Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/07/2019

Trung Quốc múa gậy ở Biển Đông

James R. Homes

Khó có thể gạt Trung Quốc ra khỏi tiêu đề. Một vụ tranh chấp khác giữa Iran và Vương Quốc Anh, mỗi quốc gia đang chiếm giữ và quản lý một tàu chở dầu của nhau trong những tuần qua, đã làm lu mờ tin tức về mối hận thù truyền kiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc, khi các con tàu của hai quốc gia này đang đối đầu nhau ở bãi Tư Chính, điểm cực Tây chủ chốt của quần đảo Trường Sa. Với tất cả những gì đang diễn ra, cuộc tranh chấp ở biển Đông dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng không kém những hậu quả ở vịnh Ba Tư.

mua1

Tàu hải cảnh Trung Quốc và Việt Nam đang vờn nhau trên Biển Đông cạnh Bãi Tư Chính - Ảnh minh họa

Iran đòi quyền kiểm soát eo biển Hormuz. Trung Quốc đang nỗ lực củng cố kiểm soát 80% đến 90% biển Đông, gồm cả các vùng biển đã được phân chia cho các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á, chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Trong cả hai trường hợp, hệ thống tự do mậu dịch hàng hải, thương mại và các nỗ lực quân sự đã bị tấn công. Do đó, những người yêu thích tự do hàng hải có nhiệm vụ phải bảo vệ hệ thống. Tự do trên biển là khái niệm đã có suốt nhiều thế kỷ với ý nghĩa biển cả thuộc về tất cả mọi người chứ không của riêng ai, trừ một vài ngoại lệ nhỏ và có giới hạn. Không một nhà nước nào sở hữu biển và cũng không nhà nước nào có thể đưa ra luật pháp quy định người khác phải làm gì ở đó. Hải quân, lực lượng tuần duyên và tàu buôn có thể đi trên biển nếu có tuyến đường phù hợp.

Vì vậy, những cuộc xung đột này không chỉ liên quan đến eo biển Hormuz hay biển Đông. Các đại dương và biển trên thế giới là một khối nước liên kết với nhau. Các dân tộc di chuyển trên biển phải chấp nhận nguyên tắc tự do hàng hải không thể chia cắt.

Nó cũng không thể chuyển nhượng. Từ bỏ nó vì tình hữu nghị với một cường quốc duyên hải nhưng tham lam như Trung Quốc và một vài cường quốc ven biển khác sẽ tạo ra sự thách thức cho một số tuyến đường hàng hải khác. Điều hơi ngạc nhiên là Iran và Nga đã bắt đầu gây phiền toái tại các vùng biển kế cận với họ cùng vào khoảng thời gian Trung Quốc tiến hành chiến lược biển Đông.

Đây là chiến lược có tầm nhìn xa. Lùi lại vào năm 2009, Bắc Kinh đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ khẳng định chủ quyền không thể chối cãi về những vùng nước trong tuyến đường chín đoạn của họ, bao bọc 80% đến 90% Biển Đông. Chủ quyền có nghĩa là một chính phủ, là nhà lập pháp có toàn quyền đề ra các quy tắc luật lệ trong không gian địa lý được phân định bằng đường biên giới. Nói khác, đảng cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc đòi quyền ra lệnh cho mọi tàu bè và máy bay Trung Quốc và nước ngoài những gì có thể hay không có thể làm trong đường chín đoạn – giống như luật pháp Trung Quốc chi phối những gì công dân và ngoại kiều làm trong biên giới Trung Quốc, trên đất liền.

Kết quả Biển Đông sẽ trở thành phần nối dài về hướng biển của lãnh thổ Trung Quốc nếu Bắc Kinh đạt được yêu sách của mình.

Đó là bối cảnh lớn hơn quanh mối bất hòa Việt-Trung. Sau đây là một số chi tiết. Trong tháng này, tàu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đến đóng chốt tại một lô dầu khí ngoài khơi Bãi Tư Chính. Theo giải thích của giáo sư danh dự Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ đại học New South Wales, vùng nước chung quanh Bãi Tư Chính nằm trong "vùng đặc quyền kinh tế" của Việt Nam (exclusive economic zone), một vành đai ngoài khơi 200 hải lý do UNCLOS phân chia cho các quốc gia ven biển.

Đặc quyền có nghĩa là độc quyền : Hà Nội, chứ không phải Bắc Kinh, có độc quyền thu hoạch tài nguyên thiên nhiên từ nước và đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đáy biển chứa khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí đốt – một nguồn năng lượng dồi dào cho công ty dầu khí và quốc gia có thể khai thác.

