Cụ thể theo Đề án của Bộ Nội vụ, đến năm 2030, ít nhất từ 40 – 60% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện sẽ có trình độ ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Học sinh, sinh viên tại Hà Nội tham gia một hoạt động do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Trả lời báo chí trong nước, ông Triệu Văn Cường, thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đề án được đặt ra là vì hiện nay đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt buộc phải được đào tạo ngoại ngữ.
Tiếng Anh giao tiếp : không dễ
Đề án có "quá sức" với cán bộ công chức, đặc biệt những cán bộ cấp tỉnh, huyện ? RFA đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29 tháng 7 và được ông cho biết như sau :
"Do vấn đề lịch sử để lại nên đội ngũ cán bộ hiện nay không được tiếp cận với tiếng Anh ngay từ nhỏ, nên khi đảm đương công việc rất hạn chế trong giao tiếp với người nước ngoài. Ngay cả nhiều cán bộ học vị tiến sĩ vẫn không nói được tiếng Anh. Đây là một thực tế mà xã hội đang rất quan tâm".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Viện nghiên cứu ISEAS ở Singapore, người từng tham gia nhiều hội thảo quốc tế có đoàn Việt Nam tham dự, khi trao đổi với RFA hôm 29/7 đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :
"Những người dẫn đầu đoàn Việt Nam ra quốc tế thì họ đọc rất tốt, nhưng nói không được, chẳng hạn như đoàn quân sự thì ông bộ trưởng hay Thứ trưởng Vịnh thì đọc rất tốt, hiểu tất cả các vấn đề, nhưng không nói được. Trước đây có ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thì nói tiếng Nga rất tốt, đọc hiểu tiếng anh nhưng cũng không nói được. Để khắc phục khoảng trống đó thì họ có những người thông dịch rất giỏi".
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ngoại ngữ của các quan chức được chính quyền nhắc đến. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hồi năm 1996, khi đó thủ tướng Việt Nam là ông Võ Văn Kiệt, đã từng đưa ra chỉ thị, các bộ từ thứ trưởng trở lên phải nói tốt tiếng Anh. Tuy nhiên Tiến sĩ Hợp nói tiếp :
"Nhưng cho đến nay, rất nhiều thứ trưởng không nói được tiếng Anh. Không chỉ thứ trưởng một bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là có bậc lương ngang thứ trưởng, ngạch ngang thứ trưởng, cũng rất ít người nói được tiếng Anh".
Đặt mục tiêu quá "sức"
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường Courtesy of truongnoivu.edu.vn
Theo dự thảo Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp", 100% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, huyện sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tương ứng tiêu chuẩn ngạch, chức vụ. Trong đó, 50-60% cán bộ ở Trung ương, 25-35% cán bộ cấp tỉnh và và 20-25% cấp huyện, được đào tạo ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Trả lời RFA hôm 29/7 từ Đà Nẵng, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên hiện đang giảng dạy chuyên ngành Anh Văn tại trường Đại học Đà Nẵng, nhận định :
"Theo tôi nghĩ đào tạo thì phải theo môi trường sử dụng và có kế hoạch, chẳng hạn như các cán bộ công chức ở thành phố lớn, có cơ hội giao tiếp với quốc tế như Cần Thơ, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội… thì tôi nghĩ sẽ khả thi. Nhưng những vùng xa hay hẻo lánh thì sẽ khó khả thi vì không có điều kiện dùng tiếng Anh với người bản ngữ".
Theo ông Hưng, con số công chức từ 40 đến 60% là một con số lớn và hơi quá tham vọng. Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng, phải có kế hoạch xa hơn, đặt lại mục tiêu của đất nước, chẳng hạn làm việc trong môi trường quốc tế trong bình diện nào, lúc đó mới định hình được ngôn ngữ. Ông nói :
"Ngôn ngữ phục vụ cho phát triển và giao thiệp quốc tế, mà để đạt tầm quốc tế thì ít nhất phải đạt tầm từ B2 đế C1, lúc đó mới đủ chuẩn làm việc với nước ngoài. Là chuẩn Châu Âu chứ không phải chuẩn A, B, C của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ cái đó cũng sẽ mất nhiều thời gian và chưa thể làm được ngay. Còn mục tiêu này nếu đưa ra con số thấp hơn thì tôi nghĩ có thể đạt được".
Ngoài những con số kỳ vọng mà dự thảo Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp" đưa ra. Có một điểm được cho là bất hợp lý khi yêu cầu15-20% cán bộ, công chức ở cấp xã trên toàn quốc, phải đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định :
"Nếu trên miền núi thì không cần tiếng Anh, nếu sát biên giới thì cũng cần ngoại ngữ, chỉ cần ở cấp tỉnh biết. Còn những xã giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia thì thường bắt buộc họ phải biết tiếng của nước láng giềng. Còn tỷ lệ đó ở cấp bộ thì theo tôi không chỉ 60% mà phải cần 100% biết ngoại ngữ, hay ít nhất cũng 95%".
Ông Lê Văn Cuông tuy ủng hộ đề án này, nhưng cũng đưa ra cảnh báo không thể tùy nghi. Ví dụ cán bộ công chức nào từ cấp xã trở lên có giao dịch quốc tế, thì cần được thống kê bồi dưỡng, nhưng với điều kiện nếu không đạt được trình độ nhất định, không hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại, thì sẽ luân chuyển, thay thế bằng người khác.
Theo Bộ Nội Vụ, Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp" bắt đầu thực hiện từ năm 2019 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2019-2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng Chương trình học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức của đơn vị mình theo nhóm đối tượng cụ thể. Giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án này.
Trung Khang