2014 kéo dài gần ba tháng. Năm năm sau, lần này lâu hơn, thu hút nhiều người hơn, và chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần. Gần hai triệu người trong số bảy triệu dân Hồng Kông đã sẵn sàng tham gia vào Phong trào này. Các cuộc biểu tình tiếp diễn này được xem như là Phong trào Dù vàng số 2. Làm sao nó có thể thu hút được sự hỗ trợ lớn lao như thế ?
Hoàng Chi Phong : Năm năm trước, chúng tôi đối diện với Bắc Kinh. Năm năm sau, chúng tôi đối diện với hoàng đế Tập Cận Bình. Mục tiêu bầu cử tự do của chúng tôi không hề thay đổi. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này, để thế giới biết rằng chúng tôi xứng đáng hưởng được dân chủ.
Trần Kiều Ngọc : Các cuộc biểu tình tiếp diễn này không đơn thuần là cuộc đấu tranh về Dự luật Dẫn độ, mà là nhiều hơn thế, phải không. Các mục tiêu sau cùng mà người dân Hồng Kông muốn đạt được trong cuộc đấu tranh này là gì ?
Hoàng Chi Phong : Người Hồng Kông muốn làm chủ vận mệnh của ngôi nhà mình. Chúng tôi muốn chọn chính quyền của mình. Lãnh đạo Hồng Kông không nên bị điều khiển, thao túng bởi những người ở Bắc Kinh, hoặc làm con rối cho các thế lực cộng sản.
Trần Kiều Ngọc : Joshua có nghĩ Bắc Kinh sẽ sau cùng quyết định đưa quân đội vào để dập tắt Phong trào kỳ này, như biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm không ? Joshua và người dân Hồng Kông đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất chưa ?
Hoàng Chi Phong : Dưới sự cai trị cường quyền, chúng tôi không thể mong đợi Chủ tịch Tập Cận Bình ứng xử một cách hữu lý. Việc họ có đưa quân đội đến Hồng Kông hay không, không bao giờ nói không bao giờ. Tôi hy vọng lãnh đạo và giới trẻ trên thế giới nhận thức được rằng các cuộc khủng hoảng chính trị phải được giải quyết bằng cải tổ hệ thống chính trị. Bắc Kinh chắc hẳn biết điều đó. Đưa quân đội vào không phải là cách giải quyết.
Trần Kiều Ngọc : Những người hoài nghi có thể nói rằng người Hồng Kông có thể duy trì cuộc đấu tranh này, các cuộc biểu tình này, một tháng, một năm hay lâu hơn nữa. Nhưng sau cùng, 27 năm nữa, Hồng Kông rồi sẽ bị cai trị bởi Bắc Kinh, vào năm 2047. Vì thế, trừ phi có thay đổi trong lãnh đạo, hay chế độ tại Bắc Kinh, hoặc người dân tại đại lục đứng lên đòi tự do, nhân phẩm và nhân bản, sẽ không có sự thay đổi nào trong bình diện lớn, và tất cả các nỗ lực đều bị lãng phí. Bạn sẽ trả lời sao về quan điểm này ?
Hoàng Chi Phong : Cuộc đấu tranh này không dễ chút nào. Nhưng giống như sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết vào thế kỷ trước. Chúng tôi lạc quan vào tương lai của mình. Chúng tôi không hy vọng gì ở chế độ này, nhưng tôi hy vọng ở người dân của mình. Ít nhất là phải tiếp tục đấu tranh. Tốt hơn thái độ không làm gì cả. Việc để cho một quốc gia hai chế độ (sẽ) làm soi mòn một quốc gia một chế độ.
Trần Kiều Ngọc : Khi Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh trong một hai thập niên tới về sức mạnh vật chất và quân sự, mà không thiết tha gì đến nhân quyền hay dân chủ, Joshua thấy sự đe dọa nào đối với Hồng Kông và thế giới ?