Sự thịnh vượng và chủ quyền là những khoản đánh cược lớn nhưng cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội chỉ đưa ra những lực lượng khiêm tốn để đeo đuổi chúng. Các chiến hạm vỏ xám phô trương tên lửa nhưng không đe dọa nhau tại Bãi Tư Chính. Máy bay chiến đấu cũng không vụt bay trên bầu trời và đe dọa sẽ rải cơn mưa chết chóc xuống từ trên cao. Thay vào đó, theo báo cáo của Straits Times có trụ sở tại Singapore, lực lượng tuần duyên đã đối đầu ở vùng lân cận Haiyang Dazhi 8. Ca-nô của lực lượng tuần duyên không phải là tàu chiến. Lực lượng cảnh sát biển được trang bị vũ khí nhẹ hay không có vũ khí dưới quyền tài phán của nhà cầm quyền sở tại. Họ thi hành luật pháp quốc gia, cứu người đi biển thoát khỏi nguy hiểm và làm các công việc hành chánh tương tự. Ít khi họ tham gia chiến đấu – càng không như các tàu tác chiến ở tuyến đầu.

Tuy vậy, dường như các chính phủ đã biến lực lượng tuần duyên thành "cây gậy nhỏ", là công cụ để chọn lựa chính sách ngoại giao hàng hải của mình. Theodor Roosevelt thích đùa cợt với câu tục ngữ của miền Tây Phi Châu "nói nhẹ nhàng và cầm theo một cây gậy to và bạn sẽ đi xa". Roosevelt sử dụng phép ẩn dụ "cây gậy to" cả trong và ngoài nước nhưng trong vương quốc nước mặn, nó nói đến hạm đội tác chiến của hải quân Hoa Kỳ hay "Great White Fleet". Đối với ông, "đi xa" có nghĩa là ngăn chặn sự xâm lược của hải quân Nhật Bản và Đức tại các vùng biển nơi Hoa Kỳ có lợi ích quan trọng, chủ yếu là vùng biển Caribbean, vịnh Mexico và Tây Thái Bình Dương. Roosevelt cho rằng việc phát triển sức mạnh tác chiến của hạm đội, dù khiêm tốn, sẽ ngăn cản được các nhà lãnh đạo Đức và Nhật Bản. Nói chuyện nhẹ nhàng, đối xử lịch sự, sẽ làm cơn nóng giận không bùng nổ.

Nói khác, bằng chi phí của Mỹ và không phải chiến đấu, Roosevelt đang cố gắng làm nản lòng những đối thủ muốn gây xung đột quân sự – tốt nhất là với cảm giác thoải mái. Bắc Kinh và Hà Nội đang cố gửi thông điệp là họ có quyền đưa ra các nguyên tắc điều chỉnh những gì đang xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Tại sao không gửi hải quân – cây gậy to – để phát ra thông điệp đó ? Vâng, hải quân chiến đấu cho những gì đang tranh chấp ; tại sao phải thừa nhận là có tranh chấp ? Lực lượng tuần duyên quản lý vùng biển thuộc về bạn. Bằng cách điều động các tàu tuần dương vỏ trắng – cây gậy nhỏ – cả hai địch thủ đều tuyên bố rằng họ đang thực thi luật pháp ở vùng biển họ có chủ quyền.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn có lợi thế rõ rệt trong trận thi đấu này do được sự hỗ trợ của lực lượng hải quân lớn mạnh, máy bay và tên lửa từ đất liền. Quốc gia này nắm chặt một cây gậy to nhưng Việt Nam lại không – các nhà lãnh đạo Việt Nam biết các đối thủ Trung Quốc sẽ đập họ bằng cây gậy này nếu họ bất chấp ý muốn của Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có cơ hội leo thang quân sự nếu Việt Nam ngoan cố. Việt Nam không có nhiều chọn lựa. Theodor Roosevelt không chấp nhận các mục đích của Trung Quốc nhưng sẽ phải hoan nghênh những phương pháp của họ.

Nếu Trung Quốc múa cây gậy nhỏ tại hiện trường, nơi xảy ra xung đột, đồng thời cho biết cây gậy to đang trong tư thế sẵn sàng, họ sẽ đi xa. Để duy trì quyền lợi của mình, Việt Nam cần sự ủng hộ cứng rắn của các đồng minh.

James R. Homes

Nguyên tác : "China swings a small stick in the South China Sea", The Hill, 28/07/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(30/07/2019)

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)