Việt Nam là một quốc gia trẻ. Trẻ ở đây là dân số. Tuy số liệu từ nhiều nguồn có thể khác nhau, điểm chung mà đa số các nguồn này đồng ý là rằng ít nhất có hơn 50 phần trăm dân số trẻ, từ 16 đến 30 tuổi, đang sinh sống tại Việt Nam. Dân số Việt Nam hiện nay ước đoán khoảng 97 triệu. Nếu thế thì có gần 50 triệu người Việt trở lên được xem là trẻ.
Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ.
Theo Ngân hàng Quốc tế (World Bank) thì dân số Việt Nam vào năm 2018 là 97 triệu, trong đó 70 phần trăm dân số dưới 35 tuổi. Nhiều người Việt xem 35 tuổi là vẫn còn trẻ. Năm 2020 có thể gia tăng hơn chút. Nghĩa là có khoảng 68 triệu người Việt được xem là trẻ.
Dữ liệu mà tổ chức BMI đưa ra tuy chưa cập nhất nhất, nhưng cho biết đến cuối năm 2018 thì có khoảng 170.000 sinh viên học sinh đi du học trên toàn cầu. Phần lớn là tự túc, chiếm 90 phần trăm, không nhất thiết là con ông cháu cha và cũng không được học bổng hay hỗ trợ nào từ phía chính quyền.
Những người trẻ Việt Nam không dính líu gì đến Đảng cộng sản Việt Nam, bao gồm cả 90 phần trăm người trẻ có cơ hội tự túc đi du học khắp nơi, nghĩ gì về tình trạng đất nước Việt Nam hôm nay ? Phần lớn sinh sau 30 tháng Tư năm 1975, họ biết gì và nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam ? Họ hiểu cuộc chiến này ở hai, hay nhiều chiều, hay chỉ hiểu ở góc cạnh mà Đảng cộng sản Việt Nam và các bộ phận tuyên truyền và truyền thông của nhà nước này muốn họ hiểu thôi ?
Nghĩ về đất nước Việt Nam hôm nay, giới trẻ Việt Nam tự hào hay tủi nhục ? Hay không quan tâm/vô tư (indifference) ? Quả thật là khó biết. Có lẽ chưa có một cuộc thăm dò ý kiến nào khách quan và tương đối rộng khắp, đại diện cho các tiếng nói khác nhau và nhiều thành phần trẻ khác nhau, được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị khó khăn, rắc rối hay trù dập từ phía chính quyền.
Suốt 45 năm qua, nhất là trong 10 đến 15 năm qua, ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam dám nói lên những gì họ nghĩ, cho dầu nó khác biệt hoặc đi ngược lại với quan điểm của nhà cầm quyền. Cho dầu họ đã bị bắt, đánh đập, ngược đãi và tù đầy. Cho dầu gia đình họ cũng bị áp lực, bao vây kinh tế, và ngay cả chính gia đình họ cũng xử dụng các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail). Tất cả phần lớn vì sợ, vì thương con, không muốn con mình bị đối xử tồi tệ, tù đầy v.v... Vâng, vẫn có những cá nhân can trường, vô úy như thế trong xã hội Việt Nam. Nhưng quá ít. Cho đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vì sao vậy ? Tại sao một đất nước có hơn 50 triệu người trẻ, ngay cả 68 triệu người dưới 35 tuổi, mà số lượng người trẻ dám vượt qua sợ hãi, dám nói lên những suy nghĩ trái chiều, quá ít ỏi đến thế ? Một hiện tượng xã hội hiếm có và khó hiểu. Nói thế nhưng tôi đã may mắn gặp được một số bạn trẻ rất gạn dạ và đang nỗ lực hết mình để mang lại những thay đổi nhỏ cho chính mình và xã hội chung quanh.
