Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/07/2019

Tại sao Việt Nam vẫn chưa nộp đơn kiện Trung Quốc ?

Nhiều tác giả

Kiện Trung Quốc : Bây giờ hoặc không bao giờ !

Tâm Don, VNTB, 28/07/2019

Vào năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực quốc tế ở Hà Lan (PCA). Vào năm 2014, Việt Nam cũng đã có động thái kiện Trung Quốc ra PCA để bảo vệ chủ quyền biến đảo của mình. Nhưng tất cả chỉ vẫn là động thái, mặc dù vào năm 2016, PCA đã ra phán quyết xác định đường lưỡi bò - đường chín đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra là phi lý và bất hợp pháp. Trung Quốc đang ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và lô 06.01, tại sao Việt Nam chỉ phản ứng yếu ớt và không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế ?

pca1

Tòa thường trực quốc tế ở The Hague - Hà Lan.

Trước việc Trung Quốc ngày càng thể hiện sự ngang ngược và tham lam đối với biển Đông, Philipiness đã nhanh chóng kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực quốc tế ở Hà Lan (Permament Court of Arbitration - PCA). Vào tháng 6/2016, tòa này đã đưa ra phán quyết cực kỳ quan trọng : Đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra là một đòi hỏi hoàn toàn vô lý và ngang ngược. Dù phán quyết của tòa này không có chế tài, nhưng nó là cơ sở khoa học và pháp lý buộc hai bên Trung Quốc và Philipiess tuân thủ. Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc tuy lớn tiếng phủ nhận nhưng ngay lập tức sự hung hăng và ngang ngược đã giảm xuống rất nhiều lần.

Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải là một phương án đã được Việt Nam tính tới. "Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình và văn minh được Hiến chương của Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Vì vậy, Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/7/2014 ở Hà Nội, dẫn theo báo Người Lao Động. Cũng đã có nhiều ý kiến tại Việt Nam kêu gọi chính phủ Việt Nam nên quốc tế hóa việc giải quyết yêu cầu chủ quyền tại biển Đông.

Năm năm sau, vào tháng 6 và tháng 7/2019, tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 và tàu cảnh sát biển Trung Quốc lại ngang ngược xâm phạm và khiêu khích chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại bãi Tư Chính và lô 06.01. Phản ứng của phía Việt Nam thật rụt rè và yếu ớt. Mãi đến ngày 17/7, người phát ngôn Bộ ngoại giao chỉ dám gọi tàu "của nước ngoài" xâm phạm lãnh hải Việt Nam mà không kèm theo thông tin chi tiết nào. Sau đó vào ngày 19/7, có lẽ trước áp lực quá mạnh của mạng xã hội, Bộ Ngoại giao đã chỉ đích danh tàu của Trung Quốc với những thông tin chi tiết hơn, và lời phản đối mạnh mẽ hơn.

Cần phải đặt ra câu hỏi : sự phản đối khá mạnh mẽ liệu có thực chất và giải pháp tiếp theo của Việt Nam là gì ? Tại sao vào tháng 7/2017, Việt Nam chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc trong việc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03, đồng thời im lặng về vụ việc cay đắng này ? Tại sao tiếp đó, vào tháng 3/2018, Việt Nam lại chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án tại lô 07.03, đồng thời tiếp tục im lặng về vụ việc cay đắng này ?

Việc Việt Nam chấp nhận hai yêu cầu của Trung Quốc đối với lô 136.03 và lô 07.03 có thể làm Việt Nam mất chủ quyền đối với hai lô này, và qua đó sẽ mất chủ quyền đối với nhiều lô dầu khí khác. Việt Nam có 67 lô dầu khí nằm lọt thỏm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang ngược nêu ra. Nếu Việt Nam cay đắng chấp nhận mất hai lô, Việt Nam có thể mất thêm nhiều lô khác trước những đòi hỏi ngày càng mang tính cơ bắp và trắng trợn của Trung Quốc.