Hoàng Chi Phong : Hồng Kông có thể sẽ là Tân Cương hoặc Tây Tạng, và chính vì thế mà chúng tôi tiếp tục đấu tranh. Hồng Kông nên là Hồng Kông, đây nên là nơi mà chúng tôi có thể quyết định lấy tương lai của chính mình, thay vì tương lai mà bị kiềm chế, đô hộ bởi Bắc Kinh.
Trần Kiều Ngọc : Câu hỏi kế tiếp hơi có tính cách cá nhân chút. Joshua đã bị tù nhiều tháng trong hai năm qua. Bạn có những nhận thức sâu sắc nào từ trãi nghiệm này ? Bạn lấy cảm hứng từ đâu ?
Hoàng Chi Phong : So với những nhà hoạt động Hồng Kông bị tù bảy năm, thì giá tôi trả là rất nhỏ nhoi. Tôi bị tù chỉ hơn 100 ngày. Thật là khó để diễn tả những gì bên trong. Nhưng các thử thách và áp lực đó sẽ không đánh bại tôi. Nó sẽ làm tôi mạnh mẽ hơn, với quyết tâm hơn, ngay cả khi họ nhốt tôi vào tù, giữ tôi xa cách với xã hội. Đó là thời gian tôi trang bị cho mình để tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài này. Chúng ta nên tranh đấu để giành cho được dân chủ.
Trần Kiều Ngọc : Sau cùng, Joshua có thông điệp nào với người dân khắp thế giới, những người khát khao được sống trong dân chủ, nhân phẩm, và tự do, như người dân tại Việt Nam ?
Hoàng Chi Phong : Dưới sự áp bức của cường quyền, tôi hy vọng rằng những người trẻ, tại Hồng Kông và Việt Nam, nhận thức được rằng đây là cuộc đấu tranh lâu dài, cho nên chúng ta nên giữ vững lòng dũng cảm, quyết tâm và niềm say mê của mình, ngay cả khi có nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng đây là lúc, hoặc sẽ không bao giờ. Đây là lúc để chúng ta cho giới thượng lưu cầm quyền đang thống trị quyền lực hiện nay biết rằng những người trẻ quyết định lấy con đường tương lai của mình.
Trần Kiều Ngọc : Có nguồn tin cho rằng Joshua là người nửa (gốc) Việt Nam, điều đó có đúng không ?
Hoàng Chi Phong : Các báo chí ủng hộ Bắc Kinh cho rằng tôi đã được CIA đào tạo, được huấn luyện bởi Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Họ cũng nói rằng tôi sinh ở Nhật. Và bây giờ họ nói tôi nửa Việt Nam. Các loại tin đồn này là hoàn toàn không đúng. Tôi sinh ra ở Hồng Kông, sống ở Hồng Kông và tôi yêu Hồng Kông.
Trần Kiều Ngọc : Câu hỏi cuối cùng, nhiều người rất ngưỡng mộ khâm phục cách thức đấu tranh biểu tình của người Hồng Kông. Nó là lịch sử, không giống các cuộc đấu tranh biểu tình nào khác, rất khác truyền thống xưa nay. Làm thế nào các bạn làm được như thế ? Có người đứng đầu tổ chức nó không ?
Hoàng Chi Phong : Đây là phong trào không có lãnh đạo. Chúng tôi có hơn một trăm điều hợp viên. Chúng tôi học hỏi từ bài học của Phong trào Dù vàng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu.
Trần Kiều Ngọc : Cảm ơn Joshua.
Hoàng Chi Phong : Cảm ơn mọi người đã theo dõi cuộc trò chuyện này.
********************
English Version (bản Anh ngữ) :
Kieu Ngoc : The Umbrella Movement lasted almost three months in 2014. Five years later, this time it has lasted longer, attracted more people (participating), and appeared no end in the foreseeable future. Nearly 2 million people out of 7 million population willingly participate in this Movement. The ongoing protests now are considered by many people as the second Umbrella Movement. How did it gather so much support this time ?