Những người trẻ sống ở Việt Nam cả đời thì khó lấy gì so sánh, mặc dầu ngày nay họ có thể truy cập thông tin trung thực hơn từ các mạng. Thông tin là một chuyện. Nhưng thời nay tin thật tin giả cũng tràn lan. Làm sao biết hư thực để so sánh ? Và bao nhiêu bạn trẻ ngày nay ý thức làm điều này, có tư duy độc lập, có tinh thần và dám nối kết nhau ? Hẳn nhiên là có, nhưng không ai biết rõ được con số. Chắc chắn thời nào cũng có những người lý tưởng, nhất là giới trẻ. Nhưng để trở thành sức mạnh như nước, để hội tụ các giọt nước này thành thủy triều, họ cần hiểu, thông cảm và hỗ trợ rất nhiều về mọi mặt.
Nhưng ngoài nguyên do bạo lực từ phía chính quyền, gia đình, theo tôi, vẫn là cản trở lớn nhất trong bối cảnh xã hội Việt Nam.
Những người trẻ được đi du học, mang quốc tịch Việt Nam đang ở khắp nơi, thì chủ yếu nỗ lực tìm kiếm mảnh bằng làm hành trang cho sự nghiệp của mình trong tương lai. Đó là mục tiêu mà đại đa số cha mẹ Việt Nam mong muốn. Rất chính đáng thôi. Đại đa số gia đình dành dụm tối đa để dồn khoảng 40 phần trăm, hay hơn, nguồn thu nhập gia đình cho con em mình có cơ hội được đi du học. Ngược lại, là thân phận làm con thấy cha mẹ làm việc khổ nhọc, người con nào mà không thương yêu bố mẹ mình và muốn tập trung học tập để có được mảnh bằng và công việc làm tốt. Được như thế thì bố mẹ họ đã mãn nguyện rồi. Cho nên rất hiếm có những bạn trẻ có tư duy độc lập để chọn con đường riêng cho mình. Sợ bao nhiêu phiền toái liên lụy và nhất là sợ bố mẹ buồn. Phụ thuộc kinh tế và nặng tình thương là hai trong các yếu tố chính tác động lên suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ Việt Nam hôm nay.
Sống dưới một chế độ độc tài cộng sản, không ít thì nhiều bạn trẻ nào cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục, bởi các chính sách giáo dục quái gỡ và phản khoa học trong đó vẫn còn phần nào đó đặt nặng hồng hơn chuyên. Hay nói theo ngôn ngữ "cởi mở" hơn chút từ ông Nguyễn Phú Trọng là vừa hồng vừa chuyên thì mới "tốt". Thay vì đặt trọng tâm con người là chính, chế độ này chủ trương đặt các ý thức hệ chính trị vô bổ và ảo tưởng lên giới trẻ, từ mầm non đến tuổi trưởng thành như thế, muốn biến họ trở thành những người phục vụ đảng, không phải phục vụ cho đất nước dân tộc. Họ khôn khéo tuyên truyền để nhập nhằng hai là một. Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa v.v… Đảng và nhân dân là một.
Dân tộc Việt Nam đã đấu tranh hào hùng để chống ngoại xâm, nhất là kẻ thù phương Bắc, hàng ngàn năm qua. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ mới thành lập 80 năm qua. Họ muốn người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ sinh sau 1975, biết rằng chỉ có họ mới đánh thắng Pháp, Mỹ, Trung Cộng v.v… Họ muốn giới trẻ chỉ nghĩ rằng lịch sử Việt Nam cận đại là lịch sử bách chiến bách thắng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cũng như Đảng cộng sản Trung Quốc, họ muốn xóa bỏ, nếu được, không thì sửa lại và viết lại lịch sử, để các thế hệ hôm nay và mai sau không thắc mắc, không đặt vấn đề, và sau cùng chấp nhận phiên bản lịch sử này. Một phiên bản đầy dối trá, bóp méo sự thật, dựng chuyện từ không đến có, xóa cái từ có đến không !
Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ. Con đường tốt nhất là tìm cho mình một công việc làm tốt ở một xã hội tiến bộ. Có thể tôi sai, nhưng nhìn chung thì 90 phần trăm, hay hơn, giới trẻ Việt Nam là như thế. Chúng ta có nên trách họ không ? Chúng ta đã làm gì để giúp họ, nâng đỡ họ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức ? Chúng ta có trình bày sự thật để họ tự tìm hiểu thay vì cũng tuyên truyền, nhồi nhét, áp đặt ? Chúng ta có thật sự lắng nghe nguyện vọng của họ không hay bác bỏ mọi suy nghĩ tiếng nói của họ ? Chúng ta đã làm gì để truyền cảm hứng và tinh thần lên cho họ thay vì nghi ngờ và chủ trương không tiếp cận ?
Đây là những câu hỏi mà những người quan tâm đến đất nước cần phải thực lòng suy nghĩ và trả lời. Chất xám và tương lai nằm ở đó, nhưng cứ nhìn họ như mối đe dọa thay vì có tinh thần tự tin để nhìn thấy là cơ hội quý báu.
Khi không hiểu một đối tượng trẻ với một tiềm năng khổng lồ, và là tương lai của đất nước, và có sức mạnh chuyển hóa xã hội, thì chúng ta đã thất bại ngay từ đầu. Làm sao có thể kết nối với họ hay ảnh hưởng tích cực lên họ nếu chúng ta không hiểu họ gì cả ? Không hiểu cả những người trẻ tại Việt Nam và những sinh viên đang du học đang nghĩ gì muốn gì !
Tiếp sau đây, tôi chia sẻ một số suy nghĩ của các nhà hoạt động tại Việt Nam để hy vọng qua đó giúp cho tất cả những ai quan tâm phần nào hiểu hơn về suy nghĩ của một số thành phần giới trẻ hôm nay, dù chúng ta có đồng ý với họ hay không.
*******************
Trong thời gian qua, tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với một số bạn trẻ Việt Nam. Không nhiều. Chừng 20 bạn trở lại. Tất cả các bạn đều là những người lý tưởng muốn góp phần thay đổi xã hội ngày một tốt hơn. Có thể nói các bạn là những người phi thường trong một bối cảnh xã hội bất thường !
Tôi có cảm tưởng đại đa số giới trẻ Việt Nam rất cô đơn, không có hướng đi, không thể nhìn ra một tương lai gì tích cực, bền vững chờ đợi họ.
Đầu tiên là họ phải vượt qua được chính mình, các cám dỗ của cuộc sống vật chất chung quanh. Hồi xưa ai cũng nghèo như nhau. Đi hoạt động hiếm có ai mà có tiền. Ngày nay thì hoàn toàn khác. Đi hoạt động là một hy sinh lớn, một sự chọn lựa lắm rủi ro và đầy bất an.
Kế đến là phải vượt qua được những lo lắng và áp lực của gia đình. Đây là cửa ải lớn nhất, khó khăn nhất đối với các bạn. Đại đa số các bạn đều phải vượt qua các áp lực này, hoặc nếu không qua nỗi thì tìm cách dấu gia đình và hy vọng một ngày nào đó gia đình đành phải chấp nhận. Nỗi lo bị an ninh biết những hoạt động của các bạn chưa chắc lớn bằng nỗi lo canh cánh về bố mẹ có hiểu, chấp nhận, khoan nói đến hỗ trợ các việc làm của mình ? Hay bố mẹ sẽ tìm mọi cách cản trở, kể cả các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail) ?
Sau cùng là va chạm thực tế. Dù có lý tưởng cao cả, các bạn sẽ sống ra sao ? Sẽ làm gì vừa để sinh nhai vừa hoạt động ? Nếu hoạt động thì lấy gì để sinh nhai ? Nếu sinh nhai thì làm sao hoạt động cho hiệu quả ? Còn nếu làm cả hai thì chẳng gì ra gì, họ biết vậy !
Nhìn chung quanh ai cũng chạy theo đồng tiền. Ai cũng "thực tế". Còn các bạn, chỉ bất nhiêu người làm sao thay đổi được gì ?