Nếu liên kết việc Repsol phải hủy hai dự án vào năm 2017 và 2018 với phản ứng của Bộ Ngoai giao Việt Nam vào ngày 20/7 vừa qua, có thể đi đến khẳng định rằng, Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ phản ứng chiếu lệ, và Việt Nam chưa có chiến lược rạch ròi, thông suốt để bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông.

Trong bài viết "Không chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của Trung Quốc" được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23/7, giáo sư- Tiến sĩ James Kraska củaTrung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cũng xác định Bộ ngoại giao Việt Nam "vốn có xu hướng ôn hòa trong các bất đồng cùng người hàng xóm khổng lồ này".

Từ năm 2014 đến năm 2019 là một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn. Trong khoảng thời gian đó, Philipiness đã đạt được điều mình cần từ tòa quốc tế. Nhưng 5 năm sau lời tuyên bố của ông Lê Hải Bình, Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ động thái để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Trong bài viết "Không chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của Trung Quốc" được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23-7, giáo sư- Tiến sĩ James Kraska của Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ), một người Mỹ xa lạ, đã chỉ đường cho Việt Nam : "Điều thứ hai Việt Nam và các nước có thể làm là quốc tế hóa tranh chấp, để soi rọi vào hành vi của Trung Quốc, thông qua việc kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài có khả năng cưỡng chế, đồng thời cổ vũ các nước bên ngoài khu vực tham gia vào vấn đề này"…

Chính giới Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở bãi Tư Chính. Vào ngày 26/7, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát và nhận định đó là "sự hung hăng". Tuyên bố đăng trên trang chính thức của ông Engel cho rằng : "Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế". Hạ nghị sĩ Engel cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh cũng đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ đang hoạt động tại khu vực : " Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)".

Nếu Việt Nam không nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, Việt Nam đã vô tình tiếp tay cho các vi phạm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 28/07/2019

*******************

Người Phi ‘kiện Trung Quốc’ : Bài học quỳ hay đứng cho chóp bu Việt Nam

Thường Sơn, VNTB, 28/07/2019

Mùa mưa bão tháng 7 năm 2019, một lần nữa cơn sóng lừng mang tên Hải Dương của Trung Quốc lại chực chồm lên ‘thuyền nan đòi ra biển lớn’ của Hà Nội, áp thể chế này vào cái thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.

pca2

Khi gặp nguy, đà điểu và Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chỉ biết chui đầu xuống cát để trốn - Tranh minh họa

Tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp - một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.

Vào năm 2014 khi nổ ra vụ Hải Dương 981, nhân vật được dư luận xem là ‘quốc trưởng’ của chế độ độc đảng Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã thực hiện một chuyến đi được giới quan sát xem là "đặc biệt" tới Manila, Philippines. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là "đặc biệt nguy hiểm".

Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về "đối tác chiến lược" - có thể hiểu như một liên minh quân sự nhằm đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.

Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.

Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt - Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng "giương cao ngọn cờ thoát Trung" theo cách "nắm chắc ngọn cờ dân chủ" mà ông đã "bùng nổ" trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về "hữu nghị viển vông", Thủ tướng Dũng đã không chịu hé miệng thêm. Dù một chút.

Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ : ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.

Cũng cho tới nay, đã không có bất cứ động tác kiên quyết nào của phía Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về "Đường lưỡi bò".

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tình trạng cay đắng của nhà nước Việt Nam từ nhiều năm qua là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một tá đối tác chiến lược, kể cả "đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc" và "người bạn Nga truyền thống", nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh trong vụ HD 981 và vụ Bãi Tư Chính các năm 2017, 2018 và 2019.

Song hiện thực ngược ngạo là không phải "láng giềng gần" Trung Quốc mà chính những "bà con xa" như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.

Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. tháng 8/2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó cho đến tận bây giờ, Bắc Kinh không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.

Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Sau vụ"bắt Trung Quốc" trên, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng "kiện Trung Quốc" của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội : Philippines đã chính thức kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã giành được thắng lợi.

Khác hẳn thế dám đứng dậy của Philippines, sau vụ giàn khoan HD 981 và cho đến nay, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.

Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ "tàu lạ" mà không thoát nổi cơn nghẹn họng.

Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 28/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 502 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)