Vừa qua, hình ảnh nhiều em học sinh ở tỉnh Hải Dương ngồi bệt trên nền đất đọng nước vào ban đêm, bên cạnh là mộ các liệt sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam để chờ thắp nến kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 gây nhiều ý kiến trái chiều.
Hình minh họa. Học sinh đi đám tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Hà Nội hôm 26/9/2018 AP
Ông Nguyễn Việt Dự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Trung, tỉnh Hải Dương hôm 29/7/2019 lên tiếng giải thích về vụ việc cho hay, không có việc để các em nhỏ học sinh ngồi bệt duới nền đất trong mưa mà cán bộ được ngồi ghế trong rạp và cũng không có chuyện để học sinh dầm mưa tập luyện trong nhiều ngày.
Theo ông này, thời điểm tấm ảnh được chụp là khi tắt điện để các em ngồi cạnh mộ chờ thắp nến và hoạt động này chỉ diễn ra trong vài phút trong toàn bộ buổi lễ là 30 phút.
Hình ảnh học sinh Trường Trung học cơ sở Thị trấn Tứ Kỳ tham dự lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ vào tối ngày 26/07/19. Courtesy : danlambaovn.blogspot.com
Giáo viên hiệu trưởng trường mầm non Quang Trung còn cho rằng, việc các em làm thế là tự nguyện, không có chuyện ép buộc và cha mẹ học sinh thậm chí còn đăng ký đi cùng hay vui vẻ đưa con em mình đi.
Thực tế thì sao ?
Đây không phải là lần đầu tiên các em học sinh tham gia vào các sự kiện mang tính chất chính trị của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Hồi tháng 2/2019, nhiều người dân ở Lạng Sơn đặc biệt là học sinh phải mặc áo mưa, xếp hàng từ tờ mờ sáng trong trời mưa tầm tã để chào đón Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đi tàu lửa đến Việt Nam để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim.
Hay các buổi lễ khai giảng năm học mới ở những ngôi trường có lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến dự, học sinh thường được huy động vẫy cờ, vẫy hoa chào đón bất kể là nắng hay mưa.
Hồng Xuân, nhân viên văn phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh kể lại thời điểm năm 2013 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tất cả các học sinh trường trung học phổ thông Trưng Vương, ngôi trường cách hội trường Thống Nhất 2 km đều được huy động đi viếng. Lúc đó Hồng Xuân là học sinh của trường này.
"Thật ra lúc Đại tướng mất, chỉ có hơn 10 học sinh trong trường biết thôi. Hôm đó, vừa vào buổi chào cờ thì tôi thấy nhà trường bắt học sinh đứng hết lên rồi cột cờ lại (bằng băng đen), thông báo là để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời.
Ngay trước giờ ăn trưa ngày hôm đó, giáo viên chủ nhiệm thông báo là chiều nay, học sinh phải đi bộ qua Dinh Thống Nhất để viếng Đại tướng.
Thông báo đưa ra bất ngờ làm nhiều học sinh không kịp báo cho phụ huynh, nhưng nếu ai không đi thì bị dọa sẽ hạ bậc hạnh kiểm.
Cả trường phải đi hết, xếp hàng đi từng tốp, hết đoàn này đến đoàn khác nối nhau vào thắp hương.
Có cả giám thị đi theo, canh không cho ai bỏ về giữa chừng, ai làm trái là bị hạ hạnh kiểm. Hôm đó, đến 7-8 giờ tối mới xong".
Hình minh họa. Người dân cầm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội khi xe tang đi qua hôm 13/10/2013 AFP
Theo cô Hồng Xuân, do không yêu thích môn lịch sử, không biết nhiều về người qua đời cũng như bị ép buộc phải đi do sợ bị trừ hạnh kiểm nên khi viếng nhiều người cũng không có cảm xúc gì. Mặc dù rất nhiều máy quay có mặt ngày hôm đó để bắt trọn tình cảm của học sinh đối với Đại tướng.
Cô Hoàng Oanh, hiện đang là giảng viên tại một trường Đại học Luật ở Việt Nam nói rằng, cá nhân cô từ nhỏ đã không thích tham gia các hoạt động mang tính chất tuyên truyền như vậy. Tuy nhiên, theo cô, nếu nói một cách khách quan, các Đoàn viên thanh niên dường như rất thích và luôn sẵn lòng tình nguyện có mặt ở những sự kiện đó.
"Cách làm của các nước cộng sản"
"Đó là một sự phản giáo dục, là sự tệ hại, dốt nát của nền giáo dục này. Ở đây họ (chính quyền -PV) chính trị hóa tất cả mọi vấn đề trong đời sống xã hội.