Những câu hỏi này, tuy các bạn không có câu trả lời, nhưng tâm hồn và tấm lòng cứ kêu gọi các bạn tiến tới. Nó không ngừng thúc dục. Tôi thương mến và khâm phục các bạn quá.
Trong cuộc trao đổi mới đây với bạn Minh Tâm, một nhà hoạt động tại Việt Nam, tôi hỏi bạn nghĩ sao về các phong trào và các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại ? Bạn nói rằng thú thật với anh, nói ra thì xúc phạm và có thể làm anh và người khác buồn, nhưng em thấy "phong trào bên ngoài chẳng ăn nhập gì với trong nước". Tôi hỏi thêm bao nhiêu điều và Minh Tâm chia sẻ thêm như sau :
"Vấn đề của người Việt Nam cũng không phải phức tạp gì lắm anh ạ.
Thật ra thì không phải người Việt trong nước họ không biết, mà họ sợ, rồi nó thành mãn tính, cho nên họ chỉ biết lo cho thân của họ trước.
Kế đến, họ cứ nghĩ chống đối là bị bắt... nhưng thực tế không phải như thế. Mình làm sao giúp cho họ thấy và biết nhiều cách khác nhau để họ tham gia.
Rồi sau đó dần dần kết nối họ lại với nhau.
Nhưng để làm như thế thì cần có khả năng thuyết phục.
Tuy nhiên phong trào đấu tranh đa phần, không phải là tất cả, chỉ biết chửi bới. Ngoài ra thì vẫn có tư duy tự cho mình là tinh hoa, và muốn lãnh đạo người khác. Thêm vào đó, họ kêu người trong nước thay đổi tư duy, từ bỏ cái tôi, mà họ lai không từ bỏ cái tôi của mình để tạo ra cái tôi mới với người trong nước. Sau cùng họ đặt nặng vào hình thức, chấp vào thể thức, hơn là thực sự muốn dân chủ tự do cho Việt Nam. Em có cảm tưởng nhiều người vẫn muốn đấu tranh cho cái nền dân chủ tự do của trước năm 1975, trong khi dân chủ đã tiến rất xa rồi.
Còn những người có nhân cách tại Việt Nam họ thấy những người khác không bằng họ nên họ không tin và thậm chí coi thường.
Cho nên những người hoạt động trước tiên phải trở thành người đàng hoàng.
Rồi làm các công việc thiết thực.
Thì sẽ dần dần mang lại thay đổi.
Chứ em thấy 45 năm rồi, có hàng trăm tổ chức bên ngoài, bỏ biết bao nhiêu tiền và sức lực, nhưng có thực sự tạo ra sự thay đổi gì không ? Trong nước có mấy ai biết đến họ không ? Hay chỉ là đấu tranh cho thỏa nỗi hận của mình ?...".
Những lời nói thật lòng của Minh Tâm, dù có thể khó nghe đối với nhiều người, đã làm tôi suy nghĩ nhiều.
"Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Đã 45 năm rồi, đã đến lúc chúng ta cần chăm chú lắng nghe bằng hai lỗ tai, bằng tấm lòng thành, bằng tình thương, sự đồng cảm và sự tôn trọng ý kiến của mỗi và mọi thành viên có tấm lòng cho Việt Nam, dù họ có trẻ đến mấy. Dù họ chỉ mới 15 hay 18 tuổi, 30 hay 35 tuổi. Tự do ngôn luận của mỗi người phải được tôn trọng phải không ạ ? Trên hết, họ đáng được kính trọng và trân quý bởi vì sự dấn thân và hy sinh của họ, ít có ai trong chúng ta ở hải ngoại hiểu thấu được.
Tôi cũng thực hiện một cuộc khảo sát rộng hơn, tuy vẫn còn giới hạn, với các nhà hoạt động tại Việt Nam cũng như các bạn trẻ trong và ngoài nước. Tôi sẽ trình bày những suy tư và ý kiến thẳng thắn của các bạn trong các bài tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 04/03/2020