Joshua Wong : Five years ago, we confronted Beijing. Five years later, we confronted emperor Xi. Our cause on free election never changes. And we will continue our battle, let the world know that we deserve democracy.
Kieu Ngoc : The ongoing protests are not simply about your fight against the Extradition Bill, but are much more than that. What are the ultimate goals that Hong Kong people try to achieve in this struggle ?
Joshua Wong : Hong Kong people want to me master of their own house. We need to elect our own government. Leaders of Hong Kong should not be manipulated by the people of Beijing, or be the puppets of the communist forces.
Kieu Ngoc : Do you think Beijing may eventually decide to send troops in to crush the Movement this time, like the Tiananmen Square 30 years ago ? Have you and Hong Kong people been prepared for the worst ?
Joshua Wong : Under the authoritarian rule, we can’t expect that President Xi Jinping would act rationally. Whether they would send troops to Hong Kong, never say never. I hope world leaders and youngsters around the world realise that political crises must be solved by political system reform. Beijing would know that. Sending troops is not a way out.
Kieu Ngoc : Some sceptics could say that Hong Kong people may be able to sustain their fights, their ongoing protests, for one more month, one more year, or even longer. But in the end, 27 more years, Hong Kong will eventually fall under the rule of Beijing, in 2047. Therefore unless there is a change in the leadership, and in the regime in Beijing, or all the people in mainland stand up for their liberty, dignity and humanity, there would be no change on a larger scale, and all of these efforts may be wasted. How would you respond to such opinions ?
Joshua Wong : It is not an easy battle at all. But just like the Soviet Union fell in the last century. We are still optimistic of our future. I have no hope towards the regime, but I have hope of its people. At least continue with our fight. It is better than do nothing. And allowing one country two systems erodes one country one system.
Kieu Ngoc : With China continue to rise rapidly in the next one or two decades (in terms of their material and military power) without regards to human rights and democracy, what do you see the main threats to Hong Kong and the world ?
Joshua Wong : Hong Kong will be the next Tân Cương (Xinjang) or Tây Tạng (Tibet), and that’s why we continue to fight. Hong Kong should be Hong Kong, here should be the place we can determine our own future, instead of our future dominated by Beijing.
Kieu Ngoc : My next question is personal. You had been imprisoned for many months in the last two years. What insights did you get from your journey ? And where did you draw your inspiration from ?
Joshua Wong : I compared to activists in Hong Kong being jailed for seven years, the price I paid is very small. I had been jailed for more than 100 days. It is hard to describe what it is like inside. But challenges and pressures will not defeat me. It will make me stronger, with more determination, even if they lock me up in prison, keep me distant from society. It is the time to equip myself to continue this long battle. We should fight for democracy.
Kieu Ngoc : Lastly, what are your main messages to the people around the world who long to live in democracy, dignity and liberty, in particular to the people in Vietnam ?
Joshua Wong : Under authoritarian suppression, I hope that youngsters, in Hong Kong and Vietnam, realise that it is a long battle, so we should keep our courage, determination and passion, even if there are lots of difficulties and challenges. But it is now or never. Now is the time for us to let the upper class elites (who have been) dominating the power knowing that the youngsters determine the future of our own path.
Kieu Ngoc : There is a rumour that you are half Vietnamese. Is that true or not ?
Joshua Wong : Pro-Beijing newspapers claim that I am trained by CIA, and by the US Marines. They also said that I was born in Japan. And now they said that I am half Vietnamese. This kind of fake news and rumours are not true at all. I was born in Hong Kong, I live in Hong Kong and I love Hong Kong.
Kieu Ngoc : Lots of people have been amazed by the way Hong Kong people have protested. This is history, unlike any other protests, so unconventional, so different. How do you do it ? Is there a head organiser ?
Joshua Wong : This is a leaderless movement. We have more than a hundred facilitators. We’ve all learned our lesson on Umbrella Movement. And we continue to strike.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 29/09/2019