Thậm chí biến trẻ con thành công cụ của họ. Việc bắt trẻ con ngồi trên mộ giữa đêm, trong khi người lớn ngồi ghế có mái che là không thể chấp nhận được", Giáo sư Hà Văn Thịnh, nguyên giảng viên trường Đại học Huế hôm 31/7 nhận xét về vụ việc.
Hình minh họa. Học sinh và người dân đến đón Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un ở ga Đồng Đăng, Lạng Sơn hôm 26/2/2019 AFP
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đang dạy tại một trường phổ thông ở ngoại thành Hà Nội, cho rằng bắt các em học sinh ra nghĩa trang vào ban đêm là việc làm rất phản cảm, bất thường và không mang bất kỳ một ý nghĩa giáo dục thiết thực nào, thậm chí có thể còn ảnh hưởng đến tâm lí của các em.
"Các nước cộng sản nói chung thường có cách làm như vậy. Họ thường tổ chức các cuộc diễu binh tuần hành có định hướng, huy động lực lượng đoàn đội và học sinh ở nhiều trường tham gia các hoạt động để thể hiện quan điểm chính trị theo ý của họ.
Không chỉ việc đi viếng nghĩa trang hay mít-tinh gì đó, họ còn có những việc làm phản cảm khác như là huy động học sinh đấu tố, phá phách các Giáo hội như sự việc xảy ra ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh (khi người dân nhiều lần biểu tình phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường). Thậm chí, dùng học sinh để đấu tố ngược lại cha mẹ chúng.
Đó là những việc mà các nước theo chủ nghĩa Cộng sản hay sử dụng. Tôi cho rằng sau này khi đất nước thay đổi, người ta sẽ nhận thấy đó là những trò phản cảm nực cười".
Cô Xuân Mai, một giáo viên môn Hóa đã về hưu chia sẻ, việc bắt học trò tham gia các sự kiện tưởng niệm hay tương tự như vậy chỉ nhằm mục tiêu tuyên truyền.
"Sau mấy chục năm đi dạy, tôi nhận thấy rằng không chỉ riêng ngành giáo dục mà các ngành khác cũng vậy, chỉ có đảng viên mới được làm lãnh đạo, đảng viên mới được làm hiệu trưởng.
Và đương nhiên, đảng viên thì sẽ phục vụ cho Đảng. Nên chuyện bắt học sinh tham gia hết sự kiện này tới sự kiện khác không nằm ngoài mục tiêu tuyên truyền cho Đảng".
Quy định về việc học sinh tham gia hoạt động ngoại khoá
Thầy Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng với các vụ chống gian lận thi cử, cho biết không có quy định nào bắt buộc các học sinh phải tham gia các hoạt động đã nêu, cũng không có quy định bảo rằng học sinh không được quyền từ chối.
"Thực ra, vấn đề này nên để cho phụ huynh tự nhận thức. Rất tiếc là ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều phụ huynh quên đi cái quyền của trẻ em, quên đi rằng mình có quyền từ chối thực hiện những việc không đúng, nhưng họ vẫn còn mang tâm lý lệ thuộc sợ hãi".
Giảng viên đại học Hoàng Oanh cho biết thêm :
"Việc huy động học sinh, sinh viên thường chỉ dựa trên các công văn điều động của trường, vốn có tính nhất thời cho từng hoạt động khác nhau. Học sinh, sinh viên tham gia như một nghĩa vụ thôi.
Về luật thì không có điều luật nào cấm các trường huy động học sinh, sinh viên tham gia các sự kiện của trường, hay phối hợp với tỉnh cả (dù có mang màu sắc chính trị hay không).
Còn nếu lập luận chỉ dựa trên lý lẽ, thì cũng như cách mà tuyên giáo cáo buộc các Giáo dân lợi dụng trẻ em đi biểu tình vụ Formosa thôi".
Trở lại với sự việc ở tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quang Trung Nguyễn Tiến Đông chia sẻ với TTXVN :
"Thắp nến tri ân là việc làm thường niên được địa phương tổ chức. Đây là việc làm tốt đẹp, không chỉ có ý nghĩa tinh thần với gia đình thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đây là dịp để người dân nhất là thế hệ trẻ thêm hiểu rõ, tri ân những mất mát, hy sinh xương máu của thế hệ cha anh đã đóng góp để bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền non sông, đất nước. Ở xã Quang Trung, hoạt động này luôn nhận được sự hưởng ứng và đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 31/07/2019